chan_dung-ke_si

MỘT NỬA SỰ THẬT - truyện ngắn Phạm Thị Ngọc Liên

15-09-2023

Lượt xem 1777

Đánh giá 1 lượt đánh giá

Chia sẻ

  truyện ngắn hayPhạm Thị Ngọc Liên

MỘT NỬA SỰ THẬT - truyện ngắn Phạm Thị Ngọc Liên

Phạm Thị Ngọc Liên

 

Thật ra những đứa trẻ ấy không được ra đời. Chúng hẳn đã đi đầu thai trở lại sau những lần bà mẹ trẻ của chúng che nón bước vào bệnh viện và bước ra với gương mặt xanh xao vì mất máu. Chỉ còn một đứa trẻ. Một đứa gái da trắng, tóc dài, môi đỏ, đôi mắt có ánh nhìn đen thẫm như mắt anh và hàng mi dày rậm như cánh bướm của cô.

Con bé luôn về trong giấc mơ của cô với gương mặt phụng phịu. Đôi khi nó còn hỏi cô những câu lếu láo: "Bao giờ thì mẹ mới thôi tin ba?". Hình như cô chẳng trả lời được gì cả, cô bận nhìn sững gương mặt của nó mà tưởng đó là gương mặt anh thời tuổi nhỏ.

Mỗi năm, con bé một lớn dần lên. Nó càng có vẻ giận hờn cô hơn mỗi lần trở về thấy áo gối cô ướt đầm nước mắt. Cô thì mỗi ngày một già hơn trong thân phận đàn bà giấu giếm. Dáng đi của cô mất hết vẻ cao ngạo, sang trọng, chỉ còn lầm lũi, mệt mỏi, dớn dác mỗi lúc qua đường. Trong lúc đó, anh vẫn thật đáng yêu, thật tội nghiệp với hoàn cảnh bế tắc, thật đàng hoàng trong tính toán và cư xử. Anh nói với cô "Tất cả những gì anh nói với em là sự thật". Và anh thề. Tất nhiên cô tin. Làm sao cô lại không tin những lời thề độc địa.

Cô đặt tên cho đứa con gái nhỏ là Bình Minh. ừ thì cô phải có một bình minh của mình chứ. Ban đêm cô thắp nhang thì thầm khấn nguyện. Cô đăm đắm nhìn những bức tượng Phật trên bàn thờ, trong đó có bức tượng tự tay anh đem về từ những ngọn núi thiêng và đặt vào tay cô với lời chúc tốt lành. Đôi khi cô thấy bức tượng như rơi nước mắt và cô tự phạt đôi mắt quáng của mình bằng cách khóc theo. Con cá ấy màu vàng chứ không phải màu hồng. Hay là nó đã đổi màu trong làn nước tù túng ô nhiễm của chiếc bình? Cô chúi mũi nhìn qua lớp vách thuỷ tinh. Con cá nhìn cô bằng đôi mắt tội nghiệp, chúng như muốn nói lên lời thèm khát tự do, ngoài kia sông dài, biển rộng. Nhưng ngoài kia cũng có rổ rá, thúng mủng, dao thớt sẵn sàng. Và con cá quẫy đuôi một cách cam phận khiến cô xót xa trong lòng. Cô đưa chiếc bình ra bể định thay nước khác thì chợt khựng lại. Con cá nhìn cô với ánh mắt van xin sợ hãi. ánh mắt như muốn nói rằng trên cả sự thèm khát tự do, nỗi sợ hãi về sự thay đổi môi trường làm nó chết khiếp. Đã quen với làn nước ô nhiễm ấy rồi, nó sẽ sống và chết cùng sự ô nhiễm ấy chứ không thể thích ứng trong làn nước sạch sẽ ngọt ngào mà cô đem lại dù nó vô cùng ao ước. Sao vậy nhỉ? Cô tự hỏi tại sao cô lại không trả lời nổi với chính mình. Nhưng cuối cơn rên xiết, than thở đó, bao giờ anh cũng kết luận về sự bình yên, ổn định. Nhưng anh sợ mọi sự thay đổi. Cô lắng nghe mọi dằn vặt của anh từ thời điểm này sang thời điểm khác, đi từ trạng thái xúc động, tin cậy đến chỗ ngao ngán và coi thường. Vậy mà cô vẫn yêu anh.

Nói cho đúng, cô cũng sợ mọi sự thay đổi. Từ lâu cô đã quen với sự hiện diện không bình thường của anh trong cuộc đời, về chiều chuộng ở một chỗ hẹn hò lén lút, quen những đột biến trong tính tình của anh... và rồi xem những thứ đó như những điều không thể thiếu trong đời. Cô che mặt đi vào, đi ra bệnh viện phụ sản như đi chợ, cho đến lúc người bác sĩ đặt tay lên người cô và nói cô sẽ chẳng bao giờ có con được nữa. Cảm giác tê dại chỉ đến với cô trong thoáng chốc, sau đó cô mừng thầm. Cô mừng khỏi phải nhìn thấy bộ mặt đăm chiêu của anh, khỏi phải nghe anh tự oán trách mình về tội đã gây ra căn nghiệp, sẽ phải trả đủ cho kiếp sau... Nhiều lúc, trong khi anh vừa ôm cô vừa ca thán, cô lẩn thẩn nghĩ trong đầu "Kiếp sau ư? Nhân quả tuần hoàn ư? Quả báo nhãn tiền thì có!" Và rồi cô lại tê dại đi với cảm giác hận thù vừa tràn trong ngực.

Cô thù anh ngang bằng cô yêu anh. Điều đáng buồn cho cả cô và anh là cả hai người đều biết rõ như thế, đều biết rõ sợi dây oan nghiệt đang buộc chặt hai người đã nhuốm đầy máu và nước mắt, nhưng muốn chùi sạch hay cắt bỏ nó đi đều không thể được, bởi trong tâm thâm hai người vẫn tồn tại một chút gì đó của đạo đức và niềm tin, một chút gì đó của lòng nhân bản. Anh là người đàn ông không được tự do ư? Thế thì cô cũng mất tự do theo anh, đó cũng là hạnh phúc của cô vậy. Yêu anh thì thông cảm cho anh. Anh nhắc đi nhắc lại câu nói ấy với cô hàng nghìn lần. Và cũng hàng nghìn lần cô nuốt ực căm phẫn và nghẹn ngào xuống bụng. Ở đó có một nốt ruồi đỏ, nốt ruồi thái doãn vân mà sách tướng nói rằng người nào có nốt ruồi ấy chính là ngọc trong ngọc, tinh túy trong những tinh tuý, là người đem lại vận mệnh lớn cho đấng trượng phu làm chủ, và cũng tiêu diệt kẻ trượng phu ấy nếu y đem lòng phản bội. Anh đã từng thủ thỉ với cô rằng, làm sao anh có thể xa lìa nốt ruồi thái doãn vân này được. Đây là vận mệnh của anh mà. Nó đã đem lại cho anh biết bao may mắn trong cuộc đời mà... Còn cô, khi nghe anh nói, cô chỉ biết cười, nhưng thâm tâm cô u ám buồn. Cô nghĩ giá mà anh nói vì tình yêu anh sẽ không bao giờ xa em được, hơn là vì cái nốt ruồi nhỏ xíu đó. Một lần cô đã buột miệng hỏi anh và bị anh giận dỗi "Té ra em coi thường anh vậy à?" khiến cô phải xin lỗi anh rối rít. Cô nghĩ thầm, thôi thì vì cái nốt ruồi kia cũng được, miễn là anh ấy tồn tại bên mình, rồi cô quên khuấy đi số phận hẩm hiu, rất vui vẻ và hớn hở trong những lần được anh chiều chuộng. Bạn cô, mười người hết chín đều nói cô dại dột, nhưng chẳng ai khuyên cô chấm dứt sự dại dột đó. Họ nói "Lớn rồi, già rồi, có sức chơi thì có sức chịu. Ngay cả khi gục ngã cũng phải gục đàng hoàng". Nghe mà phì cười. nhưng cười xong, cô lại dùng mình tê dại. Tất nhiên là phải đàng hoàng rồi, chứ phận cô mà ngã ăn vạ thì ai đồng tình cho? Ngay cả anh cũng sẽ kết tội cô. Cô lấy quyền gì mà ăn vạ nhỉ? Quyền đó đã có người sở hữu mất rồi.

Ở lầu dưới, tiếng một anh chàng bán pháo bông cho trẻ con đốt mừng sinh nhật đang ngân nga "Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt, còn hơn buồn le lói suốt năm canh". Cô chợt mỉm cười. Cô cũng đã từng có những phút huy hoàng với anh - trên rừng, dưới biển, nơi cao nguyên, chốn đồng bằng... Những lúc ấy, anh như con cá hoá rồng, ôm ấp, bao bọc, che chắn cho cô bằng tất cả sự mạnh mẽ mà anh có sẵn. Cô lịm đi trong hạnh phúc, dâng hiến cho anh trọn vẹn và thật sự mãn nguyện vì được anh yêu. Những cảm giác buồn chán chỉ chiếm hữu cô khi hai người trở về thành phố. Nơi đó, anh đổi từ màu hồng sang màu vàng, chui vào lớp rêu dè dặt và e ngại. Nơi đó, cô chỉ ao ước được le lói một canh cũng khó, huống gì đến những năm canh?

Một người từng yêu cô trước khi cô yêu anh đã nhìn vẻ suy sụp của cô một cách kinh ngạc. Cô đã khoe mình rất hạnh phúc kia mà? Âm thầm tìm hiểu sự thật xong, người ấy trở lại tìm cô. Anh không hiểu tại sao giữa thế giới đầy những người đàn bà yêu vật chất, mê danh vọng, xem ái tình như một nấc thang để tiến bước... lại có một người đàn bà chung thuỷ, lụy tình như em? Mà lại lụy tình với một người không xứng đáng. Cô đã trừng mắt nhìn anh ta một cách giận dữ, đuổi anh ta đi. Nhưng khi anh ta đã bỏ đi cùng cái lắc đầu tội nghiệp thì cô lại úp mặt vàolòng tay mà khóc âm thầm.

Đêm hôm qua, con bé lại trở về. Nó u uẩn nhìn chiếc áo gối ướt đẫm nước mắt của cô, những tờ thư viết dở, những đốm nhang hoe đỏ trên bàn thờ Phật. Nó hỏi cô "Mẹ ơi, mẹ buồn lắm phải không? Con cũng buồn lắm đó. Ba đã bỏ con từ lâu, bây giờ ba lại tính bỏ luôn cả mẹ. Ba là một người bạc nghĩa, bạc tình. Tại sao mẹ không nhìn vào sự thật?". Mơ hồ cô đã ôm con bé vào lòng, cô đã trả lời nó như thế nào nhỉ? Rằng mẹ nào có ngờ đâu sự thật ba con thường nói với mẹ chỉ là một nửa. Rằng cái nốt ruồi thái doãn vân mà ba thường nói là trân trọng, hoá ra chỉ là chuyện buồn cười...

Bài liên quan
  • BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhiên cất tiếng hát "Ơi chàng ơi chim có bạn có bầy, thuyền có bến có sông sao lại để em năm canh gối chiếc chăn đơn đợi chàng... "
  • HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Hai người bạn là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, in trong tập truyện ngắn Hạnh, Đời nay xuất bản năm 1940.
  • CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Vũ Bằng hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực báo chí từ những năm 1930-1940 khi tuổi đời còn rất trẻ. Ông là chủ bút tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy, thư ký tòa soạn tờ Trung Bắc Chủ Nhật khi mới hơn hai mươi tuổi. Khi Nhật-Pháp so kè với nhau chiếm nước ta, dưới áp lực kinh người của những kẻ xâm lược, Vũ Bằng vẫn giữ tư thế của tờ Trung Bắc Chủ Nhật là phục vụ người Việt, vì quốc gia dân tộc, khiến cả chính quyền Pháp và Nhật đều phải kiêng nể.  Trước 1945, Vũ Bằng nổi tiếng trong việc giúp đỡ các nhà văn khác cả tiền bạc lẫn kinh nghiệm viết lách. Rất nhiều nhà văn nhận những lời khuyên của Vũ Bằng sau này đều trở thành những nhà văn lớn của Việt Nam. Thế nhưng, một thời gian dài kể từ khi Vũ Bằng di cư vào Nam năm 1954, các tác phẩm của ông biến mất không còn dấu vết, không được nhắc tới trong nhà trường, bị đưa vào danh mục cấm do cái tiếng "dinh tê, về thành", nhà văn "quay lưng lại với Kháng chiến"... gây ra. Ông lâm trọng bệnh và mất ở TP. Hồ Chí Minh năm 1984 trong cảnh vô cùng túng thiếu. Mãi sau này, ông mới được minh oan rằng không phải ông quay lưng với kháng chiến mà là ông đã nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật trong giới trí thức nội thành từ năm 1952 và vào Nam năm 1954 theo lệnh của tổ chức. Tháng 3 năm 2000, Cục Chính trị thuộc Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có văn bản xác nhận nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo.
  • ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ hàng đầu của Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX, sức ảnh hưởng của Xuân Quỳnh lớn tới nỗi Google từng vinh danh bà trên trang chủ của họ vào năm 2019. Là nhà thơ nên tất nhiên bà nổi tiếng về thơ và hầu như khó tìm được ai không biết bài Thuyền và Biển của bà. Nhưng Xuân  Quỳnh cũng viết văn và viết rất nhiều truyện cho thiếu nhi, truyện Ông nội và ông ngoại dưới đây là một trong số đó.
  • LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Lời Nguyền là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, viết về quãng thời gian ông bị thực dân Pháp bắt tại Hà Nội (1941) và đưa lên giam giữ tại trại giam Vụ Bản, Châu Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình. Truyện được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc cuối cùng của nhà văn Khái Hưng. 
  • CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mưỡu Cuối được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1946, đặt làm Phần cuối và đem đi xuất bản ở Quốc Văn với tên Chùa Đàn. Với Tâm sự của nước độc, Nguyễn Tuân băng băng trèo lên đỉnh đèo văn, còn với Chùa Đàn, ông bồng bềnh trôi, chưa mỏi gối nhưng đã không còn đỉnh đèo nào để leo nữa.
  • CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần II của Chùa Đàn, được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1945 có tên Tâm sự của nước độc. Truyện có phần đề từ lấy trong Chữ Nhàn, một bài hát nói của Nguyễn Công Trứ; “Ai hay hát mà ai hay nghe hát”. Trong Chùa Đàn, truyện được sắp xếp thành phần II. Nhà văn Khái Hưng và một số nhà văn khác cho rằng, (việc) Nguyễn Tuân viết thêm Dựng và Mưỡu Cuối, đã làm hỏng mất sự toàn bích một tác phẩm tuyệt mỹ.
  • CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chùa Đàn được xem là tác phẩm hội tụ những gì tinh hoa nhất của nhà văn Nguyễn Tuân do Quốc Văn xuất bản năm 1946 tại Hà Nội. Chùa Đàn bắt đầu từ truyện ngắn Tâm sự của nước độc trong loạt truyện kinh dị Yêu Ngôn ông đăng trên các báo thời bấy giờ. Đến năm 1946, để phù hợp với diễn biến thời cuộc, ông viết thêm hai phần bổ sung, đặt làm phần Một và Ba, Tâm sự của nước độc trở thành phần Hai của tác phẩm.
    Dù là tác phẩm hay nhất của Nguyễn Tuân, nhưng Chùa Đàn đã bị đánh giá thấp do các yếu tốc ma quái kì dị đầy màu sắc tâm linh của nó. Kể từ lần in năm 1946 và sau đó được Tân Việt tái bản ở Sài Gòn* năm 1947, đến tận năm 1981, Chùa Đàn vẫn không được nhà xuất bản đưa vào tuyển tập của ông. Điều này đã khiến Nguyễn Tuân buồn bã đến nỗi; "Tôi tiếc cái Chùa Đàn quá. Họ cắt cái Chùa Đàn khỏi tuyển tập này, cũng giống như cắt cái gan ra khỏi bụng tôi".
    Đến năm 1999, Chùa Đàn mới được in trở lại trong tập Yêu Ngôn do nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh thực hiện. Ngày nay Chùa Đàn không những đã được xuất bản, mà còn được chuyển thể sang nhiều loại hình nghệ thuật khác như kịch nói, cải lương, phim điện ảnh. Ở mảng điện ảnh, Chùa Đàn được dựng thành bộ phim khá nổi tiếng Mê Thảo – thời vang bóng do đạo diễn Việt Linh thực hiện.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần cuối của Ngõ lỗ thủng, tác phẩm dựa trên những ký ức, sự kiện và nhân vật có thật của nhà văn Trung Trung Đỉnh, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ngõ lỗ thủng của Trung Trung Đỉnh dựa trên ký ức của những sự kiện, nhân vật có thật của chính nhà văn, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.