chan_dung-ke_si

NHỮNG NGƯỜI ĐÀN BÀ BÊN SÔNG - Truyện ngắn Thùy Dương

17-09-2023

Lượt xem 879

Đánh giá 0 lượt đánh giá

Chia sẻ

  truyện ngắn hay

NHỮNG NGƯỜI ĐÀN BÀ BÊN SÔNG - Truyện ngắn Thùy Dương

Nhà văn Thùy Dương

Làng ở bên con sông Đáy. Ngày mẹ gửi về làng, tôi thường theo bọn trẻ chăn trâu tha thẩn dọc triền đê. Gió thổi lồng lộng, nước sông sẫm xanh vỗ ỳ oạp. Mặt sông rộng hút, nhìn bờ bên kia xa tít. Tôi đã từng suýt chết đuối khi theo chúng bạn lặn ngụp ven bờ sông mùa nước cạn để mò hến. Rêu quấn chân khiến tôi uống no bụng nước mới ngoi lên được. Dì tôi nghe mách đã lôi tôi xềnh xệch từ bờ sông về, vừa đi vừa riết róng:" Ai bắt, ai khiến như thế, mà thấy "thuyền đua lái cũng đua" hả. Có làm sao thì bà với dì ăn nói với bố mẹ thế nào đây. Thật tội nợ, cháu ơi là cháu!..." Dì bắt tôi đứng im trong góc nhà tối om om rồi quay qua xuống bếp thổi cơm. Nhớ mẹ, tủi thân và sợ tối, tôi khóc thầm. Có tiếng bà đầu ngõ: "Con Thư đâu ra bà cho mấy con muỗm mà nướng - muỗm béo lắm!" Tôi thổn thức rồi oà khóc. Bà chạy vội vào quờ tay ôm choàng lấy tôi. Mùi mồ hôi, mùi rập rạp nồng nồng của những lượm lúa quẩn quanh bên bà khiến tôi vơi đi những nỗi buồn ban nãy. Tôi lon ton chạy ra hè bê ngọn đèn dầu hoả đặt lên bàn. Từng lớp quần vê lên phía đầu gối của bà thả dần, hiện ra những con muỗm xanh béo múp. Những con muỗm nướng trong đám tàn rơm chảy mỡ và thơm nức mũi. Tôi nhai ráu từng con, nghe mùi thơm béo ngậy của thịt muỗm ngấm tận cuống lưỡi. Dì vò tóc tôi:"Con gái lớn rồi phải biết nghe lời. Tóc cháu khét nắng, mặt mũi rám nâu chẳng khác gì con nhà nông ... Lại nữa - sông sâu và rộng chẳng may thì khốn... Thích ra sông chơi, tối chờ dì dẫn ra..." Bà đặt đôi đũa xuống mâm gỗ, quay mặt ra sân, đôi mắt lá răm ánh lên vẻ tinh quái trẻ trung hiếm có:" Thế mà có đêm từ bờ bên kia tao đã bơi gần qua con sông ấy..." Tôi vẫn lúng búng miếng cơm :" Sao lại bơi đêm? Lúc ấy bà bằng cháu à?" Bà ầm ừ trong miệng, mãi mới nói:" Lúc ấy bà ngoài 20." Tôi nhìn bà cố hình dung ... Chắc bà đẹp lắm. Tôi chợt nhận ra dì là hình ảnh của bà mấy chục năm về trước. "Sao mẹ cháu không giống bà mà cũng chẳng giống dì hả bà?" Bà gạt mấy sợi tóc loà xoà bên má, vội vã ngắt lời:" Mẹ cháu giống ông. Thôi ăn cơm đi kẻo nguội hết!".

Tôi kể chuyện bà bơi qua sông cho lũ bạn (mà trong đó quá nửa là bác, là cô, là dì của tôi). Cái Lệ hơn tôi hai tuổi mà tôi phải gọi bằng cô - ra điều hiểu biết:" Bà mày không chỉ bơi qua sông một lần mà nhiều lần. Là vì trốn nhà chồng về thăm mẹ mày đấy. Thế mày không biết gì à? Mẹ mày con một ông còn dì mày con một ông khác. Vì thế đâu có giống nhau..." Tôi tức quá đỏ căng cả mặt. "Nếu mày không tin thì về hỏi bà trẻ tao, nào..." Tôi vùng chạy, vừa chạy vừa khóc tức tưởi. Không phải thế - nhất định chẳng phải thế. Dì tôi hốt hoảng kéo mặt tôi, nhìn ngang nhìn dọc :" Nói dì nghe, đứa nào làm gì cháu!" Tôi vẫn không sao nín nổi . Lôi tôi ra giếng lấy nước rửa mặt, dì săm soi khắp cẳng chân cẳng tay. " Có làm sao đâu, thế đứa nào bắt nạt nói mau..." " Chúng nó bảo ..." Tôi vừa hức ... hức vừa kể lại. Dì ôm tôi vào lòng vỗ vỗ vào lưng, giọng dì ngàn ngạt :" Chúng nó nói láo. Để mai dì cho mối đứa một trận. Cháu đừng mách bà nhé - kẻo bà lại mắng thêm cho..."

Mẹ thường bảo :" Mẹ thương bà và dì lắm. Các con phải thương bà và coi dì như mẹ". Tôi cãi :" Thì nhà cũng chỉ có con với cái Thuỷ mà mẹ lúc nào cũng yêu cái Thuỷ, đi đâu cũng cho nó đi..." Mẹ không mắng tôi tị nhau với em, chỉ buồn buồn :" Các con có bố, ông bà nội, các cô các chú, chứ mẹ và dì chỉ có mỗi bà và hai chị em thôi..." Lúc mẹ nói câu ấy tôi thấy mắt mẹ ngân ngấn ướt. Lớn chút nữa, cứ chiều thứ bảy tôi lại đạp xe 9 -10 cây số từ thị xã về quê. Tôi kéo túm tre gai rấp ngõ đi thẳng vào sân, luồn hai tay lên mái tranh lấy ra chiếc chìa khoá nhỏ xíu mở hai cánh cửa phên vào nhà. Nền nhà bằng đất nện đen bóng , mát lạnh và sạch bong. Tài sản quí giá nhất của bà là chiếc thùng đựng thóc bằng gỗ kê ở gian giữa có nắp khoá. Nửa mặt kia của thùng thóc được dùng làm bàn thờ. Trên đó có một bức ảnh chú bộ đội cười thật tươi. Đó là ông ngoại. Hai gian bên kê hai chiếc giường gỗ dưới rải đầy khoai tây đang lên mầm. Buồng phía tay trái tối om om, có mấy chiếc sào treo quần áo và những chiếc quang treo lủng liểng thường đựng tép rang khế hoặc cá kho lá thèn đen. Tôi nằm duỗi dài trên giường. Chỉ chốc lát đã nghe tiếng chân bà lật đật từ đầu ngõ :" Thư đã về ư cháu... bà còn phải làm rốn đám cỏ khoai..." Tôi chui vào bếp nấu cơm cùng bà. Khói rơm cay cả mắt. Bà vừa thoăn thoắt thái rau vừa chỉ:" Cời gio bếp cho thoáng, lấy đũa cả sơ nồi cơm đi..." Bà ủ nồi cơm giữa đám gio hồng rực nhưng ngả sang đen sì rất nhanh và giục :" Ra sông giục dì về ăn cơm. Dạo này dì mày cứ la cà ... Ngoài hai mươi tuổi rồi mà cứ ỳ thần xác ra. Bao đám đánh tiếng không chịu lấy. Khéo rồi lại chết già..." Sợ phải nghe những lời than vẫn của bà - mà những lời than ấy quanh đi quẩn lại cũng chỉ có thế mấy năm nay - tôi chạy ù ra ngõ. Cái Lệ từ đâu xuýt xô vào tôi :" Mày vừa về hả - đi tìm dì mày phải không:" Nó kéo tôi đi băng băng:" Ngoài sông vui lắm - dạo này có đoàn địa chất về khoan dầu..." Trăng tãi vàng trên sông, làng xóm bờ bên kia đen sẫm. Bờ đê lố nhố những người. Tiếng cô nào đó cười như nắc nẻ lan cả mặt sông. Tiếng một chàng trai trầm ấm... tự nhiên tôi buồn. Có một điều gì đó len đến trong lòng, thổn thức, vu vơ. Tôi kéo tay Lệ ngồi xuống. Cỏ mát như ánh trăng. Lệ ngạc nhiên thì thào :" Không ra chỗ dì mày sao?" Tôi chỉ lắc đầu. Có cảm giác như thân thể tôi được tắm đẫm ánh trăng và trở nên nhẹ, trong. Còn tâm hồn như có hai chiếc cánh đã chấp chới bay vút lên trên cao kia. Thốt nhiên tôi bỗng nhớ đến cậu bạn cùng lớn vẫn nhìn tôi rât lạ lùng và trong lòng chùng xuống. Bên tôi Lệ nhấm nhấm cọng cỏ, bâng quơ :" Đêm trăng sông như rộng ra..." Từ sâu thẳm trong ký ức có điều gì đó vụt đến. Thế mà ngày xưa bà bơi qua sông này... Lệ nhìn tôi dò hỏi..."bà chỉ bơi một lần thôi, còn những lần sau ông chèo thuyền đưa bà đi..." Và trong tôi, câu chuyện qua lời bà, lời những người xung quanh đã chắp lại nguyên vẹn...

Kẻ kéo tay, người xổ tóc, ai đó luồn ngang hông xỏ bộ xà tích bạc... Còn Thi vẫn ngồi chết trân, lòng y như luống cải non bị những bàn chân trần xéo nát. Văng vẳng đâu đây tiếng đứa con gái hai tuổi thổn thức tìm mẹ. Thi nuốt khan những cơn quặn từ ruột lên chẹn ngang cổ. Bà thím dâu nhanh tay đưa cho Thi chiếc khăn mặt ướt, vỗ về:" Cố mà chịu con à rồi năm bữa nửa tháng về thăm một lần... Mẹ con người ta cũng là chỗ tử tế!" Thi lập bập ấp chiếc khăn ướt lên mặt hồi lâu. Đêm nay con bé sẽ ngủ với ai? Nó có tật đái dầm - ai biết chừng mà thức con dậy?! Nghĩ thế Thi lại muốn chạy ra ngoài, quỳ sụp xuống lạy cha. Biết rằng ông làm dữ chẳng qua cũng vì thương con mà sợ miệng tiếng họ hàng, làng xóm... Bà dì ghẻ bước vụt vào bẻo lẻo :" Nào các cô, xong hết cả chưa. Nhà trai đã xin rước dâu rồi !" Thi níu lấy tay dì khẩn khoản :" Con cậy nhờ dì trông nom cháu giúp..." Dì giằn dỗi :" Cô không phải nói nhiều !" rồi quay mặt đi lén chùi nước mắt. Thi cắn răng lảo đảo đứng dậy. Bước ra đến cổng có cái gì kéo níu khiến Thi quay ngoắt lại. Bên hàng rào, giữa bụi dứa dại, ai đang tâm đặt con bé con đang khóc không thành tiếng. Giằng tay cô bạn đi bên cạnh Thi định vụt chạy trở lại. Bà dì từ trong bếp xô ra, ôm chặt con bé vào lòng. Và chính giây phút ấy Thi bắt gặp ánh mắt thảng thốt của cha... Cô chỉ biết cúi đầu nhẫn nhục.

Thi ngồi thu lu tận góc giường nhớ con đến quay quắt. Đã khuya lắm rồi, gian ngoài bà già chắc đã ngủ. Có tiếng đằng hắng rồi người được gọi là chồng Thi bước vào. Anh ta không nhìn cô nói nhỏ:" Ngả lưng nghỉ một chốc đi... Chắc cũng mệt lắm..." Thi bỗng đổ xoài xuống giường, tóc xoã trán :" Tôi cắn rơm cắn cỏ lạy anh. Cho tôi về bên nhà một nhoáng rồi lại trở sang!..." Trước gương mặt ngơ ngác của người con trai. Thi lách tấm cửa liếp vụt chạy. Bằng trực giác Thi cứ hướng ra bờ sông. Có tiếng chó nhà ai sủa phía sau, rồi kế bên và phía trước ... như một sợi dây âm thanh kéo suốt làng. Có tiếng người và ánh đuốc bập bùng đâu đây, mặc kệ, Thi cứ vùn vụt lao. Nỗi nhớ thương, nỗi mong chờ gặp con khiến cô không còn để ý và sợ hãi điều gì. Cuộn áo váy đội đầu, Thi rùng mình dấn thân xuống dòng sông đen sẫm và lạnh lẽo. May mắn vớ được thân cây chuối ai bỏ sát bờ đê, Thi quặc một tay vào nó và đập chân bơi. Dòng sông về đêm như rộng đến vô tận...

Thi lật ngửa thả người trôi lờ đờ, chân tay chỉ khẽ quẫy nhè nhẹ. Sóng ve vuốt dọc thân cô, nước bây giờ như ấm áp hơn và đầy bao bọc. Phía trên cao xa tít thấp thoáng một vài ánh sao lẻ loi đơn chiếc. Mọi sự dường như lùi ra xa... Nếu có thể cứ bồng bềnh giữa sóng nước này. Như một ngày nào đó cô đã ở bên anh, khao khát đến muốn khóc... Có con cá nào đó đớp nhẹ ngang hông khiến cô giật bắn người sực tỉnh. Thực tại ùa trở lại.

Cô lại hối hả bơi. Cùng với những con sóng tấp xô lại cô là cả một khoảng thời gian khủng khiếp. Đêm chia tay đứt ruột giữa hai người - anh ra đi mong làm giàu để quay về cưới cô, sự sợ hãi xen lẫn vui mừng khi giọt máu của anh để lại lớn lên trong lòng... Ông chú cầm chiếc áo tơi vứt ra giữa nhà, chỉ tay vào mặt cô:" Mày làm bại hoại gia phong cái nhà này. Sao mày không cuốn xéo đi theo cái thằng khố dây cho khuất mắt.." ánh mắt người cha đau đớn chết lặng và nỗi hoảng hốt cùng cực của người dì ghẻ. Vẫn còn nguyên sự ngốt ngát ê chề mỗi khi bước ra khỏi nhà phải chùm hụp chiếc áo tơi lá kia... Con cô ra đời và lớn lên giữa ê chề nhục nhã của cô, chẳng được bình thường như những đứa trẻ khác. Bù vào đó nó có mẹ trọn vẹn đủ đầy hơn với nỗi trông đợi và hy vọng đầy lên mỗi ngày ... Cô thở như dốc sức, ôm thân chuối bằng cả hai tay và tỳ cả mặt mình lên đó. Bây giờ hy vọng đã tan tành - anh chẳng mảy may tin tức và mẹ con cô bị xé ra khỏi nhau ... Giữa dòng sông này, cô chẳng còn nuối tiếc, chỉ thương...

Thi ơi... ơi ! Cô choàng người vì tiếng gọi khắc khoải đuổi trên mặt sóng từ phỉa sau. Xa xa bên kia, dưới ánh trăng hạ tuần yếu ớt, bóng một con đò và một người đang cuống quýt chèo.

Chẳng hiểu vì sao cô lại im lặng và cố sức bơi. "Cô lên đi kẻo chuột rút bây giờ. Tôi sẽ chở cô sang bờ bên kia mà!" Tiếng người con trai hổn hển hối thúc... Cô chụp vội cái váy lên đầu kéo xuống, khoác áo cánh ra ngoài chiếc yếm ướt rồi bươn bải leo lên đê, vẫn nghe tiếng dặn dò :" Tôi cắm sào đợi cô ở đây!" Bà dì lách cách mở khoá nhà ngang, soi chiếc đèn dầu ngang mặt cô rồi khe khẽ :" Sao con lại về ? Có chuyện gì ư ?" Cô chẳng kịp nói gì, sà bên chiếc phản gỗ. Con bé đang ngủ say, môi chóp chép rồi thổn thức, thổn thức. Cô vén cánh tay mũm mĩm của con và rên lên khi thấy vết gai dứa cào. Dì lậm bậm:" Chú của cô đấy - người đâu mà ác. Cái việc gả bán này cũng do ông ta bày đặt ra cả". Cô ấp mặt vào bàn tay xinh xinh của con, mút mút những ngón tay nhỏ xíu :" Dì đừng nói với ai - kể cả với thầy - Chuyện con về. Dì ngủ với cháu đi, tối mai con quay lại".

Hôm sau chưa tối anh đã dặn :" Hôm nay đi sớm hơn để cô về nhà được lâu. Tôi nói với u là đưa cô đi cắt thuốc..." Đêm sau nữa anh đi cùng cô vào tận sân, ngồi ngủ gật bên đống rạ chờ cô hú hí với con. Tờ mờ sáng hai người mới khẽ nhích cửa luồn vào buồng. Có tiếng bà mẹ ho khan và khẽ thở dài. Cô tái mặt quay vào nhìn anh. Anh lắc đầu trấn an cô rồi thì thào:" Vào giường mà chợp mắt, tôi xuống bếp đun cám".

Tối bà mẹ lôi ra một lô những manh áo rách từ đời thủa nào :"Mắt tôi kém nhờ chị tối nay khâu vá dùm..." Cô cắm mặt bên ngọn đèn dầu lù mù. Chắc bà ấy đoán ra rồi tìm cách ngăn cản đây. Bà ấy cũng có con sao nỡ... Những giọt nước mắt rải lên mụn vá cô đang khâu dở. Một bàn tay to ấm đặt lên vai cô:"Cứ ngủ một lát rồi thật khuya tôi đưa cô đi"...

Cô choàng mở mắt và trống ngực đập thình thình. Sáng bảnh ra rồi! Mấy đêm nay gần như thức trắng, lúc đặt mình chỉ định chợp mắt một lúc - nào ngờ. Nỗi ân hận, nỗi thương con trào lên. Bên cô người con trai cũng choàng dậy, dụi mắt ngơ ngác rồi cau có nhìn trời. Lúc sà vào bếp nhón củ khoai luộc, anh nhìn cô như ánh mắt của người có lỗi :" Thôi thế này, sáng nay cô thưa với u về thăm nhà rồi qua chợ phiên bên ấy!... Cũng phải mua thêm một vài thứ!..." Trong giây lát, một ý tưởng vụt đến! Cô nhanh nhảu bê rổ khoai bốc hơi nghi ngút lên nhà trên. Anh chờ một lát rồi mới lên sau và chêm vào câu chuyện giữa hai người đàn bà:"Nhà con tính thế là phải u ạ. Có hơn sào ruộng trước con vừa làm vừa chơi cũng xong. Để nhà con đi vài chuyến xem sao biết đâu lại có đồng ra đồng vào..."
Con bé rúc vào lòng mẹ, bàn tay nhỏ xíu lại lùa vào mấy lần áo mân mê đầu ti. Cô thấy ý định của mình được củng cố thêm nhiều. Người làng ai nấy đều bơ bải đáp lại lời chào hỏi của cô. Nhiều người còn dừng hẳn lại hỏi dăm ba câu chuyện, có chị ghé sát tai cô rúc rích:"Thế nào chồng lại thả cho đi chợ một mình ư ?..."Trong cô bỗng vu vơ ý nghĩ: mình là gái có chồng và vừa tò mò ngượng ngùng, vừa thấy thinh thích.

Xế chiều cô mới quang gánh ra về. Ngoài mấy thức tiêu dùng lặt vặt, cô còn bỏ tiền riêng mua lấy hai mảnh vải:một may cho bà mẹ và một may cho chồng! Anh đón cô từ bến, nỗi vui mừng hiện rõ trên mặt khi thấy cô từ con đò tròng trành bước ra. Cô ngoái nhìn dòng sông xoải rộng, trút hơi thở dài và quay sang anh. Lần đầu tiên cô nhìn rõ mặt chồng và nhớ lại lời ai đó nói sáng nay - anh thật khá trai...

Đêm ấy - đêm đầu tiên của cuộc đời làm vợ - cô thấy thật sự mãn nguyện và hạnh phúc.

Bà thường rầu rĩ mỗi khi thấy dì ngắm vuốt trước gương:"Bằng tuổi ấy tôi đã có thêm cô rồi, đâu còn õng à õng ẹo thế kia. Lấy ai thì lấy đi cho tôi nhờ". Đoàn địa chất không tìm thấy mỏ dầu đã lần lượt rút quân. Bến sông vắng hẳn những tiếng cười. Dì cũng ít cười hơn trước.

Buổi trưa. Nắng ong ong. Tôi trườn qua chân bà ra vườn. Bên bờ ao dì xoã mái tóc mới gội, một tay cầm mảnh gương nhỏ xíu, tay kia cầm nhúm lá duối cọ răng. Hàm răng dì trắng và đều tăm tắp. Chỉ khẽ nhích môi, hàm răng đã chực cười và đồng tiền nhỏ xíu cạnh má lõm xuống. Ông thợ ảnh nào đó đã chớp được một giây phút như thế với những sợi tóc mai chải thành một dấu hỏi trước trán vừa tinh ngịch lại có gì đó đầy suy tư. Dì đã tặng một tấm ảnh ấy cho một người con trai trong đội địa chất.

- Chạy ù vào buồng, mở cái hòm gỗ lấy cho dì cái gói ni lông ra đây.

Chẳng ngoái lại sau, dì sai ngay tôi khi tôi vừa chợt đến. Tôi lần sờ trong bóng tối mờ mờ. Lật cái nắp hòm đựng tư trang riêng của dì. Mùi băng phiến xông ra thơm hắc. Cái bọc nặng trĩu trong tay... Dì rải những bức ảnh lên mặt chõng mặc cho tôi ngắm thoải mái và ôm khư khư trong lòng đống sổ tay, những bì thư và lần giở từng trang... Tôi hé mắt nhìn sang và thấy trên nét mặt dì thay đổi từng phút, đôi mày tỉa mỏng, đen như vệt chì lúc chau chau, lúc nhướn cong rồi tất cả bỗng chốc như giãn ra mơ màng dìu dịu...

Bóng cái Lệ thấp thoáng ngoài sân, tôi bỏ mặc dì với những hồi tưởng chợt vui, chợt buồn... Nó nheo mắt nhìn về phía dì, giọng đầy vẻ bà cụ non :"Bà Thảo nhà này rồi còn khổ..." Hạ giọng đến mức gần như thì thào, nó giải thích :"ở làng khối anh trông cũng sạch nước cản lại, nhà ngói cây mít, mê dì mày như điếu đổ. Phải người khác chắc đã mừng quớ lên.... Đằng này dì mày cứ nghĩ những đẩu những đâu, xa vời vợi. Người như thế có bao giờ sung sướng". Tôi bỗng nhớ lần về trước, vừa ăn cơm tối xong, bà dặn dì trông nhà rồi kéo tay tôi sang chơi hàng xóm. Thế mà ngồi chưa yên chỗ bà lại nhấp nha nhấp nhổm muốn về. Đứng bên bụi duối đầu ngõ bà ghé sát tai tôi: "Cháu đi thật nhẹ ra phía chái nhà, lắng nghe xem dì mày trả lời người ta ra sao rồi ra nói với bà. Mau đi..."

Tôi ghé mắt qua khe cửa sổ, thấy một người trai khoẻ mạnh, có gương mặt hiền hiền gần như quỳ ngồi bên dì năn nỉ: "Thảo đồng ý đi. Tôi thề sẽ chăm sóc không để cho Thảo khổ. Trông lên thì chẳng bằng ai nhưng trông xuống cái làng này thì không ai bằng mình. Về nhà tôi, Thảo không sợ khổ, Thảo chỉ việc đẻ rồi nuôi con..." Trong vầng sáng của ánh đèn dầu, tôi nhìn thấy rõ ràng dì chợt giật bắn người sau câu nói trên và khẽ nhích người ra xa.

- Thảo đồng ý nhé - ngày mai tôi bảo thầy u tôi sang nói chuyện...

- Đừng, anh chưa hiểu... tôi rất quý anh nhưng không thể. Tôi không hề yêu anh, anh biết đấy.

- Thì rồi biết đâu Thảo sẽ yêu. Còn tôi thì không nói Thảo cũng biết. Tôi... Tôi chỉ mong muốn có được Thảo làm vợ!

Dì đứng vụt dậy, mặt vẫn quay vào vách:

- Không. Tôi không thể lấy ai mà tôi không yêu. Anh về đi...

Tôi rón rén trở ra. Bà thở dài không nói, quay lưng đi một mạch ra phía bờ sông. Tôi đi theo bà, cũng chẳng dám líu lo như mọi ngày. Gió mang theo hơi sông mát lạnh. Thốt nhiên bà cứ nhẩn nha nói, hết chuyện nọ sang chuyện kia:

"Lúc bà có mang dì mày thì ông đi bộ đội. ông dặn: Con trai đặt tên là Thành, còn con gái tên Thảo. Là con gái chỉ mong nó giống hệt mình. Thế mà đúng thật - dì mày giống bà, cả tính tình ngày trẻ. Chỉ thương ông ấy hi sinh mà không biết mặt con. Đên khi bà cụ mất, mồ yên mả đẹp, bà mới xin phép họ hàng đưa dì về bên này. Qua sông bà cứ khóc ròng, khấn ông: "Ông thương tôi thì phù hộ cho cả ba mẹ con..." Giá dì mày là con trai thì đỡ khổ! Cái người dì hẹn hò bà chẳng biết thế nào. Cứ như mẹ cháu lại hoá may - yên ổn đàng hoàng. Bố mày đâu có tìm hiểu gì nhiều đâu cơ chứ. Được cái bố cháu là người tốt, lại dễ tính. Đàn bà mà không chịu yên phận thì khổ lắm cháu ơi...!"

Tôi chợt thấm lạnh và run run trong lòng. Tôi quàng tay ôm chặt lưng bà và cả hai bà cháu dìu nhau về. Trước khi vào cổng bà mới dặn khẽ: "Đừng nói với dì là bà cháu mình nghe chuyện nhé!"

Cái Lệ phát vào vai tôi: Tao nói thế mà mày cũng giận hay sao? ấy là tao nghe người làng bảo vậy..." "Bảo sao?" "Thì bảo dì mày cứ kén cá chọn canh, rồi đến lúc trai làng cũng hết thì chỉ có nước ế!". Tôi giật phắt cánh tay cái Lệ trên vai xuống và chỉ muốn nổi xung lên với nó, với tất cả mọi người ở cái làng này. Tại sao họ không để cho bà tôi và dì tôi được yên kia chứ. Mà có xa lạ gì cho cam - toàn là họ hàng làng nước cả đấy.

Cái Lệ sán lại bên tôi: "Thì nói thế chứ ai chẳng mong dì mày lấy chồng. Này có ra đồng với tao không - đòng đòng ngọt lừ..."

Từ nhỏ về làng, theo bọn trẻ ra đồng, tôi đã mê đòng đòng. Chẽ nhánh lúa, rút lên cái đòng đòng tròn thây lẩy. Tước lượt vỏ mỏng như lụa, bông lúa non trong bảo tử đổ ra... ngọt, mát và có vị gì không sao tả nổi - của nắng, của sương hay là của gió...

Nhìn cái Lệ ăn ngon lành, một nhành lúa trắng như sương còn ngậm bên mép, tôi bỗng thấy ơn ớn bởi một sự liên tưởng. Không nói câu gì, tôi bỏ nó chạy một mình. Giữa đồng có một chiếc ao rộng, nước im lìm và trong vắt. Một mình giữa đồng không trưa nắng, vẫn nguyên cái cảm giác hồi hộp như thuở nào, tôi nhìn sâu xuống đáy nước. Muốn tìm lại bầu trời vợi xa bí ẩn cùng những điều tưởng tượng nhiều khi sợ đến rùng mình. Không còn gì khác ngoài sự chóng mặt và ngộp thở. Cảm nhận rõ ràng nhất dội lên trong tim là khoảng cách vô tận giữa bầu trời thẳm sâu sẫm màu, bất động phía dưới. Tôi chợt thấy mình lẻ loi, đơn độc và yếu ớt làm sao!

Lệ tò mò nhìn tôi:

- Sao bỗng dưng mày buồn thế?

- Không hiểu. Tự nhiên chỉ thấy buồn muốn khóc.

Nó lại càng không hiểu:

-Tự nhiên lại buồn được à? Lạ nhỉ. Tao thì chỉ buồn khi có một cái cớ gì đó. Ví như buồn vì không thể may được cái áo đẹp như mày đang mặc. Nếu có nó, tao sẽ vui hàng tháng trời chưa hết...

Tôi không khỏi cảm thấy tức cười trước cái điều nó thổ lộ ấy. Thảo nào luôn mắng tôi là đứa "cả thèm chóng chán".

Tôi không bỏ lỡ dịp để trêu:

- Con gái ở quê hay lấy chồng sớm - thế có buồn không?

Lệ chợt thừ người nghĩ ngợi:

- Tao chỉ mong kiếm được một anh trai làng khoẻ mạnh biết thêm một nghề phụ - nghề mộc chẳng hạn. Rồi xin nhà chồng ra ở riêng - như các chị ấy bây giờ. Tao nghĩ xin được miếng đất xóm tre là tốt nhất, gần sông lại mát, nuôi cá - cá lớn, nuôi lợn - lợn ngoan... Riêng rảnh ra rồi tao cũng vun vén ra trò... hôm nọ vào chơi nhà chị Tình, tao cứ thầm ao ước sau này được như thế. Nhà cao rộng rãi, gió sông cứ thốc vào lồng lộng. Bếp và chuồng lợn xây một dãy dài, bể nước mưa ăn quanh năm. Chị ấy là sướng nhất làng đấy.

Tôi trố mắt ngạc nhiên. Vẫn chỉ là con bé Lệ mọi ngày mà tôi chẳng chịu gọi bằng cô đấy sao! Rồi tôi giật mình nhìn lại. Tôi chẳng còn là trẻ con ít lâu nay - hay chính xác hơn bắt đầu từ hôm nay còn gì!

Dì tôi lấy chồng. Không phải là cái người trong đoàn địa chất mà là một anh chở thuyền vôi. Bao người ngăn mà dì không nghe "mười hai bến nước là mười hai bến tình, ghé đâu chẳng là nhà..." rồi "Chỉ sợ cũng bạc như vôi..." Chả hiểu dì mê chú ấy ở điểm gì - vẻ phong trần dạn dày sương gió hay gương mặt nâu rám, rắn rỏi rất đàn ông?... Không biết. Chỉ thấy dì thoắt nói thoắt cười và cái hạnh phúc cứ lồ lộ ra không giấu giếm nổi.

Bà và mẹ không vui nhưng dì đã 28 tuổi rồi và điều an ủi là dì chẳng phải sang tỉnh bên xa tít làm dâu mà được ở luôn nhà với bà.

Hơn năm sau dì sinh thằng cu. Hai năm sau nữa thì cứ cuối tháng dì dắt thằng bé xuống tận bến sông cuối xã đợi chồng. Năm thứ ba thì chẳng thấy chú ấy qua lại lần nào. Mẹ tôi và ông cậu họ tìm về tận quê nội của đứa con dì. Tôi đã lớn và hiểu ra chút ít. Mẹ và cậu về bàn cả với tôi: "Vợ nó ở nhà cũng đẻ được thằng cu đầy tuổi. Họ bảo nó rất ít khi về nhà. Sợ rằng tre lại ấm bụi nảy măng nơi nào rồi... Giờ làm sao?"

Dì lao vào làm hùng hục như trâu, chẳng còn đâu cái cô gái thích la cà đàn đúm ngày nào. Dì trồng màu, cấy lúa, nuôi lợn thả cá. Rảnh ra ngày nào là chạy chợ. Có người làng độc mồm bảo dì "đen tình đỏ bạc". Rồi dì phá căn nhà thầp lè tè ngày trước, xây lên đó căn nhà ba gian mái bằng rộng rinh rang. Bà và mẹ mừng ra mặt. Cả làng xúm vào khen và ghen tị với dì. Chỉ có tôi là buồn. Tôi thích căn nhà cũ, tối tối ẩm ẩm với nền đất nện mát lạnh chân. Tôi nhớ bờ tường đất sau nhà có hàng dứa và những cây dương sỉ ngày xưa vẫn vặt chơi đồ hàng... Cả nhà đều cười tôi ngớ ngẩn duy chỉ có dì không nói, nhìn tôi với ánh mắt là lạ đầy chia xẻ.

Mẹ tôi nhắn đứa bạn: "Về ngay dì ốm". Tôi nhảy tàu chiều ở Hà Nội, xuống ga gần làng, thuê xe ôm bổ về. Dì ngồi góc giường, cánh tay trái quấn băng treo lên cổ. Bà nghe tiếng tôi, bật lên tức tưởi: "Cháu về mà xem dì bị người ta đánh thành tật đây này. Mẹ goá con côi ai cũng bắt nạt được..."

Rồi bà đứng đầu hè nói rõ to: "Cháu bà làm ngành toà án nó về đây rồi. Nó sẽ kiện các người ra toà, cho các người đi mà hầu kiện..."

Thì ra dì đi xin bèo tấm cho cá ăn. Mải quá vớt lẫn cả sang nửa ao của nhà kế bên. Lời qua tiếng lại, anh chồng bị vợ xúc xiểm cầm đòn gánh phang dì. "Thế ai mới được chứ?". Tôi sốt ruột hỏi, trong đầu tưởng tượng ra ngay phiên toà, bắt cái kẻ kia đứng trước vành móng ngựa... Bà tôi lại được dịp đứng giữa sân la làng: "Còn ai vào đây nữa - cái quân trở mặt, thất đức, cứ tưởng tử tế hiền lành. Ai ngờ...".

Cô Lệ nói thầm vào tai tôi: "Thì nhà anh...". Tôi đớ người. Cái người ngày xưa đã quỳ bên dì van vỉ đó sao. "Tôi không bao giờ để Thảo khổ, Thảo nhận lời tôi nhé, tôi chỉ yêu mỗi Thảo thôi...".

Cậu họ tôi chạy ra sân kéo tay bà: "Bà không phải phí lời. Ngày mai tôi và cháu nó đây sẽ lên xã, lên huyện, lên tỉnh kiện cho chúng phải tù đi mới hả..."

Tôi chợt giận sôi người: "sao mà họ ác thế...". Cô Lệ kéo tay: "Anh ta cũng không phải là người ác, chỉ có cái cục, lại vớ con vợ lắm điều, cay nghiệt... Họ cũng bắt chước chị Thảo nuôi cá nhưng vụ rồi chết gần hết, đâu được như nhà mình đây. Họ cũng ghen tức..." "Thế cô có thả cá không?" Chợt nhớ ra tôi hỏi cô Lệ. "Không. Nhà anh ấy đông em, có cái ao giờ cũng đổ đất để chia... Đất ở quê bây giờ đắt lắm...".

Tôi chợt nhận ra chiếc áo năm nào tôi cho giờ đây Lệ vẫn mặc - dù nó đã xơ hết lần bông vải chỉ còn mỏng tang lõi ni lông và ngắn cũn cỡn. Tôi phải cố nén tiếng thở dài và kín đáo quay sang phía khác. Sớm tinh mơ tôi trở dậy, ra sân tập thể dục rồi rúc vào bếp ôm lưng bà cù nách. Bà chẳng bao giờ có máu buồn, chỉ mắng yêu: "Cha bố cô, có phúc thì tôi được ăn cỗ rồi chứ còn đâu làm nũng bà thế này. Sơm sớm tìm hiểu mà lấy chồng đi cháu ạ. Chứ như dì mày đấy...". Tôi sợ cái điệp khúc muôn thủa ấy liền lần thắt lưng bà lấy chùm chìa khoá: "Để cháu ra mở cổng rồi đánh thức thằng Bi dậy đi học!".

Giật thót người, tôi khẽ lùi lại dụi mắt. Người đàn ông có gương mặt đần đần cam chịu nhìn tôi khẩn khoản: "Xin cô để tôi vào nói chuyện với bà. Tôi biết tội tôi rồi. Cô và bà cho tôi xin, thuốc men thế nào tôi chịu tất". Chẳng còn lòng thù hận, chỉ có chút khinh bỉ, thương hại, tôi tránh sang bên cho ông ta đi vào. Đứng bên bờ ao thoảng nghe trong nhà tiếng rì rầm năn nỉ, tiếng bà tôi chao chát...

Ông ta cúi đầu đi ra, lẩm bẩm câu gì đó như chào. Tôi vào nhà, bà vồ lấy tôi: "Đấy cháu xem - dì mày không đi kiện thì cũng băm bổ vào mặt nhà nó chứ... Rồi nó cũng không xong với bà đâu...". Dì ngoảnh đầu ra nói mỗi câu: "Thôi tha cho người ta làm phúc u ạ..." và quay mặt vào vách im lìm. Bà tôi đứng sững, hai tay nâng vạt áo chấm chấm khoé mắt, thở dài đi xuống bếp.

Chiều muộn, dì rủ: "Ra sông cho mát". Ngồi bệt trên đê thả duỗi chân khoan khoái, tôi mơ màng nhìn những cánh chim chao lượn trên mặt sông, cánh đong đưa chút nắng cuối cùng của ngày. ánh mắt dì nhìn hút theo con thuyền máy như vội vã chạy đuổi theo bóng mặt trời đang lặn. Dì chợt cất tiếng: "Quần áo cũ hôm nào cháu dồn lại gửi về dì mang cho cái Lệ". "Cháu ngại...". Ôi dào người nhà quê không khách khí như ở tỉnh các cô. Cốt là cách cho hơn của cho. Vợ chồng nó chật vật lắm. Mà thằng chồng thì lại sa vào rượu chè cờ bạc. Trưa nọ dì có việc vào nhà nó, hai đứa bé - một lên năm, một lên ba ngồi ăn cơm trong xó bếp. Chỏng chơ giữa mâm có mỗi bát ngọn lang luộc và chút mắm. Âu một bữa thế ở quê cũng là thường. Nhưng trưa sau, rồi trưa sau nữa sang cũng vẫn thấy y như thế. Mà hai đứa bé chúng nó ăn mới ngoan làm sao...".

Tôi không dám cất lời. Thế mà ngày xưa Lệ mơ ngôi nhà rộng cùng vườn cây ao cá và tưởng tượng thấy mình đảm đang tháo vát, vun vén cho cái cơ ngơi ấy... "Đàn bà - kiểu gì cũng khổ". Tôi chợt thốt ra lời. "Thế còn chuyện riêng của cháu?". Dì chờ đợi chăm chú. Tôi gắng cười thật giòn cho câu chuyện đừng trở nên nghiêm chỉnh: "Nhưng kẻ yêu cháu thì cháu không yêu. Còn những người cháu yêu thì họ lại chẳng yêu...".

Dì lắc đầu, cánh tay khoẻ khoắn còn lại vẹt những sợi tóc mai cong cong thành vô số dấu hỏi trước trán giắt vào hai vành tai: "Dì cũng chẳng biết khuyên cháu thế nào. Như bà cũng khổ, như dì cũng chẳng sung sướng gì hơn...". Hình như những người đàn bà có tóc mai quăn đều vất vả... Tôi bỗng nhớ ra cái điều ai đó đã nói. Và tôi cũng lờ mờ nhận ra điều này. Nhiều buổi chiều dì vẫn ra bờ sông ngồi, trong lòng vẫn nhen nhóm một hi vọng có ngày chiếc thuyền xưa ghé lại...

Đã xâm xẩm tối. Làng xóm bên sông như chìm trong hiu hiu buồn. Tôi nghĩ ngày mai mình phải trở dậy lúc 5 giờ sáng để kịp chuyến tàu đầu tiên về Hà Nội.

Bài liên quan
  • BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhiên cất tiếng hát "Ơi chàng ơi chim có bạn có bầy, thuyền có bến có sông sao lại để em năm canh gối chiếc chăn đơn đợi chàng... "
  • HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Hai người bạn là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, in trong tập truyện ngắn Hạnh, Đời nay xuất bản năm 1940.
  • CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Vũ Bằng hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực báo chí từ những năm 1930-1940 khi tuổi đời còn rất trẻ. Ông là chủ bút tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy, thư ký tòa soạn tờ Trung Bắc Chủ Nhật khi mới hơn hai mươi tuổi. Khi Nhật-Pháp so kè với nhau chiếm nước ta, dưới áp lực kinh người của những kẻ xâm lược, Vũ Bằng vẫn giữ tư thế của tờ Trung Bắc Chủ Nhật là phục vụ người Việt, vì quốc gia dân tộc, khiến cả chính quyền Pháp và Nhật đều phải kiêng nể.  Trước 1945, Vũ Bằng nổi tiếng trong việc giúp đỡ các nhà văn khác cả tiền bạc lẫn kinh nghiệm viết lách. Rất nhiều nhà văn nhận những lời khuyên của Vũ Bằng sau này đều trở thành những nhà văn lớn của Việt Nam. Thế nhưng, một thời gian dài kể từ khi Vũ Bằng di cư vào Nam năm 1954, các tác phẩm của ông biến mất không còn dấu vết, không được nhắc tới trong nhà trường, bị đưa vào danh mục cấm do cái tiếng "dinh tê, về thành", nhà văn "quay lưng lại với Kháng chiến"... gây ra. Ông lâm trọng bệnh và mất ở TP. Hồ Chí Minh năm 1984 trong cảnh vô cùng túng thiếu. Mãi sau này, ông mới được minh oan rằng không phải ông quay lưng với kháng chiến mà là ông đã nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật trong giới trí thức nội thành từ năm 1952 và vào Nam năm 1954 theo lệnh của tổ chức. Tháng 3 năm 2000, Cục Chính trị thuộc Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có văn bản xác nhận nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo.
  • ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ hàng đầu của Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX, sức ảnh hưởng của Xuân Quỳnh lớn tới nỗi Google từng vinh danh bà trên trang chủ của họ vào năm 2019. Là nhà thơ nên tất nhiên bà nổi tiếng về thơ và hầu như khó tìm được ai không biết bài Thuyền và Biển của bà. Nhưng Xuân  Quỳnh cũng viết văn và viết rất nhiều truyện cho thiếu nhi, truyện Ông nội và ông ngoại dưới đây là một trong số đó.
  • LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Lời Nguyền là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, viết về quãng thời gian ông bị thực dân Pháp bắt tại Hà Nội (1941) và đưa lên giam giữ tại trại giam Vụ Bản, Châu Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình. Truyện được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc cuối cùng của nhà văn Khái Hưng. 
  • CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mưỡu Cuối được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1946, đặt làm Phần cuối và đem đi xuất bản ở Quốc Văn với tên Chùa Đàn. Với Tâm sự của nước độc, Nguyễn Tuân băng băng trèo lên đỉnh đèo văn, còn với Chùa Đàn, ông bồng bềnh trôi, chưa mỏi gối nhưng đã không còn đỉnh đèo nào để leo nữa.
  • CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần II của Chùa Đàn, được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1945 có tên Tâm sự của nước độc. Truyện có phần đề từ lấy trong Chữ Nhàn, một bài hát nói của Nguyễn Công Trứ; “Ai hay hát mà ai hay nghe hát”. Trong Chùa Đàn, truyện được sắp xếp thành phần II. Nhà văn Khái Hưng và một số nhà văn khác cho rằng, (việc) Nguyễn Tuân viết thêm Dựng và Mưỡu Cuối, đã làm hỏng mất sự toàn bích một tác phẩm tuyệt mỹ.
  • CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chùa Đàn được xem là tác phẩm hội tụ những gì tinh hoa nhất của nhà văn Nguyễn Tuân do Quốc Văn xuất bản năm 1946 tại Hà Nội. Chùa Đàn bắt đầu từ truyện ngắn Tâm sự của nước độc trong loạt truyện kinh dị Yêu Ngôn ông đăng trên các báo thời bấy giờ. Đến năm 1946, để phù hợp với diễn biến thời cuộc, ông viết thêm hai phần bổ sung, đặt làm phần Một và Ba, Tâm sự của nước độc trở thành phần Hai của tác phẩm.
    Dù là tác phẩm hay nhất của Nguyễn Tuân, nhưng Chùa Đàn đã bị đánh giá thấp do các yếu tốc ma quái kì dị đầy màu sắc tâm linh của nó. Kể từ lần in năm 1946 và sau đó được Tân Việt tái bản ở Sài Gòn* năm 1947, đến tận năm 1981, Chùa Đàn vẫn không được nhà xuất bản đưa vào tuyển tập của ông. Điều này đã khiến Nguyễn Tuân buồn bã đến nỗi; "Tôi tiếc cái Chùa Đàn quá. Họ cắt cái Chùa Đàn khỏi tuyển tập này, cũng giống như cắt cái gan ra khỏi bụng tôi".
    Đến năm 1999, Chùa Đàn mới được in trở lại trong tập Yêu Ngôn do nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh thực hiện. Ngày nay Chùa Đàn không những đã được xuất bản, mà còn được chuyển thể sang nhiều loại hình nghệ thuật khác như kịch nói, cải lương, phim điện ảnh. Ở mảng điện ảnh, Chùa Đàn được dựng thành bộ phim khá nổi tiếng Mê Thảo – thời vang bóng do đạo diễn Việt Linh thực hiện.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần cuối của Ngõ lỗ thủng, tác phẩm dựa trên những ký ức, sự kiện và nhân vật có thật của nhà văn Trung Trung Đỉnh, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ngõ lỗ thủng của Trung Trung Đỉnh dựa trên ký ức của những sự kiện, nhân vật có thật của chính nhà văn, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.