chan_dung-ke_si

LỬA TRÊN SÔNG - Truyện ngắn Như Bình

23-08-2023

Lượt xem 1215

Đánh giá 1 lượt đánh giá

Chia sẻ

LỬA TRÊN SÔNG - Truyện ngắn Như Bình

Chiều hôm nay ở quán, chuông điện thoại réo. Tiếng Thuỳ sụt sịt trong điện thoại. Hoàng giật mình: "Một tuần qua nhanh thế nhỉ". Hoàng lẩm bẩm, vội vã trở dậy, vội vã dắt xe quay ngược lên đường. Thư biết Hoàng sẽ cứ thế mà đi, không nói lời chia tay, không bịn rịn ngoái lại. Ban đầu, Thư sợ cảm giác hụt hẫng trống hoác khi chia tay. Lạ thật, có còn trẻ nữa đâu mà vẫn cứ run, cứ mong manh khi không được nghe những lời đại loại như: “Em đừng buồn nhé, anh sẽ nhớ em nhiều”. “Em gắng đợi, anh sẽ thu xếp nhanh mọi chuyện để về với em, anh tin chúng mình sẽ hạnh phúc". Hoàng thường nói điều đó khi gặp nhau, nhưng chia tay thì không. Người đàn bà dù bước sang tuổi ba mươi rồi, khi yêu vẫn chỉ là một cô gái mười tám tuổi. Mười tám tuổi chia tay ào ạt nhớ, còn ba mươi tuổi, nghĩa là sẽ chiêm nghiệm, âu lo, gặm nhấm nỗi cô độc chợt vỡ hoác ra như lúc này. Hoàng đã hứa tối nay Hoàng sẽ ở lại với Thư. Ai bảo nước mắt thì thay đổi được gì? Nước mắt Thuỳ đã gọi hồn Hoàng, giam giữ Hoàng vào cái gọi là gia đình. Khi Thuỳ khóc, Hoàng không hồn vía nào để đắm mình vào những giây phút hạnh phúc bên Thư. Hoàng không đủ độc ác để làm điều Hoàng muốn. Thư cúi gằm mặt vào ly càphê đen hút, đắng loang đầu lưỡi. Nước mắt Thư trôi ngược vào ngực ức nghẹn.

Hoàng hôn buông những vạt loang lổ vào khoảng không hun hút trước mặt. ở phía đó, dòng Ngàn Mọ lặng chảy. Những con thuyền xuôi chèo mang những đốm lửa hồng trôi trong sương. Những đốm lửa hắt ra những quầng sáng nhỏ nhấp nháy thắp lên sự bình yên nao lòng của một gia đình, một cuộc sống đang phập phồng thở. Thường thì tới lúc đó cả Hoàng và Thư không ai bảo ai sẽ cùng đứng lên. Ðã tàn ngày. Khi những đốm lửa trên sông cùng trôi về tụ lại trên bến, nghĩa là một ngày làm việc đã kết thúc. Bây giờ lũ trẻ con trên thuyền mới được phép chui ra nhảy lon ton từ thuyền này sang thuyền khác. Cánh đàn ông ngồi bằng tròn đầu mũi thuyền rít thuốc lào. Ðàn bà hí húi nhóm bếp làm cơm. Khói bếp từ thuyền oà xuống mặt sông bay la đà một màu trắng đục.

* * *

Quán nằm chênh vênh ven rìa Ngàn Mọ. Phía trên là cầu Phủ. Từ cầu nhìn xuống, quán rơi hút vào bóng tối thăm thẳm, sâu hút. Phía sau bạt ngàn rừng phi lao chạy ven dòng Ngàn Mọ thơ mộng. Chìm vào sự yên tĩnh đậm đặc. Chỉ có những ngọn đèn dầu nhỏ xíu với đốm lửa hồng bé bằng hạt lạc kiên nhẫn cháy trong chụp đèn thuỷ tinh độ bằng quả cau đặt ở mỗi bàn đánh dấu sự tồn tại của những trái tim đang đập điên loạn trong đêm. Ngọn đèn là vật chứng kiến, sẻ chia, chiêm nghiệm.

Những lúc không chịu nổi, Hoàng hẹn Thư tới đây. Hai người ngồi với nhau hàng giờ ngắm hoàng hôn, ngắm dòng người cuộn chảy trên cầu. Mấy năm rồi, từ ngày hai người yêu nhau, Hoàng vẫn có thú đếm lửa trên sông. Bao nhiêu đốm lửa là bấy nhiêu chiếc thuyền. Thêm một đốm lửa là thêm một gia đình nhập cư vạn chài. Tuần trước, Hoàng phát hiện có cặp vợ chồng trẻ vừa xuống thuyền. Ðốm lửa mới xuất hiện cháy to nhất, thường về muộn nhất đậu sâu trong bến. Hoàng quả quyết: "Cô vợ không phải dân vạn chài nhà nòi, da trắng, chân tay thon, mặt hoa da phấn trông như con gái thị thành. Chắc là bỏ nhà đi theo chàng Trương Chi đây”. Quả thật, đêm khuya, có tiếng sáo réo rắt vang lên phía bến sông. Thư nghĩ, chắc của chàng trai cưới được vợ đẹp đang khoái đời. Tiếng sáo dặt dìu tha thiết và chứa chan hạnh phúc. Những lúc như vậy, Hoàng ôm chặt Thư vào lòng, đắm mình trong tiếng sáo du dương ấy.

* * *

Mùa này, Ngàn Mọ nước dâng đục lờ. Ðám cỏ nước xanh non ven sông. Những cơn mưa đêm mang dấu ấn tiết đông hàn bất chợt đến. Quán rùng mình đón những hạt mưa to tròn, thưa thớt, buốt lạnh. Thời tiết thất thường, quán không có mái che đâm ra thưa khách. Càng ít người tới, Hoàng và Thư càng thích đến quán ngồi. ở tuổi họ, câu chuyện không phải là cái cớ. Chí ít, Thư là người cô độc, hay cô luôn cảm thấy sự cô độc ấy sừng sững đáng sợ. Còn Hoàng, dĩ nhiên anh thèm vô cùng những giây phút bên Thư, dù chỉ để lặng yên ngắm nhìn lơ đãng mọi thứ diễn ra xung quanh mình. Với Hoàng, đó là giây phút quý báu trong cuộc đời anh, Hoàng nâng niu, nắm giữ và trân trọng. Hoàng thừa nhận, đấy là khi Hoàng đang hạnh phúc, chỉ ở bên Thư, Hoàng mới cảm nhận thật trọn vẹn về điều đó.

Tình yêu muộn màng và trớ trêu của Hoàng là điều không thể giải thích. Nhưng nó nuôi sống Thư trong suốt những gì tiếp theo hay còn lại. ở đó, Thư víu vào sự tĩnh lặng sừng sững của cây cầu hay nỗi thao thiết lặng chảy của dòng Ngàn Mọ đêm đêm trở mình sau tiếng mái chèo khua lách cách trên sông để thở, để bình tâm trở lại. Dường như khung cảnh đó, cả những điều ngỡ vụn vặt cũng làm Thư run lên.

Hôm qua Hoàng đã cầm lấy tay Thư đặt lên ngực mình "Thư ơi! Chúng mình không còn trẻ nữa để mà phung phí mọi thứ. Hoàng không thể sống mà không có Thư. Hoàng không chịu nổi, nếu một ngày nào đó Thư bước ra khỏi cuộc sống của Hoàng". Hoàng vừa nói vừa chìa cho Thư lá đơn ly dị Hoàng đã ký. "Thư hãy tin ở anh. Anh buộc phải làm tất cả những điều này để có Thư, mình cưới nhau em nhé, anh mong muốn điều đó hơn lúc nào hết". Bàn tay Thư lạnh giá và run rẩy. Ừ nhỉ? Bao nhiêu lần cả Hoàng và Thư tập xa nhau. Họ đã nếm trải cuộc sống không có nhau, không cà phê chiều cuối tuần ngồi đếm lửa trên sông, không có gì cả. Bao nhiêu lần cả hai đều vùng dậy quay quắt đi tìm nhau trong nỗi cô độc rợn người, trong sự sợ hãi kinh khủng khi nghĩ rằng mình sẽ mất nhau vĩnh viễn. Với Thư, cuộc sống của một người đàn bà không có trẻ, không niềm vui, không nỗi buồn, không hạnh phúc. Một cuộc sống nhàm chán, vô vị như nó từng xảy ra với triệu triệu số phận khác, có gia đình đấy mà như không có, hạnh phúc đấy mà không hạnh phúc. Lúc đó Thư chỉ muốn đổ oà vào Hoàng, đỡ lấy gương mặt anh, hôn ngấu nghiến dại điên lên mắt anh, môi anh, ngực anh rồi khóc. "Thế còn Thuỳ?". Hoàng quả quyết: “Phải vậy thôi, anh quá mệt mỏi với những bổn phận của một người chồng tốt. Anh có lỗi với Thuỳ, với con. Tuổi trẻ thường sai lầm bởi không phân biệt được tình yêu với thói quen của sự ham muốn. Anh cảm ơn em vì chính em đã giúp anh nhận ra điều này".

Thư không hy vọng, một ngày Hoàng nói những chuyện đó với Thư. Nhìn mái tóc không còn xanh của anh, lòng Thư đau nhói. Hoàng có thể làm điều đó ư? Phá vỡ ngôi nhà đã xây kiên cố vững chắc để đổi lấy cái mong manh là Thư. Ðánh đổi danh dự, gia đình, lương tâm để đổi lấy hạnh phúc ít ỏi mà Thư mang lại. Không bao giờ Thư chịu hiểu Hoàng đã yêu Thư nhiều đến thế, Hoàng sẵn sàng hy sinh tất cả vì Thư. Ðúng ra Thư chờ đợi điều này quá lâu rồi, chờ đợi đến rỗng không, đến mệt mỏi và ê ẩm. Thư đã chờ và tin Hoàng không làm nổi điều đó, không đủ nhẫn tâm, độc ác và không đủ cả lòng yêu, khát vọng... "Em chờ anh nhé, Thuỳ đã đồng ý ký vào đơn ly dị. Cô ấy khóc nhiều lắm. Nhưng anh đã yêu em, những giọt nước mắt của Thuỳ không làm anh xúc động được nữa. Anh không thể sống với ai ngoài em đâu Thư ạ, em hiểu chứ”. Chuông điện thoại reo. Hoàng giật mình... Hôm ấy Hoàng đột ngột muốn ở lại...

* * *

Ngày hôm đó Thư vui như con chim sẻ nhỏ suốt ngày ca hát líu lo. Thư viết cho Huân một lá thư kèm với lá đơn ly dị cô đã ký. Bức thư vỏn vẹn mấy dòng "Anh đừng trở về tìm em nữa. Em đã quyết định rồi, em muốn ly dị, em không còn yêu anh nữa. Cầu mong anh hiểu và tha thứ".

Người đàn ông của Thư vội vã đáp chuyến máy bay từ Mátxcơva trở về đột ngột sau bức điện của vợ. Gương mặt Huân hốc hác, sạm đen, râu ria đâm tua ra vì thiếu ngủ. Thư cố để không khóc, bình thản đẩy cho anh lá đơn chia tay. Huân rít thuốc lá suốt đêm. Thư nằm quay mặt vào tường ôm cu Tuấn giả vờ ngủ. Ðêm ngưng đặc lại như có thể cầm lấy dao và xắn ra từng miếng đen nhánh. Giọng Huân khàn khàn: "Em không chịu nổi xa anh, hay em đã có người đàn ông khác". Không phải lần đầu tiên Huân hỏi Thư như vậy, cũng không phải lần đầu Thư muốn điều đó. Giữa hai người vốn không có gì chung, khoảng trống cứ lớn dần ra, sâu hoác khi Huân sang bên kia kiếm sống. Tình yêu khắc khoải và cam chịu của Huân đã đè trĩu Thư xuống, nhấn Thư chìm ngập vào gánh nặng của lòng thương hại và thói quen yên phận. Cho đến một ngày Thư gặp Hoàng, những chán chường mệt mỏi bỗng bật tung ra...

Người chờ Thư ở quán không phải là Hoàng. Thư choáng váng sa sẩm mặt mày. Lá đơn ly dị rơi khỏi tay bay loạng choạng trên đất. Thư cố đuổi theo, cố chộp lấy, cắn răng để khỏi run lên vì nước mắt. Người đàn bà nhẫn chịu và đau khổ ấy đã mang hai đứa con lặn lội hơn một trăm kilômét đi đến đây tìm Thư. Hai đứa, con bé Hoàng Thi mười tuổi và em trai Hoàng Tuấn sáu tuổi, kháu khỉnh giống Hoàng lạ lùng. Thuỳ đỡ Thư ngồi xuống, đưa nước cho Thư uống. Kỳ lạ thật! Không có sấm sét, giận dữ, không chửi bới, thù hận mà chỉ có nước mắt. Người đàn bà ấy lại khóc, không phải qua điện thoại với Hoàng mà ngay trước mắt Thư, không xấu hổ giấu giếm. Thà Thuỳ cứ vồ lấy Thư, cắn xé Thư, cào cấu, mạt sát Thư cho hả, có lẽ Thư sẽ dễ chịu hơn. Như thế Thư đủ dũng cảm để không lùi bước, không nhường Hoàng cho bất kỳ ai. Ðằng này người đàn bà ấy chỉ khóc. Cái gì khiến bà ta phải quỳ gối chịu đựng như thế? Tình yêu với Hoàng? Với các con? Hay lòng yêu ích kỷ bị tổn thương quyết giữ bằng được gia đình. Hay vì lòng thù hận, cô ta sẵn sàng vứt bỏ lòng kiêu hãnh để đạt được cái mình muốn? Ðứa con gái Hoàng Thi ngước cặp mắt oán giận nhìn Thư: "Nếu cô lấy mất bố của cháu thì chị em cháu sẽ xem cô là mụ phù thuỷ độc ác nhất thế gian", "Cô sẽ không có bạn, không ai chịu chơi với mụ phù thuỷ xấu xí đâu" - bé Hoàng Tuấn hồn nhiên thêm vào câu nói của chị nó rồi nhìn Thư thách thức. Mãi lâu sau Thuỳ mới buông lời: "Nếu ở vào địa vị tôi, chị sẽ làm thế nào đây?".

Làm gì với một người chồng không còn yêu mình và những đứa con luôn cần có bố mẹ? Chiều hôm đó, Thư lang thang đến bờ sông. Chiều muộn, Thư phát hiện thiếu mất một chiếc thuyền không trở về. Thuyền của đôi uyên ương trẻ. Ờ, thì ra lâu lâu không ai nghe thấy tiếng sáo. Mấy tuần trước cả Hoàng và Thư cứ thấy thiếu thiếu cái gì không rõ. Là tiếng sáo. Tiếng sáo buông khi chiều tà, dặt dìu bay ra, khoan nhặt, tha thiết trong đêm trăng sáng. “Mảnh vỡ khuyết không bao giờ vá được/Quá khứ như lá vàng trên cỏ/... Khi anh nghĩ về cô gái ấy/Thì em là người khổ đau/Khi anh về bên em/Thì cả ba chúng ta đều khổ”/(ÐHY). Thư chợt nhớ đến những câu thơ không đầu không cuối một thời bỏ quên trong sổ tay thiếu nữ, thẫn thờ dõi mắt theo những đốm lửa hồng còn lại trôi trên sông. Những con thuyền chở những ngọn đèn ngược về phía Ngàn rồi xuôi về phía bể. Những con thuyền không ngủ, mang những hạnh phúc trôi lơ đãng trên sông. Có ai biết được, những đốm lửa đang trôi trên sông Ngàn Mọ kia liệu có chỗ cho hạnh phúc theo cùng. Ai biết được qua đêm trường, ngọn đèn nào sẽ tắt trước cơn gió nổi, và có bao nhiêu ngọn đèn sót lại chống chọi qua mưa bão để đợi chờ bình minh đang rạng lên./.

Như Bình

Bài liên quan
  • BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhiên cất tiếng hát "Ơi chàng ơi chim có bạn có bầy, thuyền có bến có sông sao lại để em năm canh gối chiếc chăn đơn đợi chàng... "
  • HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Hai người bạn là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, in trong tập truyện ngắn Hạnh, Đời nay xuất bản năm 1940.
  • CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Vũ Bằng hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực báo chí từ những năm 1930-1940 khi tuổi đời còn rất trẻ. Ông là chủ bút tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy, thư ký tòa soạn tờ Trung Bắc Chủ Nhật khi mới hơn hai mươi tuổi. Khi Nhật-Pháp so kè với nhau chiếm nước ta, dưới áp lực kinh người của những kẻ xâm lược, Vũ Bằng vẫn giữ tư thế của tờ Trung Bắc Chủ Nhật là phục vụ người Việt, vì quốc gia dân tộc, khiến cả chính quyền Pháp và Nhật đều phải kiêng nể.  Trước 1945, Vũ Bằng nổi tiếng trong việc giúp đỡ các nhà văn khác cả tiền bạc lẫn kinh nghiệm viết lách. Rất nhiều nhà văn nhận những lời khuyên của Vũ Bằng sau này đều trở thành những nhà văn lớn của Việt Nam. Thế nhưng, một thời gian dài kể từ khi Vũ Bằng di cư vào Nam năm 1954, các tác phẩm của ông biến mất không còn dấu vết, không được nhắc tới trong nhà trường, bị đưa vào danh mục cấm do cái tiếng "dinh tê, về thành", nhà văn "quay lưng lại với Kháng chiến"... gây ra. Ông lâm trọng bệnh và mất ở TP. Hồ Chí Minh năm 1984 trong cảnh vô cùng túng thiếu. Mãi sau này, ông mới được minh oan rằng không phải ông quay lưng với kháng chiến mà là ông đã nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật trong giới trí thức nội thành từ năm 1952 và vào Nam năm 1954 theo lệnh của tổ chức. Tháng 3 năm 2000, Cục Chính trị thuộc Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có văn bản xác nhận nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo.
  • ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ hàng đầu của Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX, sức ảnh hưởng của Xuân Quỳnh lớn tới nỗi Google từng vinh danh bà trên trang chủ của họ vào năm 2019. Là nhà thơ nên tất nhiên bà nổi tiếng về thơ và hầu như khó tìm được ai không biết bài Thuyền và Biển của bà. Nhưng Xuân  Quỳnh cũng viết văn và viết rất nhiều truyện cho thiếu nhi, truyện Ông nội và ông ngoại dưới đây là một trong số đó.
  • LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Lời Nguyền là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, viết về quãng thời gian ông bị thực dân Pháp bắt tại Hà Nội (1941) và đưa lên giam giữ tại trại giam Vụ Bản, Châu Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình. Truyện được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc cuối cùng của nhà văn Khái Hưng. 
  • CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mưỡu Cuối được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1946, đặt làm Phần cuối và đem đi xuất bản ở Quốc Văn với tên Chùa Đàn. Với Tâm sự của nước độc, Nguyễn Tuân băng băng trèo lên đỉnh đèo văn, còn với Chùa Đàn, ông bồng bềnh trôi, chưa mỏi gối nhưng đã không còn đỉnh đèo nào để leo nữa.
  • CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần II của Chùa Đàn, được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1945 có tên Tâm sự của nước độc. Truyện có phần đề từ lấy trong Chữ Nhàn, một bài hát nói của Nguyễn Công Trứ; “Ai hay hát mà ai hay nghe hát”. Trong Chùa Đàn, truyện được sắp xếp thành phần II. Nhà văn Khái Hưng và một số nhà văn khác cho rằng, (việc) Nguyễn Tuân viết thêm Dựng và Mưỡu Cuối, đã làm hỏng mất sự toàn bích một tác phẩm tuyệt mỹ.
  • CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chùa Đàn được xem là tác phẩm hội tụ những gì tinh hoa nhất của nhà văn Nguyễn Tuân do Quốc Văn xuất bản năm 1946 tại Hà Nội. Chùa Đàn bắt đầu từ truyện ngắn Tâm sự của nước độc trong loạt truyện kinh dị Yêu Ngôn ông đăng trên các báo thời bấy giờ. Đến năm 1946, để phù hợp với diễn biến thời cuộc, ông viết thêm hai phần bổ sung, đặt làm phần Một và Ba, Tâm sự của nước độc trở thành phần Hai của tác phẩm.
    Dù là tác phẩm hay nhất của Nguyễn Tuân, nhưng Chùa Đàn đã bị đánh giá thấp do các yếu tốc ma quái kì dị đầy màu sắc tâm linh của nó. Kể từ lần in năm 1946 và sau đó được Tân Việt tái bản ở Sài Gòn* năm 1947, đến tận năm 1981, Chùa Đàn vẫn không được nhà xuất bản đưa vào tuyển tập của ông. Điều này đã khiến Nguyễn Tuân buồn bã đến nỗi; "Tôi tiếc cái Chùa Đàn quá. Họ cắt cái Chùa Đàn khỏi tuyển tập này, cũng giống như cắt cái gan ra khỏi bụng tôi".
    Đến năm 1999, Chùa Đàn mới được in trở lại trong tập Yêu Ngôn do nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh thực hiện. Ngày nay Chùa Đàn không những đã được xuất bản, mà còn được chuyển thể sang nhiều loại hình nghệ thuật khác như kịch nói, cải lương, phim điện ảnh. Ở mảng điện ảnh, Chùa Đàn được dựng thành bộ phim khá nổi tiếng Mê Thảo – thời vang bóng do đạo diễn Việt Linh thực hiện.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần cuối của Ngõ lỗ thủng, tác phẩm dựa trên những ký ức, sự kiện và nhân vật có thật của nhà văn Trung Trung Đỉnh, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ngõ lỗ thủng của Trung Trung Đỉnh dựa trên ký ức của những sự kiện, nhân vật có thật của chính nhà văn, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.