chan_dung-ke_si

SÔNG HƯƠNG NƯỚC NHẢY LÊN BỜ - Truyện ngắn Hoàng Ngọc Tuấn

31-10-2023

Lượt xem 998

Đánh giá 0 lượt đánh giá

Chia sẻ

  Hoàng Ngọc Tuấn

SÔNG HƯƠNG NƯỚC NHẢY LÊN BỜ - Truyện ngắn Hoàng Ngọc Tuấn

Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhà văn Hoàng Ngọc Tuấn (1947-2005) là lớp hội viên đầu tiên của Hội Nhà văn TP.HCM. Trước 1975, ông từng nổi tiếng với một số tác phẩm rất được giới trẻ Sài Gòn yêu thích như ; Hình như là tình yêu, Cô bé treo mùng...

 

Bà ngoại gỡ cặp kính lão ra khỏi mắt, tay gấp lại cuốn truyện tàu “Nhạc Phi diễn nghĩa”. Mưa xối xả ngập cả vườn, thỉnh thoảng gió thổi hắt vào nhà qua khung cửa sổ. Bà lo âu nhìn ra ngoài trời xám dầy đặc, đằng hắng một tiếng rồi gọi xuống nhà dưới:

- Út ơi!

Cô Út dạ nhỏ rồi chạy từ dưới bếp lên, cô đem theo một cái lồng ấp chứa đầy nước sôi. Cô ngồi xuống sập gụ, âu yếm ngã vào lòng mẹ như muốn được chia hơi nóng hừng hực tỏa ra từ lồng ấp.

- Trời chi mà lạnh quá mẹ hỉ.

- Ừ. Mưa hoài mưa hủy mấy ngày ni rồi.

Cô Út co ro thu mình trong hai ba lớp áo len, cô lẩm bẩm:

- Con không nghe ông bà nói: “tháng bảy nước nhảy lên bờ” … Huế mình thiệt khổ, năm mô cũng lụt. Lúc lụt 53, con còn nhỏ chút, mẹ tưởng chết trôi từ lúc đó rồi.

Bà đưa cuốn truyện cho cô Út:

- Con đọc cho mạ nghe, ngang cái đọan thằng gian thần Tần Cối bắt cha con Nhạc Phi về Triều…

Cô Út phụng phịu:

- Trời ơi, con còn mấy cái áo dài chưa ủi tề. Đọc truyện là bổn phận của thằng Tí Đường mà.

Bà ngoại giật mình ngồi nhổm dậy, bà quay quắt hỏi:

- Chết! Thằng Tí Đường mô, cả chiều ni tao không thấy mặt nó.

- Nó đi học, bộ nó ở nhà đọc cho mạ nghe toàn là Tam Quốc, Thủy Hử! Có ngày nó bắt chước mấy ông Lương Sơn Bạc cho mà coi.

Bà ngoại la lên:

- Trời Phật ơi! Học chi mà giờ chừ chưa về. Trời tối mò rồi.

- Mới có năm giờ mà mạ. Trời mưa nên mau tối đó.

Bà ngoại nhìn ra ngoài trời. Một cành chuối non bị mưa quật ngã ngoài vườn nằm xơ xác.

- Thiệt là mấy ông thầy chi mà ác rứa. Bão lụt thời ta cho học trò nó nghỉ học cho rồi. Đường xá ngập nước như ri không biết thằng Tí Đường nó có về được không.

- Trời ơi ! mạ làm như nó còn con nít. Nó mười hai tuổi rồi, thường ngày có lội qua sông Hương còn được, nước xấp xỉ mắt cá chưn mà ăn thua gì thằng trời đánh đó.

Bà ngoại đẩy cô Út khỏi lòng bà, bà vỗ vỗ vào lưng cô, thúc giục :

- Thôi, cô làm ơn mặc áo tơi lên trường đón cháu nó về đây cho tui yên bụng :

Cô Út bậm môi bất mãn, cô lè lưỡi nhìn ra bầu trời đang đổ mưa ào ào mà rùng mình.

Nhưng rồi cô cũng đứng dậy theo lời mẹ, cô cằn nhằn mấy tiếng cho đỡ tức :

- Thiệt mạ cưng thằng cháu đó quá, hèn chi nó càng ngày càng hư. Còn con, mạ có coi ra chi mô. Lớn sầm sầm rồi mà cứ bắt đưa với đón.

Bà ngoại khẽ phất tay một cái nhẹ vào mông cô Út, bà hừ một tiếng :

- Đồ ngu. Mi là con út răng tao không thương mi nhứt nhà được. Nhưng mi mười bảy mười tám rồi, sắp có người đến ‘rước’ rồi.

Cô Út đỏ mặt la lên một tiếng rồi bỏ chạy vào nhà trong lấy áo mưa. Bà ngoại nhìn theo, đôi mắt bà êm đềm mơ màng, bà lẩm bẩm như vẫn đang nói với cô Út :’ ... còn cái thằng Tí Đường, ba nó mất sớm, mẹ nó lại đi xa, nói mãi nó mới để thằng Tí ở đây cho tao dạy dỗ. Có một mụn cháu mà không thương răng được...’

... Nói tóm lại trong nhà ai cũng thương thằng Tí Đường nhất. Cả dì Út nữa, lúc nào nó làm dì nổi cáu về chuyện gì thì bị dì cho ăn mấy cái phất trần, nhưng mỗi lần đi xi-nê, dì vẫn dẫn nó đi theo, xem xong lại còn cho ăn một ly chè trái cây nữa.

Ở trường học, ghi rõ tên vỡ, thằng Tí Đuờng cũng có một tên oai ra phết chứ đâu gọi là Tí một cách coi thường thế. Cái tên thân mật, sở dĩ gọi là Tí vì nó nhỏ nhất nhà, so với mấy ông cậu bà dì của nó. Còn cái ‘biệt hiệu’ Đường bắt nguồn từ cái thói thích chạy rong ngoài đường hơn là nằm trong nhà của Tí. Suốt ngày, không kể những lúc đi học, thằng Tí Đuờng đều lê la trên khắp các hè đuờng ven sông, hái me, bẻ phuợng, câu cá, xách ná cao su bắn chim (thỉnh thoảng bắn trật hoài nó bèn gan lì bắn trộm chim bồ câu của nhà hàng xóm).

Mặc dầu thương Tí Đường nhưng ai cũng than phiền, rầy rà nó luôn vì nó ham chơi hơn ham học. Thứ hạng trong sổ Thông tín bạ của nó mỗi tháng mỗi tụt dần làm dì Út không ngớt cau mày, thở dài cho cái công lao kèm học thằng cháu mỗi đêm của dì. Nhưng cũng có một người không bao giờ trách móc thằng Tí Đường cả, lại còn luôn tán đồng khuyến khích cặp giò chạy nhông nhông ngoài đường của nó. Người dễ tính đó là tôi. Tôi bao giờ cũng ca ngợi không ngớt những thành tích của Tí Đường. Bởi vì một lí do rất giản dị, chính tôi là thằng Tí Đường ấy. (Đáng lẽ tôi phải nói rõ chi tiết này từ đầu nhưng tôi quên khuấy mất. Hơn nữa, cũng không có gì quan trọng. Một thằng bé con mười hai tuổi đó là tôi, hay là ai cũng được. Bất cứ người nào, dầu đứng đắn trịnh trọng đến đâu, ai mà lại không qua một thời thơ ấu như Tí Đường. Ai cũng đã phải một lần qua cái tuổi mười hai đó chứ)

***

Chiều hôm đó cô giáo cho tan học sớm hơn thường lệ. Tôi chen chân với tụi trong lớp chạy ào ra ngoài sân, bỗng nhác thấy dì Út đang đứng nấp mưa dưới mái hiên cổng trường, mắt ngong ngóng đón tôi. Tôi bèn nhanh chóng xách xe đạp dông tuốt ra ngõ sau, được bãi học sớm như thế này mà phải bị dì Út dẫn về nhà thì uổng quá.

Nước trên đường đi lênh láng, văng tung tóe thật vui mắt dưới những bánh xe đạp của học trò, vài đứa cuốc bộ thích chí đá tung nước vào người nhau. Tôi bậm miệng cố nhấn bàn đạp cho chiếc xe băng ngang lớp nước, trời quất vào những ngọn roi mưa lạnh muốn chết nhưng lòng tôi thì như mở cờ trong bụng. Một thằng bạn bỗng nhảy phóc ngồi lên yên sau, la lên :

- Chở giùm tao về nhà đi.

- Trời ơi, nặng quá. Mi đón xe buýt mà về.

- Lụt quá, xe buýt hết chạy rồi... Thôi khoan về đã, ra bờ sông coi người ta ‘rớ’ cá.

Thằng bạn tôi tên là Hùng Vồ, nó đã dụ dỗ tôi được rồi. Tôi hết thấy nó nặng trịch, cố gắng đạp loi nhoi ra phía bờ sông Hương. Mưa bớt dần nhưng mặt nước trên đường vẫn trôi cuồn cuộn, kéo theo biết bao cành cây gãy và lá chết. Nước ngập cao thêm lúc đến bờ sông. Tôi phải nhảy xuống đẩy xe đi từng bước thật khó nhọc, may mà có Hùng Vồ đẩy đằng sau.

Lão già đánh cá vẫn ngồi yên tỉnh bơ như trụ đồng trong mưa. Chiếc nón và áo tơi của gã ướt mèm rách nát. Thỉnh thoảng, lão nghiêng người ra kéo lưới. Những thanh tre nằn yên dưới làn nước sông dựng đứng lên, một đám cá nhỏ tí nhảy lăng tăng trong nước . Tôi nói với Hùng Vồ :

- Mai mình xuống ruộng câu cá rô.

Hùng vồ bĩu môi :

- Mi ngu quá. Trời mưa lớn ri làm răng mà câu cá được, người ta chỉ giăng lưới hay chặn mấy ống cống mới có cá được. Phải đợi nước rút xuống bớt đã, ra ngoài ao mặc sức mà câu.

Tôi quên rằng Hùng Vồ vốn là con nhà nông trước kia, ở đâu miệt Giạ Lê . Cá, tôm, ếch, nhái gì là bạn lâu năm của nó.

Lúc đó có một đám nhỏ bọn nữ sinh đứng xúm xít nói chuyện lao xao dưới bến đò. Một chiếc đò tách bến, chòng chành giữa làng nước sông chảy xiết, bọn nữ sinh ngồi chen nhau trên đò tha hồ thét lên ơi ới. Tôi cầu cho đò chìm một lần, cho bọn tiểu thư lúc nào cũng yểu điệu với chiếc nón bài thơ ấy biết mặt. Tụi nó mười đứa thì hết chín đứa sợ nước, không biết lội. Tôi sẽ trổ tài Tarzan phóng ra tìm coi ai đẹp nhất, cứu lấy một đứa. Chỉ một mà thôi, không phải tôi ác gì nhưng nước sông đang chảy mạnh như thế này, cặp một đứa trong tay bơi đã là khó rồi.

Tôi mỉm cười khoái trá, mơ màng tưởng tượng đến ngày mai báo sẽ đăng hình tôi thật lớn, người đang ướt mèm, bồng một cô gái trong tay, chắc họ phải viết ‘gương can đảm làm hãnh diện cho giới học sinh toàn thị xã Huế : Một cậu học sinh 12 tuổi của trường bán công đã anh dũng bay xuống sông khi trời giông bão làm đò chìm, cứu được một cô nữ sinh Đồng Khánh 16 tuổi khỏi chết đuối. Vị anh hùng tí hon đó tên là Tí Đường, năm nay học lớp ...’. Ối trời ơi, không được rồi, ai đặt cho cái tên Tí Đường thật quê ấy lên mặt báo được. Tôi sẽ cho họ cái tên chính thức chứ. Lúc ấy thì tha hồ ‘cúp cua’, cuối năm tôi cũng được phần thưởng toàn trường về hạnh kiểm. Chà, cái lão hiệu trưởng chuyên cầm roi đe dọa học trò chắc sẽ mở toét mắt ngạc nhiên vì tôi, tôi là nạn nhân hai ba lần dưới ngọn roi dài ghê gớm của lão rồi. Không chừng đến lúc đó lão lại mời tôi làm huấn luyện viên bơi lội cho tất cả nữ sinh toàn trường, hách chết được.

Cùng tác giả:

ĐỪNG ĐẾN SÂN GA - Truyện ngắn Hoàng Ngọc Tuấn

Bài liên quan
  • BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhiên cất tiếng hát "Ơi chàng ơi chim có bạn có bầy, thuyền có bến có sông sao lại để em năm canh gối chiếc chăn đơn đợi chàng... "
  • HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Hai người bạn là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, in trong tập truyện ngắn Hạnh, Đời nay xuất bản năm 1940.
  • CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Vũ Bằng hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực báo chí từ những năm 1930-1940 khi tuổi đời còn rất trẻ. Ông là chủ bút tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy, thư ký tòa soạn tờ Trung Bắc Chủ Nhật khi mới hơn hai mươi tuổi. Khi Nhật-Pháp so kè với nhau chiếm nước ta, dưới áp lực kinh người của những kẻ xâm lược, Vũ Bằng vẫn giữ tư thế của tờ Trung Bắc Chủ Nhật là phục vụ người Việt, vì quốc gia dân tộc, khiến cả chính quyền Pháp và Nhật đều phải kiêng nể.  Trước 1945, Vũ Bằng nổi tiếng trong việc giúp đỡ các nhà văn khác cả tiền bạc lẫn kinh nghiệm viết lách. Rất nhiều nhà văn nhận những lời khuyên của Vũ Bằng sau này đều trở thành những nhà văn lớn của Việt Nam. Thế nhưng, một thời gian dài kể từ khi Vũ Bằng di cư vào Nam năm 1954, các tác phẩm của ông biến mất không còn dấu vết, không được nhắc tới trong nhà trường, bị đưa vào danh mục cấm do cái tiếng "dinh tê, về thành", nhà văn "quay lưng lại với Kháng chiến"... gây ra. Ông lâm trọng bệnh và mất ở TP. Hồ Chí Minh năm 1984 trong cảnh vô cùng túng thiếu. Mãi sau này, ông mới được minh oan rằng không phải ông quay lưng với kháng chiến mà là ông đã nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật trong giới trí thức nội thành từ năm 1952 và vào Nam năm 1954 theo lệnh của tổ chức. Tháng 3 năm 2000, Cục Chính trị thuộc Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có văn bản xác nhận nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo.
  • ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ hàng đầu của Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX, sức ảnh hưởng của Xuân Quỳnh lớn tới nỗi Google từng vinh danh bà trên trang chủ của họ vào năm 2019. Là nhà thơ nên tất nhiên bà nổi tiếng về thơ và hầu như khó tìm được ai không biết bài Thuyền và Biển của bà. Nhưng Xuân  Quỳnh cũng viết văn và viết rất nhiều truyện cho thiếu nhi, truyện Ông nội và ông ngoại dưới đây là một trong số đó.
  • LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Lời Nguyền là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, viết về quãng thời gian ông bị thực dân Pháp bắt tại Hà Nội (1941) và đưa lên giam giữ tại trại giam Vụ Bản, Châu Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình. Truyện được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc cuối cùng của nhà văn Khái Hưng. 
  • CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mưỡu Cuối được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1946, đặt làm Phần cuối và đem đi xuất bản ở Quốc Văn với tên Chùa Đàn. Với Tâm sự của nước độc, Nguyễn Tuân băng băng trèo lên đỉnh đèo văn, còn với Chùa Đàn, ông bồng bềnh trôi, chưa mỏi gối nhưng đã không còn đỉnh đèo nào để leo nữa.
  • CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần II của Chùa Đàn, được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1945 có tên Tâm sự của nước độc. Truyện có phần đề từ lấy trong Chữ Nhàn, một bài hát nói của Nguyễn Công Trứ; “Ai hay hát mà ai hay nghe hát”. Trong Chùa Đàn, truyện được sắp xếp thành phần II. Nhà văn Khái Hưng và một số nhà văn khác cho rằng, (việc) Nguyễn Tuân viết thêm Dựng và Mưỡu Cuối, đã làm hỏng mất sự toàn bích một tác phẩm tuyệt mỹ.
  • CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chùa Đàn được xem là tác phẩm hội tụ những gì tinh hoa nhất của nhà văn Nguyễn Tuân do Quốc Văn xuất bản năm 1946 tại Hà Nội. Chùa Đàn bắt đầu từ truyện ngắn Tâm sự của nước độc trong loạt truyện kinh dị Yêu Ngôn ông đăng trên các báo thời bấy giờ. Đến năm 1946, để phù hợp với diễn biến thời cuộc, ông viết thêm hai phần bổ sung, đặt làm phần Một và Ba, Tâm sự của nước độc trở thành phần Hai của tác phẩm.
    Dù là tác phẩm hay nhất của Nguyễn Tuân, nhưng Chùa Đàn đã bị đánh giá thấp do các yếu tốc ma quái kì dị đầy màu sắc tâm linh của nó. Kể từ lần in năm 1946 và sau đó được Tân Việt tái bản ở Sài Gòn* năm 1947, đến tận năm 1981, Chùa Đàn vẫn không được nhà xuất bản đưa vào tuyển tập của ông. Điều này đã khiến Nguyễn Tuân buồn bã đến nỗi; "Tôi tiếc cái Chùa Đàn quá. Họ cắt cái Chùa Đàn khỏi tuyển tập này, cũng giống như cắt cái gan ra khỏi bụng tôi".
    Đến năm 1999, Chùa Đàn mới được in trở lại trong tập Yêu Ngôn do nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh thực hiện. Ngày nay Chùa Đàn không những đã được xuất bản, mà còn được chuyển thể sang nhiều loại hình nghệ thuật khác như kịch nói, cải lương, phim điện ảnh. Ở mảng điện ảnh, Chùa Đàn được dựng thành bộ phim khá nổi tiếng Mê Thảo – thời vang bóng do đạo diễn Việt Linh thực hiện.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần cuối của Ngõ lỗ thủng, tác phẩm dựa trên những ký ức, sự kiện và nhân vật có thật của nhà văn Trung Trung Đỉnh, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ngõ lỗ thủng của Trung Trung Đỉnh dựa trên ký ức của những sự kiện, nhân vật có thật của chính nhà văn, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.