Nhà văn Mai Ngữ (1928-2005)
Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhà văn gốc Hải Phòng Mai Ngữ (Mai Trung Rạng) sinh ra trong một gia đình khoa bảng, ông nội là tổng đốc, Đông các đại học sĩ, chú là họa sĩ Mai Trung Thứ, tác giả của bức tranh đắt giá nhất nền hội họa Việt Nam Chân dung cô Phương (Portrait of Mademoiselle Phuong) với giá bán 3,1 triệu USD vào ngày 18 tháng Tư năm 2021 tại Hồng Kông.
Theo nhà thơ Thanh Tịnh, những tác phẩm hay nhất của Mai Ngữ phải kể đến Dòng sông phía trước (1972), Bầu trời và dòng sông (1966), Người lính mặc thường phục (1986), Gió nóng (1984), Thời gian (1992), Người đàn bà trên hạm tàu (1996), Trong tay bọn Angca (1980), Cành đào tàn trên xe rác (1997)... và đặc biệt là Chuyện như đùa (1988). Với Chuyện như đùa, tác phẩm của Mai Ngữ được độc giả ví như một Những người thích đùa (tác phẩm nổi tiếng thế giới của nhà văn Azit Nesin ) của Việt Nam.
Năm 2012, nhà văn Mai Ngữ được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật với các tác phẩm: Dòng sông phía trước và Truyện ngắn Mai Ngữ.
Bà nội tôi bị hỏng mắt không biết từ bao giờ, chỉ nhớ khi tôi lớn lên một chút đã thấy lúc nào bà tôi cũng ngồi trên tấm phản thấp kê sát chiếc giường tre cũ kĩ. Bà tôi cứ ngồi như thế cả ngày, áo ai đến lại hơi ngẩng lên, đôi mắt lòa được che khuất dưới mái tóc bạc xõa xuống. Chiếc gậy tre đặt sẵn bên cạnh. Bữa cơm, mẹ tôi hoặc chị tôi bưng đến bên bà cái khay nhỏ trong đặt bát cơm, gắp sẵn thức ăn và đôi đũa mun. Bà tôi ăn ngay trên cái phản đó, tiếp khách cũng ở đó, khi đi nằm lại lần lên chiếc giường tre đã buông sẵn tấm màn the nâu.
Thường vào buổi tối, sau khi ăn cơm, chị tôi khêu to ngọn đèn hoa kì, đặt bên cạnh bà tôi. Chị tôi giở cuốn sách ra đọc cho bà nghe, thường là truyện Tây du kí, tả bốn thầy trò Đường Tăng vượt qua ba nghìn dặm sang Tây Trúc thỉnh kinh; truyện Trê Cóc, Lục súc tranh công, Phan Trần, Tống Trân Cúc Hoa, hay Kim Vân Kiều… những cuốn sách mua được ở chợ. Giọng chị tôi thanh nhẹ đều đều, bà tôi im lặng lắng nghe, đôi khi sửa lại những câu chữ mà chị tôi đọc sai bởi tất cả những truyện ấy, bà tôi hầu như đã thuộc lòng nhưng vẫn muốn nghe lại, nghe mãi không chán. Buổi tối trong nhà thật yên ả, giọng đọc truyện của chị tôi có lẽ còn hay hơn cả tiết mục “Đọc truyện đêm khuya” của đài phát thanh bây giờ. Lúc đó chính tôi cũng rất mê, bao giờ tôi cũng ngồi bên bà tôi ôm lấy vai bà hoặc ủ hai tay vào lòng bà, ngồi nghe rồi thiu thiu ngủ, ngủ thật say khiến bà tôi nhẹ nhàng đỡ tôi nằm xuống. Bà chửi yêu: cha bố mày, nghe đọc rồi ngủ thin thít như con chó cún thế này…
Sau này, khi lớn lên, đi học, biết chữ, tôi thấy chị tôi đọc truyện đêm khuya cho bà tôi nghe, đọc đi đọc lại nhiều lần vẫn chỉ từng ấy cuốn, tôi đâm thuộc. Nhiều tối, chẳng cần nhìn vào trang sách, tôi cũng có thể đọc vanh vách… Bà tôi gật đầu khen “Bé mà giỏi!...”
Hồi ấy tôi đang học lớp đồng ấu tức là lớp bét nhưng trước khi đến trường, tôi được cha tôi dạy đã đọc thông viết thạo. Một hôm, ở lớp, thầy giáo đọc cho học trò chép một bài nói về truyện Thánh Gióng, cậu bé lên ba tuổi không biết nói, biết ngồi phút chốc lớn trở thành người khổng lồ, cưỡi ngựa sắt, cầm roi sắt đi đánh giặc Ân. Tôi thích quá, bởi chưa bao giờ được nghe câu chuyện li kì hấp dẫn đến như vậy. Buổi tối, tôi chong đèn giữa nhà, nằm bò lên phản mở vở ra. Tôi đọc to bài học vừa rồi ra ý khoe với cả nhà rằng tôi có một câu chuyện thật lí thú chưa ai từng biết. Tôi đọc như gào lên mà quái lạ, chẳng ai chú ý đến những điều tôi vừa đọc. Cả nhà cứ dửng dưng như không, tôi lại càng gào to, chị tôi đang ngồi khâu, ngừng tay hỏi: “Mày làm gì mà như thằng hóa dại ấy?” Tôi đáp: “Hứ, chị thì biết cái cóc khô gì?” Chị tôi lại nói: “Tao còn lạ, truyện Phù Đổng Thiên Vương chứ gì?...”
“Chị cũng biết à?” – Tôi ngạc nhiên. Bà tôi nằm trong giường nói ra, không phải nói mà giọng bà tôi ngân nga như hát: “Làng Phù Đổng có một người. Sinh ra chẳng nói, chẳng cười trơ trơ… Thế đấy cháu ạ!” Cả bà cũng biết rồi, tôi cụt hứng. Thì ra những điều mình cứ tưởng chỉ mình mình biết thì mọi người đã biết tỏng từ lâu rồi, chán quá!
*
Tôi lớn lên đi học và giống như đám học trò lúc đó chúng tôi ham xem phim và đọc sách, các loại tiểu thuyết, trước hết là tiếu thuyết của Tự lực văn đoàn, những chuyện tình mơ mộng. Một trong số sách tôi ham đọc đến thuộc lòng là cuốn Tiêu sơn tráng sĩ. Tôi thuộc cốt truyện, và thuộc cả từng đoạn văn chương trong đó. Học hết sơ học, đỗ Certificat tôi thi vào trường Bưởi tức Lypro (gọi tắt của từ Lycée du protectorat) nay là trường Chu Văn An. Buổi thi đầu người ta ra đề cho thí sinh làm một bài văn tả cảnh thiên nhiên, buổi sáng hoặc buổi chiều, lúc mà anh thích nhất. Thiên nhiên thì lúc nào, mùa nào tôi cũng thích nhưng để đáp ứng với bài thi tôi buộc phải làm một bài văn, không phải bằng tiếng Việt mà tiếng Pháp. Đây là bài thi viết, tôi đã nhớ lại một đoạn văn trong trong cuốn Tiêu Sơn tráng sĩ của Khái Hưng tả cảnh rất hay về buổi chiều tà, tiếng mõ trâu và những chú mục đồng dong trâu về xóm. Đoạn văn sau này ta thường gọi là văn “biền ngẫu” tức là câu cú, chữ nghĩa phải đối nhau nhưng đọc lên rất gợi cảm. Tôi lục lại trí nhớ của mình, tôi nghĩ đến đoạn văn ấy và chuyển nó sang tiếng Pháp. Hồi ấy người ta chỉ có thi bằng tiếng Pháp chứ không bằng tiếng bản xứ.
Kết quả bài văn tả cảnh của tôi được điểm cao nhưng khi vào thi vấn đáp thì tôi lại bị trượt vì cái ông thầy hỏi thi ấy, bài không hỏi cứ hỏi lục vấn (bằng tiếng Pháp) những điều vớ vẩn, nào là gia đình anh ra sao, bố anh làm gì, anh mơ tưởng điều gì v.v… mãi ông ta mới hỏi tôi một câu cắt nghĩa danh từ này, danh từ nọ của tiếng Pháp. Tôi đâu phải là anh giỏi tiếng Pháp thế thì làm sao cắt nghĩa được những từ mà tôi hiểu rất lơ mơ, tôi cũng không phải là cuốn từ điển… Vậy nên tôi trượt…
Sau tôi vào học trường tư thục Thăng Long lúc đó do ông Hoàng Minh Giám là hiệu trưởng. Thầy cô nhưng tôi chỉ nhớ ba người: ông giáo dạy Pháp văn tên Tôn Thất Bình, người to béo, đến lớp toàn nói tiếng tây, hai là thầy Hoàng Gia Lịnh, giáo sư tiếng Anh, người đẹp trai vào lớp thường hay quan tâm đến các nữ sinh ngồi đầu bàn và thầy Nguyễn Trác, dạy tiếng Việt, xưa gọi là Annamit, nay gọi là dạy văn.
Ở lớp tôi ngày ấy, số trò mê văn thơ đều rất yêu quý thầy Trác, bởi khi lên lớp bao giờ thầy cũng đọc cho chúng tôi nghe những bài thơ của Thế Lữ, Huy Cận, Xuân Diệu hoặc Chế Lan Viên, thầy đọc rất say sưa, nghe còn hay hơn kiểu ngâm thơ bây giờ. Bọn học trò chúng tôi cứ ngẩn ngơ nghe thầy, vì thế nên nhiều khi chúng tôi trốn học đi bát phố nhưng đến giờ Annamit của thầy Trác bao giờ chúng tôi cũng đến học rất nghiêm chỉnh. Thầy say mê văn mà học trò cũng say mê…
Năm ấy, năm bốn hai hay bốn ba gì đó, máy bay Mĩ thường bay đến ném bom xuống các căn cứ quân Nhật ở Đông Dương. Hà Nội, Hải Phòng và nhiều nơi nữa trúng bom Mĩ, không phải căn cứ quân sự của Nhật mà toàn là nhà dân. Cho nên có phải đâu mãi sau 1965, Mĩ mới ném bom vào Việt Nam. Ngày ấy, Hà Nội luôn luôn kéo còi báo động, các chụp đèn phòng không treo ngoài đường phố. Những chiếc máy bay Dakota (CDKS: có lẽ nhà văn Mai Ngữ nhớ nhầm. Dakota là máy bay vận tải, không phải là máy bay ném bom) của Mĩ ì ì bay vào và những chiếc máy bay Nhật nhỏ bé cứ xúm vào chiếc máy bay khổng lồ Mĩ, chao đi chao lại như những con chim chèo bẻo tấn công chú quạ mà không làm gì được nó, chán rồi đám chèo bảo bay tản đi, mặc cho đối phương tự do hoành hành trên vùng trời của mình.
Đang ngồi học, nếu có báo động là chúng tôi rời trường về nhà bởi có ở lại cũng mất giờ học. Cái trường Thăng Long của tôi ngày đó vẫn nằm ngay đầu phố Phùng Hưng bây giờ, bên kia hè, sắt với đường xe lửa là những dãy hầm tránh bom xây nổi trên mặt đất, bọn học trò chúng tôi chẳng mấy khi chạy ra ngồi núp ở đó. Sáng hôm ấy sắp sửa vào giờ Annamit thì báo động, vì tiếc giờ thầy Trác nên chúng tôi ở lại chui vào hầm ngồi chờ.
Nhà tôi ở trong cái ngõ đầu phố Gambetta (phố Trần Hưng Đạo bây giờ), gần ngôi nhà số 104 nổi tiếng. Đầu ngõ có một gánh phở, người bán che lên cái liếp để bán hàng. Sáng hôm ấy, máy bay Mĩ bay vào trút bom xuống nhà đấu xảo, xuống dọc phố và ngay đầu ngõ của tôi cũng trúng bom. Gánh phở bay mất, còn ông bán phở nghe đâu bị chết.
Hôm ấy nếu không ở lại trường mà lững thững về nhà thì vừa vặn tôi có thể bị dính bom ngay đầu ngõ và biết đâu chẳng đi theo ông hàng phở. Như thế là cái giờ Annamit nó đã cứu tôi, hay nói cách khác, nếu như không mê giờ dạy của thầy Trác, có lẽ tôi không còn đến ngày nay, cái tật đam mê văn thơ đã cứu tôi thoát chết…
Máy bay Mĩ ngày nào cũng bay vào đánh phá. Đốc lí Hà Nội lệnh cho các trường học phải sơ tán đi nơi khác. Trường Bưởi, trường Đỗ Hữu Vị chuyển về thị xã Hưng Yên. Trường Tây Anbe Sarô và trường đầm Fêlich Phô vào thị xã Hà Đông. Trường tư thục Văn Lang và Hoài Đức thì đến dựng trường ở Thanh Xuân, còn trường Thăng Long của tôi dọn vào tận Ba La Bông Đỏ, quá cái xóm cô đầu cuối thị xã Hà Đông. Hồi ấy vào mùa đông, trời lại rét, tôi vào trọ ở nhà bác tôi trong làng Mọc Chính Kinh để đi học cho gần. Tôi được sống riêng trong một ngôi nhà ba gian vắng vẻ, ngoài sân có một cây hoàng lan. Đêm đêm ngồi học bên ngọn đèn dầu, lắng nghe tiếng gió thổi trên cây hoàng lan và mùi hoa lan thơm phảng phất đâu đây. Ngày ấy tôi mê đọc Liêu trai chí dị của Bồ Tùng Linh, cảm thấy mình y như là những nhân vật nhỏ xinh trong truyện. Tôi lại võ vẽ làm thơ và viết hẳn một vở kịch thơ huyền ảo theo cái cốt truyện hồ li của Liêu Trai. Đến bây giờ sau năm mươi năm, tôi còn nhớ vài câu thơ tôi viết ngày ấy, diễn tả nỗi bàng hoàng buồn bã của chàng học trò tỉnh giấc thì người đẹp đã ra đi từ lúc nào:
… Tỉnh mơ, em đã đi rồi
Bâng khuâng chưa nói được lời chia li
Bình yên theo bước em đi
Nhớ thương ở lại, đôi mi lệ tràn…
Nghe cũng lâm li ai oán lắm. Đây là những câu thơ đầu tiên của cuộc đời viết văn của tôi, những vần thơ của một thời trai dại…
*
Vào năm 1948, tôi là lính của trung đoàn 42. Trung đoàn trưởng là ông Dương Hữu Miên, ông vừa chỉ huy trung đoàn vừa chỉ huy mặt trận 5, có nghĩa là mặt trận của 5 tỉnh tả ngạn sông Hồng: Hải Phòng, Kiến An, Thái Bình, Hải Dương và Hưng Yên. Các tỉnh đội đều dưới quyền ông. Cho nên mọi công tác chính trị của trung đoàn không chỉ riêng mấy tiểu đoàn chủ lực mà bao gồm cả các tỉnh đội, huyện đội.
Chúng tôi thường thức dậy vào năm giờ sáng. Tất cả tập họp chào cờ ngoài sân của nhà dân. Nhiều sáng mùa đông chúng tôi nhìn không rõ lá cờ Tổ quốc gương cao trước hàng quân. Chào cờ xong, người trực ban đọc một đoạn trong bản Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chủ tịch, đến đoạn “… từ Quảng Trị trở ra, hơn hai triệu đồng bào ta bị chết đói…” thì người đọc dừng lại và hỏi to: “Các đồng chí còn nhớ không?” Tất cả đáp: “Nhớ!”. Sau đó lại đọc Mười lời thề rồi Mười hai điều kỉ luật. Sáng nào cũng như sáng nào. Một buổi trưa, bà cụ chủ nhà nơi tiểu đội tôi đóng quân, bê lên cho chúng tôi nồi nước chè tươi. Khi chúng tôi uống nước, bà cụ khẽ khàng hỏi: “Vậy chứ, giường phản nhà tôi có rệp à? Hay có con bọ mạt ở chiếu?” Chúng tôi ngơ ngác không hiểu. Bà cụ lại bảo: “Vậy mà tôi cứ thấy sáng nào các anh cũng ra sân kêu ngứa ầm lên…”. Chúng tôi lại càng không hiểu. Lát sau vỡ lẽ, tất cả cười ầm lên và giải thích cho bà cụ rằng không phải chúng tôi kêu ngứa mà là hô “Xin hứa!” Đọc lời thề, sau một câu thì nhất loạt hô “Xin hứa!”… Đâu phải chúng tôi bị rệp hay bọ mạt đốt mà kêu ngứa… Bà cụ nghe xong cũng cười ngặt nghẽo…
Trung đoàn của tôi cứ hàng năm vào những dịp kỉ niệm như mười chín tháng năm, Quốc khánh, rồi chiến thắng Việt Bắc, ban chính trị lại ra một tờ báo in litô lấy tên là Trung dũng. Báo in phát xuống đến đại đội, trung đội và các tiểu đội. Tháng 8 năm ấy, tôi có viết đăng trên báo một bài bây giờ có lẽ gọi là tùy bút. Tên là Mùa thu Cách mạng. Bài viết mở đầu bằng hình ảnh người đại đội trưởng mở cửa bước ra sân, nhìn quanh và kêu lên: “Mùa thu rồi!” Đúng là anh đại đội trưởng thật của tôi đã nói thế. Sáng hôm ấy, khi bước ra sân để chuẩn bị chào cờ, anh cảm thấy gió se se lạnh, nhìn lên bầu trời không thấy những con nhặng bay như đậu giữa không trung, một cảm giác mới mẻ xôn xao và anh kêu toáng lên: “Chúng mày ơi, thu rồi…” Những ngày chiến đấu chống Pháp, mùa thu bao giờ cũng xôn xao vì chúng tôi là đám thanh niên đã trải qua Cách mạng tháng Tám, đã được hưởng cái không khí say mê tưng bừng của những ngày Tổng khởi nghĩa rồi sau đó cứ mùa thu là nhắc nhở đến nhiệm vụ thu đông, các trận đánh lớn, các chiến dịch lớn đều diễn ra vào thu đông, địch cũng thế mà ta cũng vậy…
Cái bài tùy bút Mùa thu Cách mạng của tôi năm đó có lẽ là bài văn xuôi đầu tiên của tôi được đăng trên báo và được chuyển đi nhiều nơi, trong đó có đơn vị tỉnh đội của nhà văn Nguyễn Khải. Năm ngoái anh Khải có nhắc lại khiến tôi vừa cảm động lại vừa bật cười. Ôi, cái thời thơ dại của tôi, cái thời mà người ta không biết sợ hãi cái gì, cái thời mà lòng háo hức và say mê, nhất là thói say mê văn chương, đã thôi thúc con người. Tuy nhiên, qua mấy chục năm làm nghề văn này tôi thấy chỉ có đam mê thôi, hoàn toàn không đủ. Phải còn gì nữa mà không phải một lúc ta mới nhận ra được… Có người đến già viết cũng chỉ đến mức ấy, có người lúc trẻ viết hay hơn lúc già, có người trước Cách mạng viết hay hơn sau khi được học tập lập trường quan điểm; và cũng có người lúc về già mới nhận ra được cái cốt lõi của nghề nghiệp, dám từ bỏ cái cũ đi theo cái mà mình nhận thức được…
Tháng 4 năm 1993
MAI NGỮ
Thư, bài vở cộng tác vui lòng gửi tới Email:
Vui lòng ghi rõ nguồn khi copy nội dung từ website này.
© Copyright: chandungkesi.com