chan_dung-ke_si

LÀN GIÓ CHẢY QUA – Truyện ngắn Lê Minh Khuê

20-09-2024

Lượt xem 1345

Đánh giá 1 lượt đánh giá

Chia sẻ

  Lê Minh Khuê

LÀN GIÓ CHẢY QUA – Truyện ngắn Lê Minh Khuê

Chân Dung Kẻ Sĩ: Làn gió chảy qua là truyện ngắn trong tập truyện cùng tên được trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2016.

Vào một lúc bất chợt Tú gọi điện: "Trang à, đi với Tú. Đi xa một chút có việc!".

Trang biết Tú sắp đi sang Nam Mỹ nơi cha mẹ là nhân viên trong một tổ chức hòa bình. Mất vài năm. Tú phải theo học bên ấy. Đi cho biết đất lạ. Nhưng trước khi lên đường Tú muốn đến nơi này. "Đi nhé!". "Okê. Trang đang rỗi. Đang chờ việc!".

*

Lần ấy, trong đám thanh niên về ăn cưới ở nhà ông chú, chỉ có một chàng là đáng để mắt tới. Không những để mắt, Trang còn nhích lại gần. Chàng trai quay lại nhận ra bạn thuở nhỏ ở cùng cầu thang nhà tập thể lắp ghép ngã tư. Thời đó Tú còn chơi bi, Trang đã lớn đi học về hay vắt vẻo cái đuôi tóc không thèm chấp bọn nhóc con chắn lối đi cầu thang. Những lần bọn nhóc lần khân đứng chắn, Tú gầm gừ như gấu, xua bọn nhóc rồi bảo chị đi lối này em chắn cho...

Tú dang tay đẩy bọn bạn cho Trang - cô bé gầy ngẳng xinh xắn kiêu kỳ - đi qua. Trang đi. Không thèm cám ơn.

Khi đó Tú 9 tuổi, Trang 12.

Khi đó cha mẹ chia tay. Trang bỏ căn hộ nhà tập thể theo mẹ về tỉnh lỵ bên kia sông. Cả thời trung học, cả thời sinh viên không gặp ai. Vậy mà Tú nhận ra Trang. Nhận ra vì cái sẹo rất mờ đuôi lông mày bên phải. Sao không xoá sẹo đi? Không. Để mà nhớ cho vui. Hồi nhỏ chơi trốn tìm ở cầu thang, Tú lao vào Trang lúc ấy đang dắt xe đạp vào. Máu ra cả chậu. Cả khu tập thể như ong. Hai nhà ầm ầm chuyện trẻ con thành chuyện người lớn. Ở bệnh viện về, Trang xì xào gọi Tú. Chị không nhớ gì đâu, không để bụng đâu. Mặc kệ các ông bô bà bô. Chị em mình xí xóa. Tú sờ tay lên vết sẹo băng trắng thắc mắc sao vết thương nhỏ thế mà nhiều máu nhỉ? Trang cầm tay thằng bé để lên trán: "Đây là vùng nhạy cảm máu tập trung nhiều ngốc ạ!".

- Vì thế mà chị không xoá sẹo à?

- Có lẽ thế. Chẳng phải để nhớ cậu đâu. Quên lâu rồi. Nhưng là để nhớ một thời.

Tú cười toác cái miệng có hàm răng thật trắng thật đều. Trang mủm mỉm từ vẻ đàn bà chuyển thành thiếu nữ lúc nào không hay. Trang mặc váy đen áo sơ mi trắng vẻ công chức văn phòng cao cấp công ty lớn nhưng thực ra Trang chỉ là nhân viên nhà nước, làm việc trong công sở nhà nước, cứ ba năm thêm được vài đồng lương. Ngày nhỏ gầy thế, giờ chân rõ dài thẳng tắp như kẻ, lưng cũng thẳng tóc búi cao hai bàn tay mảnh mai xanh xanh những đường gân.

- Chị có chồng rồi...

Trang nói. Nhìn ra xa. Tú chờ đôi mắt nheo hóm hỉnh. Rồi bảo:

- Em chờ chị nói nhưng đây!

Không có nhưng. Không trục trặc gì. Chán phèo thì có. Tú lại cười bảo thì nhưng ở đó chứ đâu nữa! Tú cao lớn, tóc để kiểu minh tinh Hàn Quốc. Chắc các "giai đẹp" thế nào mình cũng thế vì mình cũng được xếp vào hàng "giai xịn". Hàng "đẹp choai". Áo sơ mi ca rô nâu, quần cũng nâu nâu, trông độc đáo. Trang ngắm những chiếc lông màu hung trên cánh tay sơ mi xắn cao đột nhiên xao xuyến. Ông chồng đẹp mã nhưng cánh tay cẳng chân nhẵn nhụi. Cô bạn gái xem tướng bảo sống với ông chồng mày chỉ suốt ngày cẩn thận lau chùi, mày để vương hạt bụi ra bàn là to chuyện. Cô bạn gái không chờ Trang gật đã tự Oke! Trúng phóc.

Trang ngán ngẩm thừa nhận. Lại còn cái tật đi đâu về khoanh chân ngồi trong ghế xem ti vi. Không bao giờ ngó sang số má cái đứa sống bên cạnh. Chả hiểu sao lúc gật làm vợ lại không để ý đến những chiếc lông cứng cáp trên cánh tay. Anh ta nhẵn nhụi. Như làm bằng nhựa. Những chiếc lông ấy, nó là dấu hiệu của tính cách. Dấu hiệu của sự rộng lượng. Của bao dung. Nghĩ vậy về chồng, rồi nhìn tới Tú. Trang cực kỳ ngạc nhiên khi nghe những gì đang diễn ra ở cái đầu đẹp đẽ kia.

- Em đang học cao học. Sau đó sẽ đi thật xa. Không phải vùng sâu vùng xa. Thật xa. Hẻo lánh. Để xem sức con người chịu đựng đến đâu. Em học một môn chính trị. Em thừa sức học ngân hàng, tài chính, chứng khoán, xây dựng, thậm chí cả điện hạt nhân. Học sinh giỏi toán cấp quốc gia mà. Nhưng em thử sức ở chỗ này xem sao.

Trang kinh ngạc:

- Điên thế à?

Trời đất ơi! Trang kêu to nắm cánh tay chàng trai. Sức trẻ của da thịt, của hơi thở, của mùi thanh tân thoáng chút qua không gian truyền qua Trang. Trang thảng thốt, nói vậy thôi chứ mình không đủ sức, không đủ tâm căn làm những việc đó. Đừng đi đâu cả, chỗ nào hẻo lánh quá đừng đến. Vì cô đơn lắm Tú ơi...

Cô đơn thì Tú có biết một chuyện. Do bố kể lại…

Trang thở hắt ra. Cả hai người trẻ như có cùng một tâm trạng. Có trong đời cái sự cô đơn sự bất hạnh dành cho những trí tuệ đặc biệt. Những người vĩ đại là những người cô đơn nhất..

Vào một lúc nào đấy, bất chợt Trang bảo: "Chồng chị đi rồi! Dọa là đi hẳn nhưng nửa đêm quay về ôm chị bảo thôi thì chịu nhau vậy. Chị không chịu. Làm sao sống hết cuộc đời đây? Sáng hôm sau chị dậy thấy cái va ly chuẩn bị mấy hôm trước đã biến theo người. Anh ta về với mẹ. Luôn luôn có một phòng có một mẹ hầu như còn bón cơm cho ăn. Nhà ấy giàu có, trọng tiền, có hai cô em gái lúc nào cũng hỏi chị: Chị phẫu thuật thẩm mỹ lúc nào thế, sao mũi thẳng thế sao môi hình trái tim được? Chị nói không làm gì cả, họ không tin. Ngày càng sắt lại vì ganh ghét".

Tú đứng sát bên người bạn gái, quàng cánh tay có những sợi lông màu nâu, cứng cáp vào cổ Trang, từ lúc đó bầu trời trên đầu Trang như có phép lạ, rộng thêm, xanh thêm. Người đàn bà thoắt trở thành thiếu nữ. Trang không xưng là chị. Tú không xưng là em nữa...

*

Đi với Tú nhé. Sắp đi xa lắc xa lơ, phải làm việc này...

Mỗi người một túi du lịch có tay kéo. Lên tàu hoả vào miền Trung. Cái cách không nói mục đích đi là rất riêng của Tú, Trang không hỏi, không tò mò. Chuyến tàu chạy thâu đêm vào miền Trung. Trang ngả đầu ngủ say trên vai thằng bạn. Như một cặp tình nhân vì vẻ say đắm của giấc ngủ. Lại cũng như một cặp vợ chồng vì cái vẻ thoải mái trễ nải không giữ gìn. Nhưng trên hết là thấy họ thật yên ổn.

Xuống ga. Thuê một cái xe trông đã như hết hạn sử dụng nhiều năm, cả hai đi về phía miền Tây. Nơi trong chiến tranh người ta giành nhau từng nắm đất. Những xác xe tăng vùi trong đất, một vài khẩu pháo đã hoen rỉ, những lô cốt... Chiến tranh đã từng dữ dằn ở đây. Đất ở đây thật nhiều máu... Sau một quả đồi thấp, một cái làng. Có vẻ cái làng vừa phục hồi sau mấy năm chiến cuộc đã xóa nó khỏi mặt đất. Cây chưa cao. Nhà còn mới. Đi vào con đường đất cũng có vẻ mới, có một cây đa rất to là cây sống sót. Một cái nhà cổ cũng sống sót, chỉ còn lại bậc thềm đá, bể nước mưa. Người ta giữ lại những cái này bên cạnh một nhà hai tầng. Tú bảo: "Đây là chỗ vua Hàm Nghi từng ngủ qua đêm khi chạy khỏi kinh thành. Có lẽ vì thế mà bom Mỹ cũng không phá được. Vết tích còn lại rất quý đấy...".

Một người đàn ông chưa già lắm, khoảng trên bảy mươi reo to từ ngoài vườn sắn:

- Cậu về đấy hử?

Trang nhìn sang khuôn mặt rám nắng điển trai của Tú. Tú đã về đây nhiều lần. Tú chạy ào ra vườn sắn, ôm người đàn ông gọn lỏn trong cánh tay:

- Cháu về thăm ông cháu đấy!

- Cậu sắp đi xa hử?

- Sao chú biết?

- Nhìn thì biết chứ. Gọn gàng hơn nì. Chân tay săn hơn nì. Đi xa không? Có hay được về không? Ông nội nhắc đó. Đêm qua nhắc, bảo thằng Tú sắp vô, bảo nó đừng bỏ hẳn quê hương. Tụi trẻ bây giờ đi là thường quên hẳn đất này.

- Cháu không như vậy đâu...

Trang không hiểu chuyện nhưng không hỏi. Tú để túi xách của hai đứa lên bậc thềm ngôi nhà cổ, rồi ngoắc tay bảo Trang theo. Trong góc vườn rất xa, dưới một gốc cây có một ngôi mộ đất. Một tấm bia. Bức ảnh người đàn ông trẻ trong tấm bia giống Tú như tạc. Tóc để kiểu khác. Nhưng mắt, lông mày, vầng trán, nhất là đôi môi dày dày, môi của những người có cảm xúc thì giống Tú không chê. Ngôi mộ được chăm sóc cẩn thận. Cỏ xung quanh rất xanh. Tú ngồi bệt xuống, tay xoa vào bức ảnh:

- Ông nội, con về với ông này!

Một làn gió thật mát chảy ào qua cây cối, vờn lên mái tóc Trang, lật cổ áo sơ mi của Tú. Người đàn ông chủ nhà cười cười, tôi mơ vẫn thấy ông ấy trẻ như Tú nì! Trẻ mà nói nghe thanh lắm!

Một câu chuyện của chiến tranh. Chủ nhà, ông Thiềm khi đó mới hơn hai mươi. Năm một chín bảy mươi, vùng này tranh chấp ngày đêm. Khi về tay Việt Cộng thì bom Mỹ dội xuống tan hoang. Ông Thiềm là du kích trở về làng ém trong cái hầm kia. Buổi sáng hôm ấy ông nghe tiếng la hét. Một người bị trói gô vào cái cột. Hai thằng địa phương quân đang đấm đá người thanh niên. "Mi ở mô dám vô đây?". Một cái tát. "Quân của thằng Hanh đi hướng mô? Mở mồm ra!".

Một cái đấm giữa mặt. Rồi một thằng dùng súng lục bắn đất dưới chân người thanh niên. Cứ mỗi khi viên đạn nổ, người thanh niên nhảy lên. Nổ và nhảy. Nổ và nhảy. Hai thằng trời đánh khoái trò chơi cười như bị sặc nước. Một bọn lính quân địa phương đi đâu đó về gọi hai thằng: "Kết nó đi rồi đi thôi muộn rồi...". Không hiểu chúng nó kết như thế nào, khi ông Thiềm bò tới nơi chỉ thấy một đống bầy nhầy thịt và máu. Người thanh niên còn tỉnh.

Mở đôi mắt bị máu phủ kín, anh nói đứt hơi. Phải ghé tai mới nghe được. Tìm trong túi sau này có thư có địa chỉ... Ông Thiềm cố nghe cố hiểu. "Tôi là nhà báo. Nếu anh Hanh trở lại tìm thì bảo tôi đã chuyển tài liệu đến tay người nhận...". Ông Thiềm cố hiểu như vậy. Nhưng những câu sau thì rất rõ: "Đừng đưa tôi đi đâu. Cho tôi nằm ở đây!". Ông Thiềm thấy máu không còn trào ra nữa. Một lúc sau anh ấy chết.

Ông Thiềm gọi mấy cậu du kích thôn ban đêm bó thi thể người thanh niên trong một tấm tăng. Chôn xong mà không dám vun cao sợ bọn nó hạch hỏi. Ông Hanh nào đấy không trở lại. Nghe nói cả đơn vị bị phục kích chết hết. Vì thế sau chiến tranh người ta đã hỏi cái điều sao đơn vị ông Hanh bị lộ bị phục kích? Người nhận tài liệu của ông Hanh cũng bị bắn chết trong thành phố. Oan khuất trùm lên cả nhà mấy năm. Cha mẹ Tú phải đi khắp nơi xác minh xóa nỗi oan cho ông nội. Trong những nhân chứng, tiếng nói của ông Thiềm có trọng lượng nhất:

- Tui thấy ông ấy bị tra tấn đến chết. Không khai nửa lời. Tui nhìn thấy hết. Sao lại nghi oan người ta. Người xấu đâu có như vậy. Nghĩ coi!

Mấy năm sau ông nội được xác minh, được công nhận là liệt sĩ. Tú lớn lên, đau đáu nỗi cô đơn của những con người đặc biệt. Tú chọn học môn chính trị để xem trong đó có gì lạ?

Ông Thiềm luộc nồi sắn. Một đĩa sắn để lên mộ mời ông nội. Sắn vùng này thật ngon. Trang chưa ăn sắn ở đâu ngon như vậy.

- Sao không đưa ông về nghĩa trang liệt sĩ quê nhà?- Trang hỏi. Tú chưa trả lời. Ông Thiềm nói to: "Ông muốn ở đây mà. Đã nói nhiều mỗi khi tôi thấy ông mà. Ông bảo nằm ở đây ông thấy yên".

- Đúng vậy - Tú nói - Cả nhà Tú cũng nghĩ ông thích nằm ở đây! Yên ổn nhất. Mát mẻ nhất!

- Không cô đơn nữa. Phải không?

Ông Thiềm chợt gọi:

- Tú. Nhìn kìa...

Từ xa một người đàn ông vác cuốc đang đi về phía làng. Bên cạnh một người đàn bà gánh quang gánh có hai cái sọt. Tú nhìn đăm đăm, có vẻ đã nhìn nhiều lần. Mắt Tú hơi loé lên cái gì đó như là sự tức giận, sự căm uất. Thoáng qua thôi, nhưng gương mặt chàng trai hơi sắt lại. Gã đó, thời đó, là một trong hai gã địa phương quân đã giết ông nội. Đất này bây giờ nó như vậy!

Nhưng Trang thót tim. Trang chưa bao giờ tưởng tượng ra việc này. Có gì đó bất an. Sao những gã đó vẫn đi lại ở đây. Trông lầm lũi thui thủi vì tội ác. Nhưng sao vẫn được hít thở khí trời?

- Đất này nó vậy mà!

Cả hai đã lại lên con tàu đi về hướng Bắc. Hóa ra Tú đã quen vùng đó. Đã như người nhà của ông Thiềm. Tú không đi phượt đi bụi. Tú có một nơi để đi. Bao giờ ở đây về Tú cũng thấy phải tận hưởng tuổi trẻ trời ban. Tận hưởng và vui vẻ. Tú quàng cánh tay lên vai cô bạn gái. Bây giờ trông giống một đôi bạn. Tú bảo hòa giải với chồng đi Trang ơi. Phải chịu khó mà sống đời lứa đôi chứ!

- Ừ. Đợt này về Trang sẽ sai anh ta quét nhà quét sân, giặt quần áo. Sống với vợ không thể đòi được chiều như với mẹ. Mẹ còn xúc cơm cho ăn đến khi học lớp năm, còn bế ru ngủ đến lớp bảy!

Cả hai cười phá lên. Tú sẽ theo cha mẹ trong một tổ chức hòa bình đi thật xa. Nghe nói ở đó có những vùng rất nghèo khổ. Thổ dân. Những khu ổ chuột ở thành phố. Sẽ thư từ kiểm tra Trang. Sống và hòa giải đi Trang ơi! Ông nội Tú lúc hi sinh mới hai mươi tám tuổi...

Bài liên quan
  • BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhiên cất tiếng hát "Ơi chàng ơi chim có bạn có bầy, thuyền có bến có sông sao lại để em năm canh gối chiếc chăn đơn đợi chàng... "
  • HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Hai người bạn là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, in trong tập truyện ngắn Hạnh, Đời nay xuất bản năm 1940.
  • CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Vũ Bằng hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực báo chí từ những năm 1930-1940 khi tuổi đời còn rất trẻ. Ông là chủ bút tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy, thư ký tòa soạn tờ Trung Bắc Chủ Nhật khi mới hơn hai mươi tuổi. Khi Nhật-Pháp so kè với nhau chiếm nước ta, dưới áp lực kinh người của những kẻ xâm lược, Vũ Bằng vẫn giữ tư thế của tờ Trung Bắc Chủ Nhật là phục vụ người Việt, vì quốc gia dân tộc, khiến cả chính quyền Pháp và Nhật đều phải kiêng nể.  Trước 1945, Vũ Bằng nổi tiếng trong việc giúp đỡ các nhà văn khác cả tiền bạc lẫn kinh nghiệm viết lách. Rất nhiều nhà văn nhận những lời khuyên của Vũ Bằng sau này đều trở thành những nhà văn lớn của Việt Nam. Thế nhưng, một thời gian dài kể từ khi Vũ Bằng di cư vào Nam năm 1954, các tác phẩm của ông biến mất không còn dấu vết, không được nhắc tới trong nhà trường, bị đưa vào danh mục cấm do cái tiếng "dinh tê, về thành", nhà văn "quay lưng lại với Kháng chiến"... gây ra. Ông lâm trọng bệnh và mất ở TP. Hồ Chí Minh năm 1984 trong cảnh vô cùng túng thiếu. Mãi sau này, ông mới được minh oan rằng không phải ông quay lưng với kháng chiến mà là ông đã nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật trong giới trí thức nội thành từ năm 1952 và vào Nam năm 1954 theo lệnh của tổ chức. Tháng 3 năm 2000, Cục Chính trị thuộc Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có văn bản xác nhận nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo.
  • ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ hàng đầu của Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX, sức ảnh hưởng của Xuân Quỳnh lớn tới nỗi Google từng vinh danh bà trên trang chủ của họ vào năm 2019. Là nhà thơ nên tất nhiên bà nổi tiếng về thơ và hầu như khó tìm được ai không biết bài Thuyền và Biển của bà. Nhưng Xuân  Quỳnh cũng viết văn và viết rất nhiều truyện cho thiếu nhi, truyện Ông nội và ông ngoại dưới đây là một trong số đó.
  • LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Lời Nguyền là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, viết về quãng thời gian ông bị thực dân Pháp bắt tại Hà Nội (1941) và đưa lên giam giữ tại trại giam Vụ Bản, Châu Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình. Truyện được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc cuối cùng của nhà văn Khái Hưng. 
  • CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mưỡu Cuối được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1946, đặt làm Phần cuối và đem đi xuất bản ở Quốc Văn với tên Chùa Đàn. Với Tâm sự của nước độc, Nguyễn Tuân băng băng trèo lên đỉnh đèo văn, còn với Chùa Đàn, ông bồng bềnh trôi, chưa mỏi gối nhưng đã không còn đỉnh đèo nào để leo nữa.
  • CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần II của Chùa Đàn, được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1945 có tên Tâm sự của nước độc. Truyện có phần đề từ lấy trong Chữ Nhàn, một bài hát nói của Nguyễn Công Trứ; “Ai hay hát mà ai hay nghe hát”. Trong Chùa Đàn, truyện được sắp xếp thành phần II. Nhà văn Khái Hưng và một số nhà văn khác cho rằng, (việc) Nguyễn Tuân viết thêm Dựng và Mưỡu Cuối, đã làm hỏng mất sự toàn bích một tác phẩm tuyệt mỹ.
  • CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chùa Đàn được xem là tác phẩm hội tụ những gì tinh hoa nhất của nhà văn Nguyễn Tuân do Quốc Văn xuất bản năm 1946 tại Hà Nội. Chùa Đàn bắt đầu từ truyện ngắn Tâm sự của nước độc trong loạt truyện kinh dị Yêu Ngôn ông đăng trên các báo thời bấy giờ. Đến năm 1946, để phù hợp với diễn biến thời cuộc, ông viết thêm hai phần bổ sung, đặt làm phần Một và Ba, Tâm sự của nước độc trở thành phần Hai của tác phẩm.
    Dù là tác phẩm hay nhất của Nguyễn Tuân, nhưng Chùa Đàn đã bị đánh giá thấp do các yếu tốc ma quái kì dị đầy màu sắc tâm linh của nó. Kể từ lần in năm 1946 và sau đó được Tân Việt tái bản ở Sài Gòn* năm 1947, đến tận năm 1981, Chùa Đàn vẫn không được nhà xuất bản đưa vào tuyển tập của ông. Điều này đã khiến Nguyễn Tuân buồn bã đến nỗi; "Tôi tiếc cái Chùa Đàn quá. Họ cắt cái Chùa Đàn khỏi tuyển tập này, cũng giống như cắt cái gan ra khỏi bụng tôi".
    Đến năm 1999, Chùa Đàn mới được in trở lại trong tập Yêu Ngôn do nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh thực hiện. Ngày nay Chùa Đàn không những đã được xuất bản, mà còn được chuyển thể sang nhiều loại hình nghệ thuật khác như kịch nói, cải lương, phim điện ảnh. Ở mảng điện ảnh, Chùa Đàn được dựng thành bộ phim khá nổi tiếng Mê Thảo – thời vang bóng do đạo diễn Việt Linh thực hiện.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần cuối của Ngõ lỗ thủng, tác phẩm dựa trên những ký ức, sự kiện và nhân vật có thật của nhà văn Trung Trung Đỉnh, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ngõ lỗ thủng của Trung Trung Đỉnh dựa trên ký ức của những sự kiện, nhân vật có thật của chính nhà văn, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.