Nhà thơ Chế Lan Viên bế con gái Phan Thị Vàng Anh trên tay, cùng vợ, nhà văn Vũ Thị Thường và con gái Phan Thị Thắm
Chân Dung Kẻ Sĩ: Hình như tất cả các em đều trải qua một phút được chấn động, được thức tỉnh như vậy, chứ không phải chỉ có những người làm thơ. Có điều em này được đánh thức dậy liền, em kia ngủ tiếp; em kia nữa nửa thức nửa dậy, không làm thơ thì làm thứ khác, v.v… Bồi dưỡng các em tức là sau khi các em được chấn động bởi tiếng vang ban đầu, ta phải tiếp tục nuôi cho các em sự rung động thường xuyên. Nuôi bằng gì? Bằng những bài văn, cố nhiên, phải là văn hay kia, chứ không phải loại “răng sạch, răng sâu” đâu nhé! Vì chỉ có văn hay mới đẻ ra văn hay được.
Anh đã học viết văn như thế nào?
Tôi sẽ trả lời gãy gọn, nếu như một tỉnh nào khác hỏi tôi. Nhưng đây lại là của Nghĩa Bình. Tôi bối rối quá! Quê mẹ, quê gốc tôi ở Quảng Trị. Nhưng chính tại Bình Định này mà tôi đã viết bài văn đầu tiên, ra tập thơ đầu tiên, chao ôi! Nhớ biết bao người, bao cảnh, bao sự việc đã giúp mình nên người, nên văn ở đấy! Khéo mà tôi lại làm hồi kí mất, rồi lẩm cẩm dây cà ra dây muống kể lể linh tinh lắm thứ, quên mất cả những kinh nghiệm viết văn mà các bạn chờ.
Khó cho tôi còn ở một điểm khác: chuyện lâu quá rồi, nửa thế kỉ rồi, nhớ sao cho hết? Tập thơ đầu tay Điêu tàn của tôi ra năm 1937, khi tôi còn là học trò thầy Ấm (cụ thân sinh của nhà văn Phan Tứ - Lê khâm); thầy Hảo, Thầy Chí, thầy Vĩ… năm thứ ba trường trung học Quy Nhơn. Nhưng 1936, 1935 trước đó, tôi đã có thơ đăng ở báo Tiếng trẻ, truyện ngắn ở báo Khuyến học và truyện vui nghìn chữ Xe và xe ở báo Phong hóa ngoài Hà Nội. Như thế thì 1933-1934, tất tôi đã quanh quất mon men đâu đấy ở bên rìa ngoại vi vườn hoa văn học ấy. Cái gì đã đưa tôi đến địa hạt đó? Bài văn hay nào đã thức tỉnh cho tôi biết cái hay của văn, rồi sau đó bắt chước làm theo, theo quan điểm của Aristote? Ông nói: “Hai nguồn gốc của thơ thì một là bắt chước”. Vậy thì tôi đã bắt chước bài văn hay nào?
Răng sạch không bao giờ sâu
Răng sâu trông thực là xấu
Đánh răng thì phải đánh
Cả trên lẫn dưới
Cả trong lẫn ngoài
Chả lẽ là bài văn ấy, mà giờ tôi viết dưới dạng thơ, cho các bạn may ra có thể xúc động như tôi. Ngoài sáu mươi tuổi, ngoái cổ lại sau, nhớ lại cảm giác thơ đầu tiên, mối tình đầu của mình với thơ là ở phút nào, thì vẫn nhớ cái khoản sâu răng ấy. Khi đó tôi khoảng lên bảy, lên tám tuổi, đang học ở Điện Bàn (Quảng Nam). Thầy giáo bệnh, nghỉ. Em vợ thầy giáo dạy thay một buổi. Chả biết làm gì, anh ấy lấy quyển giáo khoa vệ sinh ra đọc chính tả cho chúng tôi viết. Em vợ của thầy là điều mới lạ rồi. Tiếng Huế với chúng tôi ở một huyện Quảng cũng lạ. Và cách đọc chọi chữ sạch (trắc) với chữ sâu (bằng), chọi chữ sâu (bằng) với chữ xấu (trắc)… cách anh ấy cắt đoạn cả trên lẫn dưới sao cho nhịp nhàng với cả trong lẫn ngoài… càng lạ hơn. Tổng số những cái lạ ấy gây cho tôi một sự phấn chấn lạ thường, thơ là gắn liền với lạ mà. Giờ đây nhớ lại vẫn còn nghe vang vang cái giọng Huế đọc bài Răng sâu ấy. Nhớ cả dáng anh ấy đi lại nhẹ nhàng giữa lớp học im phăng phắc, tiếng gió ngoài sân và ánh nắng trên cửa kính nhà trường. Aristote lại nói đúng. Trong hai nguyên nhân làm ra thơ, theo ông, một là sự bắt chước, còn hai thì là cái này đây: lòng yêu thích nhịp điệu, yêu thích hài hòa.
Theo tôi nghĩ thì những cái ngoài văn, xa văn, không phải văn có khi mở đầu cho việc yêu văn. Ở đây là một âm điệu. Biết đâu với em khác lại là một sắc núi, một mùi hương, một kỉ niệm nào đó rất vui hay đau xót. Miễn là nó đánh trúng vào tâm hồn nhạy cảm của em, mở cho em thấy một cái gì mới lạ. Và bồi dưỡng viết văn là như vậy, là bồi dưỡng từ xa và phải làm từ rất sớm, từ chỗ chưa phải văn mà mới chỉ là tâm trí, tấm lòng.
Hình như tất cả các em đều trải qua một phút được chấn động, được thức tỉnh như vậy, chứ không phải chỉ có những người làm thơ. Có điều em này được đánh thức dậy liền, em kia ngủ tiếp; em kia nữa nửa thức nửa dậy, không làm thơ thì làm thứ khác, v.v… Bồi dưỡng các em tức là sau khi các em được chấn động bởi tiếng vang ban đầu, ta phải tiếp tục nuôi cho các em sự rung động thường xuyên. Nuôi bằng gì? Bằng những bài văn, cố nhiên, phải là văn hay kia, chứ không phải loại “răng sạch, răng sâu” đâu nhé! Vì chỉ có văn hay mới đẻ ra văn hay được.
Năm 1935, Yến Lan học trên tôi hai lớp, bày cho tôi một bài của Tản Đà, nay còn lưởng vưởng trong óc tôi:
Gió mùa thu. Là vàng rung bay. Các cậu đi học. Áo rách thì mẹ vá. Không có áo lành thì mẹ may…. Công mẹ không đến nỗi như mùa thu lá vàng rung bay v.v…
Nhờ những bài thơ hay của Leconte do Lisle viết về chiến trường, tôi viết bài Chiến tướng. Nhờ Văn chiêu hồn của Nguyễn Du, nhờ Ác hoa (Fleurs du mal) của Baudelaire, tôi viết về cái chết trong Điêu tàn vốn đã gặp nó ở bãi tha ma và ở sọ dừa trong phòng thí nghiệm nhà trường.
Nhưng chuyện lấy văn nuôi văn, ta bàn đến sau. Một nhà thơ nước ngoài viết: “Cái chỉ là thơ thôi, giết chết thơ”. Một mình thơ làm sao đẻ ra thơ được? Nó phải kết hợp với gì chứ? Với mảnh đất này. Cánh nhà báo, nhà nghiên cứu có nhiều kinh nghiệm, khi tìm hiểu một tác giả, thường cứ day đi day lại câu hỏi: “Ngày nhỏ anh sống ở đâu?” Cho tôi biết ơn cái tháp Chàm và thành Bình Định cũ, biết ơn cái huyện lị An Nhơn hẻo lánh và những chuyến tàu đêm Bình Định – Diêu Trì, biết ơn bờ biển Quy Nhơn vỗ sóng ru tôi và ơn những rừng dừ rợp bóng lên tôi.
Cánh dừa cao say sưa ôm bóng ngủ
Chính là dừa ấy chứ còn đâu? Tôi không theo thuyết ba chữ M – moment (thời gian), mode (phong trào), milieu (địa điểm) – thế kỉ XIX của Pháp, nhưng tôi phải biết ơn là đã được sống ở Nghĩa Bình thời gian ấy, qua những địa danh kia. Sau này thơ tôi có day dứt về sử.
Đất nước làm thơ mà thiếu người viết sử
Chính là tôi đã lớn lên trên mảnh đất từng lẫy lừng Chàng Lía, Mai Xuân Thưởng, Quang Trung… Trong Điêu tàn có nói đến nỗi đau mất nước vì 1937, cùng với Nguyễn Viết Lãm, Phú Sơn, chúng tôi đã là bạn thân, là em của những người cộng sản, đặc biệt là anh Nguyễn Minh Vĩ lúc ấy là linh hồn của nhóm.
Chả lẽ lại nói là những kiểu kiến trúc đặc biệt của nhà là mái, của bàn khao Bình Định, hay cái vòng quanh kiên trì triền miên của các xe nước ngoài Quảng Ngãi đã cho tôi sự chịu khó trong thơ? Nhưng quả là những đêm hát bội ở An Thái, các cuộc đổ giàn ở An Vinh làm cho tôi yêu chất hùng tráng – sau này ta gọi là sử thi hay gì nhỉ? Rồi đây các bạn cũng nên tổ chức lại trò đổ giàn, đó chả làm Olympic của ta đấy sao? Một cái giàn cao hàng chục mét, có con heo quay trên ấy, và dưới đất là hàng chục đoàn võ sĩ từ Quy Nhơn, Đập Đá lên, Bình Khê xuống, Hoài Ân, Hoài Nhân vào, cùng với các võ sĩ An Thái, An Vinh tại chỗ đang chờ đợi. Khi con heo ném xuống là một cuộc “tỉ thí lôi đài” dữ dội để giành cho được con heo kia, dấu hiệu đoàn nào sẽ vô địch năm nay. Chất hùng ca trong thơ làm sao không dính líu, cái dây đồng trong thơ làm sao không dính líu với các cuộc đổ giàn thượng võ này? Blake nói khá đúng là “văn hóa đi bằng lối thẳng, còn nghệ thuật thi đi các lối ngoằn ngoèo”. Trong Điêu tàn có yếu tố thần bí vì tuổi trẻ tôi tìm trong tiếng tụng kinh trước bàn thờ Phật của cha tôi, và trường tôi nằm trong tầm ngân vang của chuông nhà thờ đạo Kim Châu gần đấy.
Những yếu tố thần bí gặp trong đêm tuổi thơ Bình Định khi tôi lớn lên gâp Đảng, nó không biến mất đi mà lại hóa ra thứ khác giữa ánh sáng ban ngày. Đấy là các câu thơ đánh Mĩ:
… Kinh địa tạng xé theo súng 12 li 7
… Những năm chiến tranh mặt Chúa cũng sầu thương
… Mặt Phật không cười cùng hoa sen nữa…
Giữa quá khứ và hiện tại vừa có đứt, vừa có nối. Nên nối cái gì, để đứt cái gì là nhiệm vụ người viết phải lo. Nhưng quả là để tạo nên một người viết văn, cần nhiều yếu tố, nhiều chất, nhiều cảnh, nhiều tình cụ thể của cuộc đời cụ thể này, chứ chỉ văn đâu có đủ, dù cho đấy là văn hay đến tuyệt vời.
Cần, đúng rồi, nhưng sao lại phải nhiều? Có nhiều mới đa dạng, phong phú. Có nhiều mới không đơn giản và đơn điệu. Có nhiều thì mới tổng hợp được, chứ ít thì tổng hợp nỗi gì?
Marinetti nói: “Thơ là say và tổng hợp!” Aristote nói: “Thơ tổng hợp hơn sử, vì sử đi vào cụ thể”. Do đó, thầy giáo vừa phải tạo cho các em sống được nhiều, biết được nhiều điều cụ thể, vừa phải giúp cho các em biết tổng hợp, liên hệ, khái quát, biến hóa cái cụ thể ấy. Vừa phát triển các giác quan, vừa tập luyện sự thao tác của tư duy.
Cao Bá Quát viết:
Mặt trời đẻ trứng gà trên vách
Nguyễn Du viết:
Vầng trăng ai xẻ làm đôi
Tường An viết:
Bốn dây ứ máu tì bà
Hàn Mặc tử viết:
Tiếng gà gáy rung trăng đầu hạ…
tức là không phải chỉ cảm xúc mà còn làm hóa chất giữa các cảm xúc.
Ở trên, tôi có nói tôi là học trò thầy Hảo, thầy Ấm, Thầy Vĩ, thầy Chí. Chỉ có mình thầy Hảo dạy văn. Tôi yêu văn chính nhờ không phải chỉ sự uyên bác của thầy mà cả ánh mắt ngầm cổ vũ của thầy. Nhưng không có toán của thầy Ấm, khoa học của thầy Chí, địa của thầy Vĩ thì làm sao tôi biết cộng sự vật này với sự vật kia, nghĩ rằng sự vật này có thể biến thành sự vật kia, thậm chí con tằm là bướm đấy thôi, sự vật này chính là sự vật kia đấy. Có được óc phân tích là nhờ các thầy, mà có được óc tổng hợp Marinetti, Aristote ca tụng trên kia cũng là nhờ ở các thầy, đúng hơn, nhờ ở vốn văn hóa mà các thầy truyền đạt cho tôi.
Một thuyết lớn ảnh hưởng đến tất cả nền thơ châu Âu hiện nay là thuyết Correspondances (tương giao), thuyết này có cách đây hơn 200 năm trước. Ở tiểu học Bình Định, tôi đã gặp các mùi hương, các màu sắc, các âm thanh. Nhưng về đến Quy Nhơn, khi anh Nguyễn Minh Vĩ giảng cho tôi Bôđờle thì tôi mới biết thuyết ấy, biết rằng:
Les parfums, les couleurs et les sons se répondent
(Mùi hương, màu sắc và những âm thanh tương giao cùng nhau)
Ừ, cơn rét có thể ngọt lắm chứ, màu đỏ có thể kêu vang và tôi nghe thấy lạnh khi chiều xuống, khi gió thu về… Các cảm giác tương giao, tương hỗ, Và giữa lúc ấy thì các thầy giáo khoa học dạy cho tôi về chuyển hóa bảo toàn năng lượng, cơ năng biến thành nhiệt năng, nhiệt năng thành điện năng và điện năng thành ánh sáng… Những điều khô khan ấy giúp cho tôi sau này hiểu được câu của nhà triết học Nga “Đá và lá cùng một chất”; yêu câu thơ Pháp “Đá và hoa là hai chặng của một tư duy” và đặt tên tập thơ là Hoa trên đá vừa rồi, biết đâu không nằm trong mạch ấy? Rút ra kinh nghiệm gì, hỡi các nhà thơ và các nhà giáo, các nhà giáo có thể già, và các nhà thơ thường rất trẻ? Cái kinh nghiệm này đây, là làm thơ chỉ biết có thơ thôi, không được. Làm thơ với trái tim, với chất sống, không đủ. Phải có văn hóa nữa. Quang năng không làm hại gì đến các trang thơ, và dùng trang thơ viết về bóng đêm cũng nên viết nó dưới nguồn điện sáng.
16.3.1986
CHẾ LAN VIÊN
Thư, bài vở cộng tác vui lòng gửi tới Email:
Vui lòng ghi rõ nguồn khi copy nội dung từ website này.
© Copyright: chandungkesi.com