Học sinh Trường tiểu học Phú Thọ xem hình ảnh tài liệu về lịch sử - địa lý ở góc "Tự hào trang sử Việt" - Ảnh: MỸ DUNG
Trong buổi báo cáo chuyên đề Dạy học lịch sử trong bối cảnh đổi mới căn bản toàn diện giáo dục thuộc khuôn khổ của đại hội, ông Ngô Minh Oanh nhấn mạnh vai trò quan trọng của khoa học lịch sử trong giáo dục và trong bối cảnh thực tiễn của xã hội.
Và ông cũng chỉ ra những khó khăn trong vấn đề biên soạn sách giáo khoa lịch sử và giảng dạy môn học này ở thời điểm hiện tại.
Theo chương trình đổi mới 2022, môn lịch sử trở thành môn bắt buộc. Ban chủ tọa và các đại biểu đều thống nhất rằng lịch sử là một môn học cực kỳ quan trọng.
GS.TS Võ Văn Sen - chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TP.HCM - nói: "Khoa học lịch sử là một khoa học rất đặc biệt. Ngay cả ở phương Tây hay Đông Nam Á, những cá nhân nắm vững lịch sử thường đạt được thành tựu lớn.
Chủ tịch Hồ Chí Minh được biết đến là một nhà sử học tài năng. Các tác phẩm lịch sử của Người có số lượng ít nhưng giá trị để lại cho đời sau rất lớn".
Tuy nhiên, khi trở thành môn bắt buộc thì môn lịch sử rút xuống còn 52 tiết trong khi môn địa lý, giáo dục công dân có số tiết là 70.
Ông Ngô Minh Oanh cho rằng: "Nếu có như vậy cũng không sao, trước mắt, môn sử trở thành môn học bắt buộc là mừng lắm rồi!".
Ông Võ Văn Sen bày tỏ việc giảng dạy và học sử ở các trường học còn rất nhiều hạn chế. Nếu ai có con cái ở trình độ cấp 3, đại học và đã trải qua việc luyện thi thì đều thấy đa số các em có kiến thức lịch sử còn rất yếu.
"Tôi cho rằng việc kém hiểu biết về lịch sử của người trẻ từ phổ thông lên đại học hiện nay là một vấn đề rất lớn. Từ chỗ kém hiểu biết về lịch sử, xem thường lịch sử sẽ dẫn đến những tai họa cực kỳ to lớn cho đất nước…" - ông Sen nhận định.
Đại hội đã có nhiều tranh luận, ý kiến xoay quanh việc biên soạn sách giáo khoa lịch sử.
Hiện nay, sách giáo khoa lịch sử đổi mới tại các trường cấp 3 chỉ là một tài liệu học tập.
Ông Ngô Minh Oanh ví von: "Chương trình lịch sử như một ngôi nhà đã được thiết kế với các kèo, cột với kết cấu, diện tích theo chuẩn mực. Xây ngôi nhà như thế nào để đạt được hiệu quả cao còn phụ thuộc vào người xây".
Trong bối cảnh đổi mới giáo dục, giáo viên lịch sử có thể tự xây dựng chương trình giảng dạy của riêng mình mà không cần quá phụ thuộc vào sách giáo khoa. Miễn sao có thể giúp học sinh tiếp thu đầy đủ kiến thức căn bản và có sự chủ động tìm hiểu về môn sử.
Ông Oanh nêu ý kiến: "Để làm được điều này thì người giáo viên cần phải trang bị cho mình năng lực tự xây dựng, phát triển chương trình và có am hiểu thực sự về năng lực của học sinh, mục tiêu đầu ra, kết cấu chương trình học".
Việc biên soạn sách giáo khoa lịch sử cũng phải rất kỹ lưỡng. Nếu sai thì hội đồng thẩm định phải chịu trách nhiệm.
Trong lúc soạn thảo sách, một số nhà nghiên cứu cũng có nhiều tranh cãi về một số kiến thức lịch sử liên quan đến chủ quyền của các vịnh, đảo Hoàng Sa, Trường Sa trước 1975 và các vấn đề ngoại giao.
Ông Oanh cho rằng hội đồng thẩm định phải xin ý kiến của Bộ Ngoại giao để biên soạn sách sao cho phù hợp nhất.
Theo tuoitre.vn
Thư, bài vở cộng tác vui lòng gửi tới Email:
Vui lòng ghi rõ nguồn khi copy nội dung từ website này.
© Copyright: chandungkesi.com