Có lẽ khó có thể nói được thật rành rẽ con đường nào đã đưa tôi đến với văn học, hoặc vì sao tôi có thể viết văn được như ngày nay.
Chỉ biết rằng tôi may mắn là trong gia đình có một người anh mê xem truyện, hơn nữa rất thích kể lại những gì mà mình thú nhất cho đứa em của anh, tức là tôi, nghe vào những buổi tối, sau khi mấy anh em đã học thuộc và làm các bài tập xong xuôi. Ấy là những năm đã khá xa, khi tôi mới học lớp ba. Còn nhớ anh đã thường kể lại cho tôi nghe Không gia đình (của Pháp), câu chuyện làm cho tôi vô cùng xúc động, nhiều lần ngồi nghe mà chảy cả nước mắt. Anh còn kể rất nhiều truyện của Pêrôn (cũng của Pháp) và cả những truyện cổ tích thần thoại của anh em Gơrim (Đức)… Tôi say mê và thích thú đến nỗi sau đó tôi đã viết lại một số chuyện đã được nghe vào một cuốn sổ và tự mình vẽ trình bày. Anh tôi tình cờ đã xem được cuốn sổ tay đó, và thật không ngờ trong lúc tôi bối rối, xấu hổ, thì anh lại khen làm như thế rất tốt, và khuyến khích nên viết tiếp. Cũng từ đó anh càng chăm kể chuyện cho tôi hơn. Anh rất hài lòng và bảo “Anh tin đây cũng là một cách tập viết văn, rất có ích cho em”, quả nhiên dần dần, không biết việc đã xảy ra tự lúc nào, tôi bỗng trở nên chú bé học sinh được thầy giáo khen là môn văn khá hơn trước. Lẽ cố nhiên là ham nghe kể chuyện, tôi cũng rất ham đọc. Tôi đọc đã có lúc quên ăn, quên ngủ. Một bất ngờ khác, lúc đó anh tôi lại bảo: ham học là tốt, nhưng đọc nghiến ngấu, đọc nhồi nhét, lại là không tốt. Phải biết cách viết, cũng phải biết cách đọc, đọc thong thả, đọc chăm chú và có suy nghĩ, để mình còn kịp thưởng thức hết cái hay không phải chỉ ở cốt truyện mà còn ở câu văn, ý văn nữa… Từ đó, tôi đọc văn nhiều, nhưng đã biết đọc thong thả hơn, có giờ giấc hơn, nhất là biết chăm chú thưởng thức cả ý văn, lời văn, chứ không phải chỉ để biết cốt truyện.
Tới khi học lên lớp nhất (có lẽ tương đương lớp 4, lớp 5 bây giờ) tôi đã gặp thêm một may mắn nữa: thầy giáo Diễn cũng là một người rất yêu văn. Chiều thứ bảy nào, giờ cuối, thầy cũng dành để kể chuyện cho học sinh nghe. Thầy thường kể Những người khốn khổ (của Víchto Huy gô) và Ba người ngự lâm pháo thủ (Alếchxăng Đuyma)… Lúc này đã lớn hơn một chút, tôi càng say mê tiểu thuyết và truyện ngắn hơn, không những đọc, tôi đã chịu khó ghi chép từng câu văn hay, từng đoạn văn hay để thưởng thức. Ngoài truyện ngắn, tiểu thuyết hồi này tôi còn thích cả thơ. Kiều đã làm tôi ngây ngất và nhiều lần phải bàng hoàng thầm thốt lên: “Ôi sao mà ý hay, cũng như hình ảnh đẹp và mới lạ vậy”. Tuyệt nhiên không có một ý, một hình ảnh cũ mòn sáo rỗng. Thơ Huy Cận, thơ Chế Lan Viên hồi đó cũng làm tôi ham thích. Tôi như được bước vào thế giới mới, kì diệu. Tôi càng ghi chép, càng đọc khỏe. Và tôi cũng luôn luôn nhận được những điểm tốt về văn hơn. Thời kì này cũng là thời kì tôi bắt đầu đọc được một ít truyện ngắn của Anatôn Phơrăngxơ, Anphôngxơ Đôđê, Prôtxpê Mêrimê và Ghi Đơ Môpatxăng v.v Tôi tập dịch và tôi cũng viết lại, theo trí nhớ như hồi lớp ba đã viết lại theo trí nhớ những Ba chiếc tóc vàng của quỷ, Yêu râu xanh. Cũng mùa hè năm ấy, (1943) tình cờ đi chơi chủ nhật cùng một số bạn, vào một gia đình, tôi đã gặp được nhà văn Nguyễn Công Hoan. Tôi đã được đọc “Đào kép mới” của ông. Với tôi, đó là một buổi sáng tuyệt vời, lịch sử. Lần đầu tiên trong đời, tôi được gặp, được đứng trước một nhà văn, mà là nhà văn tôi cũng rất hâm mộ, mặc dầu thật ra, hồi đó tôi không mê say truyện trào phúng, châm biếm, bằng những truyện tình cảm lắng sâu, đằm thắm, dịu dàng. Khi được biết tôi là một học sinh yêu văn, ông mỉm cười và nói cới tôi. Không phần thưởng nào quý hơn thế, không có vinh dự nào cao hơn thế nữa. Tôi vừa nói với ông vừa như run lên. Còn nhớ ông hỏi tôi nhiều điều. Tuy nhiên có một câu mà tôi cảm thấy như lạ nhất và cũng hay nhất của ông: “Văn hay không phải cầu kì, càng giản dị, càng trong sáng bao nhiêu thì càng văn bấy nhiêu”. Tôi muốn toát mồ hôi. Thì ra tôi ít nhiều vẫn lầm tưởng văn hay là phải thế này thế nọ. Cho tới bây giờ tôi vẫn thấy ông nói hoàn toàn đúng. Tất nhiên cái giản dị, cái trong sáng ấy không phải là cái sơ lược, cái dễ dãi. Để có được cái giản dị, cái trong sáng người viết văn, kể cả học sinh tập làm văn cũng vậy, phải có sự suy nghĩ, cân nhắc rất nhiều, nhằm tước bỏ đi những gì rườm ra, những gì ngẫu nhiên, bất ngờ vô ích, những gì không tiêu biểu… Và tập trung vào làm nổi bật hoặc làm sâu hơn những gì gợi cảm nhất, bản chất nhất… Trong việc bình luận những câu văn hay, những lời hay, ý đẹp cũng vậy, không riêng trong việc miêu tả, phảnh ảnh. Còn nhớ, khi lên tới trung học, làm một bài văn bình luận, tôi đã được thầy phê: “Rối rậm như rừng. Khô khan và già nua đến phát mệt”. Mãi sau mới hiểu được, thì ra trong thể loại này cũng vậy, văn vẫn cần giản dị, trong sáng. Cũng hiểu được thêm nữa: chỉ riêng sự sắc sảo và thông minh chưa đủ, cần tươi trẻ, cần phải tràn ngập niềm rung cảm của chính mình ngay cả trong những vấn đề tưởng như chỉ cần có nhiều lí trí và luận lí.
Con đường viết văn là con đường vạn dặm, đầy khó khăn. Nhưng nếu bước lên được một bước, dù chỉ là một bước, cũng đã thấy có thêm hoa thơm và quả ngọt. Và ở phía trước còn biết bao nhiêu hoa thơm và quả ngọc nữa. Chúng luôn luôn quyến rũ và vẫy gọi. Con đường tiến lên của nhà văn là như vậy, là con đường luôn luôn phải có khám phá mới, sáng tạo mới. Đó là con đường lao động và hạnh phúc.
HỒ PHƯƠNG