chan_dung-ke_si

NÓ VÀ BA NÓ - Truyện ngắn Thanh Quế

24-08-2023

Lượt xem 1087

Đánh giá 0 lượt đánh giá

Chia sẻ

  Truyện ngắn hay Nguyễn Thị Châu Giang

NÓ VÀ BA NÓ - Truyện ngắn Thanh Quế

Nó đã lên bảy. Người nó dong dỏng cao, dáng nhanh nhẹn. Trên khuôn mặt trắng trẻo của nó dây lem nhem những vết nước mũi lẫn đất. Đó là dấu vết của sự thiếu chăm sóc trong những ngày gần đây của người mẹ.

Lúc ấy khoảng bốn giờ chiều, mặt trời chiếu những tia nắng nhợt nhạt xuống con đường làng trước nhà nó. Bọn trẻ đang nô đùa. Hình như đã qua trò chơi đáo, bây giờ chúng chuyển sang nhảy dây. Mọi bữa, nó cũng được cùng chơi. Nhưng hôm nay, hễ nó xáp vào trò chơi nào, lũ bạn nó cũng gạt ra. Nó tức giận bước tới bên gốc dừa rợp mát trước sân nhà, tay cầm mấy cục đất, gườm gườm nhìn ra. Có mấy đứa trẻ đang xem bọn nhảy dây bỗng giơ tay lêu lêu nó rồi bỏ chạy. Nó ném theo một cục đất rồi đứng lom khom thủ thế. Một đứa trẻ đang chạy bỗng quay lại la to:

- Đồ ác ôn, không phải con ông Bốn. Má tao nói ổng sắp về rồi, ổng sẽ trị mày.

- Tao mà là con ác ôn à?

Nó vừa nói gằn vừa chạy lại phía góc sân, cầm một cây sào dài, vốn ngày nào bọn nó vẫn cùng nhau khoèo ổi, khoèo xoài rồi vui vẻ cùng ăn với nhau, khua túi bụi vào đám trẻ con. Mấy đứa đang nhảy dây cũng bỏ chơi, hùa nhau lượm đất ném vào nó. Nó ré lên, chạy thẳng vào nhà.

Nó chạy đến mách với má nó. Nhưng hôm nay, má vẫn ngồi im bên bàn không bênh vực nó, không kéo nó vào lòng hôn hít như mọi bữa. Dáng má rầu rĩ, hai mắt đỏ hoe. Má khoát tay bảo nó đi ra cho má được yên. Nó kinh ngạc nhìn má rồi lui vào trong chiếc giường trong góc nhà, úp mặt xuống gối khóc tức tưởi. Nó thấy tủi thân. Tại sao bọn trẻ lại bảo nó là con ác ôn. Lâu nay, khi thấy bọn trẻ có ba, nó hỏi ba nó đâu, má bảo ba ở miền Bắc. Dạo này, trong làng, nhiều anh chị có ba về, nó cũng mong ba về lắm. Sao tụi trẻ bảo ông Bốn nào đó sẽ về trị nó, mà không phải ba nó? Sao mấy bữa rày, thấy các bác ở miền Bắc về, má nó không đến hỏi thăm tin ba mà cứ ngồi ủ rũ? Nó cứ nghĩ mãi, nghĩ mãi, rồi ngủ thiếp đi.

Sáng hôm sau, nghe tiếng má mở cửa, nó giật mình thức dậy, nhảy ngay xuống sàn nhà. Nó thấy một ông to lớn, đội mũ cối, mang ba lô, mặc quần áo bộ đội bước vào nhà. Nếu như mọi bữa, thấy các chú bộ đội, nó sẽ chạy đến ôm chầm, bắt các chú cho xem cái mũ có ngôi sao. Nhưng hôm nay tự nhiên nó thấy sợ. Nó nghe má nó nói:" Trời, anh Bốn!" rồi đứng sững như trời trồng. Ông này cũng đứng sững đăm đăm nhìn má nó. Một cái gì đó bỗng chạy rùng rùng từ ót cho đến đầu ngón chân nó. Chợt nhớ lời lũ trẻ nói về ông Bốn, nó sợ quá. Đầu gối nó run run. Nó lùi trốn vào góc nhà, lấm lét nhìn ra.

- Ông nhỏ đây hử. Trốn làm gì, ra đây "trình diện" đi. Ông Bốn vừa đặt ba lô xuống bàn vừa quay về phía nó nói.

Nó đứng sững, trợn trắng mắt lên. Lâu nay ở trong xã người ta kêu những người làm cho địch "trình diện". Nó đâu có làm gì. Nó nghĩ vậy rồi vừa lấm lét nhìn ông vừa lùi ra phía cửa.

Nó chạy ra đầu xóm. Bọn trẻ đang chơi trò bịt mắt bắt dê dưới một gốc bàng. Nó sán lại nhưng mấy đứa xô nó ra. Một thằng mặt bê bết đất quay lại nói:

- Cút đi, đồ con ác ôn. Hồi nãy mẹ tao bảo thấy ông Bốn về. Mày sợ mày trốn hả?

Nó a vào, chụp tay thằng kia cắn một miếng. Bọn trẻ xô vào cứu thằng kia, vật nó xuống, đá vào người nó. Nó thét lên một tiếng ghê rợn, vùng dậy nhặt một bãi phân bò khô ném vào lũ trẻ. Chúng dạt ra. Nó vừa kéo quần vừa ù té chạy.

Nó đứng bên bờ một con kênh ở rìa làng. Mới đầu xuân mà trời đã nóng nực. Nó nhảy ùm xuống tắm. Con kênh này cạn, nước chỉ tới ngực nó. Nó ngụp lặn, vỗ nước thỏa thích. Một lát sau, nó leo lên bờ, chui vào một bụi cây và thiếp ngủ. Ánh mặt trời chiếu thẳng vào đỉnh đầu làm cho nó thức dậy. Nó thấy kiến bò ran trong bụng. Nó đói. Nó lùi lũi quay vào trong xóm.

- Ê, con ác ôn. Mẹ mày với ông Bốn tìm mày mãi. Mày đi đâu?

Thằng bé hồi sáng bị nó cắn vào tay đang cầm một cái rổ đi ngược chiều nó nói với nó. Nó quay lui lại. Nó sợ Bốn bắt nó quá. Một lúc sau, nó đi đến một động cát ở cuối làng. Động cát này chỉ có cát và gai bàn chải phủ lên trên những cái mả đá. Đây là nghĩa địa của làng. Xưa nay, người ta đồn ở đây có nhiều ma lắm. Nó thấy sợ, tim đập thình thịch. Hình như ở khắp mọi nơi trên động, dưới những bụi bàn chải bỗng hiện lên những người đầy lông lá. Nó vùng chạy. Cuối cùng nó thấy nó đứng ngay ở đầu hè nhà mình. Nó thấy má nó đang ngồi khóc bên bàn. Ông Bốn ngồi bên má nó. Nó đoán ông đã đánh má nó. Nó cúi xuống lượm một cục đất nếu ông còn đánh nữa nó sẽ trả thù cho má. Nó nghe má nói, giọng thấm nước mắt:

- Thằng Thạnh nó cưỡng ép em mãi. Nó làm khó làm dễ em hoài. Nay nó bắt đi tù, mai nó bỏ truyền đơn vu cáo. Nó bảo em không ly hôn anh là còn theo cộng sản. Các chị em khác cũng có đứa ép như vậy, nhưng các chị chống lại. Còn em, em bị bắt tù hoài, em sợ. Em không đủ sức chống đỡ

Má nó bưng mặt, khóc hu hu một lúc rồi nói tiếp:

- Thằng Thạnh có nhiều tội ác, bị ta giết rồi. Nó chết. Nhưng nhục nhã của em, em không bao giờ xóa được. Em đã có đứa con với nó. Ai cũng khinh em. Em xấu hổ qúa. Em không dám nhìn anh nữa

Nó thấy má ngã vào lòng ông Bốn khóc rấm rứt và nói lúng búng những gì vơi ông, nó nghe không rõ. Ông Bốn cứ ôm má nó vuốt vuốt tóc, dỗ má nó nín. Chuyện gì thế nhỉ? Tại sao ông Bốn làm má khóc mà má vẫn tựa vào ông, để ông âu yếm như má vẫn thường nựng nó? Nó đâu biết. Cũng như nó làm sao biết được cái gì đã xảy ra trong lòng ông khi ông biết tin má nó đã phản bội ông, lấy một người khác, chính là cha nó, một tên ác ôn, để có nó trên đời này. Bao nhiêu đau xót, giận hờn. Bao nhiêu dằn vặt, dày vò trong lòng ông nhiều đêm mất ngủ. Trong ý nghĩ, ông đã từng quyết định cắt đứt với má nó rồi ông tự xóa quyết định ấy mà lòng nặng chua xót để trở về gặp lại, hàn gắn với má nó. Nó đâu biết điều ấy. Nó chỉ nghe ông nói, giọng khàn khàn:

- Thôi, nín đi em, anh hiểu cả. Anh về đây không phải để dằn vặt em mà để cùng em xây dựng lại cuộc sống của chúng mình.

Bóng chiều xuống dần. Nó thấy má nó nước mắt long lanh, ngẩng lên nhìn ông Bốn, hỏi nhỏ:

- Còn nó?

- Ta sẽ nuôi. Cha nó khác. Nó khác. Hồi sáng thấy nó y hệt cha nó hồi nhỏ trong cùng đám bạn chơi bi đáo với anh, anh tức lắm. Nhưng nghĩ lại, anh thấy thương nó. Nó ở trong nhà mình, lớn lên dưới chế độ mình.

Má nó lấy khăn lau mắt. Khi bà ngẩng lên, nó thấy mắt má nó như sáng hơn mọi bữa. Ông Bốn đứng dậy đi lại trong nhà. Dáng ông như chùm lên dáng má nó. Bất chợt, ông dừng lại, vỗ vào vai má nó:

- Này em, em đi tìm thằng nhỏ về đi chớ tối rồi. Không biết ông tướng đi đâu từ sáng tới giờ.

Ông đẩy cửa bước ra thầm. Tiếng kêu ken két của cánh cửa già nua làm nó sợ hãi. Nó vù chạy. Ông bốn gọi với:

- A, thằng nhỏ đây rồi, vào đây con!

Nó đứng sững, quay mặt lại phía ông. Tự nhiên nó thấy cánh tay vẫy vẫy của ông trong nắng cứ vươn dài như muốn bắt lấy nó. Nó càng sợ. Chợt nhớ ra hòn đất đang cầm trong tay, nó ném vào ông rồi phóng nhanh.

Trước mắt nó hiện ra một gánh hàng bún của một bà chuyên đi bán rong khắp xã. Bên cạnh bà, một gã tóc tai bù xù, quần ống loe, râu để dài, chắc gã ở thị trấn về, đang ngồi ăn bún. Nó thấy đói quặn cả ruột. Nước miếng tứa ra. Nó bước tới gần, nhìn chằm chằm vào rổ bún.

- Nè bụi đời - gã tóc dài đưa cánh tay xương xẩu ngoắc lấy nó.

Nó đứng lặng. Sao gã kia lại dám gọi nó là bụi đời. Bọn trẻ bảo nó là con ác ôn, gã này lại gọi nó là bụi đời. Sao vậy? Hay tại cả ngày nay nó đi lang thang. Nó tức giận, hầm hầm nhìn gã rồi bước đi.

Sẩm tối, nó cảm thấy đói xỉu. Nó nằm xuống dưới một gốc cây bàng, thiêm thiếp ngủ.

Có tiếng ai đó quen quen đang lay gọi nó. Nó ư hử rồi nặng nề mở mắt. Một khuôn mặt như khuôn mặt má cúi xuống bên nó. Nó nhắm mắt lại rồi mở mắt to hơn. Bây giờ nó nhận ra người ngồi bên cạnh đúng là má nó.

- Thôi, dậy đi về con. Suốt ngày nay, tao với ba mày tìm mày miết. Má nó vừa nói vừa đỡ nó đứng dậy.

Nó đưa tay dụi mắt, nhìn má nó. Trên khuôn mặt của má, cái vẻ ảm đạm hôm qua như nhẹ hẳn đi.

Linh tính trẻ con báo cho nó biết là nó sẽ không bị má la rày gì đâu. Nhưng chợt nhớ đến ông Bốn nó mặc cả để thăm dò:

- Tui hổng về. Nếu còn ông Bốn ở nhà thì tui hổng về đâu. ổng đánh tui, tui sợ lắm.

- Ba mày chứ ai mà sợ

Má nó nói rồi lôi tay nó dắt đi. Nó vừa trì tay lại vừa khóc ư ử.

- Vào đây con, ba tìm con mãi, có kẹo miền Bắc ngon lắm.

Nó thấy ông Bốn đứng trên thềm nhà ngoắc nó, mỉm cười. Nhớ lại chuyện ném đất hồi chiều, sợ ông đánh, nó giật tay, vù chạy. Nhưng má nó chạy theo chụp lại:

- Vào chào ba đi con. Má nó nói.

- Hổng phải ba đâu má. Tụi nhỏ nói thế.

Ông Bốn nói dịu dàng:

- Tụi nó nói bậy đó. Ba đây mà. Ba ở miền Bắc về với con đây mà. Hồi sáng ba làm lạ thử con có nhận ra ba không. Thế mà con không biết, con sợ ba.

Má nó đẩy nó đến bên ông Bốn. Nó len lén cúi đầu vừa vuốt nước mắt vừa nói ngập ngừng:

- Con chào ba ạ. Hồi chiều…

Ông Bốn dắt tay nó đến bên bàn, lấy kẹo đưa cho nó rồi quay sang nói vói má nó:

- Mai mình cho con đi học nghe.

- Ừ, mai má sẽ cho con đi học.

Bây giờ, nó vừa khóc thút thít vừa ôm choàng cổ ông Bốn đang cúi xuống bên nó nói thỏ thẻ:

- Mai ba dẫn con đi, để tụi nó không nói con là con ác ôn, mà là con của ba nghe ba.

Ông Bốn ôm nó vào lòng, đưa tay xoa đầu nó. Hẳn cái giọng cầu mong thỏ thẻ của nó xoáy vào lòng ông, có cái gì đó còn đau hơn cả nỗi đau mà ông đã chịu đựng. Ông càng thấy thêm yêu thương nó. Bằng cái giọng ấm áp của người cha, ông khẽ bảo:

- Ừ, mai ba sẽ dẫn con đi.

Thanh Quế

Bài liên quan
  • KÝ SỰ CAO LẠNG - NGUYỄN HUY TƯỞNG

    KÝ SỰ CAO LẠNG - NGUYỄN HUY TƯỞNG

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ký sự Cao Lạng của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng được ghi nhận là một trong những tác phẩm dài hơi đầu tiên của nền văn học kháng chiến chống thực dân xâm lược Pháp, đại diện xuất sắc cho thể loại ký sự trong văn học sử Việt Nam thời hiện đại. Tác phẩm như một thiên sử thi, ghi lại những diễn biến lần đầu tiên Quân Đội Nhân Dân Việt Nam tiến công quân xâm lược Pháp, do đích thân Hồ Chủ Tịch ra trận chỉ đạo, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đảm nhận trọng trách chỉ huy trưởng chiến dịch. Ký Sự Cao Lạng cùng với một số tác phẩm khác của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh (giải thưởng diễn ra 5 năm một lần) trong lần đầu tiên giải thưởng này được tổ chức năm 1996.
  • MÙA GỤ - Truyện thiếu nhi Trần Tâm

    MÙA GỤ - Truyện thiếu nhi Trần Tâm

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mùa Gụ là truyện ngắn trong tập Ngày mai sẽ nắng của nhà văn Trần Tâm, Nxb Kim Đồng in năm 2002.
  • ĐI COI NƯỚC -Truyện ngắn Nguyễn Trọng Nghĩa

    ĐI COI NƯỚC -Truyện ngắn Nguyễn Trọng Nghĩa

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chuyện của nhà văn gốc Cà Mau, về miền sông nước...
  • CHUYẾN XE CUỐI NĂM - Truyện ngắn Thanh Tịnh

    CHUYẾN XE CUỐI NĂM - Truyện ngắn Thanh Tịnh

    Chuyến xe lửa đêm ra Bắc hôm nay có vẻ hấp tấp vội vàng như người đi trốn nợ. Thỉnh thoảng đầu xe lại thét vội giữa quãng đồng không, xa xa. Nghe như hơi thở của đêm vắng.
  • LÀN GIÓ CHẢY QUA – Truyện ngắn Lê Minh Khuê

    LÀN GIÓ CHẢY QUA – Truyện ngắn Lê Minh Khuê

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Làn gió chảy qua là truyện ngắn trong tập truyện cùng tên được trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2016.
  • THÁNG BẢY – Truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh

    THÁNG BẢY – Truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Tháng Bảy là truyện không ngắn như những truyện ngắn khác mà nhà văn Phan Thị Vàng Anh thường viết, nó dài hơn hẳn. Truyện được viết khi tác giả tham dự chương trình viết văn của Đại học Iowa, Mỹ, đăng trên TTCT năm 1996.
  • HỌC TRÒ GIÀ – Truyện ngắn Trần Kim Trắc

    HỌC TRÒ GIÀ – Truyện ngắn Trần Kim Trắc

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhà văn quê gốc Chợ Gạo Trần Kim Trắc, còn được biết đến với tên gọi Ông Thiềm Thừ, theo tên một truyện ngắn xuất sắc của ông, là một trong những cây đại thụ của văn chương Nam Bộ. Truyện nào của ông, cũng như gieo những cơn mưa Nam Bộ, thấm đẫm từng trải và bạt ngàn vốn sống lên văn đàn.
  • ĐẢO CỦA DÂN NGỤ CƯ – Truyện ngắn Đỗ Phước Tiến

    ĐẢO CỦA DÂN NGỤ CƯ – Truyện ngắn Đỗ Phước Tiến

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Truyện ngắn Đảo của dân ngụ cư của nhà văn Đỗ Phước Tiến in trên báo Văn học và Dư luận năm 1992, ngay lập tức đã gây chú ý  tới đông đảo độc giả yêu mến văn chương. Năm 1994, Đảo của dân ngụ cư đã được dịch sang tiếng Pháp với tựa Terre des éphémères và được lấy làm tên cho một tập truyện xuất bản ở Paris. Truyện cũng được dịch sang tiếng Anh với tựa The Way Station trong tuyển tập Night, Again xuất bản tại New York năm 1996. Đến năm 2016, tại Việt Nam, nó được chuyển thể thành phim điện ảnh cùng tên do Hồng Ánh đạo diễn.
  • THẾ GIAN MỘT THẺO NHÂN TÌNH – Truyện ngắn Nguyễn Trọng  Nghĩa

    THẾ GIAN MỘT THẺO NHÂN TÌNH – Truyện ngắn Nguyễn Trọng  Nghĩa

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Truyện ngắn THẾ GIAN MỘT THẺO NHÂN TÌNH của Nhà văn Cà Mau Nguyễn Trọng Nghĩa in lần đầu trên báo Tuổi trẻ chủ nhật sau đó in trong tuyển tập Truyện ngắn hay Tuổi Trẻ Chủ Nhật, nhà xuất bản Trẻ 2005.
  • ĐIỆU MAMBO HƯ ẢO – Truyện ngắn Nguyễn Đình Tú

    ĐIỆU MAMBO HƯ ẢO – Truyện ngắn Nguyễn Đình Tú

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhà văn Nguyễn Đình Tú đến với văn chương từ cuộc thi Tác Phẩm Tuổi Xanh của Báo Tiền Phong năm 1995, với giải thưởng cho truyện ngắn Niềm vui của một dòng họ. Nhưng phải tới khi đạt giải nhì cuộc thi văn chương của Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1999, anh mới chính thức rẽ vào làng văn và trở thành một trong những nhà văn thế hệ 197x viết nhiều và đa dạng thể loại thành công nhất hiện nay.