chan_dung-ke_si

NHÀ VĂN NGUYÊN HỒNG: TỪ KỈ NIỆM BAN ĐẦU ẤY

05-11-2023

Lượt xem 1080

Đánh giá 0 lượt đánh giá

Chia sẻ

  Nguyên Hồng

NHÀ VĂN NGUYÊN HỒNG: TỪ KỈ NIỆM BAN ĐẦU ẤY
Nhà văn Nguyên Hồng (1918-1982)
 
Tôi đã mười lăm tuổi! Tôi sắp đến một bước quyết định cả đời: hoặc tốt nghiệp ra trường, hoặc thi vào trường thành chung. Hi vọng được học nữa và học cao này, quá là mờ mịt đối với tôi. Nhưng thôi, cứ biết tôi phải đỗ cuối khóa này. Nhất là phải học giỏi! Tuổi xanh ơi! Tôi đã mười lăm tuổi! Thời kì này, tôi cũng đọc các sách báo ta và hết sức say mê. Một số truyện ngắn của mấy nhà văn đang nổi tiếng, tôi coi cũng như những bài học. Tôi không những chỉ thuộc những đoạn hay, đoạn lạ, mà còn nghiền ngẫm rất kĩ, rất lâu những tình tiết và nghệ thuật để so sánh những nhà văn đó với nhau, so sánh truyện này với truyện khác, và đánh giá cả từng đoạn, từng câu, từng ý, từng cảnh trong truyện của họ. Tôi cũng nghiên cứu những bài xã luận, những bài bút chiến, những thiên phóng sự điều tra, những tạp mục như tìm hiểu, điểm văn, điểm thơ, nhặt hạt sạn, hạt đậu nhọn, vui cười, thách đố v.v… về các thể loại, về cách viết, cách lập luận, về đặc sắc hay sắc thái của từng nhà báo, nhà văn, nhà thơ.

Bên cạnh những truyện ngắn và tiểu thuyết thì thơ mới làm mê đắm tôi hơn hết,

Tôi không có sổ tay hay sổ đặc biệt gì cả. Tôi vận dụng toàn trí nhớ. Đầu óc tưởng tượng của tôi đã làm công việc của một màn ảnh và máy chiếu phim mà nhiều lúc tôi đã không ngờ được sự giàu có lạ lùng của nó. Những nhân vật, những cảnh vật, những sự việc, những câu chuyện, những cuộc đời trong các tác phẩm đều bị lột da, bóc xương, tróc vỏ, lật ngược, đào sâu, soi chiếu và nhân lên trên nhiều diện. Lúc đó, tôi chưa có ý định sáng tác hay làm nhà văn truyện ngắn, truyện dài gì cả. Những công việc trên đây phần lớn là do sự tò mò, do khiếu thưởng thức và thích cả phê bình nữa. Một cách vô ý thức, tôi đã viết. Tôi viết thêm. Tôi viết kĩ. Tôi viết mới, tôi viết khác với những tác phẩm kia, qua những tác phẩm kia, từ những tác phẩm kia, tất nhiên là ngây ngô, đại nghếch và còn lố bịch là đằng khác! Cũng may, chỉ có tôi biết với tôi, nó chỉ ở trong trí não của tôi. Nó sống rất nhanh, rất huyền ảo. Tuy thế cũng có lúc nó diễn lại, và trở thành một cái cớ hay trở thành những chất liệu sử dụng sau này khi tôi viết văn thật sự… Thí dụ như trong một phần cuốn tiểu thuyết Bỉ vỏ hay truyện ngắn Bảy Hựu đầu tay của tôi.

Mây chiều ngừng lại sau đèo
Mình cây nắng nhuộm bóng chiều không đi
Trời cao xanh ngắt, ô kìa
Hai con hạc trắng bay về Bồng lai…

(Thế lữ)​


Càng vào những giờ Pháp văn, tôi càng bâng khuâng với các câu thơ mới của ta. Một tai thì vang vang những câu thơ của Vich-to Huy-gô hay những doạn văn của Pát-scan, Rút-xô, An-phông-Xơ Đô-đê và của cả mấy tây đoan, quan hai khố xanh kiêm viết về thuộc địa thời đó; một tai tôi nghe gió, nghe đàn, nghe mây, nghe chim, nghe rừng, nghe thác, nghe sóng, nghe thơ của Việt Nam, với những tên tuổi đối với tôi sao mà đẹp, mà quý, mà trọng và thiêng liêng:

Với cây đàn ngàn phiếm tôi ca
Cái đẹp u trầm đằm thắm hay ngây thơ
Cũng như cái đẹp cao siêu và hùng tráng
Cửa non nước, thi văn, tư tưởng…

(Thế Lữ)​


Rồi một thế giới. Không! Những thế giới khác, mở ra ở ngoài kia. Phải! Ở ngoài ba khung cửa số và cửa ra vào phía tay trái tôi mà khoảng sân và vòm trời lúc nắng cũng như mưa, cứ trong giờ học im ắng thì lại có một sức quyến rũ rất lạ.

Thấm thoắt sắp hết chín năm, sáu lớp học; thì tám năm, năm lớp tôi học trường đây, chơi ở sân đây. Nhiều buổi các thằng bạn đã nằm, ngồi quây kín lấy tôi ở dưới những gốc cây sấu, cây cơm nguội để nghe tôi kể những chuyện năm xưa về nhà trường và mấy thời kì đặc biệt từ những ngày xa lắc như ngày đầu kỉ nguyên theo tuổi chúa Giê-su ấy. Trường lớp, sân chơi, nhà loong-toong, cổng và đường đi lối lại quanh trường, với các thứ kỉ niệm, các thứ chuyện, nếu không phóng đại thì cũng một tấc đến giời, hoang tưởng, kì ảo hơn cổ tích!

Cảnh vật làm đầu đề các chuyện, các kỉ niệm vẫn là cái sân cùng mấy cây to còn lại, mấy cây to mới lớn và cái cổng trường liền với dãy nhà của hai người loong-toong gác trường và bán quà bánh cho học trò. Không còn những lớp bét, lớp tư nữa, không còn những lũ bé lóc nhóc nữa, cái sân dần dần thành của riêng mấy lớp lớn. Một dạo có những hai bàn đánh quần vợt chiếm gần hết sân trường. Sau đó thì thành bãi bóng. Hai cây ổi và hai cây bàng ở hai đầu làm cột gôn. Cây ổi và cây bàng to ở giữa sân làm mốc giao bóng mở trận đấu. Mấy khoảng rìa sân và góc sân là các bàn bi, bàn đáo.

Từ năm lớp nhì, có thời kì tôi đã mê đá bóng hơn cả mê sách, nhất là tới năm bao nhiêu truyện của cửa hàng cho thuê tôi đã đọc hết, còn những truyện mới, sách mới thì vừa đắt vừa không hay. Phải đến dạo có mấy tờ báo có những bài lạ, như Phụ nữ tân văn, Đông tây, Ngọ báo, Phong hóa, tôi mới giảm được phần thời giờ ở ngoài đường, ở sân trường và ở bãi cỏ thành phố đến quên cả ăn, với quả bóng quần và mấy bạn bóng học cùng trường, ở gần nhà.

Sau những buổi ra chơi, tôi lại vào lớp học, bụng căng nước máy, mồ hôi cứ long tong ở trán, ở cổ, ở cánh tay, gạt không kịp, chảy cả xuống bàn, xuống sách. Nhưng chỉ lúc sau, nhìn ra ngoài sân im lặng và vùng trời nắng tôi lại mát dịu hẳn trong người.

Tiếng hát trong như nước Ngọc tuyền
Êm như hơi gió thoảng cung tiên
Cao như thông vút, buồn như liễu
Nước lặng, mây ngừng, ta đứng yên.

(Thế Lữ)​


Những câu thơ mới lại ru vỗ tâm trí tôi cùng với những câu thơ và những đoạn văn ngân vang của bài tập đọc, bài học thuộc lòng và bài ám tả thầy giáo bình giảng.

Bài học thuộc lòng lấy một đoạn trong bài thơ Đại dương đêm tối (Océano-nox) của Vích-to Huy-gô và bài ám tả cũng lấy một đoạn trong truyện ngắn Buổi học cuối cùng của An-phông-xơ Đô-đê, là hai bài cuối cùng tôi nhớ mãi trong đời học sinh.

Sau khi thôi học, tôi ra Hải Phòng rồi đi Hòn Gai xin việc. Tôi đã thật được nghe biển sóng cả ban ngày, cả đêm trăng và cả tối khuya mà tưởng tượng thêm về đời sống gian lao, dũng cảm của những người thủy thủ trong trích đoạn thơ của Vích-to Huy-gô.

Và bắt đầu được nghe thật sóng gió của cuộc đời nữa! Cuộc đời phải đổ mồ hôi mình mà sống, để giữ nhân phẩm, tiến đến tương lai, có một lí tưởng cao quý và một sự nghiệp chân chính trọn tình yêu dấu…


NGUYÊN HỒNG
(Rút từ tập Một tuổi thơ văn – NXB Kim Đồng, 1978)

Bài liên quan
  • Việt Nam khai quật thành công ‘kho báu’ bị chôn vùi 12 thế kỷ ở một xã ven biển miền Trung, được công nhận kỷ lục thế giới

    Việt Nam khai quật thành công ‘kho báu’ bị chôn vùi 12 thế kỷ ở một xã ven biển miền Trung, được công nhận kỷ lục thế giới

    Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) khi đó đã đề nghị cơ quan chức năng phong tỏa khẩn cấp khu vực để bảo vệ nguyên trạng, họp bàn tìm cách khai quật tối ưu.
  • VIẾT TRUYỆN NGẮN NHƯ THẾ NÀO* - CHEKOV

    VIẾT TRUYỆN NGẮN NHƯ THẾ NÀO* - CHEKOV

    Sao lại nói là không có cốt truyện? Không đúng. Cốt truyện có ở mọi nơi mọi chỗ. Anh hãy nhìn vào bức tường này. Ai cũng biết ở đấy chẳng có gì cả. Nhưng anh hãy nhìn kỹ vào đó, hãy tìm trong đó một cái gì của mình, một cái gì không ai thấy được. Và anh hãy viết ra. Xin cứ tin điều tôi nói, bấy giờ thế nào cũng có một truyện ngắn. Cũng như anh có thể viết rất hay về một chủ đề đã cũ mèm như viết về ánh trăng, miễn là biết nhìn ra trong ánh trăng một cái gì của mình mà không phải một cái gì khác đã quá nhàm.
  • Nhà văn Minh Chuyên được phong tặng Anh hùng Lao động

    Nhà văn Minh Chuyên được phong tặng Anh hùng Lao động

    Theo thông tin từ nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà văn Minh Chuyên vừa được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động bởi những đóng góp đặc biệt cho văn học viết về chiến tranh thời hậu chiến.
  • Nhà thơ Bùi Giáng: Kỳ cuối: Gặp hoạn nạn là Kim Cương có mặt

    Nhà thơ Bùi Giáng: Kỳ cuối: Gặp hoạn nạn là Kim Cương có mặt

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Lúc đầu thấy Bùi Giáng cầu hôn Kim Cương không được, Nguyễn Thùy có lần đã đề nghị với Kim Cương một cách nghiêm túc hay là Kim Cương lấy Bùi Giáng làm chồng, biết đâu sẽ giúp anh ấy bớt khùng và viết lách đường hoàng, đĩnh đạc, dễ hiểu hơn?
  • Nhà thơ Bùi Giáng - Kỳ 4: Tỉnh điên một cõi hồng trần

    Nhà thơ Bùi Giáng - Kỳ 4: Tỉnh điên một cõi hồng trần

    Nguyễn Thùy có cô người yêu là sinh viên Đại học Sư phạm ban Anh văn rất quý trọng Bùi Giáng, cô này thường đi theo Bùi Giáng uống cà phê, quàng vai ông rất thân thiết khiến Bùi Giáng rất vui.
  • Nhà thơ Bùi Giáng - Kỳ 3: Trong cõi điên nhân tình thế thái

    Nhà thơ Bùi Giáng - Kỳ 3: Trong cõi điên nhân tình thế thái

    Sau khi không may gặp hỏa hoạn, không chỉ nhà bị cháy mà tất cả tác phẩm và sách vở tài liệu bị cháy sạch, Bùi Giáng lại thêm một cú sốc lớn khiến tâm hồn nhạy cảm của ông càng bị chấn động. Bùi Giáng càng điên hơn, ban ngày ông lang thang ngoài đường trong trang phục “cái bang” với mấy con chó nhỏ trong túi vải đeo lủng lẳng quanh mình. Cứ thế ông rong chơi khắp phố phường và trêu chọc thiên hạ, nhất là các cô gái đẹp.
  • Nhà thơ Bùi Giáng - Kỳ 2: Bút lực hoa trôi nước chảy

    Nhà thơ Bùi Giáng - Kỳ 2: Bút lực hoa trôi nước chảy

    Để có cả một kho tàng tác phẩm như thế Bùi Giáng đã viết lúc nào trong khi ông thường dành hết thời giang trong ngày để rong chơi cho những cuộc điên tưởng chừng bất tận? Đây là một điểm rất bí ẩn mà cho đến nay chưa có lời giải, kể cả những người gần gũi nhất với ông.
  • Nhà thơ Bùi Giáng - Kỳ 1: 'Giáo sư' không tốt nghiệp đại học

    Nhà thơ Bùi Giáng - Kỳ 1: 'Giáo sư' không tốt nghiệp đại học

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Bùi Giáng không tốt nghiệp đại học nhưng lại làm “giáo sư” dạy học một thời gian, là nhà nghiên cứu, khảo luận, dịch thuật và nhất là làm thơ. Ông dịch nhiều tác phẩm nổi tiếng của các tác giả tên tuổi trên thế giới, viết khảo luận đông tây kim cổ và đặc biệt là làm thơ nhanh như chớp bất cứ ở đâu, trong trường hợp nào.
  • Cửa ô Hà Nội hơn 100 năm trước

    Cửa ô Hà Nội hơn 100 năm trước

    Hà Nội từng có 21 cửa ô nhưng đến năm 1866, trên bản đồ chỉ còn 15 cái tên.
  • Chữ quốc ngữ khiến người Việt bị đứt gãy về văn hóa?

    Chữ quốc ngữ khiến người Việt bị đứt gãy về văn hóa?

    Một câu hỏi được đưa ra từ lâu trong giới nghiên cứu nhưng không dễ trả lời: sự thay đổi chữ viết tạo ra sự đứt gãy về văn hóa, truyền thống trong dân tộc ta?