chan_dung-ke_si

MỘT ÐOÁ HOA RỪNG – Truyện ngắn Hồ Biểu Chánh

25-03-2024

Lượt xem 1274

Đánh giá 0 lượt đánh giá

Chia sẻ

  Hồ Biểu Chánh

MỘT ÐOÁ HOA RỪNG – Truyện ngắn Hồ Biểu Chánh

Nhà văn Hồ Biểu Chánh (1884-1958)

Chân Dung Kẻ Sĩ: Hồ Biểu Chánh là tên tuổi bất hủ, nhà văn tiên phong của Nam kỳ Lục tỉnh, người gốc Gò Công, tỉnh Tiền Giang ngày nay. Ông đã một mình viết theo lối viết hiện đại trong khi các tác giả khác đương thời vẫn dùng thể văn biền ngẫu. Với số lượng tác phẩm đồ sộ lên đến hàng trăm, văn chương của Hồ Biểu Chánh đã để lại những giá trị không chỉ về văn chương mà còn về lịch sử, văn hóa và ngôn ngữ của Nam Kỳ xưa.

I

Húng hính chơi ở trong chốn cố hương được mấy tuần, tôi lóng nghe đô thành đã yên tịnh, không có phi cơ oanh tạc đến viếng nữa. Tôi tò mò trở về Sài Gòn. Nào dè mới về được vài ngày thì còi báo động thổi rân nữa, có bữa báo động tới hai lần. Người ta lo tản cư. Tôi ngao ngán nên cũng chạy như thiên hạ. Mà lần nầy, tôi theo một ông bạn chạy lên miệt trên, tìm nơi cao ráo u nhàn đặng dung thân dưỡng trí.

Tôi lên ở Bến Súc.

Đến đây tôi liền nhớ cái thớt vườn êm đềm kín đáo, mà năm trước tôi đã thày lay tả vẻ trong một bộ tiểu thuyết của tôi, cái thớt vườn nực nồng thi vị, chan chứa thương yêu, nối tóc xe tơ cho cặp nam nữ thanh niên là cậu Phúc với cô Lý, một tối cựu, một tối tân nhưng hai tâm hồn tương đồng, tương hiệp.

Bữa sau tôi đi xem lại thớt vườn nầy, xem coi Thần ái tình còn ủng hộ Phúc với Lý hay không. Miễu ái tình vẫn còn sờ sờ, mội nước trong vẫn còn ro re, tiếng đờn ve vẫn còn inh ỏi, duy thiếu Phúc với Lý. Người ta nói cặp tri âm nầy đã vô Đường Long mấy bừa rày, vô kiếm chỗ mà gây thêm một cái ổ ái tình thứ nhì nữa.

Đường Long... Tôi biết rồi, chỗ Phúc khẩn đất để trồng tiêu, trồng nghệ, tôi đã có nói trong quyển „Ái tình miếu". Tôi quyết đi, đi tìm Phúc với Lý, mà cũng đi xem quang cảnh Đường Long. Một ông bạn mượn chiếc xe bò mà chở tôi đi vì đường xa đến năm ngàn thước, đi bộ không tiện. Đi Đường Long mà ông bạn tôi không chịu đi theo lộ đá Kiểm Lâm, lại bắt đi dọc theo mé bưng, nói đi ngã đó tôi mới được thưởng thức đủ cảnh rừng, vườn, bưng, suối.

Hồi xưa, cụ Nguyễn Công Trứ ngâm câu “Cỡi trâu êm hơn cỡi ngựa", hôm nay, tôi lại thấy “Ngồi xe bò khỏe hơn ngồi xe hơi". Ngồi xe bò khỏi lật té mà nó còn gây trong lòng tôi một cảm hứng nồng nàn dị kỳ. Tại sao cảm hứng? Tại gặp cái nguồn. Suối Xinô bắt từ trên từng cao, xa lắm, phía trong Cà Tong nữa kìa, quanh co chảy ra sông Sài Gòn. Tuy suối dài đến mấy chục ngàn thước, như mùa khô bề ngang chỉ có năm ba thước, đến mùa ướt mới có nước nhiều. Hai bên suối, đất thấp, thì mưa dào người ta gieo mạ, cấy lúa. Vô trong, đất cao lên một chút, thì người ta làm rẫy, trồng những mía, mì, mè, đậu và ớt nghệ, gừng.

Vô trong nữa, đất cao hơn, thì người ta lập vườn trồng những sầu riêng, trái sữa, chanh, mít, tiêu, cau. Phía sau vườn thì là rừng, lố xố những sao, sến, dầu, gõ, bằng lăng, trắc, chỗ còn rừng cấm, chỗ đã có chủ. Phần nhiều chủ đất chiếm từ dưới ruộng lên tới trên rừng. Lại mỗi sở đất đều có người ta ở trồng tỉa, ai ở xa thì cất trại, ai ở tại đó thì cất nhà, có nhà tranh mà cũng có trại ngói. Ngồi xe bò đi cục kịch theo mé rừng hay qua đám rẫy! mắt ngó khoai mía xanh tươi, cây cội chớn chở, tai nghe gà rừng gáy, cu đất kêu, quan cảnh an tịnh làm cho tôi ngẩn ngơ, quên hết các rộn rực ở thị thành, mà cũng quên hết các nổi chìm của thế sự, tâm hồn bắt say sưa với thú lâm viên khỏe khoắn, với thói thôn quê thiệt thà.

Vô tới Đường Long, gặp lộ đá Kiểm Lâm, tôi hỏi thăm Phúc và Lý. Người ta nói cách vài bữa trước có thấy đi qua, đi thẳng vô phía trong. Tôi đi theo, đi một đỗi rất xa, mà tìm không gặp.

Nghĩ đều rừng thẳm, suối dại,  Bóng chim tâm cá, hỏi ai bây giờ.

Bạn tôi mới khuyên tôi đừng theo nữa, rủ ghé một trại quen xin nước trà quế bọt mà uống rồi trở về. Ông Ba Lung, ở trại nầy, ông mừng rỡ và dường như ở đây ít người nên ông khao khát nói chuyện, bởi vậy ông tiếp rước chúng tôi rất ân cần, ông nấu nước pha trà đãi chúng tôi rồi ông thuật cho chúng tôi nghe một chuyện ái tình mới kết cuộc cách mấy bữa trước, kết cuộc với màn bi kịch xào xáo rồi tiu hiu, làm cho ở vùng nầy người ta vừa kinh tâm, vừa áo não.

Thôi, tìm không được ổ ái tình êm ấm kia, thì tôi chép lại chuyện ái tình xào xáo nầy, kỷ niệm cho buổi nhàn du và luôn dịp bày tỏ Đường Long cảnh vật.

II

Hôm nọ, lúc nửa chiều, con Quế đầu đội nón lá đương lum khum giữa đám dậu, lo xới đất vun gốc đậu, có thím Tư Cam ở gần, muốn vần công 1 nên lại làm phụ với nó cho mau. Thím Tư Canh hay nói chuyện; thím thấy thằng Khoa đương lùa cặp bò cho ăn cỏ dựa mé rừng, thì thím hỏi Quế:

- Ủa! Bò của mầy sao còn có một cặp? Còn hai con nữa đâu?

- Cặp bò kia mắc đi xe củi trong Bào Đề. Cậu Tư Cu đấu giá mua rừng làm củi. Cậu nói với má tôi, cậu mướn xe ít bữa, nên hôm qua má tôi sai anh Lực đem xe vô trỏng cho cậu.

- Thằng khùng đó mà chị Ba dám giao xe giao bò cho nó đem đi xa như vậy sao?

- Chớ có ai đâu mà sai.

- Thằng Khoa là con nít, nó trị cặp bò kia sao nổi.

- Cậu Tư hứa cậu coi chừng dùm, nên má tôi mới chịu.

- Anh Tư Cu năm nay bày làm củi chi vậy không biết.

- Củi có giá, làm khá lắm chớ.

- Khá giống gì? Củi đem ra bến mà bán thì họ dụ bưng họ trả rẻ. Mình mướn ghe chở xuống Thủ 2 hay xuống Sài Gòn thì bán được giá hơn, song đường đi hiểm trở lắm. Đó, ông Ba Lung chở củi đi bán, ổng về hôm kia, rồi cứ ngồi khoanh tay mà khóc đó.

- Sao mà khóc?

- Ổng bán củi được 130 đồng bạc. Ổng không dám về ghe, lận bạc trong lưng mà đi lên Thủ. Trễ xe hơi, ổng giang xe bò mà về trên nầy, đi tới chỗ Trắc Sùm, bị ăn cướp đón giựt bạc hết trọi, lại đánh ổng sưng cánh tay.

- Trời ơi! Ở Trắc Sùm có ăn cướp hay sao?

- Có họ nói chừng một tháng nay có đảng ăn cướp năm sáu đứa, có súng, dữ lắm, nó ẩn núp ở đó đón giựt đồ người ta. Bọn nó giựt tới xe máy, xe ngựa nữa, ai chống cự thì nó bắn chết.

- Dữ há? Tôi nghe nói Trắc Sùm mà tôi không biết ở chỗ nào.

- Ở trên An Tây thôn một đỗi đó. Chỗ đó vắng lắm.

- Ăn cướp làm dữ như vây, quan làng không bắt nó sao?

- Dễ gì mà bắt. Nó rút vô rừng rồi làm sao mà tìm được. Lại nó có súng, nó bắn chết chớ.

- Thím Tư, ăn cướp có súng, mình đi xe hơi tôi tưởng nó đón nó đánh cũng được a thím.

- Được nó gạt xe ngừng rồi nó giựt.

- Ghê quá! Chắc tôi không dám đi Thủ rồi a.

- Không có chuyện cần thì đi làm gì. Mầy hay đi Thủ lắm sao?

- Không. Từ nhỏ tới giờ tôi đi có một lần, đi với má tôi. Bận đithì giang xe bò, bận về đi xe hơi. Lâu lắm rồi, cách bốn năm nay, hồi đó tôi mới mười sáu tuổi.

- Thằng Lực nó khoe với họ, nó nói chị Ba sẽ gả mầy cho nó.

Chị Ba có hứa với nó hay sao?

- Đâu mà có! Anh khùng đó, ai thèm gả.

Hai người nói chuyện tới đó, kế nghe phía cầu Đường Long có tiếng ồ ồ, rồi thấy có một chiếc xe hơi ngừng. Quế đứng ngó và nói:

- Xe ai mà vô tới trong nầy vậy kìa.

Ba người đàn ông ở trên xe leo xuống, rồi đi vô phía Quế với Tư Cam bón đậu, người đi trước mặc âu phục, bộ đàng hoàng còn hai người đi sau thì mặc đồ vắn, lại mỗi người đều có vác đồ trên vai Mấy người đi gần tới. Quế thấy lạ, nên sụp nón ngồi bón đậu, không dám ngó Người đi trước là một thanh niên chừng hăm lăm tuổi, mặt mày sáng rỡ, y phục gọn gàng, tới ngang đám đậu thì đứng lại chỉ nhà bà Ba Hạc, là mẹ của Quế, mà hỏi:

- Hai cô, không biết nhà nầy là nhà của ai vậy hả?

Quế cứ cúi mặt, không đáp. Thím Tư Cam đứng dậy nói:

- Nhà của bà Ba Hạc. Cậu hỏi chi vậy?

Người trai cười mà đáp:

- Năm trước đi bán trong nầy, tôi có ghé nhà bà Ba một lần.Lâu vô nên tôi quên, bởi vậy tôi muốn hỏi lại cho chắc đặng ghé thăm bà. Không biết có bà Ba ở nhà hay không?

- Có. Tôi mới thấy dạng chỉ ra sân hồi nãy.

- Cám ơn thím.

Người trai ấy đi lại nhà bà Ba Hạc, hai người kia cũng vác đồ đi theo sau. Quế đứng dậy hỏi Tư Cam:

- Ai mà quen với má tôi vậy kìa?

- Tao có biết đâu. Nói năm trước có ghé nhà mầy; nếu mầy không biết thì tao làm sao mà biết được.

- Tôi không nhớ.

- Có lẽ hồi người ta ghé, thì không có mầy ở nhà.

- Không biết chừng tại vậy... Bây giờ quá nửa chiều rồi. Họ vô đây rồi tối họ làm sao mà về.

- Chắc họ vô đặng tối họ đi bắn đèn.

- Đi bắn sao không thấy súng?

- À! Sao không có mang súng há? Đâu mầy về coi ai đó.

- Thôi về làm chi? Có má tôi ở nhà. Để lát nữa rồi tôi sẽ vềhỏi coi ai đó cho biết.

- Người đó đẹp trai quá phải hôn mậy?

Quế chúm chím cười rồi bỏ đi qua liếp đậu khác không nói nữa.

--------------------------------

Giúp công với nhau, nông dân miền Nam giúp công với nhau vào

1

mùa cấy, gặt.

2 Thủ Dầu Một, lối nói rút gọn của dân địa phương. 

III

Bà Ba Hạc đương ngồi gần miệng giếng, chăm chỉ rửa mớ khoai môn, đặng sáng mai thím Tư Cam đi chợ Bến Súc, bà gởi cho thím bán dùm. Thình lình con chó mực nằm trong cửa hực hực rồi tuông ra sân đứng sủa. Bà ngước mặt ngó ra, thì thấy một dọc ba người xăm xăm đi lại nhà bà, cả ba đều lạ hoắc, lại áo quần không giống người ở chốn nầy. Bà cầm củ khoai, vừa gọt rửa, vừa ngó trân, mái tóc điểm bạc gió thổi phất phơ, gương mặt thiệt thà nắng giọi sáng rỡ. Người trai đi trước, tuy còn đi ngoài rào, nhưng đã kêu mà hỏi:

- Bà Ba, bà mạnh giỏi hả bà Ba?

Bà Ba Hạc không biết là ai, nhưng nghe kêu "bà Ba" trúng thứ của bà thì bà đứng dậy mà đáp:

- Ờ mạnh giỏi.

Bà đáp mà bộ lơ lửng, tay cũng còn cầm một củ khoai. Ba người đi ngay lại cái giếng chỗ bà Ba Hạc đứng. Người trai đi trước ngó bà và cười và hỏi:

- Chắc bà quên tôi rồi hả?

- Ơ… Tôi không nhớ rồi a...

- Năm trước tôi theo mấy người vô kiếm bắn mển trong nầy, tôi có ghé nghỉ ở nhà bà đây bà quên sao?

- Thiệt tôi quên.

- Mấy năm rồi mà bà cũng vậy, không già hơn. Người ta nói ở chốn lâm viên thân thể khỏe khoắn nên lâu già, thiệt phải lắm. Vô đến đây tôi muốn ở luôn trong nầy.

- Ở trong nầy buồn chết, cậu ở sao được.

- Không. Vui lắm chớ, có buồn đâu bà. Đó, cu kêu đó. Nghe phải vui hôn? Tôi ưa quá. Chiều mát, nằm nghe tiếng cu kêu xa xa, trí khỏe khoắn không biết chừng nào. Nghe cu kêu, tôi muốn xin bà cho tôi ở đậu vài bữa chơi, được hôn bà Ba?

- Nhà tôi nghèo, không có chỗ ăn chỗ nằm, cậu ở sao được.

- Không hại gì. Bà cho tôi một tấm ván hoặc một cái chõng nhỏ đặng tối tôi ngủ thì đủ rồi. Tôi ở được mà, bà đừng ngại gì hết.

Bà Ba Hạc la chó rồi buông củ khoai vô rổ, và cười và hỏi:

- Cậu ở đây rồi lấy gì mà ăn?

- Xin bà đừng lo. Bà ăn thứ gì, thì tôi ăn được vậy chớ. Tôi lập thế gài cu đất, gài gà rừng bắt làm thịt ăn. Tháng nầy trời mưa, trong rừng thiếu gì nấm. Đi kiếm nấm mối, kiếm măng le đem về xào hoặc luộc mà ăn, ngon lắm mà! Bà đừng ngại, như kiếm đồ ăn không được thì tôi sai người ở với tôi ra chợ mua thịt cá về ăn.

- Có vậy thì được; ngặt nhà tôi xấu xa dơ dáy quá không xứng đáng chỗ cậu nằm; tôi ngại chỗ đó, chớ không phải tôi làm hiểm 1 với cậu.

- Ở trong rừng đâu có nhà tốt bà. Tôi đã thèm đài cát, tôi muốn tìm thanh tịnh, nên tôi mới vô đây. Có lẽ nào tôi chê nhà bà hay sao mà bà ngại, bà Ba?

- Thôi, mời mấy cậu vô nhà, vô rồi cậu mới thấy nhà tôi,trống trước trống sau, thiệt tệ lắm cậu.

Bà Ba Hạc bỏ đống khoai mà vô nhà, ba người lạ đi theo, người trai đi trước ngó hai người đi sau mà cười. Nhà bà Ba thiệt là tệ, kêu chòi thì trúng hơn. Một cái chòi tranh ba căn xông: cột gỗ tuy lớn, song đẽo tròn chớ không bào lẵng; kèo và đòn tay đều bằng cây bằng lăng 2 có bào sơ, ở rừng thiếu gì cây tốt mà phải dùng tạp mộc. Căn giữa bỏ trống, không có làm cửa. Hai căn bìa thì đóng song tròn. Còn phía sau với hai đầu xông thì đóng bằng cây sến, đóng hở đến thọc hai ngón tay vô được. Ở đầu xông phía tay mặt, thì có cất nối một mái vại cũng lợp tranh, để nấu ăn. Đồ đạc trong nhà coi không có chi lắm. Ở căn giữa, phía trong, có một bồ lúa lớn, lúa của bà Ba làm ruộng ngoài suối gặt hồi tháng chạp bây giờ còn hơn nửa bồ. Phía ngoài thì để một cái bàn dài, hai bên có để chân ngựa đặng ngồi, chớ không có ghế.

Căn xông phía trái, thì ở ngoài, kế song, có lót một cái chõng, còn ở trong có lót một bộ ván gõ dày cui 3 mà không dồi 4 láng. Ván với chõng không lót sát vách xông, bỏ trống một khoảng để dựng cuốc, rựa, búa, cày, cần câu ở trên lại có móc mấy bó bố khô của bà Ba nhổ, đập, phơi hôm tháng trước để dành đánh 5 võng mà bán. Còn căn bên phía tay mặt, khít vại nấu ăn, thì ở trong có một cái giường để cho mẹ con bà Ba ngủ, ở ngoài có úp một cối giã gạo, dựa vách có dựng hai cái chày. Trên cái bàn dài ở giữa thì tộ đá, bình tích xanh, rổ đựng trầu cau, với một trái mít, để nghinh ngang, không có thứ lớp. Trên ván, trên chõng cũng vậy, thúng đậu xanh để một bên tĩn nước mắm, bao trà huế nằm chình ình trên mớ khoai từ.

Dắt khách bước vô nhà, bà Ba day lại nói:

- Mấy cậu thấy chưa? Tôi nói nhà tôi lôi thôi lắm.

Người trai ngó vòng trong nhà rồi cười mà đáp:

- Ở trong rừng thì nhà như vậy, có lôi thôi chi đâu. Tôi ở được mà. Xin bà làm ơn cho tôi ở đậu đầu trên đây; có bộ ván với cái chõng nầy thì thiếu gì chỗ nghỉ.

Bà Ba nói:

- Cậu muốn sao cũng được. Để tôi dọn đồ cho trống đặng trải chiếu mà nằm.

Hai người vác đồ đi theo người trai nãy giờ không nói chi hết, bây giờ mới để va ly và gói xuống cái chõng. Chừng thấy bà Ba rinh thúng đậu thì hai người áp lại dành mà dọn dẹp, không để cho bà làm.

Người trai trở ra sân, đứng nhắm tứ hướng, rồi đi vòng chung quanh nhà, đi lại coi cái nhà trống để nhốt bò và cất xe, trở qua coi vườn mít gồm trên hai chục cây, cây nào cũng có trái đeo lòng thòng, trái nhỏ chen với trái lớn, rồi đi thẳng vô mé rừng, đứng dòm đường xe bò, hai bên chồi đơm rậm rạp. Chừng trở vô nhà, người trai hỏi bà Ba:

- Mé bên nây thấy có đường xe bò, đường đó đi đâu vậy bà Ba?

- Đường đó ra đụng đường Kiểm Lâm phân ranh rừng cấm.Đường Kiểm Lâm ở từ ngoài chợ vô đây rồi đi thẳng vô Bào Đế có ngã vô Cà Tong, có ngã qua Thị Tính, qua Bến Cát, đi đâu cũng được hết, đi xa lắm.

- Để rồi tôi đi ruồng trong đó coi rừng chơi. Có cọp hôn bà Ba?

- Không. Ở đây có cọp hùm gì đâu. Nai hưu bị họ bắn quá nên bây giờ cũng ít.

Người trai thấy hai người dọn quét ván chõng xong rồi mới nói:

- Hai Phú coi dọn đồ nghe hôn; còn Năm Quí đi theo tôi chơi một chút.

Vừa trở ra sân, người trai gặp con Quế ở đám đậu đi về móc cái nón trên cánh tay. Trong nhà bà Ba kêu nói:

- Còn mấy củ khoai con rửa hết đi con, rửa đặng mai thím Tư đi chợ gửi cho thím bán.

Người trai đứng ngó trân con Quế, tuy quần áo lôi thôi, tay chơn bùn lấm, nhưng mà nước da trắng nõn, mái tóc đen huyền, mặt mày tươi cười, tướng mạo dong dảy, nhứt là cái miệng có duyên dị thường, không cười mà như cười, môi đỏ tợ thoa son, hai hàm răng trắng trong lại nhỏ xíu. Thiệt là một đóa hoa rừng đương nở trong xóm Đường Long, đóa hoa không cần tay người săn sóc mà rất xinh tươi đẹp đẽ.

Người trai ngó mê mẩn rồi gật đầu nói:

- Cô em in là hồi nãy ngồi bón đậu đàng kia mà. Con gái của bà phải hôn bà Ba?

- Phải. Con của tôi. Tôi có một mình con Quế đó.

Quế chúm chím cười đi lại gần miệng giếng ngồi rửa khoai, không ngó khách, mà cũng không nói chi hết. Người trai dắt người kêu tên Quí hồi nãy mà đi lại đường xe bò, rồi bị cây bao phủ nên khuất dạng.

Quế rửa riết khoai rồi hốt bỏ hết vô thúng bưng đi vô nhà, đặng lo nhúm lửa nấu cơm chiều.

Bà Ba hỏi người kêu là Phú hồi nãy:

- Cậu trai đó là ai, đi vô trong nầy làm chi mà xin ở đậu vậy cậu?

- Cậu Sáu đó đa bà. Con của ông Hội đồng ở trên Châu Đốc,sang trọng giàu có lắm. Cậu Sáu tử tế hết sức, để rồi bà coi.

- Hứ! Giàu có sang trọng thì ta ở nhà chơi phải sướng hơn,vô rừng làm chi cho cực khổ?

- Ấy tại tánh cậu Sáu ưa thanh tịnh, cậu không muốn ở một chỗ phiền ba. Cậu còn học, lúc nầy cậu mệt nên ông bà biểu cậu nghỉ học để đi hứng gió ít ngày. Ở nhà thì cậu nói cậu đi Long Hải, mà chừng lên tới Sài Gòn thì cậu lại đi quẹo lên đây, cậu nói đi vô rừng kiếm chỗ thanh tịnh mà nghỉ mới khỏe. Cậu Sáu rộng rãi, lại biết thương con nhà nghèo. Bà cho cậu ở đậu, cậu sẽ đền ơn cho bà xứng đáng. Chắc chắn như vậy.

- Ở thì ở, có gì đâu mà đền ơn. Cậu Sáu chưa có vợ con hay sao, nên đi chơi một mình như vậy?

- Thưa, cậu còn học mà. Sách vở của cậu cả đống trong valy kia, đi đâu cậu cũng bắt vác theo, nặng hết sức. Cậu ham học lắm, cậu nói đọc sách vui hơn là có vợ.

- Con nhà giàu, lại trộng tuổi rồi, mà chưa cưới vợ thiệt là kỳ.

Năm nay cậu Sáu được ba mươi chưa?

- Trời ơi, đâu mà dữ vậy? Cậu mới hăm lăm tuổi.

- Hai mươi lăm tuổi, cưới vợ vừa rồi, còn học nữa làm chi?

- Thiếu gì nhà sang trọng muốn gả con cho cậu; tại cậu ham học nên cậu không chịu cưới vợ chớ.

- Vợ chồng phải có duyên nợ thì mới hiệp nhau được. Chắc là cậu chưa gặp duyên nợ, nên trời khiến lòng cậu chưa muốn vợ.

- Bà nói đó có lẽ phải a, bà Ba.

- Dữ quá, đi chơi mà cậu Sáu đem tới hai người theo vác đồ.

Ở đây tôi trồng tỉa, tôi kiếm mướn không được ai hết.

- Không, bà. Có một mình tôi theo hầu cậu Sáu thôi. Anh Quí đó là người Châu Đốc, ảnh lên Thủ ở làm ăn. Ảnh gặp cậu Sáu ảnh mừng quá, ảnh xin đưa cậu đây rồi ảnh kiếm chỗ làm ăn. Ảnh biết tánh cậu Sáu rộng rãi, ảnh lập công đặng kiếm ít đồng bạc vậy mà.

Con Quế nấu cơm, mà nó lóng tai nghe đủ các lời Phú nói với mẹ nó. Chừng cơm cạn, nó bước lên nhà trên hỏi nhỏ mẹ nó coi làm gà hay không. Bà Ba cười và nói lớn:

- Không làm gà thì có gì đâu cho cậu Sáu ăn cơm chiều. Chachả, mà gà đi ăn minh mông, bây giờ làm sao rượt bắt cho được.

Phú lật đật can:

- Khỏi làm gà, bà Ba à. Trong va ly có đồ ăn. Hồi trưa cậu Sáu có biểu tôi đi mua cá mòi hộp, bánh mì bộn bộn. Tôi cũng có mấy hộp chao nữa. Chiều nay ăn sơ sịa, rồi mai coi có ai đi chợ sẽ gởi mua thịt cá để dành ăn, hoặc tôi đi mua cũng được.

Quế chen vô nói:

- Khuya nầy có thím Tư Cam đi chợ.

- Thím Tư đó ở đâu? Làm ơn chỉ dùm đặng tôi gởi mua đồ.

- Khuya thím lại đây mà, lại lấy khoai của má tôi gởi bán.

- Vậy thì tiện lắm. Chớ chi nhà có xe máy, mỗi bữa tôi mượn cỡi đi chợ lẹ quá.

- Xe máy nghe nói bây giờ mắc lắm, làm sao mà sắm cho nổi. Hồi nãy cậu Sáu đi xe hơi mà.

- Ừ, xe hơi của người quen với cậu ở dưới Thủ, đưa dùm cậu lên đây rồi xe về.

- Hồi nãy tôi thấy còn đậu ngoài cầu.

- Bộ khi sốp-phơ đậu nghỉ máy một chút chớ không phải ởluôn trên nầy đâu.

Mặt trời gần lặn, người trai mà Phú kêu bằng cậu Sáu đó trở về, cậu thủng thẳng bước vô sân, về một mình, không có Quí đi theo. Con chó mực đã quen rồi, nên nó nằm mà ngó, không sủa nữa. Cậu Sáu vô cửa, bà Ba hỏi:

- Ủa, còn cậu kia đâu?

- Quí về rồi, sẵn có xe đậu ở ngoài cầu, nên ảnh theo xe ra

Bến Súc. Nãy giờ tôi đi theo đường xe bò mà ra đường Kiểm Lâm coi chơi. Tuy rừng không có cây lớn, nhưng có cảnh thú trù mật thanh tịnh tôi chịu quá. Ở đây buổi sáng và buổi chiều trời mát đi chơi trong rừng chắc nhàn thú nực nồng khỏe khoắn lắm.

- Ở rừng thì êm ấm hơn ở chợ.

- Bởi vậy tôi thích ở rừng hơn.

Cậu Sáu bèn hỏi thăm bề làm ăn cùng cách trồng tỉa ở chốn nầy, cậu hỏi đâu bà Ba trả lời đó Bà cũng như cậu, cả hai đều dùng lời thiệt thà hòa nhã mà nói chuyện, bà than không có vốn đặng mua phân và mướn công nhựt trồng tỉa cho nhiều; cậu khuyên trồng bông với, trồng bố, trồng gai, mới có lợi lớn.

Phú hiệp với Quế lo dọn bữa cơm chiều. Phú lấy bánh mì, khui cá mòi, mở hộp chao, còn Quế, thì giở cơm, hâm mắm chưng, luộc rau muống. Đồ dọn lên bàn, bà Ba mời cậu Sáu đi ăn. Cậu nài bà Ba và Quế ăn với cậu cho vui. Bà nhứt định không chịu, ép cậu ăn trước rồi mẹ con bà sẽ ăn với Phú. Cậu Sáu ăn bánh mì, song cũng ăn một chén cơm cho vui lòng chủ nhà, cậu không chê đũa tre chén đá, mà cậu lại khen mắm chưng dịu, rau muống mềm.

Thấy trời sẩm, Quế lấy hai thếp đèn mà rót dầu phộng rồi ra bếp mồi lửa đốt liền một thếp, bưng vô để trên bàn đặng sáng cho cậu Sáu ăn cơm. Bà Ba lên ôm trái mít ra sau mà xẻ bao giờ không ai hay. Chừng cậu Sáu ăn cơm rồi bà đem một miếng mít mời cậu tráng miệng, nói mít trồng ở đây cũng ngon như mít đất đỏ. Cậu Sáu cũng ăn vài múi mít cho bà vui.

Cậu Sáu ăn rồi thì bà Ba kêu Quế biểu bưng dọn ngoài sân đặng mẹ con ăn với Phú cho sáng. Thằng Khoa lùa hai con bò vô chuồng rồi nó cũng ráp vô ăn cơm với chủ.

Cậu Sáu thơ thẩn hứng mát theo mé rẫy. Gió tháng ba hiu hiu mát mẻ; trăng mùng 8 chói sáng giữa trời. Dưới bưng có tiếng bìm bịp kêu, trong rừng có tiếng gà rừng gáy. Tối một lát, cậu Sáu trở vô nhà nói chuyện chơi với bà Ba. Cậu tỏ ý muốn kiếm mua một sở đất ở đây mà lập vườn đặng lâu lâu cậu lên ở chơi.

Nghe gà rừng gáy, cậu hỏi ở đây người ta có tìm cách nào đặng bắt thứ gà ấy mà ăn thịt hay không. Bà Ba nói trong nhà có rập, làm siêng giăng rập thì bắt được. Bà lại nói có bẫy để gài thỏ nữa, ngặt ban đêm con Quế không dám vô rừng một mình, nên không rập gà hay gài thỏ được. Cậu Sáu xin ngày mai bà dạy cho cậu đi làm.

Con Quế cũng thỏ thẻ thuật lại cho mẹ nghe chuyện ông Ba Lung bị bọn cướp ở Trắc Sùm giựt hết 130 đồng bạc. Nó nói theo lời thím Tư Cam thì từ hôm qua ông Ba Lung cứ ngồi khoanh tay mà khóc, tội nghiệp hết sức, công làm củi mấy tháng trường cực khổ lại bị chúng cướp giựt hết. Bà Ba chắc lưỡi kêu trời tỏ lời oán hận bọn bất lương. Cậu Sáu hỏi rõ đầu đuôi rồi cậu cũng tội nghiệp cho người lương thiện, mãn năm trải nắng dầm mưa tay chai mặt nám mới làm ra tiền, rồi bị bọn gian ác hoặc dùng sức hoặc lập mưu mà cướp giựt.

Phú đã sắp đặt rồi, đêm ấy cậu Sáu nằm ngủ ở bộ ván phía trong còn Phú ngủ trên cái chõng phía ngoài, cậu Sáu có nệm có gối, có mền đủ hết.

--------------------------------

1 Hẹp bụng, nhỏ nhen.

(lat. Lagerstroemia calyculata Kurz.), còn được gọi là cây thau

2

lau, dịch âm từ tiếng Khmer.

3 thật dầy. từ ngữ chuyên môn ngành mộc: trám những chỗ khuyết và đánh

4 bóng.

5 thắt dây với ít nhứt 2 thẻ sợi, thí dụ đánh dây luộc, đánh võng. 

IV

Trời gần sáng. Xa xa nghe tiếng chuông chậm rãi dộng bon bon rồi kế thím Tư Cam vô cửa kêu Quế đặng lấy khoai môn mà đi chợ. Cậu Sáu thức dậy đi ra ngoài. Phú đưa bạc cậy thím Tư mua dùm cá thịt.

Bà Ba ra chuồng bò bắt một con gà trống tơ cột chân lại, tính bữa nay làm thịt đặng phân nửa kho mặn, phân nửa nấu canh chua. Quế ra giếng xách nước đổ mấy lu cho đầy hết.

Trời sáng lần lần. Quế đội nón tính đi lại đám đậu đặng tiếp vun gốc đậu. Bà Ba kêu dặn:

- Chừng nửa buổi con về đặng phụ với má làm gà nấu cơm ăn nghe hôn con.

Quế ra tới sân gặp cậu Sáu. Cậu chận lại mà hỏi:

- Cô đi đâu sớm vậy?

- Tôi đi vun gốc đậu.

- Khoan. Để cho tôi hỏi thăm một chút. Hồi hôm cô nói ai bị ăn cướp giựt 130 đồng bạc đó?

- Ông Ba Lung.

- Ổng ở đâu? Cô có thể dắt dùm tôi lại nhà ổng hôn?

Quế dụ dự không đáp được. Thấy bà Ba ở trong nhà bước ra, Quế mới nói:

- Ông Ba Lung ở trong kia... Cậu muốn đi thì biểu má tôi dắt cậu đi.

Bà Ba tiếp hỏi:

- Cậu muốn vô nhà anh Ba Lung làm chi?

- Hồi hôm tôi nghe nói ổng nghèo, làm cực khổ đến mấy tháng mới có được 130 đồng bạc lại bị chúng giựt hết. Nghe như vậy tôi thương ổng quá. Tôi muốn cho ổng số bạc ấy đặng ổng hết buồn rầu. Thôi, bà Ba làm ơn đi dùm cho tôi. Để tôi đưa bạc cho bà đi.

Cậu Sáu móc bóp lấy ra một trăm ba chục đồng bạc. Mẹ con bà Ba ngó nhau chưng hửng. Bà Ba hỏi:

- Cậu cho tới một trăm ba chục đồng lận sao?

- Cho không đủ số ổng mất, sợ ổng không hết buồn.

- Cậu thương nên cậu làm phước, chớ phải cậu bồi thường hay sao mà cho đủ số mất?

- Không hại gì. Ổng già cả, mình nên làm phước. Bà làm ơn đem bạc đưa cho ổng.

- Số bạc lớn quá, tôi không dám lãnh. Thôi, để tôi vô kêu ảnh a đây rồi cậu đưa cho ảnh.

- Cũng được.

Bà Ba bươn bã đi liền. Quế đi lại đám đậu. Cậu Sáu thủng thẳng đi theo Quế. Quế xới đất mà vun gốc đậu. Cậu Sáu đứng coi, làm cho Quế ái ngại không dám ngước mặt lên.

Mặt trời ló mọc. Cậu Sáu kiếm một khúc cây mà xới cát làm với Quế cho vui, Quế nói phải có con dao hoặc cái cuốc làm mới tiện. Cậu Sáu nói để buổi chiều cậu kiếm con dao đem theo mà làm. Thấy từ cử chỉ cho tới lời nói của cậu Sáu đều đoan chánh, Quế lần lần hết ái ngại. Cậu Sáu hỏi:

- Đám đậu như vầy chắc là trúng, phải hôn cô Quế?

- Trúng. Đất nầy đậu chịu lắm, năm nào cũng tốt.

- Chừng cô nhổ ước được bao nhiêu?

- Lối bốn giạ.

- Chà, khá quá há? Sao bà Ba không tỉa thêm cho nhiều nữa, bỏ đất trống làm chi kia?

- Không có người ta làm nên làm nhiều không được. Đất trống đó hễ mưa rào thì trồng bí.

- Còn miếng rừng kế sau đây của cô hay là của chủ khác?

- Của má tôi hết, vô tới đường Kiểm Lâm.

- Sao không phá rừng mà trồng?

- Để rừng đặng bán củi. Phá rừng cốt gốc tốn công nhiều lắm; phải có tiền nhiều làm mới nổi; bởi vậy má tôi không dám tính tới chuyện đó, để lấy củi mà thôi.

- Bán củi không sợ bị ăn cướp như ông Lung hay sao?

- Bán ở đây mà sợ giống gì.

- Ở đây không có ăn cướp sao?

- Không có.

- Sao cô chắc không có. Vô trong nầy ở thì êm ái khỏe khoắn thiệt, nhưng mà thấy vắng vẻ tôi sợ quá, hồi hôm tôi ngủ không an giấc.

- Hổng có sao đâu cậu. Ở đây người ta thiệt thà, ai cũng lo làm ăn, không chịu gian giảo, bởi vậy ban đêm không cần đóng cửa. Cậu không thấy sao? Nhà nào cũng không có làm cửa.

- Nếu bọn cướp nó hay, nó vô đây làm ăn dễ lắm.

- Nghèo muốn chết, có vật gì đáng đâu ,nên trộm cướp không thèm.

- Tôi tính tối nay đi gài thỏ hoặc rập gà rừng chơi. Không biết ban đêm đi vô rừng có hại gì hôn?

- Hổng có sao hết. Ngặt lúc nầy có trăng sợ gài không có.

- Có trăng, thỏ gà mới đi ăn chớ.

- Cậu muốn đi thì thử coi.

- Ngặt tôi không biết cách gài bẫy hay đặt rập thì đi sao được.

- Để chiều tôi chỉ cách cho cậu biết. Dễ mà.

Quế ngước lên ngó mặt trời rồi nói:

- Thôi, để tôi về đặng lo nấu cơm.

Cậu Sáu châu mày đáp:

- Cô khỏi lo. Tôi có dặn Phú lo cơm nước.

- Ảnh có biết gạo mắm để chỗ nào đâu. Lại má tôi có dặn làm gà.

- Làm gà hay sao?

- Phải. Má tôi có bắt gà cột sẵn rồi.

- Ôi! Tôi làm tốn hao cho bà Ba quá!

Quế ngó cậu sáu mà cười rất có duyên và nói:

- Gà ở nhà nuôi, có tốn hao gì đâu.

Quế đi về. Cậu Sáu cũng về theo, Quế ngó vô phía trong và nói:

- Má tôi về kìa. Có ông Ba Lung theo ra đó.

- Mắt cô thấy xa dữ. À, cô Quế, hồi khuya tôi có nghe tiếng chuông bon bon. Chuông ở đâu vậy?

- Chuông trong chùa Kiến An, khuya bữa nào ông Thủ Tạ cũng tụng kinh dộng chuông.

- Nghe tiếng chuông sao lòng tôi ngậm ngùi, khó chịu dữ. Để mai cô làm ơn chỉ cho tôi biết coi chùa ở chỗ nào, đặng tôi đi cúng Phật.

- Cậu mộ đạo Phật lắm sao?

- Đạo nào cũng dạy làm lành lánh dữ, bởi vậy đạo nào tôi cũng kính hết.

- Cậu nhơn đức quá, hèn chi cậu tính cho ông Ba Lung tớibạc trăm.

Cậu Sáu với Quế vô nhà một chút, thì bà Ba Hạc về tới có ông Ba Lung theo. Bà Ba bước vô nói:

- Anh Ba ra đó, cậu Sáu. Thiệt ảnh nói họ giựt của ảnh chẳn một trăm ba.

Một người đàn ông, quần áo lèn xèn, tóc bạc hơn phân nửa, miệng ngậm trầu, râu le the, mặt buồn bực song bộ mạnh mẽ lòm khòm vô cửa xá cậu Sáu đương ngồi tại bàn giữa. Cậu Sáu đứng dậy chào và mời ngồi. Ông Ba Lung, vì nghe người ta muốn cứu giúp mình, nên trong lòng kiêng nể, ông nhả trầu quăng ra sân rồi ngồi ghé bên cái chõng.

Cậu Sáu nghiêm chỉnh ngó ông hỏi:

- Tôi nghe nói ông đi bán củi về dọc đường bị ăn cướp giựt hết tiền bạc phải hôn? Ông mất hết bao nhiêu?

- Tôi bán 21 thước củi, bán giá 6 đồng rười. Ông chủ lò chén tính tiền trả cho tôi 136,50 đồng. Ba người bạn chèo ghe mượn mỗi người một đồng. Tôi để cho họ 3 đồng đặng mua gạo mua cá ăn mà về. Tôi lên tới chợ Thủ thì xe hơi chạy rồi. Tôi ăn cơm hết 5 cắc bạc. Còn lại chẳn 130 đồng. Tôi tính đi về bộ, may gặp xe bò quen ở Cỏ Trách chở cao su xuống Phú Văn rồi về xe không. Tôi xin giang mà về cho khỏe chân. Đến nửa chiều, xe đương đi thình lình có ba người ngồi dựa mé đường đứng dậy chân xe. Một người cầm súng hai người cầm cây, biểu tôi với người đánh xe bò có tiền bao nhiêu phải đưa hết. Vì trong lưng có tiền nhiều nên tôi sợ chúng giựt hết nên tôi co giò nhảy xuống lộ và chạy và la làng. Một tên cướp xách cây chạy theo tôi, nó quất tôi một cây trúng cánh tay đau quá, tôi muốn ngã. Nó níu tôi đứng dậy rồi lật lưng lấy hết gói bạc. Bọn nó dữ lắm, nó muốn bắt luôn cặp bò. Người đánh xe bò lạy hết gối nó mới thả cho đi. Đây, cánh tay của tôi tới bữa nay mà còn sưng.

- Ông bị giựt bạc tại khúc nào?

- Tại chỗ có cây trắc lớn, người ta kêu là Trắc Sùm đó.

- Tôi không biết Trắc Sùm hay Trắc sụp nào hết, song ngheông là người lương thiện mà bị họa, thì tôi thương. Dày công lao khổ lắm mới có đồng tiền, mà có rồi lại bị người ta cướp giựt, nhiều khi buồn rầu mà chết được, chớ phải chơi sao. Ông già cả, thôi để tôi thường đủ số 130 đồng bạc cho ông.

Ông đừng buồn rầu nghe hôn. Quân gian giựt của ông; tôi ngay mà tôi thường lại cho ông. Chuyện nghe trái đời thật. Nhưng ở đời nầy chuyện nào cũng trái hết, thì chuyện nầy thành ra hợp, chớ không có trái đâu.

Cậu Sáu nói câu sau và nói và cười. Cậu lấy bạc ra đếm 130 đồng mà đưa cho ông Ba Lung.

Ông Ba Lung đứng dậy lấy bạc và xá và nói:

- Cậu thiệt là người nhơn đức, biết thương kẻ nghèo. Tôi vái phật trời phò hộ cậu luôn luôn, cho cậu giàu sang đặng cứu giúp thiên hạ.

Cậu Sáu cười mà đáp:

- Cám ơn ông. Cha chả mà một mình tôi thì làm sao cứu giúp cả thiên hạ cho nổi ông? Thôi, ông về nghỉ. Đừng rầu nữa, mà cũng đừng nói chuyện nầy cho ai biết làm chi.

Mẹ con bà Ba Hạc đứng chỗ cửa xuống bếp mà nghe câu Sáu nói chuyện với Ba Lung. Chừng bà Ba thấy ông Ba

Lung lấy bạc thì bà nói:

- Phật trời thương anh lắm nên mới khiến cậu Sáu vô chơi trong nầy đặng cứu anh đó. Chừng về anh phải ghé chùa Kiến An mà lạy Phật. Nầy, về nhà anh ráng cất bạc cho kỹ, đừng để mất nữa, không lẽ bắt cậu Sáu thường hoài.

Ông ba Lung cười ngon ngoẻn mà đáp:

- Cậu Sáu nhơn đức, nên cậu bố thí, chớ thường giống gì.

Quế ngó trân cậu Sáu một hồi, rồi xây lưng đi bắt gà làm thịt, mặt luôn luôn tươi cười. Bữa nay Phú vô bếp phụ với Quế lo nấu cơm. Phú dành làm gà nhưng tới nấu canh chua, thì Quế không chịu để cho Phú, khoe tài nấu canh chua gà ngon nhứt hạng.

Buổi chiều ông Ba Lung gánh ra cho cậu Sáu một quày chuối cau, một chục củ khoai sáp, một con gà mái với một con vịt tơ, xin cậu Sáu nhậm lễ tạ ơn của ông. Cậu Sáu muốn trả tiền nhưng ông quyết định không chịu lấy, nói rằng ông đi lễ chớ không phải đem bán.

Tuy cậu Sáu dặn ông Ba Lung đừng nói chuyện cậu cứu giúp cho ai biết, song chuyện ấy mẹ con bà Ba Hạc biết, tức nhiên thím Tư Cam cũng biết, rồi người nầy nói chuyền với người nọ, thành thử qua bữa sau cả xứ Đường Long không còn một người nào không biết.

Ban đầu người ta khen lòng nhơn từ và cách hảo hớn của cậu, đến chừng người ta hay cậu vô chùa Kiến An đốt nhang niệm Phật, thì người ta lại đổi lời khen ra lời kính phục, kính người trẻ tuổi mà có Phật tâm, phục người sang giàu mà biết thương kẻ bần tiện. Có người trọng cậu thái quá, trọng đến nỗi cho cậu là "Phật tái sanh", rồi truyền ngôn rằng Phật hiện ra nơi chốn Đường Long để cứu nhơn độ thế.

Hoặc Quế, hoặc bà Ba Hạc, hoặc thím Tư Cam, hễ có dịp thuật chuyện người ta kính trọng cho cậu Sáu nghe, thì cậu ái ngại hết sức, cậu chắc lưỡi cậu suy nghĩ, rồi cậu trách ông Ba Lung không kín miệng. Tuy cậu Sáu không muốn cho người ta biết cậu, song sự không muốn ấy người ta lại coi như đức tánh của Phật, bởi vậy người ta càng kính phục cậu hơn nữa.

Sớm mơi hay là buổi chiều, cậu đi chơi dưới bưng hoặc trên mé rừng, già trẻ gặp cậu thảy đều cung kính chào mừng. Ai có dịp đi chợ cũng ghé hỏi bà Ba coi cậu Sáu có muốn gởi mua thứ gì đặng họ mua dùm cho cậu. Ai có trái cây hoặc khoai củ ngon cũng đem dâng cho cậu ăn chơi, cậu nài trả tiền, không ai chịu lấy.

Cả thảy người ta đều kính phục cậu Sáu, Quế ở trong nhà, có lẽ nào nó lại ơ thờ. Quế cũng kính phục cậu lắm, tận tâm lo phụng sự cậu, cậu cần việc gì Quế cũng làm cho cậu vui lòng, bởi vậy có bữa cậu biểu Quế cho cậu theo ra rẫy giặm dây lang, thì nó vui vẻ vâng lời; mà chiều tối cậu biểu nó dắt cậu vô rừng rập gà hay gài thỏ, thì nó cũng chiều ý cậu, không dùng dằng mà cũng không e lệ chút nào hết.

Cậu Sáu vô Đường Long ở chơi chưa được mấy ngày thì cả vùng nầy ai cũng vui, ai cũng chuộng, trừ ra có một người mà thôi. Người không vui đó là thằng Lực, đứa khật khùng ở đánh xe bò cho bà Ba Hạc. Thằng Lực đi xe củi cho Tư Cu, xe hết rồi nó đã đem xe với bò về vài bữa rày. Nó thấy trong nhà bà Ba bây giờ có hai người đàn ông, nhất là có một chú trai trắng trẻo nghiêm chỉnh, thì nó không vui.

Mà chừng nó thấy chú trai đó được mẹ con bà Ba tưng trọng, chú đi đâu thường có Quế đi theo, thậm chí chiều tối chú vô trong rừng, Quế cũng đi với chú, thì nó lấy làm bất bình, rồi sanh lòng nghi kỵ, giận người ở đâu tới phá đám, oán mẹ con bà Ba trọng đồ lạc chợ trôi sông. Oán giận mà không dám nói ra, mỗi ngày nó cứ dành với thằng Khoa mà cỡi bò đi cho ăn, có lẽ nó tính ôm lòng oán giận vào rừng để than thở với cỏ cây chớ không muốn ở nhà mà thấy những cảnh đau lòng xốn mắt.

Mẹ con bà Ba Hạc không dè nên không để ý đến cử chỉ trái đời của Lực. Cậu Sáu nghe nói Lực có tánh khật khùng thì cậu cũng không muốn nói chuyện với nó. Duy có Phú, người theo hầu hạ cậu Sáu, Phú cứ theo lân la với Lực và Khoa.

Hễ rảnh việc cơm nước rồi thì Phú hay thả đi chơi, mà chẳng đi đâu khác hơn là đi kiếm coi Lực thả bò ăn lối nào, rồi có khi lại gần nói chuyện chơi với Lực, có khi ngồi dưới bóng cây xa xa mà ngó mây, ngó suối, ngó Lực, ngó bò, dường như người hiền thưởng thức thú lâm viên, hay là đứa ngu biếng nhác lánh công việc.

Khi đến nhà bà Ba Hạc, thì cậu Sáu xin ở đậu vài ngày đặng cậu nghe cu kêu, hưởng nhàn thú. Mà ở đây đã hơn nửa tháng rồi, cậu chưa nói tới chuyện đi về. Còn mẹ con bà Ba, vì kính trọng, mà cũng vì mến, nên chẳng hề nhắc tới chuyện ấy. Có phước mới rước được khách quí vào nhà, làm cho khách quí đi rồi thì làm sao mà tìm lại được. Có đêm bà Ba nằm suy nghĩ, bà lo sợ cậu Sáu đi, nên bà tính kiếm cho biết coi tại sao cậu Sáu quyến luyến ở xứ nầy.

Tại cậu mê con Quế, nên cậu không đành lìa nó mà về, phải hôn? Không có lẽ vậy. Cậu tử tế với mẹ con mình thiệt. Mình nghèo hèn mà cậu không khinh khi. Đối với con Quế, thì coi bộ cậu mến nó. Nhưng chẳng bao giờ cậu có tỏ một lời chọc ghẹo nó.

Dầu đi bên cậu, hay đi giặm khoai, dầu đi rập gà hay đi gài thỏ, luôn luôn cậu giữ thái độ chỉnh tề đoan chính, không lả lơi ngả ngớn, không ghẹo nguyệt trêu hoa. Lại nào phải con Quế có sắc có tài như Dương Ngọc đâu mà rù quến được Thái Tử. Hay là cậu uất về việc nhà sao đó nên cậu không chịu về? Mình không biết gia đạo của cậu nên mình không đoán được việc đó. Hay là cảnh lâm viên làm cho cậu say mê, nên cậu quên hết cửa nhà cha mẹ?

Để nhớ lại coi hơn nửa tháng nay cậu Sáu vui chơi cách nào, vui chơi đến nỗi quên về. Bữa nào cũng vậy, hễ khuya thì cậu dậy sớm, mà dậy rồi thì cậu đi ra ngoài, không biết đi đâu, đi cho tới mặt trời lên cao cậu mới trở về.

Con Quế có đi làm rẫy thì cậu theo nó mà chơi, đến trưa mới về ăn cơm. Cậu không ngủ trưa, hễ ăn cơm rồi thì cậu cứ nằm coi cách cho đến xế cậu mới rủ con Quế đi xuống bưng hoặc đi ra rẫy.

Nửa chiều thì cậu bắt con Quế đem bẫy rập theo đi vô rừng với cậu đặng kiếm chỗ gài thỏ, rập gà, có bữa ở đến tối mò mới về. Thỏ hay gà một hai khi bắt được, mà nhiều bữa bắt không được. Tuy vậy mà cậu không mòn chí, bữa nào cũng lò mò đi gài bẫy, rập hoài. Chơi như vậy cậu vui lắm hay sao, nên chơi hoài, quên nhà quên cửa?

Chú Quí vác đồ cho cậu lại đây hôm trước, hễ đôi ba ngày thì chú có trở lại một lần, chú nói bây giờ chú làm mướn ở phía ngoài, nên chú vô thăm cậu Sáu là người đồng hương của chú. Hễ có Quí đến thì cậu Sáu nói chuyện một chút rồi rủ Quí đi chơi, đi một hồi rồi cậu Sáu trở về một mình, nói Quí đã đi về luôn rồi. Đi chơi với Quí có thú vui gì hay không? Mình không có đi theo, nên việc đó mình không hiểu được.

Bà Ba Hạc nằm suy nghĩ đủ điều, mà bà cũng không hiểu trí ý của cậu Sáu được. Quen tánh chất phác, bà suy nghĩ không ra thì thôi, bà không cần phải nhọc trí mà tìm tòi nữa. Cậu Sáu không tính về mà bà lo nỗi gì? Không biết chừng cậu xin ở đậu vài tháng mà bà nghe lộn, nên bà tưởng vài bữa. Bây giờ cậu ở luôn cho tới mãn năm, chắc bà cũng sẵn lòng, thiệt như vậy.

Cách ít ngày sau, một buổi trưa, Quí vô thăm cậu Sáu, khoe ở xóm gần cầu có một đám bông vải họ trồng lên mạnh lắm và rủ cậu đi coi. Cậu Sáu đi bữa nay cậu lại biểu Phú đi theo nữa.

Ba người đi ngã rừng, chớ không đi theo bưng. Đến nửa chiều, Phú trở về một mình, nói cậu Sáu biểu về lo nấu cơm chiều và về kêu Quế đem bẫy cho cậu gài thỏ, cậu ngồi đợi Quế chỗ cây dầu ngã.

Bà Ba hối Quế đi liền kẻo cậu Sáu trông. Quế vác bẫy vô chỗ cây dầu ngã. Thiệt quả cậu Sáu đương ngồi chờ tại đó, cậu khoanh tay ngồi bên gốc cây dầu, sắc mặt buồn hiu. Quế đi gần tới thì ngó cậu mà cười trong lòng hân hoan nên lộ ra mặt tươi rói. Cậu Sáu chỉ dưới đất biểu Quế ngồi, bộ rất nghiêm chỉnh. Quế dụ dự ngó cậu như muốn hỏi cậu ngồi làm chi. Cậu Sáu chậm rãi nói:

- Bữa nay qua có chuyện không vui. Em ngồi đặng qua nói cho em nghe.

Gần một tháng nay, hễ nói với Quế thì cậu Sáu xưng "tôi" và kêu Quế bằng "cô". Hôm nay cậu đổi mà dùng tiếng "qua" và tiếng "em", hai tiếng ấy làm rung động cả tâm hồn Quế, nên Quế biến sắc, trong lòng nghi ngại, sợ, lo lộn xộn.

Quế quăng bó bẫy trên đám chồi, thủng thẳng ngồi xuống, ngồi chồm hổm trước mặt cậu Sáu. Cậu chong mắt nhìn Quế, nhìn mà không nói chi nữa hết. Quế không dám ngó cậu, cúi bẻ chồi bên chân, miệng chúm chím cười, cái cười thơ ngây động trên gương mặt thiệt thà mà rực rỡ.

Cậu Sáu lặng thinh ngồi ngắm đóa hoa rừng một hồi, rồi cậu lắc đầu mà nói:

- Chắc nay mai qua sẽ xa em, không biết xa rồi có gần lại được nữa hay không. Qua gặp em, trời xuôi khiến qua đem lòng thương em, qua thương như qua thương sự sống của qua vậy. Khoảng đời của qua gần một tháng nay là khoảng đời vui vẻ sung sướng, khỏe khoắn, an ổn nhứt, thuở nay qua chưa được biết. Qua muốn kéo khoảng đời nầy ra, cho thiệt dài, đặng luôn luôn sống một bên em, không thèm nhớ tới nhân tình thế sự. Ngặt qua thiếu phước, nên Phật Trời cho qua hưởng sung sướng một chút mà thôi, không để qua hưởng lâu. Vậy trong giăng rừng Đường Long nầy đã quen mặt qua và bên cây dầu ngã đây chứng nhận lời qua, bữa nay qua nói cho em biết rằng dầu qua đi, song luôn luôn em ở trong tâm trong trí qua, chắc chắn không giây phút nào qua quên em được.

Cậu Sáu không nói nữa. Quế liếc mắt dòm cậu thấy hai hàng nước mắt chảy dài xuống gò má cậu. Quế cũng khóc, đưa cánh tay quẹt nước mắt và thỏ thẻ hỏi:

- Cậu đi đâu.

Cậu Sáu châu mày dụ dự rồi thở ra mà đáp:

- Có biết đi đâu mà nói.

Quế nói tiếp:

- Vậy mà tôi tưởng cậu về nhà chớ.

Cậu Sáu ngó sửng Quế, ngó chớ không nói nữa. Quế thỏ thẻ:

- Như cậu còn đi chơi nữa, thôi cậu nói với má tôi đặng dắt tôi theo nấu cơm cho cậu ăn.

Cậu Sáu thở một hơi dài rồi lắc đầu đáp, đáp lớn:

- Không được... Không thể được... Qua không nên làm khổ cho thân em.

Quế khóc, bây giờ khóc rấm rức, nước mắt nước mũi chàm ngoàm. Cậu Sáu lấy cái khăn trắng trong túi ra vói lau mặt cho Quế rồi cậu đứng dậy, nắm cánh tay Quế kéo đứng lên, và kéo và nói:

- Qua bậy lắm!... Nói làm chi cho em buồn...Qua ở đây, ở với em không đi đâu hết. Thôi, em vui đi đừng buồn nữa.

Quế ngó cậu và cười. Cậu buông cánh tay Quế mạnh dạn bước lại bụi chồi gom ôm nắm bẫy và nói:

- Thôi, hai đứa mình đi kiếm chỗ mà gài bẫy. Trời gần tối rồi.Vái trời đêm nay cho bắt được vài con thỏ làm thịt ăn chơi.

Cậu Sáu hăm hở tránh bụi, tuông chồi mà đi, Quế níu cánh tay cậu mà đi theo dường như sợ cậu đi lạc mất, chân bước gọn gàng, mặt mày hớn hở. Mặt trời chiều chói ngọn cây sáng lòa. Cặp cu đất đậu trên nhánh cây sến tiếp hơi nhau mà gáy cù cú cu, tiếng thảnh thơi, trong trẻo, hòa nhã, nồng nàn.

Trong lúc cậu Sáu với Quế dắt nhau đi kiếm chỗ gài bẫy, Phú ở nhà lui cui trong bếp lo bữa cơm chiều. Một người bước vô sân, Con chó mực xông ra đón sủa, Phú đứng dậy gọn gàng, mắt chăm chú ngó người vô đó không biết là ai, hổm nay chưa thấy tới nhà bà Ba lần nào.

Bà Ba lại cửa đứng la chó và hỏi:

- Cậu đi đâu? Có chuyện chi hay không?

Phú biết bà Ba không quen với người ấy, Phú bước lại đứng dựa vách, kề mắt vào lỗ trống mà dòm lên nhà trên.

Người ấy vô nhà, mắt dớn dác ngó cùng trong nhà và ngó và nói:

- Tôi làm củi phía sau đây. Tôi nghe nói dì có xe bò nên ra hỏi mướn xe củi ít bữa.

- Có Tôi có một cái xe, hỗm nay để bò nghỉ nên không xe cho ai.

- Vậy thì dì để cho tôi mướn, được lắm?

- Được. Xe từ đâu ra đâu?

- Từ rừng cúp sau đây ra Bến Súc.

- Xa dữ! Lóng nầy xe mỗi thước 2 đồng 8, xe nào cũng vậy.Cậu bằng lòng giá đó hay không? Chớ chi xe ra cầu Xi-nô thì rẽ hơn.

- Không. Tôi mượn xe ra Bến Súc đặng chở cho tiện. Dì bớt chút đỉnh không được hay sao dì?

- Hổng được. Cậu đi mướn chỗ khác thử coi, ai cũng xe giá đó hết.

- Được! Tôi chịu mướn.

- Chừng nào khởi sự chớ?

- Khuya nay. Dì biểu xe ra cho sớm đặng tôi chỉ chỗ một lần cho người đánh xe biết mà xe.

Lực đuổi bò về. Bà Ba kêu nó vô mà dặn đêm nay phải cho bò ăn no đặng khuya đi chở củi. Lực hỏi chở củi chỗ nào.

Người mướn xe nói:

- Khuya anh đem xe vô đường Kiểm Lâm rồi tôi sẽ chỉ chỗ cho anh chở. Tôi chờ anh ở đó. Hễ sao mai mọc thì anh đi, vô đó sẽ có tôi.

Người ấy từ giã trở ra sân. Lực đi ra chuồng bò. Người ấy đi theo Lực, đứng ngó bốn con bò, nói chuyện với Lực ít câu rồi đi. Phú lên nhà trên hỏi bà Ba:

- Ai đó bà Ba?

- Tôi không biết. Chắc là người ở đâu ngoài Bến Súc, họ đấu giá rừng cúp rồi vô ở đây làm củi.

- Tôi coi dường như Lực biết người đó.

- Ừ, có lẽ nó biết. Nó đi xe củi hoài, tự nhiên nó biết mấy người làm củi.

Đến tối mò cậu Sáu với Quế mới về tới nhà, Quế nói nói cười cười, bộ vui vẻ khác thường, còn cậu Sáu thì vẫn nghiêm nghị như hổm nay, nhưng nếu ai có tài quan sát tinh đời, thì sẽ thấy trong cặp mắt cậu có vẻ lo ngại nhiều ít.

Ăn cơm tối rồi cậu Sáu ra sân ngồi trên khúc cây khô dưới tàn cây đu đủ mà hứng gió. Mùng ba trăng lưỡi liềm chen lặn, sao trên trời tứ giăng nên sân không tối lắm. Quế ra vô lăng xăng dường như cố ý thăm chừng cậu Sáu.

Dọn dẹp xong rồi, Phú cũng ra sân, lại ngồi chồm hổm trước mặt cậu Sáu mà nói chuyện nho nhỏ. Cách một lát, cậu Sáu vô nhà và lên ván nằm êm. Phú vẫn ở ngoài sân, ở cho tới chừng mẹ con bà Ba đi ngủ mà Phú cũng chưa vô.

Đến khuya cậu Sáu thức dậy rọ rạy một chút rồi đi ra ngoài. Quế nhè nhẹ bước xuống giường đi rửa mặt rồi ra giếng xách nước. Quế không dòm thấy có Phú nằm trên chõng mà cũng không thấy Phú ở chỗ nào, chỉ thấy dạng cậu Sáu ngồi êm trên khúc cây khô như hồi hôm ngồi bên gốc cây đu đủ. Lực ngủ ngoài chuồng bò nó dậy cho bò uống nước rồi mắc một cặp bò vào xe mà đánh đi, tiếng xe kêu lét két. Xe đi gần cái giếng, Lực thấy Quế đương xách nước thì kêu mà nói:

- Quế, ở nhà ráng chơi nhé, chơi cho vui, chơi riết đi...

Quế không thèm trả lời, mà cũng không thèm nghĩ tới ý nghĩa mấy câu dặn dị kỳ ấy. Xe đi vừa khuất thì cậu Sáu đứng dậy ngó vòng bốn phía rồi thủng thẳng nhẹ bước đi vòng sau hè. Quế buông cái gàu lật đật đi vòng phía nhà bếp mà ra hè dường như muốn chận đường cậu Sáu. Nó thấy cậu đương băng ngang qua mấy liếp mía mà vô mé rừng thì nó chạy theo kêu hỏi nho nhỏ:

- Cậu đi đâu đó cậu Sáu? Đi thăm bẫy hả? Đợi tôi đi với.

Cậu Sáu đứng khứng lại, day ngó Quế lố dạng mờ mờ giữa cảnh trời khuya xám xám. Đi tới, Quế vui vẻ nói:

- Bữa nay chắc có thỏ mắc bẫy, để tôi theo tôi bắt.

Cậu Sáu đứng lặng thinh, dụ dự. Quế đưa tay xô cậu nhè nhẹ và nói:

- Câu đi trước đi...

- Qua muốn em ở nhà.

- Không. Để tôi đi với. Trời còn tối, cậu đi một mình trong rừng, cậu lạc đường à.

Cậu Sáu cương quyết nói:

- Thôi, muốn đi thì đi.

Hai người đi vô rừng.

Ở chân trời hướng đông đã đâm mây ngang hừng sáng. Trên nhành chim thức dậy nói chuyện líu lo. Trót một đêm tăm tối im lìm, bây giờ cảnh vật dường như mở mắt sống lại.

Trên đường xe bò từ nhà bà Ba Hạc vô rừng cấm bây giờ lại có tiếng xe đi lét két, xe ở trong rừng đi trở ra bưng, trên xe có tiếng nhiều người nói chuyện lào xào. Xe ra ngang nhà bà Ba thì ngừng. Chín mười người trên xe chen nhau nhảy xuống đất, người mang súng người cầm cây, bộ hăm hở dữ tợn. Họ áp bao chung quanh nhà bà Ba Hạc, rồi một người đứng giữa sân tay cầm súng chỉ ngay vô cửa và kêu và nói:

- Ai ở trong nhà thức dậy ra đây coi nào. Ra hết đây. Ra mau mau.

Mấy người khác tiếp kêu om sòm, tiếng kêu rất cứng cỏi, mạnh mẽ. Bà Ba Hạc đương ngủ, bà giựt mình, rờ không có Quế, bà gọn gàng bước xuống đất rồi xông ra cửa. Trời sáng mờ mờ, bà thấy nhiều người đứng trước sân, bộ muốn làm dữ, thì bà kinh hãi, đứng run lập cập.

Một người nạt lớn:

- Bà già sao đứng đó? Kêu hết trong nhà ra đây cho mau.

Bà Ba dòm chỗ thầy trò cậu Sáu ngủ, bà không thấy ai hết, trong nhà vắng hoe, bà nói:

- Đi đâu mất hết. Có một mình tôi chớ có ai nữa đâu?

Một người nói:

- Bà có chứa hai thằng ăn cướp, bà đừng lẽo lự. Bà ra đây coi nào. Áp vô xét nhà đi. Ai ở phía sau coi chừng nghe hôn.

Bà Ba rón rén bước ra sân, mặt mày tái mét. Ở trong có tiếng nói:

- Thiệt không có ai hết. Kiếm kỹ rồi. Trong bồ lúa hay dưới giường, dưới ván chỗ nào cũng coi rồi. Không có.

Ở ngoài hỏi:

- Có đồ đạc còn đó hay không?

Ở trong đáp:

- Không. Ván chõng đều trống trơn.

Người đứng giữa sân ra lịnh nãy giờ đó xông vô nhà, bổn thân đi thâu đi kiếm nữa, rồi trở ra nói:

- Chắc có ai thông tin nên chúng nó biết mà trốn đi trước chớ gì. Đâu kêu tên Lực đánh xe bò vô đây coi.

Lực xăm xăm đi vô sân. Bà Ba chưng hửng. Té ra thằng Lực chở người ta đến vây nhà chủ nó! Bà Ba rất ngao ngán. Người lại mướn xe bò hồi chiều hôm qua nhảy ra thộp ngực Lực mà hỏi:

- Sao mấy thông tin cho bọn ăn cướp trốn mất vậy hử?

- Trời ơi! Tôi dại gì mà thông tin. Tôi ghét tụi nó lắm, nhứt là thằng nhỏ kêu là "cậu Sáu" đó nên tôi mới mách đặng bắt nó chớ. Người ta nói tôi khùng hứ! Tôi dễ khùng đâu, tôi khôn lắm chớ. Hồi tôi đánh xe đi tôi thấy con Quế đương xách nước, lại có dạng một người ngồi dựa gốc đu đủ in là cậu Sáu. Chắc nó mới rút vô rừng chồi ở sau đây. Mấy ông ruồng mau mau chắc bắt được.

- Chắc mầy mới thấy thằng kêu là "cậu Sáu" phải hôn?

- Phải.

- Thôi, vài người ở giữ bà già… nầy… còn bao nhiêu rã vô rừng ruồng kiếm. Đi cho mau bớ anh em. Ai bắt cho được cậu Sáu đó thì công lớn lắm.

Bảy tám người cằn cây mang súng đi vô rừng, ai cũng hăng hái nặng nhẹ. Trời đã sáng rồi hai người còn lại mới dắt bà Ba Hạc vô nhà ngồi chờ mấy người kia. Một người hỏi bà Ba:

- Sao bà dám chứa đầu đảng của bọn cướp Trắc Sùm trong nhà bà cả tháng nay vậy?

- Tôi có biết đâu. Ai đầu đảng?

- Thằng kêu là Cậu Sáu đó!

- Hứ, có lẽ nào, cậu Sáu nhơn đức tử tế lắm mà.., chẳng tin hỏi thử hết thảy xóm này mà coi.

- Bà lầm. Mà xóm này cũng đều lầm hết thảy. Nó là thằng dữ tợn cầm đầu bọn côn đồ sai khiến chúng giựt đồ, cướp của giết người không có cái án nào mà nó chừa. Có tờ tập nã nó mấy tháng nay, hễ bắt được nó thì chắc chắn nó bị xử tử.

- Trời ơi? Tôi đâu có dè đâu. Vậy mà nói là học trò, con của nhà giàu có sang trọng ở trên Châu Đốc chớ.

- Ừ, phải nói như vậy, mới ẩn mặt được chớ!

- Trời đất ơi! Tôi thiệt thà, tôi tin người ta cũng thiệt thà như tôi nên tôi phải mang họa, khổ chưa?

- Không, bà là người quê mùa khờ dại, chắc người ta nghe,xét tình ngay mà châm chế cho bà.

- Mô Phật, lòng tôi ngay thẳng. Xin Phật Trời làm chứng dùm cho tôi.

Một tiếng súng nổ trong rừng. Hai người ở giữ bà Ba liền đứng dậy nhìn nhau mà nói:

- Rồi… chắc gặp nó nên bắn nó chớ gì.

- Phải chi mà bắt sống nó mới tài chớ bắn nó có giỏi gì đâu?

- Không biết chừng nó nổ súng chống cự. Nghe nói nó có súng thì nó giết mình còn gì? Quân đó hễ gặp thì bắn nhầu cho nó chết, để làm chi.

- Tôi không đồng ý với anh về khoản đó.

- Tôi tiếc quá, hồi nãy tôi không dành mà đi. Để ngồi chông ngốc mà chờ như vầy, thiệt là khó chịu hết sức!

- Anh đi, anh chắc làm được hay sao?

- Hễ tôi gặp nó thì tôi hạ liền, chạy đâu cho khỏi?

- Anh chắc chắn như vậy?

Nghe tiếng người ta hú hí và nói rang trong rừng, hai người đi ra phía sau hè đứng ngó. Bà Ba có thằng Lực cũng đi theo, bà Ba nói nhỏ với Lực:

- Mầy đó nhe. . . mấy là đồ phản chủ, mầy độc ác lắm.

Cách một lát sau có hai người khiêng một người, chân tay lòng thòng ở trên rừng đem ra. Mấy người khác đi theo, hai bên nói cãi với nhau om xòm. Hai người đứng chờ sau hè liền áp ra đón coi. Bà Ba cũng đi ra thì không thấy con Quế mà bà ngó người nằm cho họ khiêng, mặc đồ đen,.tức nhiên cũng không phải là cậu Sáu. Bà vuốt ngực nói lầm thầm:

- Nam mô A-di-đà Phật.

Hai người ở nhà kêu hỏi mấy người đi:

- Hạ được thằng đầu đảng rồi hả?

- Không. Nó dông rồi, bắt không được.

- Vậy chớ khiêng ai đó?

- Tụi mình.

- Sao vậy?

- Bị nó bắn chớ sao.

- Trời! Sao không bắn nó, lại để cho nó bắn?

- Anh nầy ảnh gặp nó, ngặt ảnh không có súng, lấy gì mà bắn.

- Tức quá! Phải hồi nãy tôi đi thì nó không thoát khỏi tay tôi.

Nó bắn trúng nặng hôn?

- Trúng cánh tay. Ra máu nhiều, nhưng không sao, ảnh tỉnh táo như thường.

- Mấy anh thiệt là dở.

- Thôi đi cậu. Đừng có nói phách. Nó lanh lẹ lắm, bắt nó không phải dễ đâu.

Người ta khiêng luôn bịnh nhân vô nhà, để nằm dài trên cái bàn giữa, rồi lấy khăn bó chặt chỗ vết đạn. Người đứng giữa sân mà chỉ huy hồi khuya, bây giờ mang cây súng trên vai, bước lại rờ trán người bịnh và hỏi:

- Em khỏe hôn?

- Thưa, khỏe... Khát nước quá.

- Ý! bị đạn, không nên uống nước. Phải ráng mà chịu. Em gặp nó chỗ nào? Gặp sao không kêu la, lại xốc vô làm chi mà bị nó bắn?

- Tôi không thấy nó cầm súng, nên tôi mới tính dùng roi mà hạ nó.

- Nó cầm súng, ở xa nên em thấy sao được. Gặp chỗ nào?

Đâu em nói sơ nghe coi.

- Tôi cặp nách cây roi đi tới chỗ cây sao lớn đó, tôi thấy có hai người đang ngồi dựa gốc sao. Tôi muốn kêu mấy bà con. Nhưng sợ động nó dông đi mất đi. Tôi mới núp mà chuyền bụi nầy qua bụi kia, tính đi vòng ra phía sau rồi lén lại gần mà quật hết hai đứa. Chẳng dè chúng nó thấy tôi. Hai đứa đứng dậy hết, một thằng trai và một đứa gái. Đứa gái có xách con thỏ. Chúng nó ngó tôi hườm hườm. Không cần phải núp lén nữa, tôi vụt la lên cho bà con hay, và la và nhảy riết tới tính đánh bắt nó, kẻo nó chạy. Hai đứa cứ đứng đó, đứng khít nhau. Chừng vừa lằn roi, tôi mới huơi roi mà đánh. Đứa gái thiệt lớn gan. Nó vụt con thỏ vô mặt tôi rồi a tới đưa tay quyết bắt roi. Thằng trai một tay níu đứa gái lại, còn một tay đưa ngay tôi. Ngọn roi tôi chưa xuống thì nghe một tiếng bùm, tôi buông roi, té ngửa. Chừng ấy tôi mới hay nó có súng. Việc ấy xảy ra lẹ như nháy mắt. Tuy ngã, mà tôi thấy hai đứa nó chạy, đứa gái chạy trước dẫn đường, thằng trai chạy sau phòng thủ. Chừng mấy bà con áp lại, thì chúng nó chạy mất đã lâu rồi.

- Thôi, bây giờ phải chở liền em ra nhà thương đặng múc đạn và băng bó. Mấy người biểu quay xe bò lại, lót đồ cho êm, rồi khiêng bịnh ra. Làm mau, mau đi.

Người ấy kêu hỏi bà Ba Hạc:

- Bà già kia, bà chứa trong nhà mấy đứa?

- Có hai người lại xin ở đậu hổm nay đó thôi.

- Hồi khuya nầy chúng nó đi đâu?

- Cái đó thiệt tôi không biết. Hồi đầu hôm, tôi đi ngủ, thì còn đủ hai người. Tôi ngủ rồi họ lén đi hồi nào tôi không hay.

- Đồ đạc của chúng nó đâu?

- Hổm nay họ để trên cái chõng kia. Họ đem đi đâu hồi nào tôi cũng không biết. Hồi khuya mấy ông vô, tôi còn ngủ đó, không thấy sao?

- Còn đứa con gái nào xách thỏ đi với thằng trai đó.

- Tôi không thấy thì tôi có biết ai mà nói.

- Bà chứa ăn cướp nên phải bắt bà.

- Tội nghiệp tôi quá. Tôi có dè ăn cướp đâu mà mấy ông bắt tôi.

- Ra ngoải rồi sẽ đối nại.

- Tôi đi rồi nhà cửa, đậu khoai ai coi?

- Ồ! Bà đi thì để đó, rồi trưa chiều thằng đánh xe bò nó trở về nó coi.

- Thằng khùng đó mà giao cho nó, thì càng thêm khổ. Nó đốt nhà chớ phải chơi sao.

Bịnh nhân đã khiêng để nằm trên xe rồi. Bà Ba Hạc thấy thằng Khoa đứng ngoài chuồng bò, bà kêu mà dặn nó coi nhà rồi bà lên xe đi với họ. Xe ra khỏi sân, bà thấy có thím Tư Cam đương đứng gần đám đậu, bà gởi luôn nhà cửa, bò xe, đậu khoai cho thím, cậy thím gìn giữ dùm. Thím gật đầu. Xe đi khỏi rồi thím vô nhà bà Ba kêu thằng Khoa mà chỉ cho nó dọn dẹp trong nhà, thím quản xuất cũng như chủ nhà vậy.

Đến chiều thằng Lực đem xe bò về. Nó thấy thím Tư Cam ở trong nhà, bộ nó không vui, nhưng hồi sớm mơi bà Ba cậy thím Tư trước mặt nó, nên nó buồn mà không dám nói ra.

Sáng bữa sau Lực đuổi bốn con bò đi ăn. Đến trưa bò tự nhiên trở về chuồng, mà không có Lực về. Luôn mấy bữa rày Lực biệt tích, hỏi thăm thì không ai thấy mà chỉ.

Việc xảy ra ở nhà bà Ba Hạc làm náo động cả vùng Đường Long mấy bữa rày. Người ta lấy làm lạ mà hay cậu Sáu nhơn từ nho nhã, lễ nghĩa đó là đầu đảng của bọn cướp vùng Trắc Sùm.

Người ta lại không lấy làm lạ mà hay con Quế, một đóa hoa rừng tươi tốt, nặng tình với cậu Sáu, trong cơn dông gió dám hy sinh tánh mạng đặng bảo hộ tình lang. Người ta đoán bà

Ba Hạc vì thiệt thà quê dốt nên bà lầm lỗi, chớ không phải bà cố ý chứa kẻ bất lương, bởi vậy có lẽ bà khỏi tội. Người ta nghi thằng Lực khùng, vì nó muốn hại cậu Sáu, nên nó bị bọn cướp Trắc Sùm bắt cóc mà trả thù, chớ không phải nó trốn đi đâu hết.

Ông Ba Lung thuật hết chuyện nầy cho chúng tôi nghe, ông pha cho chúng tôi mỗi người một tô trà quế bọt vun chùm nữa, rồi ông vuốt râu chúm chím cười mà kết luận:

- Trong chuyện nầy người nào cũng trái đời: Bà Ba Hạc thiệt thà đạo đức mà bà lại chứa đầu đảng ăn cướp. Tôi bị ăn cướp giựt bạc. Đầu đảng lại bồi thường đủ số cho tôi. Con Quế, là một đóa hoa rừng, mà nó lại nặng tình với một tên cường khấu. Đầu đảng ăn cướp mà lại biết lễ nghĩa, kính Phật trời, được gái yêu được người trọng. Thằng Lực khùng khịu mà lại kêu đòi, muốn kết tóc với gái xinh, muốn không được rồi sanh tâm hại nhơn, phản chủ.

Trái đời hết thảy!

Vĩnh Hội, 17 Septembre 1944.

 

Bài liên quan
  • BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhiên cất tiếng hát "Ơi chàng ơi chim có bạn có bầy, thuyền có bến có sông sao lại để em năm canh gối chiếc chăn đơn đợi chàng... "
  • HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Hai người bạn là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, in trong tập truyện ngắn Hạnh, Đời nay xuất bản năm 1940.
  • CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Vũ Bằng hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực báo chí từ những năm 1930-1940 khi tuổi đời còn rất trẻ. Ông là chủ bút tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy, thư ký tòa soạn tờ Trung Bắc Chủ Nhật khi mới hơn hai mươi tuổi. Khi Nhật-Pháp so kè với nhau chiếm nước ta, dưới áp lực kinh người của những kẻ xâm lược, Vũ Bằng vẫn giữ tư thế của tờ Trung Bắc Chủ Nhật là phục vụ người Việt, vì quốc gia dân tộc, khiến cả chính quyền Pháp và Nhật đều phải kiêng nể.  Trước 1945, Vũ Bằng nổi tiếng trong việc giúp đỡ các nhà văn khác cả tiền bạc lẫn kinh nghiệm viết lách. Rất nhiều nhà văn nhận những lời khuyên của Vũ Bằng sau này đều trở thành những nhà văn lớn của Việt Nam. Thế nhưng, một thời gian dài kể từ khi Vũ Bằng di cư vào Nam năm 1954, các tác phẩm của ông biến mất không còn dấu vết, không được nhắc tới trong nhà trường, bị đưa vào danh mục cấm do cái tiếng "dinh tê, về thành", nhà văn "quay lưng lại với Kháng chiến"... gây ra. Ông lâm trọng bệnh và mất ở TP. Hồ Chí Minh năm 1984 trong cảnh vô cùng túng thiếu. Mãi sau này, ông mới được minh oan rằng không phải ông quay lưng với kháng chiến mà là ông đã nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật trong giới trí thức nội thành từ năm 1952 và vào Nam năm 1954 theo lệnh của tổ chức. Tháng 3 năm 2000, Cục Chính trị thuộc Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có văn bản xác nhận nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo.
  • ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ hàng đầu của Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX, sức ảnh hưởng của Xuân Quỳnh lớn tới nỗi Google từng vinh danh bà trên trang chủ của họ vào năm 2019. Là nhà thơ nên tất nhiên bà nổi tiếng về thơ và hầu như khó tìm được ai không biết bài Thuyền và Biển của bà. Nhưng Xuân  Quỳnh cũng viết văn và viết rất nhiều truyện cho thiếu nhi, truyện Ông nội và ông ngoại dưới đây là một trong số đó.
  • LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Lời Nguyền là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, viết về quãng thời gian ông bị thực dân Pháp bắt tại Hà Nội (1941) và đưa lên giam giữ tại trại giam Vụ Bản, Châu Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình. Truyện được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc cuối cùng của nhà văn Khái Hưng. 
  • CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mưỡu Cuối được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1946, đặt làm Phần cuối và đem đi xuất bản ở Quốc Văn với tên Chùa Đàn. Với Tâm sự của nước độc, Nguyễn Tuân băng băng trèo lên đỉnh đèo văn, còn với Chùa Đàn, ông bồng bềnh trôi, chưa mỏi gối nhưng đã không còn đỉnh đèo nào để leo nữa.
  • CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần II của Chùa Đàn, được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1945 có tên Tâm sự của nước độc. Truyện có phần đề từ lấy trong Chữ Nhàn, một bài hát nói của Nguyễn Công Trứ; “Ai hay hát mà ai hay nghe hát”. Trong Chùa Đàn, truyện được sắp xếp thành phần II. Nhà văn Khái Hưng và một số nhà văn khác cho rằng, (việc) Nguyễn Tuân viết thêm Dựng và Mưỡu Cuối, đã làm hỏng mất sự toàn bích một tác phẩm tuyệt mỹ.
  • CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chùa Đàn được xem là tác phẩm hội tụ những gì tinh hoa nhất của nhà văn Nguyễn Tuân do Quốc Văn xuất bản năm 1946 tại Hà Nội. Chùa Đàn bắt đầu từ truyện ngắn Tâm sự của nước độc trong loạt truyện kinh dị Yêu Ngôn ông đăng trên các báo thời bấy giờ. Đến năm 1946, để phù hợp với diễn biến thời cuộc, ông viết thêm hai phần bổ sung, đặt làm phần Một và Ba, Tâm sự của nước độc trở thành phần Hai của tác phẩm.
    Dù là tác phẩm hay nhất của Nguyễn Tuân, nhưng Chùa Đàn đã bị đánh giá thấp do các yếu tốc ma quái kì dị đầy màu sắc tâm linh của nó. Kể từ lần in năm 1946 và sau đó được Tân Việt tái bản ở Sài Gòn* năm 1947, đến tận năm 1981, Chùa Đàn vẫn không được nhà xuất bản đưa vào tuyển tập của ông. Điều này đã khiến Nguyễn Tuân buồn bã đến nỗi; "Tôi tiếc cái Chùa Đàn quá. Họ cắt cái Chùa Đàn khỏi tuyển tập này, cũng giống như cắt cái gan ra khỏi bụng tôi".
    Đến năm 1999, Chùa Đàn mới được in trở lại trong tập Yêu Ngôn do nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh thực hiện. Ngày nay Chùa Đàn không những đã được xuất bản, mà còn được chuyển thể sang nhiều loại hình nghệ thuật khác như kịch nói, cải lương, phim điện ảnh. Ở mảng điện ảnh, Chùa Đàn được dựng thành bộ phim khá nổi tiếng Mê Thảo – thời vang bóng do đạo diễn Việt Linh thực hiện.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần cuối của Ngõ lỗ thủng, tác phẩm dựa trên những ký ức, sự kiện và nhân vật có thật của nhà văn Trung Trung Đỉnh, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ngõ lỗ thủng của Trung Trung Đỉnh dựa trên ký ức của những sự kiện, nhân vật có thật của chính nhà văn, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.