Chandungkesi: Truyện ký của cố nhà báo quân đội Phan Xuyến Thanh Đồng (1932-2011) - Tổng biên tập Báo quân khu bốn. Nhà báo Phan Xuyến Thanh Đồng, tên thật là Phan Xuyến, sinh năm 1932, ở thôn Thọ Linh, xã Quảng Sơn, huyện Quảng Trạch (nay là thị xã Ba Đồn), tỉnh Quảng Bình.
Giáo sư tiến sĩ Ðình Hạnh không rõ mình đang tỉnh hay mơ? Trước mắt là cảnh thực hay ảo ảnh?
Trên chiếc võng lưới đung đưa nhè nhẹ giữa hai gốc cau là bà nội của anh.
Áo trắng, quần trắng, đầu tóc bạc trắng như bông. Chiếc quạt nan trong tay bà thỉnh thoảng phẩy nhẹ, dường như để xua đuổi muỗi mòng hơn là quạt mát. Lọn tóc bà xổ xuống, theo nhịp võng, uốn qua, lượn lại như một dải lụa mềm. ánh điện neon từ gian nhà mái bằng hắt ra hòa cùng ánh trăng rằm lọt qua kẽ lá giàn bí đao trĩu quả, dệt đan lên những hình hoa, hình lá tĩnh và động, làm cho giọng ngân nga lẩy Kiều khi bổng, lúc trầm chao xa, lúc liệng lại gần:
Còn non, còn nước, còn người!
Còn vầng Nhật-Nguyệt, còn lời thề xưa
Qua sông sao nỡ phụ đò...
Chẳng lẽ tất cả lại là cảnh thực? Chẳng lẽ có phép mầu nào đấy đã đưa bà từ cõi vĩnh hằng trở lại? Ðể bà quở trách về sự chậm trễ, thờ ơ của Hạnh? Ðình Hạnh thử cấu vào tai, thử bấm vào tay. Vẫn còn cảm giác. Chiếc cặp số sang trọng vẫn trong tay. Nhưng còn bức điện "Bà chết. Về ngay", nằm trong túi ngực thì sao?
Không thể chôn chân mãi trước sân, Ðình Hạnh mạnh dạn bước đến bên võng, úp chiếc mũ chính khách vào trước ngực, cất giọng run run:
- Chào bà ạ!
Tiếng bà vẫn theo nhịp võng đưa:
- Ai... đó?
- Cháu đây ạ! Hạnh đây!
Bà lão đặt chân xuống đất, đứng hẳn dậy, tưởng chừng sắp ôm chầm lấy Ðình Hạnh:
- Ôi Hạnh! Thằng Hạnh đó à?
Nhưng rồi như có một lực cản nào đó níu kéo, bà lại ngồi xuống, giọng đột ngột chuyển "gam":
- à, à, anh nghè... anh nghè è è... Xin lỗi...
Ðình Hạnh khựng lại, thoáng chút hoang mang:
- Bà... bà, cháu đây mà! Thằng Hạnh, cháu nội bà đây... Cháu cứ sợ là... không kịp. May sao!...
- Ha ha ha, anh nghè sợ không kịp đưa tang bà chứ gì! Phải đợi chứ. Ha ha ha ha!
Ðình Hạnh cố lấy lại bình tĩnh, mà con tim như muốn chạy ra khỏi lồng ngực, mạch máu thái dương như mỗi lúc một thắt bóp lại. Những phút đầu gặp gỡ giữa hai bà cháu chưa biết còn dấm dẳng đến đâu, nếu bà không chủ động tạo hòa khí:
- Mẹ Hồng ơi! Thằng Hạnh về đây này!
Có tiếng nồi niêu loảng xoảng từ phía nhà bếp, rồi bà Hồng, một phụ nữ trạc ngoài sáu mươi, vừa lau tay, vừa chạy lên:
- Trời! Hạnh đó hở con?
- Giờ này mẹ còn lụi cụi cái gì dưới ấy!
Bà Hồng đưa chiếc khăn ướt chấm chấm những giọt mồ hôi trên mặt cho con, giọng lo lắng:
- Con về một mình thôi à?
Vị tiến sĩ khéo léo gạt tay mẹ, rút chiếc khăn thoang thoảng mùi nước hoa, chấm nhẹ lên mặt, ngôn ngữ cô đúc đến mức tiết kiệm từng lời, từng chữ:
- Nhà con đi Pháp. Thằng Ðức ôn thi. Nhà cửa thời buổi này chả biết tin ai mà gửi.
- Vậy chứ lái xe đâu?
- Cậu ấy ở lại khách sạn trông xe. Vả lại còn nghỉ ngơi, xong việc con trở ra Hà Nội ngay.
- Không vào cơ quan huyện mà gửi xe. Rồi anh em rủ nhau cùng về. Ðêm hôm đi có bạn, có đôi cho bảo đảm an toàn. Sau này, đừng "liều" thế nghe con!
- Chậc! Không có gì quý hơn tiền trao cháo múc. Cứ khách sạn là nhất. Vào với lũ bạn nửa quê, nửa tỉnh ấy, lắm chuyện nhiêu khê. Mài răng chờ ăn được bữa cơm chiêu đãi của chúng, mình trả năm mươi lần chưa xong. Thôi thì nhờ xin vật tư, nguyên liệu, máy móc, phương tiện. Rồi kinh phí, ngân sách. Rồi gửi con cháu vào các trường, đi nước ngoài... thượng vàng hạ cám.
Vừa cất đồ đạc cho con, bà Hồng vừa rủ rỉ:
- Thằng Ðậu, thằng Tường, bạn thân của con, xem ra vẫn còn chất lính đó chứ! Cứ suy tính như con thì rõ khô cạn hết tình nghĩa bạn bè, quê hương! Bà nội Ðình Hạnh mà ở quê thường gọi là cụ cố Hùng nằm không yên, đã vào bếp từ lúc nào, gọi với lên:
- Chuyện mẹ con còn dài. Ðể thằng Hạnh nó nghỉ ngơi đã. Không có gì làm thức ăn, ta làm thịt con gà choai nấu miến cho nó dễ húp... Bước vào buồng tắm rồi, Ðình Hạnh còn làu bàu trong miệng:
- Ði đứt hai cuộc hội thảo mất mấy trăm đô rồi. Không biết còn bao lần điện nữa?
* * *
Quỷ quái thật! Không biết bà có chi hờn giận mà giở cái trò chết tiệt này? Vừa mệt thân nhọc xác, vừa tiếc thời gian đứt ruột. Ðình Hạnh khôngdám hỏi bà. Giá là mẹ, anh có thể vặc hỏi, có thể nổi cáu và bỏ về Hà Nội ngay. Ðằng này lại là bà nội - người mà luôn luôn anh cảm thấy có uy lực rất lớn đối với anh. Anh vừa yêu quý, kính trọng và sợ hãi nữa. Bà còn là con gái cụ đề Thiệp, một chiến sĩ Cần Vương, nhưng có tư tưởng cách tân. Bởi thế, bà được cụ đề cho học hành tử tế, thông thạo cả chữ Hán, chữ quốc ngữ lẫn chữ Pháp. Có học vấn đã đành, bà còn trực tiếp thu một nền giáo dục gia đình thuộc khuôn phép, nghiêm túc. Mười tám tuổi về làm bạn với ông nội anh - ông Trần Ðình Hùng, sau khi sinh hạ bố anh là Trần Ðình Hồng, cả hai ông bà đều lần lượt bị bắt vì hoạt động cách mạng bí mật. Ông bị đày lên Buôn Ma Thuột, bà bị tống vào nhà lao tỉnh rồi về quản thúc ở quê. Sau Cách mạng Tháng Tám, ông nội vào bộ đội, bà hoạt động phụ nữ huyện. Và bố mẹ anh cũng cưới nhau trong quân ngũ. Sau khi cai sữa cho con, bố mẹ anh liên miên đi theo chiến dịch nên đành gửi anh về cho bà nội. Từ đấy anh trở thành "cục cưng" của bà, bà đi đâu, kể cả đi họp phụ nữ trên tỉnh cũng bế anh đi theo. Có thể nói "cục cưng" được bà chăm sóc dưỡng dục từ khi bập bẹ lời đầu tiên cho đến lúc anh ra Hà Nội học đại học. Bà rất nghiêm, chiếc roi song luôn treo trên vách, nhưng chưa lần nào phải dùng đến. Từ bé, Hạnh là đứa bé ngoan, chưa dám trái lời bà. Nay đã ngoại tứ tuần, mà về trước mặt bà, anh vẫn cảm thấy mình bé bỏng, nhút nhát. Lẽ nào anh không nhận ra điều khác thường trong bức điện chính tay bà thảo và nhờ người đi đánh? Và điều khác thường còn ở giọng điệu mát mẻ của bà, một anh nghè, hai anh nghè. Cơm nước xong, anh toan hỏi nhưng thấy nét mặt bà lạnh tanh, anh lại thôi. Bà là người sắt đá lắm. Nghe nói khi vào tù, thằng tây tra tấn chết đi sống lại bà vẫn ngậm tăm. Tính nết bà vốn thế, điều định nói, bà sẽ nói. Bằng không, chớ có tra xét bà. Cơn thịnh nộ của bà khó lường trước. Chỉ có mẹ là bắt chuyện với anh. Nhưng chuyện của mẹ chỉ loanh quanh hỏi han vợ con anh, với lại đời sống Hà Nội. Tịnh không hé điều anh muốn biết. Còn bà chỉ giục anh đi ngủ, lấy sức. Anh đành lên giường nằm, mà nào có ngủ được. Vừa mới mơ màng, chợt nghe tiếng động. Bà đang thắp hương và lầm rầm khấn trước bàn thờ. Trên đó có hai tấm ảnh khung kính lớn, hai vị đều mang quân hàm đại tá, huân chương, huy chương đầy ngực. Ðấy là ông nội và bố anh. Ông hy sinh ở Tây Nguyên năm 1967, bấy giờ là chính ủy một binh đoàn. Bố anh mất cách đây dăm năm vì bệnh máu trắng, hậu quả của những năm lăn lộn ở chiến trường Trị Thiên. Phần mộ bố đặt ở Huế. Năm kia, nhân tìm được hài cốt ông nội từ Tây Nguyên về, bà và mẹ cũng đã cải táng cho bố đưa về quê luôn. Giờ thì cả hai ông con đã yên nghỉ ở quê nhà đúng theo sở nguyện của bà và mẹ. Quả thật hồi lo liệu cho các cụ, anh quá bận không về được. Nhưng vợ chồng anh cũng gửi về hai "tờ", thế cũng là tròn phận sự con cháu.
Nghe trong lời cầu khấn của bà, có nhắc tên anh, anh chợt hối hận. Lẽ ra mình phải thắp hương. Nhưng lúc này đã quá muộn. Ðành nằm im khẽ vờ như đã ngủ. Rồi giấc ngủ cũng đến từ từ.
Khi anh choàng tỉnh dậy, trời đã sáng bạch. Ngồi vào bàn ăn sáng, bà bảo:
- Sáng nay, bà cháu mình ra thắp hương ngoài nghĩa trang họ Trần ta. Buổi trưa, mẹ Hồng làm mâm cơm trước là cúng vong linh người quá cố, sau là bà cháu mẹ con ta liên hoan mừng anh nghè về quê. ăn uống xong bà để anh đi, chẳng dám giữ anh.
Ðình Hạnh mừng rơn, thở phào:
- Vâng, thưa bà, cháu cũng định thế. Về, được nhìn thấy bà khỏe mạnh là cháu mừng.
Hai bà cháu đều ăn vận đẹp đẽ. Bà, áo dài đen, quần lĩnh đen đi dép nhẹ, tay cầm quạt, tay cầm bó hương. Cháu, comlê mầu cổ vịt, cavat sọc chéo mầu xanh sẫm, mũ phớt, dày đen bóng. Ra giữa sân, bà gọi toáng:
- Mẹ Hồng! Ðưa cho tôi cái choòng!
Ðình Hạnh đang ngơ ngác chưa hiểu cụ mang choòng đi làm gì thì bà hỏi:
- Nếu anh sợ xấu hổ, để bà cầm?
Tất nhiên, anh nghè phải gượng cười mà giành lấy phần nặng nhọc. Và khó chịu nữa. Ai đời ăn vận comlê, cavat đàng hoàng, tay lại xách cái choòng. Mỏi tay này, anh chuyển qua tay kia. Rồi làm gậy chống. Rồi thây kệ, vác hẳn lên vai. Cứ thế, lẽo đẽo đi theo bà. Anh không ngờ đã 84 tuổi mà đôi chân bà vẫn dẻo dai đến thế. Bà đi thoăn thoắt, khiến Ðình Hạnh phải bước gằn. Mướt mồ hôi. Thoạt đầu, bà vượt qua cánh đồng Lau, rồi đến vùng Kiệt năm luôn. Vùng Kiệt này Ðình Hạnh không còn lạ gì. Ðấy là nơi đầy kỷ niệm ấu thơ. Tuổi lên bảy, lên tám của cậu bé Hạnh gắn liền với những cuộc hái sim, bắt chim trên núi Ðại, rừng Thông hoặc những lần đắm mình trong nước mát khe Cầm. Song thú vị hơn là những lần theo lũ bạn chăn bò ra vùng Kiệt chơi trò đánh trận. Ðánh bộ no chán lại ào xuống các dải hồ ao xung quanh đánh trận dưới nước.
Thôi thì tha hồ mà bơi lặn, té tát nước vào mặt mũi nhau. Xong cuộc chiến, đứa nào đứa nấy mình mẩy trát đầy bùn đất, bóng nhẫy như da rái cá, bê bết như trâu đầm ruộng lầy. Có lần, bà nội biết chuyện, đã rút roi song xuống răn đe. Răn đe chứ bà không đánh. Bởi Hạnh là đứa nhát, chưa đánh roi nào nước mắt nước mũi dầm dề, phủ phục dưới chân bà mà lạy như tế sao. Chính cái đận ấy, bà mới cho Hạnh biết rằng những ao hồ quanh vùng Kiệt chứa đầy tử khí, cấm không được bén mảng xuống.
Nghĩa là ở đó xưa có hàng mấy trăm người chết vào thời binh hỏa.
Hồi đó, dựa vào thế các giáo sĩ truyền đạo, lại có quân lính Pháp đứng phía sau, Những kẻ nhân danh đấng bề trên ở làng Phúc, làng Hòa, làng Trường đã kéo theo những kẻ giàu có mở cuộc "thập tự chinh" lên làng Lâm, làng Thượng. Họ muốn báo thù một thời "sát Ta, bình Tây", bắt những người "ăn mày cửa Phật" tự nguyện bỏ gốc Bồ Ðề, quy y dưới chân Ðức Chúa Lời. Khi lời ngon ngọt không đủ sức thuyết phục, thì lập tức đàn chiên của Chúa sẵn sàng giáo mác xông lên xé xác những ai chống lại. Những người "ăn mày cửa Phật" lẽ dĩ nhiên không chịu rời bỏ chủ quyền đất đai bao đời cha ông khai phá tạo lập. Cũng không dễ dàng nuốt nước mắt nhìn cảnh Niết Bàn bao thế hệ, sống thờ phụng, chết gửi hồn, bị xúc phạm. Thế là cuộc chiến trở nên ác liệt, thảm thương. Máu chảy loang đồng, xác chất thành đống. Cả con chiên lẫn phật tử được đắp điếm lại trong nấm mồ chung. Từng ngày, từng tháng, từng năm, những người qua lại thấm thía nỗi đau, đắp thêm một vài hòn đất, lâu thành gò. Người ta gọi là gò Kiệt, nơi phân địa giới giữa năm thôn.
Giờ đây, cụ cố Hùng và giáo sư tiến sĩ Ðình Hạnh đã dừng chân trên gò Kiệt. Phóng tầm mắt xuống, Ðình Hạnh thấy các ao hồ ngày xưa nay đã được san lấp, xóa đi dấu vết một thời đầy tham vọng tội ác, và biến thành những ruộng lúa đang độ ngậm đòng.
- Thắp hương đi cháu!
Bà nội trao cho cháu một thẻ hương. Anh lui cui che gió bật lửa. Thấy có người sang trọng thắp hương trên gò, bà con đi làm đồng quanh đấy, cả người lương lẫn người giáo, cả trẻ con chăn trâu bò cũng xúm đến. Cụ cố Hùng sai Ðình Hạnh cắm cả thẻ hương lên đỉnh gò, đoạn cụ đứng im, lòng đầy xúc động. Cụ cố cất tiếng vừa đủ cho mọi người cùng nghe, giọng não nuột, thiết tha.
- Cầu Chúa lòng lành! Cầu Ðức Phật từ bi bác ái! Cùng chư vị chúng sinh đã bị làm vật hy sinh trong nạn "binh hỏa"! Cụ Hồ Chí Minh có nói rằng: Nếu Ðức Phật Thích Ca mầu ni, đức Chúa Cứu Thế, đức Khổng Tử và cụ Mác, cụ Lênin sống cùng thời, chắc chắn các cụ là láng giềng tốt với nhau. Cớ sao lại có những kẻ đội danh Chúa mạo cửa Phật, xúi giục chúng sinh lao vào máu lửa, vì những mưu đồ xâu xé tranh giành quyền lực, gây nên cảnh nồi da - xáo thịt, bể khổ loạn ly. Nếu quả thật, Chúa muôn lần thiêng liêng, Phật giàu lòng tế độ, xin rủ một lời khuyên: Hãy cứ lo cho đẹp đời, tốt đạo.
Ðừng bao giờ để quái yêu, quỷ dữ phỉnh lừa, chúa lòng lành vẫn hằng mong. Ðức Phật Thích Ca mầu ni đại từ bi đều hằng muốn vậy cả. Xin chớ sai lời! Amen! Nam mô a di đà Phật. Khấn vái xong xuôi, bà nội bảo Ðình Hạnh xắn hai nhát đất vuông vức, bà một nhát, cháu một nhát; cẩn thận đắp bồi cho những vong hồn xấu số bớt lạnh lòng, tủi thân.
Xưa nay người ta vẫn đến thắp hương cho họ ngày vong nhân xá tội, nhưng chưa ai khấn cầu bài bản như cụ cố Hùng.
Những tiếng trầm trồ nổi lên xung quanh:
- Cụ cố già rồi mà còn minh mẫn, sống có trước có sau lắm!
- Thế mới gọi là trên hợp ý Chúa ý Phật, dưới hợp ý bà con mình.
Cụ cố Hùng dường như không để ý những lời bình phẩm, còn Ðình Hạnh cảm thấy mát lòng hả dạ. Nhìn dáng vẻ bà như tiên đồng đạo cốt, anh càng thêm tự hào về bà nội mình.
Chào bà con vây quanh, hai bà cháu lại đi. Lần này, bà nội dẫn Ðình Hạnh tới thắp hương ở gò Cồn Hoang. Ðây là bãi tha ma chung của bà con cả năm thôn. Người chết trở về với đất là lẽ thường tình. Ðiều bất thường và đáng phải ghi nhớ là đã có ba trăm người nằm xuống nơi đây trong vụ đói năm ất Dậu. Ôi ba trăm sinh linh nào có ít ỏi gì đâu! Chưa đến lúc chết, mà đành chịu chết. Họ chết vì không có gì bỏ vào miệng nữa, trong khi đó phát-xít Nhật dùng kho gạo làm chất đốt chạy máy, còn thực dân Pháp lại đổ xuống biển... Ba trăm linh hồn rũ xuống thảm thương nơi đây dường như ngày đêm còn vọng về lời nguyền rủa oán hận, để nhắc nhủ người đời sau... Cụ cố Hùng bảo với Ðình Hạnh như thế.
Từ gò Cồn Hoang, cụ cố Hùng dẫn Ðình Hạnh quay về xóm Trung Ðình, dừng lại trước tấm bia căm thù xây bằng xi măng, khắc chữ chi chít. Cùng với Hà Nội, Hải Phòng chịu thảm họa B.52 rải thảm vào cuối năm 1972, mà người đời vẫn gọi là quà tặng Nôen của tổng thống Níchxơn, cái xóm Trung Ðình hẻo lánh tận tít Quảng Bình này cũng gần như bị hủy diệt 122 người bị mất xác, vùi thây. Hai bà cháu thắp hương và cúi đầu tưởng niệm trước vong linh những người đã mất, mà oán thù còn ghi lại trên tấm bia, còn khắc cốt ghi xương vào những người đang sống. Ðằng sau những dòng chữ, hiện lên một khuôn mặt giả nhân giả nghĩa, miệng hô thiện chí hòa bình, tay lại ấn nút thả bom rải thảm.
Ở mỗi nơi dừng chân, vẫn mấy nén nhang, đôi lời cầu nguyện, nhưng mỗi đối tượng tưởng niệm, cụ cố Hùng lại sử dụng một ngôn ngữ thích hợp. Khí thiêng và tôn kính bao trùm mà không nhuốm dị đoan mê tín, gửi gắm tâm linh tình cảm mà không mù quáng giáo điều. Chính giáo sư tiến sĩ Ðình Hạnh - một nhà khoa học cũng nhận thấy thế. Cứ mỗi lúc, anh nhìn bà nội mỗi khác hơn. Có cái gì đó vừa tự tin vừa thiêng liêng. Anh lờ mờ nhận ra rằng, cuộc đi thắp hương vòng vèo này là bà có chủ định. Càng rõ sự sắp xếp chủ định hơn là lúc đến nghĩa trang họ Trần, cái đích cuối cùng của chuyến viếng thăm. Ông bác tộc trưởng họ Trần, người có bộ râu đen nhức cùng mươi người trong tông tộc đã có mặt ở nghĩa trang. Sau những cái bắt tay chào hỏi, bác tộc trưởng nói:
- Từ ngày chú Hạnh đi xa học hành đỗ đạt, lần đâu về quê, chắc chưa có điều kiện hiểu tường tận, nay mời chú vào dâng hương, và tôi sẽ giới thiệu từng phần mộ.
Ðình Hạnh vào thắp hương và vái trước bàn thờ nghĩa trang rồi đi theo ông tộc trưởng.
Quả thật, vị tiến sĩ không ngờ trong lúc mình mải mê đường công danh thì ở quê hương bà con thân tộc đã lo lắng chu đáo với tổ tiên như vậy. Từ cao cao tằng tổ khảo, cao cao tằng tổ tỷ cho đến cụ cố, ông bà, tất cả đều được xếp theo thứ bậc, đâu ra đó. Chỉ có độ dày họ Trần không như lâu nay Hạnh tưởng. Từ thuở tổ tông cách đây dăm trăm năm, chỉ cây cuốc cây rựa trong tay đến đây khai sơn phá thạch cho tới nay con cháu đàn đống, tiến sĩ cử nhân cũng nhiều, cấp tá cấp úy trong quân đội chẳng hiếm, tú tài thì gia đình nào cũng có...
Ðình Hạnh dừng lại bên ngôi mộ ông nội mới xây nằm ở hàng thứ tám, mộ chí ghi rõ: Ðại tá Trần Ðình Hùng (1909-1967). Lùi xuống phía dưới, cũng một ngôi mộ mới xây kiểu cách như trên. Ðấy là mộ của bố anh, Ðại tá Trần Ðình Hồng (1930-1988) cạnh hai ngôi mộ vẫn còn hai khoảng đất trống. Theo lời tộc trưởng, đấy là phần đất dành cho bà nội và mẹ anh. Trần Ðình Hạnh nhẩm tính, cả ông nội và bố đều mất ở tuổi 58. Tự so sánh với tuổi mình, anh chợt nghĩ đến cái gọi là quỹ thời gian. Anh thắp hương cắm lên mộ ông nội, lên mộ bố, lòng đầy xúc động. Trong lúc đó, bà nội kể lể về sự vất vả kiên trì đi tìm di hài ông nội. Thật là tấm lòng họ hàng và nhân dân như trời biển. Nếu không có các cháu giúp bà lặn lội lên tận Tây Nguyên, nếu không có một cụ già Êđê đã 86 tuổi bảo con cháu cõng qua bảy con khe, trèo qua mấy ngọn núi để tìm tới nơi chính tay cụ đã đắp điếm cho vị chính ủy hy sinh tức là ông nội, thì...
Ðình Hạnh thoáng thấy xấu hổ, hai "tờ đô" thấm gì với công sức tình nghĩa bao người. Anh chợt hỏi bà:
- Bố con từng làm sư trưởng, tham mưu phó quân khu nhưng dù sao cũng chết vì bệnh hiểm nghèo, không được coi là liệt sĩ. Còn như ông nội, bằng liệt sĩ rõ ràng, sao không rước ông vào nghĩa trang liệt sĩ hở bà?
- Ðây là nguyện vọng chung của cả ông bà. Từ thuở còn hoạt động bí mật, lúc mới yêu nhau cũng như khi đã thành đôi lứa, ông bà luôn nói với nhau rằng: làm cách mạng thì súng gươm quân thù kề bên cổ, ngục tù chực sẵn bên lưng, sinh ly, tử biệt là điều cầm chắc. Nếu còn sống hoạt động thì dù xa cách, vẫn trong lòng chung thủy. Nếu thác về thì cố tìm đến với nhau. Ai phản bội đồng chí, đồng bào hoặc bội bạc nhau thì đừng nhìn lại mặt. Ðã đến lúc tưởng rằng cuộc đời hiến trọn cho dân, cho nước như vậy thì không nỗi nào ân hận. Thế mà vẫn muôn lần trắc trở, chắc gì đã yên thân. Cụ cố Hùng chợt nấc lên, lấy khăn lau nước mắt...
Cụ dừng lại trong chốc lát, cố nén bớt xúc động và lấy lại hơi sức, rồi nói một mạch:
- Xưa nay gia phong tôn tộc ta là vậy. Ai con hiền, cháu thảo, trung hiếu vẹn tròn thì khi sống được kính trọng, tin yêu, lúc chết được quần tụ quy tiên cùng tông tổ, được ghi dòng đỏ vào gia phả họ hàng. Ai bất trung, bất hiếu, thì tùy mức mà phân xử. Nặng thì mời ra khỏi nơi tôn nghiêm. Nhẹ hơn thì ghi dòng đen vào gia phả, khung lại, làm lời răn đe để người sau không giẫm vào vết chân lầm lỗi... May sao, họ ta có anh nghè là nhà khoa học thông kim, thạo cổ, hiểu rõ lòng người, dự đoán được tương lai. Nay nhân dịp anh về dâng hương, anh xem thử chỗ nằm của ông nội anh, của bố anh đã ổn chưa? Anh chỉ cho để sau này đỡ phân vân, lầm lạc.
Nét mặt cụ cố vẫn tỉnh không. Giọng đều đều thong thả, không gay gắt, chua chát như phút đầu giáp mặt tối qua, mà sao cứ cứa vào lòng, vào ruột. Ðình Hạnh gần như bàng hoàng, sửng sốt:
- Dạ, thưa bà, thưa tộc trưởng. Cháu đâu có là thầy địa lý. Cháu có lỗi lầm, sai sót gì, xin bà cứ dạy bảo. Cháu bao giờ dám nghĩ đến chuyện vô luân.
Anh nghè không là thầy địa. Nhưng là nhà khoa học. Một lời của nhà khoa học không chỉ cả nước biết, mà còn đi ra năm châu, bốn biển. Ðâu có như bà con xóm thôn - tôn tộc tầm mắt không vượt nổi bờ tre. Chẳng lẽ với người thân, anh lại giữ ý? Hay anh sợ chúng tôi không đủ trình độ tiếp thu?
Không gian như nén lại. Ðôi mắt bà, ôi đôi mắt tiềm ẩn bao nhiêu điều cần nói, cứ nhìn thẳng vào đứa cháu đích tôn, trông trờ, nán đợi... Ðôi mắt hiền từ vậy mà sao như có sóng ngầm như có lửa thắp:
- Chắc anh nghè tưởng rằng chúng tôi gõ nhầm cửa đó sao? Ðâu có nhầm. Ðây, anh hãy đọc những cái này để yên tâm tin ở điều tôi nói!
Bà nội thong thả lấy từ trong túi xách một tập giấy được khâu đóng cẩn thận. Bàn tay bà run rẩy, giọng cũng run run:
- Họ hàng đang chờ ý kiến anh đó.
Nóng lòng muốn biết những thông tin chứa đựng trong tập giấy. Ðình Hạnh giở ngay trang bìa. Ðập vào mắt anh đầu tiên là một bức thư gửi bà nội. Những nét chữ run rẩy, kiểu chữ xiên của lớp học sinh thuở trước. Bốn trang pơluya ken đặc chữ là chữ. Nhiều đoạn được gạch đỏ dưới từng dòng khá cẩn thận.
"Thân kính gửi chị Trần Ðình Hùng.
Tôi chuyển đến chị những ý kiến mới lạ của một tiến sĩ trẻ tuổi được trình bày trong một số cuộc hội thảo, diễn đàn. Tôi đã một lần trực tiếp nghe nhà khoa học này ở trường T. Sau này tôi mới biết vị giáo sư - tiến sĩ này là con của anh chị Ðình Hồng và là cháu đích tôn của chị. Nếu biết sớm hơn chưa rõ tình cảm của tôi đối với giáo sư sẽ ra sao. Nhưng thôi cứ để sự vật tự nó bộc lộ khách quan hơn mọi lời rào sau, đón trước, phải không chị...?"
Bức thư kể về cuộc diễn thuyết của anh ở trường Ðại học T vào mùa xuân năm kia. ồ, anh nhớ ra rồi, đấy là một kỷ niệm không lấy gì làm vui. Hồi đó, sau chuyến đi Mỹ về, những thông tin khoa học mới nhất của anh đang hết sức hấp dẫn. Các buổi nói chuyện của anh, cử tọa ngồi chật ních, hội trường hầu hết là trí thức sinh viên. Họ ghi âm, tốc ký rồi chuyền cho nhau. Ðình Hạnh gần như say trong men nồng của ánh mắt hào hứng thán phục của những tràng vỗ tay, và cả cách thức tiếp anh, vị sứ giả của cái mới. Vậy mà buổi diễn thuyết ở trường Ðại học T., anh đã vấp. Nói cho đúng hơn là vấp phải sự phản ứng vừa mềm dẻo, vừa quyết liệt. Trên bục, anh vừa kết thúc buổi nói chuyện, nghiêng đầu chào cử tọa, bỗng nhiên có ai đó nói:
- "Tôi xin có ý kiến".
Hội trường đang xáo động, bỗng trở lại im lặng, im lặng đến mức nghe rõ những âm thanh là lạ.
Lộp... cộp... Lộp... cộp... tiếng gõ lộp cộp đều trên sàn hội trường. Một ông già mặc quân phục đã bạc mầu, nhưng đường ly còn thẳng nếp, chống đôi nạng gỗ bịt đuya ra, khó nhọc đặt từng bước chân theo các bậc tam cấp. Người ông gầy và giọng ông sang sảng. Sau vài lời xã giao ngắn gọn, ông già nở một nụ cười thoải mái:
- Kể ra thì sự xuất hiện của tôi lúc này là bất lợi. Giờ sắp mãn. Trời gần trưa. Nhưng tôi nghĩ, thầy giáo nào cũng mong điều mình gieo vào lòng học sinh sẽ thành hoa, thành trái. Các cụ ta thường chỉ giáo: "Lời nói - gói vàng...". Lời nói của một giáo sư, của nhà khoa học càng bội phần ngọc - vàng, không thể lĩnh hội tùy tiện được. Xin giáo sư phiền lòng dành cho mấy phút, tôi xin được phép hỏi lại đôi điều cho rõ. Giáo sư có cho phép và cử tọa có đồng tình không ạ?
Ðình Hạnh mỉm cười đáp lễ:
- Vâng, xin mời bác!
Cử tọa vỗ tay nhiệt thành.
Khóe miệng của ông già luôn thường trực nụ cười:
- Thưa giáo sư! Vậy chứ giáo sư đi chuyến này là có chủ ý theo nội dung, chương trình và quy trình nghiên cứu của đề tài mình muốn, hay do họ xếp đặt?
- Mình là khách mời, tất nhiên phải theo sự xếp đặt chương trình của chủ nhà chứ!
- Thưa giáo sư, vậy khi diễn giải về nhân quyền và dân quyền của nước Mỹ, giáo sư có được tạo điều kiện đến những khu vực dân lao động và các khu cư trú của người da đen, da đỏ, chẳng hạn khu Hác-lem?
- ờ tất tần tật chỉ trong vòng hai tuần lễ, làm sao có thể đi khắp?
- Hai tuần, dựng được cả một công trình nghiên cứu lớn như vậy thật là tuyệt. Còn chúng tôi, những quân nhân từng cọ xát với lính Mỹ gần mười năm ở chiến trường, mà sao chậm hiểu. Cả hai đời tổng thống Mỹ đều nhiều lần nhỏ nước mắt cầu nguyện cho hòa bình ở Việt Nam. Nhưng mỗi lần như vậy thì cường độ bom đạn giết người lại tăng. Binh lính viễn chinh ồ ạt tăng... Vậy mà, thưa giáo sư...
- Dù sao, thì ngày nay đến với họ, so sánh cuộc sống bên ta, thật một trời, một vực. Ðã đến lúc mình phải nên làm học trò cho họ rồi đấy bác ạ. Ðình Hạnh mỉm cười châm biếm...
- Thưa giáo sư, kể cả việc áp đặt cấm vận đối với hàng loạt nước, trong đó có nước vốn là nạn nhân của cuộc tàn sát kéo dài hàng chục năm do chính nước mình gieo rắc? Kể cả quyền tự do được can thiệp vũ trang, lật đổ? Và, thưa giáo sư, hành động đó là biểu tượng cao cả của nhân quyền và dân quyền sao?
- Ta hãy đặt nó trong điều kiện cụ thể, hoàn cảnh cụ thể?
- Vâng, tất cả những gì chúng ta đang đề cập đều là cụ thể. Rất cụ thể, tất cả những gì các đời tổng thống Mỹ dành cho cuộc chiến tranh ở Việt Nam ta, và cả những gì họ làm mấy thập kỷ qua, phải chăng chưa đủ để một lần xác định rằng đó là những hành động đầy ưu ái của Nhân quyền và Dân quyền.
- ồ, đó là quá khứ. Hãy khép lại quá khứ, nhìn vào hiện tại, hướng về tương lai...
- Thưa giáo sư! Khép lại quá khứ phải chăng chưa là cụ thể? Chứ không phải lật ngược, đảo lộn lịch sử? Chẳng hạn, giáo sư nói rằng: hai cuộc kháng chiến vừa qua là sự phí phạm xương máu. Giáo sư lại còn nói rằng ta có thể tìm con đường khác tránh được đau thương, mà vẫn bảo đảm cho dân tộc Việt Nam phát triển! Giáo sư thử chỉ dẫn cho, bằng cách gì, bằng con đường nào vậy?
Ðến tình huống này thì rõ ràng Ðình Hạnh không dễ dàng trả lời. Ngẫu hứng bên bàn trà, cùng một thuyền, một hội hoặc trước mình là những ai đó thiếu hiểu biết cần thiết, thì có thể vung tay quá trán. Chứ ở đây, trong hoàn cảnh này mà tơ lơ mơ thì chỉ có đốt sách. May mà Ðình Hạnh còn đủ tỉnh táo để không dại mà tương ra những ý định đích thực của mình. Song cũng khó tìm được câu trả lời cho chuẩn. Ðành nói nước đôi:
- Trên góc độ nghiên cứu, tôi chỉ nêu sự gợi ý về một phương án có thể hay hơn cho một điều kiện cụ thể nào đó thôi ạ!
- Vậy thì, thưa giáo sư, xin chớ, xin chớ! Lịch sử không lặp lại. Vận mệnh tối thượng của đất nước, của cả dân tộc không cho phép bất cứ một ai đưa ra làm vật thí nghiệm cho những động cơ cá nhân. Song với giáo sư, xin được nêu một câu hỏi cuối cùng giữa một phía là quyền sống trong độc lập tự do theo con đường mình chọn với một phía là người dân mất nước, nô lệ, giáo sư chọn con đường nào. Tổ tiên ta đã phải bao lần chống ngoại xâm, vậy tính sổ thế nào cho công bằng?
Ðối với câu hỏi này, hình như Ðình Hạnh bí thực sự, anh chỉ đáp chung chung rằng, có nhiều điều cần phải tiếp tục làm sáng tỏ thêm, có khi phải vài ba thập kỷ chứ không thể giải đáp ngày một, ngày hai được. Với vẻ đắc thắng, ông già buông một câu hóm hỉnh:
- Khoa học chuyên ngành là lãnh địa của giáo sư. Kẻ già này đâu dám múa rìu. Nhưng trong phạm vi nội dung vừa trao đổi, tôi cũng xin sẵn sàng hầu chuyện giáo sư, cho đến lúc một trong hai bị lấm lưng vỗ bụng. Xin ngoắc tay Ðịa chỉ: Ông Trịnh Thế Dương, thiếu tướng hưu trí, số nhà 80, đường Trần Hưng Ðạo.
Cả hội trường gần như sôi lên trong tiếng vỗ tay, tiếng cười nói thoải mái. Còn Ðình Hạnh cứ ngẩn người ra trước sự thể bất thường hôm ấy, mà mãi về sau còn ám ảnh anh. Tưởng rằng thời gian sẽ phủ bụi lên cái kỷ niệm không vui ấy, ai ngờ ông Trịnh Thế Dương lại là bạn thân của ông bà nội anh từ thời còn học quốc học Huế. Và bức thư của ông Dương đã đến nơi thôn dã này với bà nội anh. Cùng với bức thư là những bài báo anh viết, anh trả lời phỏng vấn và những trang ghi chép lời anh diễn thuyết được "phô-tô cóp pi" lại. Quả thật, hồi đó những ý tưởng của anh được coi là mới mẻ, được một số người tâng bốc, tạo kích thích và phấn hứng cho anh. Nghĩ lại, Ðình Hạnh cảm thấy mình bạo tợn khi chấp nhận sự thách thức trên các vấn đề hóc búa mà lẽ ra với sự nghiêm túc tối thiểu của nhà nghiên cứu khoa học, cần phải thận trọng hơn.
Ðình Hạnh vừa lướt xong tập giấy, bà nội hỏi liền:
- Anh nghè thấy thế nào? Có đúng "Một người làm quan cả họ... trông ngóng" không nào?
- ...
- Vậy là anh nghè khẳng định điều mình viết và nói? Vậy là chúng tôi nói sai chứ gì? Ðình Hạnh chưa biết trả lời bà thế nào thì bà đã đứng dậy. Trang trọng và kính cẩn, bà hướng về đỉnh Ðại Sơn, nơi tổ tông gối đầu, ngoảnh sang phía sông Linh, hướng chân dưới nghĩa trang. Cứ mỗi nơi, bà dâng hai vái. Quay về điện thờ tổ và vọng khắp bốn phía yên nghỉ của ông bà cha mẹ, cụ Hùng nghẹn ngào nói:
- Xin thần núi, thần sông, xin các bậc anh hùng - liệt sĩ có công dựng nước và giữ nước, xin tổ tiên - ông bà họ Trần - làng Thượng, chứng giám cho tôi, Mai Thị Trung 84 tuổi, con dâu họ Trần về lời thỉnh cầu sau đây: Một thời kỳ dài, chồng tôi - Trần Ðình Hùng đã hy sinh, con trai tôi là Trần Ðình Hồng đã quá cố, con dâu là Hồ Thị Thanh, đều đã mang áo lính, đi suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Theo tiếng gọi của non sông - đất nước, chúng tôi không ngại hy sinh, không nề gian khổ...
Nay cháu nội tôi là quan nghè giáo sư - tiến sĩ Trần Ðình Hạnh có luận cứ cho rằng việc tiến hành hai cuộc kháng chiến là tội lỗi. Ðể tránh khỏi những tranh cãi phiền toái sau này, nhân lúc cháu nội tôi có mặt, tôi và con dâu tôi còn sống, xin cho phép Trần Ðình Hạnh được dùng lưỡi choòng này dời phần mộ ông nội và bố ra khỏi nghĩa trang tôn nghiêm của dòng họ Trần.
Nâng chiếc choòng lên ngang tầm mắt, cụ cố Hùng vái hai vái, rồi trao lại cho Ðình Hạnh:
- Trong nhà còn có người lỗi lầm mà chưa giải quyết xong thì ra xã hội khó thông đồng bén giọt. Nay cháu cả hai vai đều nặng. Cháu hãy làm phận sự của người cháu đích tôn, trước khi làm chức năng nhà khoa học, làm ngay trước mặt bà cho bà được yên lòng khi nhắm mắt, sau này khỏi phải đào lên - bới xuống, đau lòng người quá cố một, nhức nhối người đang sống và sẽ sống trăm nghìn lần.Pháp luật bất vị thân. Lời kết án của nhà khoa học lắm khi vượt xa tác động, ảnh hưởng của luật pháp. Cháu cứ bạo tay mà làm như cháu đã không hề ngần ngại, đắn đo khi bày tỏ quan điểm của mình trước công luận.
Ðình Hạnh đưa nhanh mắt nhìn bà nội, lướt qua bà con tôn tộc. Tất cả như đợi chờ ở giây phút quyết định này. Mỗi ánh mắt sao mà giống một tia lửa điện đến thế. Ðình Hạnh cố tránh, thì những tia lửa điện lại cứ bám chặt.
- Nào, cháu! Hãy bạo tay lên nào - Bà nội vẫn nhẹ nhàng, ôn tồn đến kỳ lạ. Tộc trưởng nãy giờ im lặng, khẽ khàng góp ý:
- Trăm nghe không bằng một thấy. Trăm thấy không bằng một làm. Chú Hạnh đáp lại lời bà đi. Biết đâu đây là điểm khởi đầu cho sự vươn xa của chú trên đường nghiên cứu khoa học. Tu thân - tề gia - trị quốc mà!
Ðình Hạnh tưởng chừng đang đứng trên đống lửa. Ðôi chân anh khụy xuống, đầu gục vào chân bà. Anh nức nở: "Cháu lạy bà. Cháu có lỗi. Cháu xin bà!". Trên đầu anh là đôi tay bà đang từ từ buông thõng. Lưỡi choòng vẫn còn đó, trong tay bà, gác ngang trên đầu giọt máu đích tôn. Ðôi tay Ðình Hạnh úp vào trước ngực mình, nơi đó, quả tim đang đập và bức điện: "Bà chết, về ngay!".
Trại sáng tác quân khu IV tại Cửa Lò
5-1993
P.X-T.Ð
Thư, bài vở cộng tác vui lòng gửi tới Email:
Vui lòng ghi rõ nguồn khi copy nội dung từ website này.
© Copyright: chandungkesi.com