chan_dung-ke_si

MI LÀ NGƯỜI BÌNH THƯỜNG – Truyện ngắn Lê Đạt

09-07-2024

Lượt xem 1915

Đánh giá 1 lượt đánh giá

Chia sẻ

  Lê Đạt

MI LÀ NGƯỜI BÌNH THƯỜNG – Truyện ngắn Lê Đạt

Nhà văn Lê Đạt (1929-2008)

Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhà văn Lê Đạt (1929-2008) từng bị cấm viết ba mươi năm, từ 1958 đến năm 1988, năm ông được phục hồi tư cách hội viên Hội nhà văn Việt Nam. Đây là thời điểm Việt Nam bước vào thời mở cửa, và văn chương Việt Nam xuất hiện cơn bão do nhà văn Nguyến Huy Thiệp tạo ra với Tướng Về Hưu năm 1987.

Nhà văn Lê Đạt được trao Giải thưởng Nhà nước với các tập thơ: Bóng chữ, Ngỏ lời và tập truyện ngắn Hèn đại nhân vào năm 2007. Ngay cùng năm, ông cho xuất bản tập truyện ngắn Mi là người bình thường, trong đó có truyện ngắn cùng tên.

 

Lời rườm mơ ước rởm gửi ngoài kia

 

Vua Philippơ nước Maxêdoanơ là một người may mắn. May mắn trước hết là làm vua. Không những làm vua, còn đẹp trai, giỏi giang việc nước. Thôn xóm khắp nơi âu ca… Mấy nước láng giềng háu ăn và hỗn láo… đều một phép.

Những kỳ tích của nhà vua, Viện Hàn Lâm chép mãi không hết. Tôi xin dẫn ra đây một kỳ tích chưa xếp hạng.

Con tuấn mã đầu bò của nước Aten nổi tiếng dữ dằn. Chưa từng một kỵ sĩ nào chế ngự nổi. Nghe đồn vua Philippơ là tay giỏi ngựa, người Aten đem đến dâng vua. Vốn bậc phong lưu mã thượng, nhà vua không nhận quà biếu, mà chỉ đánh cuộc với chủ ngựa: Nếu nhà vua giáo dục được ngựa, ngựa sẽ thuộc về nhà vua; nếu thất bại, nhà vua sẽ mất cho chủ ngựa ngàn lạng vàng (nghĩa là gấp mười lần trị giá ngựa) và con tuấn mã vẫn thuộc sở hữu chủ cũ.

Ngày ngàn năm có một đã tới. Cả kinh thành lũ lượt kéo đến vận động trường vui như hội. Vua Philippơ ra bãi. Cả vận động trường bật dậy, tiếng hoan hô nổ như sấm. Vua khẽ giơ hai tay lên đầu đáp lễ (Lối đáp lễ này sau được các vận động viên bóng đá cải tiến và đại chúng hóa), rồi vua chỉnh tề nhung y oai phong lẫm liệt tiến về phía ngựa dữ. Sân bãi nín thở theo bước chân người anh hùng. Con ngựa bỗng rùng mình… hí lên. Nó sắp giở món đá hậu đặc sản đây. Vua Philippơ vẫn trực chỉ, hai con mắt quăng quắc. Con ngựa rung bờm thở phì phì. Sút!!! Không. Con ngựa từ từ quỳ hai chân trước xuống, và vua Philippơ ung dung bước lên lưng ngựa, chạy kiệu một vòng giữa những tiếng hoan hô long trời lở đất.

Các giới ngựa học hội thảo nát ra mà không thống nhất được ý kiến… Người thì cho là vua Philippơ có hổ uy. Người thì cho là con ngựa láu cá, biết phép tiến thân… Vì từ hôm đó ngựa được vua phong áo gấm, đeo lục lạc vàng và móng bịt bạc.

Nước Maxêdoanơ còn có một nhân vật nổi tiếng khác. Đó là ông già dở dở ương ương Xantốs mà thiên hạ quen gọi là nhà triết học. Ông thường ngồi độc tửu dưới gốc cây trắc bá cổ thụ, nói cho những ai muốn nghe những nghịch lý bông lơn sâu xa về đạo làm người.

Xantốs cũng có nhiều kỳ tích nhưng vì không làm vua nên không được ghi chép thành văn trong chính sử, chỉ được truyền miệng qua những bài hát của các thi sĩ mù lang thang, mà dân gian đặt cho một cái tên yêu mến là xẩm. Tôi cũng xin ghi lại đây một giai thoại.

Dân hai bên bờ một con suối nọ muốn thiên hạ chú mục đến địa phương mình bèn liên kết xây một cây cầu lớn nhất vùng Xalôniquơ. Cầu xây xong, đốt pháo ăn mừng, bánh pháo dài đến năm thước. Ai cũng khen cây cầu hoành tráng vĩ đại. Chỉ tiếc con suối lạc hậu không tiến kịp vẫn nông choèn một dòng nước nhỏ bé bất lịch sự. Nhưng chi tiết này không làm giảm được lễ khánh thành cực kỳ long trọng. Múa hát của đoàn văn nghệ địa phương tự biên tự diễn đã đành. Các vụ bô lão còn mời được cả thi quan của triều đình, cao thủ vừa giật được vành nguyệt quế trong cuộc thi ông Hoàng thơ năm trước. Vị thi quan đọc một bài thơ trường thiên bị ngắt quãng bởi những tràng vỗ tay nhiệt liệt, trong đó có những câu cẩm tú đại khái như:

Bồng lai cảnh sắc dị kỳ

Cong cong mấy nhịp cũng thì cầu xây.

Muốn cho lễ khánh thành thêm rôm rả, ban tổ chức có sáng kiến cho mời ông già Xantốs tới. Ông già vốn khó tính nhưng lại phải cái tật thèm rượu ngon, mà rượu ở vùng Cầu thì từ lâu đã nổi tiếng mỹ tửu không kém gì rượu Hiđrômen trên núi Ôlanhpơ.

Sự có mặt của ông già trong buổi lễ đã là hạnh ngộ, nhưng một vị chức sắc lại hứng lên xin ông mấy dòng “chữ vàng” lưu niệm. Ông già tuy là nhà triết học, nhưng cũng rất thực tế. Ông tranh thủ mấy suất rượu đúp rồi mới khai bút. Chữ bay múa như một nghệ sĩ thư pháp Trung Quốc.

“Dân hai bên bờ bán cầu đi lấy tiền mua nước”.

Viết xong, ông lăn ra ngủ. Mọi người lúc bấy giờ mới để ý đến con suối chậm tiến kia. Con suối chừng như sợ quá, càng co ro, càng nhỏ bé, thảm hại. Nhưng vì mâm tiệc còn đầy ắp, người ta thể tình cho ông lão về tội “tửu nhập ngôn bĩnh” và để đối trọng, kèn trống lại càng rộn rã nhịp Allegro hào hùng.

Vào thời tột đỉnh của mình, một hôm vua Philippơ bất chợt nghĩ đến ông già nhân sĩ kia và nảy ý muốn đến thăm lão.

Vua phải dụi mắt mấy lần mới tin rằng mình không mơ ngủ: Cái ông già quần áo rách mướp như thằng ăn mày kia là nhà triết học nổi danh thật sao? Nom lão còn xoàng hơn thằng chăn ngựa của triều đình.

Nhưng rất lạ quanh cái đầu bù xù của ông già ong bướm bay tấp nập… nhất là đàn ong thợ. Chúng nối đuôi nhau làm việc rất khẩn trương, như đương khai thác một vỉa nhụy cao cấp mà sau này người ta gọi là chất xám từ mớ tóc rậm rối, bụi bặm kia… tạo nên một thứ vòng hào quang sống động. Thành thử nom ông cụ vừa bẩn thỉu, vừa cao sang kỳ ảo, nó khiến vua Philippơ không dám coi thường. Vả lại đức vua có tiếng là một ông vua dân chủ.

Vua Philippơ:

-            Thưa thầy, mọi công việc nơi triều chính tôi đã hoàn thành xuất sắc. Thầy cho biết tôi cần phải làm gì nữa.

Ông già lấy tay xua lũ bướm văn công trả lời như không cần nghĩ:

- Cần làm… làm một người bình thường…

Vua Philippơ ngạc nhiên:

-            Trẫm tưởng làm anh hùng mới khó chứ làm một người bình thường thì khó gì…

Ông già cười xì xì… không nói.

Vua Philippơ:

-            Thầy có thể mách Trẫm biện pháp cụ thể để làm một người bình thường không?

Ông già:

-            Mỗi sớm khi tỉnh giấc, bước chân ra cửa, nhà vua cần cho bố trí một người túc trực tại đó nói lớn “Philippơ, mi là một người bình thường”.

Đúng là một ông già ấm đầu. Vua Philippơ hạ lệnh cho quan quân nhảy vào lửa chúng cũng nhắm mắt tuân theo, nữa là làm một việc quá ư dễ dàng này. Hai người đánh cuộc và hẹn sẽ gặp nhau sau một tuần trăng.

Ông già nghiêm trang:

-            Nếu tôi thua, tôi sẽ mất chỗ ngồi của tôi cho nhà vua…

Vua Philippơ cười thầm thú vị. Ông làm như chỗ ngồi của ông báu lắm không bằng. Nhưng theo phép lịch sự, nhà vua không nói gì… Không những thế còn tỏ ra cực kỳ hào phóng.

-            Nếu ta thua, thầy muốn gì… trong phạm vi ta có thể làm được ta cũng sẽ làm vừa lòng thầy.

     Trên đường về, vua bụng bảo dạ: Thì ra thiên hạ chúa là hay đồn nhảm. Cái lão già dở người kia mà cũng triết ra với triết vào!

     Nhưng vua Philippơ là người trọng lời hứa… ngài lập tức hạ lệnh cho quan nguyên soái (ông này quen hô ba quân nên giọng nam cao sang sảng như kèn đồng) thực hiện nhiệm vụ nói trên. Sớm hôm sau vừa thức giấc bước chân ra cửa vua đã thấy quan nguyên soái chờ sẵn đó. Ông vươn thẳng tấm thân hai thước, dọn giọng. Và dõng dạc hô lớn:

- Kính chúc bệ hạ vạn thọ vô cương.

Vua Philippơ chán quá nhưng không nỡ làm phật lòng người bề tôi trung thành (xét cho cùng vị tướng kia có tội gì đâu) vua ban cho nguyên soái một chén ngự tửu.

Lần này vua phân công cho một gián quan có tiếng kiên nghị.

Sáng hôm sau vừa thức giấc bước ra cửa đã thấy vị gián quan chờ sẵn đó… Ông đứng thẳng người như một cây ngay. Bỗng đầu gối ông như bị ai chém đứt ông khuỵu xuống, miệng lắp bắp.

Nhà vua bỗng phì cười một mình.

- Lão đúng là một kẻ thức giả mà ngủ thật!

- Thánh thượng vạn tuế…

Vua Philippơ đã luân phiên hầu hết các cận thần, nhưng không vị nào làm tròn nhiệm vụ.

Sau một đêm suy nghĩ rất lung, (đêm tối vốn là vị cố vấn tốt) vua Philippơ bèn chọn một người lính thường.Vua lập luận như sau: Một người lính thường hầu như không có bổng lộc gì, nên dễ hư tâm làm việc đó hơn. Sáng hôm sau vừa thức giấc bước ra cửa vua đã thấy người lính chờ sẵn đó trong bộ quân phục mới. Anh ta ưỡn ngực thét…

- Vua Philippơ, mi…

Một phản xạ tự nhiên thoáng làm vua tức giận. Lần đầu có người dám gọi vua như vậy. Philippơ cau mày, mắt hình như lóe lửa. Nhưng chỉ một tích tắc ngài tự chế ngự được ngay và mỉm cười. Nhà vua chờ đợi, chờ đợi, chờ đợi mãi không thấy tên lính hô tiếp…

Thì ra hắn sợ quá, lưỡi đã rụt lại từ bao giờ, cấm khẩu.

Thế là vua Philippơ thua cuộc. Cái việc thoạt nhìn dễ ợt ai ngờ lại khó đến thế. Nhà vua vừa tức giận, vừa vui. Giận vì mình thua cuộc, nhưng vui vì trăm họ vẫn khiếp oai trời.

Khi nhà vua đến, vị thức giả đang ngủ ngon, ngáy giòn giã. (Người ta đồn rằng các triết gia thực thụ, trong giấc ngủ có khả năng hồi tưởng lại tiền kiếp!). Gọi đến mấy lần ông già mới thức giấc. Nhà vua nói:

- Thầy được cuộc rồi… Vậy nhà thầy muốn gì?

Nhà triết học như vẫn chưa tỉnh ngủ nói:

-            Ta muốn nhà vua đứng xê ra đừng che mất ánh mặt trời của ta.

     Và ông lại nằm xuống trên nệm lá tiếp tục giấc điệp bỏ dở. Vua Philippơ sững sờ. Vua nhìn trời. Trời nắng đẹp quá. Nhìn ông già. Ông già ngủ ngon quá. Cỏ thì xanh. Gió thì mát.

     Vua bỗng ngồi bệt xuống bãi cỏ, một tiếng nói như từ thâm tâm vọt ra cực kỳ sảng khoái:

- Philippơ, mi là một người bình thường.

Đám quan hầu ngơ ngác không biết xử trí ra sao. Theo thói quen thuận tiện chúng nhất tề quỳ xuống tung hô:

- Thánh thượng vạn thọ vô cương.

     Giọng tênô của vua và giọng nam thấp của đám quần thần như một khúc hợp xướng hai bè ngân vang trong nắng thu.

Bài liên quan
  • KÝ SỰ CAO LẠNG - NGUYỄN HUY TƯỞNG

    KÝ SỰ CAO LẠNG - NGUYỄN HUY TƯỞNG

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ký sự Cao Lạng của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng được ghi nhận là một trong những tác phẩm dài hơi đầu tiên của nền văn học kháng chiến chống thực dân xâm lược Pháp, đại diện xuất sắc cho thể loại ký sự trong văn học sử Việt Nam thời hiện đại. Tác phẩm như một thiên sử thi, ghi lại những diễn biến lần đầu tiên Quân Đội Nhân Dân Việt Nam tiến công quân xâm lược Pháp, do đích thân Hồ Chủ Tịch ra trận chỉ đạo, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đảm nhận trọng trách chỉ huy trưởng chiến dịch. Ký Sự Cao Lạng cùng với một số tác phẩm khác của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh (giải thưởng diễn ra 5 năm một lần) trong lần đầu tiên giải thưởng này được tổ chức năm 1996.
  • MÙA GỤ - Truyện thiếu nhi Trần Tâm

    MÙA GỤ - Truyện thiếu nhi Trần Tâm

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mùa Gụ là truyện ngắn trong tập Ngày mai sẽ nắng của nhà văn Trần Tâm, Nxb Kim Đồng in năm 2002.
  • ĐI COI NƯỚC -Truyện ngắn Nguyễn Trọng Nghĩa

    ĐI COI NƯỚC -Truyện ngắn Nguyễn Trọng Nghĩa

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chuyện của nhà văn gốc Cà Mau, về miền sông nước...
  • CHUYẾN XE CUỐI NĂM - Truyện ngắn Thanh Tịnh

    CHUYẾN XE CUỐI NĂM - Truyện ngắn Thanh Tịnh

    Chuyến xe lửa đêm ra Bắc hôm nay có vẻ hấp tấp vội vàng như người đi trốn nợ. Thỉnh thoảng đầu xe lại thét vội giữa quãng đồng không, xa xa. Nghe như hơi thở của đêm vắng.
  • LÀN GIÓ CHẢY QUA – Truyện ngắn Lê Minh Khuê

    LÀN GIÓ CHẢY QUA – Truyện ngắn Lê Minh Khuê

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Làn gió chảy qua là truyện ngắn trong tập truyện cùng tên được trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2016.
  • THÁNG BẢY – Truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh

    THÁNG BẢY – Truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Tháng Bảy là truyện không ngắn như những truyện ngắn khác mà nhà văn Phan Thị Vàng Anh thường viết, nó dài hơn hẳn. Truyện được viết khi tác giả tham dự chương trình viết văn của Đại học Iowa, Mỹ, đăng trên TTCT năm 1996.
  • HỌC TRÒ GIÀ – Truyện ngắn Trần Kim Trắc

    HỌC TRÒ GIÀ – Truyện ngắn Trần Kim Trắc

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhà văn quê gốc Chợ Gạo Trần Kim Trắc, còn được biết đến với tên gọi Ông Thiềm Thừ, theo tên một truyện ngắn xuất sắc của ông, là một trong những cây đại thụ của văn chương Nam Bộ. Truyện nào của ông, cũng như gieo những cơn mưa Nam Bộ, thấm đẫm từng trải và bạt ngàn vốn sống lên văn đàn.
  • ĐẢO CỦA DÂN NGỤ CƯ – Truyện ngắn Đỗ Phước Tiến

    ĐẢO CỦA DÂN NGỤ CƯ – Truyện ngắn Đỗ Phước Tiến

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Truyện ngắn Đảo của dân ngụ cư của nhà văn Đỗ Phước Tiến in trên báo Văn học và Dư luận năm 1992, ngay lập tức đã gây chú ý  tới đông đảo độc giả yêu mến văn chương. Năm 1994, Đảo của dân ngụ cư đã được dịch sang tiếng Pháp với tựa Terre des éphémères và được lấy làm tên cho một tập truyện xuất bản ở Paris. Truyện cũng được dịch sang tiếng Anh với tựa The Way Station trong tuyển tập Night, Again xuất bản tại New York năm 1996. Đến năm 2016, tại Việt Nam, nó được chuyển thể thành phim điện ảnh cùng tên do Hồng Ánh đạo diễn.
  • THẾ GIAN MỘT THẺO NHÂN TÌNH – Truyện ngắn Nguyễn Trọng  Nghĩa

    THẾ GIAN MỘT THẺO NHÂN TÌNH – Truyện ngắn Nguyễn Trọng  Nghĩa

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Truyện ngắn THẾ GIAN MỘT THẺO NHÂN TÌNH của Nhà văn Cà Mau Nguyễn Trọng Nghĩa in lần đầu trên báo Tuổi trẻ chủ nhật sau đó in trong tuyển tập Truyện ngắn hay Tuổi Trẻ Chủ Nhật, nhà xuất bản Trẻ 2005.
  • ĐIỆU MAMBO HƯ ẢO – Truyện ngắn Nguyễn Đình Tú

    ĐIỆU MAMBO HƯ ẢO – Truyện ngắn Nguyễn Đình Tú

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhà văn Nguyễn Đình Tú đến với văn chương từ cuộc thi Tác Phẩm Tuổi Xanh của Báo Tiền Phong năm 1995, với giải thưởng cho truyện ngắn Niềm vui của một dòng họ. Nhưng phải tới khi đạt giải nhì cuộc thi văn chương của Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1999, anh mới chính thức rẽ vào làng văn và trở thành một trong những nhà văn thế hệ 197x viết nhiều và đa dạng thể loại thành công nhất hiện nay.