chan_dung-ke_si

MỘT QUÃNG ĐỜI VÀ CẢ CUỘC ĐỜI - Truyện ngắn Phạm Duy Tương     

03-04-2023

Lượt xem 3160

Đánh giá 2 lượt đánh giá

Chia sẻ

  phạm duy tương

MỘT QUÃNG ĐỜI VÀ CẢ CUỘC ĐỜI - Truyện ngắn Phạm Duy Tương     

 

Phạm Duy Tương             

Thế là xong! Ký xoẹt một cái, tôi quẳng chiếc bút xuống mặt bàn. Ðứng dậy, nhìn bản như nhìn một công trình khó nhọc, bám riết lấy tôi, hút máu thịt tôi, nay đã được hoàn thành, đã ra khỏi cơ thể của mình. Nó không thuộc về tôi nữa. Cũng như người đàn bà nhỏ bé đang run rẩy như chiếc bút tôi vừa bỏ xuống, bây giờ đã trở thành người dưng nước lã. Tôi hơi buồn cười với ý nghĩ chua chát nảy lên trong đầu: cô nàng xanh xao kia mới đây là của tôi đấy nhỉ?

Bà thẩm phán dán mắt vào bàn tay lóng ngóng của cô ta, mãi không cầm được cây bút cho vừa ý, chợt dịu giọng hỏi:

- Cô có điều gì băn khoăn nữa không?

- Dạ... không ạ - Cô ta khẽ lắc đầu.

- Cô hoàn toàn đồng ý cho đứa con về sống với ba nó chứ?

- Dạ... - Cô ta thoáng giật mình, khuôn mặt gầy gò biến sắc, tái mét và run bắn lên. Ngòi bút vừa chạm tờ giấy vội rụt lại.

Bà thẩm phán đặt tay lên một góc tờ giấy. Bà ta làm gì thế nhỉ? Tôi nhăn mặt, sốt ruột. Hai ngày qua, chúng tôi đã trả lời cả một loạt câu hỏi rồi. Chúng tôi  không thể sống với nhau bởi giữa chúng tôi không còn tình yêu. Cô ta đã phản bội tôi. Hai năm qua tôi ở chiến trường, cô ta đã to bụng với một tay lái máy cày nào đó. Tôi cũng chưa biết mặt. Cái thai đã bị sẩy, lạy trời! Trước khi lấy nhau chúng tôi đã giao ước với nhau về trường hợp này. Tôi không còn muốn nhìn thấy cô ta, nghe thấy cô ta, thậm chí cảm thấy cô ta ở bên cạnh. Vậy sống với nhau thế nào được! Nghe nói cái anh lái máy cày kia, đến làng tôi làm và xin nghỉ trong một gian xép của nhà trường, nơi vợ tôi dạy học và vợ tôi đã chung chạ với anh ta...

Tôi với anh trai cô ta ở chung một đơn vị gắn bó với nhau mười mấy năm trời và chính anh đã giới thiệu em gái cho tôi. Hôm tôi về phép nhằm bữa đơn vị báo động luyện tập phương án chiến đấu, anh kéo tôi ra một đoạn vắng, dựa súng vào vách hào nói chuyện. Trước sự việc tệ hại, anh và tôi đều cảm thấy khó xử. Dù biết không hề có lỗi, thâm tâm chúng tôi vẫn trách móc lẫn nhau.

Anh nhấc hai khẩu súng dằn mạnh sang bên, khẽ chạm vào tay tôi, nói:

- Tôi biết chú sẽ giải quyết như thế nào rồi. Tôi hoàn toàn đồng ý.

- Mong anh hiểu cho - Tôi nặng nề nói, tôi có tính xấu là cố chấp. Bởi cố chấp nên đã muộn vợ và có lẽ suốt đời phải chịu cô đơn.

- Cố chấp chưa hẳn là xấu - Anh tiếp lời ngay, người lính không thể cúi đầu chịu đựng tất cả mọi thứ rác rưởi của xã hội. Tiền tuyến không phải là cái bãi phế thải của hậu phương - Giọng anh gay gắt bất ngờ rồi dường như nhớ đang đứng ở đâu, nét mặt giãn ra cởi mở - Dù thế nào cũng đến thăm mẹ tôi chốc lát nhé.

Ðến lượt tôi cảm thấy bối rối. Anh vừa vượt qua cương vị người anh vợ thẳng thắn trở về người đồng đội. Tôi xúc động hứa với anh là sẽ tới.

Ðêm tháng năm, chẳng mấy chốc đã sang canh, bà con anh em vê từ lâu tôi vẫn ngồi bên bàn. Sờ ấm nước thấy hết, tôi bấm đèn pin xuống bếp, bắt gặp cô ta ngồi thu lu trong ngách nhà. Cô ta nhìn tôi rất nhanh,  hoảng hốt co chân về tránh đường cho tôi và cúi gằm mặt giấu vào hai đầu gối. Múc xong bát nước, tôi đã toan bước đi nhưng nghĩ sao lại dừng lại. Cô ta ngửng lên lí nhí hỏi:

- Anh sẽ bỏ em phải không?

Câu hỏi thật thẳng thừng và nếu không thẳng thừng như thế chắc tôi sẽ không trả lời.

- Chính Lệ cũng biết cần phải như thế nào rồi đấy!

- Anh ngồi xuống đây - Cô ta cất giọng nhẹ nhàng. Trong ánh đèn sáng rực, tôi thấy cô ta gầy đi rất nhiều. Khuôn mặt dịu dàng, đằm thắm giờ đọng đầy vẻ thảng thốt, dằn vặt. Tôi cảm thấy ghê tởm nhưng vẫn ngồi xuống với tay tắt đèn.

Cô ta trao cho tôi chiếc ghế con. Tôi chạm phải một bàn tay giá lạnh và tiếng nói trong hơi thở hổn hển. - Em muốn xin anh đừng bỏ em.

Tôi nhăn mặt phản đối nhưng nhận ra bóng đêm đang trùm kín, bèn giương mắt nhìn thẳng ra phía trước với thâm ý tò mò độc ác.

Khuôn mặt nhờ nhờ trắng đang dịch lại gần tôi, một bàn tay mềm nhũn chạm vào đầu gối. Tôi hất ngay xuống, hình như có một tiếng kêu cố nén lại:

- Anh cứ khinh bỉ em, nhưng xin anh nghĩ coi, suốt bốn năm lấy nhau anh ỏ với em được mấy ngày - Cô ta đã lùi ra xa, không còn nhìn thấy cái vệt trắng nhờ nhờ trước mặt, chỉ nghe tiếng nói thảng thốt như hơi thở hấp hối của bóng đêm sâu thẳm. Tiếng rên rỉ ngắt quãng nhưng vẫn khá mượt mà - Em biết anh rất kiên quyết, khó lòng lay chuyển nhưng vẫn cầu xin theo sự thôi thúc của trái tim. Nếu anh không chấp thuận lời cầu xin của em thì cũng mong anh hiểu cho dù hư hỏng, dù đáng tội nhưng trái tim em luôn luôn hướng về anh. Cả khi, cả khi... thể xác em phản bội anh - Cô ta nói nhanh và bỗng bật khóc. Tiếng khóc cố nén nghe tức tưởi - Em khổ sở nhục nhã lắm anh ơi. Lúc em không giữ gìn được là lúc em không thể nào giữ được, cho nên em nhận thức đầy đủ sự nhục nhã ê chề của nó. Mà anh, sao anh chẳng đoái hoài giúp đỡ em một chút gọi là... - Tiếng khóc làm cho lời nói trở thành rên rỉ nghẹn lại.

Tôi bắc chân lên ghế:

- Ở chiến trường tôi cũng chỉ biết ôm lấy khẩu súng mà nhớ tới cô, xây đắp hạnh phúc bằng tưởng tượng.

- Em biết - Sợi dây đàn ngỡ đã đứt rồi lại rung lên não nề - Anh là đàn ông, anh có biết bao nhiêu chuyện vui để khuây khỏa. Anh còn có đông đúc bạn bè, được ngẩng đầu lên kiêu hãnh. Còn em, thui thủi như một cái bóng. Hàng ngày đâu có dám nhìn ai. Ði trên đường gặp ánh mắt bất ngờ đều phải cúi xuống, lẩn tránh cả ánh mắt của người thân. Xây đắp hạnh phúc bằng niềm hy vọng chờ đợi mỏng manh đôi lúc tưởng như hão huyền. Và đứa con...

Tôi thở hắt ra, lạnh lùng cắt ngang:

- Ðứa con là của tôi, không còn của cô.

Hai bàn tay gầy giá lạnh chộp lấy đầy gối của tôi, run lên bần bật. Tôi hất mạnh đầu gối, đứng dậy. Tôi ngửa cổ uống một hơi cạn sạch bát nước còn nguyên trên tay và thô bạo hắt chút cặn cuối cùng vào bóng đêm ngoài cửa.

- Cô cứ vào giường mà ngủ. Ðứa con của tôi để nó ngủ với bà - Tôi nói vọng lại khoảng tối đen, trống rỗng sau lưng, kiên quyết bước tới bên bàn.

Một lúc mẹ tôi bế đứa cháu ra rồi ngồi đối diện với tôi, chếch bên tay trái. Im lặng hồi lâu, mẹ rụt rè nhìn tôi, hỏi:

- Con định thế nào?

Tôi cúi xuống bối rối không tìm được câu trả lời. Mẹ nhấc bàn tay rơi thõng của đứa cháu xếp vào lòng.

- Chuyện của con tùy con - Giọng mẹ buồn rầu nhưng rất bình tĩnh, riết róng của một  cuộc đời nhiều vất vả, khổ đau: Chồng mất sớm, một mình nuôi dạy ba đứa con. Họ hàng anh em thì cũng người nói thế này, người nói thế khác. Riêng mẹ không chấp nhận thứ gái lăng loàn.

Tôi ngước lên, lén nhìn khuôn mặt khô héo nhưng cương nghị của mẹ. Ðôi mắt mẹ đang nhìn vào cõi tâm tưởng  thăm thẳm trong cuộc đời đầy khúc khuỷu của mình. Khi mẹ dùng hai tiếng lăng loàn đúng như ý nghĩ của tôi lúc nãy, lòng tôi dâng lên một niềm vui chua xót.

- Vợ của con lăng chứ không loàn.

Như thể đọc được ý nghĩ của tôi, mẹ cắt ngang - Nó ăn ở biết điều. bà con xóm giềng có công việc gì đều chạy đi chạy về, chân tay nhanh nhẹn, nói năng dễ nghe, ai cũng quý - Mẹ quay lại nhổ nước trầu vào chân phên - Dạo đầu năm, mẹ ốm phải nằm bệnh viện hơn tháng, nhờ tay nó cơm nước, thuốc men mới khỏi đấy chứ. Nhiều đêm thức trắng ngồi quạt cho mẹ. Không có nó mẹ khó lòng qua khỏi...

Lờ mờ đoán ra mục đích của mẹ, tôi vội chen ngang.

- Cô ta si mê máy cày thì phải để cô ta đi theo máy cày mẹ ạ.

- Nói dại! Nó si mê nhưng đâu có ham muốn gì thằng đó?

- Mẹ mà lại nói như thế - Tôi vùng vằng xoay người chống tay lên bàn. Cảm thấy nặng nề trước ánh mắt đau đớn, bất lực của mẹ, lòng căm giận trong tôi bùng lên - Con còn phải đi xa, hạnh phúc không thể bảo đảm với một người vợ như thế.

Mẹ trở tay ủ đứa cháu đang ngủ say. Giọng vẫn bình tĩnh thủ thỉ:

- Con phải nghĩ đến em con nữa chứ. Anh mà bỏ vợ thì con gái trong làng đứa nào dám lấy em của con.

- Không phải. Con phải ly dị với cô ta thì hàng xóm mới hiểu và tôn trọng anh em chúng con.

- Tùy con - Mẹ thở dài.

Tôi cố mỉm cười;

- Con sẽ kiếm cho mẹ một đứa con dâu hiền thảo, nết na hơn hẳn cô ta. Ðất mình có thiếu gì người tốt hở mẹ?

Mẹ tôi lại thở dài.

Ðêm ấy, tôi không ngủ. Sáng sớm, tôi đến thăm mẹ cô ta, lòng trĩu nặng u buồn, ngượng ngùng như kẻ có lỗi. Mới hai năm mà bà cụ già yếu rất nhiều. Ði đã phải chống gậy. Lập cập cố bước nhanh, bà nắm chặt lấy cánh tay tôi và cứ đứng im giữa sân, mãi không nói được một lời nào. Rồi như chợt  tỉnh, bà cuống quít hỏi thăm sức khỏe của tôi, của con trai, chuyện đi đường. Tôi cũng vội vã trả lời, còn kể lể hơn những gì bà cụ hỏi. Thỉnh thoảng còn cố cười lên, cố tình quên đi một người con gái ở giữa chúng tôi. Nhưng càng nói cười, lòng tôi càng tan nát và thấy rõ bà cụ còn đau đớn hơn. Cuối cùng không chịu nổi tôi đứng dậy xin phép ra về. Bấy giờ bà cụ chợt òa lên khóc nức nở!

- Mẹ có lỗi với anh - Bà cụ mếu máo - Anh tha lỗi cho mẹ.

Tim tôi run lên. Trong một thoáng, tôi đã định nắm lấy bàn tay nhăn nheo đang tựa trên đầu gậy mà nói: "Ðừng gọi con bằng anh, con vẫn là con của mẹ" nhưng cổ họng tôi ứ nghẹn.

- Trưa nay anh ở đây ăn cơm với mẹ nhé - Bà cụ run run hỏi.

- Xin mẹ để hôm khác - Nói rồi tôi quả quyết bước nhanh ra cửa.

Từ hôm tôi về, những bữa ăn ở gia đình tôi rất nặng nề. Hoặc ăn trước, hoặc đi chơi cho quá bữa, tôi không chịu ngồi ăn chung mâm cơm với cô ta. Nếu ăn trước, tôi thấy mẹ để dành cơm cho cô ta trong một chiếc liễn sứ khá đẹp, thức ăn có phần tươi. Tôi không nói gì càng thêm kiên quyết ý định đẩy nhanh cô ta ra khỏi nhà.

Tôi tìm mua một cuốn luật hôn nhân và gia đình rồi cắm cúi viết đơn ly dị.

Tôi đưa lá đơn cho cô ta. Cô ta đọc lại nhiều lần, không nhìn tôi, khàn giọng hỏi:

- Con để cho anh à? - Rồi nói tiếp - Anh ở nhà ít bữa lại ra đi. Hay là... để con cho em nuôi?

- Không được... - Tôi lạnh lùng gạt đi, cắm đầu bút chì vào tờ giấy - về tài sản tôi còn để trống. Cô muốn lấy gì ở ngôi nhà này thì cứ ghi vào.

Cô ta mắm môi ký phăng một nhát, đẩy sang cho tôi, không viết thêm chữ nào. Từ hôm ấy cô ta xin về ở bên nhà mẹ đẻ.

Cô ta rất muốn đứa con, tôi biết thế, nên kiên quyết giữ lấy. Bà thẩm phán rõ cũng muốn bênh vực cô ta nhưng làm thế nào được, pháp luật đứng về phía tôi. Bởi vậy, khi cô ta đặt bút xuống tờ giấy, bà ta còn hỏi về đứa con, làm chiếc bút  nảy lên, tôi mới bực mình.

- Ký đi, còn đợi gì nữa - Tôi tàn nhẫn nói.

Cô ta từ từ hạ bút nắn nót một dòng đầy đủ họ tên và đệm. Cái vẻ tỉ mỉ của kẻ vô công rồi nghề ngồi giết thời gian!

Nhưng rồi cũng xong. Bà thẩm phán đống sập ngăn kéo. Chà! Từ nay hai ta là người dưng nước lã nhé! Có một chút tiêng tiếc nhưng tôi gạt ngay, cúi chào bà thẩm phán và bước đến quán phở gần đó.

Từ quán phở quay ra thì trời đã gần trưa. Nắng như thiêu như đốt. Mùa hè, ở quê tôi, cây cối đều khô héo. Ðứng trên đường, nhìn bốn xung quanh, hút tầm mắt nhức nhối một màu bạc phếch, nghèo đói. Nghĩ đến hơn chục cây số trong quang cảnh trơ trụi giữa nắng trưa tôi thây ngao ngán, ước có một chỗ quen biết để trú chân đợi chiều xuống. Nhưng không có. Tôi sinh ra ở quê mình lớn lên ở quê người, ngoài cái làng chôn rau cắt rốn tôi là người xa lạ, lạc lõng. Cô ta có mấy nhà bà con quanh đây thì từ nay đâu còn bà con của tôi!

Ra khỏi thị trấn chừng hai cây số. Tôi chợt thấy bên vệ đường, cô ta đang cúi đầu bước lủi thủi. Chiếc nón lá che sụp nửa mặt. Lưng áo gầy sọp, nhưng vẫn còn rõ những đường nét thanh tú, duyên dáng. Hồi sáng, cô ta đi lên thị trấn bằng cách nào nhỉ? Tôi chợt cảm thấy ngỡ ngàng trước sự vô tâm, xa cách của mình. Có lẽ nên cho cô ta đi nhờ một đoạn. ý nghĩ tinh nghịch của lòng trắc ẩn vụt đến. Tôi phanh kít chiếc xe đạp sát bên cô ta, mỉm cười:

-Cô đi nhờ không?

Cô ta giật bắn người, hai nét lông mày đậm cau lại rất nhanh. Nhận ra tôi, cô ta không nói gì, lẳng lặng lách người, định bước tiếp.

-Cô lên xe. Tôi đèo giúp nào! -Thấy cô ta chần chừ, tôi hạ giọng - Nắng nôi thế này gặp người cả đời không quen biết cũng cho đi huống hồ chúng ta là người lạ đã quen mặt.

Một cái cười khô héo trên khuôn mặt nhợt nhạt:

-Vâng. Cảm ơn anh!

Tôi bất ngờ nhận thấy cô ta nhẹ xọp đi nhiều quá, khác hẳn ngày trước.

Sau một hồi im lặng, Lệ hỏi nhỏ:

-Bao giờ anh đi?

-Một tháng nữa.

-Chắc... Tiếng nói vừa bật ra lập tức bị bóp nghẹt lại. Tôi hiểu Lệ định nói gì.

-Không! - Tôi cố giữ vẻ thản nhiên cất tiếng cười giòn giã, biết rằng mỗi tiếng cười sẽ là một mũi kim ngập sâu vào trái tim đang rớm máu của cô ta - Vừa bỏ người này làm sao đã có thể lấy ngay người khác!

Tôi vừa dứt lời nói độc địa, cảm thấy có bàn tay định bấu vào lưng áo nhưng rụt lại. Chiếc xe chợt chao nghiêng và cô ta ngã chúi xuống nền đường. Tôi kịp chống hai chân, ngoảnh nhìn... Cô ta lồm cồm bò dậy, người không việc gì, chỉ ngón chân cái bị toé máu. Cô luống cuống nhìn quanh, nét mặt thoáng đanh lại, hai bàn tay thoăn thoắt mở chiếc quai nón buộc vết thương. Tôi nhớ đúng đoạn đường này, có một lần cô ta cũng vấp phải một hòn đá. Tôi đã xé áo lót buộc cho cô. Sự phản bội tàn phá đi tất cả rồi. Nó đã tiêu diêt hết mọi lòng tốt, làm chai sạn cảm giác thương xót đối với cô ta mà hình như có tồn tại trong lương tâm tôi. Tôi thờ ơ đứng dạng hai chân giữ chiếc xe đạp. Cô ta lúc ấy đã đầm đìa mồ hôi, thậm chí tôi đã định nhấn bàn đạp bỏ mặc cô ta ở lại một mình với vết thương.

Ðến lối rẽ vào nhà cô ta, từ đấy về nhà tôi còn hơn hai cây số nữa. Tôi đạp chậm, cô ta nhảy xuống thảng thốt, nói với theo:

-Cảm ơn anh!

Tội không trả lời, không ngoảnh lại, rướn người trên xe. Chợt có tiếng đổ uỵch phía sau, tôi liếc thấy cô ta ngồi bệt xuống bên đường, úp mặt vào nón khóc hu hu. Tiếng khóc ấm ức, tủi thẹn, bị kìm nén bao lâu, nay phá lồng ngực ùa ra như lũ vỡ đê quét phăng sự yên tĩnh. Ðó là tiếng kêu gào của tình thế tuyệt vọng. Buổi trưa hè ngột ngạt, lờ đờ bị xáo trộn lên, réo sôi trong tiếng khóc xé lóng ấy. Ði một quãng xa, vì chiều gió hay vì tâm tưởng, tôi vẫn nghe tiếng khóc văng vẳng bên tai như tiếng kêu gọi, níu kéo.

Sau này nhiều người hỏi, lúc ấy trong lòng tôi xảy ra điều gì? Sự mềm yếu hay dằn vặt, luyến tiếc hay run sợ, anh hùng, hèn nhát, nghĩ đến mẹ hay nghĩ đến con, thương cô ta hay thương mình? Không có điều gì xảy ra nhưng cũng có thể đã xảy ra tất cả những điều đó. Tâm linh hay một cái gì na ná như thế đã thôi thúc tôi quay xe trở lại. Tôi dừng trước mặt Lệ, hắng giọng mấy lần, tiếng nói nghe vẫn lạc đi.

- Sao lại ngồi giữa đường. Về nhà đi.

Khuôn mặt chan hòa nước mắt trắng bệch ra ngửng lên, cặp lông mày xanh đậm rung rung. Ðôi mắt mở to ngơ ngác. Ðôi mắt chớp mạnh. Cô nhón chân xoay lưng lại phía tôi. Ðôi vai nhỏ rung lên từng hồi. Tôi chợt nhận ra cô đang mặc chiếc áo xanh Sĩ Lâm. Tấm vải tôi gửi cho Lệ nhân dịp sinh con. áo may đã lâu nhưng chỉ những dịp đặc biệt đi với tôi, Lệ mới mặc nên trông còn như mới. Tôi đứng thừ người hồi lâu. Nhìn ngược, nhìn xuôi, hai phía con đường đều vắng ngắt. Trên cánh đồng cằn cỗi không một sinh linh, đất trời bao la và quạnh quẽ quá. Bất giác tôi thở dài:

- Thôi lên xe, ta về!

Chợt hiểu mình vừa thốt ra một lời ghê gớm như thế nào, tôi định bỏ chạy  thì Lệ đã vùng dậy đứng chắn trước bánh xe. Mái tóc xù ra, đôi môi mím chặt, chiếc nón che kín ngực. Cô ngửng cao  đầu phóng thẳng vào tôi luồng mắt căm thù, cay cú điên dại. ánh mắt gườm gườm với một vành trắng dưới hàng mi vẻ khiêu khích, tàn nhẫn, nghiệt ngã. Cô thở hổn hển, chiếc nón trên ngực phập phồng nặng nề. Cơn giận dữ chất chứa của một trái tim mạnh mẽ lâm vào cảnh cùng quẫn, một tâm hồn đầy kiêu hãnh đòi hỏi sự đối xử công bằng, cơn giận dữ bột phát bùng lên ở thời điểm tận cùng tuyệt vọng. Cô biến đổi hẳn đi. Như một người khi quyết định bước vào cửa tử, cái chết cũng coi thường nên không còn có gì để sợ. Khuôn mặt nhỏ nhắn ngời sáng một tình yêu mãnh liệt trần trụi, không che giấu đang đốt cháy đỏ rực đôi má vẻ trinh nguyên. Vầng trán phẳng sau mái tóc xõa xuống trông như cẩm thạch và đôi môi đang mím chặt cay nghiệt vẫn tươi rói nỗi khát khao cuộc sống bình yên. Ðôi môi đau đớn cong lên và quả quyết:

- Anh cần gì ở tôi nữa. Ðến thế này anh vẫn chưa thỏa lòng hay sao? Anh độc ác lắm. Anh về phép mà chỉ lao theo trả thù cho hả dạ! Vậy thì nếu muốn anh cứ giết tôi đi. Ðừng cho tôi nhìn thấy anh, nghe thấy anh, đừng cho tôi thầm thì nhắc tên anh trong những đêm hoang vắng. Anh cứ dày xéo lên tôi, nhưng cầu xin anh đừng nhạo báng, giễu cợt thân phận đau khổ này. Cứ nguyền rủa nhưng xin đừng bóp nghẹt trái tim tội lỗi vì cô đơn. Dù sao, tôi cũng không xa lạ với anh cơ mà!

Tôi hạ chân xe về phía trước. Lẳng lặng cầm lấy chiếc nón không còn quai trong tay Lệ và nhoáng cái bóp nát, vò thành một cục vung cánh ném ra xa. Lệ đứng im không nhúc nhích, đôi vai buông xuôi. Trong tư thế đó có cái gì thách thức, liều lĩnh. Ðột ngột, cô dang hai tay lao đến vòng lấy cổ tôi, toàn thân đổ xuống mềm nhũn, nóng bỏng. Tôi hoang mang chưa kịp phản ứng thì Lệ đã lại vùng ra, trân trân nhìn tôi. ánh mắt ráo hoảnh có chiều sợ hãi. Nụ cười ngập  ngừng và hai cánh mũi phập phồng. Dường như Lệ định nói một câu gì đó hoặc bỏ chạy nhưng không đủ sức.

Tôi đưa tay nắm bàn tay Lệ. Cô run bắn lên. Ðôi mắt mệt mỏi khép lại và hai bên khóe mắt từ từ ứa ra hai giọt nước long lanh, chói lóe ánh nắng. Tôi kéo cô lại gần.

Lệ dụi đầu vào ngực tôi thổn thức.

Tôi vuốt nhẹ mái tóc Lệ, muốn an ủi, dỗ dành. Thôi! Lệ đừng khóc nữa! Chúng ta đã tìm thấy nhau rồi mà. Trong đám sương mù dày đặc trên cõi đời này, nhấn chìm biết bao kiếp người nhỏ bé, đơn côi. Tôi và Lệ đã lạc nhau và phải chăng đã lại tìm thấy nhau, tìm được số phận của chính mình? Chao ôi, mất mát thiệt thòi đâu phải là cái  chết. Quên lãng, chia lìa mới là cái chết. Trong khoảng khắc, tôi nhìn thấy những khuôn mặt thân thương: Hai bà mẹ, người anh và đứa con, những cuộc đời cực khổ, đói nghèo không còn ly tán vì tôi.

Một làn mây trôi ngang, lơ lửng giữa bầu trời. Không gian chợt mát dịu. Chặng đường trước mặt trải rộng ra, hun hút xanh.

Bài liên quan
  • BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhiên cất tiếng hát "Ơi chàng ơi chim có bạn có bầy, thuyền có bến có sông sao lại để em năm canh gối chiếc chăn đơn đợi chàng... "
  • HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Hai người bạn là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, in trong tập truyện ngắn Hạnh, Đời nay xuất bản năm 1940.
  • CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Vũ Bằng hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực báo chí từ những năm 1930-1940 khi tuổi đời còn rất trẻ. Ông là chủ bút tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy, thư ký tòa soạn tờ Trung Bắc Chủ Nhật khi mới hơn hai mươi tuổi. Khi Nhật-Pháp so kè với nhau chiếm nước ta, dưới áp lực kinh người của những kẻ xâm lược, Vũ Bằng vẫn giữ tư thế của tờ Trung Bắc Chủ Nhật là phục vụ người Việt, vì quốc gia dân tộc, khiến cả chính quyền Pháp và Nhật đều phải kiêng nể.  Trước 1945, Vũ Bằng nổi tiếng trong việc giúp đỡ các nhà văn khác cả tiền bạc lẫn kinh nghiệm viết lách. Rất nhiều nhà văn nhận những lời khuyên của Vũ Bằng sau này đều trở thành những nhà văn lớn của Việt Nam. Thế nhưng, một thời gian dài kể từ khi Vũ Bằng di cư vào Nam năm 1954, các tác phẩm của ông biến mất không còn dấu vết, không được nhắc tới trong nhà trường, bị đưa vào danh mục cấm do cái tiếng "dinh tê, về thành", nhà văn "quay lưng lại với Kháng chiến"... gây ra. Ông lâm trọng bệnh và mất ở TP. Hồ Chí Minh năm 1984 trong cảnh vô cùng túng thiếu. Mãi sau này, ông mới được minh oan rằng không phải ông quay lưng với kháng chiến mà là ông đã nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật trong giới trí thức nội thành từ năm 1952 và vào Nam năm 1954 theo lệnh của tổ chức. Tháng 3 năm 2000, Cục Chính trị thuộc Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có văn bản xác nhận nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo.
  • ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ hàng đầu của Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX, sức ảnh hưởng của Xuân Quỳnh lớn tới nỗi Google từng vinh danh bà trên trang chủ của họ vào năm 2019. Là nhà thơ nên tất nhiên bà nổi tiếng về thơ và hầu như khó tìm được ai không biết bài Thuyền và Biển của bà. Nhưng Xuân  Quỳnh cũng viết văn và viết rất nhiều truyện cho thiếu nhi, truyện Ông nội và ông ngoại dưới đây là một trong số đó.
  • LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Lời Nguyền là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, viết về quãng thời gian ông bị thực dân Pháp bắt tại Hà Nội (1941) và đưa lên giam giữ tại trại giam Vụ Bản, Châu Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình. Truyện được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc cuối cùng của nhà văn Khái Hưng. 
  • CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mưỡu Cuối được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1946, đặt làm Phần cuối và đem đi xuất bản ở Quốc Văn với tên Chùa Đàn. Với Tâm sự của nước độc, Nguyễn Tuân băng băng trèo lên đỉnh đèo văn, còn với Chùa Đàn, ông bồng bềnh trôi, chưa mỏi gối nhưng đã không còn đỉnh đèo nào để leo nữa.
  • CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần II của Chùa Đàn, được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1945 có tên Tâm sự của nước độc. Truyện có phần đề từ lấy trong Chữ Nhàn, một bài hát nói của Nguyễn Công Trứ; “Ai hay hát mà ai hay nghe hát”. Trong Chùa Đàn, truyện được sắp xếp thành phần II. Nhà văn Khái Hưng và một số nhà văn khác cho rằng, (việc) Nguyễn Tuân viết thêm Dựng và Mưỡu Cuối, đã làm hỏng mất sự toàn bích một tác phẩm tuyệt mỹ.
  • CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chùa Đàn được xem là tác phẩm hội tụ những gì tinh hoa nhất của nhà văn Nguyễn Tuân do Quốc Văn xuất bản năm 1946 tại Hà Nội. Chùa Đàn bắt đầu từ truyện ngắn Tâm sự của nước độc trong loạt truyện kinh dị Yêu Ngôn ông đăng trên các báo thời bấy giờ. Đến năm 1946, để phù hợp với diễn biến thời cuộc, ông viết thêm hai phần bổ sung, đặt làm phần Một và Ba, Tâm sự của nước độc trở thành phần Hai của tác phẩm.
    Dù là tác phẩm hay nhất của Nguyễn Tuân, nhưng Chùa Đàn đã bị đánh giá thấp do các yếu tốc ma quái kì dị đầy màu sắc tâm linh của nó. Kể từ lần in năm 1946 và sau đó được Tân Việt tái bản ở Sài Gòn* năm 1947, đến tận năm 1981, Chùa Đàn vẫn không được nhà xuất bản đưa vào tuyển tập của ông. Điều này đã khiến Nguyễn Tuân buồn bã đến nỗi; "Tôi tiếc cái Chùa Đàn quá. Họ cắt cái Chùa Đàn khỏi tuyển tập này, cũng giống như cắt cái gan ra khỏi bụng tôi".
    Đến năm 1999, Chùa Đàn mới được in trở lại trong tập Yêu Ngôn do nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh thực hiện. Ngày nay Chùa Đàn không những đã được xuất bản, mà còn được chuyển thể sang nhiều loại hình nghệ thuật khác như kịch nói, cải lương, phim điện ảnh. Ở mảng điện ảnh, Chùa Đàn được dựng thành bộ phim khá nổi tiếng Mê Thảo – thời vang bóng do đạo diễn Việt Linh thực hiện.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần cuối của Ngõ lỗ thủng, tác phẩm dựa trên những ký ức, sự kiện và nhân vật có thật của nhà văn Trung Trung Đỉnh, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ngõ lỗ thủng của Trung Trung Đỉnh dựa trên ký ức của những sự kiện, nhân vật có thật của chính nhà văn, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.