chan_dung-ke_si

NGƯỜI CHA – Truyện ngắn Đức Hậu

18-12-2023

Lượt xem 938

Đánh giá 0 lượt đánh giá

Chia sẻ

  Đức Hậu

NGƯỜI CHA – Truyện ngắn Đức Hậu

Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhà văn Đức Hậu sinh ra từ nông thôn Thái Bình, đi làm thợ mỏ ở Quảng Ninh những năm 1960, nhưng văn chương mới là con đường ông đội nắng mưa, đến nay đã nửa thế kỷ.

Nắng đã tắt từ lâu, đường phố đã lên đèn. Cái nóng từ mặt đường nhựa, vỉa hè bê tông và các khối nhà toả ra hầm hập như hơi thở của người đang lên cơn sốt. Đường phố đã bắt đầu nhộn nhịp. Người ta đi ăn uống, đi thăm hỏi nhau và đi hóng mát sau một ngày hè mệt mỏi. Giữa cảnh tấp nập phố phường ấy, người đạp xích lô thong thả đạp xe về cuối thành phố. Ở đầu một phố cụt có khu đất trống và ngôi nhà xây dở bỏ hoang đã từ lâu, không hiểu sao người ta không xây tiếp cũng không phá đi. Các tấm panel đã bị dân lang thang đập vỡ lấy sắt vụn bán, khối nhà còn trơ lại những cột và dầm như bộ xương khổng lồ, đen thui. Trong lòng ngôi nhà hoang ấy hình thành xóm ổ chuột với những tấm ni lông, liếp và chiếu cũ che chắn làm chỗ ở của dân lang thang đủ mọi thành phần, lứa tuổi, làm đủ mọi nghề để kiếm sống qua ngày. Người đạp xích lô dừng xe trước căn lán nhỏ bám rìa đường, phía trước khu đất trống và căn nhà hoang. Ông thận trọng bước qua những ống cao su, bình hơi của người rửa xe trước cửa lán. Trong lán có treo một cái võng đay, kê một phản nhỏ làm bằng cánh cửa cũ, và nhiều đồ nghề lỉnh kỉnh của người rửa xe. Trên phản có hai người đàn ông đang đánh cờ dưới ánh điện lờ mờ. Người rửa xe không rời mắt khỏi bàn cờ, hỏi:

- Về rồi à? Nay muộn thế?

Người đạp xích lô thong thả, ngồi xuống cái võng đay, nhìn một hồi vào thế cờ của hai bên. "Cờ hoà", ông nói. Hai người buông quân cờ và ngửng lên nhìn người đạp xích lô. Họ là bạn của nhau từ thời lính. Người đạp xích lô vốn là đại đội trưởng của họ, về cờ ở thành phố, còn người đạp xích lô từ nông thôn lên, tá túc trong cái làn nhỏ của bạn bè, hàng ngày đạp xe kiếm tiền nuôi con ăn học. Lúc người bạn rửa xe định lấy vòi xả nước cho người đạp xích lô thì có tiếng gọi:

- Ê, xế lô. Làm một cuốc đây.

Hai thanh niên choai choai đứng dưới lòng đường hất hàm làm hiệu. Người đạp xích lô nói:

- Cậu tìm xe khác đi. Ngày nay nóng bức quá, tôi mệt rồi.

- Chê tiền à? Bọn này không thiếu xe máy, nhưng muốn được phục vụ, tiền không thành vấn đề. Có đi không thì bảo?

Người bạn rửa xe trong lán chồm ra. Người đạp xích lô vội giữ ông lại, nói nhỏ: "Đừng nóng, mình làm thuê cho thiên hạ mà". Trán người rửa xe nổi gân lên, đôi mắt lồi ra vì tức giận, ông nghiến răng rít lên khe khẽ: "Tiên sư lũ chó, lúc chúng tao đánh giặc thì bố chúng mày ở đâu?". Người đạp xích lô nhẹ nhàng: "Thôi nào, bố chúng nó đang có tiền, nhưng chúng nó chưa được học làm Người. Mình là người làm thuê mà!".

Ông khoác cái áo bộ đội cũ ướt đầm mồ hôi vào người thong thả đẩy xe xích lô xuống lòng đường bình thản nói: "Nào, mời hai cậu. Đi đâu đây?".

"Ông già được đấy", một thằng choai choai nói. "Cứ đi một vòng cho mát đã". Người đạp xích lô vừa mệt, kẽo kẹt đạp xe hết phố này qua phố khác mà hai thằng choai choai vẫn ra hiệu đi tiếp. Ông cảm thấy như mình đang dùng chút sức lực cuối cùng để đạp xe. Nóng bức làm ông kiệt sức. Mỗi lần nhấn chân lên bàn đạp, tưởng như toàn bộ xương gân ông đang rã ra. Vết thương bên sườn và hố chậu lại nhoi nhói, giật giật và nóng như lửa đốt. Ông nghiến răng đạp tiếp, đạp tiếp như người leo dốc. Cuộc hành trình nhọc nhằn của người đạp xích lô kết thúc trước cửa một nhà hàng nhấp nháy đèn màu, xập xình tiếng nhạc. Hai thanh niên nhảy xuống xe, làm mấy động tác thư giãn, rồi một thằng bảo: "Ông già được đấy, bai nhá". Nó móc túi đưa cho ông tờ hai mươi ngàn đồng, vẫy tay ra hiệu không phải trả lại. Người đạp xích lô hỏi: "Các cậu còn đi học không?". Hai đứa nhìn ông ngạc nhiên. Một thằng bảo: "Đi làm rồi, mà sao ông hỏi vậy?" - "À, vì tôi thấy hai cậu còn trẻ mà lại sẵn tiền". "Bố này đúng là hãng nhà quê chính hiệu. Bọn này làm chỗ thơm hẳn hoi, bố yên tâm. Nhận chỗ đã học gia công sau, bố hiểu chưa?". Thì ra là vậy. Chắc bố chúng nó nhận chỗ cho chúng nó đấy. Trong số bạn học trò của ông có một thằng làm giám đốc, không hiểu sao giàu lên rất nhanh và đặc biệt rất ngại gặp lại bạn bè cũ. Hắn ta cũng đang sống ở thành phố này, cũng có một lũ con ăn chơi, học hết bổ túc là xếp vào những chỗ làm thơm như bọn nó nói, rồi vừa làm vừa gia công đại học. Hầu hết thế, hệ ông từ chiến tranh bước ra đều học hành dang dở, tuổi trẻ không còn, sức khỏe suy giảm, trở về với những người phụ nữ đã chờ đợi cả tuổi thanh xuân. Lấy vợ muộn, đẻ con muộn, hạnh phúc muộn, còn chờ ông ở hậu phương. Cô xung phong vào tuyến lửa sửa đường, phá bom như hai người lính. Đôi má trắng hồng của cô đã lấm tấm tàn nhang, mai mái vì sốt rét. Mái tóc xanh đầy huyền bí như màn đêm đã khô xác và rụng quá nhiều. Cô đã sinh cho ông một bé gái, đã sống hạnh phúc với ông được mấy năm ngắn ngủi. Ông chôn cất vợ trên cánh đồng làng, và chôn vùi luôn những ước mơ về hạnh phúc. Đêm đêm ông chợt thức giấc vì nghe văng vẳng bên tai tiếng dặn dò của vợ: "Anh đừng để con khổ. Cố cho con ăn học thành người, bõ công hy sinh của em, của anh". Ông đã làm lụng nuôi con khôn lớn bằng hai sào ruộng khoán và tất cả sức lực của người lính sau chiến tranh. Trời không phụ lòng mong mỏi của người lương thiện, con gái ông chỉ được học ở trường quê mà đã thi đỗ đại học. Ông mổ lợn choai, tài sản đáng giá nhất của mình, mời bạn bè đồng đội cũ và họ hàng ăn mừng. Sau khi đưa con lên trường, ông trở về gửi hàng xóm trông hộ căn nhà nhỏ, nhượng khoán hai sào ruộng, lên thành phố làm thuê lấy tiền nuôi con ăn học. Chiếc xích lô, phương tiện kiếm sống của ông đây là do những người bạn lính góp nhau mua tặng. Ông đã làm việc quần quật, ăn tiêu tằn tiện mấy năm nay để con bé không phải thiếu thốn, không thua bè kém bạn. Những đêm trái gió trở trời vết thương cũ đau nhức, những buổi đạp xe chở khách đến kiệt sức tàn hơi, ông luôn nghĩ đến con gái, nó như mặt trời thắp sáng đời ông, tiếp thêm năng lượng cho ông sống, làm việc và ước mơ. Chính vì thế mà ông đủ sức chịu đựng cực nhọc, đủ gan để nhẫn nhục trước thói đời bon chen, đen bạc.

Người đạp xích lô về đến căn nhà lán nhỏ lúc người bạn rửa xe đã khoá cửa, về nhà rồi. Ông đưa tay lên vách lấy chìa khoá, mở cửa và bật điện. Ông cởi áo đẫm mồ hôi, ngả người trên chiếc võng đay, cảm thấy xương gân giãn ra sau một ngày làm việc cực nhọc. Cơn mệt mỏi ào đến, đưa ông vào trạng thái vô thức bồng bềnh, vừa nhẹ nhõm, vừa chìm đắm nặng nề. Trong mơ màng nửa thức nửa ngủ đầy mộng mị, ông nghe như có tiếng kẹt cửa, tiếng bước chân ai sẽ sàng. Ông cố mở mắt đang nặng trĩu, chợt nhận ra gương mặt người con gái thân quen từ những ngày xa ngái, gương mặt ông thường gặp trong biết bao giấc mơ đẹp. Dù đã qua tuổi thanh xuân mới được chung sống với nhau, dù đã trở thành người thiên cổ, cô vẫn ở trong ông, vẫn về bên ông trong giấc ngủ chập chờn nhiều mộng mị. Cả những lúc tai ù mắt hoa vì đạp xe quá mệt, ông cũng thường nghe tiếng nói thầm của cô, cả tiếng cười trong trẻo trẻ trung của cô. Nhưng sao hôm nay cô không gọi ông là anh, là mình, mà lại gọi là bố? Đúng là cô đang đăm đăm nhìn ông và gọi "Bố ơi! Sao thế nhỉ? Người con gái khẽ đặt tay lên bộ ngực gầy đẫm mồ hôi của ông và gọi tiếp: "Bố ơi". Ông mở mắt. Người con gái vẫn đứng đó, chớp chớp mắt nhìn ông. Ông choàng dậy ngồi trên võng, vỗ nhẹ vào trán mình và chợt nhận ra con gái. Con gái ông đã về thăm ông chứ không phải mẹ nó. Là thực chứ không phải là mơ. Ông mừng rỡ: "Con đã về à? Sao không điện báo cho bố biết trước". Cô gái ngồi xuống cạnh võng, nắm tay cha, giọng bịn rịn: "Bố ơi, sao bố gầy thế, bố ốm à?". Ông đứng dậy cười cười: "Bố vẫn khoẻ, khoẻ lắm. Chả là vì hôm nay nóng quá, bố làm thêm một chuyến nên về muộn. Định nằm nghỉ một tí rồi đi tắm, thế mà thiếp đi. Bố đang mơ thấy mẹ con". Cô gái cố giấu sự xúc động, đứng dậy thu gọn quần áo của bố vứt trên phản, vắt trên dây. Cô nói: "Con sắp đi thực tập ở miền Trung, được nghỉ mấy ngày con về thăm bố. Con lấy nước cho bố tắm nhé". Người đạp xích lô cảm thấy cơn mệt mỏi tiên tan đi đâu mất. Ông vội thu dọn căn lán chật chội, lúng túng và mừng vui vì con gái đang có mặt ở đây. Ông mở cái hòm gỗ cũ kỹ lấy một bọc nhỏ, thận trọng mở ra và bảo con gái: "Đây là khăn mặt mới, xà phòng thơm bố mua dành cho con. Để bố lấy nước con tắm trước". Ông lấy một tấm nylon và mảnh cót liếp quây thành một phòng tắm nhỏ ở đầu lán và mở máy xả nước đầy cái xô, chậu xách vào để sẵn, đoạn bảo con gái: "Con tắm đi cho mát. Đi đường xa có đói, có mệt không?". Cô gái im lặng chớp mắt nhìn bố. Cô thương bố đến thắt lòng. Bố đã bỏ nhà cửa, ruộng vườn lên đây sống vạ vật để kiếm tiền nuôi cô ăn học. Lúc con gái tắm, ông xách cặp lồng ra quán cơm bụi đầu phố mua cơm, canh chuẩn bị bữa tối cho hai bố con.

Xong việc, ông mở vòi nước, ngồi trên vỉa hè trước cửa lán tắm ào ào. Đoạn, ông vơ quần áo của cả hai bố con chuẩn bị giặt. Cô con gái vội giữ tay bố lại: "Bố ơi, bố để con giặt". Người cha cười: "Bố đời lính quen rồi. Tay bố khoẻ, để bố làm cho". Hai bố con giằng co mãi, cuối cùng người cha đành nhượng bộ. Cô gái vừa giặt quần áo, vừa nói với bố: "Bố ơi, bố đợi con học xong, con đi làm, con đón bố lên ở với con, để bố đỡ khổ. Lúc ấy, bố con mình không phải xa nhau nữa, bố nhỉ". Người cha trầm ngâm rồi nói: "Bố chỉ mong đến ngày ấy. Khổ bao nhiêu bố cũng chịu được, chỉ mong con nên người thôi, ăn cơm đi con".

Sau bữa cơm chiều đạm bạc, người đạp xích lô bảo con gái: "Bố con mình dạo một vòng cho mát đi". Người cha mở chiếc khóa dây, đẩy xe xích lô xuống lề đường. Cô gái ngạc nhiên hỏi: "Đi xe à bố?". Người cha hào hứng: "Đi xe. Bố chở cả thiên hạ đi khắp thành phố rồi. Nay bố phải chở con gái bố đi chơi một chuyến miễn phí". Cô gái lưỡng lự: "Nhưng con ngại lắm. Đi bộ thôi bố ạ". Người cha: "Con ngại gì? Hay con chê xe bố nhếch nhác?". Thấy bố có vẻ buồn vì không hiểu ý mình, cô gái nói: "Con sợ bố mệt vì đã đạp xe suốt ngày, với lại con cũng ngượng". Người cha cười: "Không sao, lên xe đi con". Cô con gái ngồi lên xe, người cha ưỡn ngực vui vẻ đạp hoà vào dòng xe cộ đông đúc. Vừa đạp xe, ông vừa giới thiệu với con gái những phố hàng ngày ông qua lại, những chỗ ông gác càng xe đợi khách. Ông bảo tìm được điểm đợi khách không dễ. Phải đúng quy định của công an, nhưng quan trọng hơn là phải được hội xích lô đồng ý thuộc quy ước phân chia làm ăn không thành văn của họ. Bây giờ ông đã được họ thừa nhận, chứ ngày đầu tưởng không trụ nổi. Những người làm nghề lâu năm gây cho ông bao phen khốn đốn suýt phải bán xới về quê. May có mấy người bạn lính của ông can thiệp, vả lại họ thấy ông vốn hiền lành, muốn làm ăn lương thiện nuôi con ăn học. Cô gái nghe cha kể chuyện kiếm sống nhọc nhằn bằng giọng hồn nhiên, vui vẻ hiểu rằng cha đang sống vì cô, chấp nhận tất cả, nhẫn nhục vì cô. Cha đang đạp xích lô đưa cô đi chơi phố lòng đầy tự hào vì cô và được sống cho cô. Dường như ông không quan tâm đến cuộc sống phồn hoa ồn ào xung quanh, thế giới của ông chỉ tập trung vào đứa con gái bé nhỏ, mang hình bóng của người mẹ đã mất. Nó là niềm vui, hạnh phúc và tự hào của đời ông. Đến ngã tư Bưu điện, ông dừng xe bảo con gái đứng chờ. Ông chạy vội đi một lát, trở về đưa cho con gái hai gói nhỏ: "Của con đấy". Cô gái nhìn cha: "Đây là ô mai, còn đây là kem, con ăn đi". Cô gái hỏi: "Sao bố mua hai thứ này?". "Bố biết con thích", ông nói. "Con gái thường thích hai món này. Hàng ngày chở khách đi đường, bố để ý bố biết". Hai bố con lại lên xe đi tiếp.

Bây giờ người đạp xích lô cho xe rẽ lên con đê cao ven thành phố. Ở đây người đi lại thưa thớt, ánh đèn từ trung tâm thành phố hắt ra mờ ảo. Gió sông mát rượi. Dòng nước đen sẫm chảy rì rào. Sao trời lấp lánh trên mặt sông. Vừa đạp xe thong thả, người cha vừa hỏi: "Con học thêm tiếng Anh phải không?" Cô gái khẽ đáp: "Vâng, con học thêm đại học ngoại ngữ. Con còn đi làm gia sư nữa bố ạ". "Vậy à? Bố dốt nát chẳng hiểu những cái con học, nhưng nếu vì phải kiếm sống mà đi làm gia sư thì con đừng làm nữa. Bố lo đủ cho con học cả hai bằng mà". Cô gái nói: "Bố đừng lo, con làm thêm cho vui thôi, với lại cũng để củng cố thêm kiến thức mà bố". Người cha im lặng một lát rồi nói: "Thế thì được. Con nhớ là bố không để con thiếu thốn gì đâu. Cần gì cứ nói với bố". Cô gái lại thấy lòng quặn thắt vì thương cha. Nỗi khát khao học vấn và những gì lớn lao không làm được, ông dường như gửi gắm cho cô. Ông ít khi hỏi về việc học của cô, vì ông cho rằng đó là việc cao xa, ông không hiểu được. Nhưng, hôm nay, tự nhiên ông hỏi: "Con đã hát được chưa?". Cô gái ngạc nhiên hỏi: "Sao bố lại hỏi thế? Hồi ở nhà con vẫn hát đấy thôi". Ông bố nói: "Là bố nói hát bằng tiếng Anh cơ. Chắc là khó lắm nhỉ". Cô gái khẽ cười và dịu dàng nói: "Con hát được bố ạ. Con nghe, nói được rồi mà". Người cha im lặng một lát rồi lưỡng lự hỏi: "Con hát cho bố nghe một bài được không? Dù không hiểu nhưng bố muốn nghe con hát". Cô gái nói: "Con ngượng lắm. Ở đây người ta đi lại đông thế kia". Ông bố dỗ dành: "Không sao, con cứ hát khẽ, chỉ hai bố con mình nghe thôi". Cô gái suy nghĩ, tìm bài hát phù hợp với hoàn cảnh cha con cô. Tự nhiên cô thấy lòng bồi hồi xúc động nhớ tới bài Papa của Panka. Nó cũng nói về người cha cô đơn hết lòng thương yêu con như cha cô. Cô quên hết xung quanh, bắt đầu cất tiếng hát nho nhỏ, run run. Càng hát, cô càng rung động tận trái tim: "Khi mẹ mất cha suy sụp và cha khóc, cha nói rằng sao chúa không mang tôi đi, đêm đêm cha ngồi ngủ thiếp đi trên đi-văng, cha không bao giờ lên gác, vì ở đấy không còn mẹ nữa...". Hát đến đoạn này, cô nghẹn ngào nhớ lại ngày mẹ mất và nỗi buồn thương của hai cha con. Nỗi buồn đó vẫn còn đầy ắp trong lòng cha cô, và đêm đêm ông thường mơ thấy mẹ cô trở về. Cô ngừng lại không hát tiếp được nữa. Người cha trầm ngâm: "Bố không hiểu ý nghĩa nhưng lời ca buồn quá. Còn không con?". Cô gái lén chùi nước mắt. Giọng cô run run, cô hát tiếp những điều cô nghĩ về chính mình vẫn bằng tiếng Anh: Mỗi khi tôi hôn những đứa con mình, lời của cha tôi lại vang lên, con cái bạn luôn sống trong bạn, chúng sẽ lớn lên và cần có bạn.

Cô ngừng hát, hai bàn tay ôm mặt. Người cha dừng đạp xích lô, lo lắng hỏi: "Sao, con khóc đấy à?". Cô gái ngửng mặt, quay lại nhìn cha. Dưới ánh sao trời lấp lánh phản chiếu từ mặt sông, người cha nhìn thấy hai má con gái mình long lanh. Cô nói giọng trìu mến: "Không sao đâu bố ạ. Bài hát đó là nói về bố đấy". Người cha ngửng mặt nhìn trời đêm, giọng xa xôi: "Ước gì mẹ con được thấy con đã trưởng thành, giỏi giang như ngày nay. Bố vui lắm, mừng lắm con ạ. Thôi, bố con mình về".

Trở lại căn lán nhỏ, người cha mắc màn cho con gái ngủ trên tấm phản, còn ông mắc võng nằm ngoài hè trước cửa lớn. Đêm về khuya, đường phố đã trở lại yên tĩnh, trời dần dần mát dịu, người đạp xích lô trằn trọc mãi vẫn không ngủ được. Ông ngồi dậy châm thuốc hút, rồi khẽ khàng vào lán nhìn ngắm con gái ngủ ngon lành. Con gái ông đó, niềm tự hào và tương lai của vợ chồng ông gửi lại cho đời. Vầng trán thanh tân, mái tóc xanh dày phủ kín gối, con gái ông thật xinh đẹp trong giấc ngủ thanh thản của tuổi trẻ.

Ngủ đi con, công chúa của bố, bố đang canh cho con ngủ đấy. Sau này con thành người tài giỏi, có ích cho đời, có danh giá và được trọng nể, con hãy nhớ lấy đêm nay, đến căn lán rửa xe tồi tàn này. Con sẽ đi những xe hơi sang trọng, con đừng quên chiếc xích lô của bố nhé. Rồi con sẽ tìm cho mình một người đàn ông tài giỏi và nhân hậu, sẽ sinh cho bố những đứa cháu thật xinh thật ngoan, chúng sẽ sống trong lòng con như con vẫn sống trong lòng thương của bố. Bố chỉ ân hận là mình nghèo không cho con nhiều quần áo đẹp, con không được ở nhà cao cửa rộng đầy đủ tiện nghi và đi chơi bằng những chiếc xe đắt tiền. Tất cả những cái đó con phải tự làm ra bằng tài trí của con, chứ thật ra bố mệt rồi, bố biết mình rất rõ con ạ. Nhưng còn tí sức nào bố còn sống cho con, công chúa của bố ơi!

Người cha ngồi xổm trên nền căn lá nhỏ, thì thầm nói chuyện với cô gái đang ngủ ngon lành và cũng là nói chuyện với bản thân mình. Đêm hè trôi qua, thành phố đã thức giấc với tiếng người đi tập buổi sáng, tiếng xe cộ chạy trên đường. Khi người đạp xích lô đứng dậy bước ra cửa lán, bình minh mùa hè đã hửng sau những vòm cây.

° ° °

Người rửa xe nói với cô gái:

- Chú cho người lên tận trường tìm nhưng cháu đi thực tập xa quá, không liên lạc được. Chú đã cùng bạn bè và làng xóm cho bố cháu yên nghỉ một cách trọng thể nhất. Đây là những thứ bố cháu gửi lại cho cháu.

Ông mở một bọc nhỏ gói trong tấm mùi xoa cũ có thêu hai con chim bồ câu. Cô gái nhận ra đó là tấm khăn mẹ cô tặng bố trước khi đi chiến trường, suốt đời bố đã nâng niu giữ gìn nó. Cô thận trọng mở tấm khăn, một tờ giấy gấp tư để trên một gói giấy. Tờ giấy hơi nhăn, ố mồ hôi, có lẽ bố đã viết cho cô từ lâu và luôn bỏ túi áo ngực.

"Con gái ơi!

Bố muốn chờ ngày cùng con thắp hương cho mẹ để mừng cho con và tạ công mẹ, nhưng không xong rồi. Vì làm việc ở đường phố nhiều nắng gió, vất vả, các vết thương cũ không để bố yên. Bố đã cố giấu bạn bè, giấu cả con, nhưng rồi cũng không gượng được nữa. Thế là từ nay trên đường đời con đi không còn bố. Bố không được hưởng niềm vui con thành đạt, không được bế ẵm những đứa cháu con sẽ sinh ra. Nhưng bố ra đi rất thanh thản. Bố đã được nghe con hát, được thấy con trở thành một người có học vấn, có tấm lòng trong sạch và nhân hậu. Chính cái hôm bố yêu cầu con hát cho bố nghe ấy, bố đã cảm thấy người khang khác, khó trụ được lâu. Đáng lẽ cuộc gặp gỡ cuối cùng của bố con mình phải đàng hoàng hơn, nhưng bố chẳng có gì ngoài chiếc xích lô để đưa con đi chơi. Nhưng chính hôm ấy, bố đã yên tâm, tự hào về con.

Đừng buồn con gái nhé. Con còn cả một cuộc đời ở trước mặt, con phải sống cả cho bố mẹ. Con còn có bạn bè của bố, bạn bè của con và họ hàng dưới quê. Hãy làm cho cuộc đời mình thật hạnh phúc bằng cách sống tốt lành con nhé...".

Nước mắt cô gái rơi lã chã trên bức thư đẫm mồ hôi của người cha. Cô nghẹn ngào nói với người rửa xe:

- Cháu ân hận quá. Sao cháu không biết hôm đó bố cháu đã yếu thế.

- Đây là số tiền tiết kiệm hai mươi triệu đồng bố cháu gửi lại cho cháu. - Người rửa xe vừa nói vừa đưa cho cô gái quyển sổ tiết kiệm. Bố cháu tằn tiện lắm. Hàng ngày chỉ ăn cơm bụi ba nghìn, có bữa ăn bánh mì, uống nước sôi. Không uống rượu, không hút thuốc. Có một người phụ nữ muốn chia sẻ cuộc đời lỡ dở với bố cháu nhưng bố cháu đã trốn chạy. Thế đấy...

Cô gái gạt nước mắt, cất các kỷ vật của cha vào túi xách, nói với người rửa xe:

- Cháu cảm ơn chú nhiều lắm. Bố cháu may mắn có những người bạn tốt như chú.

- Đừng nói thế. Vì bố cháu là người bạn tốt nên mới có bạn tốt. Bố cháu đã có cuộc đời đáng tự hào. Cháu nhớ là bố cháu không còn nhưng còn các chú. Những người bạn lính không bao giờ bỏ con cháu của nhau.

Cô gái đã ra đi. Trên đường đời từ nay, cô không chỉ sống cho mình mà sống cho cả bố mẹ.

Bài liên quan
  • BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhiên cất tiếng hát "Ơi chàng ơi chim có bạn có bầy, thuyền có bến có sông sao lại để em năm canh gối chiếc chăn đơn đợi chàng... "
  • HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Hai người bạn là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, in trong tập truyện ngắn Hạnh, Đời nay xuất bản năm 1940.
  • CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Vũ Bằng hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực báo chí từ những năm 1930-1940 khi tuổi đời còn rất trẻ. Ông là chủ bút tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy, thư ký tòa soạn tờ Trung Bắc Chủ Nhật khi mới hơn hai mươi tuổi. Khi Nhật-Pháp so kè với nhau chiếm nước ta, dưới áp lực kinh người của những kẻ xâm lược, Vũ Bằng vẫn giữ tư thế của tờ Trung Bắc Chủ Nhật là phục vụ người Việt, vì quốc gia dân tộc, khiến cả chính quyền Pháp và Nhật đều phải kiêng nể.  Trước 1945, Vũ Bằng nổi tiếng trong việc giúp đỡ các nhà văn khác cả tiền bạc lẫn kinh nghiệm viết lách. Rất nhiều nhà văn nhận những lời khuyên của Vũ Bằng sau này đều trở thành những nhà văn lớn của Việt Nam. Thế nhưng, một thời gian dài kể từ khi Vũ Bằng di cư vào Nam năm 1954, các tác phẩm của ông biến mất không còn dấu vết, không được nhắc tới trong nhà trường, bị đưa vào danh mục cấm do cái tiếng "dinh tê, về thành", nhà văn "quay lưng lại với Kháng chiến"... gây ra. Ông lâm trọng bệnh và mất ở TP. Hồ Chí Minh năm 1984 trong cảnh vô cùng túng thiếu. Mãi sau này, ông mới được minh oan rằng không phải ông quay lưng với kháng chiến mà là ông đã nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật trong giới trí thức nội thành từ năm 1952 và vào Nam năm 1954 theo lệnh của tổ chức. Tháng 3 năm 2000, Cục Chính trị thuộc Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có văn bản xác nhận nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo.
  • ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ hàng đầu của Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX, sức ảnh hưởng của Xuân Quỳnh lớn tới nỗi Google từng vinh danh bà trên trang chủ của họ vào năm 2019. Là nhà thơ nên tất nhiên bà nổi tiếng về thơ và hầu như khó tìm được ai không biết bài Thuyền và Biển của bà. Nhưng Xuân  Quỳnh cũng viết văn và viết rất nhiều truyện cho thiếu nhi, truyện Ông nội và ông ngoại dưới đây là một trong số đó.
  • LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Lời Nguyền là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, viết về quãng thời gian ông bị thực dân Pháp bắt tại Hà Nội (1941) và đưa lên giam giữ tại trại giam Vụ Bản, Châu Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình. Truyện được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc cuối cùng của nhà văn Khái Hưng. 
  • CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mưỡu Cuối được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1946, đặt làm Phần cuối và đem đi xuất bản ở Quốc Văn với tên Chùa Đàn. Với Tâm sự của nước độc, Nguyễn Tuân băng băng trèo lên đỉnh đèo văn, còn với Chùa Đàn, ông bồng bềnh trôi, chưa mỏi gối nhưng đã không còn đỉnh đèo nào để leo nữa.
  • CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần II của Chùa Đàn, được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1945 có tên Tâm sự của nước độc. Truyện có phần đề từ lấy trong Chữ Nhàn, một bài hát nói của Nguyễn Công Trứ; “Ai hay hát mà ai hay nghe hát”. Trong Chùa Đàn, truyện được sắp xếp thành phần II. Nhà văn Khái Hưng và một số nhà văn khác cho rằng, (việc) Nguyễn Tuân viết thêm Dựng và Mưỡu Cuối, đã làm hỏng mất sự toàn bích một tác phẩm tuyệt mỹ.
  • CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chùa Đàn được xem là tác phẩm hội tụ những gì tinh hoa nhất của nhà văn Nguyễn Tuân do Quốc Văn xuất bản năm 1946 tại Hà Nội. Chùa Đàn bắt đầu từ truyện ngắn Tâm sự của nước độc trong loạt truyện kinh dị Yêu Ngôn ông đăng trên các báo thời bấy giờ. Đến năm 1946, để phù hợp với diễn biến thời cuộc, ông viết thêm hai phần bổ sung, đặt làm phần Một và Ba, Tâm sự của nước độc trở thành phần Hai của tác phẩm.
    Dù là tác phẩm hay nhất của Nguyễn Tuân, nhưng Chùa Đàn đã bị đánh giá thấp do các yếu tốc ma quái kì dị đầy màu sắc tâm linh của nó. Kể từ lần in năm 1946 và sau đó được Tân Việt tái bản ở Sài Gòn* năm 1947, đến tận năm 1981, Chùa Đàn vẫn không được nhà xuất bản đưa vào tuyển tập của ông. Điều này đã khiến Nguyễn Tuân buồn bã đến nỗi; "Tôi tiếc cái Chùa Đàn quá. Họ cắt cái Chùa Đàn khỏi tuyển tập này, cũng giống như cắt cái gan ra khỏi bụng tôi".
    Đến năm 1999, Chùa Đàn mới được in trở lại trong tập Yêu Ngôn do nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh thực hiện. Ngày nay Chùa Đàn không những đã được xuất bản, mà còn được chuyển thể sang nhiều loại hình nghệ thuật khác như kịch nói, cải lương, phim điện ảnh. Ở mảng điện ảnh, Chùa Đàn được dựng thành bộ phim khá nổi tiếng Mê Thảo – thời vang bóng do đạo diễn Việt Linh thực hiện.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần cuối của Ngõ lỗ thủng, tác phẩm dựa trên những ký ức, sự kiện và nhân vật có thật của nhà văn Trung Trung Đỉnh, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ngõ lỗ thủng của Trung Trung Đỉnh dựa trên ký ức của những sự kiện, nhân vật có thật của chính nhà văn, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.