chan_dung-ke_si

QUÊ MẸ -Truyện ngắn Thanh Tịnh

14-07-2023

Lượt xem 2600

Đánh giá 2 lượt đánh giá

Chia sẻ

  truyện ngắn hay thanh tịnh

QUÊ MẸ -Truyện ngắn Thanh Tịnh

Quê mẹ - Ngày Nay số 95 năm 1938

   Chiều chiều ra đứng cửa sau
   Ngó về quê mẹ ruột đau chín chiều
                                  (Ca dao)

Cô Thảo ra lấy chồng đã ba năm. Anh Vận chồng cô hiện làm Hương - thơ ở làng Mỹ-Lý. Anh Vận trước kia có theo học chữ quốc ngữ, nhưng đã hai năm thi Yếu-lược không đậu nên anh ta lại thôi. Qua năm sau dân trong xóm bầu anh ta lên làm hương thơ trong làng. Ngày nào anh ta cũng đi nhà này qua nhà khác phát thư, rồi chiều đến lại phải ra tận đình để lấy hòm thư đem lên huyện.

Công việc của anh tuy vất vả, nhưng lương tháng - hay nói cho đúng lương năm - của anh trông ít quá. Làng chỉ trích cho anh ta ba mẫu ruộng và năm đồng bạc làm tiền lộ phí. Nhưng năm đồng ấy thì không bao giờ anh nhận được. Vì các viên chức đã khéo léo trừ với món tiền phải đóng sưu này thuế khác gần hết.

Nhưng ở vùng quê, được một chức nghiệp như thế, anh Vận cũng cho là danh giá lắm. Và bà Lại, mẹ anh Vận, lúc nói chuyện với những người quen, cũng không quên tự hào được một người con ra đảm đương việc làng việc nước.

Cô Thảo ra lấy chồng vốn liếng không có nên không đi buôn bán gì hết. Cả nhà chỉ trông vào sáu mẫu ruộng tranh và ba mẫu ruộng làng để sống năm này tháng khác.

Chiều hôm ấy lúc thoáng thấy bóng chồng đi về đến cổng, cô Thảo liền vội vàng ẵm con ra sân để đón. Thấy anh Vận ra dáng mệt nhọc nên cô ta chưa dám hỏi gì hết. Vào tới sân, anh Vận liền đến ngồi trên cái chõng. Cô Thảo để con ngồi một bên chồng rồi đột ngột chỉ cây thanh-trà bên bờ hè nói khẽ:

- Cây thanh-trà mới đấy mà đã có trái rồi cậu ạ.

Anh Vận để con ngồi trên chân, rồi cúi đầu xuống nhìn mặt con dịu lời đáp:

- Thế à, cây thanh-trà ấy trông dáng khô khan không ngờ lại giống tốt.

Cô Thảo ghé ngồi một bên chồng nói tiếp:

- Cây thanh-trà ấy tôi đem từ bên nhà qua đây. Mới hai năm đã có trái ăn được kể cũng nhanh thật.

Anh Vận như sực nhớ một việc gì, nhìn vợ hỏi vội:

- Tôi nhớ ra rồi. Hôm ấy là ngày giỗ ông bên mợ. Mợ về làng ăn giỗ rồi đem cây thanh-trà ấy qua cho tôi. Tôi cũng quên lúc ấy mợ đã có thằng Lụn chưa?

- Rồi, nhưng nó mới được ba tháng.

- Mà tôi quên giỗ ông nhằm ngày mấy?

Cô Thảo nhìn chồng mỉm cười:

- Ðược vài ông rể quý như cậu thì ngày giỗ của nhà tôi cũng không khỏi hương tàn bàn lạnh. Giỗ ông nhằm một ngày dễ nhớ nhất mà cậu cũng quên.

Anh Vận như nhớ lại được, gật đầu lia lịa:

- Thôi tôi nhớ được rồi. Giỗ ông vào tiết Trung-thu phải không mợ?

- Không phải, ngày rằm tháng tám.

Anh Vận lớn tiếng cười vang làm cho thằng Lụn cũng phải ngẩng mặt lên nhìn ngơ ngác.

- Rõ ngớ ngẩn như đàn bà. Tiết Trung-thu hay rằm tháng tám có khác gì nhau. Có khác là người hay chữ họ thường gọi tiết Trung-thu, còn người ... ít hay chữ thì gọi rằm tháng tám...

Cô Thảo nhìn chồng cười mỉm:

- Người hay chữ với lại người ít hay chữ! Thì cậu cứ nói người dốt với người thông có được không.

Thật ra thì anh Vận cũng có ý nói người hay chữ với người dốt, nhưng lại sợ làm mếch lòng vợ.

Anh Vận nhìn ra trước cổng yên lặng. Thằng Lụn cũng muốn tụt xuống đất đùa với đàn gà con đang đi qua gần đấy. Cô Thảo vào nhà thắp đèn rồi lại trở ra ngồi chỗ cũ. Mảnh trăng trong lúc ấy đã bắt đầu giọi ánh sáng dìu dịu qua hàng tre trước cổng.

Trông thấy ánh trăng anh Vận quay lại hỏi vợ:

- Hôm nay là mấy rồi mà trăng sáng quá?

- Ngày mười ba.

Anh Vận thả hai chân xuống chõng nhìn vợ ngơ ngác:

- Thế ngày mốt là ngày giỗ ông rồi à? Và ngày mai là ngày mợ phải về làng.

Cô Thảo cúi đầu nhìn xuống đất đáp khẽ.

- Phải.

Anh Vận đưa tay lên gãi đầu:

- Thật tôi vô tình quá. Ngày kỵ đã gần đến mà cũng quên.

Cô Thảo ngồi yên lặng không đáp. Thật ra tối hôm ấy cô muốn xin chồng về làng giỗ ông, nhưng cô không muốn nói thẳng. Cô tự nghĩ nhắc chồng ngày giỗ ở nhà mình là một việc chướng lắm. Thật tự nhiên để cho chồng nhớ lại thì tốt hơn. Nhưng mãi đến chiều cũng không nghe chồng nói gì, nên cô phải mượn đến chuyện cây thanh-trà để nhắc xa xôi cho chồng nhớ.

Tối hôm ấy, cơm nước xong xuôi, anh Vận liền đến xin mẹ cho vợ về làng ăn giỗ.

Bà Lại nhìn cô Thảo đang ẵm con đứng tựa bên cột bảo khẽ:

- Ừ về thì về. Nhưng bên nhà ngày mai giỗ ai mà tôi cũng quên phắt đi rồi.

- Thưa mẹ, giỗ ông con.

- Thế à.

Nghĩ một lát bà ta nói tiếp:

- Mai mợ chắc phải về làng sớm. Lúc ấy có lẽ tôi cũng chưa dậy. Vậy tối nay mợ ra ngoài vườn cắt một buồng chuối mật - buồng chuối gần bên cái giếng ấy - để về giỗ ông. Năm nay tôi bận việc nhà quá, chắc qua không được. Thôi nhờ trời năm khác.

Nói xong bà Lại lách bàn tay vào túi yếm lấy ra một hào xu rồi đưa cho cô Thảo.

- Thôi cho mợ một hào để đi đò. Và nhớ chớ để em nhìn xuống mặt nước.

Cô Thảo vội vàng đỡ con xuống, đưa hai tay nhận tiền tỏ ra vẻ sung sướng lắm.

Trước khi đi ngủ anh Vận cũng chạy quanh xóm mượn chỗ này chỗ khác cho cô Thảo thêm bốn hào nữa.

Tối hôm ấy cô Thảo không đi ngủ sớm. Cô đặt con ngủ yên bên chồng xong lại lật đật xách dao ra sau vườn chuối. Loay hoay một lúc lâu cô mới đem được buồng chuối mật vào nhà. Cô đem để vào một góc thật kín vì cô sợ nửa đêm chuột đến khới. Xong rồi cô mới qua bên nhà cô Thị mượn đôi hoa tai vàng và cái nón lá mới. Sắp đặt đâu đó xong xuôi cô mới lên giường nằm ngủ.

Trời tờ mờ sáng cô Thảo đã trở dậy sắm sửa đi về làng. Làng cô ở cách xa làng Mỹ-Lý hơn mười lăm cây số. Vì vậy nên mỗi năm cô chỉ được về làng chừng hai ba lượt là nhiều. Xưa kia cô từng qua lại làng Mỹ-Lý ngày một để bán gạo, nhưng sau lúc cô ra lấy chồng thì quê nhà đối với cô đã là nơi xa lạ.

Qua những con đường mòn chạy nắp theo bờ ruộng, cô lại nhớ đến quãng đời bán gạo của cô ngày trước. Trong trí cô hiện ra lần lần hình ảnh của cô Thu, cô Nguyệt, cô Hương, những cô bạn mà trước kia cô cho là thân nhất.

Nhưng đời các cô ấy cũng như cô, nghĩa là cũng có chồng, có con và quãng đời làm dâu cũng vất vả, cũng phẳng bằng như nhau hết.

Ði chưa được bốn cây số cô Thảo đã thấy mỏi. Cô tự nhận thấy sức cô yếu hơn trước nhiều lắm. Cô muốn đi đò cho đỡ chân, nhưng sực nhớ đến những món quà cần phải cho em, cô lại gắng gượng đi nhanh hơn trước.

Qua khỏi đầu làng Duyên-Hải thì cô Thảo gặp cô Ðài, người bạn cùng làng thường chơi với cô ngày trước. Cô Thảo nhờ cô bạn gánh hộ buồng chuối mật và mấy gói bánh mua bên chợ Kỳ-Lâm. Cô Ðài vui vẻ nhận lời ngay. Vào quán nước ở gần đấy nghỉ một chốc, hai cô lại cùng nhau lên đường chuyện trò không ngớt.

Về đến làng cô Thảo gặp ai cũng đón chào niềm nở. Lòng cô lúc ấy nhẹ nhàng và vui sướng lắm. Còn họ gặp cô đi đằng xa đã kêu réo om sòm như gặp được người sống lại. Họ hỏi thăm cô chuyện này chuyện khác, mục đích là để xem cô ăn mặc độ này có khá hơn trước không. Cô Thảo thấy người làng chào hỏi mình vồn vã nên đáp lại rất vui vẻ. Cô ta không quên lấy cái nón xuống, giả vờ quạt vào mình để mấy người đứng chung quanh được thấy đôi hoa tay vàng của cô.

Ðến trưa hôm ấy thì cô về đến nhà. Mấy cậu em đua nhau ra níu áo chị. Cô Thảo xoa đầu đứa này đỡ cằm đứa khác, nụ cười trên môi cô không khi nào tắt. Trông thấy mẹ trong nhà đi ra cô mừng quá. Cô chạy lại đứng bên mẹ cảm động quá đến rưng rưng nước mắt. Một lúc sau cô đưa thằng Lụn cho mẹ ẵm rồi đi thẳng vào nhà để chào những người quen biết.

Bà Vạn cứ quấn quít bên cháu, bên con quên cả ngày giờ. Bà giới thiệu cô Thảo với người này người khác, bà nhắc đến chuyện cô Thảo lúc cô còn năm sáu tuổi. Bà kể đến đoạn nào bà cũng có ý khoe cô Thảo đức hạnh và khôn ngoan đủ thứ. Bà nói mãi mà không biết chung quanh bà không ai nghe bà hết.

Sung sướng nhất là cô con gái có chồng về nhà mẹ. Cô Thảo tuy về giỗ ông nhưng không làm gì hết. Cô vào phòng mẹ nằm ngủ cả buổi chiều, mãi đến lúc gần cúng cô mới chịu đi ra ngoài.

Lúc cô đứng lễ thì ông Vạn, thân sinh cô, vuốt râu cười nói:

- Con phải lễ thế phần chồng con nữa. Nó làm gì bên ấy mà không qua.

Cô Thảo sau khi thụt lùi ra khỏi chiếu, mới khẽ đáp:

- Dạ, nhà con mắc việc quan.

Cô Khuê, chị em chú bác với cô Thảo, đứng gần đấy trề môi nói tiếp:

- Thứ đồ làm Hương-thơ mỗi năm ăn ba mẫu ruộng mà cũng gọi là việc quan.

Ai nấy đều nghe thấy nhưng không ai cãi lại. Ông Vạn đứng cúi đầu xuống hơi ngượng. Còn cô Thảo gương mặt đỏ bừng, quay đầu nhìn xuống bếp. Nhưng ngay lúc ấy cô lại gặp cặp mắt của mẹ đang nhìn cô chòng chọc. Cô đau lòng quá đến để hai dòng lệ chảy dài trên má.

Sáng hôm sau, cúng cơm sáng xong xuôi, cô Thảo lại sắm sửa đi qua làng Mỹ-Lý. Cô gọi mấy đứa em đến gần rồi cho mỗi đứa năm xu. Trong nhà ai cũng khen cô rộng rãi và biết thương em, nên cô vui sướng lắm. Ðang lúc cao hứng cô còn hứa sẽ gửi cho mẹ hai cặp quần áo mới để mặc Tết nữa. Nhưng chính cô cũng không biết sẽ lấy đâu ra hai cặp quần áo ấy. Chỉ trong nháy mắt cô Thảo đã phân phát tất cả số tiền cô đã dành dụm trong một năm.

Lúc sắp sửa lên đường, bà Vạn cho cô nửa con gà và một gói xôi để về nhà chồng. Lúc ra đi cô cảm động quá, đứng bên mẹ và mấy em khóc nức nở.

Về nhà chồng, cô Thảo lại làm việc từ mai đến chiều, tối tăm cả mày mặt. Lúc nào cô cũng nhớ đến mẹ nghèo, đến em thơ, nhưng nhớ thì lòng cô lại bùi ngùi, trí cô lại bận rộn.

Rồi chiều chiều gặp những lúc nhàn rỗi, cô lại ra đứng cửa sau vơ vẩn nhìn về làng Quận-Lão. Nhưng làng Quận-Lão ẩn sau đám tre xanh đã kéo một gạch đen dài trên ven đồi xa thẳm. 

Bài liên quan
  • BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhiên cất tiếng hát "Ơi chàng ơi chim có bạn có bầy, thuyền có bến có sông sao lại để em năm canh gối chiếc chăn đơn đợi chàng... "
  • HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Hai người bạn là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, in trong tập truyện ngắn Hạnh, Đời nay xuất bản năm 1940.
  • CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Vũ Bằng hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực báo chí từ những năm 1930-1940 khi tuổi đời còn rất trẻ. Ông là chủ bút tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy, thư ký tòa soạn tờ Trung Bắc Chủ Nhật khi mới hơn hai mươi tuổi. Khi Nhật-Pháp so kè với nhau chiếm nước ta, dưới áp lực kinh người của những kẻ xâm lược, Vũ Bằng vẫn giữ tư thế của tờ Trung Bắc Chủ Nhật là phục vụ người Việt, vì quốc gia dân tộc, khiến cả chính quyền Pháp và Nhật đều phải kiêng nể.  Trước 1945, Vũ Bằng nổi tiếng trong việc giúp đỡ các nhà văn khác cả tiền bạc lẫn kinh nghiệm viết lách. Rất nhiều nhà văn nhận những lời khuyên của Vũ Bằng sau này đều trở thành những nhà văn lớn của Việt Nam. Thế nhưng, một thời gian dài kể từ khi Vũ Bằng di cư vào Nam năm 1954, các tác phẩm của ông biến mất không còn dấu vết, không được nhắc tới trong nhà trường, bị đưa vào danh mục cấm do cái tiếng "dinh tê, về thành", nhà văn "quay lưng lại với Kháng chiến"... gây ra. Ông lâm trọng bệnh và mất ở TP. Hồ Chí Minh năm 1984 trong cảnh vô cùng túng thiếu. Mãi sau này, ông mới được minh oan rằng không phải ông quay lưng với kháng chiến mà là ông đã nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật trong giới trí thức nội thành từ năm 1952 và vào Nam năm 1954 theo lệnh của tổ chức. Tháng 3 năm 2000, Cục Chính trị thuộc Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có văn bản xác nhận nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo.
  • ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ hàng đầu của Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX, sức ảnh hưởng của Xuân Quỳnh lớn tới nỗi Google từng vinh danh bà trên trang chủ của họ vào năm 2019. Là nhà thơ nên tất nhiên bà nổi tiếng về thơ và hầu như khó tìm được ai không biết bài Thuyền và Biển của bà. Nhưng Xuân  Quỳnh cũng viết văn và viết rất nhiều truyện cho thiếu nhi, truyện Ông nội và ông ngoại dưới đây là một trong số đó.
  • LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Lời Nguyền là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, viết về quãng thời gian ông bị thực dân Pháp bắt tại Hà Nội (1941) và đưa lên giam giữ tại trại giam Vụ Bản, Châu Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình. Truyện được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc cuối cùng của nhà văn Khái Hưng. 
  • CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mưỡu Cuối được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1946, đặt làm Phần cuối và đem đi xuất bản ở Quốc Văn với tên Chùa Đàn. Với Tâm sự của nước độc, Nguyễn Tuân băng băng trèo lên đỉnh đèo văn, còn với Chùa Đàn, ông bồng bềnh trôi, chưa mỏi gối nhưng đã không còn đỉnh đèo nào để leo nữa.
  • CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần II của Chùa Đàn, được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1945 có tên Tâm sự của nước độc. Truyện có phần đề từ lấy trong Chữ Nhàn, một bài hát nói của Nguyễn Công Trứ; “Ai hay hát mà ai hay nghe hát”. Trong Chùa Đàn, truyện được sắp xếp thành phần II. Nhà văn Khái Hưng và một số nhà văn khác cho rằng, (việc) Nguyễn Tuân viết thêm Dựng và Mưỡu Cuối, đã làm hỏng mất sự toàn bích một tác phẩm tuyệt mỹ.
  • CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chùa Đàn được xem là tác phẩm hội tụ những gì tinh hoa nhất của nhà văn Nguyễn Tuân do Quốc Văn xuất bản năm 1946 tại Hà Nội. Chùa Đàn bắt đầu từ truyện ngắn Tâm sự của nước độc trong loạt truyện kinh dị Yêu Ngôn ông đăng trên các báo thời bấy giờ. Đến năm 1946, để phù hợp với diễn biến thời cuộc, ông viết thêm hai phần bổ sung, đặt làm phần Một và Ba, Tâm sự của nước độc trở thành phần Hai của tác phẩm.
    Dù là tác phẩm hay nhất của Nguyễn Tuân, nhưng Chùa Đàn đã bị đánh giá thấp do các yếu tốc ma quái kì dị đầy màu sắc tâm linh của nó. Kể từ lần in năm 1946 và sau đó được Tân Việt tái bản ở Sài Gòn* năm 1947, đến tận năm 1981, Chùa Đàn vẫn không được nhà xuất bản đưa vào tuyển tập của ông. Điều này đã khiến Nguyễn Tuân buồn bã đến nỗi; "Tôi tiếc cái Chùa Đàn quá. Họ cắt cái Chùa Đàn khỏi tuyển tập này, cũng giống như cắt cái gan ra khỏi bụng tôi".
    Đến năm 1999, Chùa Đàn mới được in trở lại trong tập Yêu Ngôn do nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh thực hiện. Ngày nay Chùa Đàn không những đã được xuất bản, mà còn được chuyển thể sang nhiều loại hình nghệ thuật khác như kịch nói, cải lương, phim điện ảnh. Ở mảng điện ảnh, Chùa Đàn được dựng thành bộ phim khá nổi tiếng Mê Thảo – thời vang bóng do đạo diễn Việt Linh thực hiện.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần cuối của Ngõ lỗ thủng, tác phẩm dựa trên những ký ức, sự kiện và nhân vật có thật của nhà văn Trung Trung Đỉnh, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ngõ lỗ thủng của Trung Trung Đỉnh dựa trên ký ức của những sự kiện, nhân vật có thật của chính nhà văn, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.