chan_dung-ke_si

NGƯỜI VỢ MÙ - Truyện ngắn Khái Hưng

04-05-2023

Lượt xem 2180

Đánh giá 3 lượt đánh giá

Chia sẻ

  truyện ngắn hay Khái Hưng

NGƯỜI VỢ MÙ - Truyện ngắn Khái Hưng

Khái Hưng

   Tôi được biết vợ chồng người ấy cũng là nhờ ở một sự ngẫu nhiên: họ dùng cửa nhà tôi làm nơi hội họp.

   Hồi đó, tôi ở Ninh Giang, một phủ lỵ khá lớn. Một bến tàu thủy khá sầm uất trên con sông Chanh, cách tiêu khiển của tôi là chiều tôi ra bờ sông xem tàu tới, tàu đi, giữa một cảnh náo nhiệt và những tiếng ồn ào gào thét của bọn bán bánh giò và bọn mời khách trọ, với những lời đe dọa hách dịch của mấy chú tuần canh, lính thương chính đến hỏi thẻ và khám soát hành lý.

   Nhưng từ ngày tôi để ý đến vợ chồng người mù, thì ở Ninh Giang, đối với tôi, không còn sự tiêu khiển nào thú hơn là được ngắm đôi uyên ương ấy chuyện trò với nhau: một cảnh tượng cảm động, thân mật và rất nên thơ.

   Tôi không rõ cửa nhà tôi được họ chọn làm nơi hò hẹn từ bao giờ, và vì sao họ lại chọn cửa nhà tôi. Nhưng một buổi sáng mùa đông dậy sớm, ra hiên gác tì tay lan can nhìn xuống, tôi thấy hai bóng đen đen đang đứng trên hè đường, dưới làn mưa phùn giá rét. Một lát sau, người đàn ông bảo người đàn bà:

   - Mười hai giờ bà chờ tôi ở đây nhé!

   Lời nói dõng dạc trang nghiêm như giọng hạng người sống trong những xã hội cao quý. Rồi mỗi người đi một ngả. Văng vẳng tôi nghe rao câu rất quen tai:

   - Ai muối mua!

   Và tôi nhớ ngay ra ông lão bán muối mà tôi vẫn thường gặp lang thang trong các phố.

   Mười hai giờ trưa khi chuyến ô-tô hàng chạy Hải Dương bắt đầu mở máy, quả nhiên một người đàn bà già và mù, áo xống gọn gàng và sạch sẽ, tay cầm cái rá, rờ lần các cửa xe, rời rạc xin tiền.

   Tôi nghĩ thầm:

   "Không phải ăn mày lành nghề".

   Xe đi khỏi thì người bán muối buổi sáng cũng vừa đến nơi. Và tôi hiểu vì sao họ chọn giờ ấy làm giờ họp mặt: giờ ô-tô.

   Luôn một tuần lễ như thế, hôm nào cũng đủ sáu giờ sáng và mười hai giờ trưa là hai vợ chồng người mù tới cửa nhà tôi đứng nói chuyện. Họ không hề sai hẹn. Và tôi tò mò lưu ý đến họ, để tai lắng nghe những câu chuyện của họ, vì họ nói rất to, như chẳng cần gì ai, hơn nữa, như coi nơi hè đường là chốn phòng riêng của họ.

   Họ có nhà riêng hay không, và nếu có thì nhà riêng họ ở đâu, tôi không rõ. Nhưng nghe chuyện họ, tôi biết rằng gia đình họ chỉ có hai vợ chồng: chồng làm nghề bán muối, vợ theo nghề ăn xin.

   Gặp nhau, họ vui vẻ mỉm cười hỏi thăm tin tức nhau như hai người bạn thân xa vắng lâu ngày, và mong nhớ nhau từng phút từng giây. Lần nào người chồng cũng bắt đầu:

   - Bà đấy à? Thế nào, bà làm ăn có khá không?

   Người vợ trả lời chẳng qua mấy câu này: "Cũng khá ông ạ" hay "Hôm nay làm ăn chẳng ra gì".

   Rồi bà lão ngồi thuật cho chồng nghe hệt những việc đã xảy ra trong mấy giờ đồng hồ đi "làm ăn". Bà ta kể chuyện rất vui vẻ, thỉnh thoảng lại chêm một câu bình phẩm, một câu khôi hài, khiến người chồng khúc khích cười, chừng cốt để làm đẹp lòng vợ.

   - Ông ạ, con mẹ Phúc Hòa Ðường nó lại nhiếc tôi sao không kiếm việc mà làm, đi ăn mày thế này không biết nhục à?

   - Con mẹ Phúc Hòa Ðường ở phố Ninh Lãng có phải không bà?

   - Phải đấy ông ạ. Nó thử mù như tôi xem ông nhỉ?

   - Thế nó có cho bà đồng nào không?

   - Nó cho mà nó nhiếc thì đã cam.

   - Nó giàu nhất phố đấy, bà ạ.

   - Giàu thế thì giàu làm gì? Giàu mà không biết thương kẻ đói khó, mù lòa. Cũng chả bền được đâu, ông nhỉ?

   - Phải, bền thế nào được.

   - Giá giời cho vợ chồng mình giàu như họ thì mình ăn ở ra người giàu, có phải không ông?

   - Phải, mình để của làm gì? Ðể của cho con nó phá nhé? Bà có biết không, thằng con nhà ấy nó phá chẳng mấy nỗi mà hết cơ nghiệp. Thôi thì đủ, bà ạ, cờ bạc, bợm đĩ, hút sách.

   - Thế à ông?

    Câu chuyện cứ thế kéo dài, âu yếm như chuyện hai vợ chồng trẻ, đứng đắn như chuyện hai người có giáo dục, một điều ông ạ, hai điều bà nhỉ, và có tính cách thông tin tức như một tờ báo hàng ngày.

   - Ông ạ, tôi nghe người nhà bà thông Ðoan nói chuyện xe Ninh Thái bị bắt thuốc phiện, đâu những bốn, năm cân nữa. Chắc bị phạt khá tiền đấy nhỉ? Hay đi đêm, thế nào chả có ngày gặp ma ông nhỉ?

   Tiếp chuyện bắt thuốc phiện, bà lão kể đến chuyện gia đình nhà ông đội Nhất: Vợ chồng ông đội chẳng ngày nào là không cãi nhau. Bà lão nhắc lại từng câu mắng nhiếc chửi rủa tục tằn của hai người, rồi bình phẩm:

   - Cứ nghèo như vợ chồng mình lại êm thấm, nhỉ ông nhỉ?

   Ông lão bán muối cười rất có duyên, và có vẻ tự phụ nữa.

   Hôm nào người vợ phàn nàn không xin được một trinh nhỏ, thì người chồng tìm hết lời an ủi:

   - Thôi, bà ạ, cần gì. Hôm nay tôi làm ăn nhờ giời khá lắm. Chúng mình chỉ mong kiếm đủ ăn, chứ có cần để dành tiền như họ đâu. Vậy bà về nhà mà nghỉ nhá. Tôi đã đong một hào gạo, mua một xu rau muống, một xu tương rồi đấy. Bà về thổi cơm, tôi bán hết chỗ này cũng về ngay đây.  

   Họ từ biệt nhau, cho tới sáu giờ sáng hôm sau lại vui mừng cùng nhau nói chuyện.

   Nửa năm ròng, tôi tò mò đi sâu mãi vào cái đời đường hoàng và thân mật của cặp vợ chống khốn khó.

   Có hôm tôi đã cố theo họ xem họ trú ngụ nơi đâu, nhưng họ như đôi chuồn chuồn sống nhởn nhơ không tổ trên mặt nước ao tù.

*     *      *

   Một dạo tôi thấy vắng bóng đôi uyên ương già  ở trước cửa nhà tôi. Tôi đoán chừng họ đã chọn một phố khác yên tĩnh hơn làm nơi góp chuyện hàng ngày.

   Nhưng một buổi chiều đi chơi mát, tôi rẽ vào xem đền Chanh thì gặp ông lão lòa đương lom khom quét lá khô ở sân. Tôi vui mừng hỏi:

   - Kìa ông bán muối. Hàng họ có khá không? Sao độ rầy tôi không gặp ông?

   Người kia đứng thẳng lên, hấp háy cố nhìn tôi bằng cặp mắt gần tàn ánh sáng như ngọn đèn cạn dầu bập bùng chực tắt. Tôi hỏi luôn:

   - Còn bà lão, vợ ông, lâu nay đi đâu?

   Hai hàng lệ chảy giàn giụa trên đôi gò má răn reo.

   Tôi hiểu ngay rằng ông lão già khốn nạn đương mang nặng trong lòng một nỗi thống khổ lớn lao.

   Và tôi nghĩ ngay đến sự tử biệt...

   - Ông buồn lắm phải không?

    -Vâng, tôi không thiết sống nữa, thầy ạ. Bà lão nhà tôi, bà ấy bỏ tôi bà ấy đi rồi...

   Tôi kinh ngạc:

   - Bà ấy bỏ ông?

   - Vâng, bà ấy chết rồi, còn đâu!

   Người ấy cúi xuống quét sân, nói tiếp:

   - Hơn bốn mươi năm giời ăn ở với nhau, chả có điều tiếng gì... bây giờ bà ấy bỏ bà ấy đi một mình.

   Lúc từ biệt, tôi đãi ông lão khổ sở một hào nhưng ông ta lắc đầu xua  tay:

   - Tôi lấy tiền làm gì nữa. Ngày có vợ có chồng, tôi mới phải vất vả làm ăn. Chứ bây giờ  còn một thân một mình, thì tôi chỉ nhờ cửa thánh ngày hai bữa cơm thừa canh cặn đủ no... để chờ ngày được gặp mặt bà lão tôi ở nơi suối vàng.

   Dù cảm động đến đâu tôi cũng không thể giấu nổi cái mỉm cười: tôi nhận thấy ngôn ngữ ông lão bán muối vẫn còn đứng đắn và kiểu cách như xưa, khi ngồi trò chuyện với người vợ mù ở trước cửa nhà tôi.

1944

Cùng tác giả: Anh Phải Sống - Truyện ngắn Khái Hưng & nhất Linh

Bài liên quan
  • BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhiên cất tiếng hát "Ơi chàng ơi chim có bạn có bầy, thuyền có bến có sông sao lại để em năm canh gối chiếc chăn đơn đợi chàng... "
  • HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Hai người bạn là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, in trong tập truyện ngắn Hạnh, Đời nay xuất bản năm 1940.
  • CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Vũ Bằng hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực báo chí từ những năm 1930-1940 khi tuổi đời còn rất trẻ. Ông là chủ bút tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy, thư ký tòa soạn tờ Trung Bắc Chủ Nhật khi mới hơn hai mươi tuổi. Khi Nhật-Pháp so kè với nhau chiếm nước ta, dưới áp lực kinh người của những kẻ xâm lược, Vũ Bằng vẫn giữ tư thế của tờ Trung Bắc Chủ Nhật là phục vụ người Việt, vì quốc gia dân tộc, khiến cả chính quyền Pháp và Nhật đều phải kiêng nể.  Trước 1945, Vũ Bằng nổi tiếng trong việc giúp đỡ các nhà văn khác cả tiền bạc lẫn kinh nghiệm viết lách. Rất nhiều nhà văn nhận những lời khuyên của Vũ Bằng sau này đều trở thành những nhà văn lớn của Việt Nam. Thế nhưng, một thời gian dài kể từ khi Vũ Bằng di cư vào Nam năm 1954, các tác phẩm của ông biến mất không còn dấu vết, không được nhắc tới trong nhà trường, bị đưa vào danh mục cấm do cái tiếng "dinh tê, về thành", nhà văn "quay lưng lại với Kháng chiến"... gây ra. Ông lâm trọng bệnh và mất ở TP. Hồ Chí Minh năm 1984 trong cảnh vô cùng túng thiếu. Mãi sau này, ông mới được minh oan rằng không phải ông quay lưng với kháng chiến mà là ông đã nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật trong giới trí thức nội thành từ năm 1952 và vào Nam năm 1954 theo lệnh của tổ chức. Tháng 3 năm 2000, Cục Chính trị thuộc Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có văn bản xác nhận nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo.
  • ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ hàng đầu của Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX, sức ảnh hưởng của Xuân Quỳnh lớn tới nỗi Google từng vinh danh bà trên trang chủ của họ vào năm 2019. Là nhà thơ nên tất nhiên bà nổi tiếng về thơ và hầu như khó tìm được ai không biết bài Thuyền và Biển của bà. Nhưng Xuân  Quỳnh cũng viết văn và viết rất nhiều truyện cho thiếu nhi, truyện Ông nội và ông ngoại dưới đây là một trong số đó.
  • LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Lời Nguyền là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, viết về quãng thời gian ông bị thực dân Pháp bắt tại Hà Nội (1941) và đưa lên giam giữ tại trại giam Vụ Bản, Châu Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình. Truyện được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc cuối cùng của nhà văn Khái Hưng. 
  • CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mưỡu Cuối được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1946, đặt làm Phần cuối và đem đi xuất bản ở Quốc Văn với tên Chùa Đàn. Với Tâm sự của nước độc, Nguyễn Tuân băng băng trèo lên đỉnh đèo văn, còn với Chùa Đàn, ông bồng bềnh trôi, chưa mỏi gối nhưng đã không còn đỉnh đèo nào để leo nữa.
  • CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần II của Chùa Đàn, được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1945 có tên Tâm sự của nước độc. Truyện có phần đề từ lấy trong Chữ Nhàn, một bài hát nói của Nguyễn Công Trứ; “Ai hay hát mà ai hay nghe hát”. Trong Chùa Đàn, truyện được sắp xếp thành phần II. Nhà văn Khái Hưng và một số nhà văn khác cho rằng, (việc) Nguyễn Tuân viết thêm Dựng và Mưỡu Cuối, đã làm hỏng mất sự toàn bích một tác phẩm tuyệt mỹ.
  • CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chùa Đàn được xem là tác phẩm hội tụ những gì tinh hoa nhất của nhà văn Nguyễn Tuân do Quốc Văn xuất bản năm 1946 tại Hà Nội. Chùa Đàn bắt đầu từ truyện ngắn Tâm sự của nước độc trong loạt truyện kinh dị Yêu Ngôn ông đăng trên các báo thời bấy giờ. Đến năm 1946, để phù hợp với diễn biến thời cuộc, ông viết thêm hai phần bổ sung, đặt làm phần Một và Ba, Tâm sự của nước độc trở thành phần Hai của tác phẩm.
    Dù là tác phẩm hay nhất của Nguyễn Tuân, nhưng Chùa Đàn đã bị đánh giá thấp do các yếu tốc ma quái kì dị đầy màu sắc tâm linh của nó. Kể từ lần in năm 1946 và sau đó được Tân Việt tái bản ở Sài Gòn* năm 1947, đến tận năm 1981, Chùa Đàn vẫn không được nhà xuất bản đưa vào tuyển tập của ông. Điều này đã khiến Nguyễn Tuân buồn bã đến nỗi; "Tôi tiếc cái Chùa Đàn quá. Họ cắt cái Chùa Đàn khỏi tuyển tập này, cũng giống như cắt cái gan ra khỏi bụng tôi".
    Đến năm 1999, Chùa Đàn mới được in trở lại trong tập Yêu Ngôn do nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh thực hiện. Ngày nay Chùa Đàn không những đã được xuất bản, mà còn được chuyển thể sang nhiều loại hình nghệ thuật khác như kịch nói, cải lương, phim điện ảnh. Ở mảng điện ảnh, Chùa Đàn được dựng thành bộ phim khá nổi tiếng Mê Thảo – thời vang bóng do đạo diễn Việt Linh thực hiện.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần cuối của Ngõ lỗ thủng, tác phẩm dựa trên những ký ức, sự kiện và nhân vật có thật của nhà văn Trung Trung Đỉnh, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ngõ lỗ thủng của Trung Trung Đỉnh dựa trên ký ức của những sự kiện, nhân vật có thật của chính nhà văn, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.