chan_dung-ke_si

SÔNG PHÙ SA - Truyện ngắn Đào Phong Lan

26-08-2023

Lượt xem 1169

Đánh giá 0 lượt đánh giá

Chia sẻ

SÔNG PHÙ SA - Truyện ngắn Đào Phong Lan

Nhà văn Đào Phong Lan

Sông phù sa là truyện ngắn được giải ba giải thưởng của Hội nhà văn năm 1995 của Đào Phong Lan

 Tôi nhận lời yêu Giang vào một buổi chiều mưa lũ lớn. Nước sông Hồng dâng cao.... Màu của phù sa. Hai đứa ngồi trong quán cà phê đến tận sẩm tối Giang mới đưa tôi về. Đêm đó, tôi ngồi rất lâu bên bàn, viết đi viết lại tên anh. Giang, có nghĩa là sông. Chợt nhớ bà thày bói gần nhà có lần bảo, số tôi là số chết đuối.

Xưa Giang nổi tiếng ở trường đại học vì thơ và tranh. Giờ anh đang làm việc ở một nhà văn hoá quận. Công việc nhì nhằng và lương cũng vậy. Nhưng anh rất tự hào về khả năng viết và vẽ của mình. Tôi thì thấy dửng dưng, tôi không phải là một người đam mê nghệ thuật.

Nhà Giang cạnh nhà tôi. Điều đó có lợi khi hai đứa muốn hẹn hò đi chơi đâu đó. Giang hơn tôi mười hai tuổi. Mẹ tôi rất quý Giang, bà khen anh là người có tâm hồn. Cha tôi cười: Đàn bà thường nông nổi.

Một chiều, Giang đưa tôi dạo quanh phố, ngang qua một cửa hàng cho thuê đồ cưới. Giang bảo: Em có thấy chiếc áo màu trắng tuyệt vời kia không? Anh muốn em mặc nó trong ngày cưới của hai đứa mình!

Hồi đó tôi chưa nghĩ đến chuyện hôn nhân, tôi chỉ vừa hai mốt tuổi, tôi chỉ biết yêu và yêu, thích thì đi chơi, xong lại về nhà, nằm khểnh trên giường, đọc một vài loại tạp chí mẹ mang từ cơ quan về, rồi ngủ tít. Tôi chưa có ý niệm trở thành một người vợ, một người đàn bà có những thiên chức và thiên tư cao quý là cả đời hầu hạ chồng, sinh con rồi hầu hạ con. Nhưng rồi cũng thấy trong lòng có đôi chút vui khi tưởng tượng lúc mình mặc chiếc áo trắng bồng bềnh kia, hẳn tôi sẽ vô cùng xinh đẹp.

"Mày thì đẹp gì"?!!! - Mẹ tôi vẫn chửi tôi như thế - "Tao không hiểu sao thằng Giang lại có thể đi yêu một đứa con gái như mày?". Tôi và mẹ luôn đối lập nhau. Mẹ là một người phụ nữ tốt, nhưng không tốt đến mức có thể chấp nhận những tật xấu của người khác, dù có là tật xấu của đứa con gái út. "Con không xấu!". Cha tôi khẳng định, rồi nghiêm khắc nhìn mẹ: "Bà có thôi ngay đi không? Bà còn lắm điều đến bao giờ nữa?"

Tôi ôm đống gối, ngủ vùi giữa trận cãi vã mỗi lúc một to.

Giang vẫn đưa tôi xuống đường dạo phố. Con búp bê to tướng vẫn mặc chiếc áo cưới tương lai của tôi đứng kiêu hãnh ở trong tủ kính. Ngày hai lượt đi về, tôi ngắm nó. Tóc nó không đen bằng tóc tôi, môi nó không hồng bằng môi tôi và nó không thở, không có sinh khí như tôi, nhưng nó là chân dung của tôi trong ngày cưới.

Giang vẫn đi làm đều đặn. Anh đang dàn dựng một vở kịch về sinh đẻ có kế hoạch. Tôi tót sang nhà anh, định dành cho anh một sự ngạc nhiên lớn khi anh trở về.

Ý định tập làm người vợ với cuộc dọn dẹp nhà cửa không thành. Tủ sách của anh đầy ắp thư từ. Đó là một người đàn bà tôi không quen biết. Bà ta đã có chồng và hai đứa con. Một người đàn bà đầy đủ thiên tư và thiên chức. Tôi xổ tung những lá thư, chúng được xếp thứ tự theo ngày tháng. Có một lá mới nhất đến trong ngày hôm qua.

Có gì như cơn lũ ập vào mặt tôi. Sự đam mê của người đàn bà ấy bộc lộ rõ trong bức thư. Lời lẽ trong thư vẽ ra trước mắt tôi một thiếu phụ gậy guộc, xanh xao và tuyệt vọng, nuối tiếc và dằn vặt về một mối tình đã mất.
Đã hơn một lần tôi ước giá mình đừng động đến những bức thư kia.
Tôi hiểu vì sao Giang lại đi ăn mày tình yêu của người đàn bà kia và thảm hại thế. Giang đã tìm thấy nơi tôi một chiếc thùng chứa rác rưởi quá khứ. "Đó là câu chuyện tình đẹp và xót xa" - lời của Giang. "Đó là một câu chuyện tình ích kỷ vớ vẩn và ngu ngốc" - lời của tôi. Giang và Sa - tên người đàn bà ấy, đã yêu nhau thời đại học, năm cuối, thi tốt nghiệp xong, Giang được tin báo của gia đình bảo phải về gấp. Anh cuống cuồng viết lại vài chữ cho Sa, rồi nhảy lên xe về nhà.

Quê Giang cách Hà Nội hơn trăm cây số về phía Nam. Anh trở về nhà sau hơn một buổi phải ngồi bó gối trên xe, người mỏi nhừ vì những đoạn đường xấu. Chưa kịp bỏ túi xách xuống, mẹ anh đã mếu máo: Mày đi tìm con Thuỷ về ngay, nó bỏ theo thằng Trung vô Ban Mê Thuột rồi!

Chiều đó, anh lên xe vào Ban Mê Thuột. Sau nửa tháng trời lặn lội dò hỏi khắp nơi, anh xông vào căn chòi lá nằm ở góc rẫy trồng lèo tèo vài cây đậu, cây bắp. Anh rút con dao găm sáng loáng đặt đánh cộp trên bàn trước hai khuôn mặt tái ngắt, đang run lẩy bẩy:

Tụi bay muốn về hay muốn tao đâm cho mỗi đứa một nhát?

Thằng con trai mồ hôi nhỏ giọt, đứa con gái níu tay anh oà lên khóc:

- Nhưng... tụi em thương nhau, em không muốn xa ảnh.

- Có gì về nhà rồi tính. Về với mẹ! Cái loại con gái hư thân mất nết, đồ bất hiếu! Nhà có hai mẹ con mà bay còn dắt díu nhau đi trốn được. Thằng kia! Sửa soạn đồ đạc, theo tao!

Đưa cặp tình nhân dại dột trở về anh nhận được thư Sa. Sa bảo cô không còn yêu anh nữa. Giang nổi cơn tự ái, anh không thèm quay ra Hà Nội mà ở lại quê xin việc làm. Chưa có cơ quan nào nhận, Sa lại gửi một lá thư nữa, cô bảo cô chỉ nói đùa, cô vẫn yêu anh. Giang nổi cáu đốt lá thư: Cô ta cứ như làm trò hề trong tình yêu. Giang đến nhà Sa sau hơn một tuần từ khi ra Huế. Cửa nhà cô mở toang, tấm ri đô che kín chiếc giường nhưng dưới chân giường là một đôi giày đàn ông nằm tình tự với một đôi dép đàn bà. Giang ngồi bên chiếc bàn cạnh cửa sổ, ngắm bình hoa huệ mãn khai, hút hết gói thuốc rồi đi về. Ra ngoài sân anh mới thấy cái cổng chào bằng lá dừa và hai chữ Vu Quy. Anh nghĩ Sa là một người đàn bà biết cách đùa giỡn.

Hơn ba tháng sau anh lại nhận được thư Sa, Sa van lạy anh hãy đến cứu cô, đưa cô ra khỏi cuộc sống địa ngục mà cô đang mắc phải. Lòng hào hiệp của một gã đàn ông nổi dậy, Giang thu xếp tiền bạc, đón Sa ở đầu ngõ nhỏ xưa vẫn thường hẹn nhau.

Nhưng lòng hào hiệp của Giang không thắng nổi sự ích kỷ trong anh khi Sa bảo cô đã có thai gần hai tháng. Giang bắt Sa phải đi phá, cô không nghe. Giang tát vào mặt cô và dắt cô đưa trả về nhà.

Người đàn bà ấy tiếp tục sống với chồng nhưng không để anh yên. Mười năm qua, cứ mười ngày, Sa lại gởi cho anh một lá thư.

Sa nói với Giang:

"Anh cứ yêu, cứ lấy một người con gái nào anh thích. Khi nào anh buồn chán, đau khổ hay thất vọng thì hãy trở về với em!". Tôi lồng lên vì ghen tuông. Người đàn bà đã thao túng Giang, bắt anh luôn phải nghĩ đến. Quanh căn phòng Giang đầy ắp sự hiện diện của người đàn bà đáng ghét: thư từ, nhật ký của Giang, ảnh Sa. Anh viết muôn đời anh thương Sa, muôn đời anh hối hận vì tính độc đoán, hay tự ái của mình. Thỉnh thoảng anh lại đến nhà Sa theo lời nhắn khi chồng cô đi vắng, dù đường có xa, dù trời có nắng, dù dốc có dài, như thể chỉ có điều đó mới cứu rỗi được nỗi dằn vặt trong anh.
Đã hơn một lần tôi ước mình đừng hỏi Giang về cuộc tình vớ vẩn và ngốc nghếch ấy. Đã hơn một lần tôi ước Giang hãy biết nói dối, biết trí trá đi một chút. Nhưng anh lại là một kẻ quá đỗi thật thà.

"Anh thương Sa như thương một kiếp người!". Tôi gào lên: "Thôi, xin đủ. Anh đừng nhắc đến bà ta, đừng xả rác vào đời sống của tôi nữa!". Giang trầm ngâm: "Sa khôn ngoan quá! Sa tưởng, hắn chỉ là một tay bảo vệ kiêm lái xe mà thôi!". Tôi điên tiết: "Đó là một con rắn độc! Bà ta đã có chồng, hai đứa con, có nhà cửa êm ấm, nhưng bà ta muốn dày vò, dằn vặt anh cả cuộc đời, muốn anh không bao giờ có gia đình, không bao giờ có hạnh phúc, không bao giờ được chǎm sóc bởi bàn tay của một người phụ nữ. Đó là cách trả thù độc địa của đàn bà!". Giang buồn bã: "Đừng nói thế em! Sa mới là người đau khổ và không bao giờ có hạnh phúc. Có lần anh hỏi: Em có thương chồng em không? Sa hỏi lại anh: Ai là chồng của em? Giờ em không biết hai người đàn ông trong cuộc đời em ai mới là chồng". Giang bảo: "Bi kịch!". Tôi cáu: "Bi kịch cái cục c.!". Giang kinh hãi nhìn tôi, bảo: "Thượng đế đã làm một trò lường gạt vĩ đại, nhìn khuôn mặt em ai cũng tưởng thánh thiện". Tôi cười nhạt: "Cái bà kia mới làm một trò lường gạt vĩ đại. Anh mới là kẻ ngây thơ, cả tin". Tôi bỏ về giữa lúc trời mưa lớn.

Tôi cũng chỉ là một đứa con gái bình thường. Tôi cũng biết yêu và biết ghen tuông. Tôi đau khổ khi nhận ra Giang là một kẻ hèn nhát. Anh không dám chấp nhận đứa con của người anh yêu, anh sợ mất tôi nhưng cũng sợ người đàn bà kia buồn, anh muốn mãi có một người và muốn sống với một người khác. Cha tôi vẫn bảo: Tư cách của người đàn ông là không bao giờ hèn nhát! Người đàn ông tôi yêu đã khiếm khuyết tư cách quan trọng nhất của mình.
Tôi tên là Thanh Điệp, tôi chỉ là chiếc lá xanh trên cành cây mọc ven bờ sông. Chiếc lá có thể theo dòng nước trôi đi nhưng tôi không phải là một chiếc lá vàng.

Đã rất lâu tôi mới lại xuống phố một mình. Ngang qua tiệm cho thuê đồ cưới, tôi thấy con búp bê to tướng vẫn mặc chiếc áo cô dâu không bao giờ còn là của tôi, đứng cứng quèo và cười vô vị trong tủ kính. Chiếc áo không còn trắng muốt mà đã ngả sang màu ngà. Có lẽ do bụi, có lẽ vì ẩm mốc, có lẽ vì nhiều thứ nữa. Tôi ra bờ sông. Nước sông Hồng vẫn dâng cao, đỏ sậm... Màu của phù sa. Chợt nhớ bà thầy bói gần nhà có lần bảo, số tôi là số chết đuối. Nhưng số tôi không chết ở sông, có lẽ tôi sẽ chết ở nơi biển lớn./.

Đào Phong Lan

 

Bài liên quan
  • BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhiên cất tiếng hát "Ơi chàng ơi chim có bạn có bầy, thuyền có bến có sông sao lại để em năm canh gối chiếc chăn đơn đợi chàng... "
  • HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Hai người bạn là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, in trong tập truyện ngắn Hạnh, Đời nay xuất bản năm 1940.
  • CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Vũ Bằng hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực báo chí từ những năm 1930-1940 khi tuổi đời còn rất trẻ. Ông là chủ bút tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy, thư ký tòa soạn tờ Trung Bắc Chủ Nhật khi mới hơn hai mươi tuổi. Khi Nhật-Pháp so kè với nhau chiếm nước ta, dưới áp lực kinh người của những kẻ xâm lược, Vũ Bằng vẫn giữ tư thế của tờ Trung Bắc Chủ Nhật là phục vụ người Việt, vì quốc gia dân tộc, khiến cả chính quyền Pháp và Nhật đều phải kiêng nể.  Trước 1945, Vũ Bằng nổi tiếng trong việc giúp đỡ các nhà văn khác cả tiền bạc lẫn kinh nghiệm viết lách. Rất nhiều nhà văn nhận những lời khuyên của Vũ Bằng sau này đều trở thành những nhà văn lớn của Việt Nam. Thế nhưng, một thời gian dài kể từ khi Vũ Bằng di cư vào Nam năm 1954, các tác phẩm của ông biến mất không còn dấu vết, không được nhắc tới trong nhà trường, bị đưa vào danh mục cấm do cái tiếng "dinh tê, về thành", nhà văn "quay lưng lại với Kháng chiến"... gây ra. Ông lâm trọng bệnh và mất ở TP. Hồ Chí Minh năm 1984 trong cảnh vô cùng túng thiếu. Mãi sau này, ông mới được minh oan rằng không phải ông quay lưng với kháng chiến mà là ông đã nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật trong giới trí thức nội thành từ năm 1952 và vào Nam năm 1954 theo lệnh của tổ chức. Tháng 3 năm 2000, Cục Chính trị thuộc Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có văn bản xác nhận nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo.
  • ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ hàng đầu của Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX, sức ảnh hưởng của Xuân Quỳnh lớn tới nỗi Google từng vinh danh bà trên trang chủ của họ vào năm 2019. Là nhà thơ nên tất nhiên bà nổi tiếng về thơ và hầu như khó tìm được ai không biết bài Thuyền và Biển của bà. Nhưng Xuân  Quỳnh cũng viết văn và viết rất nhiều truyện cho thiếu nhi, truyện Ông nội và ông ngoại dưới đây là một trong số đó.
  • LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Lời Nguyền là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, viết về quãng thời gian ông bị thực dân Pháp bắt tại Hà Nội (1941) và đưa lên giam giữ tại trại giam Vụ Bản, Châu Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình. Truyện được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc cuối cùng của nhà văn Khái Hưng. 
  • CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mưỡu Cuối được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1946, đặt làm Phần cuối và đem đi xuất bản ở Quốc Văn với tên Chùa Đàn. Với Tâm sự của nước độc, Nguyễn Tuân băng băng trèo lên đỉnh đèo văn, còn với Chùa Đàn, ông bồng bềnh trôi, chưa mỏi gối nhưng đã không còn đỉnh đèo nào để leo nữa.
  • CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần II của Chùa Đàn, được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1945 có tên Tâm sự của nước độc. Truyện có phần đề từ lấy trong Chữ Nhàn, một bài hát nói của Nguyễn Công Trứ; “Ai hay hát mà ai hay nghe hát”. Trong Chùa Đàn, truyện được sắp xếp thành phần II. Nhà văn Khái Hưng và một số nhà văn khác cho rằng, (việc) Nguyễn Tuân viết thêm Dựng và Mưỡu Cuối, đã làm hỏng mất sự toàn bích một tác phẩm tuyệt mỹ.
  • CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chùa Đàn được xem là tác phẩm hội tụ những gì tinh hoa nhất của nhà văn Nguyễn Tuân do Quốc Văn xuất bản năm 1946 tại Hà Nội. Chùa Đàn bắt đầu từ truyện ngắn Tâm sự của nước độc trong loạt truyện kinh dị Yêu Ngôn ông đăng trên các báo thời bấy giờ. Đến năm 1946, để phù hợp với diễn biến thời cuộc, ông viết thêm hai phần bổ sung, đặt làm phần Một và Ba, Tâm sự của nước độc trở thành phần Hai của tác phẩm.
    Dù là tác phẩm hay nhất của Nguyễn Tuân, nhưng Chùa Đàn đã bị đánh giá thấp do các yếu tốc ma quái kì dị đầy màu sắc tâm linh của nó. Kể từ lần in năm 1946 và sau đó được Tân Việt tái bản ở Sài Gòn* năm 1947, đến tận năm 1981, Chùa Đàn vẫn không được nhà xuất bản đưa vào tuyển tập của ông. Điều này đã khiến Nguyễn Tuân buồn bã đến nỗi; "Tôi tiếc cái Chùa Đàn quá. Họ cắt cái Chùa Đàn khỏi tuyển tập này, cũng giống như cắt cái gan ra khỏi bụng tôi".
    Đến năm 1999, Chùa Đàn mới được in trở lại trong tập Yêu Ngôn do nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh thực hiện. Ngày nay Chùa Đàn không những đã được xuất bản, mà còn được chuyển thể sang nhiều loại hình nghệ thuật khác như kịch nói, cải lương, phim điện ảnh. Ở mảng điện ảnh, Chùa Đàn được dựng thành bộ phim khá nổi tiếng Mê Thảo – thời vang bóng do đạo diễn Việt Linh thực hiện.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần cuối của Ngõ lỗ thủng, tác phẩm dựa trên những ký ức, sự kiện và nhân vật có thật của nhà văn Trung Trung Đỉnh, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ngõ lỗ thủng của Trung Trung Đỉnh dựa trên ký ức của những sự kiện, nhân vật có thật của chính nhà văn, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.