chan_dung-ke_si

MỘT ĐÊM VUI - Truyện ngắn Ngọc Giao

09-08-2023

Lượt xem 1184

Đánh giá 1 lượt đánh giá

Chia sẻ

MỘT ĐÊM VUI - Truyện ngắn Ngọc Giao

Chân Dung Kẻ Sĩ: Một đêm vui là truyện ngắn trong tập truyện đầu tay của nhà văn Ngọc Giao. Nhà văn Ngọc Giao không chỉ là một nhà văn có các tác phẩm được nhiều người tìm đọc, mà ông còn là thư ký tòa soạn của Tiểu thuyết thứ bảy, là bà đỡ văn chương cho rất nhiều nhà văn thời đó. Tuy vậy, vẫn có một chuyện mà ông giữ mãi trong lòng cho tới tận năm 80 tuổi ông mới công khai, liên quan tới bài thơ nổi tiếng Hai Sắc Hoa Tigon. Bài thơ suýt nữa đã không bao giờ được độc giả biết tới, nếu không nhờ một đám ma đi qua tòa soạn. Ông sợ cảnh đám ma, đành ngồi lại, chờ, nhân đó nhặt một tờ giấy học trò có nét bút chì nguệch ngoạc. Và đó chính là bài Hai Sắc Hoa Tigon nổi tiếng.


Ông viết: “... Bài thơ ra đời trong hoàn cảnh bị bỏ rơi sọt rác như vậy đó. Nó càng được bạn đọc nhắc đến bao nhiêu, tôi càng ân hận về lỗi làm ăn cẩu thả, sơ xuất bấy nhiêu... Nếu không có cái đám ma qua phố thổi kèn rầu rĩ đó thì tôi đã đội mũ lên đầu, không cúi xuống sọt rác... thì đóa hải đường Hai sắc hoa ti gôn đành an phận nằm trong đó, rồi người ta mang đi theo thường lệ, người ta phóng lửa đốt cả... Trong đó, rất có thể cả những áng văn hay mà cái anh thư ký tòa soạn quan liêu, nhác lười, cẩu thả đã ném đi!...”.

 

... Những biết đâu rồi một buổi mai,

Thân tàn, tan tác giữa đêm vui

Âm thầm ai biết, ai thương tới,

Giữa lúc đàn ca với tiếng cười...!!!(Thơ J.Leiba)

 

"Hải Phòng, 1935

Chị viết cho em bức thư này sau một đêm vui, tiệc tàn, người mỏi, cõi lòng khô héo, lạnh lùng... Chắc em ngạc nhiên vì thấy một người xa lạ không hề quen biết mà bỗng dưng đường đột nhận làm chị em trong bức thư này. Nhưng chị xin em hãy nên yên tâm đọc kỹ, rồi em sẽ hiểu nỗi ngậm ngùi, u ẩn của một người đàn bà xa lạ đã vì em mà hi sinh cả cuộc đời.

"Em Thanh có còn nhớ - hồi tám năm xưa - em đưa chị về nhà chồng tại tỉnh Lạng Sơn vào một buổi sáng mùa xuân ấm áp?... Lúc tất cả mọi người sắp sửa ra ô tô về Hà Nội, chị nhớ rõ rằng em buồn bã, thơ ngây cầm áo chị, tỏ tình quyến luyến, vì từ đấy em không được luôn luôn gần bên chị, em không được chị trông nom, dạy dỗ như hồi mẹ chưa bị bệnh qua đời.

"Bốn năm, cố giữ tròn phận sự dâu hiền, vợ thảo, chị không phạm một điều tội lỗi để nhà chồng trách mắng. Lê Văn yêu thương chị vô cùng, anh tươi tỉnh, khôi hài mỗi khi thấy chị buồn rầu, an ủi chị mỗi lần thấy chị thẫn thờ vì nhớ nhà. Sáng chủ nhật nào anh cũng nhắc chị viết thư gửi về Hà Nội hỏi thăm sức khỏe của thầy và khuyên răn em học hành chăm chỉ, đừng nên đua bạn chơi bời hư thân. Anh ngồi sát bên đọc cho chị viết từng lời, từng chữ, rồi cuối thư, anh cầm tay chị ký hai chữ tên vợ, tên chồng liền một nét, vì anh muốn tỏ cho thầy và em biết vợ chồng chị bao giờ cũng thuận hòa.

"Những ngày nhàn rỗi, anh thường dắt chị đi chơi trên những con đường có hoa tươi, bóng mát, hoặc đôi khi, mắt đã chán nhìn những phong cảnh tầm thường quanh phố, anh lại bảo người tài xế đánh xe đưa chị lên miền rừng.

"Cuộc đời, cứ thế, êm đềm trôi.

"Nhưng, em Thanh ơi, cuộc đời nào có phải một dòng nước trong, êm đềm chảy mãi.

"Một buổi tối gió mưa giá rét, Lê Văn theo lệnh phụ thân, vào ấp có một việc rất cần. Anh trước còn ngần ngại không muốn đi ngay song chị khuyên anh nên nghe lời cha bảo, vì cụ Tham, bố chồng chị, là một người nghiêm khắc, không muốn con được cưỡng một điều gì.

"Thế rồi đêm ấy, chị đốt đèn cố thức đợi chồng. Chị trằn trọc thâu canh, không thể nào nhắm mắt ngủ yên một phút, vì chị chợt nhớ đến lời vài đứa làm công thường mách chị: ở trong ấp, Lê Văn hay nói chuyện với người thiếu nữ con lão Quản Hưu mà đã mấy tháng nay cụ Tham cho đến ngụ để làm màu.

"Người thiếu nữ ấy, chị đã được trông thấy một lần: cô ấy xinh đẹp, vui tươi và chừng như lại có tính lẳng lơ, đĩ thõa. Hình ảnh con người đáng ghét đó hiển hiện ra trong chiếc đèn đêm le lói ngoài màn, giữa lúc mắt chị đang quáng mờ. Chị muốn vùng ngồi dậy tắt ngọn đèn ấy đi nhưng chị lại trông thấy một con bướm nhỏ theo gió ngoài vườn bay vào phòng, lả lơi đậu lên bó hồng cắm trong lọ sứ. Cảnh ấy đột nhiên nhóm trong lòng chị một mớ lửa ghen không tắt được. Chị chờ mãi, nhưng Lê Văn chẳng thấy trở về. Căm tức, chị tìm kế để báo thù anh cho hả cơn ghen. Và chị nghĩ ra... Chị nhất định thi hành, không nghi ngại nữa.

"Sáng hôm sau, Lê Văn trở về, chị không thèm hỏi một câu, nhân lúc anh sang bên hàng xóm, chị vào phòng ngủ cắm cúi viết một bức thư... Trong khi đưa ngòi bút trên mặt giấy, thân thể chị nóng bừng, chị quả quyết, không cho một lẽ phải nào trấn áp được cơn ghen. Viết xong, chị liền gửi bức thư ấy ra Hà Nội.

"Ngày, đêm chị nóng ruột chờ mong... Mắt chị luôn luôn nhìn ra ngoài cổng lớn xem người chạy giấy có đem đến phong thư nào ở xa gửi tới hay không.

"Một buổi sáng, Lê Văn nhận được một chiếc phong bì màu tím nhạt. Chị đứng nấp trong cửa sổ, cố dò xét xem nét mặt anh có biến đổi chút nào... Quả nhiên, chị thấy tay anh hơi rung động, lật đi, lật lại phong thư... Anh hiểu rồi ư? Anh ngờ vực chị đó ư? Trời ơi, chị chỉ cần có hai điều ấy... chị sung sướng vô cùng! Chị cảm tạ người đã giúp chị được thành mưu kế mà chị cho là thần diệu, cao kỳ.

"Lê Văn, mặt càng tái nhợt, đút hai tay vào túi quần, lững thững bước vào phòng giấy. Anh gieo mình xuống chiếc ghế xích đu, hai mắt lờ đờ nhìn ra ngoài cửa như có ý cần gặp chị mà không muốn gọi.

"Vẫn đứng nấp một xó tường bên tủ áo, chị mong anh xé phong thư ấy rồi đọc ngay cho chị hả lòng. Nhưng anh cứ nằm yên trên ghế, tay nắm chặt phong thư, hình như anh tự bảo mình không có quyền bóc một bức thư đề tên người khác, dù người ấy là vợ anh, dù bức thư ấy, anh đã đoán chắc chỉ là... một bức thư tình.

"Sau chị đẩy cửa phòng đi diễu trước mặt anh, rồi chị lại điềm nhiên sang buồng bên cạnh; chị cố ý trêu cho anh căm tức và cố ý tỏ ra mình thắng được người chồng đã nỡ tâm lừa dối chị.

"Lúc đó, anh uể oải giơ tay đưa chị phong thư, nhưng giả vờ không trông thấy, chị quay ra, đóng sầm cửa lại. Lòng chị hả hê, thỏa mãn. Chị cố cười, cố vui trước một người chồng tốt đang cố nén lòng đau khổ, cố giấu cơn thổn thức, nghẹn ngào.

"Đứng ở phòng bên, chị ghé mắt vào khóa dòm sang. Chị thấy anh quả quyết xé phong bì, lấy thư ra đọc. Trái tim chị, lúc ấy, trong giây phút, không hiểu sao chẳng lạnh lùng như lúc trước, bấy giờ nó rộn ràng, sôi nổi và trí não vụt đổi ra mê hoảng, điên cuồng. Bao nhiêu sự can đảm, bao nhiêu tính tình độc ác tiêu tán hết, chị run lẩy bẩy muốn nhảy xổ vào giằng lấy phong thư đó mà xé đi cho mất tích. Song chị bỗng nghe thấy một tiếng đập mạnh trên bàn. Chị cuống quýt chạy vào. Lê Văn, chồng chị, đang gục đầu xuống mấy mảnh thủy tinh vỡ, vì đọc xong thư, anh uất máu, nghiến răng dằn mạnh cốc nước anh đang uống dở. Anh ngất lịm đi. Chị nâng anh dậy: một bên mắt anh bị một mảnh thủy tinh nhọn chạm vào lòng trắng, máu chảy đầm đìa.

"Hoảng hốt, chị vội tìm phong thư ấy để giấu đi, nhưng không thấy. Chị rút khăn tay lau mấy dòng máu chảy xuống má Lê Văn, đoạn cố sức ẵm anh sang phòng ngủ đặt lên giường. May gặp dịp bố chồng chị đi chơi tỉnh khác, nên trong nhà không một ai biết cảnh não nùng vừa mới xảy ra.

"Mấy giờ sau, mắt anh bị sưng to không trông thấy rõ. Thầy thuốc bảo không hy vọng chữa được lành. Chị đau đớn, hối hận. Trời ơi, tại sao chị nỡ trả thù chồng một cách đê hèn đến thế? Mà chị trả thù bằng cách nào? Hẳn em đã đoán được một vài duyên cơ, nhưng chị cũng kể rõ em nghe, vì viết bức thư này, mục đích của chị là phải thú hết cùng em những điều xấu xa, lầm lỗi, như thế nỗi buồn họa chăng vơi được ít nhiều.

"Một chàng học sinh trước cửa nhà ta - hồi chị chưa xuất giá - thường rủ em đi xem chiếu bóng rồi nhờ em đem về đưa chị một phong thư, em còn nhớ chứ?

"Chàng học sinh đó ước ao, cầu khẩn một câu ân ái, song không hiểu vì đâu chị ghét anh chàng ấy quá chừng! Thư này thư khác chàng gửi luôn luôn, song chúng chỉ được chị cho vào lửa.

"Một buổi sáng mùa xuân ấm áp, chị bước lên xe hoa, không bận lòng nghĩ đến chàng thanh niên đã dầy công theo đuổi mối thất tình.

"Về nhà chồng, chị sung sướng, yêu chồng... Rồi hờn ghen, chị lại ghét chồng...

"Ghét chồng, cho nên chị phải trả thù cho bõ tức. Muốn thế, chẳng còn một kế nào hơn là viết thư cho chàng trẻ tuổi năm xưa, tỏ tình thương nhớ..., chị than tiếc không được trăm năm ân ái cùng chàng... chị oán trách Lê Văn giả dối, không chung tình với chị... cuối thư chị yêu cầu chàng phúc đáp, và hẹn chàng đúng chiều chủ nhật sau sẽ đón chị tại ga.

"Đó, em coi, chị báo thù chồng!

"Em có từng thấy một người đàn bà nào điêu ác như chị không em? Em có từng thấy một thiếu phụ xinh đẹp nào lại gian ngoan, nhơ bẩn như chị không?

"Bức thư gửi đi, cách hai ngày sau, một thư tình đáp lại. Bức thư của chàng kia, không cần đọc cũng thừa biết nó chỉ toàn chứa những lời yêu đương nồng mặn, hẹn hò... Nó đã giết chết tình yêu của Lê Văn, chồng chị. Nó đã phá hoại hạnh phúc tốt đẹp mà chị không còn mong cứu vãn.

"Từ hôm xảy ra tấn kịch thê thảm đó tới ngót một tuần lễ sau bố chồng chị vẫn chưa về.

"Chị sống tẻ buồn, trơ trẽn, không được chồng đoái hỏi một câu. Anh lãnh đạm, thờ ơ, nhưng không tỏ ý giận thù, ruồng bỏ. Anh âm thầm, ủ rũ, song vẫn thản nhiên, bình tĩnh mỗi lúc anh ngồi ôm mắt, đau xót một mình...

"Một hôm, anh đóng chặt cửa phòng, ngồi viết trong hơn một tiếng đồng hồ. Lo lắng, chị không biết anh đang viết những gì. Chị không dám hỏi vì giữa Lê Văn với chị tưởng như đã sẵn có một bức tường phân cách, tuy hai người chưa quyết định lìa nhau.

"Rồi cách ít ngày, bỗng nhiên chị nhận được thư của thầy gọi về Hà Nội, Lê Văn sai đầy tớ sửa soạn va li cho chị, anh bảo người tài xế đánh xe chờ, rồi anh cùng lên xe, tiễn chị ra ga. Tàu đến, anh đưa chị lên toa, tìm ghế để chị ngồi. Chờ tới lúc đoàn xe chuyển bánh, anh mới hơi đổi nét mặt lạnh lùng ra cảm động, hững hờ vẫy chiếc khăn tay.

o O o

"Đoàn xe đi... từ đấy, chị không về xứ Lạng. Tô Thị đợi chồng, nhưng chồng chị, anh có động lòng nghĩ đến vợ xưa!

"Về Hà Nội, thầy cho chị xem ngay phong thư của Lê Văn đã gửi cho thầy bữa nọ. Trong thư ấy anh kể hết mọi sự lầm lỗi của chị, và muốn cho có chứng, anh lại đính theo cả lá thư của anh chàng mà chị đã mượn nó để trả thù chồng. Rồi thầy nhất quyết đuổi chị đi, bởi không bao giờ thầy muốn có một người con gái quá hư như chị.

"Hôm ấy, chị ôm lòng đau ra khỏi cửa. Họ hàng, chú bác đều khinh ghét, duy chỉ có một mình em khóc sụt sịt chạy theo giúi cho chị một đồng hào ván 1 mà em mới xin được của thày để mua giấy bút.

"Em Thanh, viết đến đây, chị cảm động biết chừng nào.

"Một hào ván ấy, em ơi, vì nó mà bây giờ chị còn ham sống để trả nghĩa cho em, để cố sức gây dựng cho em được nên người; vì nó mà hôm nay, giữa những ngày hoan lạc, giữa những đêm vui sướng, em phải tạm sống mấy phút buồn để đọc bức thư của người đàn bà mà em đã nhận được là ai.

o O o

"... Tới bây giờ, thấm thoắt, bảy năm.

"Bảy năm, chị trôi nổi, bềnh bồng như chiếc bèo khô không biết tìm về nơi bờ bến.

"Bốn năm tại đất kinh đô, chị không được sống phong lưu, đầy đủ với cái nghề mà chị vẫn tủi, biết nó chẳng lấy gì làm trong sạch.

"Ở Huế, chị nghe tin thầy đã từ trần, để lại một mình em.

"Chị vội vã từ biệt kinh thành ra Bắc. Dò hỏi mãi mới được biết mộ thầy ở dưới Phúc Trang, chị mua hoa xuống viếng, rồi chị lên phố đi lảng vảng qua nhà, mong gặp mặt em, song không thấy em đâu. Mãi về sau, chị mới hay em đã được chú Ký thương đem về nuôi, và may hơn nữa, em vẫn được cắp sách đến trường.

"... Đời trụy lạc, dù muốn giữ thanh cao đôi chút nhưng sự lầm lỗi xưa đã khiến thân chị ngày thêm nhơ bẩn. Ngày nay chị hoàn toàn là gái giang hồ, hay nói đúng hơn, một thứ đồ chơi không có giá trị gì!

"Chị chắc em đang đỏ mặt đọc đến đoạn này. Em không ngờ chị em - một người hiền hậu, sống trong một gia đình giáo dục - nay đã trở nên một vũ nữ lừng tên trong mọi "đăng xinh", làm mê mệt bao trai dưới Cảng.

"Một hôm, chị được tin buồn: em phải xin thôi học, vì chú Ký buôn bán lỗ, bị tòa tịch biên. Thế là việc học của em đành bỏ lỡ, chị đau đớn vô cùng. Nhiều khi, chị định viết thư gọi em xuống Cảng để chị trông nom, nuôi nấng, nhưng chị biết em khảng khái, không thèm nhận người chị khốn nạn này!

"Sau đó vài hôm, tình cờ chị gặp một người ở Hà Nội xuống thăm chị. "Người ấy" trong bọn dân chơi, có vẻ rất tử tế. Chị kể cho "người ấy" nghe về em và chị. "Người ấy" động lòng thương, hứa khi lên Hà Nội sẽ đem em về nhà cấp dưỡng cho đến lúc thành tài. Thế là em đã có chốn an thân, chị mừng quá đỗi.

"Bây giờ không cần nói, em cũng biết "người ấy" là ông giáo Nghĩa, một ân nhân mà chị em ta phải kính trọng trọn đời.

"Chị không muốn ông Giáo chịu phí tổn quá nhiều, nên ở dưới này, hàng tháng chị vẫn gửi "măng đa" lên nhờ ông lĩnh hộ, rồi ông lấy tiền đó để trả tiền học và may vá cho em. Cách năm, sáu hôm, chị lại viết thư lên nhờ ông khuyên bảo em. Chị nhịn sắm áo quần, son, phấn, cuốc bộ sái chân trong các phố, ở nhờ trong một gian nhà hôi hám với người bạn gái tại một ngõ tối. Chị nhắm mắt đi qua mọi nhà chớp bóng; chị tránh mọi chỗ vui để lấy tiền gửi lên cho em ăn học bằng người. Nhưng từ bấy đến nay, nào em có biết cái hi vọng lớn lao của một người đàn bà xa lạ không dám gặp mặt em.

o O o... "Bây giờ, chị thỏa mãn lắm rồi. Vì vừa nhận được thư của ông Giáo báo tin em đã đỗ Tú tài và đã thi được vào làm trong một sở công. Cõi đời đang u ám nay trở nên sáng sủa, vui tươi... Và một cái tin khiến chị mừng rơi nước mắt là em kết duyên với một người bạn gái đức hạnh hoàn toàn đã yêu em bằng mối tình trong sạch. Ông Giáo cho chị biết ông vui lòng đứng chủ hôn, gây dựng cho em thành gia thất. Chị sung sướng biết dường nào! Ngay lúc được tin, chị vội vàng đi cầu khẩn, van lơn bà chủ tiệm vay hai trăm bạc. Bà bắt chị ký tờ giao ước phải lăn lộn trong làng vũ nữ đúng hai năm nữa thì nợ mới trừ xong!

"Nhận được tiền, chị vội ra nhà Dây thép gửi lên nhờ ông Giáo sắm sửa cho em và nhân tiện để mừng em.

"Rồi buổi chiều hôm ấy, chị vét túi, làm một bữa tiệc, một bữa tiệc mà chị... xin phép em cho chị gọi là bữa tiệc mừng cuộc nhân duyên tốt đẹp của em... Khách đến ăn, toàn là những bạn đồng nghề với chị, hay có thể nói toàn là những cánh hoa trôi... nay giạt vào một bến, cùng thuyền. Chị hò hét, cười đùa, đập chai, ném cốc... chị vốc những bông hoa sặc sỡ (em nên nhớ rằng trên bàn tiệc ấy, chị không dám rải một bông hoa trắng còn phong nhụy!) ném lên đầu, lên tóc các cô vũ nữ..., chị... trời đất ơi! Còn gì nữa... chị còn làm gì nữa để cho "quý khách" của chị biết rằng trong đêm vui ấy, trên bữa tiệc linh đình ấy, chị là người sung sướng nhất, điên cuồng nhất... và đau khổ nhất...! Chị còn làm gì nữa để người ta biết chị không hẳn là một gái phong trần hoàn toàn trụy lạc, mất lương tri, bỏ bổn phận làm con, làm chị và than ôi, làm một người vợ vì đã quá yêu chồng nên mới ghen tuông...!

"Cuộc vui tàn, những đóa hoa tàn lại theo mưa gió cuốn vào nơi mưa gió...! Một mình chị say mềm, nằm gục xuống bàn ăn, ngủ thiếp, đầy đầu bê bết những thịt, xương, tàn thuốc, cốc vỡ, rượu thừa...

"Hôm sau, ngủ mãi đến quá trưa, chị mới tỉnh cơn mê mệt. Ngồi trước gương, ngắm lại má răn, mắt hõm, chị chán chường sau một đêm vui...

"Mặc xong quần áo, chị ra ngoài phố đi thơ thẩn, không nghĩ ngợi, không vui sướng, không buồn rầu. Người ta thường khi đã thỏa thích quá thì hay có những cảm giác dại ngây, lạ lùng như thế... Bỗng thấy chiếc ô tô ca về Hà Nội, nhớ đến em, chị vẫy xe, trèo lên ngồi vào một xó, ngẩn ngơ như kẻ mất hồn.

"... Xe đến Hà Nội, chị lại đi lang thang trong các phố, như một người xa lạ lần đầu đến thăm nơi đô hội, ồn ào... Tới chiều, đèn điện đã soi ánh sáng cho thành phố, giấu hết mọi bẩn nhơ để phô cho khách lạ vẻ thần tiên, choáng đẹp của Kinh thành thì chị cúi đầu giấu mặt, bước vào hiệu phở Hàng Đồng gọi làm bát phở "tái nạm". Ăn cầm lòng cho đỡ đói, xong, chị lại ra đi... Trời lấm tấm mưa, gió rung cây xào xạc... Chị đến cửa Gô Đa mua một bó hoa, rồi lững thững qua nhà ông Giáo, chị... đứng ngấp nghé ngoài bờ rào sắt, nhìn vào. Chị trông rõ lắm, vì tất cả các cửa kính đều mở rộng. Trời ơi, một cảnh vui của một bữa tiệc vui giữa một đêm vui! Ngẩn người, chị ngắm mọi người dự tiệc, hết thảy là những chàng trẻ tuổi đang vỗ tay, chạm cốc vang nhà.

"Chợt chị trông thấy em... ờ, em Thanh cao lớn, khỏe mạnh, tươi cười đỡ cốc rượu của ông Giáo đang chúc cuộc trăm năm, chị lại trông rõ những bó hoa tươi rải rác khắp các nơi, cắm đầy trong các lọ. Mãi tới lúc ấy, chị mới sực nhớ tới bó hoa của chị mua hồi tối định mừng em. Chị toan gõ cửa... Nhưng... em Thanh ơi, chị cảm thấy thân mình ô uế mà cả bó hoa trong tay chị cũng thành ô uế, không đáng để lẫn với những bó hoa của các bạn đã tặng em... Biết đâu khi thấy một người đàn bà bỡ ngỡ, đột nhiên bước vào, hàng trăm con mắt sẽ đổ dồn vào chị, hàng trăm cái miệng nồng men sẽ thoảng nụ cười chế giễu, vì trong số thanh niên chắc có nhiều người đã cùng chị ôm lưng trong tiệm nhảy, hoặc những kẻ điên rồ, sung sướng ấy sẽ yên trí chị là một "gái tình" của em! Và, biết đâu, em cũng không thèm nhận chị, thẹn thùng với các bạn sang mà sai người đẩy chị ra ngoài!

"Ồ! Có thể thế được ư?... có thể thế được ư? Em Thanh của chị!

"Nghĩ thế, chị cực lòng vô cùng. Rồi dằn cơn thổn thức chị ném bó hoa xuống đất, bước qua. Chị không dám ngoảnh lại nhìn cảnh vui say nọ, chị không dám nhìn bó hoa nhơ bẩn ấy, - bó hoa bị đầy đọa hắt hủi như thân chị, bó hoa mà chị đành ăn đói để lấy tiền mua nó tặng em, bởi sau khi đã nhẩm tính kỹ càng, chị chỉ còn có đủ số tiền lấy vé ô tô về Cảng.

"Chị vừa bước chân đi, thì ở trong nhà đưa ra một điệu tango. Điệu hát đưa khách vào cõi mộng hoa, đưa khách vào cõi đời đắm đuối, tỉnh say.

"Nhưng với chị, nó là những tiếng gọi xa xôi của cuộc đời phóng lãng, nó dặt chị về những phút vui không thỏa mãn trong lúc ngồi lau phấn, nhìn làn khói thuốc, nhìn cốc bia cạn dần.

"Điệu hát ấy còn réo rắt bên tai chị trong hai năm trời đằng đẵng, trả cho xong món nợ mừng em, và trả cho xong kiếp người vũ nữ.

o O o

"Đêm nay, chị đứng trên bến Sáu kho dưới Cảng, nhìn trời mây, sông nước... cánh buồm nâu vơ vẩn xa xa...

"Chị vừa tránh thoát cái không khí nặng nề của nhà khiêu vũ, một mình đi thơ thẩn...

"Đêm nay, một đêm vui của em trên Hà Nội, một đêm em cùng ai hát khúc Phượng hoàng trong một gian phòng xinh đẹp, có đủ đệm là, gối gấm, màn the...

"Đêm nay, một đêm trống trải, lạnh lùng, ô uế của một người thiếu phụ không chồng, não nùng ca khúc hận trường... Đêm nay, một đêm của người vũ nữ không nhà, không cửa, đi lang thang trên đường phố vắng, vì đã hai tháng nay không trả được tiền nhà...

"Lơ đãng, chị nhìn trời mây, sông nước vật vờ vài cánh buồm nâu... Chị đánh diêm châm điếu thuốc lá cuối cùng trong bao giấy nát, ngửa mặt thở làn khói trắng giữa khoảng trời đen, rồi mỉm cười, chị tự hỏi lòng:

"- Gió, mưa... ta biết ngủ nơi nào,... đêm nay -

"Chị yêu em. Thanh Đạm"

In trong Một đêm vui, tập truyện ngắn, NXB. Tân Dân, H., 1937.

Chú thích

1 Đồng hai hào, dùng dưới thời thuộc Pháp.

Bài liên quan
  • BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhiên cất tiếng hát "Ơi chàng ơi chim có bạn có bầy, thuyền có bến có sông sao lại để em năm canh gối chiếc chăn đơn đợi chàng... "
  • HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Hai người bạn là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, in trong tập truyện ngắn Hạnh, Đời nay xuất bản năm 1940.
  • CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Vũ Bằng hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực báo chí từ những năm 1930-1940 khi tuổi đời còn rất trẻ. Ông là chủ bút tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy, thư ký tòa soạn tờ Trung Bắc Chủ Nhật khi mới hơn hai mươi tuổi. Khi Nhật-Pháp so kè với nhau chiếm nước ta, dưới áp lực kinh người của những kẻ xâm lược, Vũ Bằng vẫn giữ tư thế của tờ Trung Bắc Chủ Nhật là phục vụ người Việt, vì quốc gia dân tộc, khiến cả chính quyền Pháp và Nhật đều phải kiêng nể.  Trước 1945, Vũ Bằng nổi tiếng trong việc giúp đỡ các nhà văn khác cả tiền bạc lẫn kinh nghiệm viết lách. Rất nhiều nhà văn nhận những lời khuyên của Vũ Bằng sau này đều trở thành những nhà văn lớn của Việt Nam. Thế nhưng, một thời gian dài kể từ khi Vũ Bằng di cư vào Nam năm 1954, các tác phẩm của ông biến mất không còn dấu vết, không được nhắc tới trong nhà trường, bị đưa vào danh mục cấm do cái tiếng "dinh tê, về thành", nhà văn "quay lưng lại với Kháng chiến"... gây ra. Ông lâm trọng bệnh và mất ở TP. Hồ Chí Minh năm 1984 trong cảnh vô cùng túng thiếu. Mãi sau này, ông mới được minh oan rằng không phải ông quay lưng với kháng chiến mà là ông đã nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật trong giới trí thức nội thành từ năm 1952 và vào Nam năm 1954 theo lệnh của tổ chức. Tháng 3 năm 2000, Cục Chính trị thuộc Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có văn bản xác nhận nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo.
  • ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ hàng đầu của Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX, sức ảnh hưởng của Xuân Quỳnh lớn tới nỗi Google từng vinh danh bà trên trang chủ của họ vào năm 2019. Là nhà thơ nên tất nhiên bà nổi tiếng về thơ và hầu như khó tìm được ai không biết bài Thuyền và Biển của bà. Nhưng Xuân  Quỳnh cũng viết văn và viết rất nhiều truyện cho thiếu nhi, truyện Ông nội và ông ngoại dưới đây là một trong số đó.
  • LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Lời Nguyền là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, viết về quãng thời gian ông bị thực dân Pháp bắt tại Hà Nội (1941) và đưa lên giam giữ tại trại giam Vụ Bản, Châu Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình. Truyện được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc cuối cùng của nhà văn Khái Hưng. 
  • CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mưỡu Cuối được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1946, đặt làm Phần cuối và đem đi xuất bản ở Quốc Văn với tên Chùa Đàn. Với Tâm sự của nước độc, Nguyễn Tuân băng băng trèo lên đỉnh đèo văn, còn với Chùa Đàn, ông bồng bềnh trôi, chưa mỏi gối nhưng đã không còn đỉnh đèo nào để leo nữa.
  • CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần II của Chùa Đàn, được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1945 có tên Tâm sự của nước độc. Truyện có phần đề từ lấy trong Chữ Nhàn, một bài hát nói của Nguyễn Công Trứ; “Ai hay hát mà ai hay nghe hát”. Trong Chùa Đàn, truyện được sắp xếp thành phần II. Nhà văn Khái Hưng và một số nhà văn khác cho rằng, (việc) Nguyễn Tuân viết thêm Dựng và Mưỡu Cuối, đã làm hỏng mất sự toàn bích một tác phẩm tuyệt mỹ.
  • CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chùa Đàn được xem là tác phẩm hội tụ những gì tinh hoa nhất của nhà văn Nguyễn Tuân do Quốc Văn xuất bản năm 1946 tại Hà Nội. Chùa Đàn bắt đầu từ truyện ngắn Tâm sự của nước độc trong loạt truyện kinh dị Yêu Ngôn ông đăng trên các báo thời bấy giờ. Đến năm 1946, để phù hợp với diễn biến thời cuộc, ông viết thêm hai phần bổ sung, đặt làm phần Một và Ba, Tâm sự của nước độc trở thành phần Hai của tác phẩm.
    Dù là tác phẩm hay nhất của Nguyễn Tuân, nhưng Chùa Đàn đã bị đánh giá thấp do các yếu tốc ma quái kì dị đầy màu sắc tâm linh của nó. Kể từ lần in năm 1946 và sau đó được Tân Việt tái bản ở Sài Gòn* năm 1947, đến tận năm 1981, Chùa Đàn vẫn không được nhà xuất bản đưa vào tuyển tập của ông. Điều này đã khiến Nguyễn Tuân buồn bã đến nỗi; "Tôi tiếc cái Chùa Đàn quá. Họ cắt cái Chùa Đàn khỏi tuyển tập này, cũng giống như cắt cái gan ra khỏi bụng tôi".
    Đến năm 1999, Chùa Đàn mới được in trở lại trong tập Yêu Ngôn do nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh thực hiện. Ngày nay Chùa Đàn không những đã được xuất bản, mà còn được chuyển thể sang nhiều loại hình nghệ thuật khác như kịch nói, cải lương, phim điện ảnh. Ở mảng điện ảnh, Chùa Đàn được dựng thành bộ phim khá nổi tiếng Mê Thảo – thời vang bóng do đạo diễn Việt Linh thực hiện.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần cuối của Ngõ lỗ thủng, tác phẩm dựa trên những ký ức, sự kiện và nhân vật có thật của nhà văn Trung Trung Đỉnh, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ngõ lỗ thủng của Trung Trung Đỉnh dựa trên ký ức của những sự kiện, nhân vật có thật của chính nhà văn, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.