chan_dung-ke_si

Anh Phải Sống - Truyện ngắn Khái Hưng & nhất Linh

19-01-2023

Lượt xem 3727

Đánh giá 1 lượt đánh giá

Chia sẻ

Anh Phải Sống - Truyện ngắn Khái Hưng & nhất Linh

Trên đê Yên Phụ một buổi chiều mùa hạ.

Nước sông Nhị Hà mới bắt đầu lên to, cuồn cuộn chảy, tưởng muốn lôi phăng cái cù lao ở giữa sông đi.

Theo dòng nước đỏ lờ đờ, những thân cây, những cành khô trôi từ rừng về nổi lềnh bềnh, như một dãy thuyền nhỏ liên tiếp chạy thật nhanh tới một nơi không bờ không bến.

Ðứng trên đê, bác phó nề Thức đưa mắt trông theo những khúc gỗ ấy tỏ ra ý thèm muốn, rồi quay lại đăm đăm nhìn vợ, hỏi thầm ý kiến. Người vợ, ngắm sông, ngắm trời, lắc đầu thở dài, nói:

- Gió to quá mà đám mây đen kia ở chân trời đùn lên mau lắm. Mưa đến nơi mất, mình ạ!

Người chồng cũng thở dài, đi lững thững. Rồi bỗng đứng dừng lại, hỏi vợ:

- Mình thổi cơm chưa?

Vợ buồn rầu đáp:

- Ðã. Nhưng chỉ đủ cơm cho hai con ăn bữa chiều hôm nay.

Hai vợ chồng lại im lặng nhìn nhau... Rồi hình như cùng bị một vật, một định kiến nó thôi miên, nó kiềm áp, hai người đều quay lại phía sông. Những thân cây vẫn phăng phăng trôi giữa dòng nước đỏ.

Chồng mỉm cười, cái cười vơ vẩn, bảo vợ:

- Liều!

Vợ lắc đầu không nói. Chồng hỏi:

- Mình đã đến nhà bà Kí chưa?

- Ðã.

- Thế nào?

- Không ăn thua. Bà ấy bảo có đem củi vớt đến, bà ấy mới giao tiền. Bà ấy không cho vay trước.

- Thế à?

Hai chữ "thế à" rắn rỏi như hai nhát bay cuối cùng gõ xuống viên gạch đặt trên tường đương xây: Thức quả quyết sắp thi hành một việc phi thường, quay lại bảo vợ:

- Này! Mình về nhà, trông coi thằng Bò.

- Ðã có cái Nhớn, cái Bé chơi với nó rồi.

- Nhưng mình về thì vẫn hơn, cái Nhớn nó mới lên năm, nó trông nom sao nổi hai em nó.

- Vậy thì tôi về... Nhưng mình cũng về chứ đứng đây làm gì?

- Ðược, cứ về trước đi, tôi về sau.

Vợ Thức ngoan ngoãn, về làng Yên Phụ.

Tới nhà, gian nhà lụp xụp, ẩm thấp, tối tăm, chị phó Thức đứng dừng lại ở ngưỡng cửa, ngắm cái cảnh nghèo khó mà đau lòng.

Lúc nhúc trên phản gỗ không chiếu, ba đứa con đương cùng khóc lóc gọi bu. Thằng Bò kêu gào đòi bú. Từ trưa đến giờ, nó chưa được tí gì vào bụng.

Cái Nhớn vỗ em không nín cũng mếu máo, luôn mồm bảo cái Bé:

- Mày đi tìm bu về để cho em nó bú.

Nhưng cái Bé không chịu đi, nằm lăn ra phản vừa chửi vừa kêu.

Chị phó Thức chạy vội ẵm con, nói nựng:

- Nao ôi! Tôi đi mãi để con tôi đói, con tôi khóc.

Rồi chị ngồi xuống phản cho nó bú. Song, thằng Bò, ý chừng bú mãi không thấy sữa, nên mồm nó lại nhả vú mẹ nó ra mà gào khóc to hơn trước.

Chị Thức thở dài, hai giọt lệ long lanh trong cặp mắt đen quầng. Chị đứng dậy, vừa đi vừa hát ru con. Rồi lại nói nựng:

- Nao ôi! Tôi chả có gì ăn, hết cả sữa cho con tôi bú!

Một lúc thằng bé vì mệt quá, lặng thiếp đi. Hai đứa chị, người mẹ đã đuổi ra đường chơi để được yên tĩnh cho em chúng nó ngủ.

Chị Thức lẳng lặng ngồi ôn lại cuộc đời đã qua. Bộ óc chất phác của chị nhà quê giản dị, không từng biết tưởng tượng, không từng biết xếp đặt trí nhớ cho có thứ tự. Những điều chị nhớ lại chen chúc nhau hỗn độn hiện ra như những hình người vật trên một tấm ảnh chụp. Một điều chắc chắn, chị ta nhớ ra một cách rành mạch, là chưa bao giờ được hưởng chút sung sướng thư nhàn như những người giàu có.

Năm mười hai, mười ba, cái đĩ Lạc, tên tục chị phó Thức, xuất thân làm phu hồ. Cái đời chị, nào có chi lạ. Ngày lại ngày, tháng lại tháng, năm lại năm...

Năm chị mười bảy, một lần cùng anh phó Thức cùng làm một nơi, chị làm phu hồ, anh làm phó ngõa. Câu nói đùa đi, câu nói đùa lại, rồi hai người yêu nhau rồi hai người lấy nhau.

Năm năm ròng trong gian nhà lụp xụp ẩm thấp, tối tăm ở chân đê Yên Phụ, không có một sự gì êm đềm đáng ghi chép về hai cái đời trống rỗng của hai người khốn nạn, càng khốn nạn khi họ đã đẻ luôn ba đứa con.

Lại thêm gặp buổi khó khăn, việc ít, công hạ, khiến hai vợ chồng loay hoay, chật vật suốt ngày này sang ngày khác vẫn không đủ nuôi thân, nuôi con.

Bỗng mùa nước mạn năm ngoái, bác phó Thức nghĩ ra được một cách sinh nhai mới. Bác vay tiền mua một chiếc thuyền nan, rồi hai vợ chồng ngày chở ra giữa dòng sông vớt củi. Hai tháng sau, bác trả xong nợ lại kiếm được tiền ăn tiêu thừa thãi.

Vì thế năm nay túng đói, vợ chồng bác chỉ mong chóng tới ngày có nước to.

Thì hôm qua, cái ăn, trời bắt đầu đưa đến cho gia đình bác.

Nghĩ đến đó, Lạc mỉm cười, se sẽ đặt con nằm yên trên cái tã, rồi rón rén bước ra ngoài, lên đê, hình như quả quyết làm một việc gì.

Ra tới đê, Lạc không thấy chồng đâu.

Gió vẫn to, vù vù gầm hét dữ dội và nước vẫn mạnh, réo ầm ầm chảy nhanh như thác. Lạc ngước mắt nhìn trời: da trời một mầu đen sẫm.

Chị đứng ngẫm nghĩ, tà áo bay kêu phần phật như tiếng sóng vỗ mạnh vào bờ. Bỗng trong lòng nẩy một ý tưởng, khiến chị hoảng hốt chạy vụt xuống phía đê bên sông.

Tới chỗ buộc thuyền, một chiếc thuyền nan, Lạc thấy chồng đương ra sức níu lại cái nút lạt. Chị yên lặng đăm đăm đứng ngắm đợi khi chồng làm xong công việc mới bước vào thuyền hỏi.

- Mình định đi đâu?

Thức trừng mắt nhìn vợ, cất tiếng gắt:

- Sao không ở nhà với con?

Lạc sợ hãi ấp úng:

- Con... nó ngủ.

- Nhưng mình ra đây làm gì?

- Nhưng mình định đem thuyền đi đâu?

- Mình hỏi làm gì? Ði về!

Lạc bưng mặt khóc, Thức cảm động:

- Sao mình khóc?

- Vì anh định đi vớt củi một mình, không cho tôi đi.

Thức ngẫm nghĩ, nhìn trời, nhìn nước, rồi bảo vợ:

- Mình không đi được... nguy hiểm lắm.

Lạc cười:

- Nguy hiểm thời nguy hiểm cả... Nhưng không sợ - em biết bơi.

- Ðược!

Tiếng "được" lạnh lùng, Lạc nghe rùng mình. Gió thổi vẫn mạnh, nước chảy vẫn dữ, trời mỗi lúc một đen. Thức hỏi:

- Mình sợ?

- Không.

Hai vợ chồng bắt đầu đưa thuyền ra giữa dòng, chồng lái, vợ bơi. Cố chống lại với sức nước, chống cho mũi thuyền quay về phía thượng lưu, nhưng thuyền vẫn bị trôi phăng phăng xuống phía dưới, khi nhô, khi chìm, khi ẩn, khi hiện trên làn nước phù sa, như chiếc lá tre khô nổi trong vũng máu, như con muỗi mắt chết đuối trong nghiên son.

Nhưng nửa giờ sau, thuyền cũng tới được giữa dòng. Chồng giữ ghì lái, vợ vớt củi.

Chẳng bao lâu thuyền đã gần đầy, và vợ chồng sắp sửa quay trở vào bờ thì trời đổ mưa... Rồi chớp nhoáng như xé mây đen, rồi sấm sét long trời đất lở.

Chiếc thuyền nan nhỏ, đầy nước, nặng trĩu.

Hai người cố bơi, nhưng vẫn bị sức nước kéo phăng đi...

Bỗng hai tiếng kêu cùng một lúc:

- Trời ơi!

Thuyền đã chìm. Những khúc củi vớt được đã nhập bọn cũ và lạnh lùng trôi đi, lôi theo cả chiếc thuyền nan lật sấp...

Chồng hỏi vợ:

- Mình liệu bơi được đến bờ không?

Vợ quả quyết:

- Ðược!

- Theo dòng nước mà bơi... Gối lên sóng!

- Ðược! Mặc em!

Mưa vẫn to, sấm chớp vẫn dữ. Hai người tưởng mình sống trong vực thẳm. Một lúc sau, Thức thấy vợ đã đuối sức, liền bơi lại gần hỏi:

- Thế nào?

- Ðược! Mặc em!

Vợ vừa nói buông lời thì cái đầu chìm lỉm. Cố hết sức bình sinh nàng lại mới ngoi lên được mặt nước. Chồng vội vàng đến cứu. Rồi một tay xốc vợ, một tay bơi. Vợ mỉm cười, âu yếm nhìn chồng. Chồng cũng mỉm cười. Một lúc, Thức kêu:

- Mỏi lắm rồi, mình vịn vào vai tôi, để tôi bơi! Tôi không xốc nổi mình nữa.

Mấy phút sau chồng nghe chừng càng mỏi, hai cánh tay rã rời. Vợ khẽ hỏi:

- Có bơi được nữa không?

- Không biết. Nhưng một mình thì chắc được.

- Em buông ra cho mình vào nhé?

Chồng cười:

- Không! Cùng chết cả.

Một lát, một lát, nhưng Lạc coi lâu bằng một ngày, chồng lại hỏi:

- Lạc ơi! Liệu có cố bơi được nữa không?

- Không... Sao?

- Không. Thôi đành chết cả đôi.

Bỗng Lạc run run khẽ nói:

- Thằng Bò! Cái Nhớn! Cái Bé!... Không!... Anh phải sống!

Thức bỗng nhẹ hẳn đi. Cái vật nặng không thấy bám vào mình nữa. Thì ra Lạc nghĩ đến con đã lẳng lặng buông tay ra để chìm xuống đáy sông, cho chồng đủ sức bơi vào bờ.

Ðèn điện sáng rực bờ sông. Gió đã im, sóng đã lặng. Một người đàn ông bế một đứa con trai ngồi khóc. Hai đứa con gái nhỏ đứng cạnh. Ðó là gia đình bác phó Thức ra bờ sông từ biệt lần cuối cùng linh hồn kẻ đã hy sinh vì lòng thương con.

Trong cảnh bao la, nước sông vẫn lãnh đạm chảy xuôi dòng.

Hai lần tôi ly hôn và giờ đây vẫn độc thân. Tại tôi tất cả hay phần nào tại chị?

Chị hơn tôi năm tuổi, họ ngoại xa với tôi, theo luật hôn nhân bây giờ có thể lấy nhau.

Chị đẹp lắm, vì vậy lắm lời đồn đại những chuyện trăng hoa. Bố mẹ mất sớm, mười bốn tuổi chị đã xuống Hải Phòng làm thuê cho một hiệu tạp hóa, người cùng làng.

Mùa hè năm 1944, Hải Phòng khó sống, chị về làng ở với dì ruột. Thỉnh thoảng chị đến nhà tôi chơi. Tôi mới ở tuổi thiếu niên mà đã ngẩn ngơ trước sắc đẹp của chị. Chị thường mặc áo lụa mầu mỡ gà, ít khi vấn tóc, mớ tóc đen mượt chảy dài như suối qua đôi vai tròn và đầy đặn xuống sau lưng chị. Mỗi khi nói, chị thường hơi líu ríu, líu ríu nhưng giọng lại rung lên trong ấm lạ thường. Khi chị cười, mà chị thường luôn cười, tất cả mặt chị đều cười, miệng cười, mắt cười, đôi mắt đen cong lên, tóc và vai cũng cười theo. Da chị nõn nà, da và lụa như lẫn vào nhau, những đường cong lằn lên trên quần áo như đang chuyển động. Tạo hóa như không hề có chút khiếm khuyết nhỏ nào trên khuôn mặt và cơ thể chị.

Một hôm, chị bảo nóng quá, tối xuống ngủ ở nhà tôi. Cha tôi không ưa chị, không nói gì. Nhưng mẹ tôi vốn dễ dãi, bảo nhà rộng mát, chỉ có ba người, một dãy phản bỏ không, cả chục người đến ngủ còn rộng.

Tối chị đến, hình như vừa tắm gội xong. Tóc chị xõa ra để hong khô, thoang thoảng mùi hương sả và từ da chị vẫn còn tỏa ra thứ xà phòng thơm ngậy như mùi phấn rôm.

Bố mẹ tôi buôn bán, cũng có của, một mình tôi một chiếc màn tuyn trên phản gỗ lát gần ba chiếu, ở nhà trên năm gian hướng đông. Bố mẹ tôi ngủ ở nhà khách hướng nam. Chị mặc bộ đồ lót lụa, chẳng để ý gì đến tôi, coi tôi như trẻ con, mặc dầu tôi đã mười ba và đã đậu xéc-ti-phi-ca (1). Ðã thế chị còn trò chuyện với tôi như không, mãi rồi mới ngủ, còn tôi thì bồn chồn xao xuyến trong lòng. Nhà hướng đông, nằm sát bậc cửa, ánh trăng tràn qua màn tuyn tưới lên mái tóc và cơ thể chị. Chị nằm nghiêng, quay về phía tôi, khuôn mặt tuyệt đẹp hơi ngửa lên như hứng trăng, hai tay vươn ra như đang đón ai, đùi nọ ấp hờ đùi kia, hơi thở nhẹ nhàng. Từ người chị tỏa ra mùi phấn rôm và ánh trăng cũng như tràn ra từ đấy. Tôi xao xuyến không hiểu từ làn da mịn màng của chị, hay do ánh trăng, hay do mùi phấn, hay tất cả đã hòa quyện cùng nhau, thậm chí tôi không còn phân biệt đâu là mầu lụa, đâu là ánh trăng, đâu là da thịt chị. Tôi như không còn biết mình là ai nữa, đắm đuối, mải mê, hồi hộp nhìn chị, đôi lúc nhìn lại thân thể da thịt mình buồn nản thấy mình vô nghĩa. Mãi tôi mới chợp mắt được, nhưng rồi cứ chập chờn, thỉnh thoảng lại mở to mắt xem chị có thực không, còn ở bên tôi không hay đã biến mất. Tôi chợt ngủ, chợt thức, một lần bỗng rùng mình nhận ra đùi chị mịn như nhung, lúc ấm, lúc mát, gác lên đùi tôi. Tôi để yên không dám cựa quậy, sợ chị rút chân về. Lúc này trăng đã ra khỏi nhà. Tất cả chỉ còn nhờ nhờ, càng làm tăng cảm giác về làn da chị. Tôi không rõ mình ngủ thiếp đi lúc nào, nhưng chắc chắn, khi tôi bắt đầu thiếp đi, đùi chị vẫn còn trên đùi tôi. Sáng ra khi tôi choàng tỉnh, chị không còn bên nữa. Tôi vùng ngay dậy tìm chị, xem tất cả mọi chuyện đêm qua là thực hay hư. Chị đã rửa mặt và đang chải tóc. Chị cười bảo tôi:

- Ðêm qua chị ngủ ngon quá. Mà sao em hay nói mê thế?

- Thế à? Em nói mê những gì.

- Ú ớ, ú ớ... nhưng hình như có lần gọi chị.

- Chị có thưa không?

- Em đang ngủ biết gì mà thưa.

Không thấy chị đến ngủ nữa, tôi hỏi chị, chị bảo, hôm nào thật nóng và có trăng mới đến. Rồi tôi nghe phong thanh người ta làm mối cho chị một người làm khăn mũ. Sau đó là đám cưới của chị.

Cũng may lúc chị cưới tôi đã ra học ngoài Hà Nội, nếu không tôi sẽ buồn. Từ đấy gặp bất cứ người đàn bà đẹp nào tôi thường cũng đem so, nhưng chẳng ai có thể so với chị.

Hè năm sau, tôi nghe chị đã có con, nhưng được mấy ngày con chết và khoảng sau Cách mạng Tháng Tám, chị bỏ chồng, xuống buôn bán ở tỉnh Nam.

Mỗi năm tôi càng bước nhanh sang tuổi thanh niên, cùng với những biến đổi của giới tính, tôi càng hay nghĩ đến chị, đến cái đêm trăng chị ngủ cạnh tôi. Tôi đã học cùng bao nhiêu bạn gái, cùng lớp, dưới lớp, hầu hết con ông nọ, bà kia, chẳng ai có thể so với chị, trừ một cô con một ông phán, học dưới tôi hai lớp, khá đẹp, tôi đem lòng si mê ít lâu, nhưng tất cả mọi nét riêng, nét chung đều không thể nào mượt mà, hoàn chỉnh như chị, kể cả nước da cô có phần trắng hơn, hồng hơn, nhưng không thể lẫn vào lụa và trăng như da chị. Ðôi lúc tôi lẩn thẩn tự hỏi, nếu như bây giờ chị lại nằm cạnh tôi, hắt trăng ra như thế, tôi sẽ làm gì, tôi có dừng lại mặc cho đùi chị gác lên đùi tôi để tận hưởng làn da vừa ấm vừa mát hay không. Tôi, một học sinh chuyên khoa đã mười tám, mười chín, tương đối đẹp trai? Tôi có còn cảm thấy mình vô nghĩa nữa không?

Mãi tới năm 1952, một lần đi công tác, tôi mới lại gặp chị. Gặp chị giữa đỉnh đèo Khế. Tôi từ phía Sơn Dương về. Chị từ phía Cao Vân sang. Chị mặc áo phin nâu, gánh đôi tay nải. Chị nhìn thấy tôi trước:

- Cậu Hoàng!

Tôi cũng nhận ra chị ngay, mấy ai có dáng người đẹp như thế.

- Chị Vân!

Chị bỡ ngỡ nhìn tôi:

- Cậu lớn quá rồi, lại xinh trai nữa.

Không còn gì bằng được khen như thế, từ nay với chị, tôi không còn là trẻ con nữa. Như một chàng trai thực thụ, tôi rủ chị tới ngồi nghỉ dưới một bóng cây bên vách núi rìa đường.

- Cậu vẫn đi học đấy chứ?

- Em thôi rồi, em đi công tác.

Tôi khoe luôn đã đi công tác cho oai, cho chị biết tôi đã là người lớn. Ai ngờ chị lại hỏi tôi:

- Cậu đã học hết lớp sáu rồi đấy nhỉ?

Thế đấy, tôi nóng cả mặt, tôi đã học xong tú tài, đã công tác ở một ban huấn học một cơ quan trung ương; chị vừa khen tôi xinh trai, lại hỏi tôi như thế, tất nhiên chị chẳng hiểu nghĩa lớp sáu thế nào, nhưng dù sao chị vẫn có phần coi tôi bé nhỏ, trong khi tôi vẫn hằng xao xuyến mỗi đêm có trăng lọt vào giường tôi, mà lại gặp nhau tình cờ giữa nơi thơ mộng ở rừng núi này. Tôi hơi giận, không trả lời chị. Ðã thế chị còn cho biết chị đã lại lấy chồng, hai vợ chồng hiện ở Ðồng Bẩm, Thái Nguyên.

- Anh ấy làm gì? - Tôi hỏi sỗ sàng.

- Anh ấy cắt tóc.

Tôi hết giận, bỗng thấy thương chị, sao tạo hóa trớ trêu, một tạo phẩm tuyệt mỹ như thế, cứ đặt vào những tình cảnh éo le. Tôi nhìn chị, chị lại còn đẹp hơn xưa, vẻ đẹp hoàn chỉnh của người đàn bà đã phát triển đầy đủ. Chiếc áo phin nâu càng làm tôn lên phần gáy trắng xanh thon thả, mắt chị càng như đen hơn. Tôi buột miệng:

- Chị đẹp thế, sao không kiếm một người xứng đáng, thiếu gì người?

Chị thở dài:

- Các cụ bảo hồng nhan đa truân.

Tôi lại càng thương cảm chị hơn. Sao tôi không phải là người khác họ, không lớn tuổi hơn, hoặc ít ra bằng chị? Tôi đang nghĩ vẩn vơ thì một chiếc hen-cát từ phía Cao Vân bay xoẹt qua đầu. Chị hoảng hốt ôm chầm và dúi đầu vào ngực tôi. Một chiếc nữa xoẹt qua. Tôi vòng tay ôm lấy chị như để che chở, thầm mong những giây phút này kéo dài. Nhưng chúng không quay lại. Chị gỡ tôi ra, búi lại tóc, chỉ nghĩ đến máy bay, không hề hay biết mấy phút vừa qua, một bên vú chị đã ép chặt ấm nóng trên ngực tôi.

- Thôi, chị em mình đi đi, chị thấy bảo nó bắn mấy người chết ở đèo này rồi đấy.

Chợt nhớ ra điều gì, chị hỏi tôi:

- Ở chỗ cậu có bị sốt rét không?

- Có, nhưng em chưa bị.

Chị mở tay nải, bên trong là thuốc tây, dầu con hổ, xà phòng thơm, v.v... lấy ra một tuýp pa-u-đrin 100 viên đưa cho tôi:

- Cậu cầm lấy uống phòng, không bị vàng da như ký ninh vàng đâu.

Tôi miễn cưỡng cầm, và khi chị đi khỏi, tôi cáu kỉnh vứt tung xuống vực. Tôi cần gì cái thứ ký ninh đắng này.

Hòa bình lập lại, tôi lại gặp chị ở Hà Nội. Chị đã lấy một người chồng khác, làm nghề thợ may ngồi chợ. Chị ở sâu mãi tít trong một ngôi nhà ở ngõ Hàng Cháo, phòng chị ở rộng chừng 15 mét vuông, vốn là công trình phụ.

Thỉnh thoảng tôi vẫn đến chơi với chị. Mỗi lần đến với chị về, gần như tôi lại thay đổi người yêu. Có lần xuýt nữa tôi đã ngủ với một cô. Một cặp đùi và hông màu nâu hồng tuyệt đẹp, nhưng ngực hẹp và đôi vú nhỏ rất không cân xứng. Tôi lại nhớ đến dáng chị nằm như bơi trong trăng. Thế là tôi không ham muốn nữa.

- Anh thử em đấy thôi.

Và tôi kéo quần áo lại cho cô. Rồi tôi thôi không đến với cô.

Ba mươi tuổi tôi vẫn chưa lấy vợ. Chị giục tôi:

- Cậu cứ kén mãi, già mất thôi.

Rồi chị kéo tôi ra tủ gương, đứng sát vào người tôi:

- Thấy chưa, cậu già hơn chị mất rồi.

Chị cứ đứng sát vào tôi như thế, nhìn gương, nhìn tôi, mớ tóc đen dày chảy như suối trên vai chị, đôi mắt đen như nhung cong lên, như thách đố. Và mùi phấn rôm. Tại sao vẫn cứ mùi phấn rôm? Mùi phấn rôm làm tôi nhớ tới ánh trăng. Tôi nhắm mắt lại.

- Kìa, cậu làm sao thế?

- Em hơi chóng mặt.

- Thế à, chị lấy dầu cho.

Chị thoa lên thái dương tôi. Dầu làm nóng bừng hai bên thái dương, nhức nhối.

- Thôi, em về đây.

- Ðừng, nhỡ sao dọc đường thì chết.

- Không sao, em ra đường thoáng hơn.

Tôi lấy vợ rồi tôi bỏ vợ. Chị hỏi tôi:

- Tại sao cậu bỏ mợ ấy?

- Có nói chị cũng không hiểu được.

Chị cười, dí vào trán tôi:

- Chắc lại phải lòng cô nào chứ gì? Ðẹp trai lại học cao như cậu là hay tệ lắm.

- Vâng, nhưng lại phải lòng người có chồng rồi.

- Dớ dẩn, thiếu gì người, phải đâm vào chỗ nạ dòng, để chị tìm cho, chị mà ưng, cậu cũng phải ưng.

Chị tìm cho tôi thật, ba bốn cô, nhưng làm sao chị biết được người tôi muốn lấy phải như thế nào.

Rút cục tôi vẫn lấy, rồi tôi lại bỏ, do không bao giờ tìm thấy cảm giác về làn da vừa ấm vừa mát khi xưa.

Chị cám cảnh cho tôi và chị:

- Xem ra đường nhân duyên chị em mình đều vất vả như nhau.

- Vâng, nhầm cửa lung tung cả.

Nói rồi, tôi nhìn chị xem chị hiểu thế nào. Hình như chị lại hiểu khác, chị bảo:

- Như cậu ngày xưa phải lấy được con quan.

- Còn chị, đáng ra chị phải là vợ một ông bộ trưởng.

Chị cười, mắng yêu tôi:

- Chị nói thật tình, còn cậu lại trêu chị.

- Em không trêu đâu, chị còn đẹp hơn bà Máccốt (2) đấy.

Lời tôi nói thiêng một nửa. Chị trở thành cấp dưỡng cho một ông bộ trưởng. Chuyện đó xảy ra khoảng thời gian đầu sơ tán chống Mỹ. Tôi đến nhà chị, tức tối:

- Làm gì chẳng làm, sao lại nhận cái việc ấy?

- Thế cậu bảo chị làm gì? Văn hóa chẳng có, chữ nghĩa dăm ba câu, trước còn chạy chợ nhì nhằng, bây giờ sơ tán, làm gì?

- Tự chị đi xin à?

- Chán cậu, chị biết đằng nào mà lần, mà tự dưng ai dám đến những chỗ ấy, một bà ở thực phẩm thấy chị cẩn thận, sạch sẽ, giới thiệu cho đấy chứ.

- Thế bà ta đâu, bà bộ trưởng ấy, thường thường các ông ấy luôn dành tiêu chuẩn cấp dưỡng cho vợ mình kia mà.

- Bà ấy đi sơ tán với các con, thế mới đến lượt mình.

- Ra chỉ mình họ cần tránh bom đạn thôi ư?... Rồi yên, bà ấy về thì sao?

- Lúc ấy hãy hay, cứ biết làm là làm đã.

Chợt nghĩ đến việc vợ con ông ta đi sơ tán cả, đầu óc tôi tối sầm. Tôi mười ba tuổi còn ngẩn ngơ trước sắc đẹp của chị. Chả lẽ tôi là một ngoại lệ? Chả lẽ ông ta, một ngoại lệ nghịch đối?

- Chỉ mỗi mình ông ta ở nhà thôi à?

- Có bảo vệ nữa chứ.

Chị nói vậy, tôi nhẹ nhõm đi một chút, nhưng rồi vẫn băn khoăn:

- Chị ăn uống luôn ở đấy chứ?

- Chị về ăn ở nhà, mình làm gì có tiêu chuẩn ăn ở đấy... Mà sao cậu cứ cật vấn mãi chị thế?

Ðiều tôi vẫn kìm giữ, chợt nổ tung ra:

- Là bởi vì em không thích chị làm cấp dưỡng cho ông ta, thế thôi - Rồi tôi lảm nhảm: - Nếu em có quyền, em sẽ cấm chị, nếu em hơn tuổi chị... nếu em...

- Chị biết rồi... - Chị nói bằng một giọng như người có lỗi. - Nhưng ông ta tốt lắm...

- Tôi thì kém gì họ, thậm chí học vấn còn hơn họ, tâm hồn tư cách, chắc ai hơn ai.

Tôi vừa nói vừa vùng vằng bỏ về. Bẵng đi mấy tháng tôi không đến chị, nhưng tôi đâu có được thư thái. Tôi nghĩ ngợi lung tung. Nghĩ tới các ngoại lệ. Tôi suy diễn đủ chuyện. Rút cuộc tôi vẫn phải mò đến chị, chị hơi đẫy ra, trắng hơn, càng đẹp, nhưng hơi buồn. Chưa bao giờ tôi trông thấy chị buồn. Với tôi, mắt chị bao giờ cũng cười, lần này mắt chị không cười. Chị buồn buồn hỏi tôi:

- Sao lâu cậu không đến chơi?

- Ðộ này em bận.

- Bận hay giận chị?

Chị nghĩ tôi giận nên buồn ư? Tôi chả còn mong gì hơn thế nữa. Tôi cố tỏ ra không phải tôi giận chị. Nhưng chị vẫn ít khi cười nữa. Khi cười, khi ưu tư. Về phía tôi, tôi cũng đâm ưu tư về nỗi ưu tư của chị.

Khoảng một năm sau, tôi thấy chị đeo cái vòng ngọc cẩm thạch. Cánh tay chị như cánh tay vũ nữ, chiếc vòng ngọc càng làm cho nõn nà hơn. Tôi lạnh lùng hỏi chị:

- Chị mới mua à?

Chị không trả lời câu hỏi mà lại giơ cánh tay lên hỏi tôi:

- Cậu bảo có đẹp không?

Tôi bực mình:

- Ðẹp là ở cánh tay chị ấy, đâu phải cái vòng, nó vướng thêm thì có.

Từ đó tôi ít đến chơi.

Mấy năm sau nữa, lúc bắc nam đã thống nhất, chị khoe chị được thưởng phiếu nghỉ ở Sầm Sơn và hỏi tôi đã lần nào đi Sầm Sơn chưa? Tôi trả lời bằng một giọng hờn dỗi, pha chút mỉa mai:

- Ði Sầm Sơn là phải có đôi, tôi có đôi đâu mà đi!

Sau đó mấy hôm, một buổi sáng, tôi đang đạp xe trên đường Phan Ðình Phùng, một chiếc vôn-ga đen lướt nhẹ qua tôi. Tôi vô tình nhìn vào trong xe. Nhưng xe lướt nhanh quá, tôi chỉ thoáng thấy người đàn bà ngồi ở ghế sau, tay đeo vòng ngọc tỳ lên cửa kính, cánh tay nõn nà như tay vũ nữ. Ngồi cạnh tài xế, ghế trước là một người hói trán, không rõ mặt, chỉ rõ chiếc kính râm và cái gáy u lên những mỡ.

Từ đấy tôi chỉ còn gặp chị trong ánh trăng. Mỗi khi trăng tràn vào trong màn, tôi lại tưởng như chị nằm nghiêng, quay về phía tôi, đùi khép hờ, hai cánh tay vươn ra đón tôi. Tôi nghe thấy như chị bảo:

- Cậu trẻ con quá!

- Ðến bao giờ chị mới thôi coi em là trẻ con?

- Thì đã có lần nào cậu là người lớn đâu!

Tôi có yêu chị không? Chưa bao giờ tôi hỏi mình như vậy. Và có hỏi cũng khó trả lời. Tôi có yêu chị không hay tôi chỉ muốn tìm yêu một người như chị? Nhưng nếu tôi đã khẳng định không ai có thể so với chị, phu nhân tổng thống cũng không bằng, bao giờ tôi mới tìm được một người như thế? Tuy nhiên tôi vẫn đi tìm trong ánh trăng, ánh trăng từ chị hắt ra đêm hôm ấy, cái đêm tôi còn làm một thiếu niên trong trắng, ngây thơ, ánh trăng và mùi phấn rôm làm tôi xao xuyến, chơi vơi mãi trong đời.

Và chị có cho là tôi yêu chị không?

Ðêm 27-9-91

Trăng lên

Bài liên quan
  • KÝ SỰ CAO LẠNG - NGUYỄN HUY TƯỞNG

    KÝ SỰ CAO LẠNG - NGUYỄN HUY TƯỞNG

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ký sự Cao Lạng của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng được ghi nhận là một trong những tác phẩm dài hơi đầu tiên của nền văn học kháng chiến chống thực dân xâm lược Pháp, đại diện xuất sắc cho thể loại ký sự trong văn học sử Việt Nam thời hiện đại. Tác phẩm như một thiên sử thi, ghi lại những diễn biến lần đầu tiên Quân Đội Nhân Dân Việt Nam tiến công quân xâm lược Pháp, do đích thân Hồ Chủ Tịch ra trận chỉ đạo, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đảm nhận trọng trách chỉ huy trưởng chiến dịch. Ký Sự Cao Lạng cùng với một số tác phẩm khác của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh (giải thưởng diễn ra 5 năm một lần) trong lần đầu tiên giải thưởng này được tổ chức năm 1996.
  • MÙA GỤ - Truyện thiếu nhi Trần Tâm

    MÙA GỤ - Truyện thiếu nhi Trần Tâm

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mùa Gụ là truyện ngắn trong tập Ngày mai sẽ nắng của nhà văn Trần Tâm, Nxb Kim Đồng in năm 2002.
  • ĐI COI NƯỚC -Truyện ngắn Nguyễn Trọng Nghĩa

    ĐI COI NƯỚC -Truyện ngắn Nguyễn Trọng Nghĩa

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chuyện của nhà văn gốc Cà Mau, về miền sông nước...
  • CHUYẾN XE CUỐI NĂM - Truyện ngắn Thanh Tịnh

    CHUYẾN XE CUỐI NĂM - Truyện ngắn Thanh Tịnh

    Chuyến xe lửa đêm ra Bắc hôm nay có vẻ hấp tấp vội vàng như người đi trốn nợ. Thỉnh thoảng đầu xe lại thét vội giữa quãng đồng không, xa xa. Nghe như hơi thở của đêm vắng.
  • LÀN GIÓ CHẢY QUA – Truyện ngắn Lê Minh Khuê

    LÀN GIÓ CHẢY QUA – Truyện ngắn Lê Minh Khuê

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Làn gió chảy qua là truyện ngắn trong tập truyện cùng tên được trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2016.
  • THÁNG BẢY – Truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh

    THÁNG BẢY – Truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Tháng Bảy là truyện không ngắn như những truyện ngắn khác mà nhà văn Phan Thị Vàng Anh thường viết, nó dài hơn hẳn. Truyện được viết khi tác giả tham dự chương trình viết văn của Đại học Iowa, Mỹ, đăng trên TTCT năm 1996.
  • HỌC TRÒ GIÀ – Truyện ngắn Trần Kim Trắc

    HỌC TRÒ GIÀ – Truyện ngắn Trần Kim Trắc

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhà văn quê gốc Chợ Gạo Trần Kim Trắc, còn được biết đến với tên gọi Ông Thiềm Thừ, theo tên một truyện ngắn xuất sắc của ông, là một trong những cây đại thụ của văn chương Nam Bộ. Truyện nào của ông, cũng như gieo những cơn mưa Nam Bộ, thấm đẫm từng trải và bạt ngàn vốn sống lên văn đàn.
  • ĐẢO CỦA DÂN NGỤ CƯ – Truyện ngắn Đỗ Phước Tiến

    ĐẢO CỦA DÂN NGỤ CƯ – Truyện ngắn Đỗ Phước Tiến

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Truyện ngắn Đảo của dân ngụ cư của nhà văn Đỗ Phước Tiến in trên báo Văn học và Dư luận năm 1992, ngay lập tức đã gây chú ý  tới đông đảo độc giả yêu mến văn chương. Năm 1994, Đảo của dân ngụ cư đã được dịch sang tiếng Pháp với tựa Terre des éphémères và được lấy làm tên cho một tập truyện xuất bản ở Paris. Truyện cũng được dịch sang tiếng Anh với tựa The Way Station trong tuyển tập Night, Again xuất bản tại New York năm 1996. Đến năm 2016, tại Việt Nam, nó được chuyển thể thành phim điện ảnh cùng tên do Hồng Ánh đạo diễn.
  • THẾ GIAN MỘT THẺO NHÂN TÌNH – Truyện ngắn Nguyễn Trọng  Nghĩa

    THẾ GIAN MỘT THẺO NHÂN TÌNH – Truyện ngắn Nguyễn Trọng  Nghĩa

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Truyện ngắn THẾ GIAN MỘT THẺO NHÂN TÌNH của Nhà văn Cà Mau Nguyễn Trọng Nghĩa in lần đầu trên báo Tuổi trẻ chủ nhật sau đó in trong tuyển tập Truyện ngắn hay Tuổi Trẻ Chủ Nhật, nhà xuất bản Trẻ 2005.
  • ĐIỆU MAMBO HƯ ẢO – Truyện ngắn Nguyễn Đình Tú

    ĐIỆU MAMBO HƯ ẢO – Truyện ngắn Nguyễn Đình Tú

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhà văn Nguyễn Đình Tú đến với văn chương từ cuộc thi Tác Phẩm Tuổi Xanh của Báo Tiền Phong năm 1995, với giải thưởng cho truyện ngắn Niềm vui của một dòng họ. Nhưng phải tới khi đạt giải nhì cuộc thi văn chương của Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1999, anh mới chính thức rẽ vào làng văn và trở thành một trong những nhà văn thế hệ 197x viết nhiều và đa dạng thể loại thành công nhất hiện nay.