Nhà văn Đào Vũ (1927-2006)
Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhà văn Đào Vũ nổi tiếng với tiểu thuyết Cái Sân Gạch, tác phẩm đưa ông đến với Giải thưởng Nhà Nước về Văn học Nghệ thuật đợt I năm 2001. Ông là một trong số những nhà văn sáng tác văn chương nhiều nhất Việt Nam và có sách xuất bản hầu như mỗi năm ở nhiều thể loại; tiểu thuyết, truyện vừa, truyện ngắn…
***
Cô vẫn ngồi im tăm tắp, cứng đờ cả người, hai mắt mở to, với hai dòng lệ chảy xuống ròng ròng. Cô không khóc thành tiếng, mặc cho nước mắt chảy. Mãi rồi mới nói như thể không có tôi ở đây, nói với anh Long hay một mình: Anh ấy đã đi xa rồi, để lại... một vợ, một con, một niềm xót xa...
Cuộc gặp gỡ lại ngẫu nhiên và ly kỳ đến mức cả tôi cũng khó tin là thật. Nhưng không thật sao được? Rõ ràng là cô Gon đang ở trước mặt tôi chứ còn ai nữa!
- Kìa, có phải cô... cô Gon không?
- Vâng, em.
- Có việc gì lại lên tận đây?
Cô Gon không trả lời câu hỏi ấy của tôi, vẫn đứng nguyên chỗ cũ, không vồn vã, thậm chí còn hơi lạnh lùng và có phần dè dặt.
- Em cứ tưởng anh không nhận ra em nữa.
... Những sự tình cờ ở đời thật không biết thế nào mà lường được. Có khi sự này được xâu chuỗi vào với sự khác, có khi như bàn tay vô hình nào sắp đặt hẳn hoi chứ không phải sự tình cờ.
Miền Nam vừa mới được giải phóng, tôi vào thăm, rồi bây giờ trên đường trở ra Bắc bằng ô tô. Như bình thường thì ai nấy đều đi đường số 1, vừa là đường nhựa dễ đi, vừa nhanh hơn không phải vòng vèo. Tôi vì cái tính nghề nghiệp, lại muốn vòng lên Trường Sơn, trở ra bằng hệ thống đường thời chiến mà ta vẫn quen gọi là đường mòn Hồ Chí Minh. Tôi đã đi nhiều lần trên những con đường này. Nhưng vì là thời chiến, toàn phải đi đêm, lại đi trong hoàn cảnh lúc nào cũng có máy bay địch và bom mìn đủ kiểu, nên có nhiều hạn chế. Nay không có máy bay địch, lại được đi ban ngày, chắc hẳn mọi sự sẽ khác lắm. Tôi phải giáp mặt trở lại với những con đường và những quang cảnh ấy xem sao.
Hơn nữa, tôi còn muốn lên thăm - tôi nghĩ riêng là lên thăm lần cuối - những binh trạm thân yêu kia, nơi tôi đã sống bao nhiêu năm tháng, có bao nhiêu kỷ niệm với những người đang sống và những người đã chết. Tôi nghĩ thăm lần cuối là vì, không những từ ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, mà ngay từ ngày quân xâm lược Mỹ buộc phải rút chân khỏi miền Nam, lực lượng máy bay ngụy không đủ sức vươn cổ ngó tới vùng này nữa, thì cả anh em họ mạc ngành giao thông vận tải quân sự nhà ta đã “lật cánh” từ tây sang đông, rời bỏ những tuyến đường tây Trường Sơn không sử dụng nữa rồi. Các binh trạm chỉ còn để lại những bộ phận chưa thể chuyển được hoặc không cần chuyển. Tôi chắc, không trở lại chuyến này, ít lâu nữa có trở lại cũng chỉ là rừng núi hoang vu. Mà rừng núi thì tôi có nhiều kinh nghiệm, nó có sức phản công ghê gớm lắm. Chỉ cần một thời gian ngắn không có vết chân người, nó đã phản công trở về dạng nguyên thủy của nó. Bởi vậy, dù phải đi đường xa, đường xấu, tôi cũng cố đi vòng lên, ít nhất cũng vòng lên binh trạm 14 và binh trạm 16.
Có lẽ cũng phải nói đôi lời về binh trạm để cắt nghĩa tại sao tôi lại có sự gắn bó và yêu cầu nghề nghiệp như vậy.
Hệ thống binh trạm của quân đội như thế này, thực ra chỉ có tổ chức trong thời chiến. Gọi là trạm nhưng quy mô không phải nhỏ, thông thường không bằng một sư đoàn thì cũng lớn hơn lữ đoàn, cho nên chúng tôi vẫn gọi đùa các thủ trưởng binh trạm lã “lữ già, sư non”. Nhiệm vụ của các binh trạm trên tuyến đường Hồ Chí Minh này bao gồm bốn việc chính: giao thông, vận tải, giao liên và tải thương. Nghe thì gọn ghẽ như vậy nhưng công việc thì dài dòng lắm. Ví dụ: nhiệm vụ giao thông có nghĩa là mở đường, làm đường, sửa đường, giữ đường (bao gồm cả cầu cống, đò phà), làm bằng lực lượng công binh, thanh niên xung phong và cả công nhân nếu có, chiến đấu với đất đá, với mưa lũ và nhất là với bom đạn quá nhiều của giặc Mỹ. Nhiệm vụ vận tải thì như tên gọi của nó, làm nhiệm vụ vận tải hàng vào và hàng ra, dù hàng vào hay hàng ra cũng là để nuôi cuộc chiến đấu chống Mỹ ở miền Nam. Vậy là có công việc quản lý bao nhiêu đơn vị xe cộ thuyền bè vận tải, quản lý một hệ thống kho tàng; công việc tổ chức chỉ huy các cung độ, trạm chuyển, đội hình chiến thuật... Còn hệ thống các trạm giao liên có nhiệm vụ bảo đảm cho việc thương binh từ chiến trường chuyển ra hậu phương miền Bắc nhanh chóng và an toàn. Mặt khác, bảo đảm cho các đơn vị quân đội (và cả cán bộ các ngành) hành quân như như nước chảy vào chiến trường miền Nam bằng đường bộ cũng phải nhanh chóng và an toàn. Muốn làm được, phải có riêng một hệ thống đường hành quân khác với đường vận tải, rồi bãi trú quân, các giao liên dẫn đường, đảm đương từ việc tiếp tế, ăn ở, y tế, bảo vệ, đến việc giải trí bằng những rạp văn công, chiếu bóng trong hầm, những phòng triển lãm lưu động, v.v...
Kể tạt ngang bằng vài lời như vậy, tôi không có tham vọng giới thiệu được hết các hoạt động của một binh trạm là đầu mối của bao nhiêu sợi dây, là cái nút của bao nhiêu đầu mối như vậy, cho nên dù có muốn đi theo anh bộ đội hành quân, hoặc muốn tới chỗ làm đường, hoặc muốn tìm hiểu một đơn vị ô tô... tôi cũng đều phải qua binh trạm. Vì nhiều mối dây liên hệ trước và nay về nhiều việc, với nhiều đồng chí của mình còn sống hay đã chết, tôi phải trở lại, ít ra cũng một lần này nữa.
Như vậy là tôi đã tới binh trạm 14 đây từ hai hôm nay. Đáng lẽ tôi cũng đi rồi. Nhưng cậu lái xe bỗng nổi một cơn sốt rét. Tôi phải để cậu ấy nghỉ ngơi. Thời gian kéo dài thêm ấy, đối với công việc của tôi cũng rất có ích. Tôi đi khắp được các nơi ở cũ của binh trạm bộ, trong đó có cái hang nhiều ngách với nhiều kỷ niệm vốn là cơ quan của ban công tác chính trị binh trạm. Tôi trở về lại “ngôi nhà tập thể” để gọi một ngách khá dài của một cái hang đá lớn. Trong ngách này, toàn là những giá gỗ chất đầy những ba lô và di vật của các anh em đã hy sinh. Vì đang thời chiến, xe cộ phải ưu tiên các việc chiến trường, nên những di vật đó chưa có xe để chở về ngoài Bắc trả lại cho người thân của anh em.
Mấy lần trước cũng như lần này, về đây, tôi không ở ngoài nhà khách mà vào nằm với cậu Hạnh, “cán bộ chính sách” của ban công tác chính trị, tức là cán bộ đặc trách việc giải quyết các chế độ chính sách đối với các anh em liệt sĩ. Ngách hang này hết sức tĩnh mịch, cậu Hạnh lại biết rất nhiều chuyện. Cả hai điều đối với tôi đều quý.
Ở đây, cứ chiều chiều, lúc cơm xong, bữa cơm cũng như hôm nay, tôi đều xuống núi, lội qua một con suối nhỏ, lững thững ra chơi ngoài nhà khách (Nghe nói binh trạm độ này đặc biệt có nhiều khách hậu phương).
Cũng bởi vậy mới có cuộc gặp gỡ bất ngờ với cô Gon.
Không phải chỉ trong câu nói “em cứ tưởng anh không nhận ra em nữa”, mà ngay từ cách ứng xử đầu tiên, tôi đã thấy cô nói điều gì khác ý.
Cô ấy thì đang ở trong nhà khách. Đó là mấy gian nhà cất lên từ thời chiến ở bên đường, đầu tiên dùng làm chỗ ở cho anh em điều chỉnh giao thông trạm ba-ri-e, sau làm trạm chờ anh khách vãng lai của binh trạm, bây giờ được dùng làm nhà khách. Ở đây có cái tiện là khách phương xa đỡ phải leo dốc lên hang núi. Tuy gần đường, nhưng bất tiện là nhà vốn làm nửa nổi, nửa chìm, núp quá kín dưới những lùm cây, nên suốt ngày tối om. Như vậy là cô ấy đang ở trong chỗ tối, mà tôi từ ngoài bóng chiều bước vào, dẫu sao cũng là từ chỗ sáng, nhất định là cô ấy phải nhìn thấy tôi ngay từ lúc mới ló ra. Cô ấy không gọi. Tôi bước vào cũng không chào trước, đợi tôi nhận ra, chào trước, hỏi rồi cô mới đáp lời. Tuy đáp lời đấy nhưng vẫn đứng nguyên bên khung cửa sổ.
“Em cứ tưởng...” Nghe qua giọng nói, nhất là qua ánh mắt của cô, tôi nhận ra hình như là cô muốn thử thách xem tôi có còn nhớ hay không. Hơn thế nữa, tôi còn cảm thấy rõ rệt cả sự gần như thách thức, ngạo nghễ: “Nếu anh không còn nhớ tôi là ai thì tôi cũng chẳng cần nhận anh làm gì!”
Tôi còn nhận ra cô Gon, còn nhớ được cả tên cô, chẳng phải nhờ sự thông minh sáng láng gì của tôi, mà chính là nhờ cô ấy, một người có nét mặt và cung cách xử sự đã gặp là không quên được. Lại nhờ cảnh ngộ tôi gặp cô lần trước rất éo le. Không những thế, trong nội dung cuộc gặp lại có những thắc mắc còn treo đến tận bây giờ cũng không ai giải đáp cho được. Bởi vậy, thật như cô có ý thánh thức hay ngạo nghễ đi nữa, tôi cũng chấp nhận.
Nghe cô nói và nhìn ánh mắt cô như vậy, tôi vẫn bước tới chỗ cô đứng, nói ngọt ngào:
- Tôi là người chịu ơn cô, không nhận cô mà nên ư?
- Hí hí! - Cô bật cười hồn nhiên và cười to, tiếng cười làm rộn cả mấy gian nhà tối và có phần bất ngờ đối với tôi - Đánh giặc lại là làm ơn hả anh?
Tôi cũng đành cười xòa cho khỏi bàn cãi để chuyển sang câu chuyện thiết thực hơn.
- Thế cô có việc gì?
- Vâng - Cô nhận ra ngay tôi đã phải nhắc lại câu hỏi đó, nên ngắt lời tôi đáp - Đơn vị em được điều hẳn sang tuyến đường Trường Sơn. Ban chỉ huy cho em nghỉ phép về thăm nhà. Nhưng em chẳng về. Em lên trên này chơi với nhà em...
- Ồ, thế ra anh ấy ở trên này à? Mà bây giờ vẫn chưa vào tuyến trong, còn ở đây?
- Dạ, anh ấy không vào tuyến trong, vẫn ở trên này... ở trên này mãi mãi, anh ạ.
Tôi đã kịp nhận ra ánh mắt xa vời vợi của cô Gon. Nghĩa là, cũng như mấy trường hợp hôm qua tôi đã biết, cô Gon lên thăm mộ chồng. Biết vậy nên tôi không dám gợi sâu hơn nữa.
Vừa lúc ấy, một thằng bé lững chững từ ngoài lùm cây chạy vào nhà, miệng gọi
“Mẹ, mẹ”.
- Đứa nào thế này? Cháu đấy à, cô? - Chính cô Gon hình như cũng muốn thoát khỏi sự hồi tưởng hẳn là đau buồn kia, nên nghe tôi hỏi về cháu, cô mỉm cười. Tôi chặn đường thằng bé: “Bác bế cháu trai nào”.
Như nó tránh, nó chạy khỏi vòng tay tôi là ra với mẹ.
- Ê, con trai sắp đi bộ đội được rồi còn bắt mẹ bế... - Thằng bé vẫn ôm lấy cổ mẹ, không quay lại. Tôi hỏi cô Gon - Cháu lên mấy rồi?
- Cháu hai tuổi rưỡi ạ.
- Chà, chà, ngày ấy gặp nhau, cô Gon còn là “cô xạ thủ tốt bụng”, cô vẫn nhớ chứ? - Lần gặp trước, cô đang có mang mà vẫn bắn trung liên, tôi gọi trêu cô như vậy - Nay, đã được thằng cu hai tuổi rưỡi. Nhanh quá cô Gon nhỉ?
- Anh bảo cũng hơn ba năm rồi còn gì.
Hơn ba năm trước, vào cái thời điểm hào hùng đấy sức kích động của cuộc đột phá Cồn Tiên, Dốc Miếu, rồi tiếp đó là cuộc giành giật hết sức quyết liệt khu thành cổ Quảng Trị, tôi có việc phải đi vào tuyến trong. Độ ấy, máy bay Mỹ bị hút gần hết vào mấy điểm nóng, chúng không còn bao nhiêu sức để khống chế các tuyến đường vận tải quân sự của ta. Chúng ta chuyển sang đi tuyến đông Trường Sơn nhiều, đi lấn ngày khá phổ biến. Trong tư tưởng có phần coi thường hoạt động của không lực Hoa Kỳ, ít ra là tôi có tư tưởng ấy.
Một buổi chiều, trời mù càng khuyến khích tư tưởng chủ quan khinh địch, tôi tặc lưỡi cho xe chui qua khỏi rừng lên đường từ quá nửa chiều, định tranh thủ nuốt lấy đoạn đường khó đi trước khi trời tối. Không ngờ luồng bụi đỏ cuốn theo xe tôi gọi ngay “ruồi bọ, ma quỷ” Hoa Kỳ - máy bay chúng phát hiện mục tiêu và lăn xả xuống ngay.
Xe tôi lâm vào thế bí. Đường hẹp bên núi bên khe, chưa đến quãng có rừng để chui vào, quay lại cũng chẳng xong. Quãng này, hỏa lực mặt đất của dân chưa có, của quân bảo vệ giao thông hơi thưa.
Chúng nó cứ như là cắt bắt gặp gà con, ra chiều ăn hiếp và áp đảo. Nó bắn đón phía trước xe, xe tôi dừng lại tránh. Nó bắn đuổi, xe phóng vọt lên lợi dụng cua đường gấp cho anh nó vồ hụt. Dẫu sao cũng là tình cảnh nguy ngập, có cơ mất còn với nó.
Chính lúc ấy, bỗng trên một ngọn núi phía tay phải chúng tôi, bật lên một điểm hỏa lực. Nghe có thể nhận ra cả tiếng nổ giòn giã của trung liên. Chúng tôi không ngờ, lũ kẻ cướp càng bị bất ngờ. Vì chúng đang uy hiếp thế bí của chiếc xe tôi, đang phát huy lợi thế áp đảo của chúng; đinh ninh chỗ này không có một sự đe dọa gì, chúng đang lượn vòng mãi, sà xuống thấp mà không cần giữ gìn gì. Vậy nên, hỏa lực bất thần trên núi rõ ràng suýt nữa làm chúng khốn đốn.
Nhưng ngược lại, chính vì chỉ có một điểm hỏa lực duy nhất ấy, chúng phát hiện được ngay. Tất nhiên chúng không bỏ qua, chúng chụp lấy định nuốt sống. Thế là hỏa điểm kia đã trở thành điểm chia lửa rất hữu hiệu đối với xe chúng tôi. Chúng bắn xối xả xuống trận địa trên núi. Và chúng tôi vẫn nghe thấy tiếng trung liên chống trả một cách ngoan cường. Còn cái xe, nhờ sự xoay chuyển thế trận ấy mà bứt xa lên được một quãng, chui lẩn vào rừng làm cho chúng lúc quay lại thì không tìm thấy mục tiêu nữa.
Rồi đến lượt trận địa trên núi cũng không còn tiếng trung liên. Chúng tôi vẫn lắng nghe, chờ đợi và có phần lo lắng. Nhất là sau đó, khi thấy chúng tức tối, lồng lộn trút xuống núi, xuống đường bao nhiêu bom đạn mà chúng mang theo...
Cuối cùng là xe tôi không việc gì, các đoàn xe bạn còn chưa xuất phát vẫn ở nơi ẩn náu an toàn. Nhưng đoạn đường phía trước và hai ngầm chúng tôi sẽ phải qua thì đều “dính” bom, bị hư hỏng nặng, coi như bị cắt đứt, đêm ấy không hy vọng gì thông xe.
Có thể nói, việc còn làm chúng tôi băn khoăn hơn, đó là không biết trận địa trên núi sau trận oanh tạc ấy thế nào. Bài toán không thể có đáp số, vì ngay đến trận địa kia là của lực lượng nào cũng còn không biết để mà đi hỏi thăm. Giữa những người qua đường với nhau thì ai cũng bảo dứt khoát không phải bộ đội bảo vệ giao thông, dân vùng này không có, thanh niên xung phong, công binh làm đường quá dưới kia hơn mười cây số.
Đợi đến tối, qua đêm đến sáng, vẫn chưa thông được đường. Chúng tôi tìm chỗ giấu xe, chuẩn bị tinh thần nằm đây một ngày, đợi đến tối mới vượt được quãng này.
Anh em mắc võng định ngủ. Riêng tôi không sao không ngủ được, nỗi thắc thỏm phía trên núi giày vò. Thế là tôi bàn với anh em, để lại một người coi xe, chúng tôi luồn rừng, leo núi, quyết tâm đi tìm bằng được trận địa đã chia lửa cứu mình xem sao.
Cũng không khó khăn gì lắm. Đi vài thôi đường, chúng tôi đã phát hiện ra một đàn bò, rồi gặp người chăn bò, thế là hỏi ra ngay được trận địa.
Sự bất ngờ đến giờ mới lại càng to lớn hơn nữa.
Thì ra đó chỉ là trận địa của tổ chăn bò ba người của một đơn vị công nhân làm đường. Tổ trưởng của tổ ba người chính là cô Gon, xạ thủ chính của khẩu trung liên kia.
Chúng tôi tự giới thiệu. Cô Gon quan sát tất cả chúng tôi từ đầu đến chân rồi nói:
- Làm thế nào chúng em tin được tất cả những sự ấy?
Chúng tôi phải đưa các thứ giấy tờ ra. Rốt cuộc thực sự làm cho cô Gon và cả tổ chăn bò tin được chúng tôi, đó là những lời kể lại rất khớp nhau về cuộc chia lửa chiều hôm trước. Các cô vui vẻ hẳn lên khi được biết kết quả chiến đấu của mình. Chúng tôi sung sướng gấp bội khi được biết trận địa trên núi thảy đều an toàn, cả người lẫn khí tài. Tôi bảo cô Gon:
- Thú thật, lúc ấy im tiếng trung liên, chúng tôi lo quá. Suốt đêm qua vẫn cứ bồn chồn, phấp phỏng.
- Trận địa của chúng em cơ động mà lại kiên cố như thế kia, chúng nó không cắn nổi chúng em đâu.
Cô Gon đưa mắt cho cô ít tuổi nhất, có ý “khiển trách” về câu trả lời hơi chanh chua vừa nói. Đoạn rồi cô Gon đưa chúng tôi lên thăm trận địa. Phải nói là tài giỏi và dày dạn kinh nghiệm chiến đấu mới bố trí được trận địa như vậy. Lợi dụng địa hình như thế này, bên ta có thể hoàn toàn chủ động được cả tứ phía, triệt để khai thác lợi thế là ngay đó có một ngách hang rất độc đáo, như thể được khoét sẵn để làm công sự chiến đấu, khi bị uy hiếp mạnh, chị em chỉ cần ba bước là cả người lẫn súng đều đã nhảy vào hang, mặc sức cho bom đạn của địch bao nhiêu ở ngoài cũng không làm gì được nữa. Các cô lại đã tìm được cách đánh của một hỏa lực nhỏ - chỉ gồm có một trung liên với hai súng trường - chọi nhau với một hỏa lực mạnh gấp bội.
Thấy sự hưởng ứng của chúng tôi, cô Gon nói vui nhưng bằng một vẻ tự tin:
- Hỏa lực, trận địa chúng em thế vầy, đánh Mỹ chỉ có thắng hoặc hòa chứ nhất định không thua.
Tổ có ba người thôi, nhưng đủ chỉ huy, trinh sát, cứu thương. Sắp xếp thời gian đảm bảo ngoài lúc chiến đấu, còn có lúc luyện tập thao tác kỹ thuật, nghiên cứu, chiến thuật hẳn hoi. Tất cả những cái đó càng có ý nghĩa hơn nhiều lần, khi nhiệm vụ của ba cô lại chỉ là chăn nuôi chăm sóc đàn bò của đơn vị.
Cả ba cô đều là công nhân trong một đội công nhân làm đường hiện đang phụ trách một đoạn đường tránh thuộc hệ thống đường Trường Sơn ở cách đây hơn mười cây số. Vì hoàn cảnh chiến tranh, thực phẩm đã khan hiếm lại vận chuyển khó khăn, đơn vị chủ trương dựa vào điều kiện rừng núi, chăn nuôi một đàn bò để cải thiện đời sống cho anh chị em. Đội đã bứt hẳn ra ba người để chuyên trách việc đàn bò, toàn đội sẽ chia nhau gánh cả phần chỉ tiêu làm đường của ba người ấy. Thu xếp quanh quéo thế nào mà tổ nuôi bò ấy lại gồm ba nữ tất cả. Thực ra cũng có hoàn cảnh và cái lý của nó. Lấy ba nam cả thì không được, đội đã có ít nam, việc làm đường, giữ đường... nhiều việc cần đến nam. Có nam có nữ thì họ bảo trên núi không có nhà cửa buồng khe gì, khó sinh hoạt lắm. Vậy chỉ còn lập một tổ toàn nữ. Một tổ như vậy, trong hoàn cảnh trên núi như vậy, do sự cần thiết, tự nhiên chị em cũng đâm ra làm được tất cả những việc mà thông thường chị em nữ không làm được.
Việc đàn bò, họ nuôi đủ bò thịt, bò sữa và bò sinh sản nữa. Ba cô đảm đương từ việc đỡ đẻ cho bò, đến việc vắt sữa, cả việc chăn nuôi lẫn thú y, tất nhiên có việc bảo vệ chống thú rừng lẫn bảo vệ chống máy bay Mỹ. Riêng việc chống máy bay, nói quả đáng tội, từ ngày có cô Gon lên đây làm tổ trưởng, đơn vị mới chịu phát cho khẩu trung liên, còn thì trước kia vẫn chỉ có súng trường. Lý do đơn giản vì cô Gon vốn dĩ là xạ thủ trung liên. Có trung liên rồi, tổ các cô đang ngầm quyết tâm hạ bằng được máy bay giặc Mỹ.
Tôi thấy việc chiến đấu của mấy cô đã tài giỏi, đến việc tổ chức cuộc sống và chăn nuôi đàn bò thì thật là lạ lùng và thú vị.
Mấy cô chứng minh cho chúng tôi thấy những con bò không “ngu” một tí nào, chúng có nhận biết và tình cảm, nhận được chủ và mến chủ, mỗi con có cá tính riêng. Không ngờ nuôi chúng là các cô lại có thể khám phá ra, biết và thuộc cá tính từng con như thế trong cả đàn hơn chục con bò bê. Người nuôi buộc phải sống du mục theo đàn bò. Mỗi lần di chuyển là một lần phải khắc phục bao nhiêu khó khăn từ bãi cỏ cho đàn bò ăn đến lán cho bò trú, v.v... Ấy là chưa kể đến những nhu cầu sinh hoạt của tổ ba người các cô.
Cô Gon có tài tìm hang, nhìn đá núi cây mọc có thể gọi ra hang. Hang có cửa tìm thấy đã đành, cô đã từng tìm được cả những hang không có cửa, phải phá ra mới thành cửa. Chị nhiều tuổi nhất tổ thì thông thạo lá thuốc như một bà lang thực thụ. Thuốc cho bò bê và thuốc cho người, dựa vào nguồn duy nhất là rừng. Thuốc cảm cúm thông thường đến thuốc trị rắn độc, chị đều có ngay. Không những thuốc, chị còn thuộc các loại cây rừng, củ rừng có thể ăn được thay cơm hay xào nấu làm canh ăn với cơm. Còn cô em út ít tuổi nhất thì có biệt tài săn bắn trở thành chủ lực tạo nguồn prô-tít của ba chị em trong đời sống hằng ngày. Chỉ cần một cây súng cao su, một cái ống xì đồng là cô săn được chim, cả chim công. Cô còn đã đào được tê tê, bắt được cả nhím, cầy hương, bắn được nai, có lần lôi về cả một con lợn rừng tặng cho đơn vị.
Cứ thế ba chị em đùm bọc lấy nhau, bổ sung cho nhau; sống xa dân, xa đơn vị mà đời sống vẫn tươi, có lúc bữa ăn còn tươi hơn ở đơn vị. Còn ở, không có hang thì làm lán; ba cô có kỹ thuật làm lán trên cành cây chống chọi với mưa nắng và thú rừng Trường Sơn.
Lúc mới gặp, tôi thoáng thấy cô Gon mặc một cái quần “soóc” - thực ra là cái quần bộ đội cắt cụt hai ống. Loáng một cái, cô đã thay cái quần dài ra ngồi với chúng tôi. Biết chị em thiếu quần áo, nhưng chúng tôi không mang theo để tặng, riêng chỉ có cái võng dù trong túi dết, tôi ngỏ lời tặng ba cô, nhưng cô Gon nhất định từ chối. Cô bảo:
- Cảm ơn anh nhá, xạ thủ không có cái mũ sắt thì yếu quá!
Nhưng lại chính cô Gon lật tẩy cô út:
- Anh đừng cho, mũ sắt phục vụ chiến đấu thì ít, phục vụ cái khác thì nhiều... Đừng có mà vải thưa che mắt thánh đi em... Còn không hả... Các anh hỏi những cái gì khác là gì ấy ư? Để đánh tú-lơ-khơ đứa nào thua phải chụp lên đầu này, lên sân khấu đóng vai bộ đội này, múc nước này, giã cua này... (Nó mò cua suối tài lắm, vẫn ước ao có cái mũ sắt giã cua nấu riêu đấy). Rồi, kê làm ghế ngồi cho đủ bàn đủ ghế này...
- Đủ bàn đủ ghế làm gì ở chốn này?
- Chúng em vẫn học văn hóa. Đây - Cô Gon chỉ cô út - cô giáo của chúng em đây, nó lớp mười dạy hai đứa bọn em lớp sáu, lớp bảy.
Cô giáo được giới thiệu hơi ngượng, nói lấp liếm:
- Cô giáo ăn đong, dạy kiểu “cơm chấm cơm” thôi các anh ạ.
Nhưng cô Gon nhấn lại bằng sự tín nhiệm:
- Cũng còn mất hai, ba năm học hết chữ của nó, phải không các anh, nên chúng em cứ học.
Đến đây, cô Gon bảo chị em đi nấu cơm để chúng tôi cùng ăn. Trông chừng mấy cái xoong, cái chảo gò bằng mảnh máy bay địch bé lọt lỗ mũi, tôi suýt phì cười. Cô Gon tinh ý hiểu ngay, nói rất trang nghiêm:
- Các anh đừng lo là chúng em mời chơi. Khó khăn bao nhiêu còn khắc phục được nữa là. Không cần nồi chúng em vẫn nấu được cơm các anh ăn. Các anh còn biết hơn chúng em, các cụ ta ngày xưa trên mình ngựa đi đánh giặc, tất nhiên không có nồi niêu gì, vẫn vừa hành quân vừa nấu được cơm ăn cơ mà.
Tôi tin các cô mời thực lòng, cũng tin các cô đã từng khắc phục biết bao nhiêu khó khăn trong công tác, chiến đấu và đời sống, sá gì sự thiếu thốn mấy cái nồi niêu. Nhưng, đã dặn cậu lái xe ở lại trông xe và nấu cơm, nên chúng tôi đành phải cảm ơn từ chối ra về.
Dẫu sao lời mời ấy cũng làm anh em chúng tôi thấy ngọt ngào trong dạ. Chúng tôi xuống núi trở về với niềm vui, sự khâm phục và cả những nỗi lạ lùng.
Trong những lạ lùng kia, có nỗi lạ lùng về cô Gon mà tôi không dám hỏi cô, cũng chẳng hỏi được ai cho môn ra khoai. Đó là cô Gon đang có mang, sao đội công nhân lại giao một công việc nặng nề trong hoàn cảnh hiểm nghèo như thế này cho cô? Khi nghe tôi gọi đùa cô là “cô xạ thủ tốt bụng”, cô thừa hiểu nỗi băn khoăn của tôi, và tôi hy vọng cô sẽ chủ động kể về hoàn cảnh riêng của cô, nhưng cô làm ngơ đi không kể mà chỉ khẽ cười ruồi, giải thích:
- Do em tự nguyện thôi. Ban chỉ huy không cho, em phải làm dữ mới được chấp nhận đấy.
Vậy là cô vẫn chưa kể gì. Thừa lúc vắng, có một mình chị nhiều tuổi nhất, tôi hỏi, chị chỉ bảo: “Anh hỏi Gon nó kể cho anh nghe, em sợ nó không thích nói”. Có nghĩa là nội tình có điều chi uẩn khúc.
Cho đến lúc tiễn chân chúng tôi xuống núi, tôi bước chậm lại một quãng rồi quay lại hỏi nhỏ cô em út. Cô em út thở dài một cái rồi se sẽ:
- Em cũng tức thay cho chị Gon... Chả là anh ấy thì đang ở chiến trường miền Nam, chị Gon có mang, nhiều người ở đội xì xào, chị ấy đã khó chịu lắm. Lại đến thái độ của gia đình mới lại càng làm chị ấy uất lên. Chị nhất định không chịu về nhà nữa, không thư từ, liên lạc gì. Còn ở đơn vị, chị nhất định đòi công tác gì độc lập, ít phải tiếp xúc. Thế là xin mãi mới được lên đây đấy chứ.
Nghe nói thế, tôi nghĩ có lẽ cô Gon mắc khuyết điểm. Nhưng vẫn chưa biết thái độ của gia đình ra sao để cô phải uất lên. Vẫn cô em út thấp giọng hơn giải thích:
- Không ai mắng nhiếc gì đâu, nhưng bà mẹ chồng biết chị có mang rồi mà cứ lờ hẳn đi, như không có việc ấy. Chẳng những thế, sau đó còn lờ đi như chị không phải là con dâu mình, như chị ấy không còn nữa. Anh bảo thế ai mà chịu được? Quá bằng chị ấy chửa hoang à? - Cô dừng lời giây lát, nhưng hẳn là không đoán biết nỗi khúc mắc trong dạ người nghe như thế nào, cô tiếp theo mạch chuyện cũ - Lại đến mẹ đẻ của chị mới càng làm chị khổ chứ. Chị về thăm nhà, bà cụ cứ suốt đêm: “Sự thể đầu đuôi thế nào, con phải nói cho mẹ biết mới được. Lỡ thì đã lỡ rồi, nhưng không rõ đầu đuôi thì không còn biết gỡ ra làm sao...” Chị phải gắt lên với mẹ: “Mẹ bảo đầu đuôi cái gì mới được chứ, con có chồng, con có mang thì có gì phải ‘lỡ’, với ‘gỡ’?” Bà mẹ lại càng dằn mãi giọng xuống cho càng nặng nề thêm: “Chồng con nó ở trong Nam, con bảo con có chồng, con có mang, nói thế thì ai mà nghe được!” Chị ấy càng tức, mình lòng dạ ngay thẳng mà cứ như là có tội ấy...
Câu chuyện của cô em út đang có đà thì mấy người đi trước thấy hai chúng tôi đi cách quãng khá xa, dừng lại đợi. Cô không kể tiếp được nữa. Cho đến lúc hai chúng tôi chia tay nhau, tôi vẫn chỉ được biết có nửa vời câu chuyện như vậy. Tôi suy nghĩ, phỏng đoán, tự mình không dám kết luận như thế nào về cô Gon. Ngay cả điều phỏng đoán, cũng không dám tin là đúng.
Những tưởng đối với tôi, đó sẽ là điều bí mật mãi mãi. Nhưng quên thì tôi nhất định không bao giờ quên được. Vì gặp nhau và quen biết trong một cảnh ngộ như vậy. Cô nghĩ tôi có thể quên, hoặc cố ý lờ cô đi chăng. Nên thái độ của cô thách thức, pha chút giận hờn. Dẫu sao tôi còn nhớ tất cả.
Phút đầu gặp gỡ như vậy là qua được thử thách. Không bao lăm, cô trở lại sự thân mật của lần gặp trước.
- Anh còn nhớ cô út tổ chăn bò chúng em ngày ấy không? Vâng, là nói ngày ấy thôi, chứ em nghỉ chăn bò từ ngày sinh cháu. Sinh xong em trở lại làm đường. Cô út cũng lại về làm đường với em, cứ đòi theo em lên đây. Nhưng em không cho đi. Dẫu sao cũng là việc không vui vẻ gì, phải không anh?
- Cô Gon định ở đây mấy hôm?
- Em sẽ ở cả thời gian nghỉ phép hai tuần. Em còn biết đi đâu? Về quê ư? Em không bao giờ về nữa. Năm nay mẹ con em sẽ dành cả thời gian nghỉ cho bố cháu... Mộ anh ấy cách đây cũng hơi xa, mãi tận khe Núng, mai em mới đi được. Rồi cứ cách một hôm, hai hôm, mẹ con em sẽ lại lên với anh ấy một lần, cho đến hết phép.
- Hai mẹ con đi bằng gì?
- Bận nào nhờ xe được thì nhờ, bằng không mẹ con em nắm cơm đi bộ...
- Đi bộ bế cháu thế thì vất vả quá, không được đâu.
- Anh bảo không có máy bay, được đi tênh tênh trên đường là sướng rồi, vất mấy em cũng đi được... Nhưng mà sang năm em định xin đưa nhà em về xuôi.
- Mộ anh ấy được bao lâu rồi?
- Cũng cùng cái năm các anh qua chỗ chăn bò chúng em ngày ấy đấy, trước đó khoảng năm tháng... Nhưng mà đơn vị anh ấy giấu em mãi, tận năm ngoái mới cho em biết tin. Có tin báo chính thức rồi, bạn anh ấy mới đánh thư kể cho em nghe sự việc cụ thể ngày anh ấy hy sinh.
- Mộ trên khe Núng, chắc anh ấy hy sinh trên đường đi công tác.
- Vâng, anh Long nhà em - Thì ra tên anh ấy là Long - không phải quân số binh trạm này đâu, còn ở cách đây hai binh trạm nữa kia. Anh là tiểu đội trưởng lái xe, về đây nhận xe mới. Nhận được rồi, quay đầu chở chuyến thứ nhất thì dọc đường bị máy bay nó phát hiện gần chỗ khe Núng.
- Thành thử bố chưa được thấy mặt con.
Tôi đã hơi vô tình, vô tình nên động tới nỗi đau đớn trong lòng cô Gon. Cô siết một tay ôm con cho nó gục xuống vai mình, một tay vuốt vuốt tóc con. Đôi mắt chưa khóc nhưng rất buồn.
*
Buổi tối, tôi lại leo núi trở lên hang đá của ban công tác chính trị, trở lên “ngôi nhà tập thể của các liệt sĩ”. Tất nhiên, tôi phải tìm cậu Hạnh để nói chuyện về anh Long ấy.
Đáng tiếc là cậu Hạnh không biết gì nhiều, vì anh Long không phải là người binh trạm này, chỉ là người hy sinh trên đường thuộc địa phận binh trạm.
- Nhưng anh yên tâm - Hạnh gật gù cái đầu, nói coi bộ chắc chắn - Sẽ có cách cho anh tìm hiểu được anh Long. Thế này nhá: mọi đồ dùng tư trang, vật kỷ niệm của anh Long lúc hy sinh còn được bảo quản cả ở đây, ba lô, mũ sắt, quần áo giấy tờ, cả tiền nong, ảnh kỷ niệm, khá nhiều thư từ và... cả một quyển nhật ký.
- Vậy hả?
- Binh trạm chúng tôi không gửi trả trong kia làm gì, vì trước sau rồi cũng phải chuyển trở ra trả cho thân nhân. Hôm nay, được tin chị ấy vào thăm mộ, tôi sẽ soạn lại đầy đủ, định mai trao trả. Tối nay có thể cho anh mượn xem trước.
Tôi đã thức gần suốt sáng với cái ba lô ấy - nói cho đúng là với những tấm ảnh của anh, với lá thư của bạn bè, thầy học... nhất là của cô Gon viết cho anh, nói cho đúng hơn nữa là với quyển nhật ký của anh.
Nhật ký của anh ghi khá tỉ mỉ chen lẫn nhiều trang thơ làm tặng cô Gon từ ngày mới quen nhau. Tôi đã đọc những trang cuối cùng cuốn nhật ký của anh với một niềm xót xa thắt ruột.
Thì ra vợ chồng anh đã gặp nhau chính vào cái chuyến anh ra nhận xe mới ấy, dĩ nhiên là lần gặp nhau cuối cùng.
Anh đang ở sâu trong chiến trường miền Nam, bất thần được lệnh ra tuyến ngoài nhận xe mới. Biết rằng nơi nhận xe cách chỗ công tác của vợ không bao xa, mà không bịp báo trước. Nhưng lại may thay, có anh bạn khởi hành trước một ngày về qua tuyến đường của cô Gon. Anh kịp nhắn mấy lời. Được lời nhắn của chồng, cô Gon tính kỹ thời gian, cung độ, thấy có thể bắt kịp, cô chỉ nói qua với tổ, không kịp báo cáo xin phép ban chỉ huy đội công nhân nữa, cô xin xe, vượt cung độ, tranh thủ thời gian, lợi dụng đường dây nói của hệ thống các trạm điều chỉnh giao thông, cô Gon đã bắt kịp anh Long, gặp được anh sau khi anh nhận xe mới, đang trên đường quay đầu lại về chiến trường miền Nam.
Nhật ký của anh để lại những trang dạt dào lòng thương vợ đã phải vất vả rượt theo chồng theo lời nhắn, nhưng đồng thời lấy làm bằng lòng vợ mình đã tháo vát, linh hoạt “biết nắm thời cơ, hành động mau lẹ cấp tốc như con nhà lính”...
Thế là giữa một đêm mưa lâm thâm tối đen như mực, trên đường hành quân nhằng nhằng trên đầu những đèn dù pháo sáng của địch, vợ chồng anh đã gặp được nhau. Cô Gon thì đi nhờ được một xe con, đuổi kịp được đoàn xe mới, qua xe nào cũng hỏi: “Có phải anh Long đấy không?” Cho đến cái xe bật từ ca bin một tiếng đáp lại “Gon” thì họ dừng lại. Xe con tiếp tục đường vào, xe mới chở đạn của anh Long dạt vào một mép bìa rừng phanh kít lại. Chỉ còn lại hai vợ chồng trẻ trong mênh mông của rừng đem. Họ ngồi trên một tảng đá dưới một gốc cây chỗ cành gãy, lá xém vì bom đạn.
Nhật ký của anh để lại những trang ghi rõ cả thời gian vợ chồng gặp nhau “độ nửa tiếng, không, quá nửa tiếng, phải đến bốn mươi phút ấy, nhưng cũng chỉ bốn mươi phút là cùng”, cả những câu chuyện hàn huyên của đôi vợ Bắc chồng Nam... Và còn ghi cả việc vợ chồng ân ái mặn nồng “trong cảnh màn trời chiếu đá” ấy, xung quanh khét mùi cháy, trên trời nhấp nhoáng ánh đèn dù... “Chẳng biết có mang lại cho em niềm vui gì không, còn anh, chỉ thấy trào dâng lên trong lòng những thương em không bờ bến. Lúc chia tay, anh ghì lấy em chẳng muốn rời, em nhỏ nước mắt trên ngực áo anh, nhưng lại không cho anh níu lấy, đẩy anh ra, giục anh lên xe kẻo trễ mất cung đường, lạc đoàn, lạc bạn. Anh còn nắm được cổ tay em, chét chét đo thử vòng tay em, bụng mừng thầm em vẫn như sáu năm về trước, không gầy đi tí nào. Hôn em lúc ở bên cánh cửa xe ấy, trước lúc bước lên buồng lái, anh muốn báo em: Đẻ cho anh thằng con trai đi. Nó lớn, giặc chưa tan, cho nó đi đánh giặc nữa. Nhưng anh đã không dám nói. Sợ có con, thương em phải nuôi con xa chồng. Và bây giờ thì thương em phải quay về ngay một mình. Em có mệt quá không? Còn anh như được tăng ga”.
Mắt tôi rời trang nhật ký. Nhưng không thể nào ngủ được. Tôi nhớ về cô út chăn bò với những lời kể của cô.
Vậy là mọi sự đã rõ ràng. Nhưng, sự thực rõ ràng ấy đáng cực cho cô Gon biết bao nhiêu! Đối với đội công nhân làm đường của cô, mấy ai biết cuộc gặp gỡ bất thường như vậy! Đối với quê hương, ngay cả với gia đình bên mình, bên chồng, càng không làm gì có cuộc gặp gỡ ấy, chỉ biết một chiều vợ Bắc chồng Nam! Nhất là cái việc vợ chồng phải ân ái với nhau như cảnh vụng trộm của nhân ngãi, nhân nghì như vậy, làm sao có thể dễ nói ra ở miệng người phụ nữ. Với tính khí cô Gon, chết thì thôi chứ cô không chịu nói ra điều ấy.
Sáng hôm sau, tôi theo cậu Hạnh xuống núi, sang nhà khách trao lại ba lô của anh Long cho cô Gon, rồi cùng đưa cô Gon lên khe Núng nhận mộ và viếng mộ chồng.
Dọc đường, cô trở nên cởi mở, nói với tôi các chuyện trước kia và hiện nay, không e dè ngần ngại gì nữa. Do đó, tôi mới dám góp lời vào bàn chuyện đời riêng của cô:
- Cô Gon giận ông bà bên anh Long và bên nhà ta hơi quá. Cứ như sự bày ra trước mắt các cụ, cô cũng nên hiểu các cụ đau lòng biết bao nhiêu, khi ngỡ rằng đó là việc không chung thủy.
- Các cụ tự chuốc lấy nỗi đau khổ ấy bằng sự không tin em. Nỗi đau khổ của các cụ đối với em là một sự trừng phạt nặng nề. Em làm gì nên tội mà phải chịu trừng phạt? Mẹ chồng em quá bằng từ em chứ còn gì? Mẹ đẻ em làm em đau khổ gấp mấy.
- Do các cụ không biết.
- Không biết thì phải hỏi em rồi hãy nghĩ xấu về em có được không, nếu như đối với em đã không có lòng tin.
- Thì bà bên nhà ta đã chả hỏi mãi cô là gì!
- Chỉ hỏi là em sự xấu ấy như thế nào... Hừm, sao lại đối với em như thế được!
- Đúng là cô Gon có quyền chính đáng của mình. Nhưng cũng nên thông cảm với các cụ. Nói cho cùng đó cũng là tình thương của cha mẹ đối với con cái, còn là tấm lòng của hậu phương đối với tiền tuyến - Thấy cô nguôi nguôi, tôi tiếp - Tôi muốn được khuyên cô một điều.
- Anh cứ nói.
- Cô nên đưa cháu về thăm ông bà nội, rồi về bên ngoại.
Cô Gon lặng im, không đám. Tôi nói nữa, ráo riết thuyết phục cô:
- Anh Long bây giờ đã nằm xuống, thời gian đã qua đi ngần ấy năm, thằng cháu đã bằng này tuổi, sao lại không để cho cháu nó được nhận ông bà nội, ngoại? Mẹ con đem tấm lòng về sưởi ấm cho ông bà cũng là sự sưởi ấm cho mình thôi...
Cô vẫn ngồi im tăm tắp, cứng đờ cả người, hai mắt mở to, với hai dòng lệ chảy xuống ròng ròng. Cô không khóc thành tiếng, mặc cho nước mắt chảy. Mãi rồi mới nói như thể không có tôi ở đây, nói với anh Long hay là nói một mình:
- Anh ấy đã đi xa rồi, để lại... một vợ, một con, một niềm xót xa...
Tôi cứ coi như cô trả lời tôi, đang bàn luận với tôi, nên tôi phản bác:
- Không, đã đành là có xót xa nhưng một niềm vui. Niềm vui xót xa cũng vẫn là một niềm vui. Một niềm tự hào nữa chứ.
Cô Gon lại im lặng, cũng không ra vẻ phản đối. Được thể, tôi vạch ra kế hoạch:
- Mẹ con lên thăm mộ cũng đến thế là được rồi. Hôm nay ta thay mộ chí mới, cùng đắp lại cho to thêm, đốt nắm hương khấn anh, rồi đến ngày kia, xe tôi về, mẹ con lên xe tôi cùng về, đừng ở trên này cả kỳ phép làm gì... Đường về của tôi chính là qua làng quê nội thằng cháu, tôi sẽ đưa cháu về tận nhà ông bà nội.
Cô Gon vẫn im lặng ra chiều suy nghĩ.
*
Hai hôm sau, mẹ con cô Gon và tôi chia tay với cậu Hạnh, tạm biệt binh trạm, lên đường trở ra.
Lại hai hôm sau nữa, xe chúng tôi đã đến cổng làng quê chồng cô Gon, một làng ven đường số một thuộc tỉnh Ninh Bình cũ.
Tôi cố làm ra hết sức tự nhiên đưa mẹ con cô về tận nhà. Nhưng xe đến giữa làng thì không vào đường hẻm được nữa. Mà cô Gon thì ngồi trên xe cũng không chịu bước xuống. Tôi lại khuyên giải cô. Nhưng cô vẫn ngồi im phăng phắc như một pho tượng, mặt tái đi, hai chân không nhúc nhích. Nể lời tôi quá, cô mấp máy đôi môi nhợt nhạt đáp lại rất sẽ:
- Em bước vào nhà thế nào bây giờ?
Tôi đành tính một cách khác vậy. Tôi bảo cô cứ ngồi nghỉ một lát trên xe cho đỡ chóng mặt. Tôi bế thằng cháu hỏi nhà vào trước.
Bà mẹ già ngơ ngác, miệng mời chúng tôi ngồi, nhưng hai mắt thì nhìn như đóng đinh vào thằng cháu. Tôi đặt thằng cháu vào lòng bà, thủ thỉ với bà những điều dẫn giải tôi thấy là cần thiết lúc này.
Trong đời tôi, có lẽ không bao giờ quên được vẻ mặt bà mẹ già bữa ấy. Bà như nín thở lắng nghe những lời tôi nói: bà từ ngạc nhiên này đến sửng sốt khác, nét mặt bà thay đổi luôn luôn, gần như biến dạng. Bà ôm ghì lấy thằng cháu trai, miệng cười thành miệng mếu, bà nhỏ những giọt nước mắt lã chã xuống mái tóc đứa cháu, vội vàng lấy vạt áo lau đi, thằng cháu thì sợ nhoài nhoài muốn thoát ra khỏi tay bà... Bà muốn nói mà líu cả lưỡi lại, mãi rồi mới gọi được thành tiếng:
- Ly ơi! Ly ơi!
Em gái tên là Ly ấy đang đun nước dưới bếp lên, bà lão ôm cháu đứng dậy, định bước đi, nhưng díu cả chân lại, không bước được. Giây lát qua đi, bà mới bảo con gái được một câu:
- Chị Long con còn ngồi trên xe ngoài đầu ngõ ấy, con ra, con ra đón chị vào nhà đi con, mẹ díu cả chân vào không đi được, con ra đón chị đi con!
Thằng cháu dứt khoát không chịu ngồi với bà nữa, đòi đi đón mẹ, tôi phải đỡ cháu dỗ cháu rằng mẹ vào ngay bây giờ cho nó khỏi đi.
Cũng chỉ loáng một lát, cô Gon đã vào tới nơi. Em Ly đeo ba lô của anh, xách làn của chị đi trước, cô Gon bước theo sau. Bà mẹ định bước ra săn đón con, nhưng tội nghiệp, chân cứ cứng đờ như chân mượn không thể sao cất bước, đành đứng nguyên chỗ cũ run rẩy. Đợi lúc cô Gon bước vào trong nhà, tiến đến trước mặt thì hoàn toàn không ai ngờ, bà lão sụp xuống đất, hai tay chắp giơ lên, miệng lắp bắp:
- Mẹ xin lạy con! Mẹ có lỗi! Mẹ xin lạy con!
- Mẹ!
Cô Gon cuống lên đỡ mẹ dậy, thốt ra tiếng gọi mẹ kéo dài, lạc cả giọng. Hai mẹ con ôm nhau giàn giụa nước mắt, làm thằng cháu nội không hiểu thế nào cũng khóc òa lên. Bà lão nghẹn ngào:
- Ông không còn sống để được thấy con về, cháu về, ông ơi!
Thì ra ông lão mới bị trúng bom bi còn sót lại của Mỹ mất cách đây không lâu, cô Gon cũng chưa biết tin.
- Thôi mẹ đừng khóc nữa. Cháu nó sợ đây này.
Cô Ly đã giành ôm cháu, đang dỗ cháu, khuyên mẹ đừng khóc nhưng hai mắt mình thì đỏ khoe, giàn giụa. Vậy thôi, bà lão lại nghe lời con, cố tươi nét mặt, nói như chữa lại.
- Ừ, ừ, chị mày về, mất bố, tao được con; biết tin anh mày, nhưng cháu mày về, mất con, tao được cháu... Thế vẫn là vui. Ừ, ừ, thế là vui rồi!
Bà mẹ vẫn chưa đi lại được, đành ngồi thụp xuống.
Hàng xóm đã đổ sang chơi. Bà vẫn lẩm bẩm: “Thế là vui rồi! Thế là vui rồi!”
Còn niềm vui vào xót xa hơn! Nhưng bà mẹ vui thật, vui lắm nữa ấy.
Năm 1978
Thư, bài vở cộng tác vui lòng gửi tới Email:
Vui lòng ghi rõ nguồn khi copy nội dung từ website này.
© Copyright: chandungkesi.com