Chân Dung Kẻ Sĩ: Dù ít những lời hoa mỹ, nhưng NHỮNG ĐÊM MIỆT VƯỜN của Trần Dương Quý là những dấu chấm đầy trắc ẩn của nhà văn, mô tả về cuộc sống người dân Miền Tây, u tịch hơn cả u tịch, miệt vườn hơn cả những gì người ngoài cuộc từng biết đến.
...
Nước mắt chảy ròng từng đêm. Thằng Đực phải bỏ học theo ba đi cày mướn, bốc vác thuê ngoài chợ. Con Liên đi phụ bán cà phê. Con Linh học xong lớp tám cũng bỏ học. Nó sớm phải theo thím ra chợ, ai thuê gánh gì thì gánh nấy, phụ gì thì phụ nấy. Mùa nước ròng, thím và con Linh lội nước ngang người, ngắt rau muống thuê cho chủ ruộng, nước ăn chân toét máu. Khi lại lội đồng hái bông điên điển, ngắt cọng súng, nõn lục bình ra chợ bán. Chẳng đáng tiền nhưng còn có đồng rau, đồng cháo. Có hôm ngồi chờ việc ở chợ, thấy con Linh nhìn người ta ăn hột vịt lộn, nước miếng nuốt ừng ực nơi cần cổ, thím òa khóc. Tiếng khóc ấy một lần nữa bùng lên rồi chết lặng khi một buổi chiều, thằng Hai Đực chạy ra chợ báo tin động trời. Chồng thím trúng gió giữa trưa nắng trảng khi cày mướn ngoài đồng, tịch rồi!
...
Nhà thím Tám Phụng có đại hỉ, làm thím mừng quýnh, chân tay cứ lóng ngóng như vật mọc thừa. Cô con gái thứ tư của thím, con Linh hôm nay sẽ về. Đêm qua nó điện từ thành phố báo sáng nay hai mẹ con nó bắt xe đò xuống miệt vườn. Thím áng chừng giấc mười một giờ gì đó, nếu không kẹt xe thì con Linh tới chợ. Từ chợ bắt xe ôm dăm cây số, theo con lộ dọc bờ kênh Sáng thì đến nhà. Lộ kênh Sáng mới xây ba cây cầu, xóa được cầu khỉ hồi đầu năm nên chắc không bị trễ. Con Linh hẳn sẽ vui lắm. Đường về ấp bây giờ đã thông. Mặt lộ cán xi măng, không còn sình như hồi nảo hồi nào tụi trẻ đi học, bước thấp bước cao, chân chuầy chân xoạc. Mùa mưa cực chỉ là cực! Trời mới nhểu vài hạt đường đã vữa nhòe nhoẹt. Đi chợ lỡ ghe, lỡ đò phải cắp dép lội bộ suốt đường sình, leo cầu khỉ. Miệt vườn xưa nay đều cực thế.
Đêm qua, nghe cô Ba hàng xóm kế bên gọi qua nghe điện thoại con Linh, thím mừng chạy lấp xấp muốn té. Một cảm giác lạ lùng, ban đầu run, lạnh toát, chạy rần rần từ thẳm sâu tình mẫu tử, lan tỏa khắp người và cuối cùng nóng bừng lên. ấy là lúc thím Phụng đã hổn hển bên ống điện thoại, ấp úng mãi chẳng nên lời. Chỉ nghe tiếng thím “hả… hả…” đến sốt ruột. Lưỡi đi đằng nào mà cứ líu lại mãi thế.
Cả đêm thím hầu như không ngủ. Đặt lưng xuống giường lại muốn trằn ra cái võng ở gốc xoài nhìn trời mong sáng. Ngủ làm sao được. Con Linh nhà thím đi lấy chồng Đài Loan đã bốn năm rồi. Nó thành người ngoại quốc rồi. Thím không dám mơ nó lại được chồng cho về phép nhanh thế. Hồi này ngoài chợ người ta suốt ngày nói về một cô dâu Việt bị thằng chồng Hàn đánh chết queo, vứt dưới tầng hầm, làm thím vò võ, nghĩ ngợi chơi vơi cả tuần, không đêm nào trọn giấc. Cha mẹ nào mà không đau xót. Con gái đang thì mơn mởn buộc phải cho lấy một thằng Hàn già. Tình phí nó trả bốn trăm đô. Môi giới lấy một nửa. Một nửa tiền xe đò nhà gái đi lại là vừa hết. Được đâu vài tháng, đổi đời chưa thấy, con mình đã là ma lưu lạc. Nay mai người ta gửi cho một bình tro, thế là gọn một kiếp người bạc phận. Tới khi nghe được đúng giọng con Xinh, thím mới thở phào, rũ ra. Thím như vừa đánh vật với một cục gì tắc nghẽn trong họng.
Mờ sáng, khi những chiếc ghe, vỏ lãi phành phạch dọc dòng kênh Sáng, những xe máy đầu tiên rồ ga chạy chợ trong ngày mới, thím đã một mình hì hụi chuẩn bị nước nôi, bánh trái, mọi thứ lặt vặt để chờ đón đứa con gái lấy chồng ngoại quốc trở về cố hương. Lúc trời sáng hẳn, nhiều bà con quanh ấp, cả mấy người làm công ở chợ, những người cùng cảnh nghèo, nghe tin cũng kéo tới nhà mừng cho thím. Hai vợ chồng thằng Hai Đực bỏ buổi đi cày mướn, con Ba Liên xin nghỉ bán cà phê cho bà chủ Năm ú ở chợ để đón em. Chỉ út Năm thì sẵn ở nhà. Con nhỏ bỏ học từ khi chồng thím đột tử. Gia phong gia cảnh như vậy là đầy đủ cả. Những lúc như thế, lòng thím vợi bớt đôi phần mặc cảm đời nghèo, phận hẩm. Bà con như vậy là còn cái tình. Cái tình là thứ không mất tiền mua, nhưng không phải có tiền mà mua được. Thím khóc! Khóc tồ tồ như con nít. Lúc gặp mặt con Linh không biết còn thế nào nữa đây?
* * *
Ấp ở vùng sâu miệt vườn. Miệt vườn đủ món trái cây, nào xoài, chôm chôm, vú sữa, cam… nhưng nông sản manh mún, bèo bọt lắm! Có mùa, trái cây để rụng thối gốc thối vườn vì giá rẻ, chả ai buồn thu hoạch. Trong mấy chục nóc nhà, lưa thưa vài căn xây gạch, còn lại đều nhà lá. Phần lớn dân ấp là người nghèo, làm mướn kiếm sống. Thím Phụng thuộc diện nghèo nhất. Người ấp bảo nếu bầu nghèo thì thím Phụng là thủ trưởng. Nhiều lần thím cũng được các nhà hảo tâm cứu trợ. Nhưng nó chỉ là thứ hương hoa, chả thấm tháp gì với gia cảnh nhà thím nên nghèo vẫn hoàn nghèo. Một căn nhà lợp và thưng lá dừa nước bên dòng kênh Sáng. Thiên địa nhìn nhau trống huếch trống hoác như những cái miệng sún răng cười ngạo với trời xanh. Quần áo lèo phèo vài cái vắt cả lên sào nứa ở góc nhà. Chúng vặn vẹo, xô vào nhau trông như đám ruột mèo. Lúc vợ chồng “sinh hoạt” thì chỉ có tắt đèn, nhắm mắt đưa chân cho xong nghĩa vụ, làm gì có phòng, có rèm.
Có lần, đang trưa, mấy sắp nhỏ sang ngoại hết, chồng thím nổi hứng thèm “ăn bánh”. Tưởng vào giờ đó chả ma nào ngó ngàng, ai dè mấy đứa nhỏ đặt lờ rô đi ngang, thấy cái vách dừa nước nhà thím cứ rùng rùng, chúng lạ, vạch ra xem thì trời ạ, mấy cái lỗ mắt dòm nhau tròn xoe, trợn ngược! Bọn trẻ hú lên. Thím cũng hú lên. Ông bà ơi là ngượng! Không có cái lỗ nẻ nào để chui xuống. Thím chỉ kịp cuốn nửa cái chiếu lên người. Đấm thùm thụp vào lưng chồng. Từ đó hãi buổi trưa.
Nhà thím cũng có sáu công ruộng do ông bà để lại. Vợ chồng căn cơ. Khi vui chỉ sơ sơ vài xị rượu đế, vài trái cóc mắm ớt là xong. Thi thoảng làm đồng bắt được con cá lóc liền rủ bạn cày lùi rạ, nhậu tới khuya. Đàn kìm ỉ eo lùa ra lùa vô cung bậc bổng trầm, mướt mát dòng kinh. Mấy câu vọng cổ xuống xề dài lê thê cho bớt hoang lạnh miệt vườn. Người ta bảo vọng cổ là tiếng lòng day dứt, não nề của những người tha hương, nhớ cội khi phải đi khai khẩn những miệt vườn, những cánh đồng bạt ngàn, hoang vắng của miền Tây. Xưa ở đây cá nhiều như trấu. Mùa nước, người ta đặt đó, cất vó cơ man nào cá linh, cá rô, cá mè vinh, cá diếc… Thím Phụng từng thấy những con rô mề to gần bàn tay. Nướng hoặc kho tộ với hạt tiêu thơm nức. Gái đẻ hoặc đàn ông đang sung ăn cơm trắng với rô mề kho tộ, lùa không biết ngán. Đánh đến căng lỗ rún, không thở được thì thôi. Những con lóc cụ, đen trũi, to bằng bắp chân lực điền, nặng tới sáu, bảy ký là thường. Đó là những con cá lóc từ hồ Tông-lê-sáp xứ Cao Miên, gặp mùa nước ròng, từng bầy theo về hạ nguồn sông Hậu. Thịt nó thơm, ngọt lừ, ngậy trong cuống họng. Bạn nhậu gặp con cá cỡ này, có thể ngồi liền hai ngày. Riêng bộ đồ lòng phải xẻ cho đều, không thì mất anh mất em chứ chẳng nói giỡn.
Chẳng may, gặp mấy năm thất mùa liên miên. Tài hèn trí mọn, nghề nghiệp chẳng có, chẳng biết xoay xở gì thêm, đành phải bán lúa non nuôi con ăn học. Đến lúc nợ nần mỗi ngày chồng chất, vợ chồng thím buộc phải bán nốt mấy công ruộng. Nếu không, lãi mẹ đẻ lãi con chỉ còn cách chết. Con đường thành nông dân nghèo không điền sản nhanh đến mức người ta tường chuyện bông lơn.
Nước mắt chảy ròng từng đêm. Thằng Đực phải bỏ học theo ba đi cày mướn, bốc vác thuê ngoài chợ. Con Liên đi phụ bán cà phê. Con Linh học xong lớp tám cũng bỏ học. Nó sớm phải theo thím ra chợ, ai thuê gánh gì thì gánh nấy, phụ gì thì phụ nấy. Mùa nước ròng, thím và con Linh lội nước ngang người, ngắt rau muống thuê cho chủ ruộng, nước ăn chân toét máu. Khi lại lội đồng hái bông điên điển, ngắt cọng súng, nõn lục bình ra chợ bán. Chẳng đáng tiền nhưng còn có đồng rau, đồng cháo. Có hôm ngồi chờ việc ở chợ, thấy con Linh nhìn người ta ăn hột vịt lộn, nước miếng nuốt ừng ực nơi cần cổ, thím òa khóc. Tiếng khóc ấy một lần nữa bùng lên rồi chết lặng khi một buổi chiều, thằng Hai Đực chạy ra chợ báo tin động trời. Chồng thím trúng gió giữa trưa nắng trảng khi cày mướn ngoài đồng, tịch rồi!
Một mình tần tảo nuôi con. Căn nhà thiếu vắng đàn ông lại càng tiêu điều. Làm cách gì để sống tiếp đây? Trời ơi! Anh ơi! Sao anh nỡ bỏ lại em thân phận lạc loài. Một mình em gánh sao nổi bầy con thơ dại, cảnh sống không ruộng vườn đây?
Lúc ấy, có người thương mách thím cho con Linh đi làm ăn xa hoặc lấy chồng ngoại quốc. Bây giờ thím Phụng mới sực ngắm nghía con gái mình. Con Linh phổng phao, xinh đẹp hẳn hoi từ lúc nào mà thím vô tâm nhãng đi, chẳng thèm để ý. Hèn chi, có lúc tình cờ thím bắt gặp ánh mắt cậu Ba, con chủ ruộng rau muống trộm nhìn con Linh như muốn nhai ngấu nhai nghiến. Giá con mình chịu gương lược, được ăn mặc đẹp như con người ta, có khi nó đẹp nhất ấp. Người ta cũng mách thím có mấy hướng làm ăn. Một bộ phận các cô gái miệt vườn lên thành phố làm thợ may, làm công nhân trong các xí nghiệp, hoặc làm các nghề tự do khác như vé số, ve chai, phụ hồ, bán dạo… Nhưng ngả lên thành phố công việc bấp bênh. Không ít đứa phải đi làm đào ở quán bia ôm, làm gái nhảy, thậm chí sa vào các ổ chứa nhầy nhụa. Chỉ béo bở những má mì chăn dắt, những chủ động làm giàu trên thân xác người ta. Tới chừng thoát được ổ nhện cũng thân tàn ma dại, mang bịnh đầy mình. Nghe kể đã run hết cả người. Ngả này thím gạt nhanh. Thà ôm nhau chết còn hơn nhục cái đời.
Nhiều cô gái đi làm mát xa tận ngoài Bắc, tận Hà Nội. Chị em xóm ấp lũ lượt dắt díu nhau, nghe bảo đông lắm, mỗi năm cũng có tiền món. Có cô giúp cha mẹ cất được nhà, nuôi được các em ăn học. Khó có nghề nào không cần chữ nghĩa, đầu tư gì mà kiếm được xông xênh thế ở miệt vườn này. Nhưng làm nghề đó thấy kỳ. Dân chợ bảo, đàn ông đàn ang cứ nằm tềnh hênh cho các cô đấm bóp khắp mình mẩy, là không được. Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén. Người làng biết được người ta coi khinh, nhổ bọt. Khó lấy chồng.
Ngả nữa là đi lấy chồng ngoại quốc, vừa có tấm chồng lại vừa có cơ đổi đời, bồi hoàn nợ nần, gia cảnh. Gút lại là Nhà nghèo, không vốn liếng, chẳng đất đai, chỉ những cách ấy may ra thoát khỏi bần cùng. Tất nhiên, việc gì cũng có hên xui cả.
Sau khi nghe người quen mách thế, thím Phụng đi dò la, nghe ngóng khắp nơi. Hóa ra nhiều xã, ấp của miệt vườn người ta đi lấy chồng ngoại rần rần. Có nơi cả làng đi lấy chồng Hàn, chồng Đài Loan. Có nhà, cả ba chị em cùng lấy chồng ở Đài Bắc. Sang đó họ hùn hạp mở cửa hàng, làm ăn thịnh lắm. Có cả câu lạc bộ dâu Việt, hàng tháng hàn huyên, giúp kế sinh nhai. Thành người ngoại quốc mà cứ như ở bên ta, thích thật. Người ta còn bảo, bên Châu Thành bây giờ giàu nhanh. Nhà nhà đều cất nhà lầu, sắm tivi, sắm ghe mới vì có con gái lấy chồng ngoại quốc. Tết năm rồi, hàng loạt dâu, rể và những đứa con lai kéo về ăn Tết, du lịch miệt vườn, nói năng xí xộ, hỉ hảo… đông vui, náo nức lạ thường.
Thím nhát thế, cả đời chẳng đi đâu xa mà nghe cũng thấy hấp háy thèm. Có khi đây là cách mà ông trời đã gợi cho thím một cửa để thoát kiếp phận chăng?
* * *
Dì Năm ú, chủ quán cà phê, nơi con Liên phụ bán giới thiệu cho thím một người chuyên môi giới lấy chồng ngoại ở thành phố. Người đàn bà này trạc tứ tuần, mặc đồ đầm xịn, nói năng giảo hoạt, lanh lẹ, hiểu đời. Vàng đeo khắp nơi, từ cổ chân, cổ tay, dái tai, cần cổ. Dì Năm bảo người này uy tín lắm, có đường dây riêng, đã đưa hàng loạt gái miền Tây lấy chồng Hàn, chồng Đài rồi. Phần trăm môi giới cũng không quá ngặt. Đại loại, người này là bà mối mát tay nức tiếng, bảo đứa nào được là được. Nghĩa là bà mối gật đầu thì mấy chú Hàn, chú Đài cũng gật luôn, không dám cò kè nhiều lời.
Minh họa của Hoàng Phượng Vỹ.
Một hôm, thím và con Linh vừa ở chợ về thì bà mối bắt taxi tới. Nói là để coi mặt con Linh, vừa là tư vấn cho thím nên quyết thế nào cho êm đẹp. Đây là thời khắc khó khăn, thím vừa là mẹ, vừa phải làm cha, quyết một việc quá lớn Không chỉ cho số phận con gái thím mà là bước ngoặt của cả gia đình.
Nhìn lướt con Linh từ đầu đến chân, bà mối gật ngay. Hai người đàn bà ý nhị kéo nhau ra góc vườn, phía gốc cây xoài.
Bà mối:
- Con nhỏ trông được lắm. Nếu lấy chồng Đài, nhà trai có thể trả mười lăm, hai mươi triệu.
- Thế là họ mua à? - Thím hỏi ngô nghê, lạ lẫm.
- Không nên gọi là mua bán. Coi như đây là tiền để nhà gái trang trải. Tuy nhiên nó cũng có mức chung cả rồi. Con mình nay mai vào chỗ sung sướng, hàng năm nó gửi tiền về quê nữa. Lúc ấy thím là bà ngoại của con thằng rể ngoại, sang không nào. - Giọng bà mối ngọt nhạt, tỷ tê.
- Giả sử con Linh lấy chồng Đài thì bao lâu nó được về phép?
Bà mối phì cười:
- Cái đó thì… tùy từng nhà. Cũng tùy thuộc vào cái sự khéo ăn khéo ở của con mình nữa. Có khi mỗi năm chúng nó về quê ngoại du lịch một lần cũng nên. Nhưng…
Thím nhướn mày:
- Cô Hai biểu sao?
Bà mối ghé tai nói chỉ đủ cho hai người nghe:
- Hỏi thiệt tình, thím đừng hiểu lầm nha, con nhỏ nhà thím còn… cái đó không? Là… còn trinh tiết không?
Câu hỏi bất ngờ và kỳ kỳ này làm thím lúng túng. Chưa bao giờ thím tự hỏi về con mình như thế. Mặt thím nóng bừng, tái đỏ. Thím vừa mắc cỡ, lại vừa cảm thấy như chính mình bị xúc phạm. Bà mối vội giải thích: - Là chuyện thế này, nếu nó còn, nhà trai có thể trả gấp đôi. Trọn gói khoảng ba mươi, hơn ba mươi triệu. Người Tàu trọng cái ấy. Họ bảo, nếu làm ăn lớn mà ngủ với gái nhà lành, còn lành thì hên. Mình nghèo khó, một món tiền như vậy, không thể không tính thím à. Là chỗ quen dì Năm ú tôi mới nói thiệt tình với thím như vầy. Nhiều kẻ bất lương, nó ăn chặn khoản này của con thím ngay. Thời buổi nhiễu nhương, kiếm được người tử tế như… tôi, hơi hiếm.
Tất nhiên bà mối giữ ý, không dám kể hết với thím Phụng về việc nhiều cô gái sành sỏi còn “thịt” lại mấy con “gà ngoại” bằng cách đi với họ nhiều lần mà cái đó vẫn còn… mới tinh. Nghĩa là phải đi vá. Sài Gòn có những địa chỉ làm dịch vụ vá… Nó du nhập vào xứ ta đầu những năm chín mươi thế kỷ trước. Có bác sĩ giàu nhanh bởi chớp được kỹ năng phụ khoa độc chiêu này. Vị bác sĩ này còn bảo vệ thành công học vị tiến sĩ… công nghệ vá. Hồi đầu mỗi ca mông lại cái tí ti ấy mất sáu chỉ. Bù lại, có khi thu cả ngàn đô. Bà mối chỉ dặn thím lựa hỏi riêng con nhỏ xem sao. Nếu thím và con Linh đồng ý, hôm sau bà mối sẽ quay lại dẫn con Linh lên thành phố. Trong khoảng một, hai tuần, con Linh được học cách ăn mặc, đi đứng, trang điểm, rồi hẹn ngày các chú rể tương lai coi mặt, tuyển lựa. Thủ tục rất nhanh chóng. Nhanh hơn cả chợ chớp. Chợ chớp là họp nhanh như chớp. Họp tranh thủ rồi tan. Mỗi người lại một nẻo làm ăn.
Đêm ấy, thím và con Linh nằm chung giường. Thím trằn trọc thở dài hoài, không biết phải bắt đầu câu chuyện với con thế nào. Chợt con Linh dụi đầu vào nách mẹ:
- Mẹ khó ngủ phải không? Con biết mẹ định nói gì. Nhưng mẹ đừng buồn, con đồng ý đi lấy chồng… ngoại rồi mà.
Nói tới đó giọng con Linh nghẹn lại. Thím ôm chầm con gái, ghì đầu nó vào ngực mình. Thở sâu. Thím hiểu con Linh đã lớn hơn thím tưởng. Từng trải như thím, là mẹ của bầy con nghèo khó như thím mà câu chuyện của cả đời người này thím còn không cất tiếng nổi. Vậy mà con Linh dường như đã hiểu hết, đã nói thay thím rồi. Chắc nó đã phải nghĩ, phải giày vò dữ lắm đây?
- Má chỉ thương con…
Giọng thím cũng tắc lại nơi cần cổ. Con Linh an ủi:
- Đi lấy chồng ngoại má à, có phải đi khổ sai đâu. Con không muốn nhà mình lún mãi vào cùng cực. Con thương má, thương anh Hai, chị Ba, thương út. Nhất định má phải cho Út đi học tiếp. Nó sáng dạ lắm đó má. Con biết nó thèm học.
Hai mẹ con nín thinh, cả hai cùng cố giấu những niềm riêng. Bóng đêm nhân hậu che cái nhìn, che gương mặt khắc khổ và ngượng ngập của hai người đàn bà. Nhưng nó không che được nỗi trống vắng mà chính sự im lặng đó đã nói cả rồi. Cái im lặng của những giằng xé vượt qua níu kéo của tình mẫu tử, nghĩa sâu nặng cố hương mà bất đắc dĩ người ta phải chia cắt, phải gói ghém ra đi.
Phải sau một hồi lâu, vừa đủ trấn tĩnh, thím ôm mặt con, hỏi:
- Má hỏi thiệt nhe, con đã hò hẹn với cậu nào chưa?
Con Linh hơi lặng đi. Chợt vai nó rung từng hồi, rưng rức:
- Con bị thằng con chủ ruộng rau muống lừa rồi má à…! Nó biểu… nó lấy con… nó giúp nhà mình làm ăn, giúp hết nghèo. Hu hu…!
Chết lặng! Cay đắng trào lên. Bất công quá. Mạt vận quá. Nghe vậy là thím hiểu con gái thím đã không còn cái tiết hạnh kia rồi. Con Linh nhà thím sẽ còn đau khổ cỡ nào? Một đứa con gái mới lớn, hoàn toàn trong sáng, hiếu nghĩa và cả tin. Cũng chỉ vì cái niềm tin ngây thơ có thể cứu vãn gia cảnh của đứa con gái mới lớn, chưa từng va vấp trong đời mà nên nỗi. Thím cắn chặt lằn môi. Thím cảm thấy đó chính là tội lỗi của thím, tội của người làm cha làm mẹ mà không gánh gồng, đùm bọc nổi gia đình. Cái thòng lọng của số phận lúc nào cũng lửng lơ treo trước gia cảnh, không chịu buông tha thím là sao, hỡi trời! Thím giận mình và thương con quá. Im lặng. Im lặng. Và im lặng. Người đàn bà cố tìm ảo giác và cầu cứu sự im lặng đồng minh của bóng tối, mong vỗ về, khỏa lấp một đêm dài, não nề kiếp phận.
* * *
- Thím phải quyết định. - Giọng bà mối rõ ràng, dứt khoát, - chỉ cần vay nóng sáu, bảy triệu trả tiền công bác sĩ, nhưng xong việc, thím thu về khoảng mười sáu đến hai chục triệu, trừ chi phí, còn lời to.
Thím đắn đo:
- Vay ngoài lãi cao, chịu không thấu. Vay ngân hàng thì không có gì thế chấp.
- Vay vài triệu chỉ cần tín chấp. Có một tổ chức, hội đoàn gì đó ở thôn ấp đứng ra bảo đảm là được, ví dụ Hội Phụ nữ, Hội Nông dân… Đây là cơ hội, không nên vì cái mặc cảm ủy mị, rẻ tiền mà bỏ qua. Thím đi làm mướn, bao giờ mới có cục tiền?
- Ủa, dì Năm ú cũng nói thế!
- Chớ sao. Tôi thương tình, nói dì Năm lo giúp thủ tục vay ngân hàng cho thím rồi. Đó là chỗ quen biết, làm ăn của bả. Có thể dì Năm ứng trước, vay được thì trả sau, mình trả thêm chút dịch vụ, kẻo lỡ đợt tụi Hàn, tụi Đài qua chọn vợ.
Nghe vậy mà mí mắt thím Phụng cứ ướt nhoẹt; mặt đần ra như kẻ mắc chứng đơ. Việc vay tiền như vậy là cũng ổn, chỉ một điều làm thím cứ dằn vặt, là lựa cách nói với con Linh sao cho êm, kẻo nó tủi mà oán thím cả đời. Ấy là việc phải quyết định vá cái ấy bằng nhĩ tai. Lúc đầu thím không tin, tưởng tai mình lãng. Làm gì có cái chuyện lạ lùng, kỳ quái vậy? Nhưng chính bà mối đưa thím đến tận nhà riêng người bác sĩ giỏi nhất về việc vá này trên thành phố. Bà bác sĩ bảo thím, đại loại rằng công nghệ bây giờ đều có thể xử lý được sự thay thế này. Công nghệ bây giờ còn làm thụ thai trong ống nghiệm, thay tim nhân tạo, nhân bản gì gì đó… Mà cái việc vá này, màng nhĩ là phù hợp nhất, lại có… gì nhỉ? Có… thẩm mỹ. Phải rồi, có thẩm mỹ. Người nông dân ít chữ, quê một cục như thím có biết gì thẩm mỹ, công nghệ. Nhưng sự bần cùng cứ dắt thím vào những mê cung mịt mờ, lạ hoắc như một thế giới nào khác chứ không phải cái hiện hữu miệt vườn mà suốt cuộc đời thím chỉ thấy nó một màu ngăn ngắt xanh.
Kỳ lạ thay, khi thím thở dài, thủ thỉ với con Linh về nỗi băn khoăn này thì chính nó lại hào hứng, nhổm dậy khỏi giường, bảo thím: “Cơ hội đó má à, tội chi mà không kiếm thêm ít tiền. Tai có thể lãng nhưng sau này có tiền, lắp màng nhĩ nhân tạo cũng được, người ta bảo thế. Phải cố để Út đi học lại, nhà mình không có ai được học cao”. Thím hỏi sao con Linh lại biết cả cái chuyện vá? Nó cười gằn, bảo nghe tụi bạn thì thào ở ngoài chợ lâu rồi. Có đứa lên thành phố lừa bán được cho Tàu đến bốn năm lần lận. Nhưng thím thừa biết, sau tiếng cười kia, con Linh cố giấu cái mặt buồn thỉu. Nó là đứa nhạy cảm và cam chịu vì thím. Sự nhạy cảm của người mẹ mách bảo, con gái yêu của thím đã vì tình ruột thịt mà già dặn trước tuổi, mà nhẫn nhịn, chịu đựng như thế nào.
Thím không sao chợp mắt được, con Linh cũng lặng lẽ theo mẹ ra ngồi ở cánh võng gốc xoài. Đêm mịt mùng. Tiếng lá xào xạc rụng và tiếng côn trùng rỉ rả trong vắng lạnh miệt vườn. Nghe xa xa ở bên kia dòng kênh có người mẹ ru con: “Ầu ơ… gió đưa cây cải về trời… rau răm ở lại chịu lời đắng cay…!” Tiếng ru buồn nẫu, lan trên mặt nước, trôi vào sâu thẳm và vô tận của bóng đêm. Những ánh chớp xa thi thoảng lóe lên làm biến ảo, kỳ dị những khuôn mặt. Hai mẹ con gục vào nhau. Sao trời khéo bày đặt cảnh tình? Và một bàn tay nữa vừa chạm vào vai hai người, bàn tay của út Năm. Nó cũng dậy từ lúc nào vậy kìa? Thím nắm chặt tay hai đứa con, siết nó vào mình. Hít hà lên tóc chúng. Họ lặng lẽ như những bóng ma rũ tóc dưới gốc xoài rào rạo, mê man lá. Hồi lâu, thím Phụng bảo các con trở lại ngủ và lần tìm hộp quẹt dưới chiếu, châm cây đèn cầy. Thím thắp ba nén nhang lên bàn thờ chú. Thím khấn chú tha thứ cho quyết định của mẹ con thím. Khấn chú linh thiêng độ cho con Linh có người chọn làm vợ, được may mắn ở xứ người. Đó là đêm cuối cùng cho một quyết định mà có lẽ tới lúc nhắm mắt xuôi tay thím không thể nguôi ngoai. Vì ngày mai con Linh sẽ lên thành phố cùng bà mối. Để sau đó là một cuộc tuyển lựa như những gì mà bà mối đã vẽ ra trước đó. Bốn chục cô gái miệt vườn xếp hàng để bốn người đàn ông Đài Loan, Hàn Quốc đi ngắm nghía, rờ nắn, quay trước quay sau, như người ta lựa rau ngoài chợ.
Linh được một người đàn ông cữ ngoài năm mươi, bụng bắt đầu sa phệ chọn làm vợ. Ấy cũng nhờ bà mối có tình riêng, mối lái.
* * *
Mặt trời gần tròn bóng ở cây xoài trước sân thì con Linh mới về đến ngõ, muộn hơn dự tính của thím Phụng. Cả nhà đứng ngồi, vào ra suốt buổi sáng giờ bỗng òa lên khi cô Ba hàng xóm gọi: “Con Linh về rồi nè, chị Tám ơi!”
Kia rồi, mẹ con nhà Linh đang sững ra trước ngõ. Tài xế tắc xi giúp chuyển cái va li và một túi xách đến tận cổng nhà mới quay lại. Nét mặt Linh mừng huýnh khi gọi má, nhưng mà nó xanh xao quá. Bốn năm rồi còn gì. Bốn năm đứa con gái yêu xa quê mịt mờ như mấy chục mùa gặt u mê và nặng nhọc của thím. Con Phốc, tên con chó mực, thấy người lạ lao ra sủa “gau gáu…” Đứa bé gái sợ hãi túm lấy mẹ và khóc ré.
Út Năm cầm cành xoài khô xua con mực. Nó reo lên: “Chị Tư!” Tiếng reo của cô em út bỗng lại một lần nữa làm Linh có phản xạ bất thần giạng chân như hồi nãy. Hình như cứ có tiếng động mạnh, tiếng la lớn, tiếng gọi xúc động thì Linh có phản xạ lạ lùng như vậy. Cả nhà ùa tới, người bế đứa trẻ, người xách va li, xách túi… líu tíu.
- Chồng con không về hả Linh? - Thím hỏi.
- Ông… chết rồi má!
- Con nói chi?
Im phắc! Mọi người nhìn nhau ngơ ngác, út thút thít. Chắc nó thương chị chứ không phải vì cái tin bất ngờ về ông anh rể ngoại quốc đáng bằng tuổi cha nó.
- Ông đột quỵ. Ông chết con mới được về.
- Chứ không phải về phép hả con?
- Làm gì có phép, má. Con hồi hương luôn. - Linh cười gượng, nụ cười méo mó trên gương mặt hanh hao chưa thôi xung chấn tình cảm.
Thím nựng đứa cháu ngoại, đứa bé gái gần ba tuổi còn đang lạ lẫm, nhút nhát trước đám đông vồn vã nó. Đôi lúc thím ngơ ngẩn, buồn và thất vọng so với những gì thím hình dung về một cuộc sum vầy. Mấy người láng giềng vỗ vai thím, nói nhỏ: “Dù sao mẹ con con Linh cũng về an toàn. Thế là vui rồi”.
Vợ chồng Hai Đực, con Liên, cô Ba hàng xóm, cả mấy người làm công ở chợ líu ríu bữa cơm đạm bạc đón Linh, ừ, dù sao con Linh nhà thím còn may hơn cô gái xấu số chết thảm nọ. Những cô gái bị đưa vào nhà chứa, bắt làm việc như nô lệ ở xứ người mà thi thoảng thím lại nghe ngoài đường, ngoài chợ người ta kể, thì sao.
Đêm u tịch miệt vườn. Lại vẫn cái gốc xoài quen thuộc năm xưa. Lại những ngôi sao xa xăm như những phận người nhỏ bé, nhạt nhòa rắc vào vòm đêm mờ ảo, tối đen. Giờ này, miệt vườn bên dòng kênh Sáng dường chỉ còn hai mẹ con thím Phụng. Tiếng của Linh khẽ khọt khứa vào khuya vắng.
Linh làm vợ kế cho một chủ xưởng làm đũa gỗ, tăm tre… xuất khẩu. Người đàn ông ngoại ngũ tuần, mắc chứng tiểu đường và tăng xông. Vợ ông ta sinh được ba cô con gái. Cố sinh lần thứ tư thì bị biến cố lâm bồn, cả mẹ lẫn con không qua khỏi. Linh là kế, cũng là niềm hy vọng sinh một đứa con trai nối dõi cho gia chủ rặt ái nữ này. Nhưng Linh lại vẫn sinh con gái. Và vì vậy bà chủ kế được đối xử chẳng hơn người lao động làm thuê ở xưởng. Thậm chí còn bị người nhà chồng xét nét và nguyền rủa. Linh không có cả thời gian mà liên lạc với mẹ.
Người đàn ông chủ xưởng bị một cơn đột quỵ sau cuộc nhậu và cãi cọ nội gia về lợi nhuận và thừa kế rồi chết. Gia tộc này không còn lý do gì để giữ một đứa dâu góa ú ở tiếng Tàu, không sinh quý tử.
- Vậy… giờ con tính sao?
- Con tính nghỉ ít ngày cho hồi rồi vay thêm vốn mở xưởng làm đũa gỗ.
Như có một chút ánh sáng le lói trong cõi mê. Vậy mà thím Phụng lại bật khóc. Thím khóc tu tu như con nít, không nhịn được. Thím trách mình ngô nghê và cả tin. Thím hiểu, cái chứng tật kỳ dị, bất hạnh, có thể suốt đời, của con thím là ở cái sự cả tin, nhầm chỗ kia. Tình duyên lỡ dở đời con thím cũng từ những mù mờ, ảo tưởng mà người nông dân ít chữ nơi thím bị huyễn hoặc khi cùng đường khốn khó.
Thím nhìn trời sao, lẩm nhẩm cầu nguyện cho vận xui qua đi. Miệt vườn phù sa mỡ màu là thế, sông ngòi trù phú là thế mà sao không bao bọc nổi mảnh đời quê kiểng, rách nát của thím. Cả đám con trai miệt vườn nữa, tài trí rủ nhau trốn vào mấy cái vỏ chai cả rồi sao mà những cô gái non mởn nhường kia phải bươn bả, tình duyên gán gẩm xứ người?
Thím cũng cầu cho mình đừng lú, để nhớ từ nay không làm gì kinh động. Cả tiếng gọi con, thím cũng không thể gọi cho thật giọng mình, mỗi khi vui sướng.
Thư, bài vở cộng tác vui lòng gửi tới Email:
Vui lòng ghi rõ nguồn khi copy nội dung từ website này.
© Copyright: chandungkesi.com