Tối vốn là học trò của một trường trung học thời Pháp thuộc. Hồi ấy, cũng như nhiều bạn bè khác, tôi phải học đầy đủ các môn: toán, lí, hóa, sử, địa. Toán, lí, hóa mới chỉ là những kiến thức sơ đẳng, còn sử chủ yếu là địa nước Pháp. Tôi học như cái máy. Nhưng riêng với môn văn, tôi đặc biệt chú ý vì ngoài việc học để thuộc bài, làm bài, tôi thấy môn này có sự hấp dẫn riêng. Có nhiều nguyên nhân. Trước hết, có thể là do ảnh hưởng gia đình. Ngay từ khi còn nhỏ tuổi, tôi đã được nghe các cụ đọc thơ Nguyễn Du, Yên Đổ, Tú Xương, cả thơ đời Đường, đời Tống nữa. Những bài thơ ấy gây trong tôi một niềm say mê mặc dù không phải bài nào tôi cũng hiểu hoặc có bài hiểu thì cũng chỉ hiểu chừng nào. Tôi không lí giải được điều ấy, chỉ thấy rằng tôi không rút ra khỏi âm hưởng của nhiều câu thơ, những âm hưởng cứ tích tụ thành một cái gì tổng hợp như những niềm vui, những ấn tượng phải nhờ thơ ca mới có. Cho nên khi học môn văn tôi thấy thích thú hơn các môn khác không phải vì tôi coi trọng hơn mà chính vì nó phù hợp với một sự thích thú đã có sẵn. Tất nhiên nền giáo dục thực dân có mục đích của nó. Nó nhằm ca ngợi mẫu quốc, truyền bá văn hóa Pháp, duy trì lễ giáo phong kiến nhằm nô dịch lâu dài nhân dân ta. Nhưng trong những bài văn thơ tôi được học, được nghe ở nhà trường, có nhiều bài mà nội dung chính là lên án cái xấu, đề cao cái đẹp, lên án cái ác, đề cao cái thiện trong cuộc sống. Ngoài chương trình chính thức tôi cũng được nghe giới thiệu một số tác phẩm (như cuốn Nhà thờ Đức Bà Pari của Vichto Huygô chẳng hạn). Sự hấp dẫn của cốt truyện, của tình tiết khiến tôi phải đi tìm tác phẩm để đọc. Và như vậy, tôi không chỉ tìm đọc những cuốn sách nổi tiếng của văn học Pháp mà còn đọc được một số của các nước khác. Khách quan mà nói, những hiểu biết ban đầu này dù là rất ít ỏi cũng đã đóng góp phần nào cho công việc của tôi là viết báo, viết văn sau này.
Các bạn học sinh của chế độ ta bây giờ có cái may mắn hơn hẳn chúng tôi hồi xưa là được học kĩ lưỡng về văn học Việt Nam. Trong chế độ cũ, văn học Việt Nam không được coi là môn chính, giờ giảng rất ít. Tuy nhiên, những giờ giảng ấy lại ghi vào kí ức tôi những ý nghĩa rất sâu đậm trong suốt cả đời tôi. Phải nói rằng cái xu hướng coi thường văn học dân tộc hồi ấy không phải là hiếm. Những lòng tự tôn dân tộc ở nhiều thầy cũng khơi động lòng tự tôn dân tộc ở trò. Quả thật tôi đâu có hiểu văn học dân tộc là gì. Và cả những điều như ngôn ngữ dân gian, ngôn ngữ văn học, hình tượng và nhạc trong thơ, cái giàu, cái đẹp của tiếng Việt, những điều rất bổ ích ấy tôi chẳng được nghe bao giờ.
Xin lấy Truyện Kiều là ví dụ. Cả lớp phải học vài đoạn trong tác phẩm ấy. Như Kim Trọng “ở đất Liêu Dương lại nhà” hoặc đoạn Kiều bị Tú Bà đánh đập. Học thì phải thuộc từng câu, từng chữ, còn nội dung thì hiểu qua loa thôi. Trong lịch sử, không ít kẻ vì quyền lợi giai cấp đã xuyên tạc Nguyễn Du. Chương trình giáo dục của chế độ thực dân phong kiến cũng chẳng đề cao Nguyễn Du làm gì. Mãi mấy chục năm về sau này, tôi mới hiểu được rằng Nguyễn Du là thiên tài đầu tiên, là bậc thầy đầu tiên đã nâng ngôn ngữ dân gian lên thành một ngôn ngữ văn học vừa uyên bác vừa rất gần quần chúng, ngôn ngữ của Kim Vân Kiều mà nội dung là tiếng kêu xé lòng của người đàn bà, hay nói rộng hơn, của quần chúng bị áp bức. Nhưng cũng phải nói cái điều kì diệu này! Ngay khi học Kiều trong môn văn ở lớp, dù hiểu rất ít tôi đã cảm nhận được chừng nào cái hồn bên trong tác phẩm, cảm thông được chừng nào cái gì Nguyễn Du bênh vực, cái gì Nguyễn Du nguyền rủa và lên án. Làm sao tôi có thể hoàn toàn dửng dưng được khi đọc những câu như: “Đau đớn thay phận đàn bà” hoặc “Thịt da ai cũng là người…”? Làm sao tôi có thể quên được những câu hết sức giản dị mà ý nghĩa lại mênh mông sâu thẳm như: “Mai sau dù có bao giờ...”. Đã có lần tôi tâm sự với một bạn trẻ như sau: tôi đã đọc khá nhiều từ “hiu hiu’ trong truyện thơ của ta từ trước tới nay, nhưng tôi chưa thấy ai dùng từ “hiu hiu” giỏi bằng Nguyễn Du cả - “Trông ra ngọn cỏ lá cây. Thấy hiu hiu gió thì hay chị về”. Với tâm huyết và tài năng nhà thơ, từ “hiu hiu” đã biến thành linh hồn của ngọn gió.
Tôi nhắc đến Kim Vân Kiều là chỉ nói một thí dụ, còn Chinh phụ ngâm, còn Bình Ngô đại cáo, còn hàng trăm hàng ngàn câu ca dao. Tôi còn nhớ trước Cách mạng tháng Tám, một thầy giáo dạy văn đã nói với lớp học chúng tôi như sau: Văn là tinh thần con người, các em học học văn là để hiểu mà ngẩng cao đầu lên, là để không chịu quỳ gối mãi trước những kẻ chà đạp lên nhân phẩm con người. Học văn là để hiểu lẽ sống, hiểu cái đẹp của cuộc sống, để phấn đấu cho cái đẹp ấy.
Một câu biết cho đúng, một từ dùng cho chính xác cũng là nhằm mục đích ấy của môn học văn.
Đã bao nhiêu năm qua rồi mà tôi vẫn nhớ câu nói ấy cũng như mãi mãi sau này tôi vẫn sẽ nhớ cái câu thơ tôi đã học còn học trò ít tuổi: “Mai sau dù có bao giờ…”
Tháng 7 năm 1985
VŨ CAO