Đánh giá
Nhiều phụ huynh có con đang theo học các trường tiểu học trên địa bàn TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) bức xúc việc tổ chức học thêm qua hình thức câu lạc bộ. Đáng nói, đây là hoạt động ngoại khoá nhưng được xếp vào thời khoá biểu chính khoá.
Câu lạc bộ dạy những môn gì?
Anh N.V.T, một phụ huynh có con học lớp 3 tại trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân (phường Tân An), cho biết, từ năm học 2022 – 2023 trường thực hiện hoạt động câu lạc bộ vào mỗi buổi chiều sau giờ học chính khóa. Giáo viên chủ nhiệm có giới thiệu là học câu lạc bộ chú trọng kỹ năng cho học sinh. Nhà trường hợp đồng với đơn vị bên ngoài vào dạy để chú trọng phát triển năng khiếu cho học sinh. Tuy nhiên, thực tế tất cả các môn câu lạc bộ đều do giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn phụ trách.
Còn vào năm học 2023 – 2024, nhà trường tổ chức học câu lạc bộ là Khối 1, 2: Câu lạc bộ kỹ năng sống, Toán tuổi thơ, Tiếng việt của chúng em, Âm nhạc, Mỹ thuật; Khối 3, 4: Câu lạc bộ kỹ năng sống, Toán tuổi thơ, Tiếng Việt của chúng em, Tin học, Tiếng Anh.
"Nhưng vấn đề là con tôi học lớp 3, nhà trường đưa tất cả danh sách học sinh vào học câu lạc bộ, kể cả những em không tham gia năm học trước. Và cô giáo nói phụ huynh nếu không có nguyện vọng học thì làm đơn không tham gia và nộp cho cô hiệu phó chuyên môn. Dù không đồng tình cho con tham gia câu lạc bộ, nhưng tôi phải "bấm bụng" cho con theo học vì ngại làm đơn "xin ra" sợ con mình bị cô lập, phân biệt đối xử trong môi trường học đường", anh N.V.T bức xúc kể.
Cũng theo anh N.V.T, ngoại trừ câu lạc bộ kỹ năng sống, các môn học câu lạc bộ còn lại đều là môn học trong chương trình chính khóa. Nội dung hoạt động câu lạc bộ phụ huynh không nắm bắt. Theo lời kể của con anh N.V.T, các môn câu lạc bộ đều là củng cố lại bài đã học, nhất là môn tiếng Việt, có tình trạng đọc lại bài đã học, trả lời câu hỏi có trong sách giáo khoa…
"Như thế có khác nào là học thêm trá hình?", anh N.V.T thắc mắc.
Theo anh N.V.T, mức phí nhà trường đề nghị Phòng Giáo dục Đào tạo phê duyệt là 40.000 đồng/môn (200.000 đồng/tháng), cao hơn năm học trước 10.000 đồng/môn. Như năm học 2022-2023, sau khi học một thời gian, thì nhà trường mới bắt đầu thu khoản phí này.
Một điều nghịch lý trong hình thức tự nguyện tham gia câu lạc bộ ngoại khoá này, nếu trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân có đơn "xin ra" khi không học câu lạc bộ thì một số trường học khác lại phát đơn "xin tham gia câu lạc bộ". Vì lo ngại con em mình bị "ghim" nên nhiều phụ huynh cũng miễn cưỡng ký vào đơn.
Chị T.N.A.N, một phụ huynh cho con học lớp 1 trường Tiểu học Lê Thị Hồng Gấm (phường Thắng Lợi) cho biết: "Nếu là tự nguyện thì nhà trường nên ra thông báo, phụ huynh nào có nhu cầu thì đăng ký, chứ không phải là đưa đơn để bắt buộc phụ huynh ký, con tôi bảo nếu không ký cô giáo la".
Chị T.N.A.N cũng thắc mắc: "Nếu học câu lạc bộ là cần thiết vậy có phải chăng là chương trình, thời lượng tiết học với 2 buổi/ngày mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đề ra chưa đáp ứng đủ khối lượng kiến thức và chất lượng tiếp thu của học sinh?".
Chị N.T, phụ huynh có con theo học tại trường Tiểu học Trần Phú (phường Thành Công) bày tỏ, trường xếp lịch lớp con chị N.T là 6 tiết câu lạc bộ/tuần, trong đó, 1 tiết câu lạc bộ kỹ năng sống, 3 tiết câu lạc bộ Toán, 2 tiết câu lạc bộ tiếng Việt.
"Học sách giáo khoa chưa đủ còn phải học thêm theo hình thức câu lạc bộ. Tôi muốn phản đối việc học câu lạc bộ này để các con dành thời gian chơi đúng lứa tuổi của các con", chị N.T bức xúc.
Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, câu lạc bộ là hình thức học ngoại khoá nhưng theo thời khoá biểu của các phụ huynh ở các trường trên đều được xếp vào lịch học chính khoá, thành thời khóa biểu 8 tiết/ngày, trong khi theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo học sinh chỉ tham gia học 7 tiết/ngày.
"Các trường làm không đúng"
Trao đổi với PV Dân Việt, chiều 22/9, ông Nguyễn Hữu Thọ, Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo TP. MBuôn Ma Thuột cho biết: Theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 quy định hiện nay, học sinh tiểu học học 2 buổi trên ngày, 7 tiết/ngày, buổi sáng 4 tiết, buổi chiều 3 tiết. Thực hiện theo chương trình học như vậy sẽ kết thúc giờ học chiều là 3h15 đến 3h30 tuỳ đơn vị. Nhưng giờ học kết thúc sớm, nhiều phụ huynh chưa thể đón con, nên Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản hướng dẫn tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khoá, đó là tiết thứ 8.
"Tuy nhiên, việc các trường đưa tiết câu lạc bộ vào thời khoá biểu chính khóa là không đúng, vì tiết thứ 8 là hoạt động ngoài giờ, phải là một thời khoá biểu riêng. Vì vậy, Phòng sẽ chỉ đạo trường nào làm chưa đúng phải tách thời khoá biểu chính khoá và ngoại khoá ra, tránh gây nhầm lẫn cho phụ huynh", ông Thọ nhấn mạnh.
Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo TP.Buôn Ma Thuột cũng khẳng định: Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 46 trường công lập, theo quy định, để dạy tiết thứ 8 ngoại khoá này, các trường phải xây dựng kế hoạch, trình lên phòng giáo dục, phòng thẩm định hồ sơ mới cấp phép. Hiện, Phòng cũng đang tiếp nhận hồ sơ của các đơn vị xin cấp phép hoạt động câu lạc bộ. Đến nay, phòng chưa cho phép nhưng các trường đã thực hiện học câu lạc bộ ngay từ đầu năm học là sai quy định. Phòng sẽ kiểm tra và xử lý.
"Về vấn đề thay vì học kỹ năng sống lại học các môn văn hoá như các môn chính khoá, phòng sẽ kiểm tra, nếu như theo phụ huynh phản ánh là không đúng quy định, Phòng sẽ có hướng xử lý", ông Thọ nhấn mạnh.
Để đảm bảo việc tổ chức thu phí câu lạc bộ đúng mục đích, công khai, minh bạch, ông Thọ cũng cho hay, theo Thông tư 36 năm 2017 về ban hành quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, thu phí nào cũng phải công khai để giám sát nguồn thu đó chi trả như thế nào. Đối với hoạt động câu lạc bộ, trong hồ sơ các trường đề xuất học phí phòng sẽ xem xét mức phí phù hợp. Nếu liên kết với đơn vị tổ chức hoạt động, phải có hợp đồng liên kết đúng theo quy định pháp luật, còn nếu đội ngũ giáo viên nhà trường được cấp phép có đủ điều kiện dạy thì sẽ tính theo quy định của nhà nước.
Theo Thùy Duyên - danviet.vn
Thư, bài vở cộng tác vui lòng gửi tới Email:
Vui lòng ghi rõ nguồn khi copy nội dung từ website này.
© Copyright: chandungkesi.com