Chuyến đi khiến tôi nhớ đến tác phẩm “Bức thư Cà Mau” của nhà văn trẻ Anh Đức gửi từ Cà Mau ra Hà Nội cho nhà văn đàn anh Nguyễn Tuân, mà tôi đã đọc ở tuổi học trò. Đó là một tác phẩm được viết tháng 11-1963, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ác liệt; đất nước còn bị chia cắt. Bức thư là biểu hiện của tình ruột thịt Bắc-Nam; là tấm lòng thủy chung của đồng bào miền Nam hướng về miền Bắc xã hội chủ nghĩa, về Đảng và Bác Hồ; đồng thời nói lên khát vọng thống nhất đất nước của nhân dân cả nước.

anh-duc

Nhà văn Anh Đức. Ảnh tư liệu

Trong lá thư, nhà văn trẻ kể chuyện về đất và người Cà Mau thật sinh động cho người đồng nghiệp vong niên đang ở cách xa ông cả ngàn cây số. Ở đó, tác giả không chỉ viết cho Nguyễn Tuân mà viết cho người dân Thủ đô, cho đồng bào miền Bắc ruột thịt thể hiện tinh thần “Nam Bắc một nhà” và quyết tâm đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước: “Dạo này, đêm Cà Mau, gió mưa cứ tầm tã, ở ngoài đó chắc đã lập đông rồi, phải không? Mặt nước Hồ Gươm mùa đông có đẹp không anh? Lát nữa trời sẽ rạng sáng. Dù chưa biết Hồ Gươm, tôi vẫn nhớ Hồ Gươm và đoán rằng lúc ấy Hồ Gươm sẽ đẹp hơn cả mọi lúc, vì khi ấy Tháp Rùa sẽ hiện ra trong sương sớm như xuất hiện từ trong câu chuyện thần thoại của bản thân nó. Cây đước của bà má Năm Căn có ở đó không anh nhỉ? Chừng nào thì xuất hiện cây đước với vòm lá xanh rì của nó, chừng nào thì rễ đước bắt đầu bén đất Hồ Gươm?

Chừng nào? Cái câu hỏi ấy, mỗi người đều phải đặt lấy, định lấy. Ở tôi, ở anh, ở tất thảy chúng ta trên hai miền Nam Bắc. Tin rằng: Thời gian sẽ ủng hộ chúng ta. Để anh có thể vô thăm Cà Mau sớm hơn. Và tôi có thể ra viếng Tháp Rùa một thể cùng một chuyến với các bà má Năm Căn, vai đeo bị bàng đựng những trái đước giống”...

Các nhà văn quân đội cùng các nhà văn phía Nam tại Cà Mau. Ảnh: ĐOÀN VĂN 

... Sau khi được các cây bút trẻ phương Nam hướng dẫn đi thăm mảnh đất tận cùng của đất nước, lênh đênh trên sóng nước ngắm những rừng dừa, rừng đước bạt ngàn, đến với những người lính ngày đêm canh giữ biển trời, canh giữ miền biên viễn thiêng liêng của Tổ quốc để thêm hiểu về đất và người nơi này, chúng tôi còn được các bạn văn Cà Mau cho biết thêm về lực lượng viết trẻ nơi đây và hiểu thêm về tác giả của “Bức thư Cà Mau”. Nhà văn Anh Đức (1935-2014) tên thật là Bùi Đức Ái, sinh ra và lớn lên ở Châu Thành, An Giang. Năm mới 13 tuổi, ông đã tham gia kháng chiến, làm chiến sĩ giao liên cho một số tạp chí lớn nhỏ như: Lá lúa, Văn nghệ miền Nam của Chi hội Văn nghệ kháng chiến... Rồi bằng các tác phẩm: “Hòn Đất” (hoàn thành đầu năm 1965, xuất bản năm 1966), “Một chuyện chép ở bệnh viện” (1958) và “Biển động” (1952), “Lão anh hùng dưới hầm bí mật” (1956), “Biển xa” (1960), “Bức thư Cà Mau” (1963), “Đứa con của đất” (1976), “Miền sóng vỗ” (1985)... Trong đó, có tiếng vang nhất là các tác phẩm ký như: “Một chuyện chép ở bệnh viện” và “Con cá sông” (giải nhất cuộc thi truyện ngắn của Tạp chí Văn nghệ năm 1958). “Hòn Đất” và “Bức thư Cà Mau” (giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu năm 1966) và kịch bản phim truyện nhựa “Chị Tư Hậu” (Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất năm 1962 được chuyển thể từ tác phẩm văn học “Một chuyện chép ở bệnh viện” của Bùi Đức Ái; đạo diễn Phạm Kỳ Nam; giải Bông sen Vàng tại Liên hoan phim toàn quốc năm 1973).

Năm 2000, nhà văn Anh Đức vinh dự được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (cho 3 tác phẩm: “Hòn đất”, “Bức thư Cà Mau” và “Một chuyện chép ở bệnh viện”). Người ta nói nhà văn Anh Đức là một tài năng. Một tài năng không đợi tuổi. Ba tác phẩm được Giải thưởng Hồ Chí Minh được nhà văn Anh Đức viết khi chưa đầy 30 tuổi. Riêng “Một chuyện chép ở bệnh viện” ông viết khi mới 23 tuổi (năm 1958). Anh Đức trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam trẻ nhất năm 22 tuổi, khi hội ra đời (năm 1957). Ông được xem như một nhà văn thuộc lớp sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam.

Theo NGÔ VĨNH BÌNH - QĐND Cuối tuần