chan_dung-ke_si

TAI NẠN – Truyện ngắn Lý Lan

24-12-2023

Lượt xem 1283

Đánh giá 0 lượt đánh giá

Chia sẻ

  Lý Lan

TAI NẠN – Truyện ngắn Lý Lan

Nhà văn Lý Lan

Chân Dung Kẻ Sĩ: “Kiếm rồi. Mới kiếm ra một người, nhè đâu là đồ lại cái”.

Cẩm bước vào nhà đóng cửa lại. Thanh cầm khăn giấy lau mặt mũi cổ và tay. Anh vò viên chiếc khăn trong lòng bàn tay, quăng nó qua hành lang, gõ cửa. Cẩm mở cửa ra hỏi gì vậy. Thanh nói cho anh đi nhờ toa-lét. Cẩm bất đắc dĩ để anh vào. Anh ở trong toa-lét mười phút rồi bước ra trần trụi, chỉ quấn ngang hông cái khăn tắm của Cẩm. Chị kinh ngạc đến nỗi không có một phản ứng nào. Thanh ôm chị vật xuống giường, môi anh chà miết da thịt chị.

“Phải thử mới biết thằng nào lại cái”

“Cẩm lượm đâu ra thằng nhỏ vậy?”

“Người ta ba chục tuổi rồi”

“Cẩm bao nhiêu?”

“Già rồi”

“Lẽ nào. Trông Cẩm còn trẻ lắm”

“Ðang hồi xuân mà”

Mấy chị em bạn cười vang. Tuổi tác họ không đều nhau, chỉ là đồng nghiệp, buổi trưa rủ đi ăn chung rồi về phòng làm việc mở máy lạnh, nói vài ba câu chuyện tào lao để dỗ giấc ngủ trưa vài mươi phút. Chiều tan sở nhà ai nấy về, đời ai nấy sống.

Cẩm độc thân, cao một mét năm tám, nặng bốn mươi bảy ký, toàn bộ con người kể cả áo quần giầy nón, chỉ có cái mũi là đẹp. Chị làm việc trong phòng vi tính của công ty, công việc cụ thể là nhập dữ liệu vào máy tính. Lương một triệu tư, lễ tết và ngày phụ nữ thì có tiền thưởng và quà. Quà mùng 8/3 là quà xổ số, có khi chị được tấm vải áo, có khi được cuốn sách dạy cách nuôi con. Chị mở lớp giấy bao ra, giơ phần quà lên cho mọi người xem mà không kịp đọc tựa sách. Ðám người có mặt oà ra cười như đã ngứa, kẻ vỗ tay, kẻ giậm chân, nhiều người cùng nói lớn, giọng chỏi lỏi không đồng thanh, “Lấy chồng đi, đặng đẻ mà nuôi con”, “Ðộc thân có con cũng được mà”.

Cẩm đem cuốn sách về phòng làm việc, để trong ngăn kéo bàn giấy. Tới bây giờ cũng chưa giở ra xem. Chị quên nó tự nhiên như chị đã quên bông hồng của các nam đồng sự hùn tiền đặt mua hàng loạt rồi cử đại diện phát cho mỗi nữ nhân viên một bông. Chị cũng đem bông hồng về phòng làm việc, cắm vào ly nước để trên bệ cửa sổ, có khi bông nở được hai ba ngày, có khi bông gục đầu tàn buổi chiều đó. Dù sao thì hoa hay quà cũng coi như hoàn thành nhiệm vụ.

“Ngày nghỉ Cẩm làm gì?”

“Ngày nghỉ mà còn làm gì (ngừng một lát). ờ thỉnh thoảng cũng đi chơi.”

“Cẩm thích đi chơi đâu?”

“Ði đâu cũng được (ngừng một lát). Ði leo núi chẳng hạn.”

Vậy chủ nhật này mình đi núi Bửu Long chơi”

“Chơi thì đi. Chứ Bửu Long đâu còn núi.”

Thanh hơi chựng, nhưng cũng hài lòng là đã hẹn được một cuộc chơi. Kể ra không khó cũng không dễ, đằng nào Cẩm cũng nhận lời, dù không bộc lộ nhiệt tình hay hứng thú. Thanh nghĩ Cẩm không khó tánh, không ngu đần, chỉ hơi thờ ơ. Khi Thanh sắp nản lòng với những câu chuyện suông không có vẻ đi tới đâu hết, thì anh chợt hiểu rằng Cẩm thật ra không hoàn toàn hờ hững với ai, ngược lại hình như chị đang mở đường, đang dẫn dụ anh. Ưu điểm của Thanh là trắng trẻo, sạch sẽ, nói năng nhỏ nhẹ, không rượu chè cờ bạc thuốc lá. Hai người gặp nhau tình cờ trong đám đông, nói qua nói lại vài câu chuyện, ngẫu nhiên lại về chung đường, hoá ra họ cùng ở trong một chung cư, tuy rằng khác lô. Phòng mỗi người đều có điện thoại, họ có thể nói chuyện với nhau một cách tự nhiên rồi thân mật, mà không cần phải đối mặt nhau- dễ bối rối. Tuy vậy họ cũng gặp nhau gần như mỗi ngày: Sáng trên đường đi làm và chiều tan sở, không biết là tình cờ hay cố ý của người nào. Thanh đoán Cẩm lớn hơn mình vài tuổi.

Ði chơi núi về trời đã tối. Có một cơn mưa kéo dài từ trưa đến chiều, khiến hai người phải ngồi suốt bốn tiếng đồng hồ trong quán nước ven xa lộ. Cái quán bị dột và đông người trú mưa. Thanh rất bực mình vì giầy bị lấm bùn và người chung quanh hôi quá, anh liên tục dùng khăn giấy lau mặt mũi cổ và tay. Thật ra mưa từng đợt, lúc mưa ngớt giữa hai đợt mưa to, một số người hối hả rời quán, băng qua mưa mà đi công chuyện của mình. Thanh nhìn sợi mưa lưa thưa ngần ngại, có ý chờ mưa dứt hột, nhưng đợt mưa khác đã bị gió thổi tới.

Mưa riết không còn chuyện gì để nói. Cẩm thôi nhìn mưa, quay vào nhìn vợ chồng chủ quán. Ban đầu họ hục hặc cự nự một cách đè nén vì quán có khách. Cuối cùng xung đột bùng nổ, dữ dội. Không chỉ lời lẽ văng tùm lum mà thau chậu, siêu nước, ghế đẩu bay vèo vèo. Thanh và Cẩm cùng mấy vị khách khác chạy ra khỏi quán tị nạn ngoài hiên. Lúc ấy mưa gió gào thét phụ hoạ tiếng bầy trẻ khóc lóc và tiếng người đàn bà kêu la. Ông chồng phẫn uất đến cực độ, chụp con dao Thái Lan nhào tới đâm người vợ. Cẩm hét lên “Ðừng”. Thanh chau mày né ra thêm chút nữa, tay cầm khăn giấy lau mặt mũi cổ và tay. Mưa tạt mạnh quá người đứng ngoài hiên nào cũng ướt lem nhem. Người chồng cắm phập con dao xuống mặt bàn gầm gừ.

“Tao giết mày”.

“Giết đi”.

“Mày đừng tưởng tao không dám hả?”

“Ðồ hèn”.

“Ðồ đĩ”

“á. Cứu tôi với”.

Người vợ chạy bổ ra cửa, người chồng lao theo bén gót. Thanh nép vào hiên. Người đàn ông đứng sau Thanh phải nhảy vọt ra chụp cánh tay người đàn chồng. Ông ta hình như chỉ chờ một sự can thiệp để đứng lại dưới mái hiên chửi với ra người vợ đang kêu trời trong mưa.

“Ðồ đĩ. Tao mà hèn hả?”

Mưa tạnh. Cẩm và Thanh rời quán, không ai nói gì với ai suốt con đường vào thành phố, cho đến khi về đến cửa phòng Cẩm. Chị đứng ở cửa còn khoá nói cảm ơn Thanh về một ngày vui, nếu trời không mưa. Thanh có vẻ áy náy, nhưng không có vẻ vì cơn mưa làm cuộc đi chơi mất vui, mà vì mưa gió làm bộ dạng của anh không được chỉnh tề: Tóc tai ướt dính bết da đầu, áo quần ướt dính bết da người, không còn đâu vẻ thư sinh nho nhã thường ngày. Anh đứng nhìn Cẩm mở khoá cửa.

“Cẩm ở một mình sao?”

“Một mình”.

“Không sợ à?”

“Không”.

“Thờ chủ nghĩa độc thân hả?”

“Không”.

“Vậy kiếm một người đàn ông đi”.

“Kiếm rồi. Mới kiếm ra một người, nhè đâu là đồ lại cái”.

Cẩm bước vào nhà đóng cửa lại. Thanh cầm khăn giấy lau mặt mũi cổ và tay. Anh vò viên chiếc khăn trong lòng bàn tay, quăng nó qua hành lang, gõ cửa. Cẩm mở cửa ra hỏi gì vậy. Thanh nói cho anh đi nhờ toilet. Cẩm bất đắc dĩ để anh vào. Anh ở trong toa-lét mười phút rồi bước ra trần trụi, chỉ quấn ngang hông cái khăn tắm của Cẩm. Chị kinh ngạc đến nỗi không có một phản ứng nào. Thanh ôm chị vật xuống giường, môi anh chà miết da thịt chị.

“Phải thử mới biết thằng nào lại cái”

Cẩm không ngờ.

Thanh cũng không ngờ. Anh đứng dậy nhìn vết máu trên tấm ga trải giường, lấy cái khăn tắm phủ lên lấp liếm, áy náy:

“Không ngờ Cẩm còn trinh”.

Mấy ngày sau họ không gặp nhau, tuy họ vẫn đi về trên cùng con đường như trước đây. Có lần chuông điện thoại reo, Cẩm nhấc máy nói A-lô, bên kia đầu dây im lặng, rồi cúp máy. Cẩm suy nghĩ một đêm và kết luận mình bị tai nạn, té lầu hay đụng xe chẳng hạn: Không tiên liệu được, ngoài ý muốn nạn nhân, hậu quả tệ hại, trách mình hay trách người cũng vậy thôi. Chị đã giặt tấm ga, sau bỏ luôn, tẩy uế toa-lét, dọn dẹp nhà cửa, sống tiếp tục cuộc đời mình. Khoảng một tháng sau chị đi khám phụ khoa vì nghĩ mình bị chứng rối loạn tiền mãn kinh. Bác sĩ nói chị có thai. Trong mấy tháng sau đó tất cả suy nghĩ của chị tập trung vào một điểm: Phá thai hay không. Khi chị cuối cùng đi được tới quyết định phá thì bác sĩ bảo cái thai đã tựu hình đến mức mà giết nó đi sẽ di lụy nghiêm trọng đến tâm lý của người mẹ. Cẩm sắp xếp lại suy nghĩ và cảm xúc của mình, như lập chương trình khác cho máy vi tính. Một người dù đẹp dù xấu, đoan trang hay đĩ thoã cũng có thể gặp tai nạn té lầu hay đụng xe, có thể gẫy giò, và suốt cuộc đời còn lại phải sống với cái chân gỗ. Chị đã cầm như mình bị tai nạn. Cuộc sống từ đây chị biết là sẽ không dễ chịu, nhưng nếu không thể khác đi thì chị phải có một chương trình thích nghi trong khả năng chịu đựng được.

Những Hồng, Huyền, Bạch, Hoàng thường ăn trưa và tán dóc với Cẩm là những người nhận thông tin trước tiên. Hồng cất sổ sách vô ngăn kéo, đi ngang chỗ Cẩm làm việc rủ đi ăn. Cẩm ừ, vẫn ngồi ở bàn giấy cúi đầu đọc sách.

“Cẩm đọc gì mà chăm chú vậy?”

“Sách nuôi dạy con”

“Bộ có chửa rồi sao?”

“ừ”

“Giỡn?”

“Thiệt”.

Cẩm đứng dậy xoay người cho Hồng kiểm tra eo co. Phụ nữ có thể giữ bất cứ bí mật nào, trừ cái thai trong bụng. Cẩm không cần công bố cũng không coi đó là bí mật. Ðằng nào thì cũng chỉ có chị là người sống cuộc đời của chị mà thôi.

Một buổi tối chuông điện thoại reo.

“Có phải Cẩm đang ... đang”

“Có thai”

“Ðó là... là...”

“Con của Thanh”.

“Tại sao không nói cho tôi biết?”

“Rốt cuộc làm sao Thanh biết?”

(Im lặng) “Cẩm nghĩ tôi là một thằng đốn mạt sao?”

(Im lặng)

“Tôi không phải là một thằng vô trách nhiệm. Một thằng đớn hèn. Một thằng đểu...”

(Im lặng)

“Cẩm, anh yêu em”.

“Tôi không yêu anh”.

“Cẩm, hãy tin anh”.

“Không phải vấn đề khả tín của lời tỏ tình qua điện thoại. Vấn đề là tôi không yêu anh”.

Thanh đến phòng Cẩm, mất mười tám phút đứng ngồi không xong rồi mới đặt vấn đề kết hôn. Cẩm nói không cần thiết.

“Nếu sau này anh không từ chối đứa trẻ thì nó là con anh. Nhưng tôi không cần một người chồng”.

“Cẩm. Tôi rất tiếc chuyện đã xảy ra. Nhưng tôi không phải là một thằng khốn nạn.”

“Tôi không nói như vậy”.

“Vậy tại sao Cẩm không chịu cưới?”

“Không cần thiết”

“Chứ không phải Cẩm chê tôi nghèo?”

(Im lặng)

“Tôi biết, thân tôi ở đậu, việc làm bấp bênh, cha mẹ ở quê nhà đói ăn, em út đông chỉ trông cậy vào mình. Nên tôi đã không dám đèo bòng. Nhưng tôi không phải là một thằng đớn hèn, vô trách nhiệm”.

“Tôi hiểu”

“Không. Cẩm không hiểu”.

Cẩm nhìn người đàn ông trước mặt, chú ý tới nước da, vóc dáng, mắt mũi, vì đó có thể là những đặc điểm di truyền cho đứa trẻ đang cựa quậy trong lòng chị. Chị thường nghĩ sau này sẽ sống như thế nào với đứa con. Nhưng chị không hề xét đến trường hợp chung sống với một người đàn ông cứ khẳng định rằng chị không hiểu anh ta, người đàn ông mà chị biết rõ mình không yêu, không trọng, cũng không hoà hợp được.

“Cẩm. Tôi nhắn ba má tôi vô hỏi cưới Cẩm nhé”.

“Không cần thiết”.

“Cẩm có nghĩ đến những miệng lằn lưỡi môi, búa rìu dư luận chung quanh không?”

“Không. Ðời tư của tôi mắc mớ gì thiên hạ”

“Ðời tư của cô? Nhưng thiên hạ ì xèo tôi là cha đứa trẻ? Cô trả đũa tôi bằng cách làm cho thiên hạ chửi vào mặt tôi, coi tôi là một thằng đểu. Nhưng tôi không phải như vậy. Cô đừng biến tôi thành một thằng như vậy”.

Một nỗi đau rất cụ thể lan tỏa và thẩm thấu làm buốt dần trái tim Cẩm. Cuối cùng trái tim tê liệt cảm xúc, chỉ tồn tại như một bộ phận của cơ quan tuần hoàn. Nó vẫn đập, khi chậm khi nhanh tuỳ điều kiện khách quan. Nhịp đập của nó chứng thực là Cẩm đang sống về mặt sinh học. Nó không đo được kích thước nỗi buồn lẻ loi kinh khủng này. Cẩm hít sâu, nhắm mắt, nén thở. Không còn gì tồn tại bên ngoài hay bên trong chị nữa. Chỉ là một khoảng không mênh mông. Trong một phần ngàn giây chị tưởng mình cảm nhận được cái điều nháng lên trong óc một người trong một phần ngàn giây khi người đó rơi xuống vực. Không phải là cân nhắc một quyết định khôn hay dại, nên hay đừng. Chỉ là sự mê hoặc phi thực của chiều sâu thăm thẳm đáy vực. Người ta rơi xuống vì trái đất có trọng lực. Không vì người ta muốn hay không. Cẩm mở mắt ra để nhìn rơi vào khoảng không mênh mông giữa hai người ngồi cách nhau gang tấc.

“Cưới tôi, không cần lễ vật. Ðôi bông với chiếc nhẫn là được. Cha mẹ tôi đã qua đời, không cần nghi lễ rườm rà. Bạn bè lối xóm đồng sự gom lại chừng trăm người, tôi đãi được. Thanh về lo phần Thanh đi”.

 

Cùng tác giả:

CỎ HÁT - Truyện ngắn Lý Lan

Bài liên quan
  • KÝ SỰ CAO LẠNG - NGUYỄN HUY TƯỞNG

    KÝ SỰ CAO LẠNG - NGUYỄN HUY TƯỞNG

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ký sự Cao Lạng của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng được ghi nhận là một trong những tác phẩm dài hơi đầu tiên của nền văn học kháng chiến chống thực dân xâm lược Pháp, đại diện xuất sắc cho thể loại ký sự trong văn học sử Việt Nam thời hiện đại. Tác phẩm như một thiên sử thi, ghi lại những diễn biến lần đầu tiên Quân Đội Nhân Dân Việt Nam tiến công quân xâm lược Pháp, do đích thân Hồ Chủ Tịch ra trận chỉ đạo, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đảm nhận trọng trách chỉ huy trưởng chiến dịch. Ký Sự Cao Lạng cùng với một số tác phẩm khác của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh (giải thưởng diễn ra 5 năm một lần) trong lần đầu tiên giải thưởng này được tổ chức năm 1996.
  • MÙA GỤ - Truyện thiếu nhi Trần Tâm

    MÙA GỤ - Truyện thiếu nhi Trần Tâm

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mùa Gụ là truyện ngắn trong tập Ngày mai sẽ nắng của nhà văn Trần Tâm, Nxb Kim Đồng in năm 2002.
  • ĐI COI NƯỚC -Truyện ngắn Nguyễn Trọng Nghĩa

    ĐI COI NƯỚC -Truyện ngắn Nguyễn Trọng Nghĩa

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chuyện của nhà văn gốc Cà Mau, về miền sông nước...
  • CHUYẾN XE CUỐI NĂM - Truyện ngắn Thanh Tịnh

    CHUYẾN XE CUỐI NĂM - Truyện ngắn Thanh Tịnh

    Chuyến xe lửa đêm ra Bắc hôm nay có vẻ hấp tấp vội vàng như người đi trốn nợ. Thỉnh thoảng đầu xe lại thét vội giữa quãng đồng không, xa xa. Nghe như hơi thở của đêm vắng.
  • LÀN GIÓ CHẢY QUA – Truyện ngắn Lê Minh Khuê

    LÀN GIÓ CHẢY QUA – Truyện ngắn Lê Minh Khuê

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Làn gió chảy qua là truyện ngắn trong tập truyện cùng tên được trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2016.
  • THÁNG BẢY – Truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh

    THÁNG BẢY – Truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Tháng Bảy là truyện không ngắn như những truyện ngắn khác mà nhà văn Phan Thị Vàng Anh thường viết, nó dài hơn hẳn. Truyện được viết khi tác giả tham dự chương trình viết văn của Đại học Iowa, Mỹ, đăng trên TTCT năm 1996.
  • HỌC TRÒ GIÀ – Truyện ngắn Trần Kim Trắc

    HỌC TRÒ GIÀ – Truyện ngắn Trần Kim Trắc

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhà văn quê gốc Chợ Gạo Trần Kim Trắc, còn được biết đến với tên gọi Ông Thiềm Thừ, theo tên một truyện ngắn xuất sắc của ông, là một trong những cây đại thụ của văn chương Nam Bộ. Truyện nào của ông, cũng như gieo những cơn mưa Nam Bộ, thấm đẫm từng trải và bạt ngàn vốn sống lên văn đàn.
  • ĐẢO CỦA DÂN NGỤ CƯ – Truyện ngắn Đỗ Phước Tiến

    ĐẢO CỦA DÂN NGỤ CƯ – Truyện ngắn Đỗ Phước Tiến

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Truyện ngắn Đảo của dân ngụ cư của nhà văn Đỗ Phước Tiến in trên báo Văn học và Dư luận năm 1992, ngay lập tức đã gây chú ý  tới đông đảo độc giả yêu mến văn chương. Năm 1994, Đảo của dân ngụ cư đã được dịch sang tiếng Pháp với tựa Terre des éphémères và được lấy làm tên cho một tập truyện xuất bản ở Paris. Truyện cũng được dịch sang tiếng Anh với tựa The Way Station trong tuyển tập Night, Again xuất bản tại New York năm 1996. Đến năm 2016, tại Việt Nam, nó được chuyển thể thành phim điện ảnh cùng tên do Hồng Ánh đạo diễn.
  • THẾ GIAN MỘT THẺO NHÂN TÌNH – Truyện ngắn Nguyễn Trọng  Nghĩa

    THẾ GIAN MỘT THẺO NHÂN TÌNH – Truyện ngắn Nguyễn Trọng  Nghĩa

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Truyện ngắn THẾ GIAN MỘT THẺO NHÂN TÌNH của Nhà văn Cà Mau Nguyễn Trọng Nghĩa in lần đầu trên báo Tuổi trẻ chủ nhật sau đó in trong tuyển tập Truyện ngắn hay Tuổi Trẻ Chủ Nhật, nhà xuất bản Trẻ 2005.
  • ĐIỆU MAMBO HƯ ẢO – Truyện ngắn Nguyễn Đình Tú

    ĐIỆU MAMBO HƯ ẢO – Truyện ngắn Nguyễn Đình Tú

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhà văn Nguyễn Đình Tú đến với văn chương từ cuộc thi Tác Phẩm Tuổi Xanh của Báo Tiền Phong năm 1995, với giải thưởng cho truyện ngắn Niềm vui của một dòng họ. Nhưng phải tới khi đạt giải nhì cuộc thi văn chương của Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1999, anh mới chính thức rẽ vào làng văn và trở thành một trong những nhà văn thế hệ 197x viết nhiều và đa dạng thể loại thành công nhất hiện nay.