chan_dung-ke_si

NHÀ THƠ LƯU TRỌNG LƯ: CON NAI NHỎ CỦA TÔI

06-11-2023

Lượt xem 885

Đánh giá 0 lượt đánh giá

Chia sẻ

  Lưu Trọng Lư

NHÀ THƠ LƯU TRỌNG LƯ: CON NAI NHỎ CỦA TÔI

Trước đây tôi có bài thơ đề: Tiếng thu. Có lẽ bạn đã làm quen với nó từ trên ghế nhà trường. Bài thơ kết thúc với hai câu:

Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô


Bạn là người đang sống giữa một thế giới có những biến cố khổng lồ và những âm vang lớn, lại có thể tưởng tượng được rằng: trước đây có thể có một thế giới tưởng chừng như vô sự đến thế, im lìm đến thế, và từ trong thế giới đó, lại xuất hiện một con vật hồn nhiên vô tội đến thế, một con nai ngơ ngác trước cuộc đời! Một hình tượng nghệ thuật hiền lành như thế, hình như đối với bạn, không thể chấp nhận được. Vì thế trên ghế nhà trường một bạn trẻ, trong một bức thư cho mẹ mình, đã vẽ lại một con nai khác:

Mẹ ơi! Con muốn làm con nai con
Tung tăng trên những bờ cỏ sắc
Chân xới, chân vun từng đống chất
Lá khô vàng sưởi ấm một mùa đông


Rõ ràng con nai của người bạn trẻ đã có một cách nhìn khác con nai của tôi nhiều. Chắc là người bạn trẻ đó, một học sinh vì bom đạn Mĩ phải tạm thời sơ tán khỏi thủ đô Hà Nội, thiếu củi đun ngày ngày phải đi vun xới những đống lá khô để thổi nấu và sưởi ấm gia đình giữa một mùa đông lạnh.

Con nai nhỏ của người bạn nhỏ là như vậy đó. Còn con nai của tôi chỉ biết nhìn ngơ ngác, không có hành động gì ngoài cái động tác vô tình đạp trên lá vàng khô, làm nậy lên một tiếng kêu xào xạc.

Có một lần khác, qua một bản nhạc, tôi cũng thấy xuất hiện một con nai khác giữa Trường Sơn đông, Trường Sơn tây, cũng có cái ngơ ngác giữa tiếng xe rít, bom gầm nhưng không phải là cái ngơ ngác của con nai tôi.

Thật ra thế giới tôi sống lúc bấy giờ, không phải im lìm vô sự như có người đã tưởng. Không phải chỉ có tiếng lá vàng khô, tiếng mùa thu thổn thức, tiếng “kêu’ rạo rực của hình ảnh người chinh phu trong cõi lòng cô đơn của người chinh phụ!

Tôi lớn lên trong một gia đình nhà nho. Đỗ xong ra làm quan được một thời, không chịu nối cái thời “tây tầu” nhố nhăng, thầy tôi cáo quan về làng dạy học. Thầy tôi đã dành cho anh em chúng tôi một chái nhà phía tây, có bụi chuối và hàng rào bông bụt. Trên vách, cạnh chỗ tôi hàng ngày ngồi học, có ghi bằng chữ Hán to, bài kí của thầy tôi, và dưới bài kí là hình con nai, có lẽ là một con lộc thì đúng hơn! Tuổi nhỏ tôi sống bên con nai đó. Khi chán học tôi ngẩng lên nhìn nó. Khi mỏi mắt, muốn thiếp đi một chút, bỗng giật mình tỉnh dậy, tôi lại mở mắt to, nhìn nó. Thầy tôi là một nhà nho thanh bạch nhưng đồng thời cũng là một “quan hưu” giữa làng, giữa tổng. Mỗi khi trong làng có một vụ bò húc vào một cái bụng chửa, hay ở chợ có một vụ trả thù đổ nước lã vào rượu rồi đi báo tây đoan, hay ở làng bên một vụ tế trâu ở đình ba ngày để thối rục, chỉ vì các quan chức tranh nhau cái thủ, cái noọng, mỗi khi có những vụ như thế xẩy ra, thì người ta lại đến trình báo với thầy tôi.

Mỗi lần từ bên chái tây yên tĩnh của tôi, tai được nghe những chuyện như vậy, thì tôi lại tặc lưỡi một cái, rồi nhìn lên con nai vàng ngơ ngác của tôi. Những lúc như thế, tôi lại thấy con nai của tôi quả là một con vật đáng yêu nhất giữa cõi đời. Nhà tôi tuy ở một nơi hẻo lánh ở nông thôn nhưng nơi đây vẫn dội về những chuyện trong triều ngoài quận. Những chuyện thuyên chuyển ở trong quan lại, những chuyện rắc rối ở một bộ đường, hay những chuyện bẩn thỉu ở một hậu thất. Hôm nay, một ông quan hưu ghé vào nhà tôi báo cho thầy tôi biết một cảnh triệt hạ tàn ác nào đó, đối với một vùng bất an nào đó, đưới sự điều khiển của Nguyễn Thân; mai, một ông quan hưu khác lại cho hay chuyện vụ Ngáo – tên đao phủ của triều đình – vừa chém đầu một vài người dư đảng Văn Thân ở của An Hòa gần kinh đô Huế, thầy tôi vốn là người hay nói đạo lí, thường hay giảng Khổng Mạnh, mở miệng ra là: “Đức Thánh ngài dạy rằng…” thế mà khi nghe những chuyện bất bình như thế, chỉ im lặng ngồi nghe, không cất nổi một lời phê phán.

Từ chái tây, con nai của tôi tưởng như rớm nước mắt cúi đều xuống nhưng rồi nó lại ngẩng lên nhìn tôi. Và kì diệu! Vẫn hồn nhiên, vô tội, ngơ ngác trước mọi sự biểu hiện hiền lành hay tàn bạo của cuộc sống. Từ nhỏ, tôi vẫn là một đứa trẻ nhiều tình cảm, nhiều nước mắt. Nhưng có một lẽ chính vì thế mà tôi muốn ngoảnh mặt lại với mọi sự đau khổ, không muốn, không dám có một động nặng, một cựa mạnh, chỉ muốn nghếch cái đầu khờ dại vào một cửa song yên lặng, hướng cái nhìn vào một thế giới mơ màng…

Xuất phát từ một quan niệm như thế, nên từ trên ngưỡng cửa cuộc đời, buổi đầu tôi gây dựng cà một chùm hình tượng nghệ thuật rất đỗi hiền lành dễ thương. Tình yêu – hạnh phúc của con người đối với tôi lúc đầu chỉ là một chùm nguyện, một chùm mơ. Cả một chùm thơ, vốn là một chùm nguyện, một chùm mơ, mang nhiều tên khác nhau, nhiều dạng khác nhau, nhưng đều thể hiện một cái nhìn trong sáng, ngây thơ đối với cuộc đời. Tôi gặp ảo, gặp mơ trước khi đụng sự thật. Đúng ra là lúc trẻ tôi đã gặp cái bóng của sự thật hơn là sự thật. Quá nửa những bài thơ về tình yêu mà tôi đã viết, và một số tôi nhắc lại đây, thật ra đã lấy dáng khắc nét, bắt nguồn từ tuổi tiền – thiếu – niên, chúng bắt đầu được xây dựng, từ trên những buổi chiều của tuổi 17-18 đu đưa trên một chiếc võng. Hạnh phúc chỉ có trong tưởng tượng và cả đau buồn cũng thế. Tất cả có thể nói: xuất phát từ một quan niệm rất “nai” như thế đó. Một quan niệm quay lưng với cuộc đời, rút vào cõi mộng, sợ những động nặng, những cựa mạnh, sợ những nhát dao chĩa thẳng vào cuộc sống. Từ thuở nhỏ, tôi đã rất sợ “lí trí” và cũng như mẹ tôi, tôi chỉ có một vũ khí: nước mắt.


LƯU TRỌNG LƯ
(Rút từ tập Mùa thu lớn – NXB Tác phẩm mới, 1978)

Bài liên quan
  • Việt Nam khai quật thành công ‘kho báu’ bị chôn vùi 12 thế kỷ ở một xã ven biển miền Trung, được công nhận kỷ lục thế giới

    Việt Nam khai quật thành công ‘kho báu’ bị chôn vùi 12 thế kỷ ở một xã ven biển miền Trung, được công nhận kỷ lục thế giới

    Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) khi đó đã đề nghị cơ quan chức năng phong tỏa khẩn cấp khu vực để bảo vệ nguyên trạng, họp bàn tìm cách khai quật tối ưu.
  • VIẾT TRUYỆN NGẮN NHƯ THẾ NÀO* - CHEKOV

    VIẾT TRUYỆN NGẮN NHƯ THẾ NÀO* - CHEKOV

    Sao lại nói là không có cốt truyện? Không đúng. Cốt truyện có ở mọi nơi mọi chỗ. Anh hãy nhìn vào bức tường này. Ai cũng biết ở đấy chẳng có gì cả. Nhưng anh hãy nhìn kỹ vào đó, hãy tìm trong đó một cái gì của mình, một cái gì không ai thấy được. Và anh hãy viết ra. Xin cứ tin điều tôi nói, bấy giờ thế nào cũng có một truyện ngắn. Cũng như anh có thể viết rất hay về một chủ đề đã cũ mèm như viết về ánh trăng, miễn là biết nhìn ra trong ánh trăng một cái gì của mình mà không phải một cái gì khác đã quá nhàm.
  • Nhà văn Minh Chuyên được phong tặng Anh hùng Lao động

    Nhà văn Minh Chuyên được phong tặng Anh hùng Lao động

    Theo thông tin từ nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà văn Minh Chuyên vừa được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động bởi những đóng góp đặc biệt cho văn học viết về chiến tranh thời hậu chiến.
  • Nhà thơ Bùi Giáng: Kỳ cuối: Gặp hoạn nạn là Kim Cương có mặt

    Nhà thơ Bùi Giáng: Kỳ cuối: Gặp hoạn nạn là Kim Cương có mặt

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Lúc đầu thấy Bùi Giáng cầu hôn Kim Cương không được, Nguyễn Thùy có lần đã đề nghị với Kim Cương một cách nghiêm túc hay là Kim Cương lấy Bùi Giáng làm chồng, biết đâu sẽ giúp anh ấy bớt khùng và viết lách đường hoàng, đĩnh đạc, dễ hiểu hơn?
  • Nhà thơ Bùi Giáng - Kỳ 4: Tỉnh điên một cõi hồng trần

    Nhà thơ Bùi Giáng - Kỳ 4: Tỉnh điên một cõi hồng trần

    Nguyễn Thùy có cô người yêu là sinh viên Đại học Sư phạm ban Anh văn rất quý trọng Bùi Giáng, cô này thường đi theo Bùi Giáng uống cà phê, quàng vai ông rất thân thiết khiến Bùi Giáng rất vui.
  • Nhà thơ Bùi Giáng - Kỳ 3: Trong cõi điên nhân tình thế thái

    Nhà thơ Bùi Giáng - Kỳ 3: Trong cõi điên nhân tình thế thái

    Sau khi không may gặp hỏa hoạn, không chỉ nhà bị cháy mà tất cả tác phẩm và sách vở tài liệu bị cháy sạch, Bùi Giáng lại thêm một cú sốc lớn khiến tâm hồn nhạy cảm của ông càng bị chấn động. Bùi Giáng càng điên hơn, ban ngày ông lang thang ngoài đường trong trang phục “cái bang” với mấy con chó nhỏ trong túi vải đeo lủng lẳng quanh mình. Cứ thế ông rong chơi khắp phố phường và trêu chọc thiên hạ, nhất là các cô gái đẹp.
  • Nhà thơ Bùi Giáng - Kỳ 2: Bút lực hoa trôi nước chảy

    Nhà thơ Bùi Giáng - Kỳ 2: Bút lực hoa trôi nước chảy

    Để có cả một kho tàng tác phẩm như thế Bùi Giáng đã viết lúc nào trong khi ông thường dành hết thời giang trong ngày để rong chơi cho những cuộc điên tưởng chừng bất tận? Đây là một điểm rất bí ẩn mà cho đến nay chưa có lời giải, kể cả những người gần gũi nhất với ông.
  • Nhà thơ Bùi Giáng - Kỳ 1: 'Giáo sư' không tốt nghiệp đại học

    Nhà thơ Bùi Giáng - Kỳ 1: 'Giáo sư' không tốt nghiệp đại học

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Bùi Giáng không tốt nghiệp đại học nhưng lại làm “giáo sư” dạy học một thời gian, là nhà nghiên cứu, khảo luận, dịch thuật và nhất là làm thơ. Ông dịch nhiều tác phẩm nổi tiếng của các tác giả tên tuổi trên thế giới, viết khảo luận đông tây kim cổ và đặc biệt là làm thơ nhanh như chớp bất cứ ở đâu, trong trường hợp nào.
  • Cửa ô Hà Nội hơn 100 năm trước

    Cửa ô Hà Nội hơn 100 năm trước

    Hà Nội từng có 21 cửa ô nhưng đến năm 1866, trên bản đồ chỉ còn 15 cái tên.
  • Chữ quốc ngữ khiến người Việt bị đứt gãy về văn hóa?

    Chữ quốc ngữ khiến người Việt bị đứt gãy về văn hóa?

    Một câu hỏi được đưa ra từ lâu trong giới nghiên cứu nhưng không dễ trả lời: sự thay đổi chữ viết tạo ra sự đứt gãy về văn hóa, truyền thống trong dân tộc ta?