Nhà thơ Ngô Văn Phú (1937-2022)
Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhà thơ Ngô Văn Phú được nhiều thế hệ học trò biết đến với bài thơ Mây và Bông sáng tác năm 1961 "Trên trời mây trắng như bông..."
Năm 2012, ông được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.
Nhà tôi ở một phố nhỏ ở Hà Nội, khu chung cư của tôi là một trong những xóm người trung lưu ở lẫn với bình dân, còn cả khu phố, đều là những công chức hoặc nghệ sĩ cả. Khu phố duy nhất có một ngôi nhà ba tầng của ông đốc tờ, còn phần lớn là nhà hai tầng xây kiên cố, khá đẹp. Tôi học trường Thân Trọng Huề, bây giờ là trường Quang Trung. Đó là trường tiểu học thờ Pháp thuộc, có từ lớp đồng ấu (Cours Enfantin) cho đến lớp Nhất (Cours Supérieur).
Năm ấy, anh trai tôi, anh Ngô Linh Ngọc đang học tú tài, vừa học, anh vừa làm báo. Tôi thi sơ học yếu lược vào năm 1944. Anh tôi lúc đó đang cùng với anh Trần Trung Phương chủ trì các trang văn nghệ thiếu nhi ở báo Tin mới. Anh tôi cũng có nhiều bạn bè văn chương, báo chí đến chơi nhà: nhóm anh Lê Văn Trương, anh Trần Trung Phương. Anh tôi cũng quen anh Vũ Hoàng Chương và một số người khác. Hồi đó, còn nhỏ, tôi mải chơi ít chú ý, mà họ đến nhà thì ít, tụ tập ở chỗ khác thì nhiều.
Gia đình tôi vốn hiếu học. Thầy tôi khuyến khích các con học hành bằng người. Tôi học cũng khá, mặc dù phải khai lậu tuổi để đi học sớm hơn. Anh tôi thì nổi tiếng thông minh. Ngoài chữ Pháp, chữ Hán anh học rất tài tử, mà các thầy giáo Hán học thuở ấy các trường trung học rất khen… Nhà khá nhiều sách, sách Tầu cũng nhiều. Vì thầy tôi thích các loại truyện Tầu như Tam Quốc diễn nghĩa, Tiền Hán diễn nghĩa, Thuyết Đường, Phong Thần, Chinh đông chinh tây, Ngũ hổ bình Nam, Ngũ hổ bình Liêu; thơ Đường thì có Tam bách thủ của Trần Trọng Kim, tôi muốn đọc gì thì đọc. Những quyển có thể đọc được thì thầy bảo tôi nên đọc như Sách hồng, Truyền bá quốc ngữ, Tiểu thuyết thứ bảy, tôi xem lại của anh tôi. Các chị tôi thì thích thuê các sách của Tự lục văn đoàn, giấu thầy tôi mà đọc. Nhưng có lúc tôi cuỗm được, cũng lấy trộm đem đi nhà bạn cùng đọc với nhau.
Lúc chín, mười tuổi tôi mê các loại sách kiếm hiệp ba xu, cho thuê đầy ở hiệu sách. Tôi thường nhịn quà, hoặc xin tiền mẹ, tiền chị để thuê sách đọc. Tôi đọc tạp nham đủ thứ, cái nhớ, cái quên, cái thích, cái không thích nhưng chỉ toàn là do tính hiếu kì trẻ con, ấn tượng văn chương chưa hề có…
Quê tôi, ở vùng giáp ranh giữa vùng Pháp tạm chiếm và vùng tự do. Tôi học trung học khá vất vả, mặc dù năm 1947 đã thi đỗ tiểu học ở vùng tự do. Thầy giáo dạy tôi những bài thơ kháng chiến, thơ Hoàng Cầm, thơ Vân Đài, cả thơ của anh trai tôi nữa. Nhà tôi các văn nghệ sĩ kháng chiến ghé qua, đều có tới thăm. Anh tôi làm Trưởng ban tuyên huấn tỉnh đội Vĩnh Phúc, chủ trì tờ báo Du kích, rất được hoan nghênh trong tỉnh. Tôi thường phải đun nước cho bạn bè anh tôi bình văn, bình thơ. Lúc này, tôi làm văn thường được nhất trường và được đi thi học sinh giỏi ở huyện và liên hoan văn nghệ với đại đội biệt động. Tôi lại tham gia đoàn kịch do Ti văn hóa thông tin kết hợp với xã nơi sơ tán; đóng Thánh Gióng trong vở kịch thơ dài, không biết là của ai. Những đoàn kịch, các văn nghệ sĩ ở Ti văn hóa thông tin rất yêu tôi, muốn rủ đi theo họ. Nhưng thầy tôi, nhất là mẹ tôi, thấy tôi còn quá nhỏ, lại gầy yếu, nên nhất định giữ không cho tôi thoát li, mặc dù tôi rất thích. Có lẽ mầm văn chương nghệ thuật đã hình thành trong tôi từ những phút này…
Rồi làng tôi bị giặc chiếm, tôi học trung học trên tỉnh. Trường mở được vài năm rồi tan. Thầy học tôi về Hà Nội mở trường, nhà tôi nghèo, không ra Hà Nội học được. Thầy học tôi mến tôi học giỏi liền mang theo, bắt tôi chỉ phải nộp mỗi tháng nửa tạ gạo, và ở nhà thầy, giúp việc vặt, kèm con thầy, nấu cơm một buổi. Tôi học trường tư thục ở Hà Nội những năm 1953-1954, ở đây ông Nghiêm Toản, các nhà thơ Lan Sơn, Vũ Hoàng Chương, Bàng Bá Lân đều có đến giảng. Họ dạy văn mực thước và truyền cảm, nhất là thầy Lan Sơn. Tôi không được rỗi rãi, như một số con nhà giàu, chỉ lên lớp là chính, song học văn với các nhà thơ từng nối tiếng như thế, rất có ảnh hưởng. Tôi học cũng khá, là một trong những người đỗ đầu một hội đồng thi năm ấy (bằng thành chung) và lại quay ra học trường ngoài vùng tự do, vì lúc đó, đang thời kì đánh Điện Biên Phú, vùng quê của tôi, vùng du kích hoạt động rất nhộn nhịp, gia đình tôi đã bắt liên lạc được với các anh, các chị tôi ở vùng tự do và gửi tôi đi học…
Những năm ấy, liên tiếp có các cuộc vận động sáng tác văn thơ. Tôi bắt đầu làm thơ. Những gì tôi đọc được tích lũy được từ trước đều được hội tụ lại. Kì tôi học ở Hà Nội, thầy học của tôi trao cho cả một tủ sách rất quý, trong đó có Thi nhân Việt nam, có Việt Nam văn hóa sử cương của Đào Duy Anh, Nam hoa kinh, Tây sương kí, Thơ Đỗ Phủ do Nhượng Tống dịch. Những bộ sách của Tản Đà, của Trần Tuấn Khải (thầy học tôi là bạn của cụ), những tập thơ bằng tiếng Pháp của Victor Hugo, Baudelaire, Lamartin. Các tập kịch của Racine và Corneille, văn học sử Pháp, tôi thường đọc và có lúc thầy giáo tôi cũng cho phép tôi bình về những nhân vật Le Cid – Chimène mà ông rất thích, hoặc bắt tôi đọc thuộc lòng những bài Đêm biển cả của Victor Hugo, Trên bến cảng của A.d Musset, hoặc bài Xanh của Verkaine… anh tôi gặp tôi, lại cho tôi nhiều sách văn nghệ của vùng tự do, như Thép đã tôi thế đấy (lúc đó, có tên là Luyện thành gang thép) hoặc tập Quan du kích, Thương Cam Lĩnh v.v…
Tôi được xem các phim Việt Nam trên đường thắng lợi, Bạch mao nữ tôi rất thích… Tôi bắt đầu làm ca dao, làm thơ gửi cho Ti thông tin và được đăng liền. Sau đó tôi học một chương trình cấp ba trung học. Tôi gửi bài đến đài phát thanh và một số tờ báo ở trung ương. Bài đều được đăng. Anh tôi làm báo Quân du kích, Quân Việt Bắc, và sau này về làm báo Tổ quốc ở Hà Nội cũng khuyến khích tôi. Nhưng người tự hào nhất về tôi là cha tôi. Cụ đọc bài thơ trên báo Nhân dân của tôi trước khi chết và nắm tay tôi, ứa hai hàng nước mắt. Tôi không bao giờ quên giây phút ấy, và có lẽ một phần giục giã tôi quyết tâm theo con đường văn chương, là những dòng nước mắt vừa sung sướng vừa đầy thương cảm ấy…
Ở trường đại học tôi được các thầy Đặng Thai Mai, Hoài Thanh, Hoàng Xuân Nhị, Nguyễn Lương Ngọc giảng về lí luận văn học, văn học phương tây, về Kiều… về văn học Nga thì có chuyên gia Nubarốp, văn học Trung Quốc có chuyên gia Trương Trọng Thuần, là những chương trình có ảnh hưởng đến tôi. Sau này, ra công tác tôi gần gũi nhiều nhà văn, nhà thơ nổi tiếng như: Chế Lan Viên, Tế Hanh, Nguyễn Bính, Vĩnh Mai, Hoàng Trung Thông v.v… Họ đã giúp tôi rất nhiều về ý thức của người cầm bút. Nhưng do cái không khí văn học của gia đình, của thầy học đã nuôi tôi, của những trường lớp rất say mê văn chương, và do sự chịu khó học hành, lúc ở vùng tạm chiếm, lúc ở vùng tự do, vốn Hán học và những tích lũy văn chương dần dần, mà tôi theo đuổi được nghề văn cho đến tận bây giờ…
NGÔ VĂN PHÚ
Thư, bài vở cộng tác vui lòng gửi tới Email:
Vui lòng ghi rõ nguồn khi copy nội dung từ website này.
© Copyright: chandungkesi.com