chan_dung-ke_si

MỘT BỮA CỖ - Truyện ngắn Trần Tâm

24-08-2024

Lượt xem 1140

Đánh giá 2 lượt đánh giá

Chia sẻ

  Trần Tâm

MỘT BỮA CỖ - Truyện ngắn Trần Tâm

Nhà văn Trần Tâm

Chân Dung Kẻ Sĩ: MỘT BỮA CỖ là truyện ngắn của nhà văn Trần Tâm rút từ tập truyện ngắn Bời bời bão dựng, NXB Hội nhà văn, xuất bản năm 2023. Đây là truyện ngắn tác giả viết về những năm tháng ông vẫn còn là một người thợ của vùng mỏ Quảng Ninh quê hương.

***

             Xưa nay, mỗi khi dẫn dụ điều này điều nọ, bạn bè tôi thường “Các cụ dạy rằng…”. Có điều chả mấy người nhớ, các cụ chính là chúng ta đây. Nói năng chủng chẳng, tám sai hai đúng. Đúng chỗ này lại sai chỗ khác. Chắc ai cũng nhớ câu Miếng ngon nhớ lâu... Tôi - năm nay vừa đủ bảy mươi sáu mùa lá vàng bay tới tấp - lên chức cụ đã được nửa giáp thấy miếng không ngon cũng nhớ mãi. Sở dĩ nói miếng không ngon còn nhớ mãi nữa là miếng ngon. Vậy thì, miếng nào cũng nhớ. Càng sâu sắc càng nhớ dai, nhớ kỹ.

           Năm ấy, mới gần ba mươi tuổi, tôi được trời thương, bố trí quản lý một đội sản xuất gồm hơn ba trăm người. Nói miếng ăn chả là cái gì là nói phét. Miếng ăn quan trọng lắm. Nó dễ xô đổ tất cả mọi thứ, kể cả những gì là thành tựu vững bền qua mấy trăm năm. Vì thế, nên tôi được những người trong diện cai quản quý trọng. Quý trọng vờ vịt ngoài mặt ấy mà. Tôi nghĩ đó cũng là chuyện thường. Họ quý trọng tôi vì tôi đang nắm quyền chu cấp lương bổng, công sá làm việc của họ. Không thế thì, tôi là cái thá gì mà họ phải quan tâm?

          Chính vì quan tâm nên tôi thường được họ mời về quê chơi. Tôi khoái ngao du. Công việc làm sao thì làm. Hứng lên là rong ruổi cho thỏa thích. Bọn chúng biết vậy nên hay kéo tôi về vùng quê chúng để tôi xuê xoa, du di cho những việc chúng chưa hoàn thành, còn thiếu sót. Những miền quê cuối thời bao cấp na ná nhau, buồn buồn, vắng vẻ. Dân chúng thì trăm người gần như một, giật gấu vá vai, ăn bữa sáng lo bữa tối. Nhịn miệng đãi khách đường xa/ Đó là của để con ta ăn dần. Nếp sống ấy đã thành nét văn hóa đẹp từ dưới chân rạ. Đằng này lại đãi xếp của con.

         Tôi theo cu tý Nhượng về Thanh Hóa.

         - Anh cứ về quê em! Em là trưởng tộc. Yên trí đi! Thấy anh về, mọi người tôn trọng một phép!

         Tôi theo nó về không phải để xem mọi người tôn trọng một phép mà do khoái. Một vùng quê nghèo. Đất đai khô cằn. Hoa sim hoa mái nở dọc đường thôn. Vùng quê sỏi đá. Nước mưa chảy, khoét thành những vệt sâu dài. Mấy con trâu uể oải nhằn những bờ cỏ đã khô vàng nằm nghiêng trên ruộng cạn.

        Tôi được đón tiếp chu đáo. Chu đáo đến không có gì phải phàn nàn chê trách. Sáng sáng vừa dậy đã thấy một chậu nước nóng mời bác ra rửa mặt rồi vào ăn. Bữa ăn đều đều, hôm lòng lợn tiết canh, hôm phở gà nghi ngút khói, hôm thì đĩa bánh cuốn to khự. Cháo múc ra từng âu lớn. Chỉ có ba người. Bố thằng bạn. Ông tên Tựu, tôi và thằng Nhượng. Người nhà không được lai vãng. Ăn làm sao hết. Rề rà nài ép mãi không ai ăn thêm nữa, ông hướng mặt xuống phía bếp, hắng giọng. Như đã chuẩn bị từ trước, cả bọn người nhà xông lên. Qua loa vài câu dấm ớt, loáng cái sạch tinh. Pha trà cho ông. Nước sôi sùng sục đổ ra. Trà chưa ngon nhưng mới. Mời ông và bác.

           Ngại quá! Làm sao mà không ngại? Mình chỉ ngang tuổi con người ta. Hà cớ gì mà chễm chệ ngồi đánh chén? Tinh tướng gì mà người ta phải lo toan? Tối tối, bà mẹ ghé đến bên giường hỏi mai anh em ăn gì. Tôi giả ngủ nhưng nghe hết, mới thấy cám cảnh chuyện làng xã xóm thôn ngày bao cấp. Nhịn miệng đãi kẻ giời ơi…

           Đang ngồi dông dài chuyện nhà chuyện nước với ông Tựu, tôi thấy một đứa trẻ kéo theo ba bốn đứa khác, xồng xộc chạy từ ngoài vào, hớt ha hớt hải:

          - Ông ơi! Trưa mai mời ông sang ăn giỗ. Bu cháu bảo vậy!

          - Tao biết rồi!

          Trưa hôm sau, cả nhà thằng bạn kéo sang. Tôi cũng nằm trong số ấy. Đi loanh quanh đến non cây số, ông Tựu đưa tôi rẽ vào ngõ. Một cái ao to, rộng đến nửa sào. Mấy cây vải vừa hết mùa, lá đã thẫm lại. Ông cụ già, còn già hơn bố tôi đang quây lưới.

           - Mời các ông sang! Nhà con đang ở nhà!

           Chắc họ hàng làng nước. Ông râu dài đến ngang đùi gọi thằng oắt con chưa biết thắt quần dải rút bằng cụ đây. Mình không biết gì, cười cười im lặng giữ lễ là trên hết.

           Vào sân. Một đám thanh niên đang túm tụm loanh quanh. Đám con gái hè nhau đi mượn, khiêng ghế mang bàn kê kéo, sắp xếp, nô đuổi nhau chạy. Mấy thằng con trai chăng dây trải bạt dựng rạp. Khói từ bếp cuồn cuộn. Một bà già bùm khăn chắc không chịu nổi khói chạy từ trong ra:

          - Bác đã sang!

           Nói một câu giở chào giở hỏi, bà lại tất tả xông vào đám khói dày đặc, chắc còn loay hoay đun nấu. Nhượng quát mấy đứa thanh niên:

          - Sao mày không đánh cá cho ông?

          - Cá ao ông. Ông phải đánh chứ?

          Tôi lặng lẽ bước vào nhà. Căn nhà năm gian, rộng dài. Nó còn rộng dài hơn vì không đồ đạc gì. Hai cái giường kê hai góc. Một chiếc bàn chỏng trơ. Mấy chiếc ghế thì cái long cái gãy. Nhìn lên trên. Nhà chưa có trần. Những tấm tranh mỏng manh như mặt sàng thưa. Nắng đổ dài từng vệt.

           Thằng con ông chủ nhà đon đả mời chúng tôi vào. Cậu ta không tráng ấm, bốc chè vào tích, dội nước, chả biết có sôi hay không. Rót nước ra chén, mời từng người. Mỗi cái chén một kiểu. Tôi là khách lạ, ưu tiên chiếc chén vừa nhìn qua đã thấy sạch nhất.

            Sau một vài tợp dạo đầu, ông Tựu nhẹ nhàng:

            - Sao chúng mày không lợp lại nhà cho ông bà mà để thủng dột thế này?

            - Có sao đâu ông? Mưa thì thau hứng chậu đựng. Hai ông bà thì cần gì nhiều. Chúng cháu cũng chả có tiền mà sửa.

              Tôi thủng thẳng:

             - Chắc cũng tốn kém!

             - Tốn kém chứ bác! Bây giờ mà giở ra, tiền triệu như chơi!

              Tôi giật thót mình, nhìn chéo sang Nhượng. Cái thằng đã đưa tôi về đây. Tiền triệu, thằng Nhượng này. Nó là công nhân, ăn một tối hết vài ba triệu. Thi nhau hò hét thét thúa chả để ý để tứ gì. Chúng nó ăn uống như mả phát mà mang danh trưởng gia, trưởng họ. Một bữa ăn hết cả hai mái nhà mới.

              Ra oai, thằng Nhượng lên giọng:

             - Tao sẽ gửi cho 500 ngàn! Chúng mày xem đóng góp sửa lại nhà cho ông bà! Lần sau tao về nhà cửa thế này thì chúng mày đừng có trách!

             - Vâng! Thế thì chúng con đội ơn ông quá!

             Bữa ăn được dọn ra. Chả khác gì ở vùng than quê hương tôi. Làm không thấy ai. Ăn thì ngùn ngụt, nghi ngút, bùng nhùng, rối ren. Tám mâm. Người ra người vào, người lên người xuống, người cười cười người hắng giọng. Mâm tôi ưu tiên. Ông trưởng tộc, ông trưởng gia sắp lên trưởng tộc, ông chủ nhà, ông thông gia với chủ nhà, tôi - một thằng lạ hoắc nhưng được coi có quan hệ với các ông vai vế - và thằng con ông chủ nhà. Thằng con ông chủ nhà ngồi ăn nhưng có nhiệm vụ chính là xem cỗ thiếu sót gì, dễ sai phái những đứa thấp kém về đẳng cấp hơn. Bữa ăn khiến tôi nhớ nhất là ruồi. Ruồi bay à à. Có con vì đói hay muốn tự tử, nhảy ngay bát nước xuýt màu nâu nhạt, không giãy gì nữa. Thằng con ông chủ nhà huỳnh huỵch chạy ra, bẻ ngay một ngọn đinh lăng lòa xòa lá ngoài vườn. Quay vào, nó vung văng đuổi ruồi. Có con bị thương, nằm lăn ra, xè xè cánh mãi quanh mâm không gượng được. Thằng bé nhặt lên, ấn vào đùi mình cho bẹp xác rồi vứt quanh quẩn đâu đó. Một lát, nó tỉa nhánh đinh lăng ra từng cọng, xếp gọn vào mâm làm rau ghém. Nhìn những bát những tô mà ghê. Có bát tôi tưởng chè đỗ đen vì đặc xác ruồi. Chừng ái ngại, chốc chốc, con ông chủ lại lấy muôi vớt những con ruồi đã thành đỗ đen ra, không biết mang đâu. Tôi hãi không thể nuốt nổi khi những con ruồi về sau được tôi phóng đại lên to như con chuột không dây của máy vi tính di động thi nhau tự tử trong bát nước nước xuýt, bát nước mắm. Nhìn tôi ngồi, ông chủ nhà gắp cho tôi một khúc cá nạc. Miếng cá vừa đặt xuống bát đã chặn phải ruồi. Con ruồi giẫy giẫy mãi mới bay được đi. Thằng Nhượng vừa rót rượu ra cái chén tống vừa lẩm bẩm:

             - Sao không kiếm mấy chai bia về uống?

             - Cái bác này! Quê giờ bia thì đầy! Ở đây, chúng em chỉ uống rượu. Uống rượu mới ăn được nhiều, bác ạ!

             - Mày ra lấy cho tao mấy vỉ về đây!

             Nhượng vừa nói vừa xỉa tiền đưa cho nó. Nó cầm:

             - Mua bao nhiêu hở bác?

             - Mua tất!

             - Cả từng này á bác?

               Hai vỉ bia được mang về. Tôi nhìn những ánh mắt dõi theo. Tiêu chuẩn đặc biệt đấy, không phải mâm nào cũng có đâu. Những tiếng chạm cốc, tiếng dô, tiếng xuýt xoa. Tôi cầm lon bia lên, giật nắp, uống từng ngụm nhỏ trong tiếng lao xao như tằm ăn rỗi. Mấy tay thanh niên mấy mâm khác láu cá, đua nhau luồn tay rút từng lon bia vì không có tiêu chuẩn. Chuyện chung quanh làng nước. Tiếng hỏi về giá cả, về thời tiết, về mùa màng… Tôi chưa uống xong một lon, hai vỉ bia đã thấy ngàn ngàn. Lẩm nhẩm tính 24 lon một vỉ. Họ chỉ uống rượu không thích uống bia, có mấy người mà thoáng chốc hết gần năm chục lon. Chu cha. Đúng là tiền ăn chẳng tày tiền uống.

            Tôi lững thững bước ra.

            - Bác xơi cơm chứ ạ?

            - Dạ ! Cảm ơn các bác! Tôi no rồi!

            - Chúng mày đâu? Nước!

           Sau này, những va chạm trong sinh hoạt, trong đời sống, trong công việc giữa tôi và Nhượng chắc còn nhiều nhưng tôi hoàn toàn không nhớ gì. Chỉ nhớ một bữa cỗ mà có lẽ tôi còn mang theo đến ngày rời dương gian đi nơi khác!

 

                                                                                                          T.T

Bài liên quan
  • Ở XỨ VÔ LOÀI – Truyện ngắn Nguyễn Đình Tú

    Ở XỨ VÔ LOÀI – Truyện ngắn Nguyễn Đình Tú

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ở xứ vô loài là truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Đình Tú in trong tuyển tập Hoa Cúc Vàng, gồm các truyện ngắn hay đăng trên Tạp Chí Nhà Văn, do Nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 2007.
  • XÓM CHUỒNG NGỰA – Truyện ngắn Nguyễn Đức Sơn

    XÓM CHUỒNG NGỰA – Truyện ngắn Nguyễn Đức Sơn

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhà văn Nguyễn Đức Sơn (bút danh Sao Trên Rừng - 1937-2020), một trong ba kỳ nhân của làng văn, tức ba người có cá tính kỳ dị bậc nhất làng văn, gồm Nguyễn Đức Sơn, Bùi Giáng, Phạm Công Thiện. Về tài năng, giới văn chương xếp Nguyễn Đức Sơn cùng với Bùi Giáng, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thuỳ Yên là tứ trụ thi ca miền Nam. Đang học Đại học Văn khoa Sài Gòn, Nguyễn Đức Sơn nghỉ ngang và tuyên bố: "Nếu trường Đại học Văn khoa Sài Gòn sản sinh ra được một nhà văn nhà thơ nổi tiếng tôi xin chịu chặt đầu." Năm 1979, Nguyễn Đức Sơn đưa vợ con lên đồi Phương Bối, Bảo Lộc, Lâm Đồng lập nghiệp. Trên quả đồi do nhà sư Nhất Hạnh tặng, ông trải qua bốn mươi năm cùng vợ con sống như những sơn nhân. Năm 2020, ông ra đi và để lại cho Bảo Lộc một đồi thông Phương Bối tuyệt đẹp rộng 15ha do chính tay ông trồng, canh giữ, và thậm chí đổ máu để bảo vệ.
  • NGÔI ĐỀN VÀ ÔNG GIÀ CÂM - Truyện ngắn Trần Tâm

    NGÔI ĐỀN VÀ ÔNG GIÀ CÂM - Truyện ngắn Trần Tâm

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ngôi đền và ông già câm là truyện ngắn trong tập truyện Khuyển Đế của nhà văn Trần Tâm xuất bản năm 2017.
  • SỐNG NHỜ - Mạnh Phú Tư - Phần cuối

    SỐNG NHỜ - Mạnh Phú Tư - Phần cuối

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Sống Nhờ là tác phẩm của nhà văn Mạnh Phú Tư in trên Phổ Thông Bán Nguyệt San năm 1942. Giữa những nhà văn hiện thực xuất sắc khác trước năm 1945, Mạnh Phú Tư tạo ra một thế giới riêng với các tác phẩm cất lên tiếng nói phê phán mạnh mẽ các lề thói cũ, ông dùng cây cọ văn chương, đưa những nét vẽ, rồi ở đấy, trong thế giới của ông, đã để lại những nhân vật, những cảnh đời đẫm máu và nước mắt.
  • SỐNG NHỜ - Mạnh Phú Tư

    SỐNG NHỜ - Mạnh Phú Tư

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Sống Nhờ là tác phẩm của nhà văn Mạnh Phú Tư in trên Phổ Thông Bán Nguyệt San năm 1942. Giữa những nhà văn hiện thực xuất sắc khác trước năm 1945, Mạnh Phú Tư tạo ra một thế giới riêng với các tác phẩm cất lên tiếng nói phê phán mạnh mẽ các lề thói cũ, ông dùng cây cọ văn chương, đưa những nét vẽ, rồi ở đấy, trong thế giới của ông, đã để lại những nhân vật, những cảnh đời đẫm máu và nước mắt.
  • TÔI KÉO XE - Phóng sự Tam Lang

    TÔI KÉO XE - Phóng sự Tam Lang

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Tôi kéo xe là thiên phóng sự mẫu mực của nhà báo Tam Lang, in lần đầu trên Hà Thành Ngọ Báo năm 1932. Dù đã gần một thế kỷ trôi qua, giá trị văn học của tác phẩm vẫn nóng hổi cho tới tận ngày nay, thời mà truyền thông, mạng xã hội bùng nổ chưa từng thấy. "Nghề viết văn viết báo ở xã hội VN là nghề bạc bẽo và bấp bênh nhất. Đâm đầu vào nghề mà không có được người vợ đảm đang tháo vát, tần tảo nuôi nổi gia đình trong thời gian mình thất nghiệp vì bất mãn, vì báo bị đình bản có giới hạn hoặc thu hồi giấy phép thì chuyện treo niêu gác bếp là chuyện rất thường" - Tam Lang.
  • MŨI TỔ - Truyện ngắn Lý Văn Sâm

    MŨI TỔ - Truyện ngắn Lý Văn Sâm

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Trong suốt năm mươi năm cầm bút, nhà văn tài hoa của Miền Đông Lý Văn Sâm đã để lại một số lượng tác phẩm khá đồ sộ, bao gồm nhiều tác phẩm được độc giả yêu thích như Kòn Trô (1941), Nắng bên kia làng (1948), Sương gió biên thùy (1948), Sau dãy Trường Sơn,... Năm 2007, nhà văn Lý Văn Sâm được trao Giải thưởng nhà nước về Văn học nghệ thuật cho các tác phẩm; Sau dãy Trường Sơn, tập truyện ngắn Sương gió biên thùy và Toàn tập Lý Văn Sâm.
  • CHUỒNG NUÔI NGỰA – Truyện ngắn Như Phong

    CHUỒNG NUÔI NGỰA – Truyện ngắn Như Phong

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chuồng nuôi ngựa là truyện ngắn của nhà văn Như Phong in trên Báo Mới số 2 (ngày 15-5-1939) và số 3 (ngày 1-6-1939). Nhà văn Như Phong được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật đợt 2 Năm 2007.
  • NGƯỜI THÀY THUỐC - Truyện ngắn Thanh Châu

    NGƯỜI THÀY THUỐC - Truyện ngắn Thanh Châu

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Người Thày Thuốc là truyện ngắn trong tập truyện cùng tên của nhà văn Thanh Châu, Tân Dân xuất bản năm 1938. Ông chính là tác giả của truyện ngắn Hoa Ti-gôn, vốn là khởi đầu cho một cuộc tranh luận bất tận cho tới tận ngày nay về bài thơ  “Hai sắc hoa Ti-gôn”, của nhà thơ “bí ẩn” T.T.Kh.
  • ÔNG CẢN NGŨ – Truyện ngắn Kim Lân

    ÔNG CẢN NGŨ – Truyện ngắn Kim Lân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Từ lời khuyên của nhà văn đàn anh Vũ Bằng: “Ông viết về nông thôn không bằng cụ Tố (Ngô Tất Tố), Nam Cao, ông nên viết về nông thôn kiểu Đôi Chim Thành.", nhà văn Kim Lân đã viết một loạt truyện ngắn phóng sự rất thành công in trên Tiểu Thuyết Thứ Bảy về nông thôn,  Ông Cản Ngũ, như loạt truyện khác của ông, đã lưu giữ cho đời sau biết được rằng; vào thời bị thực dân Pháp cai trị, dân ta dù bị áp bức bóc lột, vẫn có những hoạt động văn hóa, những kiến thức dân gian vô cùng sâu sắc.