chan_dung-ke_si

LÒNG MẸ - Truyện ngắn Trần Hồng Long

09-07-2023

Lượt xem 708

Đánh giá 1 lượt đánh giá

Chia sẻ

  truyện ngắn hay Trần Hồng Long

LÒNG MẸ - Truyện ngắn Trần Hồng Long

        Mỗi lần xem ti-vi đến tiết mục quảng cáo, nghe người ta nói như đinh đóng cột rằng "Bệnh phong ngày nay đã được điều trị khỏi hoàn toàn", bà Ngọ lại bật khóc. Có người biết chuyện kể rằng:

    Ngày ấy, khi đi lấy chồng bà Ngọ mới mười bảy tuổi. Năm mười tám thì bà sinh anh Hòa, rồi đến chị Thà, anh Lý, chị Mân. Năm chị Mân lên ba tuổi thì ông Ngọ qua đời. Từ ấy bà không tái giá, quần quật một mình nuôi bốn con nhỏ. Mười tuổi, Hòa đã biết theo mẹ ra đồng đắp bờ, gieo mạ, cấy lúa, gặt hái. Mười lăm tuổi, anh là lao động chính. Ngoài việc đồng áng, anh còn có biệt tài câu tôm, có thể nói là độc nhất vô nhị ở xóm Vàm Ðinh này. Chỉ cần nhìn thế dòng nước anh sẽ đoán được tôm ở đó nhiều hay ít, đêm ấy anh câu được bao nhiêu. Khi lúa vào bồ xong, anh xuống ghe hết sông này tới rạch nọ, năm bảy ngày mới về nhà một lần, mang kè kè cái gọng tôm đầy ắp, đủ cho mẹ và mấy đứa em ăn đến lần về chuyến sau. Số tiền bán tôm được, anh đều đưa hết cho mẹ, cộng với mấy mùa lúa trúng liên tục, gia đình anh khá lên trông thấy. Ba đứa em anh được ăn học đàng hoàng. Năm anh mười tám nhiều gia đình ngấp nghé muốn gả con gái cho. Nhưng anh từ chối: "Ðể lo cho mấy đứa nhỏ học hành đến nơi đến chốn!'.

    Thế rồi, Hòa bỗng nổi lên một triệu chứng lạ. Mặt anh hồng hào, bóng lưỡng khác thường, trên người mọc nhiều chấm đỏ. Bà Ngọ đưa anh đi khám, người ta bảo anh bị bệnh cùi. Anh bàng hoàng đau đớn. Còn bà Ngọ tưởng chừng như ngất đi được. Người ta bảo bà đưa con vào trị cùi Hàn Mặc Tử. Bà cự tuyệt: "Nó ra sao đi nữa vẫn là con tôi!". Có người mách mài vàng cho anh uống, nó sẽ lì lại. Bà làm theo. Anh cương quyết không uống: "Từ đây về sau con không làm gì ra tiền nữa. Má để dành số vàng ấy cho mấy đứa nhỏ ăn học và dưỡng già!". Bà khóc, bất lực. Trong những ngày tay chân chưa bị rút, Hòa vẫn đi  câu tôm. Nhưng tôm anh câu được bán chẳng ai mua, và chẳng ai còn mộng gả con gái cho anh. Người ta xa lánh anh. Ngay cả thằng Lý, con Mân cũng chẳng dám ăn tôm của anh. Chúng thấy anh ở nhà trên là rút xuống nhà dưới. Con Thà học lớp mười ở trên huyện, mỗi lần về nhà cũng khạc nhổ lung tung. Ðêm ấy đợi chúng ngủ hết, anh gọi bà Ngọ ra sân, bàn: "Má à! Thân con bệnh hoạn, để tránh lây cho má và các em, con lên Nền Ngãi cất chòi ở riêng!". Nền Ngãi nó xứng đáng với tên gọi đó. Bởi mấy mươi công đất vô chủ mọc toàn là ngãi. Có truyền thuyết kể rằng, đó là ngãi bùa của một lão người Chà trồng để dùng vào việc gọi hồn bắt vía. Ngãi ăn toàn thịt gà. Khi lão người Chà về ấn, ngãi đói đã cuốn một chú mục đồng vào ăn thịt, khi chú đứng thả diều gần đó. Chuyện là hư, nhưng việc lại thực: không ai dám tới gần Nền Ngãi. Nghe anh Hòa nói, bà Ngọ khóc ròng: "Không được Hòa ơi! Con ở trên đó một mình đêm hôm gió máy làm sao má hay, má biết. Nếu được đổi mệnh cho con má đây cũng sẵn sàng, nói chi đến chuyện sợ lây!". "Con hiểu má! Nhưng má phải thương cho ba đứa nhỏ. Nếu chúng lây bệnh tội lắm!". "Vậy má sẽ lên Nền Ngãi ở với con!". "Má còn phải lo cho ba đứa nhỏ!". Sáng lại anh Hòa lên Nền Ngãi phát bỏ một góc làm nền cất chòi. Cản không được, bà Ngọ nấu cơm đem lên và phụ anh một tay. Bà bảo ba đứa nhỏ nghỉ học ở nhà một ngày, thằng Lý ra vườn đốn cây, con Thà, con Mân đốn lá, xé lạt, chầm. Chúng mừng rơn vì từ nay không còn bị ở chung với thằng cùi, nên đứa nào cũng làm việc cật lực. Nếu là ngày trước, phát ngãi đắp nền anh chỉ làm vài tiếng đồng hồ. Bây giờ tay chân anh không con tuân theo lý trí, nên hai mẹ con làm quần quật từ sáng tới chiều mới xong. Anh Hòa về nhà chở cây lá lên dựng chòi ngay đêm ấy. Bà Ngọ bịt chỗ này, chắn chỗ kia sợ gió lọt vào làm lạnh con bà. Ðến sáng căn chòi mới hoàn thành.

    "Ra ở riêng", anh không mang theo thứ gì quý giá, chỉ lấy chiếc ghe, bộ đồ nghề câu tôm, cây len, bộ ván, cái mùng cũ và xin bà Ngọ mua cho cái võng mới. Mới đầu anh định đem xoong nồi tự nấu, nhưng bà Ngọ bảo sẽ đem cơm lên cho anh ngày hai bữa. Anh Hòa lên Nền Ngãi, bà Ngọ cảm thấy căn nhà sao trống trải lạnh lùng. Ðêm nào bà cũng khóc. Mặc dù ngày hai lượt bà đem cơm lên Nền Ngãi và cũng hai lượt đem tôm trở về. Bán chẳng ai mua, ba đứa nhỏ thì không dám ăn tôm của thằng cùi, chỉ mình bà ăn. Bệnh của Hòa ngày càng lan, tay chân rút lại, vấn thuốc một cách khó nhọc. Thấy vậy bà vấn sẵn mươi mười lăm điếu đem lên mỗi ngày. Cứ mỗi lần thè lưỡi liếm giấy quyến cuốn lại cho chặt là bà ho sặc sụa. Riết rồi cũng quen. Bà nghĩ vấn thuốc đã khó, hẳn câu tôm lại càng khó hơn. Bà bảo anh đừng đi câu tôm nữa. Bà đã ngán lắm rồi. Chiều ấy bà thấy tay anh chảy máu dường như bị vật gì đó cọ xát vào vết thương. Bà xé vạt áo băng lại cho anh và chống xuồng vào xóm mua thuốc nhức, thuốc cảm. Bà nói: "Hòa à, đêm nay má ngủ lại đây với con!". "Dạ!". Giọng anh không còn trong, mũi đã xẹp. "Má ngủ trên võng nghen!". Cái võng đêm đầu tiên dựng chòi anh giăng. Nhưng chưa bao giờ anh nằm, chỉ dành cho bà Ngọ ngả lưng, mỗi khi bà đem cơm lên. Bà nói: "Thôi, để má ngủ chung với con!". "Con không quen ngủ chung với ai má à!". Bà hiểu ý con, sợ lây bệnh cho mẹ. Bà bước đến giường, sập mùng: "Ðể má đập muỗi cho con!". "Ðừng má! Mắt má lem nhem! Không khéo cháy mùng, rồi cháy chòi con mất!". Bà không muốn làm trái ý đứa con tội nghiệp, nên xuống võng nằm. Anh hỏi: "Mấy đứa nhỏ năm nay lên lớp hết không má!". "Lên hết!" Con Thà sắp thi hết cấp ba rồi. Nó học giỏi lắm. Năm nào cũng được khen. Hai đứa kia cũng vậy!". Anh hỏi thăm bà con ở trong xóm và nhắc mẹ mùng 9 tới đám giỗ ba. Ðược một lúc anh thiếp đi, vì trong thuốc cảm có kèm thuốc ngủ. Bà rón rén bước tới, giở mùng, chun vào ngồi bó gối nhìn thân hình tàn phế của con qua những giọt nước mắt lăn dài, bất lực. Và bà thầm trách những đứa con khỏe mạnh, chúng là một lũ vô ân bạc nghĩa, ăn ở không nghĩa không tình. Từ ngày anh hai nó lên Nền Ngãi ở đến giờ chẳng đứa nào vác mặt lên thăm, thậm chí chẳng hỏi bây giờ bệnh tình anh nó ra sao? Còn gì là đạo lý, hả trời! Chúng đang ăn học là tiền của ai? Của anh chúng khi còn khỏe mạnh làm ra cả thôi! Phải chi anh Hòa không bệnh, hẳn bây giờ bà đã có một hai đứa cháu nội ẵm bồng. Người ta thường nói, ở hiền gặp lành. Không! Bà không tin! Con bà đó, ở hiền hiếu thảo, sao chẳng gặp lành? Và bà ngồi như vậy cho đến khi trời sáng.

    Sáng hôm mùng chín, con Thà vừa mở cửa đã thấy một giỏ tôm đầy ắp để trước hàng ba. Nhìn giỏ tôm bà Ngọ khóc: "Anh hai mầy đem về cúng ba mầy đó!". Chúng nó đứa thè lưỡi, đứa so vai. Chẳng đứa nào dám đụng vào giỏ tôm. Bà Ngọ tự làm lấy đem lên bàn thờ cúng ông Ngọ: "Ông ơi! Ông có linh thiêng hãy về đây chứng giám cho lòng thành của đứa con tàn tật và phù hộ độ trì cho nó!".

    Mùa hè đến, cả ba đứa con Thà, thằng Lý, con Mân đều ở nhà. Ðêm qua bà Ngọ bị sốt, sáng dậy không nổi, bà bảo chúng đứa đi chợ, đứa nấu cơm, đứa đem lên Nền Ngãi cho anh hai. Ðứa nào cũng dành đi chợ hoặc nấu cơm và từ chối việc đem lên Nền Ngãi. Bà quát: "Lũ súc vật! Chúng bây không có tình người! Còn ở đó cãi nữa tao giết không còn một đứa!". Song bà chỉ định, con Thà đi chợ, con Mân nấu cơm, thằng Lý đem lên Nền Ngãi. Thằng Lý quạo quọ, mặt  chừ bự như cái mâm: "Ðem thì đem!". Còn mấy trăm thước nữa mới tới Nền Ngãi, nó đặt xoong cơm, đĩa cá kho và tô canh bí lên bờ mẫu, gọi to lên: "Anh hai ơi! Ra lấy cơm!". Nghe gọi, anh biết ngay thằng Lý, từ lúc lên đây tới giờ anh chưa gặp nó. Anh nhớ nó cồn cào. Nhiều lần anh định nói với mẹ kêu mấy đứa nhỏ lên cho anh thăm, nhưng lại thôi. Sợ em thấy mình tàn phế nó buồn. Anh cố sức chạy ra khỏi chòi và gắng giọng hét lên: "Anh hai nghe rồi Lý ơi!". Nhưng khi anh ra được tới chỗ để cơm thì thằng Lý đã quay mũi xuồng vào xóm chống đi như ma đuổi. "Lý! Lý ơi!". Anh chạy theo, lại té lăn cù xuống ruộng. Anh gượng đứng lên: "Lý ơi! Dừng lại anh hai nói cái này!".

     Nó vẫn chống sào xé nước. "Má đâu?". Vẫn không quay đầu lại, nó đáp: "Má bệnh!". Anh đứng lặng lẽ nhìn theo đến khi chiếc xuồng khuất trong bờ lá. Anh chậm chạp, nặng nề quay lại bưng xoong cơm về chòi. Không ăn! "Không biết má bệnh gì? Có nặng lắm không? Má uống thuốc gì chưa? Mấy đứa nhỏ chăm sóc má có chu đáo không? Má ăn cơm hay ăn cháo? Mình phải về nhà thăm má ngay. Nhưng không được! Người mình lở lói như vầy. Tối mình sẽ về... sẽ về!". Anh ngồi bên cửa chòi trông mặt trời nhích dần... nhích dần tưởng như từng ly một. Từ khi sinh ra, lớn lên cho tới bây giờ anh mới thấy một ngày dài. Mặt trời ơi! Hãy quay nhanh thêm chút nữa! Nếu như có Ðấng Tối Cao, người bảo rằng: "Hỡi tên cùi khốn khổ kia! Ta sẽ cho người toại nguyện một trong hai điều: Hoặc là ngươi lành bệnh, hoặc là mặt trời lặn ngay!". Anh sẽ bảo: "Xin thưa! Con chọn mặt trời lặn ngay!". Rồi chiều cũng dần buông theo quy luật tự nhiên. Mọi khi nghe tiếng cúm núm kêu chiều  anh buồn não ruột, giờ lại thấy vui. Vừa chạng vạng tối, anh ép cây sào giữa hai bàn tay còi cọc, khó nhọc chống chiếc ghe đi. Anh neo ghe lại một khúc vắng cách nhà hơn ba trăm thước rồi lên bờ lê bước về nhà. Kia rồi! Căn nhà anh đã sống gần hai mươi năm, ẩn mình dưới một tán còng rộng lớn. Cây còng anh đã bứng từ sau hè đình đem về trồng từ mười năm trước. Tim anh như muốn vỡ. Căn nhà - Nền Ngãi cách nhau không đầy ba cây số, vậy mà suốt ba năm ròng rã anh mới được về thăm. Giá mà bây giờ là ban ngày để anh nhìn rõ từng viên gạch lót nền, nẹp tre, tàu lá. Bỗng có ánh lửa phát ra từ con cúi, cầm con cúi là một người đàn bà, đứng bên cạnh người đàn bà là con Thà: "Chà, con Thà mau lớn quá, cao bằng má rồi còn gì!". Anh muốn chạy đến với nó. Không thể! Nó nói: "Cảm ơn bác hai tới thăm má con!". "Bây sao màu mè quá! Chỗ xóm giềng với nhau! Khi má mày khi tao! Nè, dạo này tao thấy má mày có cái gì hơi khác khác. Coi chừng bả lên Nền Ngãi hoài lây thằng Hòa đó! Thôi, bác hai về!". "Dạ!". Anh nhận ra tiếng bà hai Hội. Ðường về nhà bà phải đi ngang qua chỗ anh đứng. Anh vội nhảy xuống bờ lá, thu mình co ro giữa mấy buội bập bè, muỗi bị động ổ vây lấy anh như hốt trấu vãi lên người. Bà hai Hội bỗng đứng lại nói với con Thà còn ở giữa sân: "Tao thấy có cục gì đen đen mới lăn xuống đám lá!". "Có gì đâu, bác hai!". "Thiệt mà!". "Bác nói thấy ghê!". "Chắc là ma!". "Không đâu bác ơi! Chắc tại bác quơ con cúi, bóng mấy tàu lá dừa dọi xuống!". Bà hai Hội bước  gấp đi. Anh tự hỏi: "Mình là ma sao?". Câu nói của bà cứ văng vẳng bên tai anh"... coi chừng bả lên Nền Ngãi hoài, lây thằng Hòa đó!. Trời ơi! Lẽ nào tôi đã gieo rắc căn bệnh quái ác này cho má tôi? Má ơi! Hãy tha lỗi cho con! con sẽ không làm khổ má nữa đâu! Hòa bước lên bờ, quay trở lại ghe được một đoạn. Không, mình phải gặp má, phải thăm má. Cả ngày nay mình trông đợi trời tối. Mình phải biết  bệnh tình của má ra sao? Anh quay trở lại và nép mình bên gốc cây còng. Nhà đã đóng cửa, không thấy gì được bên trong, anh cố lắng tai nghe xem có tiếng mẹ. Hình như mẹ đã ngủ, chỉ mấy đứa em còn thức. Con Thà: "Hồi sáng mầy có gặp anh hai không?. Thằng Lý: "Em đâu dám nhìn! Em để cơm lên bờ mẫu rồi chống xuồng về!. Con Mân: "Không biết ngày mai má phân công ai đem cơm lên cho ảnh?". Con Thà: "Mầy là cái chắc!". Con Mân: "Eo ơi! Tởm quá! Vái trời cho má phân công chị!". Ðừng trù xui!". "Nhỏ nhỏ, má nghe được, bả chửi bây giờ!". "Phải rồi! Hồi chiều thằng Lý không lên trên lấy xoong về, sáng mai lấy gì dỡ cơm đem lên!. "Lấy cái khác!". "Ðặng bỏ thêm cái nữa hả?". "Tại chị kỹ chứ mấy lần anh hai ăn cơm không hết, má đem về hấp lại bả ăn, có sao đâu!". "Mầy nói tao mới nhớ, hồi nãy bác hai nói coi chừng má lây anh hai đó!". "Má lây anh hai thì chỉ có nước em bỏ nhà đi thôi!". "Tao cũng vậy!". "Tao cũng vậy luôn!". Hòa nghĩ, vì mình mà cả gia đình phải khổ sở như vậy. Không nghe tiếng đứa nào nữa, anh đoán chúng nó đã ngủ. "Chắc không đứa nào dám ngủ với má. Vì sợ mình lây bệnh cho má, má lây qua tụi nó. Có lẽ chúng đang lo sợ không biết mai má phân công ai đem cơm lên Nền Ngãi cho anh hai. Các em ơi! Anh hai sẽ không làm phiền các em nữa đâu!" Anh núp bên gốc cây còng, mặc cho sương rơi ướt người, anh muốn uống lấy tất cả  những kỷ niệm để rồi mãi mãi anh sẽ đi xa.

   Hơn nửa đêm, chờ cho các em ngủ say anh mới dò dẫm bước vào hàng ba đưa tay cào vách, sát bộ ngựa gỗ mà mẹ đã ngủ từ thủa mới gặp ba. Cào đến lần thứ hai thì anh nghe tiếng mẹ trở mình. Anh gọi khẽ: "Má, Má ơi!". Bà Ngọ ngồi bật dậy, quát hỏi: "Ðứa nào? Ðứa nào vừa kêu má?". Ba đứa nhỏ thức giấc, bước tới giường bà: "Má chiêm bao thấy gì mà mớ lớn dữ vậy?". "Má vừa nghe có đứa nào kêu "má ơi". "Má nằm mơ đó, có ai kêu má đâu!". "Thôi, má ngủ đi!. Bà Ngọ nằm xuống, tụi nó cũng đi lên giường ngủ. Bà không sao chợp mắt được, linh tính của người mẹ báo cho bà biết tiếng kêu má bà vừa nghe không phải là trong mơ. Ðến gà gáy canh ba thì bà lại nghe: "Má! Má ơi". Bà phóng xuống giường: "Mấy đứa ơi! Anh hai mày về!". Ðứa lớ ngớ, đứa đốt thêm đèn. Lo các em sợ hãi khi thấy mình, anh liền vòng ra phía sau nhà, chạy tuốt ra bờ kênh. Bà Ngọ lúi húi mở chốt cửa dưới và quát: "Mở chốt trên dùm tao!. Mấy đứa nhỏ bước tới  hàng ba chụm lại, mắt đảo láo liên đề phòng anh hai. Bà Ngọ xách đèn cốc bước ra sân gọi: "Hòa ơi! Con ở đâu? Sao không ra gặp má? Má biết là con về! Má có lỗi với con, vì mấy hôm nay má bỏ con một mình! Con ơi! Hãy hiểu cho má. Vì mấy đứa em con còn nhỏ. Bây giờ chúng đã lớn hết rồi! Ngày mai má sẽ lên Nền Ngãi ở với con. Má sẽ chăm sóc con, Hòa ơi! Ra đây với má đi con! Má thương con mà Hòa! Hòa ơi! Ra đây đi con! Con không thương má thì con về đây làm chi hả Hòa?". Im lặng. Bà Ngọ ngồi xuống quờ tay lên đầu tóc mượn, lấy cây móc tai xỉa tiêm đèn lên cao, rồi lội xuống đám lá tìm Hòa. Cây đèn bị gió thổi tắt. Con Thà nắm tay bà dắt lên. "Má ơi! Má nghe ai kêu ai ở đây há, rồi má tưởng anh hai!". Bà quát: "Câm mồm! Tao đẻ nó ra, làm sao tao không nhận ra tiếng của nó chứ?".

   Một lúc lâu sau bà Ngọ mới chịu lên nhà. Nhưng bà không ngủ, lúi húi thu xếp đồ đạc quần áo, xoong nồi, chén dĩa, củi đuốc để sáng mai lên Nền Ngãi ở với anh Hòa. Mấy đứa nhỏ chẳng đứa nào dám cản bà. Không biết chúng sợ bà chửi hay sợ bà đã lây bệnh của anh. Bà chồng chất lủ khủ một đống trước hàng ba. Vừa tờ mờ sáng trời đã đổ mưa. Mưa mỗi lúc lại nặng hạt. Gió giật từng cơn làm bà không sao đi được. Mãi đến hơn chín giờ mưa mới tạnh. Bà dọn đồ xuống xuồng. Bà bước đi một cách khó nhọc trên nền đất bùn nhão nhẹt ngoài sân. Cuối cùng thì bà cũng đem được những thứ đã chuẩn bị xuống xuồng. Chống đi! Xuồng cập bến Nền Ngãi bà không dám gọi con như mọi khi, bà nghĩ, trời mưa lạnh chắc nó đang ngủ. Nách bà cặp bó củi, hai tay bà xách xoong chảo bước lên chòi. Cái mùng đã vắt lên rồi mà con bà đâu không thấy. Lạ chửa! Bà gọi: "Hòa ơi!". Cũng không nghe anh trả lời. Cái ghe đậu dưới bên kia. Nó đi đâu? Bà gọi thêm một lúc nữa không nghe con trả lời. Bà đâm hoảng! Bà càn vào những bụi ngãi cao ngang đầu người. Vừa càn bà vừa la làng: "Bớ làng xóm ơi! Con tôi mất tiêu rồi!". Tiếng la vọng vào xóm kinh Ông Hào. Lũ trẻ ở kinh Ông Hào chạy qua xóm Vàm Ðinh kêu con Thà, thằng Lý, con Mân. Chúng nó và vài người đàn ông trong xóm chạy lên: "Chuyện gì vậy bà Ngọ?". "Thằng Hòa mất tiêu rồi!". Và gào thét. Thấy tội, người ta vạch ngãi tìm với bà. Ðược một lúc bà bỗng thét lên: "Trời ơi! Con tôi!". Người ta chạy đến thì bà đã nhảy xuống một cái huyệt được đào sẵn tự bao giờ, trên thềm huyệt còn vứt lại cây len. Anh Hòa nằm quay đầu về phía tây, mặt ngửa lên. Tất cả kêu rú lên kinh hãi rồi lùi ra xa. Bà Ngọ xốc anh Hòa lên tay, người anh còn mềm nhũn, oằn oại. Bà đặt anh lên thềm huyệt trước rồi leo lên sau. Bà lại bồng anh lên, chạy vào chòi. Người ta không hiểu bà Ngọ ốm yếu nhỏ thó như vậy, tại sao lại thực hiện những động tác ấy một cách nhanh nhẹn, gọn gàng. Bà đặt anh lên giường cởi quần áo, lau chùi, thoa dầu đánh gió, giật tóc mai. Mọi việc ấy chỉ mình bà làm. Người ta túm tụm lại ở ngoài sân chòi. "Hòa ơi! Tỉnh lại đi con! Má lên đây ở với con nè! Con chết rồi má ở với ai? Sao con im lặng, không nói chuyện với má hả Hòa? Con còn giận má hả, con ơi!". Một người đàn ông lên tiếng: "Sao tụi bây không vô trỏng kéo chị Ngọ ra? Thằng Hòa chết lâu rồi!". Cả ba đứa chạy vào chòi, lôi bà ra sân, Ðứa nào cũng nôn thốc, nôn tháo. Bà hét: "Buông tao ra! Tao lên đây ở với thằng Hòa!". Bà cào cấu, cắn xé ba đứa nhỏ rồi ngất lịm đi! Người hàng xóm phân công: "Con Thà, con Mân đưa bà Ngọ về nhà chăm sóc, đừng cho bả chạy lên trên này, thằng Lý theo tao về nhà lấy ghe ra chợ nhắc hòm!". "Má con cất tiền không biết chỗ nào!". "Nhắc chịu, mai mối tính!".

   Cái tin "Cùi Hòa" chết chẳng mấy chốc lan truyền khắp cả xóm. Khi biết để anh trên Nền Ngãi người ta mới dám đến nhà bà Ngọ chia buồn. Không biết ngày ấy bà tỉnh rồi ngất, ngất rồi tỉnh bao nhiêu lần. Khi tỉnh bà bảo phải đem anh Hòa về nhà khâm liệm. Người ta khuyên bà nên giữ vệ sinh chung. Một vài người đàn ông mặc áo cao su, mang găng tay, bịt mồm bịt mũi bằng đủ thứ loại khăn, trây trét dầu cù là khắp người, rồi đưa hòm lên Nền Ngãi tấn liệm anh Hòa. Khi những người đàn ông đã đắp xong mộ trở về thì những người đàn bà mới buông bà ra. Bà chạy bộ lên Nền Ngãi, băng qua con kênh, lăn đùng ra mô đất mới cào bới, rồi ngất lịm đi.

   Người ta đốt bỏ cái chòi hôi hám, bệnh hoạn.

   Một tháng sau ngày anh Hòa chết bà Ngọ mới lê bước xuống giường. Và hai tháng sau nữa bà mới cầm chiếc lược gỡ mái tóc rối tung, bùi nhùi như ổ rơm.

   Năm nay bà Ngọ đã bảy mươi. Các con bà ai cũng có địa vị, nhà cao cửa rộng trên tỉnh, trên huyện. Mỗi lần họ về đều bàn việc đưa bà lên tỉnh, lên huyện ở, nhưng bà từ chối: "Tụi bây đủ lông đủ cánh hết rồi, ăn đâu ở đâu thì mặc. Còn tao ở đây hương khói cúng kiếng cho ổng với thằng Hòa!". Các con bà biết ép cũng không được. Chị Thà cho đứa con gái mười sáu tuổi xuống cơm nước cho ngoại. Thanh minh năm nay chị Thà, anh Lý, chị Mân về đầy đủ. Bà nói: "Mai là ngày tốt, tụi bây lên Nền Ngãi lấy cốt anh hai bây về cho nó nằm gần ổng, sau vườn". Các anh chị nhìn nhau im lặng, ai cũng sợ khơi lên cái ổ vi trùng làm ảnh hưởng môi trường. Cuối cùng chị Thà nói: "Anh hai nằm ở đó đã hai chục năm rồi! Dời tới dời lui chi cho động mồ mả!". Anh Lý phụ họa: "Anh chết như vậy chính quyền người ta không cho đào bới lên đâu!". Chị Mân thêm vào: "Chị Thà, anh Lý nói phải đó má! hay để tụi con hùn tiền xây cái mả đá!". Bà Ngọ quát: "Thôi thôi, không làm phiền mấy người! Mấy người không làm thì để tôi tự làm!". Biết tính bà Ngọ nói thì làm. Trời chưa sáng rõ các anh chị cáo từ lên tỉnh lên huyện với nhiều lý do khác nhau. Họ không muốn ở lại để nghe người đời nguyền rủa, để cho bà già đi bốc mộ một mình. Chị Thà không quên nói với bà Ngọ cho con gái chị về tỉnh trông em vài ngày để chị đi công tác ở Vũng Tàu. Bà cũng chẳng cần giữ lại làm gì.

   Bà mướn mấy tay thanh niên ở xóm lên Nền Ngãi bốc mộ anh Hòa, đào cái huyệt bên cạnh mộ ông Ngọ và đóng cái quách đựng hài cốt. Hai việc sau thì họ nhận làm dùm, còn việc trước thì họ từ chối cho dù bà có ra giá bằng một tháng tiền công. Không làm thì thôi, để tự bà. Cái quách đóng một chút đã xong, bà đem bỏ xuống xuồng và mang theo bánh mứt, nhang đèn, len cuốc, xô chậu... bơi lên Nền Ngãi. Ðến mộ anh Hòa, bà bày bánh mứt đốt nhang khấn vái: "Hòa ơi! Bữa nay má đem con về nhà. Nếu có linh thiêng phù hộ cho má khỏe mạnh, đào mau thấy con!". Bà bắt đầu cuốc. Từng nhát cuốc giơ lên bổ xuống rất khó nhọc, nhưng bà lại không thấy mệt mỏi chút nào. Bà cuốc và cuốc mãi... cuốc mãi! Lúc mặt trời ngã bóng thì ló ra một mảnh ván. Bà khóc. Bà nghỉ tay, uống nước rồi lại cuốc. Ðến khi con nhắc nhen kêu thì bà đã cạy lên được từng mảnh ván cụn của nắp hòm mục ruỗng. Bà lại khóc. Nước mắt và máu từ đôi tay bà rơi vào một dòng nước trong xanh thấy rõ từng đốt xương người. Kia là mảnh xương sọ, kia là những chiếc xương sườn. Kia là đôi xương ống chân... Bà bước vào dòng nước ấy nhặt nhạnh từng đốt xương, lau chùi sạch sẽ chất vào xô. Bà làm xong việc thì hoàng hôn đã bao chùm lên vạn vật. Bà lọ mọ xách cái xô chứa hài cốt anh Hòa xuống xuồng chất vào cái quách đã lót sẵn cao su. Xong bà đóng nắp quách lại. Bơi xuồng về nhà.

   Ðêm!

   Dưới lòng đất tiếng côn trùng nỉ non ai oán, xa xa tiếng vạc ăn đêm kêu sương buồn tẻ, trời âm u vần vũ, lác đác một vài vì tinh tú nhạt nhòa cô độc, thỉnh thoảng một ngôi sao băng xẹt qua rồi mất hút giữa màn đêm băng giá, leo lét mấy ngọn đèn cầy mở ảo cắm trên chiếc quách soi đường cho bà Ngọ đặt dầm đạp nước đưa con về nhà. Bà ỳ ạch, khó nhọc đẩy cái quách lên bờ, ra sau vườn nơi có cái huyệt mấy tay thanh niên đào sẵn. Bà gắng sức đặt được cái quách xuống đáy huyệt. Xong bà lấp đất. Lấp mãi! Mưa lắc rắc! Mưa nặng hạt! Nước mưa tan trong những giọt nước mắt của bà. Bà lấp mãi cho đến nửa đêm thì đầy huyệt. Bà lấp mãi cho đến gà gáy sáng đã thành một mô đất nhô cao.

   Bà áp mặt lên ngôi mộ mới thầm thì: "Hòa ơi! Giá mà thuở ấy có thuốc như bây giờ!".

Sóc Trăng, 12-1996.

Cùng tác giả: NƯỚC TRONG NGUỒN - Truyện ngắn Trần Hồng Long

Bài liên quan
  • BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhiên cất tiếng hát "Ơi chàng ơi chim có bạn có bầy, thuyền có bến có sông sao lại để em năm canh gối chiếc chăn đơn đợi chàng... "
  • HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Hai người bạn là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, in trong tập truyện ngắn Hạnh, Đời nay xuất bản năm 1940.
  • CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Vũ Bằng hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực báo chí từ những năm 1930-1940 khi tuổi đời còn rất trẻ. Ông là chủ bút tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy, thư ký tòa soạn tờ Trung Bắc Chủ Nhật khi mới hơn hai mươi tuổi. Khi Nhật-Pháp so kè với nhau chiếm nước ta, dưới áp lực kinh người của những kẻ xâm lược, Vũ Bằng vẫn giữ tư thế của tờ Trung Bắc Chủ Nhật là phục vụ người Việt, vì quốc gia dân tộc, khiến cả chính quyền Pháp và Nhật đều phải kiêng nể.  Trước 1945, Vũ Bằng nổi tiếng trong việc giúp đỡ các nhà văn khác cả tiền bạc lẫn kinh nghiệm viết lách. Rất nhiều nhà văn nhận những lời khuyên của Vũ Bằng sau này đều trở thành những nhà văn lớn của Việt Nam. Thế nhưng, một thời gian dài kể từ khi Vũ Bằng di cư vào Nam năm 1954, các tác phẩm của ông biến mất không còn dấu vết, không được nhắc tới trong nhà trường, bị đưa vào danh mục cấm do cái tiếng "dinh tê, về thành", nhà văn "quay lưng lại với Kháng chiến"... gây ra. Ông lâm trọng bệnh và mất ở TP. Hồ Chí Minh năm 1984 trong cảnh vô cùng túng thiếu. Mãi sau này, ông mới được minh oan rằng không phải ông quay lưng với kháng chiến mà là ông đã nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật trong giới trí thức nội thành từ năm 1952 và vào Nam năm 1954 theo lệnh của tổ chức. Tháng 3 năm 2000, Cục Chính trị thuộc Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có văn bản xác nhận nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo.
  • ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ hàng đầu của Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX, sức ảnh hưởng của Xuân Quỳnh lớn tới nỗi Google từng vinh danh bà trên trang chủ của họ vào năm 2019. Là nhà thơ nên tất nhiên bà nổi tiếng về thơ và hầu như khó tìm được ai không biết bài Thuyền và Biển của bà. Nhưng Xuân  Quỳnh cũng viết văn và viết rất nhiều truyện cho thiếu nhi, truyện Ông nội và ông ngoại dưới đây là một trong số đó.
  • LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Lời Nguyền là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, viết về quãng thời gian ông bị thực dân Pháp bắt tại Hà Nội (1941) và đưa lên giam giữ tại trại giam Vụ Bản, Châu Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình. Truyện được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc cuối cùng của nhà văn Khái Hưng. 
  • CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mưỡu Cuối được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1946, đặt làm Phần cuối và đem đi xuất bản ở Quốc Văn với tên Chùa Đàn. Với Tâm sự của nước độc, Nguyễn Tuân băng băng trèo lên đỉnh đèo văn, còn với Chùa Đàn, ông bồng bềnh trôi, chưa mỏi gối nhưng đã không còn đỉnh đèo nào để leo nữa.
  • CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần II của Chùa Đàn, được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1945 có tên Tâm sự của nước độc. Truyện có phần đề từ lấy trong Chữ Nhàn, một bài hát nói của Nguyễn Công Trứ; “Ai hay hát mà ai hay nghe hát”. Trong Chùa Đàn, truyện được sắp xếp thành phần II. Nhà văn Khái Hưng và một số nhà văn khác cho rằng, (việc) Nguyễn Tuân viết thêm Dựng và Mưỡu Cuối, đã làm hỏng mất sự toàn bích một tác phẩm tuyệt mỹ.
  • CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chùa Đàn được xem là tác phẩm hội tụ những gì tinh hoa nhất của nhà văn Nguyễn Tuân do Quốc Văn xuất bản năm 1946 tại Hà Nội. Chùa Đàn bắt đầu từ truyện ngắn Tâm sự của nước độc trong loạt truyện kinh dị Yêu Ngôn ông đăng trên các báo thời bấy giờ. Đến năm 1946, để phù hợp với diễn biến thời cuộc, ông viết thêm hai phần bổ sung, đặt làm phần Một và Ba, Tâm sự của nước độc trở thành phần Hai của tác phẩm.
    Dù là tác phẩm hay nhất của Nguyễn Tuân, nhưng Chùa Đàn đã bị đánh giá thấp do các yếu tốc ma quái kì dị đầy màu sắc tâm linh của nó. Kể từ lần in năm 1946 và sau đó được Tân Việt tái bản ở Sài Gòn* năm 1947, đến tận năm 1981, Chùa Đàn vẫn không được nhà xuất bản đưa vào tuyển tập của ông. Điều này đã khiến Nguyễn Tuân buồn bã đến nỗi; "Tôi tiếc cái Chùa Đàn quá. Họ cắt cái Chùa Đàn khỏi tuyển tập này, cũng giống như cắt cái gan ra khỏi bụng tôi".
    Đến năm 1999, Chùa Đàn mới được in trở lại trong tập Yêu Ngôn do nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh thực hiện. Ngày nay Chùa Đàn không những đã được xuất bản, mà còn được chuyển thể sang nhiều loại hình nghệ thuật khác như kịch nói, cải lương, phim điện ảnh. Ở mảng điện ảnh, Chùa Đàn được dựng thành bộ phim khá nổi tiếng Mê Thảo – thời vang bóng do đạo diễn Việt Linh thực hiện.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần cuối của Ngõ lỗ thủng, tác phẩm dựa trên những ký ức, sự kiện và nhân vật có thật của nhà văn Trung Trung Đỉnh, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ngõ lỗ thủng của Trung Trung Đỉnh dựa trên ký ức của những sự kiện, nhân vật có thật của chính nhà văn, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.