Nhà thơ Giang Nam (1929-2023)
Mở đầu bài thơ Quê hương sáng tác năm 1960, tôi viết:
Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường
Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ
Ai bảo chăn trâu là khổ?
Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao…
Bốn câu thơ này, dù không có dụng ý, đã nói lên một sự thật: ngay từ tuổi nhỏ, tôi đã rất yêu sách, thích đọc sách, nhất là sách văn học. Hồi đó, trong sách học văn và tập đọc lớp dự bị (tương đương lớp 2 bây giờ) có một bài văn ngắn nói về thú vui đi chăn trâu. Chưa cần nhận xét vội về nội dung lẫn câu văn của thời xa xưa ấy, cho đến bây giờ, tôi vẫn nhớ như in sự thích thú của mình khi được học bài này.
“Ai bảo chăn trâu là khổ! Không, chăn trâu sướng lắm chứ! Đầu tôi đội nón mê như lọng che, tay cầm cành tre như roi ngựa, ngất nghểu ngồi trên mình trâu, tai nghe chim hót trong chòm cây, mắt trông bướm lượn trên bãi cỏ…” Tôi có thể đọc thuộc lòng cả bài dù gần 50 năm nay tôi chưa được nhìn lại trang sách đó. Bài văn như có sức cuốn hút đặc biệt, luôn kéo tôi về với những kỉ niệm. Vì sao, tôi đã nhiều lần tự hỏi mình như thế. Có lẽ người viết rất sành tâm lí của tuổi trẻ, rất hiểu cái thú vui của các chú bé lần đầu được đi chăn trâu, thấy mình oai ghê lắm, thấy mình như là chủ của chim, của bướm, của đất trời xung quanh.
Vào cái tuổi lên 8, lên 9 tôi đã được các anh tôi cho đi theo coi trâu của gia đình, đã nhiều lần được ngồi trên lưng trâu khi chúng đang gặm cỏ hoặc lững thững kéo về chuồng. Bài văn như viết cho riêng mình và tôi đã không ‘học’ nó mà là “thưởng thức’ nó.
Bên cạnh cái việc gian khổ thông thường của mỗi học sinh là cố ê-a từng câu, từng chữ cho thuộc để trả bài khi bị thầy gọi, còn có cái gì đó rất riêng: thả cho trí tưởng tượng của mình mặc sức bay bổng với chú bé chăn trâu trong bài. Dần dà, tôi tự cảm thấy học văn không còn là món nợ mình phải trả mà là một thú vui; trong những trang giấy, những câu chuyện mà mình đọc có biết bao điều gần gũi với nhau; Ở lớp, tôi đã nhiều lần bị thầy phạt vì cái tội “đãng trí” không tập trung tư tưởng vào bài học; không biết có phải đó là điều mà ngày nay ta gọi là sự đồng cảm, sự rung động tâm hồn hay một cái gì tương tự như vậy chăng?
Chắc những bạn học của tôi thời ấy vẫn còn nhớ những bài văn đầu tiên với câu chuyện người đi du lịch nhiều nơi khi về nhà được bà con làng xóm đến thăm đã trả lời: “Chốn quê hương là đẹp hơn cả”, hay cảnh sum họp trong gia đình buổi tối, có đủ ông, bà, cha, mẹ, anh chị em. Chắc các bạn ấy cũng khó quên đoạn thơ nói về Hai Bà Trưng trích trong “Đại Nam quốc sử diễn ca”:
Bà Trưng quê ở Châu Phong
Giận người tham bạo, thù chồng chẳng quên
Chị em nặng một lời nguyền
Phất cờ nương tử, thay quyền tướng quân…
Những câu thơ bình dị, dân giã ấy sao cứ đọng mãi trong lòng tôi, có lẽ vì chúng rất gần gũi với những câu hát ru của mẹ những năm nào.
Rồi tôi được học Kiều, Chinh Phụ ngâm, Cung oán ngâm khúc, thơ Bà Huyện Thanh Quan, thơ Hồ Xuân Hương, thơ Tú Xương… Mỗi tác giả mới lại mang đến những rung động mới làm cho tôi say mê văn học hơn.
Hồi học ở Quy Nhơn, chúng tôi có một người thầy mà ai cũng quý. Đó là bác Ngô Xuân Thọ, cha của nhà thơ Xuân Diệu của chúng ta. Bác đỗ tú tài Hán học, đồng bào thường gọi là ông Tú Thọ - và chuyên việc giảng dạy Hán văn cho các lớp có chương trình học chữ Hán (mỗi tuần 1 giờ). Bác rất “mê” thơ Đường và mỗi lần lên lớp bác lại truyền thêm cho chúng tôi lòng say mê đó. Bác bình thơ rất hay, thêm giọng ngâm sang sảng đã chinh phục chúng tôi:
Cô Tô thành ngoại Hàn sơn sự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền
Và bác đọc phần dịch luôn:
Thuyền ơi đậu bến Cô Tô
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn san
Chúng tôi thích thơ Đường nhưng lại rất sợ môn viết chữ Hán vì đây là một loại chữ có nhiều nét rất khó nhớ. Nếu bị thầy gọi lên bảng, chúng tôi có thể đọc thuộc lòng và bình cả bài thơ đã học, nhưng nếu thầy bảo viết thì anh nào cũng không viết nổi một câu thơ bảy chữ cho trọn. Nhiều cậu bị điểm kém là vì vậy.
Chúng tôi liền nảy ra một mưu kế. Biết thầy mê thơ, mê văn học, mỗi lần thầy đến lớp là một cậu đứng dậy ‘nịnh’ thầy một câu và đề nghị:
- Hôm nay, xin thầy cho chúng em nghe một bài thơ mới.
- Hôm nay xin thầy kể chuyện Đỗ Phủ, Lý Bạch cho chúng em nghe.
Thầy Thọ đã thừa biết cái “khôn vặt” của chúng tôi nhưng thầy vẫn mỉm cười độ lượng. Thầy cầm viên phấn lên bảng viết bài mới cho chúng tôi chép vào tập vở giấy bản của mình, có khi đó là một bài thơ hay mà thầy đã chuẩn bị sẵn, có khi đó là bài mà thầy chợt nhớ ra do gợi ý của chúng tôi. Đợi chúng tôi chép xong, thầy bắt đầu đọc và bình thơ, nói chuyện văn học và chúng tôi được thoải mái nêu ý kiến. Lớp học trong giờ của thầy bỗng trở thành một câu lạc bộ văn chương, anh nào lười hoặc không thích văn học thì làm việc khác, thầy sẵn sàng lờ đi. Riêng đối với tôi thì giờ dạy của thầy luôn là một trong những giờ hấp dẫn nhất.
Khi kẻng báo hết giờ, thầy ung dung lấy sổ cho điểm của lớp, ghi điểm trả bài của một số trong chúng tôi. Thầy thường chọn những anh giỏi văn, thích văn học mà thầy đã nắm được để cho điểm. Tôi thường được điểm cao 14, 15 (trên 20). Môn Hán văn thầy có nuông chiều chúng tôi một tí cũng không bị các đồng nghiệp khác phê bình.
Nhớ lại những ngày ấy, tôi thương thầy vô hạn. Tôi hiểu trong cái “khiếu” văn học của mình có phần đóng góp, vun vén đầy ưu ái của thầy.
Có lẽ tôi sẽ phạm thiếu sót nếu không nói đến những giờ văn học Pháp của mình. Ai mà không nhớ những “Buổi học cuối cùng”, “Người gieo hạt”, “Những ngôi sao” của những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng mà chúng tôi phải học. Nỗi xúc động thiêng liêng của người thầy giáo già người Pháp trong buổi dạy cuối cùng (ngày hôm sau, vùng này sẽ bị sáp nhập vào lãnh thổ đế quốc Đức theo hiệp định chính phủ Pháp thua trận phải kí với nước Đức, chương trình học tiếng Pháp sẽ bị bãi bỏ và một ông giáo người Đức sẽ đến thay) và nỗi băn khoăn của em học sinh nhỏ (không biết người ta có bắt những con chim sơn ca phải hót tiếng Đức không?) đã gợi lên trong tâm hồn tôi nỗi rung động xót xa và bao đau khổ nhục nhằn của một người dân mất nước… Tôi đã trào nước mắt khi đọc bài này.
Nếu có điều gì đó để kể lại với các em học sinh hôm nay về việc học văn của mình hồi nhỏ, tôi xin được tâm sự: có lẽ tôi là một chú bé có nhiều trí tưởng tượng và một trái tim dễ xúc động. Tôi đã không học văn theo kiểu thông thường chúng ta hiểu.
GIANG NAM
Thư, bài vở cộng tác vui lòng gửi tới Email:
Vui lòng ghi rõ nguồn khi copy nội dung từ website này.
© Copyright: chandungkesi.com