chan_dung-ke_si

O TÔI - Truyện ngắn Lê Tri Kỷ

19-05-2023

Lượt xem 2272

Đánh giá 0 lượt đánh giá

Chia sẻ

  truyện ngắn hayLê Tri Kỷ

O TÔI - Truyện ngắn Lê Tri Kỷ

Lê Tri Kỷ (1924-1993)

   Người đàn bà mặc áo ni-lông tím Huế dài bết gót, quần xa-tanh trắng rộng thùng thình, chít khăn nhiễu xanh, xô đẩy mọi người, ào vào nhà như cơn gió:

   - Thằng K. mô?... Thằng K. mô?... úi chao, răng mi giống cha mi rứa?

   Chưa nói xong, chưa hỏi xong đã ôm chầm lấy vai tôi, cười ra rả.

   Tôi nhận ra ngay o tôi, o Toản.

   Lạ thật! O tôi giống đúc như hồi tôi ra đi, từ khuôn mặt cởi mở, dáng điệu lúc nào cũng nhanh nhảu, đến tiếng cười giòn tan, cười đầu xóm, cuối xóm nghe được. Có lẽ đây là một trường hợp hiếm hoi trong những cuộc đời xưa nay chưa có đau khổ nào quật nổi chăng?

   Trước Cách mạng Tháng Tám, o tôi là một người nghèo rớt mồng tơi. Hầu như lúc nào, ở trong nhà, tôi cũng thấy o tôi chỉ mặc mỗi chiếc yếm, để dành chiếc áo cánh độc nhất cho những lúc ra đường. Không chịu đi ở, o tôi ở nhờ nhà cha tôi. Cũng không chịu cảnh làm tôi đòi gián tiếp cho anh, o tôi hàng ngày mò cua bắt ốc đem bán chợ kiếm tiền mua gạo, coi như chỉ nhờ cha tôi có cái mái nhà thừa tự của tổ tiên để lại. Vì vậy, o tôi không dám nghĩ tới chuyện lấy chồng. Mà có nghĩ tới, cũng chẳng ai lấy...

   Nhưng sự trớ trêu ấy không bao giờ làm cho o tôi bận tâm. Trái lại, hình như thỏa mãn với cuộc sống tự lập của mình, o tôi lạc quan yêu đời một cách lộ liễu, tuy rằng cuộc đời những người như o tôi trước cách mạng có gì để mà yêu đâu?... Một chuyện vui nho nhỏ nào cũng làm cho o tôi cười ra rả, điều mà đàn bà, con gái thời trước rất kiêng, nhưng o tôi thì không hề chú ý.

   Cách mạng Tháng Tám thành công, o tôi lấy một anh xã đội. Không bao lâu dượng tôi hy sinh. O tôi chỉ bỏ cười cho đến ngày sinh được đứa con trai, thì đâu lại vào đấy. Ngày tôi ra đi thì người em trai mới tròn một tuổi, còn o tôi thì trở về công việc mò cua, bắt ốc nuôi con...

   Nhìn bộ cánh sặc sỡ o đang mặc, tôi đùa:

   - Trông o diện quá!

   - Tội chi mà không diện? Tao còn định bán tấm ván lim trên nhà để sắm đôi dép cườm đi cho mát chân...

   Khoe chưa hết o đã cải chính ngay:

   - Nói cho vui cửa vui nhà chớ có phải mô? Nghe tin mi về, tạo chạy sang mượn áo quần của mụ Hội khoác vào cho mi khỏi khinh, chớ tao thì có... cứt!

   O lại cười toáng lên khiến mọi người cười theo.

   Bác dâu tôi mời o ngồi lên phản và xin o miếng trầu. O vén chiếc áo dài tím lên, để lộ ra chiếc yếm đầy cáu ghét. Thì ra o không có lấy một chiếc áo cánh. O kéo từ túi yếm ra một cái ví làm bằng bẹ chuối ép, móc ví lấy một nhúm sợi khô đét trông như cỏ và một lá trầu to rộng bằng hai ngón tay. O nhường lá trầu cho bác tôi, còn mình thì nhai nhúm cỏ. Bác tôi không chịu, bị o tôi mắng ngay:

   - Cứ ăn đi! Trời sinh voi sinh cỏ, vàng bạc chi mà quý?

   - O nhai thứ chi rứa? Trầu đâu? - Tôi hỏi.

   - Mần chi có trầu? Trầu phải mua từ Vĩnh Linh vô, đắt hơn vàng lá. Cả làng bây chừ đều nhai thứ cỏ ni cả.

   O tôi lại cười, mặc dầu chuyện ấy cứ làm tôi nhói ở tim. Manh áo, điếu thuốc, miếng trầu có khi làm khổ con người hơn miếng cơm. Càng hiểu điều ấy, tôi càng ngạc nhiên thấy những thiếu thốn day dứt ấy không hề làm cho o tôi bận tâm, như là cả cuộc đời mình, o tôi không biết lo là gì.

   Chuyện trò một lúc, tôi mới biết o tôi cũng có một điều lo lắng ám ảnh suốt hai mươi năm: lo cho con.

   Người con trai độc nhất ấy, o tôi để gần hết đời mình ra lo cho nó thoát khỏi kiếp đi lính và có một nghề làm ăn. Xin được một chân lao công cho sở Mỹ, o tôi mừng rơn. Nhưng chỉ tháng sau, bị tố giác là con xã đội, người con suýt bị tù. O tôi đem con về làng, bán nửa mảnh vườn nhà chồng, đút tiền xin được cái giấy chứng nhận là con "tư sinh", có nghĩa là con chửa hoang. Yên trí về lý lịch rồi, o đem con sang huyện khác xin việc. Lại một người quen khác tình cờ đi qua huyện đó. Việc lộ. O đem con lên tỉnh. Tất nhiên là cũng không trốn tránh được bao lâu vì tỉnh lỵ là nơi dân các xã, huyện hay về. Từ đó, o tôi sang hẳn các tỉnh khác. Huế, Ðà Nẵng, Phan Thiết, Nha Trang, nơi lâu thì dăm năm, nơi chóng thì dăm bảy tháng là bị lộ. Cái khổ để kiếm miếng ăn không thấm chi bên cạnh cái khổ bị hắt hủi. Một người mẹ với đứa con "tư sinh"!. Tội thì giả, nhưng nhục thì thật. Với bản tính lúc nào cũng cười được của o tôi, thiên hạ mỉa mai "một đứa con tư sinh còn là ít"! Không ai thèm giúp đỡ. Ðến khi hàng xóm láng giềng bắt đầu hiểu ra, và nhìn hai mẹ con với đôi mắt tình cảm hơn, thì cũng là lúc o tôi tính đường đem con đi nơi khác. Hai mươi năm dài chỉ biết có khinh bỉ!

   Ngày giải phóng (1) o tôi mới trở về quê, dựng cái mái lán trên nửa mảnh vườn còn lại của nhà chồng bên kia sông Thạch Hãn. Người con đã 25 tuổi, không có một nghề trong tay, nhưng vẫn mừng là đã thoát được nghề cầm súng cho Mỹ ngụy. Giấy khai sinh vẫn ghi là con "tư sinh".

   - Mi nghĩ có ức không? Con liệt sĩ phải khai con chửa hoang. Tao mà muốn chửa hoang thì con đã khắp xứ!

   O tôi cười rộ lên.

   Bác tôi mắng yêu:

   - Gần miệng lỗ rồi mà cứ như con nít!

   O tôi phản công lại ngay:

   - Chết à! Ði tứ xứ không chết thì thôi, nay về đến làng rồi mà chết được tui còn khó!

   Thì ra cuộc đời của o tôi cũng không thoát khỏi bi kịch. Một bi kịch kéo dài như vậy, mà o tôi vẫn sống cho đến lúc hạ màn, không hề giảm một chút nào tính lạc quan, yêu đời, thì quả là một sự lạ rất khó giải thích.

   Cuối cùng, điều duy nhất o cần đến tôi là:

   - Chừ mi về đây, mi phải lo cho tao việc đó!... Tao đã trót khai hắn là con tư sinh!... Thành giấy tờ nhà nước rồi... Chừ phải khai lại cho hắn. Chính phủ mình, tao chắc là được. Nhưng làm thế nào, mi làm cán bộ thì phải bày vẽ cho em mi... Mai, mi sang nhà tao, tao sẽ cho mi ăn một bữa no nê. Cua lột hẳn hoi... Chi chớ cua lột thì tối nay tao chỉ xách nơm đi một lúc là đầy một nồi ba!

   Sau khi dặn lui dặn tới tôi thế nào cũng phải sang sớm, o tôi vội vã ra về "để trả quần áo cho mụ Hội kịp đi chợ", điều mà o tôi vừa giải thích vừa cười ra rả.

   Hôm sau tôi sang nhà o tôi rất sớm.

   Chắc chắn là đêm qua o tôi đã vác nơm, dọc theo bờ sông Thạch Hãn, kiếm thừa nồi cua bể. Thời cha con tôi ở nhà, o tôi cũng hay mời cha tôi sang ăn như thế.

   Vừa đến cổng tôi đã nghe trong nhà có tiếng khóc thảm thiết và nhiều bóng người đi lại khác thường.

   Người con trai - đứa con "tư sinh" - ra đón tôi òa khóc.

   O tôi vừa chết.

   Lúc bổ củi luộc cua, lưỡi dao của o tôi vấp phải một quả bom bi Mỹ lẫn trong cỏ...

   Tôi đã gặp lại một trong những người thân cuối cùng trên quê hương như thế đó.

   (1) Quảng Trị được giải phóng từ đầu năm 1973.

Bài liên quan
  • VỰC THẲM – Truyện ngắn Nguyễn Kiên

    VỰC THẲM – Truyện ngắn Nguyễn Kiên

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Vực thẳm là truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Kiên. Ông là một trong số các văn nghệ sĩ được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật đợt I, cho các tập truyện ngắn: Trong làng, Vụ mùa chưa gặt, Trái cam trong lòng tay.
  • Ở XỨ VÔ LOÀI – Truyện ngắn Nguyễn Đình Tú

    Ở XỨ VÔ LOÀI – Truyện ngắn Nguyễn Đình Tú

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ở xứ vô loài là truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Đình Tú in trong tuyển tập Hoa Cúc Vàng, gồm các truyện ngắn hay đăng trên Tạp Chí Nhà Văn, do Nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 2007.
  • XÓM CHUỒNG NGỰA – Truyện ngắn Nguyễn Đức Sơn

    XÓM CHUỒNG NGỰA – Truyện ngắn Nguyễn Đức Sơn

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhà văn Nguyễn Đức Sơn (bút danh Sao Trên Rừng - 1937-2020), một trong ba kỳ nhân của làng văn, tức ba người có cá tính kỳ dị bậc nhất làng văn, gồm Nguyễn Đức Sơn, Bùi Giáng, Phạm Công Thiện. Về tài năng, giới văn chương xếp Nguyễn Đức Sơn cùng với Bùi Giáng, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thuỳ Yên là tứ trụ thi ca miền Nam. Đang học Đại học Văn khoa Sài Gòn, Nguyễn Đức Sơn nghỉ ngang và tuyên bố: "Nếu trường Đại học Văn khoa Sài Gòn sản sinh ra được một nhà văn nhà thơ nổi tiếng tôi xin chịu chặt đầu." Năm 1979, Nguyễn Đức Sơn đưa vợ con lên đồi Phương Bối, Bảo Lộc, Lâm Đồng lập nghiệp. Trên quả đồi do nhà sư Nhất Hạnh tặng, ông trải qua bốn mươi năm cùng vợ con sống như những sơn nhân. Năm 2020, ông ra đi và để lại cho Bảo Lộc một đồi thông Phương Bối tuyệt đẹp rộng 15ha do chính tay ông trồng, canh giữ, và thậm chí đổ máu để bảo vệ.
  • NGÔI ĐỀN VÀ ÔNG GIÀ CÂM - Truyện ngắn Trần Tâm

    NGÔI ĐỀN VÀ ÔNG GIÀ CÂM - Truyện ngắn Trần Tâm

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ngôi đền và ông già câm là truyện ngắn trong tập truyện Khuyển Đế của nhà văn Trần Tâm xuất bản năm 2017.
  • SỐNG NHỜ - Mạnh Phú Tư - Phần cuối

    SỐNG NHỜ - Mạnh Phú Tư - Phần cuối

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Sống Nhờ là tác phẩm của nhà văn Mạnh Phú Tư in trên Phổ Thông Bán Nguyệt San năm 1942. Giữa những nhà văn hiện thực xuất sắc khác trước năm 1945, Mạnh Phú Tư tạo ra một thế giới riêng với các tác phẩm cất lên tiếng nói phê phán mạnh mẽ các lề thói cũ, ông dùng cây cọ văn chương, đưa những nét vẽ, rồi ở đấy, trong thế giới của ông, đã để lại những nhân vật, những cảnh đời đẫm máu và nước mắt.
  • SỐNG NHỜ - Mạnh Phú Tư

    SỐNG NHỜ - Mạnh Phú Tư

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Sống Nhờ là tác phẩm của nhà văn Mạnh Phú Tư in trên Phổ Thông Bán Nguyệt San năm 1942. Giữa những nhà văn hiện thực xuất sắc khác trước năm 1945, Mạnh Phú Tư tạo ra một thế giới riêng với các tác phẩm cất lên tiếng nói phê phán mạnh mẽ các lề thói cũ, ông dùng cây cọ văn chương, đưa những nét vẽ, rồi ở đấy, trong thế giới của ông, đã để lại những nhân vật, những cảnh đời đẫm máu và nước mắt.
  • TÔI KÉO XE - Phóng sự Tam Lang

    TÔI KÉO XE - Phóng sự Tam Lang

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Tôi kéo xe là thiên phóng sự mẫu mực của nhà báo Tam Lang, in lần đầu trên Hà Thành Ngọ Báo năm 1932. Dù đã gần một thế kỷ trôi qua, giá trị văn học của tác phẩm vẫn nóng hổi cho tới tận ngày nay, thời mà truyền thông, mạng xã hội bùng nổ chưa từng thấy. "Nghề viết văn viết báo ở xã hội VN là nghề bạc bẽo và bấp bênh nhất. Đâm đầu vào nghề mà không có được người vợ đảm đang tháo vát, tần tảo nuôi nổi gia đình trong thời gian mình thất nghiệp vì bất mãn, vì báo bị đình bản có giới hạn hoặc thu hồi giấy phép thì chuyện treo niêu gác bếp là chuyện rất thường" - Tam Lang.
  • MŨI TỔ - Truyện ngắn Lý Văn Sâm

    MŨI TỔ - Truyện ngắn Lý Văn Sâm

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Trong suốt năm mươi năm cầm bút, nhà văn tài hoa của Miền Đông Lý Văn Sâm đã để lại một số lượng tác phẩm khá đồ sộ, bao gồm nhiều tác phẩm được độc giả yêu thích như Kòn Trô (1941), Nắng bên kia làng (1948), Sương gió biên thùy (1948), Sau dãy Trường Sơn,... Năm 2007, nhà văn Lý Văn Sâm được trao Giải thưởng nhà nước về Văn học nghệ thuật cho các tác phẩm; Sau dãy Trường Sơn, tập truyện ngắn Sương gió biên thùy và Toàn tập Lý Văn Sâm.
  • CHUỒNG NUÔI NGỰA – Truyện ngắn Như Phong

    CHUỒNG NUÔI NGỰA – Truyện ngắn Như Phong

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chuồng nuôi ngựa là truyện ngắn của nhà văn Như Phong in trên Báo Mới số 2 (ngày 15-5-1939) và số 3 (ngày 1-6-1939). Nhà văn Như Phong được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật đợt 2 Năm 2007.
  • NGƯỜI THÀY THUỐC - Truyện ngắn Thanh Châu

    NGƯỜI THÀY THUỐC - Truyện ngắn Thanh Châu

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Người Thày Thuốc là truyện ngắn trong tập truyện cùng tên của nhà văn Thanh Châu, Tân Dân xuất bản năm 1938. Ông chính là tác giả của truyện ngắn Hoa Ti-gôn, vốn là khởi đầu cho một cuộc tranh luận bất tận cho tới tận ngày nay về bài thơ  “Hai sắc hoa Ti-gôn”, của nhà thơ “bí ẩn” T.T.Kh.