chan_dung-ke_si

SÀI GÒN NỀN CŨ BÓNG TỊCH DƯƠNG

05-01-2023

Lượt xem 4021

Đánh giá 0 lượt đánh giá

Chia sẻ

SÀI GÒN NỀN CŨ BÓNG TỊCH DƯƠNG

Tác giả Nguyễn Đức Bình

 

Không nhiều và quy mô không bằng so với Hội An, Huế, hay đồng bằng sông Hồng, nhưng các kiến trúc ở Sài Gòn xưa gồm Đình, Chùa, Miếu…lại mang đậm dấu ấn khác biệt của kiến trúc Nam Bộ. Ngày nay, rất nhiều kiến trúc đã bị thời gian huỷ hoại. Toàn Thành Phố còn khoảng gần 200 ngôi chùa nằm rải rác khắp nơi. Trong số này các kiến trúc còn giữ lại được tương đối đầy đủ là chùa Trường Thọ-Gò Vấp, chùa Từ  Ân-Quận 6, chùa Giác Viên-Quận 11... và quy mô và cổ kính nhất là chùa Giác Lâm số 118 Lạc Long Quân quận Tân Bình, được xây vào năm 1744. Ngoài ra còn có khoảng 30 ngôi chùa của người Hoa ở khu chợ Lớn, tập trung đông nhất là quận 5 thường gọi là chùa Hoa hay chùa Tàu vì tính đặc trưng rõ rệt so với các đình chùa khác. Về sau này, Sài Gòn còn có thêm những kiến trúc của phương Tây do Pháp xây dựng và còn khá nguyên vẹn là Nhà hát Thành Phố, Uỷ ban nhân dân Thành Phố, Nhà thờ Đức Bà, Bến Nhà Rồng.

Trong số các kiến trúc mang đậm tính cách của người Việt, chùa Giác Lâm hoàn toàn khác biệt với các ngôi chùa khác. Ngôi chùa nằm trong một khu vực rất rộng và tĩnh lặng. Bước vào đây người ta như tìm về cõi thanh thản của tâm hồn. Chùa được xây theo kiến trúc chữ Tam. Ngoài các khu tế tự, các tòa bảo tháp kiểu Chăm Pa, Giác Lâm còn có một cây đèn rất độc đáo là đèn Dược Sư, gồm nhiều chiếc đèn treo từ trên xuống dưới, nằm cân đối, khi thắp sáng vào ban đêm toả ra thứ ánh sáng lung linh như một đài sen. Giác Lâm tự trong thời kỳ chống Mỹ còn là nơi nuôi dấu Cách Mạng tổ chức các buổi trao đổi kinh nghiệm đấu tranh. Chùa Giác Lâm cũng là một di tích được Bộ Văn Hoá Thông Tin xếp hạng Di tích lịch sử văn hoá.

 c

Chùa Giác Lâm

Với kiến trúc chùa Hoa thì không đâu nhiều và đặc trưng như khu Chợ Lớn thuộc quận 5. Ở đây là nơi tập trung hầu hết các hội quán của người Hoa Thành Phố. Nhiều chùa miếu, với hơn 10 di tích được Thành Phố công nhận, hàng chục chùa miếu, hội quán. Các ngôn ngữ sử dụng cũng đầy đủ như ; Triều, Quảng Đông, Phúc Kiến, Hải Nam, Hẹ… Các kiến trúc cổ và tiêu biểu gồm; chùa Ông xây năm 1840 thờ Quan Công tại 678 Nguyễn Trãi Q.5. Chùa Ông  cũng được gọi là Nghĩa An hội quán vì là nơi hội họp của người Triều Châu; Chùa Bà tên chữ Hán là Thiên Hậu Miếu ở tại 710 Nguyễn Trãi Q.5. Tương truyền, khoảng năm 1760 thì bắt đầu quyên tiền xây chùa. Đây là một ngôi chùa rất được sùng kính và cũng là một ngôi chùa đồ sộ trong khu vực với các nguyên liệu được chở từ  tận Trung Quốc sang.

e1

Miếu Bà

Thành Phố ngày nay còn một số kiến trúc nhà ở theo kiểu phương Tây. Một số kiến trúc khác của người Hoa ở khu vực dọc theo bến Chương Dương-Hàm Tử, Trần Văn Kiều. Gần khu vực cầu Chà Và, những ngôi nhà kiểu cổ xuất hiện với mật độ khá dày. Do lúc bấy giờ khoảng năm 1917 hoàn thành dự án cải tạo khu Boresse sát rạch Bến Nghé. Một số trùm kinh doanh Bất Động Sản lúc ấy như  chú Hoả, Quách Đàm… đã xây hàng loạt nhà mặt phố với các người thợ đến từ Singapore. Những ngôi nhà này bây giờ nằm rải rác và vẫn đang được sử dụng.

 ghj

Ảnh tư liệu của người Pháp 

Nhìn từ bờ bên này rạch Bến Nghé (kênh Tàu Hũ), nơi đang ngổn ngang gạch đá xà bần của các ngôi nhà thuộc diện giải toả cho Đại lộ Đông Tây, những ngôi nhà cổ phía bên kia mang đậm dấu ấn thời gian khắc khổ, chênh vênh và thu mình lại trước những tòa nhà mới xây cao nghễu nghện. Ánh chiều chạm vào những mái ngói rêu phong, vẽ lên những nuối tiếc nao nao như một tiếng thở dài của quá khứ. 

Đình , chùa, miếu, những căn nhà cổ, theo quy hoạch của Thành phố sẽ được bảo tồn và giữ gìn. Nhiều kiến trúc đã được chứng nhận là Di tích lịch sử văn hoá.  Nhưng cần phải có những việc làm thiết thực không chỉ bảo tồn mà còn phát huy được các giá trị của nhà cổ, như việc quận 5 đã tu bổ đường Hải Thượng Lãn Ông thành một khu phố Đông y giàu bản sắc và sầm uất thu hút nhiều du khách tới tìm hiểu thăm quan.

Bài liên quan