chan_dung-ke_si

NÀNG CÔNG CHÚA HUẾ - Truyện ngắn Lưu Trọng Lư

23-12-2023

Lượt xem 1277

Đánh giá 0 lượt đánh giá

Chia sẻ

  Lưu Trọng Lư

NÀNG CÔNG CHÚA HUẾ - Truyện ngắn Lưu Trọng Lư

Nhà văn Lưu Trọng Lư (1911-1991)

Chân Dung Kẻ Sĩ: Hiểu biết về Lưu Trọng Lư với tư cách một nhà văn bắt đầu được biết đến vào năm 2011, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông, nhờ công trình do Lại Nguyên Ân và Hoàng Minh sưu tầm, biên soạn. Các công bố cho thấy Lưu Trọng Lư có một gia tài văn xuôi đồ sộ, dù chưa sưu tầm đầy đủ nhưng cũng đã lên tới 60 tác phẩm.

Truyện ngắn NÀNG CÔNG CHÚA HUẾ, do PHỔ THÔNG BÁN NGUYỆT SAN xuất bản 1938, là một trong các tác phẩm trong gia tài văn xuôi của nhà văn Lưu Trọng Lư.

TÔI GẶP Liên Hing lần đầu tiên ở tửu quán Đông sơn. Tôi nhìn anh ta mà không biết chán : đó là một người nhưng khác hẳn với những người tôi thấy xung quanh tôi. Liên Hing cũng như phần nhiều những người ‘‘khách’’ đã lăn lộn lâu ở đất An-Nam – có cái bụng phệ ra một cách tư bản. Nhưng Liên Hing không có đôi mắt Tàu hay Á đông chút nào, đôi mắt như bơi trong sự huyền ảo, trong sự lờ đờ, trong mộng. Đôi mắt của chàng, trái lại, là cái biểu tượng linh hoạt của cuộc đời Âu Mỹ. Trông cách chàng ta ăn uống, lối chàng ta cầm can, và nhất là cách chàng ta tiếp chuyện thì ta phải tin rằng chàng đã bớt vẻ ‘‘tàu’’ nhiều lắm, và nhiễm nhiều phong tục sang trọng và gọn gàng của người Tây.

Sau khi một người bạn chung của chúng tôi đã giới thiệu hai chúng tôi với nhau, thì Liên Hing cũng như một người Tây lịch thiệp, chàng nói chuyện một cách liên tiếp, niềm nở và vui vẻ.

Chỉ có một điều này lạ, là chàng có cái ‘‘khuynh hướng’’ muốn nói về mình nhiều. Đối với người Âu tây, thì nói đến mình nhiều quá trong một câu chuyện ban đầu với kẻ sơ giao, là một điều không được lịch thiệp lắm, nhưng Liên Hing, người mà tôi sắp đi sâu vào trong cái đời thân mật của anh ta – người ấy có quyền nói đến mình – nói một cách oai nghi đường bệ vì cái thân thế của anh ta là một truyện đáng cho mọi  người biết tới và lấy đó làm một điều ngẫm nghĩ.

  Một khi người ta đã biết Liên-Hing rồi, người ta sẽ không lấy làm ngạc-nhiên chút nào về việc chàng ta hay có cái khuynh-hướng nói đến mình, vì anh ta là một người đã sống, theo cái nghĩa mạnh mẽ và đầy đủ của chữ này. Cuộc đời chỉ là một cuộc phiêu lưu. Người nào đã phiêu lưu nhiều, đã lên ghềnh xuống thác nhiều, đã dạn dầy với gió sương, đã nếm nhiều mùi vị, người ấy là kẻ đã đắc thắng, và người ấy, khi trở về giữa chúng ta, có thể kể lại những cuộc phiêu lưu nguy hiểm của anh ta, bằng một giọng tự đắc:

—  ‘‘...Xưa kia, tôi đã tầng...’’

 ‘‘ Tôi đã tầng...’’ đó là lời nói của kẻ đã sống.

Sống không phải là để thực hiện những câu đạo đức khô khan của các bực thánh hiền. Mà cuộc đời cũng không phải là chỗ khoe mồm mép của cái đám người mà ta quen gọi là quân tử, trượng phu.

Sống, chỉ là để lăn lóc, để say đắm, để đau khổ, để thí nghiệm đến cái năng lực cuối cùng của con người ta, để tận hưởng đến cái hương vị sau chót của cuộc sống.

Sống nghĩa là không sợ gì cả.

Phải nằm vào thâm tâm của mọi vật, lún mình ở trong sự đau thương, trong tội lỗi, nhắm mắt mà say hưởng cái thú vị thần-tiên của cuộc đời.

 ‘‘ Tôi đã tầng…’’ đã tầng lăn lóc và đau khổ, nghĩa là đã tầng sống.

 ‘‘ Người đã tầng...’’ là người đáng cho ta thờ  phụng, kính yêu, và có quyền nói đến mình luôn, vì cái thân thế của họ là cái kiểu mẫu đầy đủ của cuộc đời.

Mọi người đã xúm lại quanh Liên Hing, chờ nghe một cách thành kính, câu chuyện đương hứa một sự đam mê, một sự ly kỳ hiếm có. Nhưng Liên-Hing đã vất cái điếu thuốc tàn... và đứng dậy, bằng một giọng ngà-ngà say, nói:

- Các anh có muốn nghe chuyện tôi, thì hãy theo tôi đi tới chỗ khác... ở đây là một khách sạn, ở đây không phải là chỗ người ta đến để kể những câu chuyện thân mật, những câu chuyện riêng, âm u như ngọn lửa đêm đông.

 

CHÚNG TÔI cả thảy là ba, đi theo cái người mà bây giờ đối với chúng tôi còn là một sự bí mật. Chúng tôi đã ra ngoài thành phố, và lần vào một xóm nhà tranh lác đác. Chúng tôi đi trên một con đường quanh co mà sạch sẽ, đã lâu không ai nói một chuyện gì, nhất là Liên Hing. Trăng vừa mọc thì gió cũng theo lên ở trên những đầu ngọn tre. Tôi có cảm tưởng là như đi trên con đường đưa về Dĩ vãng. Một vừng trăng và một ngọn gió ở trên chòm tre bao giờ cũng như làm cho tôi bâng khuâng, nhớ tiếc cái quãng đời trong trắng lúc còn thơ ấu. Những đêm như đêm này, giữa một mùa hạ nung nấu, đã đưa lại sự mát mẻ và sự vui thích cho biết bao tâm hồn. Lòng ta như muốn tan chảy ra trong ánh trăng êm ái. Và ngực ta dưới hơi gió nhẹ, khoan khoái muốn phồng lên như một cánh buồm.

Đời tôi đã biết bao lần muốn căng thẳng như cánh buồm kia, nhưng một sự thực tế nặng nề đã bắt tôi cắm neo lại, cắm neo bên vợ con, bên một cảnh gia đình trăm năm không thay đổi.

Liên Hing đưa cái ‘‘can’’ chỉ một ngôi nhà gạch, và nói như một người tỉnh mộng:

 -‘‘Nhà tôi đấy.’’

Rồi chàng bước vào trước, chúng tôi cùng im lặng theo sau. Bóng trăng thâu qua giàn hoa lý, rơi xuống thềm, thành từng chấm lốm đốm trắng. Trong một vườn rộng, có lẽ rộng lắm, tôi nghe có tiếng chim vọng lại. Lúc ấy, vào độ lúc sắp chín giờ có lẽ tiếng chim kêu trong đêm khuya, ấy là tiếng con ‘‘mò-ho’’ mà ở vùng này người ta hay nói tới. Nghe tiếng Liên Hing, một người đàn bà khoác vội áo chùng dài, chạy ra đon đả tiếp chúng tôi. Liên Hing quay lại phía chúng tôi và nói:

- Nhà tôi.

Rồi lấy giọng thân mật, chàng nói với vợ:

- Mình chắc chờ tôi nhiều lắm. Mình đã ăn cơm chưa?

- Ai hơi sức mà chờ mình! Mình không phải lo giùm cho tôi: đến bữa, là tôi xin cứ  ‘‘xực’’ cẩn thận.

Bà Liên Hing nói giọng Sài gòn, một thứ giọng nhẹ nhàng, lạnh lẽo và rất ngộ nghĩnh. Bà có một vẻ mặt tươi và dịu như ánh sáng của một cây nến. Cái hình thù của bà, thì hơi thô nhưng không nặng nề. Trái lại, bà gọn gàng và nhanh, hoạt như một người đầm.

Chúng tôi bước vào một gian nhà cao rộng, bài trí rất tân thời. Có điều này rất ngộ là những hoa tím bò qua cửa sổ, leo thẳng vách, trổ ngay ở bên cạnh một bàn đèn thuốc phiện. Phải, một khay đèn thuốc phiện rất xinh, rất gọn, và có lẽ rất quý giá. Tôi cười bảo Liên Hing:

- Tiên sinh cũng là bạn quen của Phù-dung tiên-nữ...

- Không quen lắm, nhưng mỗi khi có một ông khách quý như hôm nay, thì lại thỉnh tiên cô xuống.

Đoạn, Liên Hing châm ngọn đèn lên và mời chúng tôi:

- Chúng ta lại quây quần cả đây cho vui.

Chúng tôi mới hiểu tại sao Liên Hing mời chúng tôi về cho được đến chỗ này, để mà kể chuyện, cái câu chuyện cả một đời người.

Ngọn đèn á phiện đốt bằng dầu olive lại càng thêm mát mắt và như tăng vẻ dịu dàng âm-u trong gian phòng bây giờ đã trở nên thân mật. Vì tất cả chúng tôi đã nằm vây lấy bàn a-phiện, cả bà Liên Hing cũng ngồi cạnh chúng tôi. Với một vẻ thật thà rất sống-sượng và dễ thương, bà Liên Hing vào buồng lấy ra một xấp ảnh nhỏ mà bà vừa chụp hồi chiều, và phân phát cho chúng tôi xem. Cái cử chỉ ấy, hơi đột ngột, làm cho bà Liên Hing vui trẻ được lại hơn mười tuổi. Những ảnh ấy chụp bà khi ăn bận quần short, khi trèo cây, khi hái quả, khi lội nước, khi cưỡi ngựa. Bà để cho người ta chụp, như một đứa trẻ con dễ bảo. Trong một phút, tất cả chúng tôi cũng như những đứa trẻ con khác: chúng tôi cùng xúm giành nhau xem và bình phẩm một cách ngây ngô đến buồn cười.

Trong lúc ấy, ông Liên Hing nhìn vợ, lại nhìn chúng tôi cười và nói:

- Nhà tôi là người có chút ít máu Pháp ở trong mình. Cho nên bà ấy bạo dạn lắm và không chịu thua kém tôi về một điều gì. Tôi mặc short, thì bà ấy cũng mặc short, tôi cưỡi ngựa, thì bà ấy cũng cưỡi ngựa, tôi lái ô-tô thì bà ấy cũng lái ô-tô. Ngay như một việc hút thuốc phiện này, tôi hút năm điếu, thì bà cũng hút năm điếu. Tôi đi ngủ thì bả cũng đi ngủ, tôi không ngủ được thì bà cũng không ngủ được. Thượng đế hình như ví tôi mà tạo ra bà ấy, hay trái lại, vì có bà ấy mà mới có Liên Hing ở đời này. Chả thế, sao hai chúng tôi giống nhau thế, về tinh thần đã vậy, mà về vật thể cũng vậy: bà Liên Hing cân 71 kílô thì tôi cũng nặng chừng ấy. Một gia đình nặng 142 kí-lô kể cũng không phải là một sự thường trong thế gian, có phải thế không các bạn?

Chúng tôi chỉ phá lên cười rất to. Hai vợ chồng Liên Hing lại càng rống lên cười to hơn chúng tôi nữa.

Nhưng bỗng chúng tôi lặng im như bị hãm lại.

Bà Liên Hing đã thu cất mấy tấm hình, và ông Liên Hing đỡ lấy cái hộp thuốc ở nơi tay thằng nhỏ vừa ở phố về. Ông lấy dao mở hộp thuốc ra và nằm hí hoáy tiêm. Tiêm xong điếu thứ nhất, ông giơ cao cái dọc tẩu lên và nói:

- Ở ngoài Bắc ta, cái điếu đầu tiên gọi là điếu thông tẩu và điếu thứ hai mới là điếu danh dự. Nhưng ở đây là xứ nhiệt đới, người ta làm việc gì cũng nóng nảy, hấp tấp, cho nên cái điếu danh dự đã là ngay điếu đầu tiên, Vậy thì tôi xin các ông cử cho tôi một...

Chúng tôi không hẹn nhau, cùng đáp một lúc:

- Bà Liên Hing, điếu thuốc danh dự phải về bà Liên Hing.

Ông Liên Hing toan cãi lại, thì bà Liên Hing đã vội đỡ lấy điếu thuốc của chồng, và nói rất có duyên:

- Thưa các ông, chắc các ông cũng đã biết cái chuyện tội lỗi đầu tiên của những thủy tổ loài người. Bấy giờ, thế giới chỉ mới có hai người, ông Adam và bà Eve và đương ở trong vườn Eden. Chúa cho phép hai người được ăn hết cả hoa quả ở trong vườn, nhưng trừ cây ở giữa vườn là cây thiện và cây ác. Nhưng bị rắn cám dỗ, một hôm bà Eve vẫn hái quả cấm ở trong vườn tự mình ăn và đưa cho chồng cùng ăn nữa. Chính Eve là người đưa sự tội lỗi lại cho chàng Adam. Nay tôi là con cháu của bà Eve, tôi cũng làm như bà Thủy tổ của tôi: tôi mó đến quả cấm, (thuốc phiện chẳng phải là một thứ quả cấm ư?) tự mình ăn trước và sẽ đưa các ngài sau, các ngài là con cháu của Adam. Vậy tôi xin vui lòng phạm tội trước hết.

Nói xong, bà Liên Hing ngậm chặt lấy dọc tẩu và kéo một hơi dài, thành thạo như một kẻ thực thụ. Chúng tôi cùng kêu lên:

- Bravo! Bà Liên Hing thật xứng đáng là con cháu của Eve. Bà Liên Hing vạn tuế! Chúng tôi hôm nay, cũng xin vì bà Liên Hing vui lòng phạm tội.

Ồng Liên Hing cười một cách đắc thắng và nói:

- Nhưng các ngài chắc cũng biết cái đoạn kết cục câu chuyện thảm sầu ấy. Bà Eve liền bị Chúa phạt... từ đấy người đàn bà mỗi tháng chịu một cái hình phạt mà các ngài đã biết, và khi sinh nở phải chịu đau đớn nhiều. Nhưng chưa hết, chúa còn buộc rằng: người đàn bà phải để cho người đàn-ông cai trị. Tôi xin các ngài làm chứng cho tôi: bà Liên Hing đã phạm tội như Eve, vậy bà cũng phải chịu hình phạt như Eve, nghĩa là phải để cho tôi luôn luôn quản trị. Những sự bình quyền mà bà ta đòi tôi lâu nay, xin bãi bỏ hết.

Mọi người đều cười một cách hả hê. Bà Liên  Hing cũng mỉm cười, nói với chồng:

- Dạ, ông đừng phải lo ngại: tôi sẽ là kẻ tôi mọi của ông hết đời hết kiếp.

Mọi người cũng lại cười,

Ông Liên Hing quay lại phía chúng tôi:

- Vâng thì bây giờ đến lượt chúng ta phạm tội.

Mọi người gật đầu. Và cái đầu dọc tàu lần lượt đi từ người này qua người khác. Khi nó đi đã được vài vòng, thì Ngô, một ông bạn của chúng tôi, nói với Liên Hing:

- Đêm cũng sắp khuya rồi. Vậy xin chủ nhân trả xong nợ với khách là những người một đêm mà có lẽ ngày mai, ngày kia chủ nhân không còn gặp nữa.

Liên Hing, hút xong điếu thuốc lá, gạt tàn, hớp một hớp trà, lại hớp thêm hớp nữa, và cất giọng nói, vào đề một cách mau lẹ và đột ngột.

 

TÔI LÀ một người khách...

Chúng tôi nhìn Liên Hing có vẻ ngạc nhiên. Nhưng bà Liên Hing đã vội cắt nghĩa thêm:

- Dạ, nhà tôi là một người khách lai...

Ông Liên Hing lại láy lại:

- Dạ, chính tôi là một người khách lai - dầu tôi lấy một người vợ tây lai, và tôi nói tiếng An nam thạo như một người An nam đặc. Trước kia, nhà tôi ở phố Cantonnais - một tòa nhà đồ sộ mà ngày nay người ta vẫn trông thấy. Nhưng mà ngày nay không còn là của tôi nữa. Hiện nay, nó thuộc về một người mà đời người ấy, rất dính líu vào cái sinh mạng của nhà tôi lúc bấy giờ.

Tía tôi là một người Tàu ở Triều châu, thuộc tỉnh Quảng đông, qua An nam buôn bán. Lúc đầu, tía tôi bước vào xứ này với một cái nghề rất khinh, rất tồi tàn là nghề tẩm quất. Tẩm quất, nghĩa là đấm xương, cho những người đài các phong lưu đau ốm mỏi mệt vì quá nhàn rỗi. Cái nghề ấy không phải là một nghề có thể đưa người ta đến sự giàu sang được. Mỗi lần đấm xương cho người ta, có giỏi lắm thì được hào bạc là cùng. Thế mà các ngài nghĩ tía tôi đã phải để vào cái nghề ấy biết bao tâm trí, biết bao công phu, biết bao nghệ thuật, mới tập luyện được. Bẻ một đốt xương, thế nào cho thật kêu, mà không đau, tôi tưởng không phải là việc dễ. Thế mà, người ta có ai - ngay cả đến những người cầu đến sự tẩm quất - cũng đem lòng miệt thị cái nghề của tía tôi.

Nhưng khi đã trèo non vượt bể qua đây, người ta còn lấy cái sự khen chê làm điều, thì chẳng là hẹp hòi lắm ư? Và ở cái xấu nào, cũng có mặt tốt cả. Nghề tẩm quất không làm giàu cho tía tôi, nhưng nó là một cái quảng cáo rất mạnh cho tía tôi: khắp thành phố Hội an, ai ai cũng nói đến tía tôi và coi tía tôi như là một hiện tượng kỳ quái của nước Tàu lạc qua xứ Nam Việt vậy.

Một hôm, tía tôi được lệnh cụ Thượng ở trên tỉnh gọi lên để ‘‘tầm quất’’ cho bà lớn. Đó là một cái vinh dự lớn nhất trong đời tía tôi và cuộc đời của tía tôi mỗi ngày mỗi thêm vững chãi hơn trước. Vì bà Thượng là người có bệnh đau xương: tía tôi ngày hai buổi, là một sự cần của bà Thượng. Bà lớn đã gần sáu mươi tuổi, mà thuở ấy tía tôi mới vào độ gần ba mươi. Kể thì cũng không thể nào tránh khỏi những điều dị nghị nọ kia. Nhưng mà bà Thượng cũng không thể tẩy  ‘‘ tía’’ tôi được. Ai đã có bệnh mỏi xương, hãy chịu để cho người ta tẩm quất trong năm mười bận, sẽ biết cái sự tẩm quất là một cái  ‘‘thú’’  rất hiếm ở đời. Một khi đã ‘‘ nghiền’’ khó lòng mà bỏ được.

Tía tôi được cụ Thượng nuôi cho ở trong nhà, có lẽ khắp cả tỉnh đều xì xào nói đến tía tôi; nhưng mà cụ ông không thể không chìu cụ bà, mà để giữ tía tôi lại, rồi dần dần tía tôi được cả hai ông bà cùng tín nhiệm.

Nguyên từ khi tới nhậm ở tỉnh này, cụ ông có tậu được mấy chục mẫu ruộng ở gần Hội-an độ ba cây số. Ngày thường, tía tôi được cụ bà cắt ra đấy, coi sóc bọn thợ thuyền làm lụng. Nhờ thế, tía tôi được làm quen với nghề đất ruộng. Mỗi năm, đến mùa gặt hay mùa đào bới, thì tía tôi được quyền tự thu nhận các hoa lợi, và đưa đi bán. Vì cụ Thượng không muốn giữ lâu những các thứ khoai lúa ở trong nhà: chắc các ông cũng biết, lúc bấy giờ, sự thủy lợi chưa được phát  triển, còn vườn ruộng được một mùa thì mất đến hai ba mùa liên tiếp. Sự đói kém xảy ra luôn luôn. Mà trong lúc dân gian cực khổ đói khát, không lẽ quan cứ để lúa gạo trong kho chẳng đưa ra bán. Mà bán trong những lúc ấy, thì là mang tiếng đầu cơ. Còn như đem ra phát không thì dầu giầu có ức vạn, dầu có lòng từ  tâm cho mấy cũng không thể nào làm nổi.

Lấy thế cụ Thượng, tía tôi làm quen với nhà Denis Frères ở Tourane, bấy giờ đương cất gạo và khoai ngô nhất là ngô cho những hãng tư bản lớn ở Pháp. Mỗi khi có chuyến tàu đến Tourane, thì nhà Denis lại cho người đi lùng khắp các nhà quê ở tỉnh Quảng nam để mua ngô gạo và đậu phụng. Năm ấy, là năm thứ nhất, nhà Denis buôn các thứ ấy, cho nên họ thiếu kinh nghiệm, họ phải mua bằng một giá rất hớ. Mà nhiều khi có chuyến tàu đến, nhà Denis lại không thể mua được nữa: nhà hàng cũng lỗ nhiều vì những lẽ đó. Tía tôi cho rằng cơ hội đã đến: là một người  ‘‘khách trú’’, tía tôi cũng chỉ có cái chí nguyện là buôn bán một cách to lớn, một ngày kia trở nên một vị đại thương và lúc trở về Tàu sẽ làm rạng rỡ bà con làng nước. Xuất thân bằng nghề  ‘‘tẩm-quất’’, tía tôi không bao giờ lại chỉ mong trọn đời vẫn là anh chàng  ‘‘tẩm quất’’

Thế rồi, một hôm, lấy tư cách là người nhà của cụ Thượng, tía tôi đến thương lượng với hãng Denis: một  ‘‘người khách’’ chỉ cái quốc tịch cũng đủ cho người tây họ tin ở sự ngay thẳng, tính siêng năng, và tài buôn bán của tía tôi.

Sau khi đã suy nghĩ kỹ càng, tía tôi bàn với người chủ hãng Denis như thế này:

- Sự buôn bán về ngô gạo của ông, xưa nay không phát đạt được như ý của ông, ngộ xét ra là vì lẽ ông không chịu trông xa: ông chỉ đợi kỳ tàu đến, ông mới cho người đi mua, mà đi mua tầng tháng một như thế, nhiều khi lại rất nguy cho ông nữa: giá vật không được thường, tùy sự nhiều ít mà lên xuống, ví dụ như ông mua tháng sáu tháng bảy, thì thế nào cũng đắt gấp đôi, hơn khi mua vào độ tháng chín, tháng mười.

‘‘Sự lên xuống thất thường ấy, tôi tưởng có thể làm sai hỏng cả sự trù tính của ông. Bây giờ tôi xin hiến ông một cách là một năm ông chỉ mua có hai kỳ thôi, vào độ hai mùa gặt ; như thế ông phải trong một lúc bỏ vốn ra thật nhiều, nhưng như thế, ông có thể lãi một cách chắc chắn và lãi được nhiều nữa. Ông chỉ làm một cái kho ở Tourane là đất nhượng địa xa sự trộm cướp để chứa các thứ ngô, gạo mua ở trong lúc hai kỳ mùa. Tàu qua lúc nào, là có sẵn gạo ngô mà chở và cái giá ăn với họ, mỗi năm ông chỉ định độ vài lần thôi.’’

Ông chủ hãng Denis cho lời tía tôi nói có lý lắm. Ông nhận rằng sự buôn bán của ông trong 4, 5 tháng nay, không phát đạt như ý muốn, cũng không ngoài mấy lẽ mà tía tôi nói đó.

Tía tôi mỗi lần thuật lại cho tôi nghe, có nhắc đi nhắc lại một câu ‘‘nửa An-nam, nửa khách, nửa tây’’  mà ông chủ hãng Denis nói với tía tôi, khi tiễn tía tôi ra khỏi cửa:

- ‘‘ Nị nói pải lấm. Nị nói pải lấm. Để ngộ ký lại hợp đồng với người ta đã.’’

Một tháng sau, ông chủ Denis ký lại một bản hợp đồng khác với những nhà tiêu thụ Pháp.

Và cũng trong khoảng ấy, ông chủ Denis cũng ký với tía tôi một tờ giao kèo, trong ấy thuận cho tía tôi vay một món tiền để đi đặt trước.

Một khi đã có một số tiền lớn ở trong tay (đâu đến hai ngàn đồng), tía tôi bèn thuê người lùng khắp vùng Quảng nam; những nhà nào có ruộng, tía tôi cũng cho họ vay một món tiền trước, rồi đến khi mùa gặt tới, tía tôi cho người ra trông nom gặt bới ; tùy theo số tiền họ vay mượn, tía tôi lấy số lúa y như thời giá. Được bao nhiêu, tía tôi gởi ngay Tourane cho ông chủ Denis Frères.

Công việc của tía tôi rất chu đáo nên ông chủ hãng Denis lại rất tín nhiệm: hết món tiền này ông lại cho vay món tiền khác, và việc buôn bán của tía tôi đã có vẻ rộn rịp liên-tiếp.

Tía tôi không phải là một người phụ bạc, nhất là phụ bạc với nghề mình. Nhưng các ngài nghĩ: nếu chết sống với cái nghề  ‘‘tẩm quất’’ thì không xứng với một người a khách trú’’ chút nào hết...

Nghề  ‘‘ tẩm quất’’ cũng như nghề phá xa. Chỉ là cái nhịp cầu thứ nhất để bước qua một nghề khác, không phải vinh hiển hơn nhưng mà có thể đưa người ta đến những sự kinh doanh to tát. Trong bụng của mỗi người An-nam là một ông quan, thì trong bụng của mỗi người Hoa kiều là một vị đại thương.

Khi đã có cơ trở nên một nhà đại thương, tía tôi bèn đoạn tuyệt với nghề ‘‘tẩm quất’’ và từ giã dinh cụ Thượng ; tía tôi, từ đấy bước lên con đường thương nghiệp, bước tầng bước một rất chắc chắn, và công việc đều thành-đạt như ý liệu. Ngay lúc đầu, tía tôi đã tỏ ra mình là một người trù tính giỏi. Và chỉ trong vòng tám, chín tháng mà tía tôi đã có một cái lưng vốn hai, ba nghìn đồng ; bắt đầu bằng một cái vốn ấy – đối với người khách trú - là một cái may hiếm có. Tía tôi đã bắt đầu thấy cái ánh sáng của một ngôi sao mới, lòe ra ở trong phủ Triều châu. Cái ngôi sao ấy là tía tôi sau này vậy.

Hy vọng ấy lại càng làm cho tía tôi thêm phấn khởi mà làm việc. Tía tôi bèn thuê một căn phố ở đường Japonais - một căn phố lớn - nhưng ngày thường không mua bán gì, chỉ để chứa những ngô, gạo.

Cuộc đời cứ thế mà đi ; trong vòng ba năm trời, tía tôi đã giầu non một vạn bạc. Song, đến năm thứ tư thì ở Pháp người ta không tiêu thụ ngô gạo nữa, tía tôi phải xoay nghề. Nhưng khi người ta đã có một vạn bạc ở trong tay, thì người ta lo gì không tìm ra một phương cách để làm lợi.

Nhưng đến đây tôi phải mở “một cái dấu ngoặc để nói đến một người đàn bà. Tía tôi cộng tác với ông Denis, được hai năm, một hôm vào mua lúa ở làng Xuân đài, tía tôi thấy có một thiếu nữ vừa gánh nước ở giếng đầu xóm về. Người thiếu nữ ấy không đẹp lắm, nhưng trông có vẻ gọn gàng, sạch sẽ. Mới thoáng thấy, tía tôi đã ưng ý ngay, bèn lén đi theo sau thiếu nữ, mà nàng không biết. Cái nhà mà nàng bước vào là một nhà tranh nhỏ, sơ sài. Tía tôi hỏi thăm thì biết đó là nhà một ông hương bộ ở trong làng. Hai hôm sau, tía tôi mượn người làm mai. Và sau khi ngã giá là hai trăm đồng thì người thiếu-nữ ấy đã là vợ tía tôi. Và người ấy, cũng chính là mẹ ruột tôi - người đã chiếm một phần yếu trọng trong truyện này.

Má tôi vẫn ở luôn với ông ngoại tôi, và giúp tía tôi mua những ngô gạo ở khắp vùng đó. Má tôi tỏ ra là một người có tài buôn bán lớn. Tôi có thể nói rằng trong sự nghiệp của tía tôi, cái công gây dựng của má tôi thật hơn phân nửa. Nhưng chao ôi! người đàn bà cần cù ấy có biết đâu được cái số phận đắng cay đương đợi mình sau này.

Sau khi thôi việc buôn bán gạo thóc, tía tôi đưa má tôi về ở cái căn phố dường Japonais mà tôi đã có nói ở trên. Tía và má tôi bây giờ xoay qua bán tạp hóa. Faifoo, trong hồi thịnh vượng có thể nói là một thành phố sầm uất nhất Trung kỳ. Vì Faifoo là một thương khẩu mà người Tàu và người Nhật đến ở đầu tiên để buôn bán và kinh doanh to tát. Dưới sông, quanh năm đậu san xát những tầu bè của người khách đến để đỗ những hàng hóa từ bên Tàu qua, và rồi để tải đi những thổ hóa ở Trung kỳ. Faifoo sẽ nhận cho Trung kỳ những vàng, bạc, hương đèn, bún miến, hàng lụa và tất cả vật hóa của người Tàu bán qua An nam. Còn Faifoo sẽ gởi qua Tàu những thổ hóa ở Quảng nam và nhiều nhất là quế, yến và đường.

Đến Faifoo, người ta có cảm giác là như đi lạc vào thành phố Bắc bình hay là Thiên tân vậy. Cũng như Chợ lớn là của Nam kỳ, Hải phòng là của Bắc kỳ, Faifoo là ‘‘thành phố khách’’ của Trung kỳ. Mà ở đâu có khách nhiều, là sự phồn thịnh sẽ ở đấy.

Tía má tôi bây giờ chỉ buôn có vàng hương, bạch lạp, trầm mà mỗi ngày tệ lắm, tính ra cũng lãi được hai trăm đồng. Thật là một việc không thể tưởng tượng được: bao nhiêu những người hàng xén từ trên nguồn, dưới bể đều lấy hàng ở nhà tôi cả. Ấy một phần cũng là nhờ cái địa thế quan trọng của Faifoo, mà một phần là ở cái tài trù tính của tía tôi và nhất là cách tiếp đãi niềm nở vui vẻ của má tôi. Cứ thế, sự buôn bán của nhà tôi một ngày một tiến phát.

Về ở căn phố đường Japonais được hơn hai năm thì tôi ra đời. Tôi ra đời giữa sự giầu sang như thế, là tôi đã khéo chọn được thời cơ tốt. Hình như trời đã định rằng: tôi sẽ là đứa con cưng và cái sự nghiệp ấy sẽ về tay tôi tiêu pha cho hết. Mà thực vậy, tôi chẳng khác nào một đứa con cầu tự: tôi nhớ khi tôi mới lên mười tuổi, má tôi đã mua thứ yến thượng hạng tám mươi đồng một lạng, ngày hai bữa nấu cho tôi ăn. Còn về sự mặc bận của tôi thì thật là sang trọng. Tôi nhớ lúc nhỏ cũng như các trẻ con quan An nam, tôi có được mang một cái khánh vàng - theo thời giá ngày nay cũng đến gần trăm đồng. Nhưng cũng vì cái khánh vàng mà tôi bị giam cầm lại ở nhà suốt ngày ít khi được ra chơi với các trẻ hàng phố: lúc bấy giờ, có bọn mẹ mìn thường bắt cóc các trẻ em, chỉ một cái khánh vàng ấy cũng có thể làm nên tội vạ cho cả nhà, cho nên má tôi lại càng giữ gìn hết sức.

Quãng đời niên thiếu của tôi thật là buồn tẻ, nếu không có việc gì xảy đến, thì tôi có lẽ chỉ là một đứa bé ngu ngốc, khờ dại, vì quá được nuông chiều, quá được sung sướng. Cũng may tôi đã sớm làm quen với đau khổ. Năm mười một tuổi thì tía tôi thọ bệnh và từ trần.

Nhưng đó chưa hẳn là tai nạn của nhà tôi.

 

LIÊN HING lại nói tiếp:

- Thì dầu nàng là công chúa hay là tiên nữ thì nàng cũng đã là vợ tôi. Hai hôm sau, chỉ hai hôm sau thôi, nàng cũng đã về với tôi. Tôi không giấu: tiền bạc ở trong cái sự chiến thắng nàng đã dự một phần quan trọng. Nàng yêu tôi thì ít, nhưng có lẽ có cảm tình với sự giầu sang của tôi thì nhiều. Đó là thường tình, và tôi không hề trách nàng một tí nào cả.

Nàng là một công chúa một trăm phần trăm, và vua cha hiện đương sống những ngày thừa ở một đảo xa... Vì thế, cũng như các công chúa khác, nàng phải trôi nổi. Hơn hết mọi sự ở đời, nàng cần tiền để cứu vãn lấy cái tình cảnh đã suy vi của nàng - không bao giờ bằng lúc ấy, nàng cần tiền – để sống mãi, để giữ mãi cái cuộc đời huy -hoàng của một nàng công chúa.

Đêm đầu, nàng gặp tôi, chỉ là như gặp người trong mộng. Nàng không kịp nghĩ đến điều khác, thì mộng đã tàn rồi. Tôi phải công bình mà nhận cho nàng rằng: cái cảm tình thứ nhất của nàng, đối với tôi, là cái tình trong ngần như sương tuyết, không bợn một chút lợi. Hôm ấy, nàng là một bà tiên hoàn toàn. Nàng khinh hết cả sự dục vọng hẹp hòi, ti tiện của thế nhân, nhưng khi trăng đã lặn, và con thuyền đã trở về bến, thì nàng cũng trở về với cõi đời thực tế. Nàng không thể quên mình là một nàng công chúa lỡ thời. Nàng phải nghĩ đến tiền là cái có thể giữ cho nàng đừng trụy lạc. Khi nàng biết tôi là một kẻ đại thương, thì nàng nhận lời ngay.

Tôi tin cho má tôi biết. Thoạt nghe, má tôi kinh hồn; Tôi nói mãi bà mới chịu nghe tôi cưới nàng về. Cái đám cưới tuy rằng cử hành một cách gấp bức, nhưng mà hết sức hoa lệ, linh đình, vì tôi bỏ vào đấy hơn năm nghìn bạc. Hầu hết quan to ở Triều, các vị tai mắt ở Tôn nhơn phủ đều có mặt hôm đãi yến, đãi ở một khách sạn lớn nhất trong thành phố.

Đùng một cái, tôi trở nên phò mã, ai lại không ngạc nhiên. Chính tôi lại càng ngạc nhiên hơn ai hết.

Sau khi cưới, chúng tôi bèn thuê một cái nhà đồ sộ ngay ở An cựu, và hai vợ chồng tôi ở đó gần một năm, ngoài sự tiêu tiền ra, chúng tôi không làm gì hết. Khắp kinh đô thuở bấy giờ, chẳng còn ai không biết chúng tôi. Và sự hôn nhân của chúng tôi đã làm đầu đề cho biết bao câu chuyện của thiên hạ. Tôi tính ra trong một năm ấy, có hơn trăm đám tiệc người ta đãi tôi. Ngay nhà tôi, không mấy đêm là ngớt khách. Những bọn phu xe đêm nào cũng chầu chực ở trước ngõ nhà tôi như là trước một nhà khách sạn.

Nói rằng tiền bạc không có ảnh hưởng gì đến tình yêu, thì thật là không đúng chút nào, vì tôi biết rằng sự giàu sang của tôi đã làm cho công chúa yêu tôi thêm mãi. Công chúa là một người thích vui: vì thế nhà tôi luôn luôn có người ca hát, đàn địch và những lúc có bạn đông, thì chúng tôi lại bày ra đánh bạc, hoặc me, hoặc tứ sắc. Tôi tính ra cái năm tôi ở Huế đó, công  chúa và tôi tiêu hết non vạn bạc. Mà các bạn thử nghĩ, bạc ấy làm ra bởi một người đàn bà, suốt đời đầu tắt mặt tối, góp nhặt từng đồng một, Mà tôi không nói ra, nhưng tôi biết bà đau khổ vì  sự ăn chơi quá độ của tôi. Và mãi vui với công chúa hình như tôi đã để má tôi lạnh lùng trong một cảnh nhà đã vắng vẻ lại càng thêm vắng vẻ. Mà thật thế, tôi không muốn dời Huế để về với má tôi nữa. Con chim một khi đã biết cái thú trời rộng biển xa, bao giờ lại còn chịu trở về cái lồng con, dầu ở đấy mọi sự no ấm đương chờ đợi nó.

Tôi nghĩ lại thật tôi là một kẻ tàn nhẫn vô cùng: tôi đã hoang phí mồ hôi nước mắt của một đời làm lụng nhọc nhằn mà không giật mình, mà không hề đau xót.

Đã mấy lần má tôi viết thư giục tôi về Faifoo, lo việc mua bán giúp má tôi, nhưng tôi không hề dám ngỏ cho công chúa hay, vì tôi biết công chúa còn lưu-luyến với những cuộc truy hoan, chưa muốn dứt khỏi Huế. Nếu tôi cướp nàng đi, thì có lẽ làm cho nàng đau khổ lắm. Mà làm cho nàng sứt một cái móng tay, trượt một cái da chân, thật lòng tôi không nỡ...

Cho đến khi má tôi không gởi tiền nữa, và cự tuyệt thì tôi mới cho công chúa hay, nhưng đã muộn quá rồi: má tôi trong lúc vắng tôi, đã nuôi một người con nuôi ở trong nhà, để đêm ngày hầu bên gối má tôi, và coi sóc cửa hàng cho má tôi. Sự sầu muộn phải xa tôi, đã làm cho má tôi già yếu đi nhiều lắm: tóc bà đã bắt đầu lốm đốm bạc. Tôi không sợ bà tái giá nữa. Tôi chỉ sợ bà đành lòng cự tuyệt tôi mà thôi; vả thấy cái đức tiêu tiền của tôi, bà cũng khó lòng còn tín nhiệm tôi được nữa.

Quả vậy, mọi việc đều đúng như lời tôi dự ước. Má tôi giao cả việc nhà cửa trong ngoài cho người con nuôi của bà, và cũng là người cháu gọi bà bằng dì. Người ấy chỉ biết cúi đầu làm việc cho nên được má tôi hết lòng tin yêu. Có lẽ bao nhiêu lòng tin yêu tôi, bà đã trút qua cho người ấy. Tôi nhớ hôm tôi trở về nhà, má tôi chỉ nói với tôi bằng một giọng chua chát khiến trọn đời tôi cũng không quên được:

- Liên Hing, con đã về đó à! Má cứ tưởng con không còn khi mô trở về với má nữa. Tiền má gởi cho con xưa nay, chắc con đã tiêu hết rồi, nên con mới nhớ tới má. Phải, chỉ khi mô hết tiền, con mới nghĩ đến má.

Nghỉ một lát, má tôi lại hỏi tiếp:

- Công chúa vẫn còn ở với con chứ?

Rối từ đấy, má tôi không hỏi gì đến tôi nữa. Bà cho tôi là một đứa con bất hiếu, không đáng đếm xỉa tới. Tôi không ngờ người đàn bà ấy cương quyết đến thế, nhẫn tâm đến thế. Một hôm, tôi đến gần bà, tôi toan thưa với bà một điều quan hệ đến tương lai của tôi, nhưng tôi ngập ngừng e ngại quá không sao mở miệng ra được. Má tôi đoán được ý muốn của tôi ngay, đón trước lời tôi:

- Con lại cần tiền tiêu chứ gì?

Tôi chưa kịp nói thì bà đã đứng dậy đi lại tủ sắt lấy ra một cái giấy một trăm đồng, vất cho tôi và nói bằng một giọng chua chát:

- Gọi là chừng ấy, tôi tặng anh lên đường. Vì tôi muốn anh đi khỏi nhà tôi ngay. Nhà này chỉ là nhà làm ăn, không chứa những kẻ lêu lổng chơi bời. Cửa dân gia, cái bà công chúa của anh có thèm để chân tới đâu. Tốt hơn là anh để mặc tôi, đi đâu cho khuất mắt. Anh làm lấy, anh ăn, anh xài. Còn tôi ở đây, chết đã có người chôn.

Đến đây, tôi mới hiểu tại sao má tôi căm giận tôi đến thế. Cái cớ làm cho má tôi căm giận, có lẽ là vì từ ngày cưới đến nay, công chúa không hề bước về nhà tôi một lần nào. Má tôi cho đó là một sự khinh bỉ của công chúa đối với bọn dân giã, nhưng thực ra tôi cũng không biết có phải như thế không.

Bấy giờ tôi cũng không lựa được một lời gì để đáp lại má tôi. Thấy cái cách bà vất thí cho tôi một trăm đồng bạc, tôi thấy bất bình và tự lấy làm nhục nhã. Cố nhiên là tôi chẳng bao giờ ngả tay ra nhận lãnh cái số bạc khốn nạn ấy. Nhưng tôi sẽ làm theo ý muốn của má tôi là đi ngay khỏi nhà má tôi để cho bà được hài lòng.

Má tôi một hồi lâu mới lại nói:

- Anh đi đâu cho rảnh mắt. Việc nhà, bây giờ đã có người lo liệu rồi, khỏi phải bận lòng anh nữa. Tôi nói cho anh biết rằng: giấy má gì, tôi đã sang tên cho người khác cả.

Má tôi nói câu này hình như là để trêu tức tôi thêm nữa. Tôi không ngờ má tôi lại nhẫn tâm với tôi thế được.

Tôi phẫn uất quá, không còn giữ được vẻ từ tốn:

- Má tưởng con không có cái số bạc này của má thì con không thể đi khỏi nhà má sao? Con sẽ không để má bận lòng: còn sống ngày nào, còn có hai tay hai chân, con còn kiếm được miếng ăn bỏ miệng, mà khi chết cũng kiếm được một tấm gỗ bọc thây. Ruộng vườn của má rộng mông mênh, con cũng sẽ không xin của má ba tấc đất để nghỉ mình.

Lời ấy tự miệng tôi nói ra, lại làm cho tôi cảm động hơn là má tôi. Sự nhẫn tâm của má tôi, lại càng làm cho tôi cương quyết trong ý định của tôi.

 

NGÀY hôm ấy, tôi từ biệt nhà má tôi. Tôi không muốn má tôi trông thấy sự từ biệt, tôi sợ rằng má tôi có hồi tâm và lại thương hại tôi. Vì, dầu thế nào, má tôi cũng chỉ là một người đàn bà mà thôi. Sự thương hại của má tôi sẽ làm cho tôi nhục nhã và không chừng mềm yếu trước cái ý định đã rắn như sắt của tôi. Không bao giờ tôi tin ở tôi bằng lúc bấy giờ, tin ở tài lực của tôi. Đã bao lần, tôi lấy ngón tay chỉ vào trán mình, và tự nói với mình:  ‘‘Mày phải là một người tự lập. Mày phải bay bởi đôi cánh sắt của mày.  ‘‘ Và tương lai, ở trong tâm hồn tôi, tươi sáng ra như một cảnh bình minh ở trên sông rộng.

Một ít hành lý, tôi đã cho gởi trước ở nhà một người bạn ở phố Cầu chùa. Lúc ra đi, tôi chỉ có hai tay không. Má tôi không thể ngờ rằng tôi đã quyết định một cách nhanh chóng thế. Vả lại, lúc tôi ra đi, có vẻ bình thản tự nhiên quá, khiến cho má tôi lại càng không ngờ rằng đó là một cuộc vĩnh quyết nghiêm trọng, can hệ đến cả một đời người. Mà tôi cũng tưởng tôi đi chơi đâu đấy rồi lại về, hoặc có đi nữa, thì cũng là còn dư bị kỹ càng đã, không thể đột ngột như thế được, huống hồ là lúc ấy, trong túi tôi không có một xu nhỏ. Chỉ có tôi là biết sự chia phôi, và thấy vẻ nghiêm trọng, não nùng trong cái phút chia phôi ấy mà thôi.

Bấy giờ vào khoảng chín giờ tối. Hàng vừa đóng cửa. Má tôi còn ngồi nhai trầu ở trên một bộ ngựa gỗ đặt ngay ở gian ngoài. Bên cạnh má tôi, người em nuôi tôi đương tính sổ sách. Tôi bước ra, chính vào cái phút giây không ngờ ấy, người em nuôi tôi chỉ hỏi qua một câu:

- Anh đi mô đó?

- Tôi đi ra sông chơi mát.

Má tôi thì không hỏi gì, miệng vẫn nhai trầu, và đôi mắt vẫn nhìn một cách hững hờ.

Mọi vật trong phút giây ấy thật lạnh lùng và phẳng Iặng như một tâm hồn vô lự. Nhưng mà lòng tôi như thắt lại và hai chân tôi cứ ngập ngừng... Chỉ thiếu một chút nghị lực nữa thì tôi đã ngã lăn ra và gục vào chân má tôi mà khóc như một đứa trẻ con. Nhưng vẫn như chống đỡ bởi một can đảm phi thường, tôi cố mỉm cười và đi ra khỏi cái cảnh nhà phụ bạc không còn muốn chứa chấp tôi nữa.

Khi bước qua khỏi ngưỡng cửa, chân tôi đã thấy bạo dạn hơn, và lúc ra khỏi ngõ, tôi đã bước nhanh hơn và như bị cướp đi bởi một cơn gió lốc ; một động lực phi thường như đùn thêm mãi ở sau lưng tôi. Bấy giờ tôi mới tin rằng tôi đã thoát và không còn cái gì có thể giữ áo tôi lại, dầu trong lúc này, má tôi có hồi tâm...

Tôi đi như thế đã lâu lắm, văng mình vào trong sự rộn rịp. Nhưng bỗng tôi như lạc vào một chốn đìu hiu quạnh quẽ: đêm đã khuya, người và xe cộ ở quanh tôi như biến đâu mất. Tôi đứng lại và nghe có tiếng đóng cửa cái ập từ một cửa hàng trước mặt tôi. Tôi mỉm cười và tự nói một mình:  ‘‘Bây giờ có lẽ má tôi đã đóng cửa hẳn, và không chờ tôi nữa. có lẽ, lần này hoặc giả má tôi mới tin tôi đã đi thật. Người đàn bà ấy chỉ tin rằng: không có tiền, người ta không làm gì được, nhưng biết đâu chỉ với một chút phẫn uất, một chút cương quyết, người ta có thể làm được tất cả mọi việc ở đời...’’

Hôm ấy, tôi xuống ghe ra Hàn, và sáng hôm sau thì tôi đã có ở Huế. Khi tôi bước vào nhà công chúa, tôi chỉ còn có hai đồng bạc, số tiền nhỏ giật ở một người bạn, trừ lộ phí từ Faifoo ra Huế, chỉ còn lại có thế.

Cái nhà mà công chúa đương ở vẫn là một cái nhà nguy nga. Tôi bước lên thềm mà ngại ngùng, và tôi cảm thấy tôi đã bước đến một quãng nghiêm trọng trong đời tôi.

Nắng đã rọi qua song cửa. Nhưng công chúa vẫn còn ngủ. Tôi rón rén bước lại gần nàng và nhìn nàng ngủ. Cái giấc ngủ của nàng làm cho tôi có cái cảm giác như đương ở trong một truyện cổ. Tôi vẫn không dám thở mạnh. Nhưng tôi cảm thấy một sự cần tha thiết không thể nào im đi được: tôi muốn đến quỳ cạnh nàng và đặt một cái hôn lên trên những ngón tay búp măng của nàng. Tôi muốn khóc dưới chân nàng, để xin lỗi nàng vì sự bất lực của tôi không còn làm cho nàng sung sướng được nữa, nghĩa là duy trì được mãi cái cuộc đời huy hoàng lộng lẫy để vui lòng nàng. Không, tôi không có cách gì nữa để làm nàng sung sướng. Mà tôi cần phải nói cho nàng sự thực, tất cả cái sự thực tàn khốc. Tôi phải cho nàng biết sự hất hủi của má tôi, sự căm tức của tôi và cái chí quyết định của tôi muốn sống một cuộc đời tự lập, dầu gian khổ...

Bỗng, một quả bàng chín rụng mạnh bên song cửa ; nàng giật mình, mở mắt ra. Nàng nhìn tôi, nhìn cái vẻ bối rối, bần thần của tôi mà ngạc nhiên, mà sảng sốt, vì có lẽ nàng vừa tỉnh khỏi một giấc mộng đẹp, tôi sợ là quá đẹp.

Không hiểu sao tôi bối rối như một kẻ gian phi bị bắt được quả tang. Thật ra tôi có làm gì đâu. Tôi vẫn đứng xa, đứng rất xa nàng. Nàng vén màn lên và nói bằng một giọng vui mừng, nhưng vẫn có vẻ còn ngái ngủ:

- Ồ, mình đã về đấy à! Mình làm tôi nhớ quá. Mình lại đây, lại đây.

Tôi sung sướng quá, như một đứa con nghe tiếng gọi của mẹ. Tôi chạy ập lại bên nàng, và quỳ xuống bên giường nàng. Nàng kéo tôi dậy và âu yếm nói:

- Mình khỉ lắm nờ! ngồi lên. Em hôn một cái. Đi mãi làm người ta nhớ quay  quắt!

Rồi nàng ôm chặt lấy tôi. Tôi nằm trong lòng nàng, và nàng thở vào tóc tôi một cái hương vị say sưa đến bây giờ tôi còn nhớ. Rồi những ngón tay, đều và dịu như những điệu đàn, vẫn chạy ở trên làn thịt của tôi, đưa lại cho tôi một cảm giác đê mê khiến cho tôi khuây hết cả những tư tưởng âm u trước đây mấy phút đã xâm chiếm tâm hồn tôi.

Nàng lại lôi tôi đứng dậy. Hai chúng tôi cùng đứng ở song trông ra vườn, đầu nàng dựa vào ngực tôi làm cho tôi càng lo sợ: tim tôi bấy giờ đánh mạnh quá, và tôi lo rằng nàng đoán được sự cảm động của tôi.

Nếu như tôi bộp chộp nói cho nàng hay cái tình thế nguy nan của tôi, thì có lẽ tôi đã làm cho nàng đau khổ biết mấy, vì sự sung sướng của nàng, bao giờ tôi cũng muốn nó được thuần túy, được hoàn toàn, không trộn lẫn một chút lo sợ. Thấy hoa đương nở, mà ta đã nghĩ ngay đến sự úa tàn, thì hương cũng không còn nữa. Nhưng tôi không thể giấu nàng được mãi ; tôi chỉ còn lựa cái lúc thích hợp để cho nàng hay mà thôi.

Ngay tối hôm ấy, trước khi lên giường, tôi nói với nàng:

- Mình ơi! tôi muốn cho mình hay một sự thực: đoạn đời của chúng ta đã đến một chỗ khắc khuỷu. Ta không thể ở mãi nhà lầu này nữa. Má tôi không còn tin tôi nữa...

Nghỉ một lát, tôi lại nói tiếp:

- Ta sẽ phải đi, phải dời Huế. Huế là xứ ăn chơi, không phải là chỗ làm ăn. Tôi muốn đi xa, đi thật xa, vào Sài Gòn.

Công chúa ngắt lời tôi, mỉm cười:

- Thì đã làm răng! Nếu phải đi, ta cứ đi. Sông có khúc, chơi có lúc. Bây giờ phải mần việc thì ta cắm đầu mần việc.

Lời nói của công chúa làm cho tôi sung sướng không ngờ.

- Mình sẽ đi theo tôi, công chúa sẽ đi theo tôi?

- Tôi sẽ đi theo mình.

- Công chúa sẽ chịu cực bên cạnh tôi?

- Đừng gọi tôi là công chúa, đã lâu tôi không còn là công chúa nữa.

Lần thứ nhất nàng cấm tôi gọi nàng như thế.

Tôi nhìn nàng, ngạc-nhiên và nói:

- Tôi chỉ muốn là một người thường dân, bên cạnh chồng tôi. Mình là một người Tàu, tôi lại càng không muốn nhớ tôi là một người Việt-nam. Đối với mình, tôi chỉ là một người vợ. Tôi sẽ theo mình và có những bổn phận đối với mình, những bổn phận của một người vợ.

Tôi sung, sướng, còn hỏi lại:

- Thật mình sẽ vui lòng theo tôi?

- Không theo mình thì theo ai nữa?

Hạnh phúc của đời tôi đến đây, trong giây phút này, mới thật là lên đến tuyệt đích. Trước kia, thật tôi còn ngờ là nàng công chúa mà theo một khách thương như tôi, tình ấy chỉ là tiền, hoàn toàn là tiền. Nhưng bây giờ, thì tiền tôi không còn nữa mà nàng vẫn không bỏ tôi, đó chả phải là một chứng cớ rành rành mà ai cũng có thể trông thấy được là nàng đã yêu tôi với cả một tấm lòng chân thực, gắn bó, duy nhất và không còn lẩn một chút lợi lộc.

Đã hiểu nàng như thế rồi thì tôi còn có thể giấu nàng điều gì được nữa. Khi tôi cho nàng biết rằng trong túi tôi chỉ còn có hai đồng bạc, nàng mỉm cười rút đưa cho tôi một cái xuyến vàng ở trong tay, và nói với tôi:

- Đây, của này mình cứ đưa bán đi. Mình đừng ngại chi hết. Ta có thể bán hết bất kỳ cái gì ở trên mình ta, ở trong đời ta, trừ cái tình thiêng liêng của chúng ta.

Nàng đã rõ rệt, đã ‘‘tận cùng’’ như thế, nếu tôi còn kiếm lời từ chối, chả hóa ra mình không biết điều lắm sao.

Tất cả những đồ nữ trang của nàng, tôi cho đi bán được gần năm trăm. Trừ tiền nhà và các chi phí khác, trước khi đi, chúng tôi còn được hơn hai trăm đồng. Tôi giao cả cho nàng. Nàng cầm lấy và nói với tôi:

- Trong số tiền này, tôi muốn trích ra độ một trăm đồng để thết các bạn quen - các bạn ăn chơi của ta xưa nay - một bữa tiệc cuối cùng mà cũng rất đàng hoàng, long trọng như bao bữa tiệc khác trong đời ta.

Tôi nhìn nàng một cách ngạc nhiên: bán vàng để đãi tiệc trong lúc này, thực là một điều không thể nào tôi hiểu được.

Công chúa vội cắt nghĩa:

- Sự phung phí trong lúc này thật là ‘‘không phải’’, thật là nguy hiểm. Nhưng mà tôi không muốn cho người ta thấy được một sự thay đổi gì ở trong đời ta. Vào trong Sài Gòn, chúng ta sẽ là những người dân, như những người dân khác. Bây giờ, còn ở đất Huế này, ta phải xử trí ra một bà công chúa.

Tôi mỉm cười và vui vẻ nhận lời, coi đó như là một sự ngông cuồng của trẻ con. Được chiều, còn có thể chiều nàng công chúa được ngày nào nữa, là lòng tôi còn hả hê ngày ấy.

 

CHÚNG tôi vừa xuống ga Sài Gòn thì gặp ngay anh Phúng và anh Thúc là hai người  ‘‘tài-phú’’ của tôi ngày trước, hiện nay làm ở nhà Descours Cabaud ở Sài Gòn. Chúng thấy hai vợ chồng tôi thì chúng mừng quýnh. Chúng lần này mới thấy công chúa, nhưng có lẽ hẳn đã nghe nói đến sự tác hợp của tôi với công chúa.

Ý chừng chúng tưởng tôi vào đây là làm một cuộc du lịch ghê gớm của một ông Phò mã, của một vị đại thương, vì chúng đã tầng thấy thời oanh liệt của tôi. Chúng dẫn chúng tôi tới khách  sạn V. N. là một khách sạn về hạng lớn nhất ở châu thành, hẳn chúng nghĩ: chỉ có khách sạn như thế mới xứng với một ông chủ và một bà chúa như vợ tôi.

Tôi đã toan nói cả sự thực cho chúng hay, nhưng tôi kịp thấy ngay rằng mình trong lúc này - hơn bao giờ hết - phải giữ lấy cái vẻ sang trọng bề ngoài, phải giữ hào nháng, cái hào nháng cần thiết cho sự làm ăn ở một xứ lạ lùng. Nếu một khi đã biết cả sự thực, chúng - dầu là những kẻ làm công của tôi ngày trước - cũng có thể trở mặt với tôi, và sẽ bỏ tôi lập tức. Cái giống người vẫn thường như thế.

Vả tôi còn nghĩ như thế này: Biết đâu hai thằng này làm ăn khá, muốn làm hoang, đãi chủ cũ của chúng, nên mới đưa mình tới đây!

Phải, biết đâu chúng muốn đãi tôi.

Dầu sao, khi chúng tôi bước vào khách sạn V. N. giao cái valise cho người bồi thì chúng tôi đã hơi lo ngại, không còn thể nào yên tâm được nữa. Nhưng biết làm thế nào được, âu cũng nhờ trời, đến đâu hay đấy. Ở khách sạn V. N. đã được năm hôm, ngày nào khi đi làm về Thúc và Phúng cũng lại dẫn chúng tôi đi chơi. Hôm nay xem bến tàu, ngày mai xem sở thú. Chúng khoe mãi cái sang trọng, cái xa hoa của Sài Gòn, khiến cho chúng tôi lại càng thêm nóng ruột.

Nhưng cũng may, từ tiền xe kéo cho đến tiền giải khát ở tiệm, chúng cũng giành nhau trả cả.

Dầu thế nào, chúng tôi cũng vẫn hơi lo, vì tôi nghe người bồi nói rằng: buồng chúng tôi nằm, một ngày đến năm đồng, chưa kể ăn uống.

Chỉ mấy ngày đầu là chúng tôi ăn ở khách sạn mà thôi. Sau này, hai vợ chồng tôi đến bữa, thoái thác là đi ăn cơm khách, rồi ra chợ Bến thành ngồi ăn, đã rẻ mà lại ngon.

Bấy giờ, tôi nhớ như là đã đến ngày thứ mười ở khách sạn, tôi thấy Phúng và Thúc đã hơi thưa đi lại với tôi. Nếu một ngày kia, chúng không lại thì là chết cả nút. Nhưng không có cái triệu  chứng gì chúng đã thay đổi thái độ với tôi cả. Sáng ngày thứ mười một ở khách sạn, lại được gặp ngày chủ nhật, Phúng và Thúc đến gõ buồng chúng tôi sớm, mang tới cho chúng tôi một gói những lê, táo và nho tươi. Tôi và công chúa mừng khấp khởi, cùng nhìn nhau và như có ý bảo:‘‘ Không, chưa đáng lo, chúng vẫn tử tế với mình’’.

Nhưng dầu sao. tôi cũng không muốn kéo dài cái tình thế nguy hiểm này ở khách sạn. Vì tuy rằng mình có thể khỏi trả nhưng rồi đây để cho Thúc và Phúng phải nai lưng cùng chịu thì thật cũng tội nghiệp cho chúng. Tôi bèn kéo Thúc và Phúng đi ra ngoài buồng, để nói chuyện.

Sau khi đã nói cả sự thực cho chúng nghe, tôi nhìn thẳng vào đôi mắt của chúng để ‘‘xem chừng’’. Thúc ra dáng không tin. Phúng có chiều cảm động và ái-ngại. Phúng nói trước:

- Thật cũng may, ông nói sớm chứ chậm thì thật là nguy hiểm. Chắc ông cũng có thể đoán được: lương chúng tôi chẳng được bao lăm. Lương hai đứa góp lại chỉ được bảy mươi sáu đồng, mà cái tiền ở khách sạn có lẽ quá số tiền ấy. Vả bây giờ, chúng tôi cũng chưa sẵn mà nếu đến kỳ lương, tiền buồng ở khách sạn lại tăng lên nhiều nữa. Tôi nghĩ: thế nào cũng phải đi khỏi khách sạn ngay từ bây giờ.

Tôi nghe Phúng nói mà mình toát cả bồ hôi. Tôi hỏi Thúc:

- Thế bây giờ các anh tính sao? Trời, Phật chứng cho lời chân thực của tôi: quả khi tôi bước vào khách-sạn V. N. là chúng tôi cứ tin là ý hai anh muốn tôi ở đây...

Tôi biết rằng tôi lỡ lời, lẽ ra không nên nói như thế mới phải. Tôi bèn kiếm cách chữa lại:

- Các anh lương ít thế thì lấy gì mà đãi chúng tôi, kể tôi cũng quá khờ. Bây giờ việc đã lỡ thì mình phải tìm cách thu xếp cho yên.

Tôi thấy vẻ lo âu của hai người mà ái ngại. Nếu tôi đã nói thực ngay từ khi mới gặp thì đâu để chúng hiểu lầm một cách tai hại thế này.

Phúng đưa mắt hỏi ý Thúc rồi nói:

- Thôi thì ông hãy yên tâm để chúng tôi thử về bán  ‘‘lương non’’ Còn thiếu bao nhiêu chạy sau.

Tôi ái ngại:

- Nhưng bán lương đi rồi thì đến tháng, hai anh sẽ lấy vào đâu mà ăn tiêu?

Hai người cùng đứng im không đáp.

Tôi cho rằng là khó có cái hi vọng hai người ấy giúp, và tôi cũng còn đủ lương tâm để tránh đừng phiền họ một cách vô lý như thế.

Tôi cố vui và nói với hai anh ấy:

- Thôi, hai anh không phải lo. Tôi đã có cách rồi, chiều nay, chúng tôi sẽ ra khỏi khách sạn. Hai anh chịu phiền thuê cho tôi một gian nhà nhỏ.

Nào tôi đã có cách gì mới đâu. Tôi chỉ lấy số tiền còn lại của chúng tôi ra trả cho khách sạn.

Công chúa bảo tôi:

- Đã nghèo lại còn eo.

Tôi cười:

- Trời sinh voi, trời sinh cỏ. Trời đã trót sinh chúng mình, trời phải lo. Mọi việc rồi cũng thu xếp được cả.

Nhưng đã bắt đầu thấy có một sự khó khăn, một sự hình như không thu xếp được là vấn đề thuê nhà ở Sài-gòn. Suốt mấy ngày, chúng tôi lùng khắp hết đường, hết ngõ, mà chúng tôi không tìm đâu ra được một cái ổ nho nhỏ, tồi tàn, vì chúng tôi chỉ cần có thế. Cái gian nhà nhỏ xíu mà tôi tìm được ở ngõ L. T. là một gian nhà có lẽ rẻ tiền nhất: mười lăm đồng một tháng. Mười lăm đồng một tháng với một người thất nghiệp! Trời ôi! thật là một sự mỉa mai. Nhưng chúng tôi cho đó là một điều may mắn vô cùng, vì thế nào chúng tôi được nằm ở trong nhà với một sự lo âu cũng còn hơn là nằm ngoài hè với một sự vô tư lự. Theo cái cách làm việc của tôi là trước hết muốn có một cái gì, phải liều mà có, rồi sẽ kiếm cách sau mà giữ cho được. Nói rõ hơn, phải có một gian nhà ở trước hết đã, sau này sẽ lo chạy tiền sau.

Công chúa cũng ý hiệp với tôi về chỗ đó. Cho nên hôm dọn nhà, nàng nói một câu rất vui vẻ, chẳng khác nào một đứa trẻ con.

 ‘‘Bây giờ mới thật là sung sướng! Mới thật là yên thân’’.

Ấy là nàng tưởng thế thôi, chứ bây giờ mới là cái lúc bước vào sự gian nan, một cuộc đời vô định, không chắc ở ngày nay, không tin ở ngày mai.

Một gian nhà mười lăm đồng, trời ôi! chỉ bằng một xó. Nếu chúng tôi có được năm ba cái đồ thì không thể để đâu cho hết. Cũng may, chúng tôi chỉ có một cái chõng tre, mượn tạm ở nhà hàng xóm, với lại một manh chiếu mà chúng tôi vừa mua ở chợ. Ngoài ra còn một ít chén bát nồi niêu và một cái vò con để đựng nước uống.

Giang-sơn chúng tôi chỉ có thế.

Sau khi trả tiền nhà rồi, - vì ở trong Sài Gòn người ta lấy tiền nhà ngay sau khi mới dọn tới - chúng tôi còn được hơn ba mươi đồng. Ba-mươi đồng đối với chúng tôi lúc bây giờ thật là một số tiền lớn, chẳng khác nào ba ngàn bạc lúc còn phong-phú. Chúng nó như là một vật bảo đảm cái sự sống của chúng tôi trong một thời gian ngắn dài mà chúng tôi không thể liệu trước được. Một vài đồng hào hoang phí đi trong lúc này, có thể là một ngày không cơm sau này. Nghĩ vậy nên chúng tôi hết sức tặn tiện: một đồng chẻ làm ba làm tư. Ngoài những cái vào hạng tối cần thiết, chúng tôi không dám mua sắm một vật gì. Hộp phấn coty của công chúa hết đã hai hôm rồi mà tôi cũng không dám mua cho nàng một hộp khác, thật là thê thảm!

Ngày hai buổi, ăn xong, tôi lại xách nón ra đi mà thật không hiểu tôi đi đâu vậy. Nhưng không phải là không có một chương trình nhất định: tôi chia thành phố Sài Gòn ra thành từng khu-vực. Hôm nay tôi đi những khu vực này, hôm mai tôi lại đi những khu vực kia. Vào giờ người ta đi làm thì tôi đi và khi tôi về cũng là vào giờ các công sở bãi. Ngày nào cũng đúng đắn như vậy, khiến cho người hàng phố phải tưởng tôi đi làm mà không biết làm ở đâu.

Đã hơn một tháng rồi, tôi cứ lùng khắp Sài Gòn để đi tìm kiếm một cái gì không bao giờ tới, một người bạn, một công việc, một chút ít tiền, một tí may mắn. Không, tôi không bao giờ thấy những cái ấy. Tôi không hề nản chí, nhưng tôi chỉ sợ công chúa trí nhàn rỗi quá, lại nghĩ đến chuyện không hay. Chẳng hạn nàng chán cái cảnh đời vô định và cực khổ này, rồi bấy giờ sẽ không còn có cách gì có thể lấy lại lòng nàng được nữa. Cái nguy hiểm là ở đó. Nàng là một con chim có tánh thất thường, nếu tôi không có cái gì để giữ nàng, thì một ngày kia nàng vỗ cánh bay đi, không phải là một sự không thể xảy tới.

Một hôm, vào giờ phố tôi ở, đã thiêm thiếp trong một giấc ngủ kỹ, thì tôi thức dậy, cùng gọi nàng dậy, và vui vẻ bảo nàng:

- Mình ơi! tôi vừa nằm thấy một chuyện ngộ quá. Chúng ta đã gần sự vui mừng, gần sự sung sướng lắm. Chỉ còn vài bước nữa, là chúng ta có thể hái được hạnh phúc. Tôi mộng thấy một ông cụ già tóc bạc phơ, đi tới gần tôi, đưa cây gậy song, chỉ lên một cuốn lịch và nói với tôi như vầy: ‘‘Cái ngày phong trần của mày đã sắp hết. Cứ vào những ngày lẻ thì bảo vợ mày ra sân quay đủ tám phương mà lạy tám lạy. Cứ thế khi nào đủ một trăm hai mươi lạy thì Thần Tài sẽ đến nhà mày.’’ Tôi ngẩng lên tấm lịch xem, thì bấy giờ là mười bốn tháng sáu và khi tôi quay lại, thì ông già đã biến đâu rồi!

 ‘‘Mình ạ! Tôi tỉnh dậy đã gần hơn một giờ đồng hồ, nghĩ mãi mới đoán ra lời thần mộng. Thì ra chẳng có gì khác là Trời Phật muốn cho ta trúng số mà thôi. Tôi nghĩ rằng trong tháng này, nghe đâu hội Cá Ngựa Sài Gòn có mở một cuộc xổ số, mà số đặc biệt là một vạn đồng. Tôi thấy nói ngày xổ là hôm 14 tháng 7. Vậy tôi tính ra từ ngày 14 tháng 6 đến ngày 14 tháng 7 là 30 ngày, ông già trong giấc chiêm bao bảo ta mỗi ngày lẻ lạy tám lạy, thì từ 14/6 đến 14/7 là 15 ngày lẻ, rất đúng với số lạy mà thần đã dạy,  Mình nghĩ coi, không tin thế nào được? Nếu chỉ là một giấc chiêm bao như trăm nghìn giấc chiêm bao vô nghĩa khác, thì làm chi có sự trùng hợp ấy? Không đâu mình ạ! Không có cái gì đến ở trong đời ta mà không phải là do ý chí của Trời Phật’’.

Vợ tôi nghe tôi nói, ngồi thần ra dáng suy nghĩ lắm. Tôi biết nàng không thể không tin lời tôi được. Nàng chỉ là một người đàn bà, lại là một người đàn bà trong cơn đau khổ, nàng phải tìm ra cớ để hi vọng, để an ủi mình. Quả đúng như tôi mong ước, sau khi nàng nghe tôi kể cái giấc mộng của tôi, nàng vui vẻ lên như một đứa trẻ con, và ngoan ngoãn làm theo lời thần dạy: mỗi đêm khi mọi người ngủ, nàng ra sân đứng vái. Và cái giấy số ấy chính nàng thân hành đi mua lấy, và thành kính giấu ở một chỗ rất kín đáo. Ở đời, tôi nghĩ không có cái gì mạnh hơn hi vọng. Một khi người ta đã hi vọng, cuộc đời trở nên đẹp và đáng sống vô cùng. Mọi vật dưới mắt như sơn một màu tươi vui. Và những cái mà người ta gọi là âm u, là đen tối, là buồn thảm, sẽ bị tan rất mau dưới luồng ánh sáng. Vì hy vọng chính là ánh sáng, là bình minh, là sự trở lại, là sự bắt đầu, là ngày mới. Có thể như thế không? Người ta chỉ là một vật không ra gì, trong tay của Hi vọng và Mộng tưởng. Một khi hai bà tiên ấy không còn nữa, thì không còn phép thần diệu nào đáng kể.

Trong lúc nàng công chúa yêu quí của tôi vui vẻ đếm tầng ngày một, thì tôi vẫn nện gót giầy ở trên các phố Sài Gòn, với một sự lo ngại, một ngày một tăng. Tôi sợ rồi đây cái ngày ‘‘ vui sướng’’ ấy đến, thì tôi sẽ nói với công chúa thế nào? Nhưng cái ngày ấy đến mau quá tựa hồ như ngựa phi. Trước cái ngày ấy một hôm, khi tôi vừa ở phố về, thì vợ tôi vội chạy ra nói với tôi như một đứa trẻ con:

- Chiều hôm nay, tôi muốn chúng mình đi xuống tiệm, ăn một bữa no say.

Tôi vui vẻ nhận lời, nhưng khi thấy đồng tiền của chúng tôi sẽ đi ra trong lúc này, như thế, lòng tôi như se lại.

Công chúa ăn một  cách ngon lành, và uống rất nhiều rượu - đến nỗi hai má nàng đỏ bừng lên như hai quả đào tiên. Nàng vui vẻ quá, cười nói huyên thiên ; tôi cũng cố vui vẻ như nàng nhưng mỗi khi nàng ngừng nói, là tôi thấy ái ngại vô cùng. Tôi thương hại cho cái tuổi ngây thơ của nàng quá. Nhưng dầu sao, khi cái sự thực vẫn chưa đến, tôi vẫn muốn giấu cái sự thực. Có một bận, nàng ngả vào đầu tôi, và nói bằng một giọng ngà say:

- Mình ạ! người ta thường ao ước một túp lều tranh và một tấm lòng. Nhưng cái quan niệm người đời nay đã thay đổi. Người ta cũng ước một tấm lòng, nhưng không phải là một cái lều cỏ nữa, mà là một cái xe hai chỗ ngồi.

Rồi nàng say sưa như nói trong mộng:

- Một cái xe mở hết máy - gió thổi vào trong tóc ta như nói với ta những lời kiều diễm. Phải, một cái xe rất xinh như tình của một thiếu nữ sẽ mang ta khỏi thành phố, đến những nơi đồng ruộng mênh mang. Nó sẽ thả ta xuống, trên những bờ ruộng. Ta sẽ nằm lăn trên những đám cỏ xanh mởn như tình yêu - và nhắm mắt lại, ta tận hít các mùi lúa vừa chín, thơm ngát... Ồ! bây giờ cuộc đời sẽ đáng sống biết ngần nào, mình hỉ?

Rồi nàng ngẩng lên nhìn tôi, và trong mắt nàng, thấy long lanh một ước muốn có chiều lơi lả.

Nghe nàng nói, lòng tôi như thắt lại, và bồ hôi tôi rỉ lạnh ở trên hai vai tôi. Cái hi vọng ở trong óc nàng có lẽ đã mãnh liệt hơn sự thực và cái vui của nàng không phải là một cái vui trộn trạo, nó hồn nhiên và thuần túy như tâm-hồn một đứa trẻ thơ.

Tôi vừa nói, vừa cười như để thử lòng nàng:

- Giá như lời thần mộng chỉ là một lời dối trá?

Nàng vội gạt đi:

- Mình đừng nói tầm bậy, mà có tội với Thần Phật.

Rồi nàng hơi chau mày, có vẻ không bằng lòng lắm. Chính nàng, hơn tôi, còn sợ cái ngày ấy đến. Nếu như, trời ôi! cái ngày ấy không mang lại cho nàng một cái gì cả, thì tôi sẽ nhìn nàng với đôi mắt nào? Tôi sẽ hối hận biết bao khi đã đánh lừa một ‘‘ đứa bé’’ như thế! Vì than ôi! nàng công chúa chỉ là một đứa bé trọn đời. Nàng xuống cõi trần gian là để sống giữa những đồ chơi vô tội, giữa những mộng ảo hiền lành, giữa những con vật ngây ngô. Nhưng một cuộc đời nghiêm trọng, sâu hiểm sẽ làm cho nàng không thể chống chọi nổi, cất mình nổi... Nàng chỉ biết đùa mà thôi, biết vui mà thôi. Nàng dám vui đùa với những sự đau khổ, với cuộc đời!

Tôi biết làm thế nào mà ngăn cản được thời gian? Cái ngày báo trước bởi thần mộng đã đến. Lẽ ra ngày hôm ấy, tôi phải ở nhà để mà đợi tin mừng - nhưng mà tôi đã dậy trước mặt trời mọc, và đi dạo trên các đường phố, để xem sự múa may quay cuồng của thiên hạ cho khuây khỏa nỗi buồn rầu. Tôi biết ngày hôm ấy đưa lại cho vợ yêu tôi một sự thất vọng hãi hùng ghê gớm. Vì ngày ấy là ngày mà giấc mộng đẹp nhất của nàng công chúa sẽ tan tành. Buổi trưa, tôi cũng không về, giầy tôi đã sắp hả miệng, mà tôi vẫn cứ đi hoài. Nhưng dầu thế nào, chiều tối tôi lại chẳng phải về qua nhà: chẳng hạn tôi không có can đảm, không đủ hèn nhát để mặc một người đàn bà yếu đuối ấy ngủ một mình trong một phố vắng vẻ như thế.

Đành rằng chuyện thần mộng là một chuyện tôi bịa ra để an ủi nàng công chúa của tôi, nhưng khi bỏ ra một đồng bạc để mua một giấy số, với tôi trong lúc này, không phải là một việc để thử để đùa cùng may rủi. Tôi viện đủ lý lẽ, để cho tôi có hi vọng rằng: tôi có thể trúng số. Chính lúc tôi trở về nhà, là lúc cái hy vọng đã nguội tàn rồi, bỗng đột khởi lên trong lòng tôi, và như thêm sức mạnh cho hai chân tôi, thêm khí lực cho tâm hồn tôi.

Nhưng khi tôi vừa để chân lên thềm, qua miếng kính, dưới một ngọn đèn Hoa kỳ, tôi nhận thấy: nàng công chúa của tôi cuốn tròn mình ở trong một manh chiếu. Tôi hiểu ngay tôi không có quyền hy vọng nữa, và những mảnh tàn của mộng, như rơi ở trong tâm hồn, từng tiếng thê thảm tựa hồ những tiếng gạch nát đổ ở trong một miễu tàn. Đã lâu lắm, từ khi tới ở cái nhà này, nàng công chúa của tôi mới lại trùm chiếu như thế - thường thường là vì muỗi, nhưng hôm nay thì lại vì một nguyên nhân buồn thảm hơn: lời thần mộng không thiêng, và Thần Tài quên không đến gõ cửa nhà tôi. Giữa mùa nực, mà chỉ thấy một người nằm đắp như thế kể cũng đã ghê sợ lắm rồi. Huống hồ trong lúc bực rọc này thì lại còn thê thảm biết bao!

Tôi muốn trốn đi đâu cho thoát, nhưng tay tôi đã gõ mạnh vào cánh cửa. Công chúa ú ớ mấy cái, rồi hỏi dồn:

- Mình về đó à!

Không bao giờ tôi nghe thấy tiếng nàng ghê lạnh đến thế. Tôi đáp:

- Mình ngủ sớm vậy?

- Sớm! Bây giờ mà còn sớm. Không đến mười hai giờ khuya...

Nàng dứt lời, thì đồng hồ ở bên láng giềng vừa gõ tám tiếng... Nàng đứng dậy dụi mắt, và nói:

- Té ra còn sớm quá!

Tôi vừa đẩy cửa vừa hỏi:

- Minh ngủ à?

- Chả ngủ thì làm gì, mình?

Rồi nàng đi lại ngồi vào chõng và không hỏi gì thêm nữa. Tôi cũng không biết nói gì. Nàng cũng như tôi không dám động đến chuyên giấy số. Hồi lâu tôi mới lại hỏi:

- Hôm nay nhà còn chè tàu không mình?

- Còn một nhúm thì phải - tôi để ở cái long sữa không.

Tôi đi xuống bếp định nhóm lửa lên, đun một ấm chè. Nhưng vợ tôi đã gọi với lên và nói:

- Củi không còn một que, đun với nấu gì, mình?

Tiếng nàng sầu thảm như một ‘‘con cú Vạn niên’’ tôi nghe mà lạnh cả tâm hồn, Tôi đi đi lại lại trong xó buồng, kiếm vài mảnh nhật trình cũ rồi xuống bếp...

Loáy hoáy mãi mới nhóm được lửa nhưng khi nước vừa mới reo thì những mảnh nhật trình đã cháy hết.

Tôi cũng mang ấm nước lên và chế vào bình chè, rồi rót ra hai chén và mời nàng.

- Mình qua đây, ngồi uống vài hớp cho vui...

Công chúa mỉm cười, cái cười nhạt tẻ như một đóa hoa tàn:

- Chè của mình thì cũng đến ‘‘hôi khói’’.

Chúng tôi cũng không dám gượng cười nữa, sợ cái vui của chúng tôi trở nên thảm đạm. Chúng tôi uống đã hết hai tuần chè mà không ai nói một câu. Bỗng khi nàng toan đưa chén lên môi, thì nàng ngừng lại và thở dài:

- Đã lâu không thấy mặt anh Phúng và anh Thúc?

Tôi chưa kịp đáp, thì nàng đã nói tiếp:

- Kể hai anh ấy đến cũng không có ích gì. Và mình cứ mãi thế này, thì ai thèm đến.

Nàng để rơi mấy tiếng sau này, nghe buồn thảm quá. Tôi ngẩng lên nhìn nàng, đôi mắt của nàng không còn trong sáng như xưa, trên mặt nàng đã có vẻ xờ xạc, và mái tóc nàng có vẻ vò rối, hình như nàng vừa tỉnh khỏi một giấc mộng dài ghê gớm - hay là tự một cuộc phiêu lưu xa xôi lắm mới trở về. Vừng trán nàng đã âm u lại - và lần đầu tiên tôi thấy có mấy vết nhăn: cơn bão táp đã đi qua và để lại ở đấy những dấu tích sâu nặng.

Chặp lâu, nàng lại nói:

- Ngày mai hết củi mà cũng hết cả gạo nữa... Còn tiền thì cũng không đủ để mà trả tiền nhà!

Tôi nhìn nàng, ngơ ngác... Thì ra thì giờ đi chóng quá! Chúng tôi ở trong gian nhà nhỏ ấy đã được một tháng rồi.

 

TÔI VỪA Ở  hãng Charner ra, thì gặp ngay một bạn cũ là anh Kim Seng. Anh này hiện làm ‘‘ má chiu’’ cho một hãng buôn lớn ở trong Chợ lớn. Anh ta thấy tôi, thì mừng rỡ và giới thiệu tôi với một ông khách già hình như là chủ hãng anh làm:

- Đây là ông Liên Hing, một nhà đại thương ở Faifoo.

- À! ông Liên Hing, ngộ đã có nghe tiếng. Ngộ lại là bạn thân của ông Mãi Vân trước (tên tía tôi) Tội nghiệp ông cụ hiền lành lắm...Khi nào vô Chợ lớn cũng có ghé thăm ngộ cả.

Tôi sung sướng một cách bất ngờ, như vừa chộp được một món bở.

Anh Kim Seng hỏi tôi:

- Thế anh vô bao giờ. Định lên Đế thiên Đế thích chứ...?

Được có người mở đường cho, tôi không ngần ngại đáp:

- Dạ, đã vô đây, thì thế nào cũng phải lên thăm Đế thiên Đế thích.

- Chà! có tiền đi du lịch như anh, sung sướng quá! Anh định ở trong này lâu chứ?

- Tôi cũng không định ở lâu. Xem hết lại đi. Sài Gòn vui quá anh hỉ?

Bạn tôi đưa hàm?

- Cái ấy! còn phải nói.

Ông khách già xen vào hỏi:

- Thế nị đã xuống Chợ lớn chưa?

- Dạ chưa đến, định mai sớm thế nào tôi cũng vô trong ấy...

- Ồ thế thì sẵn xe, mời nị vô ngay, chiều nay, mời nị ăn cơm nhà ngộ. Cơm xong ta cùng đi chơi...

Tôi chưa biết đáp thế nào, thì Kim Seng đã giục tôi:

- Không, anh không nên từ chối. Ông đây là chỗ quen thân với chú ngày trước. Ông đã có lòng vậy, anh không nên phụ lòng ông chứ.

Tôi cảm thấy rằng cơ hội đã đến và trong lòng như có hoa nở, nhưng tôi cũng nói đùa một câu khách sáo...

- Thế thì phiền ông quá!

- Ồ nị đừng nói chứ!  ‘‘Phiền’’ gì? Bọn Huê kiều chúng ta đi đâu cũng là anh em cả. Huống chi...

Kim Seng không để ông khách già nói hết, kéo tôi lên cái xe hôm đậu ở bên đường, rồi bảo tài xế:

- Về Chợ lớn ngay.

Bấy giờ đã 6 giờ chiều...

Ông khách già ấy tên là Xường thuyền Lợi, chủ một hãng máy gạo lớn vào hàng giầu có bực nhất ở Chợ lớn. Cái nhà mà tôi sắp bước tới, là một tòa nguy nga đồ sộ, bật hẳn lên trên những dẫy phố lẹt đẹt. Trong tòa nhà ấy, cũng là cả một thành phố nữa. Chúng tôi còn phải đi nhiều nữa lên gác, lại lên gác, rồi còn phải vào sâu nữa, còn phải quành nữa mới tới cái phòng khách lộng lẫy, bày theo lối cổ.

Ta có cảm giác như lạc vào một nhà vọng tộc đời xưa, có những ghế theo kiểu ghế Vương an Thạch ngồi xem sách, có những cái giường theo kiểu giường Quý phi, thường ngồi đợi Đường Minh hoàng. Ở đấy người ta không thấy có một dấu vết của thế kỷ XX, của văn minh Âu Mỹ. Có một điều này lại càng kỳ quái hơn nữa, là trong phòng khách ấy, không hề dùng đến ánh  sáng của điện khí ; đầy gian phòng, ta chỉ thấy những cái đèn gương, sáng vặc và mỗi cái có hàng chục cây nến. Không khí trong gian phòng ấy thật là huyền ảo bí mật như một trang tiểu thuyết cổ. Chủ nhân lại có tính hiếu khách. Ngày nào cũng có ít nhất là vài chục người khách ăn. Chiều hôm tôi đến đó, tôi nhớ có đến 15 vị, mà toàn là những vị đại thương ở hai châu thành Sài Gòn và Chợ lớn.

Cơm làm theo lối Quảng đông, những món ăn ngon phần nhiều là những món lạ. Đã lâu không được xơi một bữa cơm như thế, phần riêng tôi lấy làm thích khẩu vô cùng. Ăn xong, tôi ra ngồi ở gác thượng, chờ trăng lên và nói chuyện với chủ nhân. Nhân hỏi chuyện về Faifoo, ông Xường thuyền Lợi có hỏi nhỏ tôi:

- Má ngộ đau nặng đã một tháng nay, uống khắp thày khắp thuốc mà không khỏi. Vừa rồi ngộ có rước một vị lương y cam đoan chữa khỏi nếu như kiếm được thứ quế tốt. Ngộ hỏi thế này không phải, nếu nị có, giúp ngộ một chút. Ngộ tin rằng một người như nị đi đâu chắc cũng có mang theo một ít đề phòng. Nị là người buôn bán lớn lại ở lâu năm ở Faifoo thì thế nào cũng có chừa được một ít quế tốt ở trong nhà; ở Faifoo, có thứ  ‘‘Quế sơn’’  là quý lắm.

Tôi làm bộ suy nghĩ hung hăng mới chịu đáp, chứ thực ra tôi thấy rằng dịp tốt đã đến cho tôi để cứu tôi ra khỏi cảnh ngộ khắt khe này.

Tôi ôn tồn đáp:

- Dạ tôi cũng có mang theo để phòng thân, nhưng ít quá...Vả lại, ngay ở nhà tôi ở Faifoo hiện nay cũng không có nữa...

- Ồ thế thì quý hóa quá! Nị làm ơn cho ngộ này lại một tí...Mẹ ngộ cũng như mẹ nị.

- Làm gì ông phải bận lòng thế? Để mai sớm tôi xin đưa lại cụ dùng...

- Ồ thế thì quý hóa quá! Bây giờ sẵn có xe, ni làm ơn về lấy cho ngộ ngay được thì tốt lắm. Bệnh nặng lắm, sớm được chừng nào hay chừng ấy.

Tôi ngần ngại, vì đánh xe về nhà không tiện lắm: một là cái nhà của tôi ở chật tối như một cái chuồng chim, không nên để cho người ta biết, hai là về bây giờ thì đào đâu ra quế cho người ta.

Tôi bèn đáp phăng:

- Bây giờ nhà tôi cũng đi ăn tiệc vắng, không để chìa khóa ở nhà. Tôi có về, chắc cũng không có...Thôi ông để cho đến ngày mai độ 9 giờ, tôi sẽ xin mang lại bầu ông...

- Ừ thế cũng được. Ngày mai 9 giờ, nị nhớ cho, mẹ ngộ cũng như mẹ nị...

Thế là tưởng yên cái chuyện quế ; người ta bày ra những chuyện hát xướng. Bên cạnh mỗi người khách, người ta để một cô ‘‘phá’’. Đó là sự rất thường ở trong nhà chú Xường thuyền Lợi, sau bữa cơm bao giờ cũng có những cô ‘‘phá’’đến giải khuây cho khách. Mọi người đã quen với phong tục ấy, nên nô đùa một cách thành thực và không hề ngượng nghịu.

Duy có tôi là tâm hồn không thể rảnh rang mà vui đùa với các cô ‘‘phá’’ được, có gì lạ đâu:  

Chỉ vì trót buộc vào mình một cái lời hứa không đâu, mà khó lòng gỡ cho xong được.

Quế! cái ám ảnh ấy không rời tôi ra được một phút. Ngay trong nụ cười, trong giọng nói, trong vành tóc của cô ‘‘phá’’, tôi cũng như thấy phảng phất mùi quế. Quế! trời ôi! trước mặt tôi chỉ còn có hơn mười giờ nữa, mà biết làm sao tôi tìm ra được quế cho người ta! Lại phải là quế tốt nữa mới chết tôi!

Công việc lại càng khó khăn biết bao, khi trong túi tôi không còn một đồng xu. Đó không phải là một cách nói, đó quả là sự thực: đã lâu lắm, túi tôi cứ rỗng không như thế. Nói một việc tìm đâu cho ra tiền xe để về Sàigòn cũng là gay lắm, huống hồ là dám nói chuyện tìm quế ở trong một cái thành phố mà tôi không quen thuộc.

Bỗng đồng hồ trên vách đánh 12 giờ... Đêm chưa kịp vui, mà đã vội tàn...Những cô ‘‘phá’’ đứng dậy cả để dọn giường; trong lúc ấy, mấy người bồi mang đặt trước mặt mỗi người khách một cái phong bì. Mọi người lấy phong bì, nhét vào túi áo. Tôi không hiểu gì, cũng bắt chước làm theo. Nhưng lòng tôi đã mừng khấp khởi... tôi đã cảm thấy rằng cái vật ở trong tay tôi không phải là một vật tầm thường, nó có quyền cho tôi hi vọng. Trời ôi! Lại hy vọng! Nhưng lần này, con chim đã ở trong tay; tôi hơi yên tâm hơn những lần trước. Những ngọn nến ở trong buồng đã tắt dần. Mọi người đã vào buồng. Tôi cũng theo một cô  ‘‘phá’’  lên giường. Trong bóng tối, chúng tôi đã hoàn toàn trong bóng tối...Bây giờ tôi mới có can đảm sờ vào túi áo. Tôi nhẹ rút cái vật ở trong phong bì ra. Té ra là một xấp bạc giấy.

Tôi đếm từng tờ một, đếm cẩn thận. Người ta đã bỏ vào phong bì tôi đúng đắn 10 đồng bạc. Tôi không thể nào lầm được, tôi một người đã từng đếm ở dưới những ngón tay tôi, hàng chục vạn tờ như thế. Bạc! bạc! không bao giờ bằng bây giờ, tôi thấy những tờ giấy bạc ấy nó mịn màng đáng yêu, nó dịu dàng như làn da của một người thiếu nữ. Cái cảm giác êm ái ở đầu ngón tay tôi, chuyển đến tâm hồn và như chạy khắp toàn thân, làm tôi đê mê sung sướng lạ thường.

Tôi muốn đứng dậy ngay, trốn ra khỏi cái tòa nhà Xường thuyền Lợi, nhảy lên xe, đi ra một quãng trời xa rộng và kêu to cái sự khoái lạc của tôi. Tôi không ngờ tiền bạc lại có thể cho người ta những cái thú ngông cuồng đến thế. Mà thực vậy, từ đấy tôi không sao nhắm mắt được, bâng khuâng mãi với số tiền ấy. Tôi cũng đoán được rằng chủ nhân đưa bạc cho khách, là có cái ý lịch sự sợ khách không có sẵn tiền để chi cho những cô  ‘‘phá’’, phòng khi khách không mang tiền theo, thì không tiện. Sáng hôm sau, khi mọi người chưa dậy, tôi đã xuống giường, sửa soạn qua loa xong, tôi giao cho cô ‘‘phá’’ của tôi sáu đồng, còn bốn đồng nữa, tôi nhét túi. Cái cử chỉ ấy, thoạt kỳ thủy tôi không cho là bần  tiện chút nào. Nhưng khi tôi bước ra khỏi nhà thì tôi thấy hai chân tôi nặng trĩu xuống vì cái cân lượng phi thường của bốn tờ giấy bạc. Nhưng cái ‘‘khó’’ ấy chỉ thoáng qua trong giây lát mà thôi ; khi tôi nghĩ đến cái công dụng to tát của nó trong lúc này, thì tôi lại thấy nhẹ bỗng.

 

BẤY GIỜ đã sáu giờ sáng Tôi chỉ còn ba giờ đồng hồ để tìm ra quế. Tôi chỉ có một cách mong sự may mắn đâu ở trên trời rơi xuống để giúp tôi mà thôi. Tôi cũng nhảy lên xe mà ‘‘giong’’ một lúc chơi.

Xe đi được vài con đường, thì tôi bỗng nghe có tiếng mở cửa, làm cho tôi lưu ý đến cửa hàng ở phía tay phải tôi: cửa hàng ấy là hiệu Thuận lợi. Thuận lợi! cái tên ấy hình như quen tai lắm. Tôi cho dừng xe lại và bước xuống. Tôi định xem, may mà gặp được người quen, người ta cũng có thể chỉ cho tôi tìm được thứ quế tốt chăng. Thật là không ngờ, khi tôi gõ cửa, thì một người đàn ông chạy ra, một người mà tôi quen lắm: chú hai Thích. Chú thấy tôi, thì reo lên như bắt được một vật gì quý lắm. Chú kéo tôi vào nhà, pha chè mời tôi uống và hỏi chuyện Faifoo. Chú này là người láng giềng của tôi hơn mười năm, vào đây mở hàng đã bốn năm. Nói chuyện  ‘‘nắng mưa’’ một chặp, tôi toan hỏi chú xem có quen ai buôn quế không, thì bỗng nhiên chú hỏi tôi:

- Chừng nào nị lại về Faifoo.

- Mai kia tôi về...

- Nị làm ơn cho tôi gởi mấy thanh quế về cho ông tú Kiến, người cậu nị, và nị nói hộ với ông Tú rằng: ở trong này người ta trả không tới cái giá bốn đồng một lạng.

- Trời ơi! nếu bảo rằng trời không có ý giúp tôi thì làm chi lại có sự tình cờ lạ lùng ấy? Người tôi như cởi hết những sự lo nghĩ, muốn bay bổng lên chín tàng mây. Tôi không thể giấu được sự vui mừng:

- Thế thì chú đưa cho tôi xem. Quế của cậu Tú tôi mà người ta không mua đến cái giá ấy thì lạ quá. Không giấu chú: hôm vô, tôi có mang theo độ năm ba lượng, thế mà mấy hôm rày người ta tranh nhau mua lại hết, nay không còn bán nữa. của chú bán không được, thì cử để đó tôi, đưa vào được mà bán không được, thì vô lý lắm.

Chú Thuận lợi mừng cũng chẳng kém tôi, vội vàng lấy một thanh quế đưa tôi xem. Tôi cầm lấy thanh quế, bụng mừng khắp khởi, nhưng tôi cũng kiếm một câu để chê bai:

- Kể thì quế này cũng khá đấy. Nhưng cũng không thể nào sánh được với thứ quế tôi mang vô đây.

Uống xong hớp chè, tôi lại nói:

- Nhưng chú cũng đưa tôi một miếng, đưa cho một vài người xem, coi họ có bằng lòng không?

Chú Thuận lợi đưa cho tôi cả một thanh to, tôi làm bộ từ khước:

- Tôi đã nói với chú chỉ cần đưa đi một ít thôi, để cho người ta xem ra sao đã.

Chú Thuận lợi vừa gói miếng quế trong giấy bán, nói:

- Ồ! Không sao! Nị bán không hết, mang về cho ngộ không sao!

Đồng hồ đã đánh tám giờ. Tôi vội vàng đứng dậy kiếu biệt chú Thuận lợi, hẹn mai kia sẽ trở lại.

Cái vui sướng của tôi lúc bấy giờ thật không sao nói được. Ngồi trên xe từ hiệu Thuận Lợi về đến nhà tôi, chốc chốc tôi đưa thanh quế lên mũi ngửi, hôn hít như là cái mái tóc của một người tình nhân.

Tôi về đến nhà, thì cửa còn đóng: Công chúa vẫn còn im lìm trong giấc ngủ mai của nàng. Tôi định gọi nàng dậy, ngỏ cho nàng hay nỗi vui sướng của tôi. Nhưng nàng là một con chim nhát sợ làn cây cong, tôi không muốn cho nàng ăn hy vọng, chỉ khi nào công việc đã hoàn thành rồi, tôi hẵng nói với nàng.

Tôi qua nhà hàng xóm, mượn một cái cưa nhỏ, rồi rón rén bước vào nhà tôi. Tôi nghĩ rằng nếu đưa cả thanh quế lớn thế này cho chú Xường Thuyền Lợi, thì tức là hạ giá cái thanh quế của mình xuống nhiều quá. Và có ít như thế, người ta mới tin là quế tốt.

Tôi bèn cưa thanh quế ra thành tám miếng nhỏ- Tôi chạy ra phố mua một ít son, rồi tôi viết vào phía trái thanh quế hai chữ  ‘‘Phước quế’’. Đáng lẽ là nên viết ba chữ  ‘‘ Tiên phước quế’’ là thứ quế có tiếng thứ nhất ở Quảng nam, nhưng tôi chỉ chừa có hai chữ sau mà thôi, có ý cho người ta thấy rằng chữ đầu đã bị mài xém hết. Đoạn tôi cẩn thận gói miếng quế nhỏ vào một cái khăn điều, lại lên xe đi vô Chợ lớn.

Khi chuông nhà thờ chỉ chín giờ rưỡi, thì tôi bước vào nhà chú Xường thuyền Lợi. Nghe tiếng giầy lộp cộp ở thang gác, chú đã vội-vàng chạy xuống, đón tôi lên. Tôi biết rằng chú Xường thuyền Lợi hẳn đã mong tôi nhiều lắm. Tôi lại càng làm bộ già:

- Chú nờ! tôi tưởng không đưa kịp sớm mai này cho chú. Nhà tôi hôm qua xơi cơm ở nhà ông đốc tờ Xuân, rồi người ta cầm lại đánh bài chược, thức suốt đêm, rồi mai dậy còn phải ngủ lại ở nhà ông Đốc. Tôi phải tìm về. Chính nhà tôi tìm mới ra đó, chứ tôi tự tìm lấy, có lẽ không biết chỗ nào mà mò. Nhà tôi cất kín quá.

- Ồ chà, ngộ làm phiền thím ấy quá, làm phiền nị quá. Nhưng thôi, mẹ ngộ cũng như mẹ nị... Miễn sao bà thân ngộ qua được, thì công ơn nị, ngộ đâu dám quên.

Rồi chú Xường thuyền Lợi cầm lấy miếng quế, lật trái lật mặt ra xem, coi bộ thán phục lắm:

- Chà, quý hóa quá! nị có miếng quế tốt lắm.

Rồi chú ấy xin lỗi tôi đưa vào buồng cho bà mẹ xem. Một lát sau, chú ấy trở ra:

- Mẹ ngộ xem miếng quế ưng ý lắm. Cả ông lang cũng thế. Ngộ đã bảo mài ra uống thử xem sao. Mời nị ngồi.

- Xin phép chú cho tôi về qua nhà một lúc, chiều tôi lại đến.

- Nị đi đâu nữa? Mời nị ở lại đây xơi cơm trưa với ngộ.

- Xin chú để cho khi khác.

- Thôi được. Nhưng chiều thế nào cũng mời nị qua đây.

- Được, chiều tôi sẽ lại.

Tôi toan bước ra, thì chú Xường thuyền Lợi đã kéo tôi lại và dỉ vào tai tôi:

- Chỗ bà con, ngộ hỏi thực: cái miếng quế ấy, nị mua bao nhiêu?

Tôi làm bộ không bằng lòng:

- Ồ, sao chú lại nói thế! Đấy là của tôi mua để phòng trong nhà. Nay chú có việc, xin cứ lấy dùng, chỗ bà con quen biết, ai lại nói đến chuyện giá cả. Cái giá của nó thì vô cùng, nhưng chú phải biết cái tình ăn ở đi lại với nhau cũng vô cùng.

Rồi tôi vùng vằng đi ngay.

Tôi trở về nhà, vừa lúc vợ tôi dậy. Nàng thấy tôi có vẻ hớn hở thì nhìn tôi một cách ngạc nhiên. Tôi vẫn nhất định chưa thổ lộ cho nàng hay gì hết: muốn nuôi cái vui mừng lại để làm một cái quà bất ngờ tặng nàng.

Nhưng tôi vẫn không muốn thấy cái buồn thảm ở mãi trên cái mặt của nàng. Tôi rút ra ba tờ giấy một đồng còn lại trong túi tôi, đưa cả cho nàng:

- Chiều nay mình làm cho tôi một bữa tiệc.

Trời ôi! vẫn lại cứ tiệc. Đời tôi chả phải lụy vì những bữa tiệc liên tiếp quanh năm? Thể mà vẫn không chừa, mỗi khi có dư được chút ít, là lại nghĩ đến  ‘‘tiệc’’rồi. Nhưng âu đó cũng là một cái tính trời cho, biết làm sao được?

Công chúa đưa tay cầm lấy mấy tờ giấy, và vẻ cảm động lộ đầy ra nét mặt. Nàng khẽ ngập ngừng:

- Mình đào đâu ra được mấy đồng bạc này, mình?

Làm như là nàng chẳng bao giờ được có đồng tiền ở trong tay. Nàng ngắm đi, ngắm lại những tờ giấy trong tay, và coi dáng nàng như không thể tin được là của mình vậy. Nàng vẫn hỏi lại:

- Minh giật ở đâu thế này mình?

Tôi chỉ cười một cách bí mật và không đáp. Nàng bỏ mấy tờ giấy vào túi, và nói:

- Thôi đừng tiếc nữa mình! Đời ta chả phải khổ vì tiệc tùng hay sao? Thôi mình để dành đó mua một cái màn mà nằm, đêm muỗi quá!

- Không, mình cứ  ‘‘tiệc’’ đi. Đã lâu mình ăn khổ quá, nay ta cũng liều ăn một bữa no say. Tiêu hết số này, biết đâu mai chả có số khác! Biết đâu? Biết đâu?

Tôi nói mấy chữ sau này, rồi cười một cách bí mật. Nàng nhìn tôi ngạc nhiên và cũng như đã bắt đầu vui lây. Nàng đưa mắt hỏi tôi, nhưng tôi nhất định không chịu nói.

Chiều lại, tôi vô Chợ lớn và đến thăm chú Xường thuyền Lợi. Tôi vừa bước lên thang gác. Bây giờ đến lượt tôi cảm động... vì tôi chỉ sợ... quế tôi không được công hiệu. Nhưng dầu sao người ta cũng không có quyền trả lại. Tôi nắm tay chú Xường thuyền Lợi với cái ý cứng cỏi ấy ở trong óc. Nhưng khi tôi thấy cái nụ cười tươi tắn của chú, thì tôi bấy giờ mới thật yên tâm. Chú kéo tay tôi và vẫn ghé tai tôi, nói:

- Ngộ không biết có cái duyên gì mà gặp được nị. Miếng quế của nị thật là công hiệu như thần. Mới uống một hớp khi sáng, mà bây giờ đã khỏe khoắn ra lắm. Mẹ ngộ bảo hễ nị có đến, thì dẫn nị vào cho mẹ ngộ cám ơn.

- Ấy tôi đến đây, chính cũng muốn để thăm bà cụ, xem bà có khỏe ra được phần nào không.

Rồi tôi đi theo chú Xường thuyền Lợi đi,vào buồng của bà cụ. Bà cụ thấy tôi, thì ngồi dậy tự mình rót chè mời tôi uống:

- Chao Ôi! thiệt là phúc nhà quá. Nếu không gặp chú vô đây, thì e tính mạng tôi không còn.

- Xin cụ nghỉ cho thực khỏe hẳn rồi nói chuyện. Tôi thấy cụ gắng gượng ngồi dậy như thế thật không tốt.

Rồi tôi nhất định xin đi ra, và nằn nì mời bà cụ nằm xuống, hẹn hôm sau sẽ lại vào thăm bà cụ. Bà cụ và ngay cả chú Xường thuyền Lợi nhất định giữ tôi lại... mà tôi biết ý là chỉ nói về chuyện quế.

Bắt đầu chú hỏi tôi:

- Không biết nhà mua quế ấy đã bao năm?

- Tôi không biết. Nhưng nghe má tôi nói, thì quế ấy chính tía tôi mua cách đây đã lâu lắm. Mua lại ở tay một ông thầy An-nam.

- Ôi chao! quý-hóa quá! Nhưng nị có biết xưa kia, ông cụ mua bao nhiêu không?

- Thật chính má tôi cũng không biết. Bình sinh tía tôi cất rất kín, lúc hấp hối mới chỉ chỗ cho má tôi lấy!

- Ôi chao! quý hóa quá!

Đến đây, tôi lại toan đứng dậy, làm bộ như là không để ý tới cái việc vặt ấy.... nhưng chú Xường thuyền Lợi lại giữ tôi lại... Hình như chú muốn nói với tôi cái gì, mà chú ngại ngùng chưa thể nói được. Sau một hồi im lặng, chú lại khơi chuyện quế ra nói:

- Ngộ nói cái này không phải, nhưng cũng cứ nói, xem nị nghĩ sao. Hồi nẫy, bà thân ngộ cũng đã định nói mà nị lại vội ra ngay, thành thử không nói được. Ý bà cụ muốn lấy lại miếng quế, nhưng không biết nị nghĩ thể nào?

Tôi mỉm cười đáp:

- Không làm vui lòng bà cụ, thiệt lòng tôi lấy làm khó chịu lắm, nhưng quả ở nhà tôi, mẹ tôi cũng đã già, tôi không giữ miếng quế này thì thật cũng không phải đạo làm con. Tôi xin để cụ dùng tự nhiên, còn bao nhiêu thì chú cứ giao lại cho tôi cũng được.

Chú Xường thuyền Lợi có vẻ tiếc lắm, nhưng chú cũng tỏ ra là một người biết điều: chú chỉ xin lấy lại một nửa.

Tôi cũng làm bộ vui vẻ đáp:

- Thôi chú đã nghĩ vậy, thì tôi cũng xin chiều lòng chú để lại cho chú một nửa.

Chú Xường thuyền Lợi nghe tôi nói vậy, mừng quýnh, chạy vào buồng lấy thanh quế ra, và cưa làm hai mảnh trước mặt tôi.

Tôi thấy cái cẩn thận quá đáng của chú khi cưa thanh quế, mà tôi muốn bật ra cười. Chú lót một miếng vải điều ở dưới miếng quế, và bao nhiêu‘‘bụi quế’’ chú gói lại ở một tờ giấy bản, và cất vào một cái tráp cẩn thận. Cưa xong, chú đi vào buồng, độ mười lăm phút chú mới trở ra. Chú đưa cho tôi một cái phong bì gắn kín và nói:

- Ngộ xin gởi lại nị và cảm ơn nị vô cùng. Chiều mai, thế nào hai vợ chồng nị cũng lại xơi cơm với ngộ.

Tôi nhận lời và nhét vội cái phong bì vào túi áo làm như là không lưu tâm đến. Nhưng tôi đã biết chắc chắn rằng: trong phong bì ấy không phải chỉ có miếng quế thôi.

 

VỀ ĐẾN nhà, tôi thấy công chúa đương ngồi vá tấm áo rách của tôi. Tôi rón rén đi lại bên nàng không cho nàng biết ; tôi đặt cái phong bì trước mặt nàng, và không nói gì hết, Nàng ngừng kim nhìn tôi, tỏ vẻ ngạc nhiên như không thể hiểu được cái cử chỉ của tôi.

Nàng cầm phong bì lên, rồi lại để xuống và ngại ngùng... Tôi mới nói:

- Không, mình cứ mở ra...

Nàng vẫn rụt rè:

- Những gì ở trong này?

- Thì chính tôi cũng không biết...

- Mình cũng không biết?

Nàng lại nhìn tôi với đôi mắt tròn xoe. Tôi cười và nói:

- Quà tôi tặng mình đó, mình cứ mở ra đi.

Lần này thì nàng bạo dạn hơn, nàng xé vội một mép phong bì. Một miếng quế nhỏ văng ra.  

Và với miểng quế, năm cái giấy 100$00... Tôi thấy nàng ngơ ngác như chưa tỉnh khỏi một giấc mộng, nàng không dè có một sự kỳ lạ như thế. Tôi thì tôi đã đoán trước được món tiền, nên tôi vẫn điềm nhiên như thường. Nàng cảm động quá và hai môi nàng mấp máy mà không để rơi được một tiếng nào. Nàng chỉ nhìn tôi, vẫn lại nhìn tôi như một kẻ điên cuồng, nàng chạy lại ôm vít lấy tôi, và như thế trong một lúc lâu...

Khi tôi đẩy nhẹ nàng ra, thì trên khóe mắt nàng long lanh đôi giọt lệ. Nàng khóc vì sung sướng. Người ta nói xấu tiền bạc, đó đã thành một cái thói quen vô ý thức. Nhưng tiền bạc thật ra không đáng cho người ta nói xấu như thế. Nó có thể cho người ta một thứ vui sướng cao khiết nhất của đời người.

 

NGÀY HÔM ấy chúng tôi dọn tới một cái nhà khác ở một phố lớn, rộng rãi hơn, cao ráo hơn, và chúng tôi đã bài trí một cách trang  hoàng. Bấy giờ mới là bắt đầu đường bệ sống trong ánh sáng, có thể tiếp đón bất kỳ ai, và không phải lẩn lút, trốn tránh, ẩn giấu như trước nữa. Riêng tôi, tôi tin một cách chắc chắn rằng cơ hội tốt đã tới cho tôi, để phô trương với thế gian. Xin thú thật tôi không phải là hạng người quân-tử - như cây lan ở trong bóng tối - sống một cách thanh cao mà hờ hững với thiên hạ. Không, tôi phải có cái can đảm trở nên ‘‘tôi’’, nghĩa là tôi thế nào, tôi phải phơi ra như thế ấy. Mà tôi là người thế nào? Là một người rất thích tiền bạc, nếu không hơn, cũng là ngang với mọi sự ở đời, vì tôi tin rằng tiền bạc là một sức mạnh ghê gớm, nó có thể đổi đen ra trắng và trắng ra đen. Sự kinh nghiệm đã dạy tôi rằng: phải có tiền trước đã, và nhân nghĩa sẽ chạy theo tiền, cũng như cái ‘‘đạo’’ chạy theo sắc đẹp.

Cho nên, khi cơ hội đã đến, tôi phải chạy ra trước cơ hội, nắm lấy cơ hội, đạp lên trên cơ hội, và giơ cao ngọn cờ chiến thắng. Cái cơ hội của tôi chỉ là một miếng quế nhỏ, một sự ‘‘khởi’’ đáng sợ. Nhưng những kẻ đại phú ở trên đời đều khởi đầu một cách đáng sợ như thế cả. Thoạt tiên, công chúa có ý hãm bớt cái hăng hái của tôi. Nhưng tôi là một người có máu khách trú ở trong mình, tôi hiểu thế nào là một cơ hội tốt. Quả từ khi tôi dọn đến cái nhà sang trọng ấy, mọi việc đều đến đúng như những lời dự ước.

Một hôm chú Xường thuyền Lợi muốn tạ ơn tôi, có thết tiệc tôi tại nhà chú. Trong bữa tiệc ấy có gần trăm người mà phần nhiều là những vị đại thương ở hai châu thành Sài Gòn và Chợ lớn ; mọi người vừa ngồi lại, thì chú Xường  thuyền Lợi đứng lên giới thiệu với mọi người:

- Đây là bà Liên Hưng một vị công chúa Việt-nam và đây là ông Liên Hưng, một người đồng bang của chúng ta, và riêng về phần tôi, là một vị ân nhân: ông đã cứu sống mẹ tôi, với một miếng quế thần hiệu của ông mang từ ngoài Quảng vô đây.

Lời giới thiệu của chú Xường thuyền Lợi thật đã đưa lại cho tôi hàng muôn vạn bạc. Chỉ nghe ông nói mấy câu ấy, tôi cũng đủ hiểu vì sao ông đã trở nên một bực triệu phú. Tôi thấy số tiền 500$00 ông biếu tôi, không đáng giá gì bên mấy lời giới thiệu đó.

Quả vậy, từ đấy, nhà tôi ngày nào cũng có một vài chiếc xe hòm đỗ. Những người ấy đến tôi chỉ để mua lại một ít quế mà chúng tôi đã mang vào. Một miếng quế tôi tính ra chỉ đáng giá có hai hào bạc, mà nay để lại cho người ta với cái giá ít nhất là 100$00 không một người nào chê đắt cả, và trái lại người ta mua được quế tự tay một bà công chúa là một điều vinh diệu..Rồi dần dần khắp cả Sàigòn, vì có một miếng quế của tôi, mà nói đến công chúa. có nhiều tờ báo Quốc văn, in hình công chúa lên, và là một nhịp tốt cho họ nhắc đến sự nghiệp và thân thế của đức vua cha hiện đương sống âm thầm ở một nơi hoang đảo.

Và như thế, cũng chỉ lợi cho việc buôn bán của tôi mà thôi. Một tháng, bấy giờ tôi bán được ngót vạn bạc quế. Nhưng quế tôi thực có tốt không, thì chính tôi cũng không được biết. Tốt hay xấu là do lòng tin của người dùng. Và nếu họ còn tin tôi, thì quế tôi cũng còn hay vậy...

Chỉ trong khoảng hơn năm trời, chúng tôi đã giàu đến mấy mươi vạn.

Nhưng tiền bạc trở lại, thì cũng trở lại những bữa tiệc, vâng, vẫn những bữa tiệc... nhưng những bữa tiệc ấy cũng khó làm suy sụp được cái địa vị đã vững chãi của chúng tôi lúc bấy giờ... Một ngày, tiền bạc lại vào thêm...

Tất cả những cái hào nháng, cái sang trọng, cái rực rỡ của Sàigòn đều có ở trong nhà tôi.  

Hơn thế nữa, tất cả thú vật chất cao quý của Âu Mỹ, tôi đều có. Tôi còn thiếu gì nữa đâu, để mà sung sướng? Cái mộng của công chúa là một cái V8...(bấy giờ chưa có 202) ; cái mộng ấy, chúng tôi đã bắt được rồi. Nhưng than ôi! Cái tuyệt đích của hạnh phúc nó cứ lùi mãi ở trước mắt tôi... Hết mộng này, đến mộng khác, chúng tôi dầu có sống trọn trăm năm, chúng tôi cũng không sao bắt được hết mộng. Có kẻ ngông cuồng nào trong một buổi mai, bắt hết bướm trong vườn? Than ôi! kẻ ngông cuồng ấy lại là nàng công chúa thân yêu của tôi.

Sau cái thú tiệc tùng, ca hát, đến cái thú thuốc phiện. Và sau thuốc phiện, đến cocaïne. Và sau cocaïne, nàng quay về với một cái thú rất tầm thường của con người ta: bóc lột nhau bằng quân bài lá bạc... Cái mê say ấy của nàng đã giết tôi. Và sự bạn bè đi lại, từ nay không còn có lựa chọn nữa. Trên thềm nhà tôi, đã in dấu chân của bọn côn đồ, bọn du thủ du thực chỉ sống về cái nghề cám dỗ người ta vào những cuộc đỏ đen.

Tôi bình sinh là người rất trọng những sự mê say của người đời... Huống hồ là trước cái mê say của công chúa, tôi còn nỡ nào cấm ngăn. Dầu phải sạch cửa sạch nhà mà được chiều công chúa, tôi cũng vui lòng kia mà. Tình yêu của tôi chỉ cầu có thế: thỏa mãn bao nhiêu sự ham muốn của công chúa. Lúc đầu, thì tôi hơi khó chịu, nhưng tôi cũng quen dần, dẫu tôi cũng không bao giờ đánh, mà tôi cũng đi theo công chúa, ngồi xem công chúa đánh. Trong những thứ đổ bác mà nàng thích chơi nhứt là bài Chược, mà nàng chơi to lắm, một  ‘‘thôi’’  có khi đến 5, 7 trăm đồng, và lúc đứng dậy có thể được thua đến mấy vạn bạc. Nàng chơi  ‘‘ sa đà’’  quá bỏ cả ăn uống, có khi tôi đói xỉu đi nằm hàng giờ đồng hồ ở bên cạnh nàng, mà không dám biểu nàng thôi, vì nàng đã thua lỡ... Bao nhiêu phiền  muộn tôi đều nén ở lòng, và không bao giờ phàn nàn. Trái lại, mỗi khi nàng xin phép tôi đi đánh, tôi đưa tiền cho nàng một cách rất dễ dàng và rất vui vẻ...

Nhưng tôi nghĩ bụng: sợ rằng cái vui vẻ ấy một ngày kia không còn có nữa vì lẽ rằng nàng đã thua nhiều quá. Tôi là một người biết khinh tiền bạc, nhưng nhiều khi tôi cũng biết trọng nó, và đặt nó lên ở cái giá trị mà nó đáng có. Một hôm sau, một hồi tính toán, tôi thấy rằng tiền ra đã quá 10 lần tiền vào, và tất cả gia tài của chúng tôi chỉ còn đâu được 5 nghìn bạc. Tôi nói cho công chúa hay, nhưng nàng vẫn thản nhiên như không, cười bảo tôi:

- Trời sinh voi, sinh cỏ.

Rồi nàng ngâm cho tôi nghe một câu thơ cổ:

 ...Của tạo hóa không rồi lại có...

Lúc sạch không, cũng lọ đeo phiền..,

Tôi không biết hai câu thơ nhạt nhẽo, và vô nghĩa ấy của một thi sĩ chết đói nào, làm ra để cho nàng có thể vin vào, mà tự xá tội cho mình. Rồi nàng lại nằng nặc đòi tiền đi đánh ; nàng ngây thơ như một đứa trẻ con khiến tôi không thể nào cương quyết với nàng được. Nhưng mỗi khi tôi đưa tiền cho nàng, là lòng tôi như thắt lại, vì tôi biết rằng tiền ấy sẽ từ biệt tôi mà không bao giờ trở lại...Từ đấy, nàng rủ tôi đi, tôi không cùng theo nàng nữa. Tôi phải thành thực mà nhận rằng: trong thời kỳ này tôi đã bắt đầu phiền muộn. Trong lúc nàng đi đánh, thì tôi cũng tới tiệm để uống rượu, say khướt mới chịu về.

 

MỘT HÔM, tôi uống nhiều rượu quá, lúc tỉnh, thì bóng trăng rọi vào bên chân giường mà tôi không thấy nàng đâu cả. Đồng hồ trên vách khi ấy thủng thẳng đánh ba tiếng. Tôi bấm chuông gọi bồi lên hỏi, thì bồi cho tôi hay rằng: nàng vẫn chưa về. Vào giờ này mà người đàn bà còn ở ngoài, là một việc không thế nào dung thứ được, là một gia đình không trị, là loạn. Tôi rót một cốc Vichy lớn, uống một hơi dài, khoác vội áo và ra đi.

Tôi thuê xe tới nhà ông hội đồng Thới, mà tôi đoán chắc là vợ tôi còn đương ở đấy. Khi tới nơi, tôi không muốn bước vội vào nhà ; vì nhà còn đương mở cửa, và ánh sáng rọi cả ra ngoài vườn hoa. Ở ngoài đường, nhìn vào, tôi thấy rõ một cảnh tượng làm cho tôi não lòng vô cùng: tôi thấy mọi người đương xúm vào đánh bài  ‘‘chược’’. Và vợ tôi ngồi giữa hai người đàn ông mà không phải là lạ mặt ở trong làng ăn chơi. Hai Bích ngồi ở bên trái và Tư Đồng ngồi ở bên mặt vợ tôi. Tôi thấy họ ngồi khít vào vợ tôi, đến nỗi tôi phải nhìn mãi mới nhận được mặt vợ tôi... Nhưng cái, não lòng, không phải ở đó, mà ở những cái tôi không thấy. Trong một lúc, tôi tưởng tượng ra một cảnh dàn trận của những cái chân ở dưới bàn - vì bài chược người ta chơi bằng bàn. Tôi tưởng tượng những cái chân của thằng Hai Bích và thằng Tư Đồng, khi tiến khi thoái, khi duỗi, khi co...và như thế để giành nhau chiếm đoạt những cảm giác thanh thú về da thịt. Vợ tôi thì mải mê đánh, còn có hay biết gì.

Không những thế, chúng có thể là người đồng bọn với những kẻ đương đánh với vợ tôi, họ ‘‘ngồi rìa’’ nhưng kỳ thực chúng chỉ xúi vợ tôi đánh tầm bậy, hay ngồi làm những dấu riêng để cho những người kia biết được bài của vợ tôi.

Tôi vừa ghen, vừa tức, tôi muốn quay trở về, và nhất định từ rày cấm vợ tôi không được đi đánh với bọn kia nữa... Một người đàn bà đánh bạc, không phải chỉ mất tiền mà thôi ; với tiền, nhân cách người ta cũng không còn nữa. Cho nên, mỗi khi vợ tôi thua tiền, tôi không bao giờ rầy mắng hay nói nặng lời, vì chính mắt tôi đã được thấy một người vợ vì quá sợ chồng, mà mỗi khi đánh thua, thường không dám về, hay phải nói ngọt lạt với người vừa được mình để vay giật người ta lại - và nếu  ‘‘người ta’’ đó lại là một người đàn ông, thì cái trinh tiết của người đàn bà kia nhiều khi bị dơ vấy...

Vì thế, khi nàng đánh thua, tôi phải làm bộ vui vẻ như thường: có kẻ bảo rằng tôi là một người sợ vợ. Nhưng thực ra, bổn tâm tôi chỉ muốn tránh cho nàng khỏi những điều không hay. Nhưng hôm nay, thì tôi không thể nào để cho cái tình thế ấy kéo dài ra mãi: tôi phải cương quyết mà cấm ngặt nàng không cho cờ bạc nữa. Nàng đương ở trên một con đường dốc, tôi không giữ lấy nàng, là nàng có thể ngã một cách ghê gớm, và hạnh phúc gia đình tôi sẽ tan nát hết.

Nghĩ vậy, tôi bước vào, tôi mạnh bạo bước vào. Nàng thấy tôi, hơi cuống cuồng nhưng lại trấn tĩnh như thường. Nàng vẫn lại cup vào đánh. Tôi giận quá, vẫn cố hết sức bình tĩnh. Tôi xin lỗi mấy người đánh, và nói với vợ tôi:

- Mình đi ra ngoài, tôi có việc cần nói với mình một tí.

Nét mặt nàng không hề thay đổi, đứng dậy theo tôi. Khi ra đến vườn, tôi mới nói:

- Mình có biết thằng Hai Bích và thằng Tư Đồng là hạng người nào ở Sài Gòn này không?

- Không, nhưng mà mình định tra vấn tôi làm gì thế?

- Không, tôi không muốn mình chơi với hai thằng ấy... Hai thằng ấy là hai thằng bợm.

- Bợm? trời ôi! ai chẳng là bợm, mình? Giữa Sài Gòn này, ai muốn có tiền xài mà không phải là bợm?

Không phải ý nàng có nghĩ vậy, nhưng bấy giờ tôi hiểu rằng nàng muốn động đến cái nghề buôn quế của tôi. Tôi giận quá, hỏi lại nàng bằng một giọng gắt:

- Có phải mình muốn bênh hai thằng Tư Đồng và Hai Bích không?

- Bênh, ừ thì sao?

- Mình muốn bênh thì đi theo chúng. Nhà tôi không phải là nhà chứa bọn đồng lõa của hai thằng du đãng ấy.

Nàng cũng giận mà đến run lẩy bẩy, không thể nói được:

- Đồng-lõa! Tôi là đồng lõa của chúng? Trời ôi! chồng tôi...

Rồi một lát sau, nàng trấn tĩnh hơn:

- Trời ôi! chồng tôi... có phải mình muốn nghi rằng tôi thông đồng với bọn ấy để rút tiền mình, mình nghi vậy, mình cứ nói trắng ra tôi nghe thử?

Tôi cũng cảm thấy rằng cơn giận của tôi đã đưa tôi đi xa... Tôi cố van xin:

- Không, mình là một bà công chúa, tôi xin mình xử trí ra một bà công chúa...

- Công chúa! Tôi lạy mình đừng nhắc đến hai tiếng ấy nữa.

Nghĩ một lát, nàng lại nói tiếp:

- Nếu tôi là công chúa, thì tôi đã không phải thế này. Tôi biết rằng nhà tôi đã bị nhơ nhuốc từ khi tôi...

Nàng bật ra khóc và không có can đảm nói nữa. Nhưng tôi đã hiểu ý nàng muốn nói gì. Tôi thấy tâm trí tôi điên đảo, và không còn tự chủ được mình nữa. Tôi sấn lại hỏi nàng:

- Mình nói hết đi, mình cứ nói hết đi, tôi nghe thử.

Nhưng nàng không nói nữa.

Tôi vẫn không hết giận, cầm lấy tay nàng, và lay mạnh:

- Có phải mình muốn bảo rằng: mình đã bị nhơ nhuốc, từ khi mình lấy tôi...

Nàng quả quyết:

- Ừ, tôi muốn nói như thế, thì sao, mình định giết tôi à?

- Tôi đâu có giết được mình. Nhưng tôi biểu cho mình biết rằng: nhà mình bị nhơ nhuốc không phải từ khi mình lấy tôi, mà chính từ ngày cha mình bước xuống tàu...

Nàng vẫn chỉ rú lên được mấy tiếng:

- Trời ôi! chồng tôi!

Tôi biết rằng tôi hết khôn, đã lỡ lời, đã hèn nhát, hết sức hèn nhát, khi nói một câu khốn nạn không xứng một người đàn ông biết nghĩ. Trời ôi! không hiểu sao, tôi, một người như tôi lại có thể khốn nạn đến nỗi đi nói xấu một người, mà tôi rất phục, và hiện nay đương sống trong một cảnh ngộ đáng thương...

Tôi muốn nói một câu gì để chuộc lại, nhưng than ôi! đó là một cái tội không thể nào chuộc được nữa.

Nhưng các ngài tưởng tôi có thể đấu dịu được trong lúc này, và hạ mình để van xin nàng? Không, khi tôi thấy mọi người ở trong nhà đã chồm ra cửa sổ, để nhìn chúng tôi một cách  ‘‘mất dạy’’ thì cơn giận của tôi lại đùng đùng nổi dậy, và tôi gườm gườm đi ra, không nói gì thêm.

Ra đến ngoài đường, đã bước lên xe, tôi vẫn nghe tiếng bọn người khốn nạn ấy xì xào bàn tán. Mặc sức cho chúng xúm lại để nói xấu tôi với công chúa, nhất là Tư Đồng và Hai Bích, hai thằng ‘‘đĩ đực’’ ấy, hai thằng bợm ấy thừa nhịp này để cám dỗ công chúa.

Tôi biết rằng: cái cử chỉ của tôi sẽ có một kết quả nguy hiểm, và cuộc phối hiệp, cái duyên nợ của tôi với công chúa, đã đến một hồi quyết liệt, một mất, một còn.

Nhưng chắc chắn là phải mất, Tôi sẽ mất công chúa. Tôi chỉ tiếc công đã đan được một cái lồng son, mà cũng không giữ được con chim quý. Tôi chỉ thấy tôi là một người vụng dại. Nhưng các bạn ở địa vị tôi lúc bấy giờ cũng khó lòng mà xử trí khác tôi. Tiền bạc ở trong tủ chúng tôi vỏn vẹn chỉ còn hơn năm trăm bạc, với năm trăm bạc làm thế nào để đương đầu với một cuộc đời hoàng đế, một cuộc đời cực kỳ xa hoa, là cuộc đời của chúng tôi lúc bấy giờ. Ừ thì ta hãy cho rằng tiền bạc mất đi, thì ta còn kiếm được, nhưng một khi cái tình của một người đàn bà mà mất đi, người ta làm thế nào mà bắt lại được. Đã lâu, người đàn bà không dùng đến lông ngỗng để giải đường nữa, cái hành tung bí mật của họ, ai có thể dò cho ra được.

Nếu tôi đã nghi vợ tôi, lòng chung thủy của vợ tôi, thì cũng vì vợ tôi là một người đáng cho tôi nghi. Theo tôi, một người đàn bà mà say mê cờ bạc, có đủ tư cách để mà bán mình, giết chồng, đợ con. Đó là một câu trước tôi, người ta nói đến đã nhiều, một câu sáo nhưng mà rất đúng.

 

NGAY HÔM sau, hôm sau, rồi hôm sau nữa, tôi có ý mong nàng trở về. Nhưng mộng ảo! Con chim ấy một khi đã thoát khỏi lồng và đã vui với một cảnh trời xa lạ, con chim ấy còn có bao giờ nghĩ đến chuyện bay về ‘‘lồng của tôi’’? Ừ mà lạ quá, sao tôi đã gọi đó là ‘‘lồng’’, cái ái tình niềm nở, dễ dãi, ngoan ngoãn của tôi.

Nếu ái tình của tôi thật có giam cầm nàng nữa, thì cũng là giam cầm một cách khả ái. Tôi biết trời sinh nàng ra là để sống ở quãng trời xa rộng, nhưng ở bên cạnh tôi, nàng có mất cái gì đâu? Nàng muốn gì được vậy. Tôi đã để cho nàng may sắm cực kỳ xa hoa, tôi đã để cho nàng hút thuốc phiện, hít cocaïne, tôi đã để cho nàng đánh bạc và vất tiền ra không đếm. Còn có điều gì nữa mà tôi không chiều nàng?

Nhưng cũng có một đôi điều tôi phải cấm ngặt, chẳng hạn như... Không, tôi không thể để nàng san sẻ tình yêu của nàng, cho một người khác, một người thứ hai, một người thứ ba... Không, một người đàn bà không chung tình là một người đàn bà rất nguy hiểm. Tôi có thể cho người đàn bà mọi quyền hành mà tôi đã cho một người đàn ông, nhưng đến cái ấy, thì không thể nào, không đời nào được! Một người đàn ông  ‘‘ngoại  tình’’, không phải là vô tội, nhưng có thể không sao: hạnh phúc gia đình có thể không bị tổn thương chỉ là sự cuồng dại trong chốc lát mà thôi, rồi có thể ngoan ngoãn trở về khuôn phép. Nhưng đến như một người đàn bà một khi theo trai là trở nên rất ghê gớm: người ấy có tư cách bỏ nhà trốn đi, có tư cách làm hại chồng, cầm dao mà đâm chồng, đâm vào trái tim yêu dấu mà mình đã tầng nâng niu.

Không phải vì tôi là một người hay ghen bóng ghen gió mà tôi đã nghi ngờ vợ tôi. Cái lòng lang chạ của vợ tôi, sau này để chứng thực. Mà trong sự phụ tình ấy, tôi cũng chịu một phần trách nhiệm, nếu không phải là tất cả.

Làm sao, tôi đã có thể nói tới nàng một cách tàn nhẫn thế, nhất là khi động đến cha nàng một cách hèn nhát thế, thì tôi cho là một điều không thể nào dung thứ được. Nhiều khi tôi hối hận quá chừng, nhưng mà cơn ghen tuông cũng làm tan ngay sự hối hận. Cơn ghen tuông ấy một ngày một ghê gớm. Lúc mở mắt ra không thấy nàng về, tôi lại nhủ lòng:

‘‘Bây giờ có lẽ nàng còn ở trên gối thằng Tư Đồng? hay thằng Hai Bích?’’

Rồi lòng tôi như thắt lại, và tôi khóc như một đứa trẻ con. Khóc như thế, tôi lấy làm hả lắm!

Nhưng mà nàng vẫn không về.

Con chim yêu quý của tôi có lẽ không bao giờ về nữa!

Tôi giận xưa kia sao tôi không chặt phứt đôi cánh của nó đi?

 

KHÔNG THẤY công chúa về, tôi vừa giận vừa thương nàng. Đã mấy bận tôi định đến nhà ông Hội đồng Thới để dò hỏi tin tức nàng, nhưng lòng tự ái của tôi không cho phép tôi làm việc đó. Mà ở lại một mình trong cái nhà quá rộng đó, chẳng hạn tôi thấy lạnh lùng, trống trải vô cùng. Thế rồi, một hôm, tôi bỏ nhà đi, ngoài cửa tôi có cho dán mấy chữ:

Công chúa Như nguyện và ông Liên Hing không tiếp khách trong một tháng.

Tôi tưởng tôi có thể đi xa Sài Gòn, tới một bãi bể hiu quạnh, hay tới một góc rừng xa vắng, để thầm nuốt cái sầu muộn của tôi. Nhưng tôi thấy như có một sợi dây thiêng liêng buộc tôi lại với Sàigòn, một sợi dây vô hình.

Tôi lên thuê một cái buồng con ở khách sạn V. N. Tôi không nhớ rõ, nhưng có thể là cái buồng mà chúng tôi ở ngày trước. Cái không khí khách sạn có lẽ trong lúc này, thích hợp với tâm hồn tôi hơn ngày trước. Những cảnh đời tạm bợ, giả dối xung quanh tôi sẽ làm cho tôi phải lưu ý mà không tha thiết với một vật gì. Và tâm hồn sẽ có cái cảm giác là như chập chờn ở giữa những váng nhện khả ái mắc vướng mà không biết mình mắc vướng, giam hãm mà không thấy mình giam hãm. Tôi phải nhận rằng tôi đến chốn ấy để tìm những cuộc tình duyên trong giây lát, vay ở đâu thì lại trả ở đấy’’, tôi không có cái kiêu ngạo hay hèn nhát cố tìm trong phóng đãng, trong truy lạc ấy, một sự phục thù đối với tình yêu. Tôi chỉ muốn tới đấy để cho dễ quên mình, dễ quên tất cả những cái đã làm cho tôi đau khổ. Nhưng ở đời nếu mà quên được dễ dàng như thế, thì làm gì có người đau khổ? Những sự đau khổ tàn nhẫn vô cùng, vẫn còn theo đuổi ta để mà trêu cợt ta hoài.

Một hôm, buồn quá, tôi ra đứng tựa bao lơn nhìn cái đám người qua lại dưới đường, nhìn những nét mặt của từng người, mà đoán mối âu lo của họ. Cái trò chơi rất chua chát ấy, là cái trò chơi rất yêu thích của tôi, những lúc nhàn rỗi.

Tôi đương mê man ở trong cái trò chơi ấy, thì một tiếng ‘‘ập’’ từ dưới đường vang động lên: một chiếc V8 đỗ ngay ở trước cửa nhà khách sạn, và từ trên xe, bước xuống một người Âu, vào khoảng hơn năm mươi tuổi, nhanh nhẹn, linh hoạt. Tôi đương chờ xem người vợ của ông ta, mà có lẽ là một người đầm trẻ, đẹp, lộng-lẫy. Nhưng không, người theo sau là một người đàn  bà An-nam, là... vâng, chính là người hiện đương  để lại trong tâm hồn tôi một mối đau khổ không cùng.

Công chúa, ăn mặc theo kiểu Sài Gòn, và thật là kiều diễm. Bấy giờ hai mắt tôi hoa lên và tâm hồn tôi như thác loạn. Nhưng tôi cũng biết hai người cặp nhau vào khách sạn. Bấy giờ đã 11 giờ tối.

Nằm ở giường một lúc, sau khi đã lấy lại được sự trấn tỉnh, tôi gọi bồi lên hỏi:

- Trước đây độ nửa giờ; anh có thấy một người Tây, dẫn một người đàn bà An-nam vào khách sạn không?

- Dạ, tôi có thấy. Có phải người đàn bà ấy sang lắm phải hôn?

- Thế người ta ở lại hay đi rồi?

- Người ta ở buồng số 10.

Số 10, thế nghĩa là khít bên buồng tôi đương ở. Tôi tái mặt đi, và nói có vẻ run run:

- Buồng số 10? Mày có chắc thế không?

- Ồ, sao lại không chắc? Chính tôi dẫn hai ông bà ấy lên.

- Mày có biết ông ấy làm gì không?

- Làm đồn điền nhưng mà về Saigon luôn, mỗi lần về là ‘‘chơi dẫu’’ lên. Hắn giàu ghê gớm lắm.

Tôi không hỏi gì nữa, cho người bồi ra. Tôi thấy đau đớn vô cùng, ngả lưng xuống giường, định ngủ cho đừng phải nghĩ đến những điều đó nữa, nhưng tôi cảm thấy rằng tôi không thể nào ở trong lúc này, tại chỗ này, chỉ cách nàng có một bức tường mà thôi, mà không thể nghĩ đến nàng, nghĩ đến những điều ô uế mà nàng đương nhúng mình vào. Thế rồi tôi đứng dậy, và định trả buồng, từ giã khách sạn Nhưng khi tôi đi qua buồng số 10, hai chân tôi như không nhắc đi được nữa: tôi không thể nào bỏ qua cái tội ác của người vợ tôi ; mà đứng lại để chứng kiến tội ác, thì chẳng hạn, tôi cũng không có can đảm.

Trong đầu óc tôi, như có một sự phân tranh, ghê gớm giữa hai ý nghĩ ấy: về hay ở? Cuối cùng sự ghen tuông đã xâm chiếm cả lòng tôi và như một kẻ hiếu kỳ khốn nạn, tôi ghé mắt vào cái lỗ khóa ở cửa buồng số 10. Tâm hồn tôi lúc đầu như rối loạn lên, và trái tim tôi đánh mạnh quá tôi không thấy gì cả. Nhưng bỗng có một tiếng cười khoái trá ở một xó buồng bắn ra. Tôi nhìn thẳng vào chỗ ấy. Một cảnh tượng làm cho tôi ghê rợn vô cùng: tôi thấy vợ tôi, phải, vợ tôi trần truồng như một con rộng, và nằm vào lòng người Âu khốn nạn kia, và người này đương ngồi ở trên một ghế dài, và cũng trần truồng. Tôi thấy rõ ràng hắn cúi đầu xuống, nhe hai hàm răng trắng rất ghê sợ của hắn, và vẫn nhe răng như thế cho đến khi đụng phải một đầu vú của công chúa. Trong lúc ấy, tôi nghe có một tiếng cười điên cuồng và ác giỡn như quỷ sứ. Tuy hai chân tôi còn đứng vững, mà tâm hồn tôi như chập chờn ở trong một giấc chiêm bao. Tôi cố nhìn, nhìn nữa, nhưng mà tôi không còn thấy gì, tôi không biết người ấy còn làm gì công chúa nữa. Hình như có một mũi dao đâm thẳng vào lòng tôi. Tôi không còn đứng thẳng lên được. Tôi gọi bồi và bảo:

- Anh mang đồ tôi xuống, Và tôi muốn đi ngay.

Người bồi nhìn thẳng vào mặt tôi và nói lại:

- Ông làm sao thế? Ông muốn vào nhà thương?

Tôi quay lưng và nói như một người trong mộng:

- Không, tôi từ nhà thương ra.

Người bồi không hiểu gì, chạy vào buồng tôi, mang cái valise chạy theo tôi. Tôi nghe có tiếng công chúa nói với người tình nhân của hắn:

- Hình như có chuyện gì xảy ra trước cửa buồng chúng ta.

Tôi nghe vậy và có ý đợi, nhưng khi tôi đã đi xuống khỏi thang gác, vẫn không nghe tiếng cửa buồng mở. Bấy giờ đã một giờ khuya.

NGÀY HÔM ấy, tôi thuê xe đi lang thang khắp Saigon, và cố ý muốn đi lần vào trong bóng tối, vào những ngõ hẻm. Nhưng người phu xe đã kéo tôi ra gần khỏi Sài Gòn rồi mà không biết, và tôi đã ở trên con đường về xóm Bình thới. Bấy giờ trăng sắp lặn, gió đông đã bắt đầu lên: có lẽ giờ bình minh sắp tới.

Bỗng có tiếng chuông ở sau lưng chúng tôi: một cái xe ngựa đã tiến gần xe tôi. Tôi bảo xe ngừng lại, và nói với người đánh xe ngựa:

- Ông cho tôi đi nhờ một đoạn đường với. Tôi có việc gấp lắm, ông làm ơn giúp lôi.

Tôi nói thế, vì tôi liếc thấy trên cái xe ngựa đẹp đẽ ấy có một người đàn bà. Một người đàn bà to béo nhưng mà lanh lẹ, vẻ mặt rất đầm  thắm giống hệt như nhà tôi.

Liên Hing dừng lại và mỉm cười. Chúng tôi hiểu ý cũng cười theo:

- Hay là bà ấy?

- Phải, chính là nhà tôi bây giờ. Bà ấy là vợ một người Pháp đã quá cố, và sáng nào trước khi mặt trời mọc, bà cũng đánh xe tới Bình thới để xem cái đồn điền chè của bà, là tất cả gia tài mà chồng bà đã để lại cho bà.

Bà nhận lời tôi một cách vui vẻ.

Và cuộc tình duyên của chúng tôi bắt đầu trước cái giờ bình minh ấy.

MỘT HÔM, từ đồn điền nhà tôi, chúng tôi cũng đánh xe về Sài Gòn, tôi muốn dẫn nhà tôi đến xem cái lầu nguy nga, nơi ngày trước mà tôi ở cùng công chúa.

Ngoài cửa, tôi vẫn còn thấy mấy chữ nhỏ: ‘‘Công chúa Như Nguyện và ông Liên Hing không tiếp khách trong một tháng’’.

Tôi đưa tay hất mạnh cái mảnh giấy nhỏ ấy xuống đất, và chúng tôi cùng bước lên thềm.

Tôi thấy có một cảm giác lạnh lùng ghê gớm, tưởng như nhà tôi sắp vào, không phải là nhà ở, mà là một cái chùa vắng. Tôi không muốn gọi người bồi coi việc canh giữ nhà ấy, tự khẽ mở cánh cửa, và đi thẳng vào buồng khách.

Tôi đi tầng bước, rón rén và thành kính, không dám đạp mạnh ở trên nền gạch. Vì buồng tối quá, tôi không nhận thấy gì. Tôi đi lại mở hé cánh cửa ra chỉ để rọi vào một tia sáng rụt rè. Tôi bắt đầu thấy vững tâm và can đảm. Mọi vật trong gian nhà vẫn còn nguyên. Tôi chỉ tầng cái một giới thiệu với nhà tôi, như là giới thiệu một người bạn thân vậy.

Nhưng khi tôi qua buồng ngủ, tôi cảm thấy ngay có một sự gì đã thay đổi, hình như sự trật tự của các vật đã xáo trộn.

Tôi hơi lo ngại và hết sức ngạc nhiên. Tôi vừa thấy ở trên giường, và dưới nền nhà một ít cánh hoa bạch cúc.

Hoa ấy bình sinh là một thứ hoa mà tôi ưa thích nhất. Nhưng ở trên thế gian này chỉ có hai người là biết được sự ưa thích ấy của tôi mà thôi là má tôi và công chúa Như Nguyện. Tôi không biết má tôi hay công chúa đã đến đây để tìm tôi và tặng tôi thứ hoa này.

Tôi đương nghĩ ngợi, thì một vật gì trăng trắng hiện ra trước mặt: một phong bì, không, chỉ là một mảnh giấy con đã vò nát và có những chấm ố vàng, có lẽ là dấu vết của những giọt nước mắt. Trên mảnh giấy ấy viết bằng bút chì bốn câu thơ này:

Thương với không thương nói lúc đầu,

Mần chi như thể phỉnh phờ nhau!

Ba sinh âu hẳn duyên là nợ,

Dính líu chừng ni, đủ thảm sầu.

Thơ không ký tên ai cả, nhưng  cái giọng Huế dịu dàng dễ thương ấy chỉ có thể là cái giọng thơ của nàng công chúa mà thôi. Té ra nàng đã trở về khóc ở đây. Nhưng muộn quá rồi!

Tôi vội nhét bài thơ vào túi, và chạy lại nói với vợ tôi lúc bấy giờ đương mãi xem một bức tranh cổ, vẽ một người lính hầu đẩy một cái xe, trên ngồi một vị đại thần:

- Tranh đẹp quá mình hỉ? Nhưng mà bao nhiêu đồ quý, theo ý tôi, rồi sẽ mang cả về Faifoo. Tôi muốn về thăm má, và chúng ta sẽ ở lại đấy suốt đời hầu hạ má...

- Còn nhà này?

- Nhà này, ai mua thì ta bán.

Tôi nói câu này với một giọng buồn thảm nhưng bấy giờ có lẽ nhà tôi không hiểu.

Nàng vui vẻ gật đầu, vui vẻ bảo tôi:

- Phải đấy, mình! Chúng ta sẽ về Faifoo cho gần má.

 

Cùng tác giả:

NGƯỜI SƠN NHÂN - Truyện ngắn Lưu Trọng Lư

Bài liên quan
  • KÝ SỰ CAO LẠNG - NGUYỄN HUY TƯỞNG

    KÝ SỰ CAO LẠNG - NGUYỄN HUY TƯỞNG

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ký sự Cao Lạng của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng được ghi nhận là một trong những tác phẩm dài hơi đầu tiên của nền văn học kháng chiến chống thực dân xâm lược Pháp, đại diện xuất sắc cho thể loại ký sự trong văn học sử Việt Nam thời hiện đại. Tác phẩm như một thiên sử thi, ghi lại những diễn biến lần đầu tiên Quân Đội Nhân Dân Việt Nam tiến công quân xâm lược Pháp, do đích thân Hồ Chủ Tịch ra trận chỉ đạo, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đảm nhận trọng trách chỉ huy trưởng chiến dịch. Ký Sự Cao Lạng cùng với một số tác phẩm khác của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh (giải thưởng diễn ra 5 năm một lần) trong lần đầu tiên giải thưởng này được tổ chức năm 1996.
  • MÙA GỤ - Truyện thiếu nhi Trần Tâm

    MÙA GỤ - Truyện thiếu nhi Trần Tâm

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mùa Gụ là truyện ngắn trong tập Ngày mai sẽ nắng của nhà văn Trần Tâm, Nxb Kim Đồng in năm 2002.
  • ĐI COI NƯỚC -Truyện ngắn Nguyễn Trọng Nghĩa

    ĐI COI NƯỚC -Truyện ngắn Nguyễn Trọng Nghĩa

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chuyện của nhà văn gốc Cà Mau, về miền sông nước...
  • CHUYẾN XE CUỐI NĂM - Truyện ngắn Thanh Tịnh

    CHUYẾN XE CUỐI NĂM - Truyện ngắn Thanh Tịnh

    Chuyến xe lửa đêm ra Bắc hôm nay có vẻ hấp tấp vội vàng như người đi trốn nợ. Thỉnh thoảng đầu xe lại thét vội giữa quãng đồng không, xa xa. Nghe như hơi thở của đêm vắng.
  • LÀN GIÓ CHẢY QUA – Truyện ngắn Lê Minh Khuê

    LÀN GIÓ CHẢY QUA – Truyện ngắn Lê Minh Khuê

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Làn gió chảy qua là truyện ngắn trong tập truyện cùng tên được trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2016.
  • THÁNG BẢY – Truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh

    THÁNG BẢY – Truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Tháng Bảy là truyện không ngắn như những truyện ngắn khác mà nhà văn Phan Thị Vàng Anh thường viết, nó dài hơn hẳn. Truyện được viết khi tác giả tham dự chương trình viết văn của Đại học Iowa, Mỹ, đăng trên TTCT năm 1996.
  • HỌC TRÒ GIÀ – Truyện ngắn Trần Kim Trắc

    HỌC TRÒ GIÀ – Truyện ngắn Trần Kim Trắc

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhà văn quê gốc Chợ Gạo Trần Kim Trắc, còn được biết đến với tên gọi Ông Thiềm Thừ, theo tên một truyện ngắn xuất sắc của ông, là một trong những cây đại thụ của văn chương Nam Bộ. Truyện nào của ông, cũng như gieo những cơn mưa Nam Bộ, thấm đẫm từng trải và bạt ngàn vốn sống lên văn đàn.
  • ĐẢO CỦA DÂN NGỤ CƯ – Truyện ngắn Đỗ Phước Tiến

    ĐẢO CỦA DÂN NGỤ CƯ – Truyện ngắn Đỗ Phước Tiến

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Truyện ngắn Đảo của dân ngụ cư của nhà văn Đỗ Phước Tiến in trên báo Văn học và Dư luận năm 1992, ngay lập tức đã gây chú ý  tới đông đảo độc giả yêu mến văn chương. Năm 1994, Đảo của dân ngụ cư đã được dịch sang tiếng Pháp với tựa Terre des éphémères và được lấy làm tên cho một tập truyện xuất bản ở Paris. Truyện cũng được dịch sang tiếng Anh với tựa The Way Station trong tuyển tập Night, Again xuất bản tại New York năm 1996. Đến năm 2016, tại Việt Nam, nó được chuyển thể thành phim điện ảnh cùng tên do Hồng Ánh đạo diễn.
  • THẾ GIAN MỘT THẺO NHÂN TÌNH – Truyện ngắn Nguyễn Trọng  Nghĩa

    THẾ GIAN MỘT THẺO NHÂN TÌNH – Truyện ngắn Nguyễn Trọng  Nghĩa

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Truyện ngắn THẾ GIAN MỘT THẺO NHÂN TÌNH của Nhà văn Cà Mau Nguyễn Trọng Nghĩa in lần đầu trên báo Tuổi trẻ chủ nhật sau đó in trong tuyển tập Truyện ngắn hay Tuổi Trẻ Chủ Nhật, nhà xuất bản Trẻ 2005.
  • ĐIỆU MAMBO HƯ ẢO – Truyện ngắn Nguyễn Đình Tú

    ĐIỆU MAMBO HƯ ẢO – Truyện ngắn Nguyễn Đình Tú

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhà văn Nguyễn Đình Tú đến với văn chương từ cuộc thi Tác Phẩm Tuổi Xanh của Báo Tiền Phong năm 1995, với giải thưởng cho truyện ngắn Niềm vui của một dòng họ. Nhưng phải tới khi đạt giải nhì cuộc thi văn chương của Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1999, anh mới chính thức rẽ vào làng văn và trở thành một trong những nhà văn thế hệ 197x viết nhiều và đa dạng thể loại thành công nhất hiện nay.