chan_dung-ke_si

SAU NHỮNG HẸN HÒ – Truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh

02-02-2024

Lượt xem 1074

Đánh giá 0 lượt đánh giá

Chia sẻ

  Phan Thị Vàng Anh

SAU NHỮNG HẸN HÒ – Truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh

Nhà văn Phan Thị Vàng Anh

Tỉnh dậy thấy trời mờ mờ sáng và tiếng radio, tiếng trẻ con léo nhéo ngoài đường, tôi mất vài giây để xác định xem lúc này là năm giờ sáng hay sáu giờ chiều. Đầu giường, một phong bì với rất nhiều con dấu chồng chéo năm đợi. Tôi cầm lên, nhìn qua một cái rồi nhét xuống dưới chiếu. Đây là chỗ tôi để thư, những cái thư tôi ghét, cứ đêm đêm lại có cảm giác rằng mình đang nằm bẹp trên cái đống tình cảm này.

Chị Quyên bước vào, vén màn hỏi : "Thư thằng Lâm, phải không?". Tôi cười: " Nó chứ còn ai!". "Nó nói gì nữa?". "Tôi không đọc, chắc lại anh nhớ em, mưa buồn lắm, anh muốn biết em đang làm gì... Lải nhải mãi, sao nó không bỏ vợ đi nhỉ?". Chị tôi nhướn mày: "Nó bỏ vợ, mày có lấy nó không?". " Không! Tôi ghê nó lắm!". " Ghê sao mày vẫn đi chơi?". "Vì những thằng con trai chưa vợ không rủ tôi đi!". Chị tôi cười, bỏ ra ngoài. Tôi với tay bật đèn, thò tay xuống chiếu, lấy cái thư, thấy buồn cười, đây cũng là một hành động đáng ghét, tôi làm mà không cưỡng lại được, cũng như việc đi chơi với anh ta... 

° ° °

Mỗi tháng Lâm lên thành phố một, hai lần.

Trở về nhà vào lúc chạng vạng tối, thấy chiếc xe màu nho dựng ở một góc sân, tôi thót tim lại, rã rượi nghĩ: "Nó lên rồi!". Phản ứng đầu tiên của tôi là muốn quay xe lại, đi tiếp, rồi sau đó, cũng là không cưỡng lại được, tôi vào nhà, hất hàm: " Anh lên hồi nào?".

"Đến thành phố cách đây hai giờ!". Tôi ghét cái thói kể công đó, cái lối biểu lộ tình cảm đó, nó có vẻ giả tạo ở Lâm, nhất là khi anh ta nhìn, mắt buồn bã, yêu đương... Rồi sợ tôi chưa hiểu, Lâm thêm: "Anh phải đến em ngay." Tôi phẩy tay: "Biết rồi! Không ai ép anh phải thế!". Anh ta ngồi im, không gian xung quanh thoảng nước hoa và giếng giở báo khẽ sột soạt. Rồi anh nhìn trước sau, hỏi tôi: "em rảnh không?". Tôi ngả đầu ra sau ghế, nhướn mày: "Để làm gì?". "Cà phê?". Anh ta ngoan cố dưới cái vỏ rụt rè mà các anh có vợ thường hay có, và lần nào cũng vậy, tôi im lặng vài phút, thấy ghê ghê với cảm giác là lạ. Rồi tôi chợt oán những thằng bạn trai hàng ngày của tôi, những người đã để tôi phải đấu trí trong những tối thứ bảy, chủ nhật, và đổ tội cho lòng căm tức, tôi đứng lên, bảo: "Đợi hai phút, em thay đồ!". 

° ° °

Chúng tôi chậm rãi vòng vèo các phố. Tôi nghĩ đến vợ Lâm, giờ này ở Vũng tàu, nghe ì oạp sóng biển mà nhớ chồng, Lâm vẫn nói, đều đều, buồn buồn. Đôi lúc tôi nhãng đi, không rõ anh ta đang bày tỏ điều gì. Hình như anh ta nhắc lại cái ngày mới biết tôi, đứng chờ vêu vao trước cổng trường, rồi những quán nước hiếm hoi mà chúng tôi đã tạt qua. Rồi buồn hơn, vẻ "bỏ mặc", oán trách hơn, anh ta nói về gia đình xa lạ của mình. Tôi ngồi sau, buồn cười, chẳng lẽ Lâm không thấy rằng nhờ anh lấy vợ mà tôi mới đi chơi nhiều với anh ta hơn sao; nhờ có vợ, anh ta mới trở thành một trò chơi lạ đối với tôi, không ràng buộc, không ai được hy vọng...

Dừng lại ở một quán cà phê, trong khu vườn, Lâm chọn một chỗ ngồi tối tăm, thanh minh : " Cho đỡ ồn!". Tôi vênh mặt: "Không, em thích sáng, thích ồn. Nếu tránh ồn, về vườn nhà em thiếu gì xó xỉnh!", và tôi đến ngồi bên cái bàn kê sát bể cá, trước mặt là cái tượng thạch cao mỉm cười thờ ơ trong ánh đèn lá cây ảm đạm. Tôi bỏ kẹp tóc xuống bàn, một cái kẹp rẻ tiền với bông hoa vải rũ rĩ. Lâm cầm lên nhìn, tư lự. Tôi cười: "Thích không? Em sẽ mua tặng vợ anh một cái!" Lâm nhìn xa xôi, vẻ uất ức. Tôi phì cười: "Chị chừng nào sanh?". "Có lẽ tháng sau!" "Anh sẽ đặt tên gì?". "Em đừng hỏi, anh không muốn nhắc đến đứa bé!". Tôi chợt thấy thương hại đứa bé, chưa ra đời đã bị nói xấu!

Trưa qua, Chân nằm vắt cẳng lên người tôi, thủ thỉ:"Tao không biết sẽ đi tới đâu, ông bồ tao không biết có bỏ vợ được không?". Tôi cười: "Chuyện đó theo tao có gì khó khăn nếu người ta muốn!". Chân lắc đầu buồn bã: "Mày tưởng, còn đứa con, ổng nói tội nghiệp thằng con, ổng còn muốn sống chẳng qua cũng vì nó". Rồi chân thở dài: "Tao muốn chết quách đi cho rồi! Vì sao những người hoàn hảo đều vội đi lấy vợ?". Tôi đùa, xoa đầu nó: "Mày ngu lắm, đáng lẽ mày phải nói : Sao đàn ông phải đợi đến lúc có vợ rồi mới trở nên hoàn hảo?". Rồi tôi hỏi Chân: "Theo mày, hoàn hảo là sao?". "Khó nói lắm. Tao thấy họ không chấp nhặt và nhút nhát như bọn con trai, họ không kiêu căng và ghen tuông vớ vẩn!". Tôi cười: "Bởi vì họ đã mất hết quyền để làm những việc ấy với bất cứ ai, ngoài các bà vợ!". Rồi tôi nhớ đến Bảo, đến Trung, những người bạn vừa kiêu ngạo vừa nhút nhát của tôi, họ vụng về tìm cách che đậy tình cảm của mình như tôi phải che đậy thịt da của tôi!

° ° °

Trở về lúc mười một giờ đêm, tôi đã có thể ngồi gần Lâm hơn cho bớt lạnh và kể đủ thứ chuyện vặt vãnh cho anh ta nghe. Diễn biến tâm lý mỗi lần gặp Lâm bao giờ cũng thế: đầu tiên là sự ghê ghê, khi đã ngồi lên xe là sự buông xuôi và dần dần quên đi, để đến giờ này thì lại muốn hỏi:"Chừng nào anh lên?". Tôi vẫn nghĩ, cái gì làm tôi vừa thích vừa ghét ở Lâm? Anh ta đẹp và từng trải, anh ta sung túc mà khinh bạc tiền nong, có điều, lúc nào anh cũng trầm ngâm, vẻ tư lự hiền triết với những triết lý về cuộc đời mà hàng trăm ngàn miệng người đã nói, và tôi đúc kết: "già nua!", đây là cái mà tôi không cần!

Xe đi chậm chạp giữa phố khuya, tiếng xe ù ù nho nhỏ trong đêm, hai bên đường chỉ còn ít quán nhậu vỉa hè hay trà đêm hoạt động, hoặc giả mấy anh dân phòng ngồi phanh ngực trước cửa uỷ ban tán gẫu. Lâm buồn bã: "Anh có thể chở em đi như thế này cả đêm mà không mệt. Trưa mai anh phải về rồi, anh không muốn về chút nào, cái gia đình xa lạ của anh!". Rồi anh ta hít một hơi dài, thở ra mệt mỏi, rất kịch. Tôi nhìn xuống mặt đường: "Lại sắp có trò vui rồi đây!", và ra vẻ oán trách, tôi nén cười : "Vậy sao anh không ly dị?". "Em còn trẻ con lắm, mọi chuyện đâu phải đơn giản như em nghĩ!". Tôi ước chừng anh ta đang cười thầm mà cũng có thể không phải như vậy. Trong những trò như thế này, chưa chắc ai đã là đồ chơi của ai, chỉ chắc chắn một điều là, dù gì, cuối cùng tôi cũng nắm phần thua thiệt. Tôi đặt tay lên vai Lâm: "Anh biết em ghét anh vì cái gì không? Vì trong tất cả các bạn của em, chỉ có anh là hay nói xấu vợ con. Em ghét cái trò lén lút của anh lên đây hàng tháng, em ghét anh lúc nào cũng ra vẻ buồn bã nhưng con anh vẫn nối đuôi nhau ra đời...". Rồi tôi bảo:" Anh dừng ở đây đi, em muốn vào nhà bạn em một chút." Anh ta bảo: "Khuya rồi, anh không muốn. Anh phải giao em cho mẹ em đã!". Tôi cười: "Em đã lớn lắm rồi, muốn cưa sừng cũng không được nữa rồi!". Anh nói: "thôi, tuỳ em! Rồi anh sẽ viết cho em, em sẽ hiểu. Em ngang ngạnh và không chịu nghe ai, vậy nên anh sẽ không giải thích bằng miệng với em. Em ở lại khoẻ, anh đi!". Tôi lặp lại: "Anh đi!", và cúi đầu bước.

Tôi không ghé nhà ai, tôi về thẳng nhà. Đêm, bên hồ nước, những người yêu nhau cũng đã chia tay, chỉ có trăng trước rằm, lạnh lẽo và cô độc giữa trời cao không may. Tôi đi dọc theo những hàng cây, thấy lòng như đang tan ra, loang lổ. Sẽ đi về đâu những tình cảm "không cao trào" này? không ai tự quyết định được chuyện gì, không ai dám liều mạng hứa một điều gì, và người ta dễ dàng làm những chuyện điên rồ trong lúc đợi chờ vô vọng. Tôi bước trên đường đêm, nghe cát đá lạo xạo dưới chân và nghĩ về lớp học cũ của mình. Ngày mai, nhất định tôi sẽ quay về."Đừng trốn nữa, tôi nghĩ, đừng trốn nữa!", đấy là thế giới của tôi, những cực hình của nó xét cho cùng cũng lại là niềm vui. Có thể chỉ vì quá yêu nó mà tôi đã khổ, và tôi hít một hơi dài trong gió đêm, như cố thu hết hương hoa bạch đàn, thiên lý hai bên ngào ngạt.

Bài liên quan
  • BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhiên cất tiếng hát "Ơi chàng ơi chim có bạn có bầy, thuyền có bến có sông sao lại để em năm canh gối chiếc chăn đơn đợi chàng... "
  • HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Hai người bạn là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, in trong tập truyện ngắn Hạnh, Đời nay xuất bản năm 1940.
  • CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Vũ Bằng hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực báo chí từ những năm 1930-1940 khi tuổi đời còn rất trẻ. Ông là chủ bút tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy, thư ký tòa soạn tờ Trung Bắc Chủ Nhật khi mới hơn hai mươi tuổi. Khi Nhật-Pháp so kè với nhau chiếm nước ta, dưới áp lực kinh người của những kẻ xâm lược, Vũ Bằng vẫn giữ tư thế của tờ Trung Bắc Chủ Nhật là phục vụ người Việt, vì quốc gia dân tộc, khiến cả chính quyền Pháp và Nhật đều phải kiêng nể.  Trước 1945, Vũ Bằng nổi tiếng trong việc giúp đỡ các nhà văn khác cả tiền bạc lẫn kinh nghiệm viết lách. Rất nhiều nhà văn nhận những lời khuyên của Vũ Bằng sau này đều trở thành những nhà văn lớn của Việt Nam. Thế nhưng, một thời gian dài kể từ khi Vũ Bằng di cư vào Nam năm 1954, các tác phẩm của ông biến mất không còn dấu vết, không được nhắc tới trong nhà trường, bị đưa vào danh mục cấm do cái tiếng "dinh tê, về thành", nhà văn "quay lưng lại với Kháng chiến"... gây ra. Ông lâm trọng bệnh và mất ở TP. Hồ Chí Minh năm 1984 trong cảnh vô cùng túng thiếu. Mãi sau này, ông mới được minh oan rằng không phải ông quay lưng với kháng chiến mà là ông đã nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật trong giới trí thức nội thành từ năm 1952 và vào Nam năm 1954 theo lệnh của tổ chức. Tháng 3 năm 2000, Cục Chính trị thuộc Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có văn bản xác nhận nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo.
  • ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ hàng đầu của Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX, sức ảnh hưởng của Xuân Quỳnh lớn tới nỗi Google từng vinh danh bà trên trang chủ của họ vào năm 2019. Là nhà thơ nên tất nhiên bà nổi tiếng về thơ và hầu như khó tìm được ai không biết bài Thuyền và Biển của bà. Nhưng Xuân  Quỳnh cũng viết văn và viết rất nhiều truyện cho thiếu nhi, truyện Ông nội và ông ngoại dưới đây là một trong số đó.
  • LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Lời Nguyền là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, viết về quãng thời gian ông bị thực dân Pháp bắt tại Hà Nội (1941) và đưa lên giam giữ tại trại giam Vụ Bản, Châu Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình. Truyện được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc cuối cùng của nhà văn Khái Hưng. 
  • CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mưỡu Cuối được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1946, đặt làm Phần cuối và đem đi xuất bản ở Quốc Văn với tên Chùa Đàn. Với Tâm sự của nước độc, Nguyễn Tuân băng băng trèo lên đỉnh đèo văn, còn với Chùa Đàn, ông bồng bềnh trôi, chưa mỏi gối nhưng đã không còn đỉnh đèo nào để leo nữa.
  • CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần II của Chùa Đàn, được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1945 có tên Tâm sự của nước độc. Truyện có phần đề từ lấy trong Chữ Nhàn, một bài hát nói của Nguyễn Công Trứ; “Ai hay hát mà ai hay nghe hát”. Trong Chùa Đàn, truyện được sắp xếp thành phần II. Nhà văn Khái Hưng và một số nhà văn khác cho rằng, (việc) Nguyễn Tuân viết thêm Dựng và Mưỡu Cuối, đã làm hỏng mất sự toàn bích một tác phẩm tuyệt mỹ.
  • CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chùa Đàn được xem là tác phẩm hội tụ những gì tinh hoa nhất của nhà văn Nguyễn Tuân do Quốc Văn xuất bản năm 1946 tại Hà Nội. Chùa Đàn bắt đầu từ truyện ngắn Tâm sự của nước độc trong loạt truyện kinh dị Yêu Ngôn ông đăng trên các báo thời bấy giờ. Đến năm 1946, để phù hợp với diễn biến thời cuộc, ông viết thêm hai phần bổ sung, đặt làm phần Một và Ba, Tâm sự của nước độc trở thành phần Hai của tác phẩm.
    Dù là tác phẩm hay nhất của Nguyễn Tuân, nhưng Chùa Đàn đã bị đánh giá thấp do các yếu tốc ma quái kì dị đầy màu sắc tâm linh của nó. Kể từ lần in năm 1946 và sau đó được Tân Việt tái bản ở Sài Gòn* năm 1947, đến tận năm 1981, Chùa Đàn vẫn không được nhà xuất bản đưa vào tuyển tập của ông. Điều này đã khiến Nguyễn Tuân buồn bã đến nỗi; "Tôi tiếc cái Chùa Đàn quá. Họ cắt cái Chùa Đàn khỏi tuyển tập này, cũng giống như cắt cái gan ra khỏi bụng tôi".
    Đến năm 1999, Chùa Đàn mới được in trở lại trong tập Yêu Ngôn do nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh thực hiện. Ngày nay Chùa Đàn không những đã được xuất bản, mà còn được chuyển thể sang nhiều loại hình nghệ thuật khác như kịch nói, cải lương, phim điện ảnh. Ở mảng điện ảnh, Chùa Đàn được dựng thành bộ phim khá nổi tiếng Mê Thảo – thời vang bóng do đạo diễn Việt Linh thực hiện.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần cuối của Ngõ lỗ thủng, tác phẩm dựa trên những ký ức, sự kiện và nhân vật có thật của nhà văn Trung Trung Đỉnh, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ngõ lỗ thủng của Trung Trung Đỉnh dựa trên ký ức của những sự kiện, nhân vật có thật của chính nhà văn, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.