chan_dung-ke_si

NHỮNG CON ĐƯỜNG KHÔNG ĐẾN SEATTLE - Truyện ngắn Phan Triều Hải

29-09-2023

Lượt xem 991

Đánh giá 1 lượt đánh giá

Chia sẻ

  Phan Triều Hải

NHỮNG CON ĐƯỜNG KHÔNG ĐẾN SEATTLE - Truyện ngắn Phan Triều Hải

Nhà văn Phan Triều Hải

- Nếu không thể đi xa, anh vẫn hy vọng về sự bao la mà anh chưa biết đến. Còn nếu anh đã biết đến sự bao la ấy có giới hạn như thế nào, liệu còn thèm muốn nữa không...Mọi thứ ở đây chỉ có một màu. Màu xám. Công nhân xây dựng mặc áo phản quang đang im lặng làm việc dưới tầng ngầm sân bay, giữa những chiếc cột lớn loang lổ thép và xi măng. Chúng tôi đi chầm chậm ngang qua họ, không nghe thấy tiếng xe của mình, chỉ nghe tiếng rì rì nho nhỏ, không rõ là âm thanh của những chiếc máy sưởi gắn dọc theo tường hay tiếng hơi thở đùng đục dưới những chiếc nón bảo hộ trơn tuột kia. Tất cả mơ hồ như những hình người loà nhoà phía bên ngoài cửa kính xe mịt mờ hơi nước.

Mưa rơi rả rích, và chắc chắn sẽ còn tiếp tục rả rích như thế trong những ngày tới. Mây xám cuồn cuộn trên đầu ùn ùn kéo về phía đất liền hết lớp này đến lớp khác, nhiều đến nỗi có cảm giác rồi đến hết năm cũng không cạn mây được. Tôi đang ở sát bờ đông của Thái Bình Dương, chỉ chừng một quãng chạy xe ngắn nữa thì đến bờ biển Oregon. Đứng ở bờ biển đó nếu nhìn ngút mắt qua hết cái đại dương mênh mông không núi non nào cản trở tầm nhìn, (một chuyện hoang tưởng bởi chỉ cần bay bằng Boeing 747 cũng mất hơn nửa ngày trời), thì tôi sẽ gặp được bờ biển thân thuộc của đất nước mình. Chính xác như thế. Bởi cái bờ biển cong cong nơi mà vào những ngày hè, ngày lễ tháng tư, tháng năm, mọi người vẫn thích đáp xe lửa đi suốt đêm để được vùng vẫy, hay thả người trôi lều phều ngắm san hô ngoài chân mấy hòn đảo con con, chính là bờ tây của cái đại dương đang phả hơi nước ngập ngụa cái thành phố buồn tẻ tôi đang ghé ngang đây. Rốt cuộc thì chuyện đã trở nên đơn giản quá chừng, đã thu hẹp lại trong lòng một bàn tay, ngắn gọn như thể một quãng đường dài năm phút đi xe máy từ nhà đến sở làm và ngược lại.

Tôi bảo:

- Nếu chỉ nghĩ thôi thì rất đơn giản, nhưng thực tế là một chuyện khác. Bởi vì như anh muốn đến một bờ của đại dương, anh phải làm hộ chiếu, phải có thị thực nhập cảnh, phải khai báo ở mỗi nơi anh đi qua. (Quyền lực đôi khi chỉ thể hiện đơn giản ở những cánh cửa nhỏ, hay có nơi chỉ là những thanh gạt bằng inox lạnh lẽo màu sáng choang). ở bờ tây, anh phải khai có đem theo văn hoá phẩm đồi truỵ phản động gì không, phim ảnh thì được tạm giữ, tốt xấu sẽ được phân định sau. Còn ở bờ đông thì người ta sẽ hỏi cái gì trong túi của anh thế, trái cây khô hay tươi, anh đem vào đây thứ thực phẩm nào. Vâng, hiểu theo khoảng cách địa lý thì đơn giản lắm, chỉ việc đem dây ra mà đo, nhưng có những khoảng cách khác không đo lường được. Bởi thế, người mới không là chim.Xe chạy chậm rãi trên con đường đẫm nước. Hai bên đường là nhà thấp đèn đẹt, lạnh lẽo. Những ngôi nhà làm từ những container chứa hàng cũ, đứng lún trong cỏ dại, những dòng chữ điện màu đỏ chạy ngoằn ngoèo bên ngoài, xa xa nhìn nhoè nhoẹt như mực viết lên tờ giấy ẩm.

Keith nói:

- Nếu chạy thẳng mãi con đường này, chúng ta sẽ đến Seattle.

Nước mưa chảy trên những hộp thư dáng tổ chim bồ câu đứng một chân bên đường làm thẫm lên những vệt sơn vằn vện màu vỏ trứng. Keith nhìn chăm chú về phía trước, bắp tay cuồn cuộn. Tôi nhớ bàn tay My nhỏ xíu, mảnh dẻ như một chiếc lá non với những ngón tay mềm. Ai cũng bảo, đó là số sướng. Muốn biết chắc trong tương lai có sướng thật hay không thì phải nhìn thêm gót chân (tôi phải mất gần cả năm trời mới nhìn được gót chân My), gót chân nhỏ, mịn, mà không nứt nẻ gì là yêu cầu tối thiểu. Nhưng với My thì khác, nàng viết cho tôi: Đây là dịp để cho anh đi khắp nơi mà anh muốn. Anh phải đi thật nhiều, và thư kết thúc rất con gái: Sướng nhé! Cái thư ấy bây giờ đang nằm trong túi áo của tôi đây, nấp dưới năm tầng bảy lớp những áo khác bởi tôi không quen được với kiểu lạnh ẩm này, cứ cóng lên như những ngày tháng chạp mưa phùn Hà Nội.

Keith hỏi:

- Anh đã xem Mất ngủ ở Seattle chưa? ít ra một con phố lát đá đọng nước, hay một chiếc ghế gỗ dài ven đường ở đó có thể cho anh một chút tình cảm nào đó, khác với nơi đây.

Đó quả là một gợi ý hấp dẫn, bởi vừa bước xuống sân bay tôi đã thấy thất vọng với Oregon rồi. Đất Mỹ mà còn có một nơi như vậy sao, buồn bã quá chừng. Chỉ nhìn cái màu xam xám này thôi cũng đủ biết những ngày tới sẽ buồn như thế nào. Vả lại, đây cũng là một dịp để tôi kiểm chứng xem đời thường trong cái phim ấy thật đến đâu, dịu dàng đến đâu, để tôi có thể kể với mọi người rằng tôi đã từng đi trên những vỉa hè sạch bong và im lặng của Seattle, đã từng ngồi chiếc ghế nơi Meg ghé ngang qua trong chuyến đi tìm cuộc tình định mệnh của mình. Và trên hết, với thêm một nơi đến ấy, tôi sẽ làm thêm được một điều cho mơ ước của My, (chi tiết dặn dò nằm trong lá thư dưới áo), cho bạn bè tôi, (những người lúc nào cũng dặn: Đi nhớ chụp hình. Về nhớ kể chuyện nghe!). Nếu bây giờ tôi nói, ừ, ta đi đi, thì không ngần ngại gì Keith sẽ cho xe lao về phía trước, bởi ở đây, nối nơi này với nơi kia thẳng tắp một con đường.Keith nói:

- Thật ra, quan trọng hơn cả chính là cảm giác thực hiện được điều ta muốn. Ví như anh không thích nơi này tôi sẽ đưa anh đến nơi khác, không thích Seattle thì sẽ đi tiếp đến thành phố khác xa hơn nữa. Đôi khi, không vui không buồn, tôi vẫn thích ngồi vào xe và đi mãi như vậy, không phải vì nhu cầu biết thêm một nơi mà vì cảm giác choáng ngợp rằng, con đường ấy kéo dài vô tận, nhưng nếu muốn, tôi sẽ tự đi hết cái vô tận ấy.ờ, thì tôi cũng từng nghĩ về một cảm giác như thế khi đi từ bờ đông sang bờ tây, khi đi xuyên ngang miền Trung nước Mỹ. Tôi đã đi thật nhiều. Tôi đi máy bay, tôi đi xe, tôi đi bộ. Thậm chí còn đôi ba ngày còn lại, tôi cũng tìm cách ghé ngang đây tham lam cóp nhặt thêm một nơi chốn để rồi phát hiện ra có một Oregon như thế ở miền Tây Bắc, heo hút, ảm đạm. Trong khi Keith nói, tôi nhìn qua cửa. Cảnh vật lặng lẽ bên ngoài khiến tôi như mềm nhũn ra. Tôi quá mệt mỏi vì những chuyến đi dài rồi chăng? Hay tôi đã quá mong muốn về nhà? Cái nhịp điệu đột nhiên chùng xuống lúc này khiến tôi nhận ra rằng dường như những ngày vừa qua tôi đang cắm cúi thực hiện cái điều toi nghĩ là ước muốn của nhiều người, trước khi có đủ thời gian cho chính tôi thật sự mơ ước về nó. Tôi tóm lấy từng cơ hội, vội vàng và manh mún, (đã là cơ hội thì không thể sắp đặt trước sau được), chứ không phải làm cái công việc mua sắm với phong thái thong dong của người có tiền trong tay.Keith vẫn đang lái xe về phía Bắc. Con đường dài hun hút trôi tuột về sau, lướt thướt như một dòng sông. Lúc này mùa đông đã bắt đầu được hai tuần. Cây hai bên đường xơ xác, vừa trụi lá vừa ướt át. Thỉnh thoảng, vài ngôi nhà nhỏ xuất hiện rồi mất hút, không một bóng người. Mây từ phía đại dương vẫn ùn ùn thổi ngang trên đầu. Mưa trên con đường thẳng tắp này và hẳn cũng đang mưa trên dãy núi cao kia. Chúng tôi đang đi dần vào vùng núi đồi. Tôi chợ nhớ một người bạn chỉ quen biết qua điện thoại nhưng hầu như năm nào cũng có dịp trò chuyện vài lần. Anh ta nói địa chỉ nơi anh ta ở đơn giản là thị trấn Núi Đèo, Hải Phòng. Tôi chưa từng đến đó, không biết trong thị trấn ấy có những con đường ngoằn ngoèo vắt ngang qua đồi núi giống nơi đây không, nhưng đó thật sự là cái tên thơ mộng.

- Chúng ta quay về. Tôi bảo với Keith. Nếu tôi đến được Seattle, tôi sẽ muốn đến thị trấn kế tiếp cách đó năm dặm, rồi đến Vancouver, rồi cứ như thế mãi, xa hơn nữa. Anh không thể suốt ngày ngồi lái xe cho tôi, mà tôi thì không biết tôi đang làm gì, đến một nơi, hay chỉ để thoả mãn rằng tôi đang muốn và tôi đang đến. Thật ra, trong tôi lúc này cả hai thứ đó đều không có.ở nhà giờ này My đang ngủ ngon. Sáng mai khi thức dậy nàng sẽ theo con đường thẳng tắp và lớn nhất của Sài Gòn để đến sở làm, tất cả mất mười bảy phút. Tất nhiên, có những lúc chậm hơn thế bởi phố sá ngày càng đông đúc và lúc nào cũng sẵn sàng tắc nghẽn với với một xe bánh mì đẩy dạo bên đường hay một chiếc xe rác nặng nề xoay trở với công việc chưa kịp làm xong. My luôn mơ ước về những cuộc đi xa, (lá thư đầy những chi tiết dặn dò lại cộm lên), nhưng thật ra chưa bao giờ nàng nghĩ đến việc đi xa hơn một chút, khoảng 30 phút chẳng hạn, để băng qua một cây cầu ra đến ngoại ô thành phố, nơi có không khí trong lành hơn, cây lá xanh tươi hơn. Không lúc nào My nghĩ đến việc đi thêm một lúc nữa, ra khỏi con đường mỗi ngày, cũng như những người khác, tất cả chỉ có một nghĩa vụ lớn là sống đúng giờ. Đi và về. Tôi hoàn toàn không có lỗi gì nếu không đến được Seattle.Keith quay sang nói, giọng tình cảm:

- Đôi điều không làm được ấy sẽ giúp ta sống vui hơn. Nếu không thể đi xa, anh vẫn hy vọng về sự bao la mà anh chưa biết đến. Còn nếu anh đã biết đến sự bao la ấy có giới hạn như thế nào, liệu còn thèm muốn nữa không.

Và thế là chúng tôi quay lại với ngoại ô của Portland, vẫn những con đường ướt, vẫn những ngôi nhà một tầng hình hộp màu xám nay đã thẫm màu trong đêm tối mênh mông của Miền Tây Bắc. Những dòng chữ điện đỏ nhoè nhoẹt. Dancers. Restaurant. Parking. Motel. Tất cả chậm rãi mọc lên, rồi lui dần về phía sau, từng thứ một, im lìm, lạnh lẽo, ướt át. Mùa này đêm xuống nhanh. Vẫn mưa. Chúng tôi tìm một quán ăn nhỏ nằm lọt thỏm trong một bãi đậu xe lớn rào sơ sài bằng kẽm gai, nhưng không có một chiếc xe nào ghé lại. Một quán Philippines. Bên trong, bàn ghế gỗ tróc lên những lớp vỏ màu nâu thẫm và cửa kính dày đọng nước thành dòng. Người phụ nữ chủ quán, tóc đen nhánh, hơi xuềnh xoàng và khó đoán tuổi, lịch sự lùi lại đứng im lặng sau quầy.

Keith hỏi:

- Rồi anh sẽ tiếc vì không đến Seattle?

Tôi hướng về Keith, một nửa khuôn mặt của anh chìm trong bóng tối:

- Một ngày nào đó tôi sẽ đến.

Keith nói:

- Nếu anh nghĩ sẽ đến, thì việc sẽ diễn ra như thế.

Trong chiếc ghế bành bọc bằng vải nỉ cũ kỹ đặt ở góc nhà, một đứa bé con nằm lọt thỏm, hai chân quấn trong chiếc chăn mỏng, hai tay nhỏ xíu đặt sấp lên nhau đỡ lấy chiếc cằm bụ bẫm, mắt nhìn tư lự mơ màng ra phía cửa. Đôi mắt nó trầm lặng và buồn dẫu tôi chắc rằng nó chưa thể biến buồn là gì, bởi nó còn bé quá, chỉ mới chừng năm tuổi. Thỉnh thoảng, đứa bé đưa mắt về phía chúng tôi, ánh mắt không nói lên điều gì cả, chỉ to tròn, đen láy, ươn ướt như mắt con Lem, con chó con ở nhà mà tôi rất yêu quý dù đám lông trắng dài của nó thường xuyên vón cục như sữa bột. Đứa bé vẫn im lìm bất động như thế suốt bữa ăn, trong khi mưa ngoài trời cứ rả rích với cùng nhịp điệu không đổi từ sáng đến giờ. Nếu trời cứ mưa mãi như thế này đến hết ngày mai, hết ngày kia, mưa hết năm này cho đến sang năm khác, thì đứa trẻ ấy sẽ lớn lên ra sao, sẽ đi về đâu nhỉ? Nó sẽ sống một đời sống lu mờ giữa bao nhiêu cuộc đời khác, hay sẽ trở thành một tay chơi nhạc rock, một nhà thơ? Tôi không biết. Bây giờ tôi thấy tôi sẽ không biết gì hết. Ngay khi tôi bước qua cửa ra về, đứa bé sẽ ở lại, sẽ nằm im lìm như thế ít nhất cho đến hết ngày vô tư lự này. Và trong hiểu biết còn lại của tôi, mãi mãi đó vẫn là một đứa bé nằm trong ghế bành. Mãi mãi như thế. Nhiều năm sau nữa, nếu tôi vẫn còn nghĩ về Seattle, có thể tôi sẽ đến được thật, nhưng với đứa bé này thì tôi không bao giờ gặp lại, cho dù tôi muốn biết tường tận số phận nó biết bao. Nó sẽ lưu lạc đâu đó, nó sẽ lẫn vào đám đông. Đứa bé khác với Seattle, đó là một cuộc đời. Nơi chốn thì ở lại để chờ đợi, nhưng một cuộc đời thì không.

Người phụ nữ chủ quán hỏi chúng tôi ăn có ngon Myệng không. Tôi gật đầu. Trên tường tờ lịch đã bị xé vội đến ngày mai, ngày 21/11. Sau hai ngày nữa,, ngày 23/11, tôi sẽ đi làm, sẽ đi lại trên con đường quen thuộc, sẽ sống một đời sống khác cách đây nửa vòng trái đất, song hành với bao nhiêu cuộc đời khác xuất hiện lặng lẽ và biến mất lặng lẽ nơi này, nơi kia. Bên ngoài trời đen và sâu thăm thẳm, đó là bầu trời mà tất cả mọi người đang cùng chia sẻ, cũng như cùng chia sẻ những lần nước xuống, những lần nước lên, những lần trăng tròn, những lần trăng khuyết. Mọi người cùng sống và cùng chia sẻ với nhau bao nhiêu điều, nhưng tôi vẫn thấy có cái gì đó xa cách, không hẳn chỉ vì một tiếng gọi từ bờ đông đại dương này không đến được với bờ tây của chính nó, mà là một điều khác, một điều gì đó thật mơ hồ nhưng mệnh hệ như thể liên quan đến số phận của mỗi con người. Bên trong, Keith chậm rãi đi về phía góc phòng, xoa đầu đứa trẻ với bàn tay to lớn đen nhẻm của anh. Bà mẹ người Philippines nhìn theo mỉm cười. Keith bảo:

- Trông nó dễ thương quá. Cứ như một chú chim non bị ướt hết cánh rồi./.

Cùng tác giả:

Một tối ở quán bar

Bài liên quan
  • BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhiên cất tiếng hát "Ơi chàng ơi chim có bạn có bầy, thuyền có bến có sông sao lại để em năm canh gối chiếc chăn đơn đợi chàng... "
  • HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Hai người bạn là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, in trong tập truyện ngắn Hạnh, Đời nay xuất bản năm 1940.
  • CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Vũ Bằng hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực báo chí từ những năm 1930-1940 khi tuổi đời còn rất trẻ. Ông là chủ bút tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy, thư ký tòa soạn tờ Trung Bắc Chủ Nhật khi mới hơn hai mươi tuổi. Khi Nhật-Pháp so kè với nhau chiếm nước ta, dưới áp lực kinh người của những kẻ xâm lược, Vũ Bằng vẫn giữ tư thế của tờ Trung Bắc Chủ Nhật là phục vụ người Việt, vì quốc gia dân tộc, khiến cả chính quyền Pháp và Nhật đều phải kiêng nể.  Trước 1945, Vũ Bằng nổi tiếng trong việc giúp đỡ các nhà văn khác cả tiền bạc lẫn kinh nghiệm viết lách. Rất nhiều nhà văn nhận những lời khuyên của Vũ Bằng sau này đều trở thành những nhà văn lớn của Việt Nam. Thế nhưng, một thời gian dài kể từ khi Vũ Bằng di cư vào Nam năm 1954, các tác phẩm của ông biến mất không còn dấu vết, không được nhắc tới trong nhà trường, bị đưa vào danh mục cấm do cái tiếng "dinh tê, về thành", nhà văn "quay lưng lại với Kháng chiến"... gây ra. Ông lâm trọng bệnh và mất ở TP. Hồ Chí Minh năm 1984 trong cảnh vô cùng túng thiếu. Mãi sau này, ông mới được minh oan rằng không phải ông quay lưng với kháng chiến mà là ông đã nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật trong giới trí thức nội thành từ năm 1952 và vào Nam năm 1954 theo lệnh của tổ chức. Tháng 3 năm 2000, Cục Chính trị thuộc Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có văn bản xác nhận nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo.
  • ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ hàng đầu của Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX, sức ảnh hưởng của Xuân Quỳnh lớn tới nỗi Google từng vinh danh bà trên trang chủ của họ vào năm 2019. Là nhà thơ nên tất nhiên bà nổi tiếng về thơ và hầu như khó tìm được ai không biết bài Thuyền và Biển của bà. Nhưng Xuân  Quỳnh cũng viết văn và viết rất nhiều truyện cho thiếu nhi, truyện Ông nội và ông ngoại dưới đây là một trong số đó.
  • LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Lời Nguyền là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, viết về quãng thời gian ông bị thực dân Pháp bắt tại Hà Nội (1941) và đưa lên giam giữ tại trại giam Vụ Bản, Châu Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình. Truyện được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc cuối cùng của nhà văn Khái Hưng. 
  • CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mưỡu Cuối được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1946, đặt làm Phần cuối và đem đi xuất bản ở Quốc Văn với tên Chùa Đàn. Với Tâm sự của nước độc, Nguyễn Tuân băng băng trèo lên đỉnh đèo văn, còn với Chùa Đàn, ông bồng bềnh trôi, chưa mỏi gối nhưng đã không còn đỉnh đèo nào để leo nữa.
  • CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần II của Chùa Đàn, được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1945 có tên Tâm sự của nước độc. Truyện có phần đề từ lấy trong Chữ Nhàn, một bài hát nói của Nguyễn Công Trứ; “Ai hay hát mà ai hay nghe hát”. Trong Chùa Đàn, truyện được sắp xếp thành phần II. Nhà văn Khái Hưng và một số nhà văn khác cho rằng, (việc) Nguyễn Tuân viết thêm Dựng và Mưỡu Cuối, đã làm hỏng mất sự toàn bích một tác phẩm tuyệt mỹ.
  • CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chùa Đàn được xem là tác phẩm hội tụ những gì tinh hoa nhất của nhà văn Nguyễn Tuân do Quốc Văn xuất bản năm 1946 tại Hà Nội. Chùa Đàn bắt đầu từ truyện ngắn Tâm sự của nước độc trong loạt truyện kinh dị Yêu Ngôn ông đăng trên các báo thời bấy giờ. Đến năm 1946, để phù hợp với diễn biến thời cuộc, ông viết thêm hai phần bổ sung, đặt làm phần Một và Ba, Tâm sự của nước độc trở thành phần Hai của tác phẩm.
    Dù là tác phẩm hay nhất của Nguyễn Tuân, nhưng Chùa Đàn đã bị đánh giá thấp do các yếu tốc ma quái kì dị đầy màu sắc tâm linh của nó. Kể từ lần in năm 1946 và sau đó được Tân Việt tái bản ở Sài Gòn* năm 1947, đến tận năm 1981, Chùa Đàn vẫn không được nhà xuất bản đưa vào tuyển tập của ông. Điều này đã khiến Nguyễn Tuân buồn bã đến nỗi; "Tôi tiếc cái Chùa Đàn quá. Họ cắt cái Chùa Đàn khỏi tuyển tập này, cũng giống như cắt cái gan ra khỏi bụng tôi".
    Đến năm 1999, Chùa Đàn mới được in trở lại trong tập Yêu Ngôn do nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh thực hiện. Ngày nay Chùa Đàn không những đã được xuất bản, mà còn được chuyển thể sang nhiều loại hình nghệ thuật khác như kịch nói, cải lương, phim điện ảnh. Ở mảng điện ảnh, Chùa Đàn được dựng thành bộ phim khá nổi tiếng Mê Thảo – thời vang bóng do đạo diễn Việt Linh thực hiện.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần cuối của Ngõ lỗ thủng, tác phẩm dựa trên những ký ức, sự kiện và nhân vật có thật của nhà văn Trung Trung Đỉnh, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ngõ lỗ thủng của Trung Trung Đỉnh dựa trên ký ức của những sự kiện, nhân vật có thật của chính nhà văn, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.