chan_dung-ke_si

NHÀ VĂN CHU LAI​: Chỉ có sống ngập vào thiên nhiên man mác thì anh mới có điều kiện để khởi đầu một nghiệp văn

11-11-2023

Lượt xem 926

Đánh giá 0 lượt đánh giá

Chia sẻ

  Chu Lai

NHÀ VĂN CHU LAI​: Chỉ có sống ngập vào thiên nhiên man mác thì anh mới có điều kiện để khởi đầu một nghiệp văn

Nhà văn Chu Lai

Chân Dung Kẻ Sĩ: Tên thật Chu Văn Lai, sinh ngày 5.2.1946 tại Hà Nội, quê gốc Hưng Đạo, Phù Tiên, Hải Hưng; là con trai nhà viết kịch Học Phi, từng là lính đặc công những năm chống Mĩ.

Nhà văn Chu Lai đã được trao giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007.

NỖI BUỒN THƠ ẤU​

Hồi đi học cấp một, tôi vốn là một người dốt văn. Dốt đến nỗi bố tôi phải bắt tội mỗi tuần đi bộ từ phố Nguyễn Bỉnh Khiêm lên tận Hàng Đậu, tức là khoảng gần 6 cây số để theo học một ông giáo già về cách tả mưa, tả nắng, về cách cảm nhận một câu thơ, câu văn ở dạng sơ lược.

Tôi chỉ thích học võ vì tự thân vốn có một sức khỏe khác thường. Đối với tôi lúc ấy, giữa phố phường Hà Nội còn thưa thớt, còn nhiều khoảng đất trống để đá bóng, chơi khăng, chỉ có chạy nhảy và thể thao là cuốn hút nhất. Tôi coi thường môn văn và cũng khác với mọi đứa trẻ nhỏ, tôi không bao giờ xin tiền (hay ăn cắp tiền) của bố mẹ ra phố thuê sách đọc.

Sang cấp hai, tình hình khả dĩ hơn một chút nhưng tôi chưa bao giờ vượt quá được điểm trung bình về môn văn. Điều đó cắt nghĩa, việc được cử đi thi văn toàn trường, toàn thành, toàn miền Bắc đối với tôi là hoàn toàn xa lạ và thực lòng tôi cũng chưa bao giờ quan tâm. Các môn bình luận, nghị luận, ngữ pháp, tập làm văn, bình giảng với tôi hồi ấy sao nặng nề, nhạt nhẽo đến thế? Tôi càng chán, điểm văn càng không nhấc lên được. Đến nỗi có lần cô giáo chủ nhiệm phải thốt lên: “Buồn cười nhỉ? Em là con nhà văn mà sao điểm văn của em… ấy thế?” Cô tế nhị cũng chỉ sử dụng từ “ấy” thôi. Tôi không thấy trong lòng buồn rầu chút nào. Giỏi văn có gì là giỏi, sao cứ chúi đầu vào cái môn tôi rất ngán ngẩm này?

Tuy nhiên, trong những tiết làm văn miệng, tôi lại tỏ ra khá là liến láu. Ví dụ kể về một chuyện học sinh đi tham gia chống bão lụt, tôi có thể đứng giữa lớp, mắt nhìn lên trần nhà nói một thôi một hồi, nào là tiếng bão gió, nào là tiếng con nước lên, nào là màu quần áo, màu trời đất vần vũ… đủ cả. Lại còn diễn cảm, lên bổng xuống trầm đàng hoàng. Những lần ấy, bao giờ tôi cũng được điểm cao. Bạn bè còn bảo: “Cậu có khi lớn lên đi đóng kịch được đấy.” (Ai dè, mấy năm sau, tò mò đi thi thử, tôi được trúng tuyển vào trường nghệ thuật sân khấu quân đội thật).

Vậy thì cái sự mê văn và trở thành người chỉ sống bằng nghề văn của tôi hiện nay nó được bắt rễ từ bao giờ?

Nghiệm lại, tôi thấy có lẽ là do môi trường gia đình. Bố tôi là người viết kịch, hồi đó kiêm giám đốc Nhà hát lớn nên khách làng văn, làng kịch vào chơi đông lắm. Lúc thì ông Thế Lữ vào bàn việc dựng Những người ở lại của Nguyễn Huy Tưởng; lúc ông Lộng Chương vào đọc vở Quẫn, rồi lại ông Đào Mộng Long đến nói say sưa hàng giờ về ý tưởng của vở Câu chuyện Iếc Cút hay Lưu Ba, rồi cố Trúc Quỳnh, cô Song Kim và cả ông Tào Mạt nữa… đủ các thành phần. Cả nhà có hơn chục thước vuông ở tầng hai một nhà thuộc đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, lại đông anh em, nên bố có khách, và thường xuyên có khách, toàn thứ khách ngồi rất lâu, chúng tôi thường phải bỏ ra ngoài sân, ngoài hiên, thậm chí ra tận cổng ngồi. Có bận phải ngồi lâu quá, mấy anh em rủ nhau vào những cái ống cống xi măng chất đống cạnh đó, ôm nhau co quắp ngủ ngon lành. Hết khách, mẹ tôi phải đi gọi từng đứa về. Khổ thế, chật thế, bữa nào cũng đói thế nhưng tôi không biết rằng những chuyện trao đổi, cãi cọ nhau về văn chương nghệ thuật kia đã ngấm vào lục phủ ngũ tạng mình hồi nào không hay. (Hồi này anh Hồng Phi, người anh cả còn lại trong gia đình vẫn còn đang trọc đầu tiễu phỉ ở Hà Giang, thỉnh thoảng lại gửi một cái truyện ngắn về đăng ở tạp chí Văn nghệ quân đội chỗ đồng chí Văn Phác.).

Ông Thế lữ dáng cao và gầy, lúc nào cũng đi lại suy tư như một vị linh mục hồi thế kỷ XIX. Tính tôi hồi nhỏ vốn nghịch ngợm và hỗn láo. Có lần do muốn chơi khăm một đứa con gái ở cùng nhà, tôi đã lấy giấy báo bọc một gói tro, chờ tối đến đặt lên đầu cánh cổng sắt để khi cô bé đi chơi về, láu táu mở cổng ra, tro sẽ đổ đầy tóc. Rủi là hôm ấy, ông Thế Lữ lại đi về trước. Thế là cái chuyện không cần xảy ra đã xảy ra. Biết chuyện, ông chỉ nói nhẹ bằng giọng rất ư khúc triết: “Cháu ạ! Dù bất kể là trường hợp nào, đi bắt nạt con gái như vậy là không đúng với tính cách con trai”. Tuổi thơ tôi thấm câu đó. Thấm đến nỗi là cho đến tận bây giờ, khi đã gần năm mươi tuổi rồi, tôi không bao giờ chơi bời, đùa nghịch cũng như có bạn bè là người khác giới. Còn ông Đào Mộng Long thì thật nhộn. Dáng ông nhỏ bé tí tẹo, nói chuyện như đang đóng kịch, rất có duyên, lao động cần mẫn và tài hoa đến nỗi các vai phụ ông đóng đều át đi những vai chính. Anh Tào Mạt khi đó ở quân khu Tả ngạn lên, trẻ măng, trông như người cấp dưỡng, quân phục rộng thùng thình và đánh cờ rất giỏi. Anh có thể nằm trên giường mà đánh thầm trên bốn bàn cờ mà bàn nào cũng xiêu diêu với anh. Anh hát chèo lại hay nữa. Những tối mùa đông võng vãnh muỗi bay đầu hè, nằm nghe anh vừa tự đệm nhịp vừa hát mà cứ thấy buồn nẫu ruột. Đại khái như thế. Những tối bị hất ra ngoài phòng lại là những tối mọi cảm xúc văn chương chảy vào trong người.

Hồi đó đoàn kịch Trung ương chưa có sàn diễn tập nên phải tập ngay trong khu tập thể. Thế là tôi tha hồ mà trớn mắt lên xem. Những buổi tập kịch này nó cũng dội vào trong tôi những đam mê về nghệ thuật, về cuộc đời vừa mơ hồ lại vừa rất cụ thể, rất lạ.

Cái lẽ thứ hai nữa là, tuy dốt văn, ngại học văn nhưng tôi lại là một đứa trẻ hay mơ mộng. Nhà tôi về sau có cái sân thượng, vào những tối mùa đông, tôi hay một mình âm thầm leo lên đó để mặc cho mùi hoa sữa ngan ngát thổi dọc phố tràn lên người. Mùi hoa hắc, dáng hoa không đẹp, lại chỉ thơm vào mùa đông nhưng cho đến tận bây giờ và có lẽ cả mãi sau này, cái mùi hoa ít người thích đó đối với tôi vẫn là loài hoa thơm nhất, đẹp nhất trên đời. Mùi hoa gắn bó với cả một tuổi thơ nhọc nhằn.

Tôi tả cảnh không được, đến bây giờ nếu trong trang viết có phải tả một câu cảnh nào cũng chán ngán cả người nhưng hồi đó tôi lại rất yêu cảnh vật. Phố xá bụi bặm quá, tôi thường rủ mấy đứa bạn thân trốn học ra bờ sông Hồng bẻ mía ăn. Bãi sông mùa nào cũng buồn. Đông về lại càng đìu hiu hơn. Dường như cái bến sông toàn mía với ngô xanh đến ngút ngàn đó, đã sớm dội vào trong tôi một nỗi buồn khó bề cắt nghĩa. Và tôi bắt đầu mơ mộng. Mơ mộng nào cũng gắn đến cái sự buồn cả. (Không ngờ sau này khi cầm súng vào chiến trường miền Nam, tôi lại có dịp trải qua hết gần chục năm bên sông Sài Gòn nữa.) Có lẽ chính cái nét đa cảm của những con sông đã đánh thức cái cảm xúc văn chương của tôi sau này. Bởi lẽ, trong hầu hết những tác phẩm, mặc nhiên tôi đều viết về sông, không sông thì biển, nói chung là những cảnh buồn. Từ đó nghĩ thêm, phải chăng cái buồn dìu dịu lại chính là cái hồn văn chương, cái hạt nhân của mọi cảm xúc sáng tạo.

Và lên cấp ba, tôi chưa kịp triển khai cái nội tâm man mác, hay rung động vẩn vơ của mình vào bài văn thì chiến tranh đã bùng nổ. Thế là ra đi. Ra đi để cảm nhận tận cùng mọi cảm xúc của cuộc đời. Thiết nghĩ, nếu tôi cứ ở lại thành phố, cứ ngày ngày va đập với số đông dân cư thì chắc chắn bây giờ tôi đã làm nghề khác. Thiên nhiên, vâng, chỉ có sống ngập vào thiên nhiên man mác thì anh mới có điều kiện để khởi đầu một nghiệp văn.

CHU LAI

Bài liên quan
  • Việt Nam khai quật thành công ‘kho báu’ bị chôn vùi 12 thế kỷ ở một xã ven biển miền Trung, được công nhận kỷ lục thế giới

    Việt Nam khai quật thành công ‘kho báu’ bị chôn vùi 12 thế kỷ ở một xã ven biển miền Trung, được công nhận kỷ lục thế giới

    Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) khi đó đã đề nghị cơ quan chức năng phong tỏa khẩn cấp khu vực để bảo vệ nguyên trạng, họp bàn tìm cách khai quật tối ưu.
  • VIẾT TRUYỆN NGẮN NHƯ THẾ NÀO* - CHEKOV

    VIẾT TRUYỆN NGẮN NHƯ THẾ NÀO* - CHEKOV

    Sao lại nói là không có cốt truyện? Không đúng. Cốt truyện có ở mọi nơi mọi chỗ. Anh hãy nhìn vào bức tường này. Ai cũng biết ở đấy chẳng có gì cả. Nhưng anh hãy nhìn kỹ vào đó, hãy tìm trong đó một cái gì của mình, một cái gì không ai thấy được. Và anh hãy viết ra. Xin cứ tin điều tôi nói, bấy giờ thế nào cũng có một truyện ngắn. Cũng như anh có thể viết rất hay về một chủ đề đã cũ mèm như viết về ánh trăng, miễn là biết nhìn ra trong ánh trăng một cái gì của mình mà không phải một cái gì khác đã quá nhàm.
  • Nhà văn Minh Chuyên được phong tặng Anh hùng Lao động

    Nhà văn Minh Chuyên được phong tặng Anh hùng Lao động

    Theo thông tin từ nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà văn Minh Chuyên vừa được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động bởi những đóng góp đặc biệt cho văn học viết về chiến tranh thời hậu chiến.
  • Nhà thơ Bùi Giáng: Kỳ cuối: Gặp hoạn nạn là Kim Cương có mặt

    Nhà thơ Bùi Giáng: Kỳ cuối: Gặp hoạn nạn là Kim Cương có mặt

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Lúc đầu thấy Bùi Giáng cầu hôn Kim Cương không được, Nguyễn Thùy có lần đã đề nghị với Kim Cương một cách nghiêm túc hay là Kim Cương lấy Bùi Giáng làm chồng, biết đâu sẽ giúp anh ấy bớt khùng và viết lách đường hoàng, đĩnh đạc, dễ hiểu hơn?
  • Nhà thơ Bùi Giáng - Kỳ 4: Tỉnh điên một cõi hồng trần

    Nhà thơ Bùi Giáng - Kỳ 4: Tỉnh điên một cõi hồng trần

    Nguyễn Thùy có cô người yêu là sinh viên Đại học Sư phạm ban Anh văn rất quý trọng Bùi Giáng, cô này thường đi theo Bùi Giáng uống cà phê, quàng vai ông rất thân thiết khiến Bùi Giáng rất vui.
  • Nhà thơ Bùi Giáng - Kỳ 3: Trong cõi điên nhân tình thế thái

    Nhà thơ Bùi Giáng - Kỳ 3: Trong cõi điên nhân tình thế thái

    Sau khi không may gặp hỏa hoạn, không chỉ nhà bị cháy mà tất cả tác phẩm và sách vở tài liệu bị cháy sạch, Bùi Giáng lại thêm một cú sốc lớn khiến tâm hồn nhạy cảm của ông càng bị chấn động. Bùi Giáng càng điên hơn, ban ngày ông lang thang ngoài đường trong trang phục “cái bang” với mấy con chó nhỏ trong túi vải đeo lủng lẳng quanh mình. Cứ thế ông rong chơi khắp phố phường và trêu chọc thiên hạ, nhất là các cô gái đẹp.
  • Nhà thơ Bùi Giáng - Kỳ 2: Bút lực hoa trôi nước chảy

    Nhà thơ Bùi Giáng - Kỳ 2: Bút lực hoa trôi nước chảy

    Để có cả một kho tàng tác phẩm như thế Bùi Giáng đã viết lúc nào trong khi ông thường dành hết thời giang trong ngày để rong chơi cho những cuộc điên tưởng chừng bất tận? Đây là một điểm rất bí ẩn mà cho đến nay chưa có lời giải, kể cả những người gần gũi nhất với ông.
  • Nhà thơ Bùi Giáng - Kỳ 1: 'Giáo sư' không tốt nghiệp đại học

    Nhà thơ Bùi Giáng - Kỳ 1: 'Giáo sư' không tốt nghiệp đại học

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Bùi Giáng không tốt nghiệp đại học nhưng lại làm “giáo sư” dạy học một thời gian, là nhà nghiên cứu, khảo luận, dịch thuật và nhất là làm thơ. Ông dịch nhiều tác phẩm nổi tiếng của các tác giả tên tuổi trên thế giới, viết khảo luận đông tây kim cổ và đặc biệt là làm thơ nhanh như chớp bất cứ ở đâu, trong trường hợp nào.
  • Cửa ô Hà Nội hơn 100 năm trước

    Cửa ô Hà Nội hơn 100 năm trước

    Hà Nội từng có 21 cửa ô nhưng đến năm 1866, trên bản đồ chỉ còn 15 cái tên.
  • Chữ quốc ngữ khiến người Việt bị đứt gãy về văn hóa?

    Chữ quốc ngữ khiến người Việt bị đứt gãy về văn hóa?

    Một câu hỏi được đưa ra từ lâu trong giới nghiên cứu nhưng không dễ trả lời: sự thay đổi chữ viết tạo ra sự đứt gãy về văn hóa, truyền thống trong dân tộc ta?