Nhà thơ Phạm Tiến Duật (1941-2007)
Tất cả những cái gì tôi có được vào thuở niên thiếu đều để lại dấu vết, hoặc hay, hoặc dở, cho đến bây giờ và có lẽ mãi mãi sau này. Trong một số thành nào đó của người lớn, người ta thường quên tính đến một số hạng cực kì quan trọng, ấy là hệ thống những mặc cảm khi anh ta còn là trẻ con. Ấy là tất cả những gì tôi có thể rút ra khi nghĩ lại về thuở nhỏ của chính mình.
Tôi có một người bạn thuở thơ tên là Thịnh Cóc. Tôi cũng không còn nhớ tại sao bạn học sinh lớp 5C của tôi lại gọi cậu ấy bằng cái tên ấy, mặc dù da dẻ, hình dong của cậu ta cũng chẳng xù xì cho lắm. Nhưng câu chuyện này thì làm tôi nhớ mãi – câu chuyện về một bài tập làm văn. Bài luận thầy giáo ra như sau: Em hãy tả lại khung cảnh làng em vào ban đêm trăng sáng và nói lên tình cảm của mình đối với quê hương. Hôm trả bài, thầy giáo đọc một câu của Thịnh Cóc làm cả lớp cười lăn cười bò: “Đi khỏi cây đa Còng một đoạn em đã thấy làng em. Ven làng, tiếng chó cắn như ếch kêu”. Trước hết, ta phải hiểu cắn đây nghĩa là sủa: một tiếng địa phương vùng trung du Phú Thọ chúng tôi. Câu văn kì dị thật. Làm gì có loài chó nào sủa “ộp ộp”. Lúc ấy, chính tôi cũng cười và trêu chọc bạn cả tuần. Nhưng mấy tháng sau, tôi có dịp đi xem phim ở xã bên về, tôi và Thịnh Cóc đứng sững bên này cánh đồng, nhìn về làng mình, nghe chó sủa. Thì ra, nghe xa, tiếng chó sủa rất giống tiếng ếch kêu. Cái lỗi của bạn tôi là không biết viết, sao cho, trong một trường hợp đặc biệt nào đó, tiếng động mà mình tiếp nhận phải truyền được đến tai người mình kể lại.
Trong trường hợp ấy, thầy giáo tôi chỉ có một cái lỗi nhỏ là đã không thực sự cầu thị để xem thử trong mọi trường hợp có phải hễ là chó sủa thì cứ phải là “gâu gâu” hay không. Từ đó trong tôi sinh ra một sự ấm ức là hình như người lớn hay áp đặt những điều có sẵn lên bọn trẻ con chúng tôi. Hình như đôi bên không hiểu được nhau. Cái ý nghĩ con trẻ lúc ấy không hoàn toàn đúng đâu, nhưng nó cũng đem lại một sự có ích: từ đó tôi thực sự có ý thức, thoạt đầu là trong các bài tập làm văn, viết ra, nói ra cố gắng cho thật đúng các cảm giác của mình.
Một năm sau cái năm có bài văn tả làng kia, tôi được chuyển từ một trường huyện đến học ở một trường thị xã. Cho đến sau này, khi vào học khoa văn của trường đại học sư phạm, hay khi đã trở thành người cầm bút chuyên nghiệp, tôi vẫn không thể nào vượt được một kỉ lục mà tôi đạt được vào năm lớp 6: số sách mà tôi đã ngốn ngấu. Tôi đã đọc vào hồi ấy tất cả những quyển sách nào mà tôi được phép cầm lên. Trong số sách loại ấy có cả quyển Chống Đuyrinh của F. Ăngghen (!) Cố nhiên là tôi làm sao hiểu được một cuốn sách uyên thâm đến mức người lớn cũng không thể coi là dễ đọc. Hồi ấy, tôi chỉ nhớ được một câu trong quyển sách ấy, câu mở đầu: “Tôi viết quyển sách này không phải là do sự thôi thúc nội tâm, mà ngược lại”. Câu văn hơi hơi lạ tai ấy đánh mạnh vào tâm trí trẻ thơ của tôi. Tôi khi ấy đã không hiểu được nội dung của câu văn đó nhưng nó nằm lại mãi trong đầu, để đến một lúc nào đó câu văn ấy lại cựa quậy trở lại: cái xảy ra ở bên ngoài của một con người đôi khi còn quan trọng hơn nhiều so với cái xảy ra bên trong con người đó. Ấy là một cặp lụy do ngoại duy mà có. Có lẽ, với ai cũng có những kỉ niệm na ná như vậy. Tôi chỉ nhắc lại để nói rằng sách vở quan trọng như thế nào đối với mỗi con người.
Tôi không thể không kể lại như một sự ghi ơn cả đời rằng, lòng yêu thơ, yêu văn học của tôi bắt nguồn từ sự yêu thơ, yêu văn của các thầy giáo của tôi. Sau này khi tôi trở thành nhà văn rồi thì các thầy giáo ấy vẫn cặm cụi dạy học ở cái cấp ấy, mà hình như, lương cũng không thêm được bao nhiêu. Họ lại trở thành bạn đọc của tôi và khi gặp lại các vị ấy tỏ thái độ tôn trọng tôi đến mức phải xe lòng. Chính các thầy giáo già của tôi đã quá khiêm tốn đến mức không đánh giá đúng công lao đã truyền luồng điện của tình yêu đến cho lớp người chúng tôi quan trọng đến như thế nào. Có một dạo, một số nhà phê bình có biểu dương tôi là độc đáo, là phá vỡ những khuôn sáo vốn có của thơ ca… Nhưng thật ra, tôi đã chập chững bước đi trên những thang âm của thơ cổ điển. Chẳng hạn, bài thơ sau này trở thành bài hát Trường Sơn Đông – Trường Sơn Tây đã dùng lại các thủ thuật biến ngẫu như thế. Ấy là do các thầy đã mách bảo tôi từ thuở bé sau này tôi chỉ thêm cái công tiếp tục đi tìm. Ở đây tôi không dám bàn gì về nghệ thuật, tôi chỉ nói rằng, ngay cái nghề sáng tác, nghĩa là làm công việc sáng tạo, cũng không thể nào khác được, phải bắt đầu từ những gì sẵn có. Muốn biết cái gì là mới thì phải biết cái gì đã có. Đấy là ý nghĩa cơ bản của cả chữ học và chữ dạy, theo tôi.
Tôi có nghe được câu định nghĩa rất hay về ngành giáo dục mà các bạn Liên xô (*) đã nói: giáo dục, chính là Tổ quốc về mặt thời gian. Có lẽ không có câu nói nào ca tụng người thầy giáo và đặt trách nhiệm lên vai người Thầy giáo cao hơn câu nói ấy. Không có ai là không trưởng thành từ một Tổ quốc cụ thể.
Hà Nội, 6.1985
PHẠM TIẾN DUẬT
Thư, bài vở cộng tác vui lòng gửi tới Email:
Vui lòng ghi rõ nguồn khi copy nội dung từ website này.
© Copyright: chandungkesi.com