chan_dung-ke_si

MA - Truyện ngắn Trần Tiêu

17-08-2023

Lượt xem 1260

Đánh giá 1 lượt đánh giá

Chia sẻ

  Truyện ngắn hay Trần Tiêu

MA - Truyện ngắn Trần Tiêu

Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhà văn Trần Tiêu (1900-1954) viết văn khá muộn khi đã 36 tuổi, nhờ sự khuyến khích của anh trai là nhà văn Khái Hưng, một trong những chủ soái của Tự lực văn đoàn. Dù cộng tác với Tự lực văn đoàn, nhưng tác phẩm của Trần Tiêu lại đi theo hướng hiện thực chứ không theo hướng lãng mạn.

Nhà văn Trần Tiêu còn là cha của giáo sư, Nghệ sĩ Nhân dân Trần Bảng và là ông nội của diễn viên, đạo diễn Trần Lực.

Ma, là truyên ngắn in trong tập truyện ngắn Sau lũy tre, Đời Nay xuất bản năm 1942.
 

Thủa nhỏ, tôi tin cả ma lẫn quỷ.

Quỷ, theo trí tưởng tượng của tôi, là những quân đầu trâu mặt ngựa, hung ác vô ngần, có những cánh tay nổi đầy bắp thịt rắn như sắt, và những bàn tay gân guốc cầm những kìm để cặp lưỡi, vặn răng, những bàn vả, những búa rìu, những cưa để bổ xẻ tội nhân. Tôi liên tưởng đến những hình cụ ghê gớm như vạc dầu, cột đồng lửa… đến cả những cầu vồng với đàn chó ngao đứng chực sẵn dưới. Những hình ảnh kỳ quái, ghê sợ ấy không phải tự óc non nớt của tôi nghĩ ra, mà do ở những bức tranh treo ở chùa Huệ, mỗi khi có đám chay lập đàn phá ngục.

Còn Ma thì mỗi lúc tôi tưởng tượng một khác, tùy theo câu chuyện người ta kể cho tôi nghe. Có lúc tôi tưởng tượng ra một người con gái xinh đẹp như một nàng tiên. Có lúc là một vị ác thần với nét mặt thay đổi đủ các hình kỳ quái, dữ tợn. Những sự tưởng tượng ấy in sâu mãi vào óc tôi và nung đúc tôi thành một đứa trẻ nhút nhát. Nhưng tính tự đắc của tôi lại rất mãnh liệt, có khi làm át hẳn tính nhút nhát của tôi đi.

Tôi còn nhớ, một đêm tối trời và giá lạnh, anh tôi kể xong một chuyện ma. Rồi muốn thử xem trong chúng tôi có đứa nào bạo, anh tôi đặt ra một cuộc thi rất giản dị nhưng rất khó cho những tay nhút nhát.

Cuộc thi như thế này: ở tận cùng vườn có cây ngâu. Ai ra tận đấy, bẻ được cành ngâu cầm về, sẽ được cuộc.

Vừa nghe nói đến cây ngâu, tôi đã rủn cả người, rợn cả tóc gáy. Vì cây ngâu không cách cây sung mọc trên bờ ao mấy. Và cây sung đã nổi tiếng sẵn ma.Chúng tôi nhìn nhau. Xem chừng anh nào cũng muốn thi tài, song chẳng một anh nào dám nhúc nhích… Bỗng một anh ló đầu ra khỏi cửa lại thụt vào ngay, lè lưỡi, trợn mắt, tỏ vẻ sợ hãi.

Sách, người anh họ đã lớn, đứng cạnh phỉnh tôi: “Ai chứ Tíu thì bạo lắm. Đâu nó còn đi được nữa là từ đây đến cây ngâu.”

Anh tôi nói khích:

- có các vàng cũng đố dám!

Lòng tự đắc của tôi bỗng sôi nổi. Mặt tôi nóng bừng vì cơn tức khí. Không nghĩ ngợi, tôi chạy vụt ra sân, bước mạnh bạo vào trong vườn. Trời tối đen như mực. Tôi đâm choạng vào các bụi cây. Luống cuống, quên cả lối, mò mãi chẳng tìm thấy cây ngâu. Trở về không thì bẽ quá. Anh em còn ai cho mình là bạo nữa. Họ sẽ thi nhau chế riễu mình. Lòng tự đắc bắt tôi tìm cho được cây ngâu, dù lúc ấy trí tôi rối loạn, chân tay tôi bủn rủn và quả tim tôi đập như trống ngũ liên. Vừa đi vừa sờ soạng, tôi lần ra tận gốc sung mà không biết. Sờ đến cái da xù xì của nó, tôi giật mình, lạnh toát cả người. May mà lúc ấy yên gió. Không một quả sung nào rụng, không một con ếch, con nhái nào nhẩy xuống ao. Thật, chỉ thêm một tiếng tõm, không biết tôi sẽ trở nên thế nào?

Tôi bước giở lại, mồm luôn luôn đọc hai câu chữ nho: “Thiên tích thông minh, thành phù công dung.” Thường tôi vẫn thấy nói: ma bao giờ cũng sợ giời, sợ thần thánh, nên lúc nào đi đêm, tôi cũng nhẩm đọc hai câu ấy để làm bùa trừ tà.

Cây ngâu cách cây sung có vài bước. Tôi tìm được, bẻ vội một cành. Cái mừng đắc thắng làm cho lòng tôi bớt sợ. Song chỉ một loáng, đâu lại hoàn đấy. Cái sợ có phần tăng gấp bội. Hai cẳng chân tôi như bị chuột rút. Tôi cố dấn bước mà không sao dấn lên được. Đằng sau tôi như có người đuổi theo, tiếng chân nện thình thịch, sắp sửa vồ lấy tôi. Lúc ấy, nếu có ai hét một tiếng, chắc tôi sẽ ngã sấp xuống, chết ngất đi.

Tôi được cuộc, được tiếng bạo nhất nhà, nhưng đã hao tổn bao nhiêu tinh thần. Từ đấy, nhiều phen tôi điêu đứng khổ sở về cái bạo bề ngoài. Còn gì khổ bằng một anh tí hon nhát gan, làm ra mặt bạo. Động có cuộc thử thách là bắt buộc phải đến tôi. Nhát cũng được, nào ai cấm. Nhưng mà đã trót bạo mất rồi, không sao đủ can đảm mà thú thực mình nhát được nữa.

Một buổi chiều, tình cờ chúng tôi đứng trước một túp lều tranh bỏ hoang, ở sau trường học. Túp lều ấy, khi trước là nhà Cai trường. Từ khi hắn chết, người kế chân hắn sợ, không dám ở. Họ đồn nhà ấy có ma. Vì thế, chưa nói đến cuộc thi, tôi đã tái mặt, đau khổ như người sắp chịu tội. Trời ơi! ước gì anh tôi quên.

Tôi chưa kịp lủi thì anh tôi đã họp lũ trẻ lại, thách vào trong túp lều, đánh nhau với ma. Sách cũng có đấy. Hình như giời sinh ra anh chỉ để làm khổ tôi. Anh quay ra nhìn tôi, nói: “Xem chừng ở đây lại chỉ có Tíu là bạo nhất. Quỷ nó còn chả sợ nữa là ma”.

Tôi tìm cách thoái thác:

- Cuộc thi phải có thưởng.

- Một xu nhé? – Anh tôi hỏi.

- Một xu thì chả bõ.

- Thế bao nhiêu?

- Một hào.

Tôi chắc không khi nào anh tôi chịu bỏ ra một hào. Như thế cuộc thi sẽ hoãn và tôi cũng không đến nỗi mất thể diện. Chẳng ngờ anh tôi nhận lời ngay. Làm thế nào? Đành nhắm mắt bước liều vậy. Trong nhà ba gian xiêu vẹo, tường vách kín như bưng. Và hôi hám và ẩm thấp, lạnh lẽo, rùng rợn như một nhà hầm chứa… ma. Tôi chưa kịp định thần thì hàng chục con đom đóm lập lòe bay loạn xạ. Không biết anh tôi bắt bỏ vào từ lúc nào? Con nào con ấy như sấn lại tôi, khiêu khích. Tôi liều mạng, đấm đá, quay tít đi mấy vòng, rồi chạy vội ra ngoài thở hồng hộc.

Anh tôi và lũ trẻ kêu lên: “Vừa mới thoáng một cái đã ra. Không được! Thua cuộc rồi!”

Tôi làm ra mặt giận dỗi, vừa nói vừa lảng đi chỗ khác: “Tôi biết mà! Các anh đánh lừa.”.

Đêm ấy và luôn mấy đêm liền, tôi chiêm bao thấy toàn ma, và mắt con nào con nấy tròn xoe, đỏ như hòn than hồng. Con kéo lên ngực bóp cổ, con nhe răng nhọn như răng bừa, con lè lưỡi dài lê thê. Tôi thất đởm, kêu ú ú, hai tay ôm chặt lấy anh tôi.

Thầy tôi cho vì âm hư huyết ráo, bốc thuốc cho tôi uống. Thầy tôi biết thuốc. Me tôi vẫn mê tín, cho là bệnh nhà người, mua vàng hương đi lễ các đền miếu. Chỉ có tôi là biết rõ bệnh tôi, song vì lòng tự đắc quá mạnh, không khi nào tôi chịu thú…

*

Tôi đã lớn, đã theo học năm thứ nhất trường Bảo hộ. Nhờ về khoa học tôi đã hiểu biết, đã quả quyết nói là không có ma. Và những ma trơi, những thần đất chập chờn, đuổi nhau trên gò đống, chỉ là chất lân tinh ở hồ, ao tù hãm bốc lên, gặp dưỡng khí trong khí giời, bùng cháy. Tôi hiểu biết thế. Nhưng tính tôi vẫn nhút nhát sợ ma, sợ quỷ như xưa.

Lắm đêm, ngồi một mình trong căn phòng vắng vẻ, đèn sáng hẳn hoi, tôi thấy rờn rợn, tưởng một vật ghê gớm như một con ma ở trên nóc nhà sắp rơi phịch xuống, hoặc ở xó xỉnh hay trước mặt sắp hiện lên để hại tôi. Rồi thần hồn nát thần tính, một con chuột khẽ động dưới khe hòm, một tiếng cú vẳng ngoài xa, cũng đủ làm cho tôi mất vía. Có khi chẳng cần phải có tiếng gì, tôi cũng sợ. Sau lưng tôi như có một quái vật đứng lù lù, chỉ chờ tôi ngoái cổ lại là trợn mặt, lè lưỡi ra nhát. Thế là tôi phải rời căn phòng, tìm đến chỗ đông người. Nhiều khi, vấn tâm, tôi xấu hổ, tự bỉ sao mình lại nhát gan đến thế. Hay là tính nhút nhát là một bệnh, một cố bệnh không sao chữa được? Vì hiện giờ, tôi thú thực, tôi vẫn còn tính nhút nhát, sợ ma, mặc dầu đầu óc suy xét của tôi tin rằng: người ta cũng như các sinh vật, một khi đã chết, xác thịt sẽ mục nát, tiêu tán đi. Còn linh hồn hoặc không có, hoặc có thì cũng khác nào như hơi thở, tan vào trong không khí, hòa lẫn với các linh hồn khác; óc suy xét tôi tin rằng: không khi nào linh hồn lại hiện ra được thành người, thành quái vật để dọa nạt, hãm hại người sống.

Ngoài tính nhút nhát, tôi còn một tính xấu nữa, là tính dễ tin, dễ thay đổi ý tưởng. Vì thế mà khi xem xong quyển sách thuyết về chủ nghĩa vật chất “Matériellisme”, tôi đã một dạo gần như bạo dạn, dám đi đêm một mình. Đến khi xem hết bộ sách thần linh học “Spiritisme”, đồng cốt học “médiumnisme”, tôi lại trở lại nhút nhát quá trước.

*

Năm 19… tôi xin thôi giáo học, xoay về quê nhà làm ruộng. Tôi thường giao thiệp với những ông Lý, ông Khán quê mùa cục mịch. Trong câu chuyện xã giao, họ hay kể đến chuyện ma quỷ.

Vì họ mà tôi biết được trong làng tôi, ở xóm Cõi Hùng có con ma to lắm. Nó dám cả gan đè cả cụ Thượng làng tôi xuống cái rãnh sâu, ngay sát khóm tre cu. Đồng Mộ Và những đêm giăng suông, nó uốn rập một cành tre xuống mặt đường. Ai vô ý bước qua, nó sẽ bật cành tre lên, như bật cần câu để làm cho người ta ngã dập đầu, vỡ sọ. Có khi nó dìm cả người ta xuống cái ao gần đấy.

Vì họ mà tôi biết được ở trước quán Ngói có con ma chẳng kém con ma Cõi Hùng. Con này, chính ông Quản Sâm đã gặp. Theo lời ông kể, một hôm, một hôm giăng suông, ông đi thăm bệnh cho ông Chánh Bá làng Đoài, liền cạnh làng tôi. Đến quán Ngói, ông đâm phải vật gì nhũn nhũn, mềm mềm. Ông cúi xuống thấy một cái đầu lâu nhìn ông, nhe răng ra cười. Cái đầu lâu, trước còn bằng cái đầu thường, bỗng to ra bằng cái thủ lợn, rồi bằng cái thúng. Ông vốn là người trong đạo Gia tô, lại bạo có tiếng. Sẵn gậy, ông giơ lên, vụt một cái thật mạnh, mồm nói: “Giêsu ma, lạy chúa tôi!” Cái đầu lâu biến mất, chỉ còn trơ lại một hòn đất thô. Ông bước qua, chẳng tỏ chút sợ hãi. Phục thật!

Lại một ông, ông Xã Chưởng vừa mất năm ngoái, một buổi chiều, xâm xẩm tối, ông đi chợ Hạ Am về. Cũng đến quán Ngói, ông gặp một người con gái rất đẹp cắp thúng đi ngược lại. Ông nói ghẹo:

- “Cô đi đâu đấy? Muốn lấy tớ thì về nhà với tớ.”

Cô con gái nhoẻn miệng cười, trả lời:

- “Vâng, mình cứ về trước, rồi em về.”

Xã Chưởng về đến nhà, vào buồng đã thấy người con gái ban nãy, ngồi trên giường, cười nói lả lơi:

- “Mình về chậm thế? Em về trước mình đã lâu,”

Vừa nói vừa ôm ghì lấy Xã Chưởng hôn. Cặp môi cô ta ép vào má Xã Chưởng, lạnh buốt đến tận ruột. Từ đấy, đêm nào người con gái cũng hiện lên, nằm sát cạnh, lạnh như bùn.

Sau Xã Chưởng phải cầu cứu đến ông Pháp Rục, một thầy phù thủy cao tay có tiếng trong làng chữa chạy ba ngày ba đêm mới trừ được nó.

 

Vì họ, tôi còn biết cây đa chợ Cầm, lối đi ra trường học, có một con ma tuy không ghê gớm bằng hai con kia nhưng cũng đáng sợ. Con này là vong hồn một người đàn bà chết đuối ở giếng chùa, gần đấy. Đêm đến, nó thường ngồi chồm chỗm trên cành đa, rũ tóc xuống tận đất. Người nào yếu bóng vía, nó sẽ giương đôi mắt xanh như mắt mèo và lè lưỡi dài lê thê ra nhát.

Còn, còn nhiều chuyện ma. Tôi không tin. Tin sao được những chuyện hoang đường vô lý như thế, trừ phi là trẻ con mê tín như tôi khi xưa. Nhưng mà một đêm về… phải, về tháng chạp, hai mươi mốt tháng chạp, năm 19… Tôi còn nhớ rõ ràng như vừa mới hôm qua vậy.

Tôi đến ăn cơm đằng ông Giáo. Ăn xong, chúng tôi bày ra đánh cờ. Mải nghĩ nước cờ, lúc giở ra về thì giời tối mịt. Ông Giáo ở ngay trường. Trường có hai buồng: một buồng học và một buồng ông dùng làm chỗ ở. Trong buồng vẻn vẹn có hai chiếc giường thì một chiếc vợ chồng ông nằm còn chiếc phần người vú với thằng bé lên ba, con ông. Thằng nhỏ ốm, xin phép về từ ban sáng. Tình hình như thế, ở lại bất tiện.Bên ngoài, giời mưa phùn và tối đen như mực. Gió bấc thổi từng cơn mạnh. Không dùng được đèn đóm. May sao bà Giáo, hôm rằm đi lễ, còn để lại một thẻ hương. Đành lấy hương thay đèn đóm vậy. Hai vợ chồng ông Giáo ái ngại hộ:

-“Giời mưa rét này mà về thì khí phiền cho anh lắm nhỉ. Hay là…”

Tôi vẫn không bỏ được tính tự đắc, vội trả lời, không kịp nghĩ:

-“Không sao. Từ đây về nhà tôi cũng gần”.

Cổ áo tơi che kín má, tôi mạnh bạo bước xuống sân, một tay thọc trong túi, một tay cầm nắm hương cháy, khua đi khua lại cho sáng. Ông Giáo đứng trên thềm nói ra:

-“Rét lắm nhỉ!”

 

Trời ơi! Nếu chỉ có rét.Đôi cánh cửa trường vừa khép thì một chút mạnh bạo bám hờ lấy tôi, bay đi như một hơi thở. Khắp người tôi chỉ còn toàn sợ. Bao nhiêu sợi tóc trên đầu tôi dựng ngược cả lên. Hai hàm răng tôi thi nhau đập. Tay chân tôi run lật bật, cầm không chắc, đi không vững. Chốc chốc lại một khối đen hiện ra, lù lù tiến đến trước mặt tôi, làm tôi rùng mình lùi lại mấy bước.Không bao giờ tôi thấy tôi cô độc, sợ hãi bằng lúc này. Người lạc vào trong rừng rậm, vừa đi vừa nghĩ đến ác thú còn hy vọng vào đôi mắt, vào tứ chi. Tôi chẳng còn hy vọng vào đâu. Trước mặt tôi, đằng sau tôi, chung quanh tôi, toàn bí mật của tối đen. Một tiếng xào xạc, một tiếng rền rĩ của côn trùng, một tiếng cỏ ẹp dưới gót chân cũng đủ khiến tâm hồn tôi kinh hoảng. Không hiểu sao, lúc ấy lại là lúc tôi giầu tưởng tượng quá. Và toàn những tưởng tượng ghê gớm về huyền bí. Tiếng thông chùa Đông, theo luồng gió bấc đưa lại là những tiếng than khóc bi ai của những linh hồn đau khổ, đương quằn quại dưới mồ. Những đom đóm lập lòe trong tối là những con ma nghịch ngợm, từ dưới mà vụt lên để đi trêu ghẹo những người yếu bóng vía. Những tiếng kẽo kẹt của những gốc tre già cọ vào nhau là những tiếng nghiến răng của những con ma hung ác hay là những tiếng võng đưa của một Bà Nàng trên rừng xanh, núi thẳm… Rồi bao nhiêu những chuyện ma người ta kể cho tôi từ thuở nhỏ, bỗng trở lại trong trí nhớ tôi.

Bực quá. Tôi cố nghĩ sang chuyện khác để xua đuổi cái ý nghĩ vô lý ấy đi mà không sao được. Hình như nó xuất phát từ cảm giác yếu đuối của tôi và tâm tính tôi như không chịu theo cùng một điệu với trí xét đoán xác thực của tôi. Không còn cách gì hơn, tôi bèn huýt sáo… Chợt có tiếng động trong bụi tre. Nghĩ đến rắn, tôi hoảng sợ, im bặt. Rồi như một cuồng sĩ, tôi lảm nhảm nói triết lý một mình, cốt để khỏi nghĩ. Vô hiệu. Mồm tôi vẫn nói, mà ý nghĩ, mà cảm giác, nhất là cảm giác vẫn chìm đắm trong cái sợ vô biên…

- Thế là nghĩa lý gì? Chậc, mặc kệ! Cứ sợ đi. Cóc cần!… Liều!

Nói đoạn, tôi vứt bó hương, vì bó hương với cái ánh sáng đỏ lòm của nó xem chừng cũng vô ích. Hai tay thọc trong túi áo len, tôi vươn thẳng mình, ưỡn ngực, bước mạnh bạo để cố chống với cái sợ, chẳng khác lúc đứng trên phà, chống với những cơn gió rét buốt thịt.

Chưa kịp thấy công hiệu thì vài tiếng cú thất đảm kinh hồn báo trước tôi biết: tôi sắp đến chơ. Cầm và cái giếng chùa gần đấy. Một cảm giác rùng rợn chuyển khắp người tôi, làm cho da thịt tôi tê tái, tứ chi và gân cốt tôi rời rạc, bủn rủn.

- Sắp đến cây đa rồi nhỉ. Chả còn mấy bước nữa đến nhà. Tôi nói to để gợi hết can đảm, nhưng chỉ tổ làm cho tôi bối rối thêm.

Khó nghĩ quá. Tránh cây đa thì lại gần cái giếng. Mà tránh cái giếng thì…

 

Hú… ú… ú… Một tiếng hú ngân dài vang động cả một bầu trời đen, dầy đặc, vừa ai oán, vừa ghê rợn như tiếng… ma kêu. Tiếp liền sau, một chuỗi cười khanh khách… lạnh lẽo, khô sắc, rắn chắc như hai ống xương gõ vào nhau. Đấy là cảm giác của tôi về sau, khi nhớ lại, chứ lúc ấy hồn vía tôi bay đi đằng nào rồi, còn đâu. Hai chân tôi như cái máy đưa xác thịt tôi về phía cây đa. Một vật gì lơ lửng trên không, lơ thơ như tóc, bay tạt vào mặt tôi. Chết rồi! Tóc nó! Hai chân tôi lùi lại. Tiếng hú ngân dài và tiếng cười khanh khách vang lên lần nữa. Đầu tôi díu về đằng trước, hai chân tôi chạy bán sống bán chết. Còn hai tay tôi làm gì? Mắt tôi thấy gì? Cảm giác, trí lực tôi thế nào? Làm sao tôi chạy về được đến nhà mà không vấp ngã? Tôi chịu, không sao biết được. Có lẽ vì hằng ngày tôi đi lại nhiều lần, nên chân tôi bước đã quen, như bước chân thầy bói vậy. Phải, chắc thế. Vì hai bên đường có ao, có ruộng, có rãnh, và đường có chỗ cong, chỗ rẽ vào nhà. Nếu không quen như thầy bói quen đường thì sao thoát khỏi ngã.

 

Bây giờ, nếu ai hỏi tôi: “Trong đời, anh bạo nhất lúc nào?” Tôi sẽ quả quyết trả lời là lúc ấy. Lúc ấy, mặc dầu đạn bay bom nổ ngay trước mắt, tôi cũng chẳng coi vào đâu. Tôi coi như không, vì lẽ cố nhiên là tôi chẳng còn hồn vía, trí giác đâu nữa mà biết để mà sợ. Có lẽ những tên lính hùng mạnh, đánh giáp lá cà, dấn mình trong mưa đạn, cũng đến như tôi lúc ấy mà thôi.

Thấy tôi tái nhợt như cái xác, nhà tôi hốt hoảng nắm lấy cánh tay tôi hỏi dồn:

-“Chết chửa! Cậu làm sao thế? Có việc gì thế, cậu?”

Rồi quay ra giục đầy tớ:

-“Đóng ngay cổng lại, mày!

Tôi nằm vật xuống giường, nói như người thở hắt ra:

- Ma! Ma! Mợ ạ… Tôi gặp ma!

Cái dáng điệu với giọng nói thành thực ấy khiến nhà tôi không thể không tin được, dẫu ngày thường không bao giờ tôi ngỏ ý sợ ma, không bao giờ tôi nói đến chuyện ma hay chuyện gặp mạ

Tôi ngủ thiếp đi. Sáng hôm sau tôi hoàn hồn, và tối sau tôi bắt đầu sợ, sợ quá đến nỗi không lúc nào dám ngồi một mình, dám rời khỏi nhà, dám bén mảng xuống bếp. Lúc đi ngủ, tôi đã nằm len vào giữa. Một bên nhà tôi, một bên thằng con nhỏ mà vẫn thấy rờn rợn. Mỗi luồng gió lọt qua khe cửa, tôi nghe như tiếng hú của con ma. Tiếng chuột rúc, tiếng dế kêu tôi nghe như tiếng cười khanh khách của nó. Chốc chốc tôi lại lay người nhà tôi dậy, hỏi vơ hỏi vẩn cốt để nhà tôi thức giấc.

 

Cách vài hôm, vào ngày chủ nhật, tôi đến chơi ông Giáo, Giáp và Dần, bạn tôi cũng có đấy. Tôi đem chuyện ma ra kể. Ông Giáo không tin, cười nói:

- Thôi đi, anh đừng thấy tôi ở vào chỗ hẻo lánh, gần tha ma mà đem ma ra dọa. Tôi chẳng sợ đâu.

Giáp không cười, nói, giọng chân thật:

- Có lẽ thật đấy, các anh ạ. Chính tôi cũng gặp ma một lần, mà cũng ở giếng Chùa gần cây đa chợ Cầm. Đêm ấy, cách đây độ… nửa tháng, giời sáng giăng hẳn hoi, tuy sáng lờ mờ. Tôi đi đến gần giếng, thì thấy một cái bóng người ngồi xõa tóc trên bờ bên kia. Tôi dừng bước hỏi:

- Ai? Cái bóng lừ lừ đứng dậy, lừ lừ đi đến cái tháp rồi biến mất.

Ông Giáo cãi lại:

- Chắc đâu là ma hay là người thật.

- Đích thực ma chứ không phải người, vì tôi thấy cái bóng nó mập mờ, ẩn hiện như ma, và người tôi lúc ấy thấy rờn rợn. Mọi lần đi đêm, có bao giờ tôi thấy rợn đâu.

Ông Giáo nhìn Dần, nói, coi Dần như đã biểu đồng tình với ông vậy:

- Cái đó thì đã dĩ nhiên. Vì mọi lần anh Giáp tôi không có cái gì để mà rùng rợn, có phải không anh Dần?

Dần từ nãy vẫn giữ vẻ điềm tĩnh, yên lặng ngồi nghe, bèn cất giọng nói thong thả: “Tôi chưa gặp ma bao giờ vì lẽ không mấy khi đi đêm. Nhưng mà người ta thường nói: “hay đi đêm lắm có ngày gặp ma. Câu ấy có lẽ đúng.”

Ông Giáo chau mày, ném mẩu thuốc lá hút dở qua cửa sổ:
“Lại nhà triết học này nữa. Nhà triết học cũng tin nhảm như hai bác mê tín kia ư? Thế thì hỏng, hỏng bét.”

Dần nhếch mép cười, rút một điếu thuốc lá trong bao “ba tốt” để trên bàn, cầm dỗ mấy cái xuống mu bàn tay rồi bật diêm hút ba bốn hơi liền. Đoạn anh ung dung đáp lại:

- Tin hẳn thì không dám chắc, nhưng mà phân vân thì có… Các anh đã đọc quyển “Spiritisme” chưa nhỉ. Anh Tíu thì chắc đã xem rồi, vì quyển sách ấy chính anh cho tôi mượn… Chưa à? Vậy các anh cũng nên đọc qua. Trong sách có nhiều đoạn họ viện khoa học ra thuyết đúng lý lắm, có phải không, anh Tíu nhỉ. Như đoạn… họ nói: linh hồn một khi đã thoát khỏi xác thịt, vẫn giữ được tính chất riêng của từng cá nhân, chứ không tan vào không trung như lời của phần nhiều nhà triết học khác. Theo thuyết họ thì linh hồn còn có một chất bọc ngoài là “périsprit”. Chất ấy giữ cho linh hồn nguyên tính như khi còn tù hãm trong phần xác vậy. Vì thế mà có linh hồn cao siêu, linh hồn tầm thường, linh hồn hèn kém, linh hồn lương thiện, linh hồn hung ác, linh hồn giảo quyệt, nghịch ngợm, đủ hạng như đủ hạng người trên dương gian… Chả biết ý tưởng các anh thế nào, chứ tôi thì tôi cho là phải.

Ông Giáo xem chừng không phục cái thuyết ấy, nhưng vì tò mò muốn nghe, nên ông cũng nói:

- Được! Nhà triết học cứ thuyết đi.

Giáp nghe có vẻ chăm chú lắm. Còn tôi tuy đã đọc qua, cũng muốn nghe lại.

Dần uống vài ngụm nước nhấp giọng. Đoạn, anh nói tiếp:

- Linh hồn có khi tan ra như không khí khiến mắt ta không nhìn thấy được. ấy là theo thuyết của họ chứ không phải thuyết của tôi đâu nhé, vừa nói anh vừa tủm tỉm cười. Có khi tụ lại như sương mù, có khi đọng lại thành hình tùy theo ý muốn của linh hồn. Vì thế mà ban đêm, thường trong sáng trăng suông, có người nhìn thấy linh hồn hiện hình tức là ma…

Ông Giáo không nhịn được, ngắt lời:

- Thuyết ấy vô lý lắm, tôi bất phục. Có lẽ nào đương vô hình mà lại thành hình, nhất là hình người…

Giáp đương thích nghe, cản lại:

- Thì anh hãy để anh Dần nói nốt đã nào.

Không nể lời bạn, ông Giáo còn chêm một câu hỏi nữa:

- Thí dụ như con ma ngồi xõa tóc của anh Giáp. Vậy tóc lấy ở đâu ra? Lại còn có người thấy ma hiện thành con gái, cắp thúng. Vậy những thức ấy ở đâu ra hay cũng ở linh hồn là chất vô hình? Vô lý! Vô lý!

Dần vẫn điềm tĩnh, bật diêm châm lại điếu thuốc hút dở rồi khoan thai đáp:

- Xem đến đoạn ấy, tôi cũng nghĩ như anh Chữ (tên ông Giáo), nhưng mà, các anh ạ, vũ trụ của Tạo hóa… Chẳng nói gì vũ trụ, ngay cõi dương gian chúng ta đương sống đây, biết bao nhiêu sự mà ta cho là lạ lùng huyền bí. Song đối với Tạo hóa không có sự gì là huyền bí, lạ lùng cả. Chữ “surnaturel” chỉ là lời nói của ta đặt, những cái mà ta thấy khác thường với ta đó thôi: với Tạo hóa nó vẫn là thường “naturel”.

Nghỉ một lát để hút thêm vài khói (Dần vốn nghiện thuốc lá và nghiện nặng). Đoạn anh nói tiếp:

- Lại còn thuyết này nữa: cái gì có ở thế gian, ở trên quả đất của ta, đều có hết thẩy trong không trung. Thí dụ như nước. Theo phép thí nghiệm, là hai chất dưỡng khí và khinh khí (H2O) hợp lại mà thành ra. Hai chất ấy không ở không trung thì ở đâu? Lấy một nhẽ ấy mà suy thì hết thẩy, từ con vi trùng nhỏ nhỏ biến, cho chí các loài các giống, các đồ đạc, các thứ, đều là những chất “éléments” sẵn có trong không của Tạo hóa cả. Vậy thì sao linh hồn, nhờ quyền phép của Tạo hóa, lại không lấy các chất cần dùng ở đấy mà lập thành ra được. Theo lý ấy, linh hồn có thể làm ra cái nhẫn vàng, hạt kim cương, đủ mọi thức tùy theo sở thích của linh hồn… Chắc các anh sẽ bẻ: Sao những thức ấy không thành thật được, nghĩa là không thành những thức mà ta có thể cầm trong tay, giữ lấy mà dùng được. Tôi cũng nghĩ vậy. Nhưng đó lại là bí quyết của Tạo hóa. Ta chỉ nên lấy những việc xảy ra “les faits” mà xét đoán. Ma, tức linh hồn hiện hình đã xẩy ra. Anh Chữ không gặp. Tôi cũng không gặp. Nhưng mà anh Tíu, anh Giáp đã gặp, thì tức cũng như chúng ta đã gặp vậy.

Ông Giáo vốn có óc thiết thực, vẫn không chịu, cãi lại:

- Như thế nào được. Hai anh ấy sẵn có tính nhút nhát. Động đêm đến là sợ ma, lúc nào cũng nơm nớp gặp ma. Rồi tưởng tượng giúp trí nghĩ, khiến mắt các anh ấy nhìn ra hình người, hình quái vật, khiến tai các anh ấy nghe thấy đủ mọi thứ tiếng, như tiếng hú, tiếng cười khanh khách chẳng hạn. ừ ma, nói đến tiếng, tôi lại xin hỏi tiếng hú, tiếng cười khanh khách lấy ở đâu ra hay lại cũng ở không trung? Hay chính linh hồn kêu, linh hồn cười?

Nói rồi anh đắc chí cười khanh khách.

Dần vứt mẩu thuốc xuống đất, rút điếu khác hút, rồi điềm nhiên hỏi lại:

- Tiếng máy hát ở đâu ra? Tất ở cái kim chuyển trên đĩa nhựa. Cái kim, đĩa nhựa đều hợp thành bởi những chất có sẵn trong không. Vậy thì linh hồn có thể lấy ở đấy mà ra, lập thành tiếng hú, tiếng cười khanh khách.

Nói rồi anh cũng cười trả lại. Đoạn anh tóm tắt:

-Tạo hóa huyền bí vô cùng. Ta cũng là một huyền bí của Tạo hóa. Tạo hóa tạo ra ta, cho ta biết đến đâu, ta được biết đến đấy. Ta không thể lấy triết lý mong manh và kiêu hãnh của ta mà quyết đoán được Tạo hóa.

 

Cuộc đàm đạo đã thấy lâu. Sau chiếc bình phong, tiếng bát đũa chạm vào nhau lạch cạch. Bà Giáo ra vào, băn khoăn. Thằng nhỏ nói thì thầm. Tôi biết ý đứng dậy. Dần, Giáp sực nhớ tới bữa ăn của nhà chủ, đứng dậy theo. Ông Giáo cũng đứng dậy nói:

- Cứ kể cãi lý với anh Dần thì tôi cãi mãi được. Nhưng thuyết ấy, tôi không phục lắm. Nhưng mà, nếu có thể được, anh cho mượn quyển “Spiritisme, của anh Tíu. Chắc trong ấy còn có nhiều thuyết nó sẽ làm cho tôi phục lăn

.Ông Giáo vừa cười như chế nhạo.

Giáp xem chừng đã ham mê quyển sách, vội nói:

- Anh Chữ xem xong lại chuyển sang cho tôi nhé. Hay là anh còn bận dậy học, anh để tôi xem trước.

Ông Giáo vui vẻ xua tay:

- Không! Không được! Phải để mỗ xem trước. Mỗ nói mượn trước.

Dần đập vào vai tôi, cười nói:

- Được hay không, còn phải hỏi chủ nhân của nó đã chứ đệ không có quyền.

Tôi vội đáp:

- Được, anh nào muốn mượn thì mượn, tôi xin sẵn lòng. Miễn là anh Giáo tôi đừng cáu với nó quá mà vò nát nó ra thôi.

Tôi cười theo và tiếp liền:

- Còn quyển “Đồng cốt”, anh nào muốn học lên đồng cô, đồng cậu, đồng quan lớn quan liếc thì tôi cho mượn nhân thể.

Ông Giáo vốn lười đọc, hỏi:

- Có dầy lắm không, anh?

Tôi cười:

- Dầy chẳng kém quyển “Spiritisme”

- Thế quyển “Spiritisme”?

- Dầy bằng quyển “Đồng cốt”.

Mọi người cười ồ.

Dần nói dọa:

- Bằng hai quyển tự vị của anh kia kìa. Thấy ông Giáo chau mày, thở dài, Dần thương hại, nói tiếp:

- Đùa đấy. Dầy độ gấp rưỡi quyển Tiêu Sơn tráng sĩ của anh để trên ngăn tủ ấy.

 

Ra khỏi cổng trường, chúng tôi bắt tay nhau, rồi mỗi anh một ngả. Tôi vừa đi, vừa nghĩ đến những lời của Dần. Cả ngày hôm ấy, tôi thơ thẩn như một thi sĩ đương tìm vần thơ. Những thuyết trong quyển “Thần linh học” lần lượt thức dậy trong trí nhớ. Tôi còn nhớ mang máng một câu: “Nhờ Tạo hóa, nhờ cả khoa học mở mang tột bực, rồi một ngày kia ta sẽ biết rõ đời vô hình của linh hồn trên thế giới vô hình của họ, rõ như một với một là hai vậy. Lúc ấy chỉ có kẻ nào điên hay loạn óc mới dám nói: Không có linh hồn. Người chết đi là hết, là hư vô…”

Không biết bao nhiêu ngày, bao nhiêu đêm, trí tôi luẩn quẩn trong quyển “Thần linh học” đến nỗi nhãng bỏ cả thực hiện. Trong nhà, ngoài sân, ngoài đường, trên không, chỗ nào cũng nhan nhản những linh hồn.

Tôi sắp thành một người mê tín như các ông đồng, bà cốt thì một buổi chiều, đi thăm đồng về, gần đến chơ. Cầm, tôi thấy một đám đông, phần nhiều là trẻ con, đứng vây bọc chung quanh gốc đa. Tôi thoáng nghe thấy tiếng hát lanh lảnh, rồi những tiếng cười reo của lũ trẻ làm lấp đi. Tôi lại gần, dãn lũ trẻ ra. Một người đàn bà còn trẻ, quần áo lấm láp và rách để hở từng mảng da sém nắng. Đầu óc rối bù, xõa xuống trông không rõ mặt. Hai tay ôm khúc chuối áp vào vú để lõa lồ. Biết bà là con điên, tôi quay gót giở ra… Bỗng một chuỗi cười khanh khách giòn tan, khô xác, rắn chắc… làm tôi rùng mình ghê rợn. Từ đấy, tôi như trút được gánh nặng. Trí tôi và tâm hồn tôi trở lại bình tĩnh. Linh hồn và thế giới vô hình cùng với quyển sách thần linh học cũng dần dần chìm trong bể quên.

 

Trần Tiêu
(Sau luỹ tre - nxb. Đời Nay, Hà Nội, 1942)

Bài liên quan
  • BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhiên cất tiếng hát "Ơi chàng ơi chim có bạn có bầy, thuyền có bến có sông sao lại để em năm canh gối chiếc chăn đơn đợi chàng... "
  • HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Hai người bạn là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, in trong tập truyện ngắn Hạnh, Đời nay xuất bản năm 1940.
  • CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Vũ Bằng hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực báo chí từ những năm 1930-1940 khi tuổi đời còn rất trẻ. Ông là chủ bút tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy, thư ký tòa soạn tờ Trung Bắc Chủ Nhật khi mới hơn hai mươi tuổi. Khi Nhật-Pháp so kè với nhau chiếm nước ta, dưới áp lực kinh người của những kẻ xâm lược, Vũ Bằng vẫn giữ tư thế của tờ Trung Bắc Chủ Nhật là phục vụ người Việt, vì quốc gia dân tộc, khiến cả chính quyền Pháp và Nhật đều phải kiêng nể.  Trước 1945, Vũ Bằng nổi tiếng trong việc giúp đỡ các nhà văn khác cả tiền bạc lẫn kinh nghiệm viết lách. Rất nhiều nhà văn nhận những lời khuyên của Vũ Bằng sau này đều trở thành những nhà văn lớn của Việt Nam. Thế nhưng, một thời gian dài kể từ khi Vũ Bằng di cư vào Nam năm 1954, các tác phẩm của ông biến mất không còn dấu vết, không được nhắc tới trong nhà trường, bị đưa vào danh mục cấm do cái tiếng "dinh tê, về thành", nhà văn "quay lưng lại với Kháng chiến"... gây ra. Ông lâm trọng bệnh và mất ở TP. Hồ Chí Minh năm 1984 trong cảnh vô cùng túng thiếu. Mãi sau này, ông mới được minh oan rằng không phải ông quay lưng với kháng chiến mà là ông đã nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật trong giới trí thức nội thành từ năm 1952 và vào Nam năm 1954 theo lệnh của tổ chức. Tháng 3 năm 2000, Cục Chính trị thuộc Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có văn bản xác nhận nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo.
  • ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ hàng đầu của Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX, sức ảnh hưởng của Xuân Quỳnh lớn tới nỗi Google từng vinh danh bà trên trang chủ của họ vào năm 2019. Là nhà thơ nên tất nhiên bà nổi tiếng về thơ và hầu như khó tìm được ai không biết bài Thuyền và Biển của bà. Nhưng Xuân  Quỳnh cũng viết văn và viết rất nhiều truyện cho thiếu nhi, truyện Ông nội và ông ngoại dưới đây là một trong số đó.
  • LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Lời Nguyền là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, viết về quãng thời gian ông bị thực dân Pháp bắt tại Hà Nội (1941) và đưa lên giam giữ tại trại giam Vụ Bản, Châu Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình. Truyện được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc cuối cùng của nhà văn Khái Hưng. 
  • CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mưỡu Cuối được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1946, đặt làm Phần cuối và đem đi xuất bản ở Quốc Văn với tên Chùa Đàn. Với Tâm sự của nước độc, Nguyễn Tuân băng băng trèo lên đỉnh đèo văn, còn với Chùa Đàn, ông bồng bềnh trôi, chưa mỏi gối nhưng đã không còn đỉnh đèo nào để leo nữa.
  • CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần II của Chùa Đàn, được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1945 có tên Tâm sự của nước độc. Truyện có phần đề từ lấy trong Chữ Nhàn, một bài hát nói của Nguyễn Công Trứ; “Ai hay hát mà ai hay nghe hát”. Trong Chùa Đàn, truyện được sắp xếp thành phần II. Nhà văn Khái Hưng và một số nhà văn khác cho rằng, (việc) Nguyễn Tuân viết thêm Dựng và Mưỡu Cuối, đã làm hỏng mất sự toàn bích một tác phẩm tuyệt mỹ.
  • CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chùa Đàn được xem là tác phẩm hội tụ những gì tinh hoa nhất của nhà văn Nguyễn Tuân do Quốc Văn xuất bản năm 1946 tại Hà Nội. Chùa Đàn bắt đầu từ truyện ngắn Tâm sự của nước độc trong loạt truyện kinh dị Yêu Ngôn ông đăng trên các báo thời bấy giờ. Đến năm 1946, để phù hợp với diễn biến thời cuộc, ông viết thêm hai phần bổ sung, đặt làm phần Một và Ba, Tâm sự của nước độc trở thành phần Hai của tác phẩm.
    Dù là tác phẩm hay nhất của Nguyễn Tuân, nhưng Chùa Đàn đã bị đánh giá thấp do các yếu tốc ma quái kì dị đầy màu sắc tâm linh của nó. Kể từ lần in năm 1946 và sau đó được Tân Việt tái bản ở Sài Gòn* năm 1947, đến tận năm 1981, Chùa Đàn vẫn không được nhà xuất bản đưa vào tuyển tập của ông. Điều này đã khiến Nguyễn Tuân buồn bã đến nỗi; "Tôi tiếc cái Chùa Đàn quá. Họ cắt cái Chùa Đàn khỏi tuyển tập này, cũng giống như cắt cái gan ra khỏi bụng tôi".
    Đến năm 1999, Chùa Đàn mới được in trở lại trong tập Yêu Ngôn do nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh thực hiện. Ngày nay Chùa Đàn không những đã được xuất bản, mà còn được chuyển thể sang nhiều loại hình nghệ thuật khác như kịch nói, cải lương, phim điện ảnh. Ở mảng điện ảnh, Chùa Đàn được dựng thành bộ phim khá nổi tiếng Mê Thảo – thời vang bóng do đạo diễn Việt Linh thực hiện.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần cuối của Ngõ lỗ thủng, tác phẩm dựa trên những ký ức, sự kiện và nhân vật có thật của nhà văn Trung Trung Đỉnh, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ngõ lỗ thủng của Trung Trung Đỉnh dựa trên ký ức của những sự kiện, nhân vật có thật của chính nhà văn, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.