chan_dung-ke_si

NGẬM NGẢI TÌM TRẦM - Truyện ngắn Thanh Tịnh

28-09-2023

Lượt xem 1582

Đánh giá 0 lượt đánh giá

Chia sẻ

  Thanh Tịnh

NGẬM NGẢI TÌM TRẦM - Truyện ngắn Thanh Tịnh

Nhà văn Thanh Tịnh

Hôm ấy chúng tôi vào phía rừng Kim Vân gần chân núi Trời để đo mấy khoảnh ruộng tranh mới vỡ. Ðường đi gồ ghề và hóc hiểm lắm đoạn phải lội qua suối nước lên quá lưng quần.

Chúng tôi đi một dây dài cho có vẻ nhiều và mạnh. Thật ra đường cũng hẹp, không thể đi hàng hai được. Ði trước là người mang hòm máy rồi đến người xách mấy mo cơm nắm và thức ăn. Tôi đi giữa, phía sau tôi là hai người cầm "ra lông" và "mia". Tôi chỉ cầm bản đồ để dò đường nên phải đưa mắt nhìn quanh mãi. Vào giữa trưa, chúng tôi đến đầu địa phận làng Thanh Mỹ. Trời về tiết hạ nhưng may cũng chưa nắng gắt. Có lẽ vì nhờ hơi đá bốc lên cao và khói sương ủ xuống nặng. Trời tuy nắng nhưng thời tiết có vẻ dễ chịu. Qua khỏi đồi thông, am Sơn Thần, trước mắt chúng tôi hòn núi Truồi dựng lên sừng sững, oai nghiêm như một vị linh thần. Sườn núi từ trên cao chạy xuống từng đường trắng, rồi tỏa rộng bốn bề trông như những ngọn thác lùa đá ùn thành đồi.

Chúng tôi đang loay hoay tìm chỗ ngồi ăn trưa thì may gặp một nền nhà cũ bỏ hoang khá bằng phẳng.

Chung quanh nền nhà có mấy thanh sắt dựng lên thật cao. Bên tay trái có mấy sợi dây thép dằng qua lại giữa hai cây sắt đã dỉ cùn đầu. Cây bìm bìm tha hồ thả dây leo và đang kết thành một hàng rào lá chạm lọng khá dày. Quái lạ, một hàng rào sắt bao quanh một nền nhà đất sét! Thật là một chuyện lạ ra ngoài tưởng tượng. Hay đây là bãi chiến trường xưa...?

Tôi đang phân vân muốn biết chuyện hàng rào sắt thì một bà lão thấy chúng tôi ngồi ăn, liền đến đứng xem. Và cũng nhờ bà ta, chúng tôi mới biết câu chuyện sau đây:

"Xóm Bình Lư hồi ấy có độ trên mười nóc nhà. Xóm ấy thuộc về làng Thanh Mỹ thượng. Họ chuyên nghề vào rừng đốn củi hay đi săn. Cách sinh kế của lớp người này rất đơn giản. Rừng núi đã chu cấp cho họ gần hết vật liệu họ cần dùng. Thiếu gạo đã có ruộng rừng, họ ra công cày cấy lấy. Ðồ ăn phần nhiều là thịt hươu nai ướp muối hay ép thật khô. Thỉnh thoảng họ mới xuống chợ bán củi để mua ít thức cần, phần nhiều là vải, muối hay diêm. Ðời họ ở xa cách thành thị, có tiền nhiều họ cũng không biết sắm thêm gì và không vượt ra khỏi cơm ngày hai bữa. Hy vọng của họ cạn và gần, và nhờ thế rất dễ được mãn nguyện

Trong xóm ấy có hai vợ chồng bác Diệm nhà nghèo nhưng ở với làng nước rất thảo. Bác gái là người làng Ngô Xá ở Quảng Trị. Lấy nhau sáu năm bác gái sinh được một trai và một gái. Thấy trong nhà nhiều miệng ăn, muốn cho vợ con được no ấm, bác trai liền nghĩ cách vào núi tìm trầm. Nhưng tìm trầm rất khó, không phải đôi ba ngày mà tìm ra được. Có khi phải đi đến hàng tuần hàng tháng. Rồi kết quả lắm lúc cũng chẳng ra gì. Ðó là chưa nói phải vào tận trong núi xanh và vượt qua nhiều cánh rừng nguy hiểm. Muốn tránh tai họa, người đi tìm trầm phải ngậm ngải. Theo lắm người kể chuyện, ngải là một thứ củ cây do người Mọi ở Trường Sơn luyện rất công phu. Họ hấp củ cây ngải trong lò mật ong một tháng, để giữa dòng suối chảy một trăm ngày. Ðoạn phải đặt trong tay đủ năm người chết, và đeo trước ngực năm bà già trong đời giữ vẹn tiết trinh. Vẫn chưa hết. Xong phải nhét vào trong cái giò heo để lừa cho hổ ăn. Nghĩa là nếu may thì ngải sẽ nằm trong bụng hổ. Ðoạn phải bẫy cho được con hổ ấy, rồi giết ngay và lấy ngải ra.

Ngải lúc ấy là một cái bùa thiêng có sức mạnh huyền bí. Ai ngậm nó mà đi vào rừng thì không ăn không uống cũng sống được. Và thú dữ dù đi sát bên cạnh cũng không thấy mình được. Nhưng hạn trong ba tháng mười ngày phải trở về nhà nhả ngải ra. Nếu không thì người ấy sẽ mọc lông, trổ vuốt, thêm nanh và hóa ra hổ thật.

Chuyện ngậm ngải tìm trầm, thổ dân ở các dải núi miền Trung cho là rất thường. Cái mỉm cười ngờ vực đối với câu chuyện họ nói về sức phi thường của ngải sẽ quyến được cái quắc mắt giận dỗi hay cái trề môi ngạo nghễ của họ ngay vì họ quá tin đến dám xem thường tất cả người nào không chịu tin như họ, nghĩa là không hiểu rõ sức uy hùng bí mật của rừng thẳm núi cao.

Bác Diệm trai vào rừng đã gần ba tháng nhưng vẫn chưa thấy ra. Bác gái ngày nào cũng nhìn vào núi Truồi để chờ tin tức. Có lẽ chỉ lần này bác trai mới vào rừng lâu nhất. Mấy lần trước bác chỉ đi trong một vài tháng là nhiều. Bác gái ngày đêm lo sợ nhưng cũng không biết làm sao được. Bác liền đi hỏi thăm mấy nhà hàng xóm. Có người an ủi lấy cớ bác Diệm rất thông minh, thế nào bác cũng nhớ về nhà đúng kỳ hạn. Lắm người bông đùa một cách quái ác, là nói bác đã vào tận Bình Ðịnh, Quy Nhơn, rồi lấy vợ bé trong ấy rồi. Bác Diệm gái vẫn trông mong chồng và đêm nào cũng ra phía sau nhà nhìn về phía dãy Trường Sơn bát ngát. Nhưng dải núi thì cao và hùng vĩ quá, không thể đem lại sự yên lành trong tâm hồn chất phác của cô gái quê được.

Ba tháng mười ngày đã qua từ lâu. Bác Diệm gái lại càng lo sợ hơn nữa. Ðêm nào bác cũng ra đứng giữa sân thẫn thờ nhìn về dãy núi, rồi đến đêm khuya bác với trở vào nhà ngồi khóc rấm rứt.

Ngày tháng cứ lặng lẽ trôi, rất nặng nề trong lòng người mong đợi. Rồi giữa một đêm trăng mờ cuối thu, Bác Diệm gái bỗng nghe tiếng rú xa xa, đứt quãng rồi kéo dài rất ảo não. Bác Diệm tung chiếu chạy ra sau nhà, tim đập mạnh và tay chân run lập cập.

Phía xa trên một đồi nhỏ, lọt trong rặng thông lơ thơ, một bóng người đang nhìn về xóm Bình Lư đã từ lâu im lìm trong đêm vắng. Tuy chưa nhận rõ là ai, linh tính đã báo cho bác biết đó là chồng bác, bác Diệm trai. Rồi không suy tính, bác đâm đầu chạy ra, lòng mừng khấp khởi. Nhưng mới chạy được một quãng ngắn, bác đã lạnh người đứng dừng lại. Một tiếng rú nghe lạnh và uất như một người câm cố thét lên để nói được tiếng của loài người.

Tuy sợ nhưng lòng bác Diệm gái thương chồng mạnh hơn. Bác gắng sức chạy đến chân đồi, cái bóng đen liền chờn vờn đi lại phía bác, hai tay thả lỏng, đầu gật gù lưng cúi lom khom. ánh trăng thu giây bụi vàng nhạt trên mớ tóc dài đen nháy của con người kỳ dị lại làm bác gái giật mình, muốn đứng lại ngay. Giữa lúc ấy bác nhận thấy một manh áo nâu đã rách tươm còn vướng trên cổ người ấy... Thôi rồi! Chồng bác đã gần hóa hổ, bác run sợ và bồi hồi... Nhưng bác cũng cố đứng nhìn và đợi. Cái bóng đen vừa tiến đến vừa rên hừ hừ, như bị ngạt trong cổ. Lúc thoáng thấy cặp mắt chồng đã tròn xoe và hoe sáng như lửa, cằm đã mọc râu dài và thưa, bác Diệm gái liền đi thụt lùi rất gấp. Nhưng bác vấp phải một cành cây nằm ngang ở phía sau. Bác thét lên một tiếng rồi ngã nhào, chết ngất.

Sáng hôm sau, lúc bừng mắt tỉnh dậy, bác Diệm gái thấy mình đang nằm trên giường nhà. Hỏi mấy người đến thăm, bác mới biết tiếng rú đêm qua, dân xóm đều nghe rõ ràng cả. Họ cũng lần ra phía đồi để xem thì gặp lúc bác nằm chết ngất trên cành cây khô. Mấy người khiêng bác về nhà. Còn những người bạo dạn thì lấy roi hèo đánh đuổi con người quái lạ kia đi. Nghe đến đấy bác Diệm gái mở lớn đôi mắt, băn khoăn hỏi:

- Dân xóm có đánh người ấy à?

Một ông lão đáp:

- Không, chỉ doạ thôi. Thật ra cũng không ai dám đến gần hắn.

Bác gái nói thầm như để một mình nghe:

- Chồng tôi đó!

Nói xong bác ứa nước mắt thở dài một cách ngao ngán.

Luôn mấy đêm sau, bác Diệm gái ra sau nhà đứng nhìn về phía mấy ngọn đồi nhưng tuyệt nhiên không thấy bóng chồng đâu nữa. Bác lại trở vào nhà âm thầm nằm đợi nghe tiếng rú.

Qua tháng sau, một buổi chiều, bác xuống chợ Truồi mua gạo thì bác trai mon men vào nhà. Bác đem theo một buồng chuối hoang và mấy trái cam dại. Hai đứa con mới nhận thấy bác đã khóc vang lên. Bác lo sợ cúi gầm đầu xuống và đưa cam chuối cho chúng ăn. Chúng thấy người ấy không làm gì hại và còn cho ăn tử tế thì ngồi yên lặng ngay.

Bác Diệm trai muốn vuốt ve con, nhưng tay bác sờ đến đâu, áo quần của hai đứa nhỏ rách toang đến đấy. Thì ra móng tay bác đã sắc và nhọn lắm rồi.

Thừa lúc đứa con trai quay mặt nhìn ra sân bác Diệm liền thè lưỡi liếm đầu nó. Bác muốn tỏ vẻ yêu mến con, lòng bác còn là lòng người, nhưng chao ôi, cử chỉ của bác đã nhuộm đầy vẻ thú. Lưỡi bác đã rám và sắc hơn dao rồi. Chỉ đưa đi đưa lại mấy cái, tóc đứa con đã rụng tua tủa. Hai đứa con sợ quá, liền bỏ chạy ra sân la lớn. Cũng ngay lúc ấy bác Diệm gái đi chợ về. Thấy chồng lông đầy người và mầu lông đã hơi vàng, hai tay trước thòng gần chấm đất và nanh trắng nhe ra ngoài môi, bác Diệm gái cũng hoảng hốt la tiếp.

Nghe tiếng ồn ào, dân quanh xóm liền chạy đến và đuổi con vật nửa người nửa thú chạy bán sống bán chết vào rừng. Muốn che chở người cô quả, dân xóm Bình Lư xuống xin mấy người làm đường xe lửa ở gần ga Truồi một chục thanh sắt và mấy sải dây thép về làm một cái hàng rào vây quanh nhà bác Diệm gái. Từ đó bác Diệm trai không dám bén chân về nhà nữa.

Nhưng qua mùa xuân sau, cũng một đêm trăng mờ như bảy tháng trước, bác Diệm gái lại nghe tiếng rú kinh hồn trên đồi thông vắng. Bác liền vội vã chạy ra sau nhà. Trong bầu ánh sáng nhạt, nhuộm sương khuya, bác Diệm thấy một bóng người - không, một con vật thì đúng hơn - chụm mạnh bốn chân xuống đất, ngẩng đầu lên cao, đang đăm đăm nhìn về phía bác. Thôi thế là hết! Chồng bác đã hoàn toàn hóa hổ... Bác ôm mặt khóc rất thê thảm. Con hổ cũng rú lên một hơi dài như để đáp lại tiếng lòng của vợ. Tiếng rú nghe lạnh và buồn.

Ðoạn con vật quay mình lẳng lặng đi vào phía núi Truồi, rồi biến dần trong ánh trăng xanh nhạt.

Dãy núi Truồi từ đó đã như một bức thành kiên cố chia đôi tình nhân loại với cảnh huyền bí của sơn lâm.

Tôi đi học

Bài liên quan
  • BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhiên cất tiếng hát "Ơi chàng ơi chim có bạn có bầy, thuyền có bến có sông sao lại để em năm canh gối chiếc chăn đơn đợi chàng... "
  • HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Hai người bạn là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, in trong tập truyện ngắn Hạnh, Đời nay xuất bản năm 1940.
  • CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Vũ Bằng hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực báo chí từ những năm 1930-1940 khi tuổi đời còn rất trẻ. Ông là chủ bút tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy, thư ký tòa soạn tờ Trung Bắc Chủ Nhật khi mới hơn hai mươi tuổi. Khi Nhật-Pháp so kè với nhau chiếm nước ta, dưới áp lực kinh người của những kẻ xâm lược, Vũ Bằng vẫn giữ tư thế của tờ Trung Bắc Chủ Nhật là phục vụ người Việt, vì quốc gia dân tộc, khiến cả chính quyền Pháp và Nhật đều phải kiêng nể.  Trước 1945, Vũ Bằng nổi tiếng trong việc giúp đỡ các nhà văn khác cả tiền bạc lẫn kinh nghiệm viết lách. Rất nhiều nhà văn nhận những lời khuyên của Vũ Bằng sau này đều trở thành những nhà văn lớn của Việt Nam. Thế nhưng, một thời gian dài kể từ khi Vũ Bằng di cư vào Nam năm 1954, các tác phẩm của ông biến mất không còn dấu vết, không được nhắc tới trong nhà trường, bị đưa vào danh mục cấm do cái tiếng "dinh tê, về thành", nhà văn "quay lưng lại với Kháng chiến"... gây ra. Ông lâm trọng bệnh và mất ở TP. Hồ Chí Minh năm 1984 trong cảnh vô cùng túng thiếu. Mãi sau này, ông mới được minh oan rằng không phải ông quay lưng với kháng chiến mà là ông đã nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật trong giới trí thức nội thành từ năm 1952 và vào Nam năm 1954 theo lệnh của tổ chức. Tháng 3 năm 2000, Cục Chính trị thuộc Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có văn bản xác nhận nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo.
  • ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ hàng đầu của Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX, sức ảnh hưởng của Xuân Quỳnh lớn tới nỗi Google từng vinh danh bà trên trang chủ của họ vào năm 2019. Là nhà thơ nên tất nhiên bà nổi tiếng về thơ và hầu như khó tìm được ai không biết bài Thuyền và Biển của bà. Nhưng Xuân  Quỳnh cũng viết văn và viết rất nhiều truyện cho thiếu nhi, truyện Ông nội và ông ngoại dưới đây là một trong số đó.
  • LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Lời Nguyền là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, viết về quãng thời gian ông bị thực dân Pháp bắt tại Hà Nội (1941) và đưa lên giam giữ tại trại giam Vụ Bản, Châu Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình. Truyện được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc cuối cùng của nhà văn Khái Hưng. 
  • CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mưỡu Cuối được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1946, đặt làm Phần cuối và đem đi xuất bản ở Quốc Văn với tên Chùa Đàn. Với Tâm sự của nước độc, Nguyễn Tuân băng băng trèo lên đỉnh đèo văn, còn với Chùa Đàn, ông bồng bềnh trôi, chưa mỏi gối nhưng đã không còn đỉnh đèo nào để leo nữa.
  • CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần II của Chùa Đàn, được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1945 có tên Tâm sự của nước độc. Truyện có phần đề từ lấy trong Chữ Nhàn, một bài hát nói của Nguyễn Công Trứ; “Ai hay hát mà ai hay nghe hát”. Trong Chùa Đàn, truyện được sắp xếp thành phần II. Nhà văn Khái Hưng và một số nhà văn khác cho rằng, (việc) Nguyễn Tuân viết thêm Dựng và Mưỡu Cuối, đã làm hỏng mất sự toàn bích một tác phẩm tuyệt mỹ.
  • CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chùa Đàn được xem là tác phẩm hội tụ những gì tinh hoa nhất của nhà văn Nguyễn Tuân do Quốc Văn xuất bản năm 1946 tại Hà Nội. Chùa Đàn bắt đầu từ truyện ngắn Tâm sự của nước độc trong loạt truyện kinh dị Yêu Ngôn ông đăng trên các báo thời bấy giờ. Đến năm 1946, để phù hợp với diễn biến thời cuộc, ông viết thêm hai phần bổ sung, đặt làm phần Một và Ba, Tâm sự của nước độc trở thành phần Hai của tác phẩm.
    Dù là tác phẩm hay nhất của Nguyễn Tuân, nhưng Chùa Đàn đã bị đánh giá thấp do các yếu tốc ma quái kì dị đầy màu sắc tâm linh của nó. Kể từ lần in năm 1946 và sau đó được Tân Việt tái bản ở Sài Gòn* năm 1947, đến tận năm 1981, Chùa Đàn vẫn không được nhà xuất bản đưa vào tuyển tập của ông. Điều này đã khiến Nguyễn Tuân buồn bã đến nỗi; "Tôi tiếc cái Chùa Đàn quá. Họ cắt cái Chùa Đàn khỏi tuyển tập này, cũng giống như cắt cái gan ra khỏi bụng tôi".
    Đến năm 1999, Chùa Đàn mới được in trở lại trong tập Yêu Ngôn do nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh thực hiện. Ngày nay Chùa Đàn không những đã được xuất bản, mà còn được chuyển thể sang nhiều loại hình nghệ thuật khác như kịch nói, cải lương, phim điện ảnh. Ở mảng điện ảnh, Chùa Đàn được dựng thành bộ phim khá nổi tiếng Mê Thảo – thời vang bóng do đạo diễn Việt Linh thực hiện.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần cuối của Ngõ lỗ thủng, tác phẩm dựa trên những ký ức, sự kiện và nhân vật có thật của nhà văn Trung Trung Đỉnh, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ngõ lỗ thủng của Trung Trung Đỉnh dựa trên ký ức của những sự kiện, nhân vật có thật của chính nhà văn, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.