chan_dung-ke_si

LÁ ĐƠN TÌNH NGUYỆN – Truyện ngắn của Chu Cẩm Phong

18-06-2024

Lượt xem 1679

Đánh giá 3 lượt đánh giá

Chia sẻ

  Chu Cẩm Phong

LÁ ĐƠN TÌNH NGUYỆN – Truyện ngắn của Chu Cẩm Phong

Nhà văn Chu Cẩm Phong (1941-1971)

Chân Dung Kẻ Sĩ: Cuộc đời sáng tác của nhà văn anh hùng Chu Cẩm Phong chỉ kéo dài ngắn ngủi hơn ba năm ở chiến trường trước khi hy sinh, nhưng ông đã để lại rất nhiều tác phẩm có giá trị. Bên cạnh tác phẩm hay nhất Nhật ký chiến tranh, ông còn viết nhiều tác phẩm khác bao gồm truyện và ký như; Vườn cây ăn quả nhà mẹ Thám; Gió lộng từ Cửa Đại; Mặt Biển - Mặt trận; Rét tháng Giêng; Mẹ con chị Hiền...

Năm 2007, nhà văn Chu Cẩm Phong được nhà nước phong tặng Giải thưởng Nhà Nước về Văn học Nghệ thuật. Đến năm 2010, ông được phong tặng Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân với tư cách nhà văn.

***

 

Lý chẳng bao giờ quay lại nhìn cái thành phố đen nghịt người chen chúc nhau, nhốn nháo như một cái chợ lớn vào buổi giáp tết. Lý đi cắm cúi, tất bật như lo sợ hai ngày nghỉ cô chủ cho về thăm nhà sẽ hết ngay tức khắc, nếu Lý chậm một bước, một giây. Và như vậy Lý sẽ không được gặp mẹ.

 

Rời con đường nhựa, băng qua cánh đồng bát ngát, vượt qua những nương dâu lút đầu người, xanh dịu tít tắp thì đến làng.

Làng đấy ư? Những năm gần đây, Lý rất ít về thăm làng. Mỗi lần về, Lý đều nhận ra những thay đổi đau đớn của làng. Giờ đây làng chẳng giống chút nào với cái làng xanh tươi, mát dịu trong ký ức tuổi thơ của Lý. Các lũy tre trong làng gãy cụp, nát vụn. Cây cối một màu vàng rụm. Cau ngày trước nhiều vô kể. Nay bị đại bác nghiến cụt ngọn đứng sừng sững, trơ trụi như những bãi cọc chống trực thăng nhọn hoắt quanh làng. Con đường bị bom quét trống trải, bạc thếch ra như phủ một lớp tro dày xám ngoét. Chỉ có những túp lều thấp tè lợp rạ tháng tám vàng đằm thắm vừa mới dựng lại trên những nền nhà cháy đen là vẫn hiền lành, ấm áp, thân quen. Nỗi lo lắng về mẹ, về chị, về thằng Phố dịu hẳn lại khi Lý nhìn thấy hàng dâm bụt ngõ nhà mình. Ôi, hàng cây dâm bụt vẫn xanh um, nở những bông đỏ thắm lặng lẽ! Không ghìm được nữa, Lý xách chiếc giỏ nhựa xanh đựng mấy ống mì chay ông Phật chạy tắt vào một vườn hoang, chui qua cái lỗ trống của hàng dâm bụt, con đường ngày trước ở nhà Lý vẫn thường chạy chơi với lũ con nít hàng xóm.

Lần về nào cũng vậy, Lý đều nhận ra điều này: Dường như mẹ đã nhận ra bước chân của con gái từ lúc Lý chui qua hàng dâm bụt, và đếm từng bước chạy gấp gáp của con, nên Lý vừa bước vào sân, mẹ đã ngước cặp mắt lòa lên hỏi:

- Út về đó hở con? - Lúc nào mẹ cũng gọi Lý bằng cái tên tao nôi đó. Và người mẹ cuống quít ném cây sào đuổi gà, đứng dậy quờ quạng dang hai cánh tay đón con gái.

Lý chạy nhanh vào nhà ôm chầm lấy mẹ, úp mặt vào cái ngực già nua của mẹ, rồi dùi dụi cặp mắt ướt, nóng bỏng vào chiếc vai xương xương, hít mạnh cái mùi cay nồng của trầu không quen thuộc tỏa ra từ chiếc áo sờn cũ của mẹ. Lý cảm thấy cổ mình tắc nghẹn lại. Bà mẹ mù lòa ôm chặt con gái, đưa cả hai bàn tay gầy guộc, nhăn nheo, đen sạm như vỏ quýt khô âu yếm vuốt tóc con. Mái tóc ngắn củn vàng hoe ngày xưa giờ đã mát dịu, dày mượt và dài thêm ra, mái tóc đã dài quá viền cổ áo bà ba một gang tay. Bà luồn cả hai bàn tay vào mái tóc, sờ cái vết sẹo sau gáy con, bỗng dưng buông một tiếng thở dài.

- Có việc chi rứa mẹ?

- Không… Con đã về, mẹ mừng... Mi về được mấy ngày?

- Dạ chiều mai con mới đi. Chị Ba, thằng Phố đâu rồi, mẹ?

Lúc đó thằng Phố đang chơi với mấy đứa trẻ hàng xóm ở đâu chạy về, khẩu súng bẹ chuối lủng lẳng trước ngực:

-Cô Út của mình tã dề ! Cô Út của mình tã dề! Thằng Phố đưa hai cánh tay về phía trước sà vào lòng Lý đòi bồng.

Lý xốc nách thằng Phố để ngồi lên đùi mình rồi với giỏ lấy ra mấy cái kẹo gói giấy bóng đưa cho cháu. Lý hôn đánh chụt vào má thằng Phố, hỏi:

-Tại răng Phố phá chuối của bà nội để làm súng chơi?

Thằng Phố lắc đầu lia lịa, hai chân dẫy đành đạch :

- Hông. Hông ! Hông phải Phố phá đâu! Tụi Mỹ pắn đại pác phá chuối của pà nội, pà nội lấy làm khúng cho Phố!...

- Bụi chuối ngự mất rồi, mẹ?

Những giờ phút ít ỏi được bồng thằng Phố ngồi bên mẹ trong túp lều rạ chật chội của mình hỏi chuyện vườn tược và thủ thỉ kể đủ các thứ chuyện với mẹ, nghe thằng Phố ngọng nghịu bập bẹ từng tiếng, Lý mới thấy thanh thản, dễ chịu. Thoát khỏi những nỗi nơm nớp lo sợ, những uất ức chỉ trong một lúc ngắn ngủi thôi cũng là sung sướng rồi. Lý vật thằng Phố ra giường chọc cho hắn cười sằng sặc. Hai cô cháu vật quẫy trên giường cùng cười rần rật.

- Con còn ở với thằng Mỹ không đó?

Nghe mẹ hỏi, Lý giả không nghe, nói với thằng Phố : “Đâu, hả, cho cô coi, mọc bao nhiêu răng rồi mà thằng Phố còn nói ngọng”. Không để cho mẹ hỏi lại, Lý bồng thằng Phố đặt xuống cạnh mẹ:

- Ngồi đây chơi với bà hỉ, để cô đi gánh nước.

Khi Lý gánh đôi thùng nước từ ngoài sông về, đã thấy thằng Sơn con chú ba Thái ở xóm Giữa đứng tần ngần trước cửa. Thấy Lý, hắn nói:

- Bốn giờ chiều ni chúng tôi họp thiếu nhi rộng rãi, Lý mới về, mời bạn đến họp cho vui. Tôi thưa với bác, bác đồng ý rồi đó.

Lý không quen xưng hô như vậy, chưa biết trả lời thế nào thì thằng Sơn đã chạy vù ra. Lý nghe tiếng thằng Sơn dặn từ ngoài ngõ dâm bụt:

- Đi sớm để về sớm nghen, đến tối bọn Mỹ bắn pháo dữ lắm đó.

 

Thiếu nhi họp ở nhà thờ tộc. Mấy năm trước, ban đêm Lý không dám đi qua nhà thờ này, ngay cả ban ngày, Lý cũng vẫn sợ cái vẻ oai nghiêm lạnh ngắt, cái ánh sáng lờ nhờ của nó. Nhưng bây giờ chẳng còn dáng vẻ gì của một cái nhà thờ. Ngói bị xới tung lên chảy thành từng đống vụn cao có ngọn. Mấy cây cột gỗ mít bị mảnh đạn đại bác nghiến xơ ra như cái chổi cọ nồi. Các bức tường bị xô ngã gần hết, đổ xuống từng mảng, lở lói, nham nhở. Bên những vết đạn cũ đã thâm xịt, lỗ chỗ những vết đạn mới phơi màu gạch đỏ quạch. Nhà thờ trống lộng, mưa gió tạt vào làm hiện  lên một lớp meo xanh xám che lấp mất nét chữ mấy câu liễn. Bà con trong thôn thu dọn sạch sẽ làm chỗ hội họp. Xung quanh nhà thờ có nhiều đường hào giao thông len lỏi sau các hàng keo chạy về khắp làng.

Khu vườn nhà thờ tộc trở nên ồn ào. Trên bờ hào giao thông, mấy chú bé đang say mê cầm cần điều khiển vòng tròn sắt to bằng vành nón chơi trò chạy xe, lao vun vút, miệng không ngớt kêu “bíp bíp” để mọi người tránh. Thằng Cục và thằng Xáu đến họp với cả cây súng gỗ đẽo công phu và một chuỗi điền điển quấn quanh lưng làm đạn. Những đứa lớn tuổi hơn thì cầm theo những quả lựu đạn Mỹ màu đỏ ứa còn mới nguyên cố làm ra vẻ người lớn để mong được đi thoát ly. Chúng làm mặt nghiêm khắc la rầy mấy đứa nhỏ tuổi hơn nào là ồn ào không chú ý nghe đại bác địch, nào là thiếu cảnh giác, thiếu kỷ luật. Thằng Bảy con thím năm Cừ ngồi trên đống gạch, cầm chiếc roi tre chăn bò đập xuống một viên gạch bể, đánh nhịp hát nghêu ngao:

 

Một cây chông tre

Đánh què một tên lính Mỹ

Hai cây chông tre...

Nhìn thấy cảnh ồn ào đó, Lý rất lo lắng, Lý rụt rè hỏi nhỏ con Mực:

- Như vầy gặp Mỹ ra thì sao?

Con Mực hơi trề cái môi dày khiến Lý ngượng nghịu:

- Tụi Mỹ ra khỏi cổng đồn ở đây mình đã biết rồi, với lại chỗ này cha hắn cũng không dám ló đầu ra. Các bạn gái xúm quanh Lý rất đông hỏi đủ thứ chuyện, kể lắm chuyện trong làng. Con Mực lại độp nói với Lý:

- Này, Lý đừng ở Đà Nẵng nữa, về quách làng với tụi mình.

- Tôi còn lo nuôi mẹ…

- Lo chi. Về đây tụi mình có hợp tác xã cùng làm ăn, cùng đánh Mỹ. Vui lắm!

Hợp tác xã của con Mực là cái gì? Lý không biết. Nhưng sau câu hỏi ban nãy, Lý không dám hỏi thêm câu gì, cứ rụt rè trả lời từng câu một. Chúng nó đứa nào cũng vồn vã, nhưng Lý thì vẫn e dè ngại ngại. Lần đầu tiên Lý nhận ra có một sự cách biệt giữa mình với lũ trẻ hàng xóm. Mặc dầu tất cả những đứa ngồi đây ba năm trước đều là bạn cùng thả trâu, cắt cỏ một đồng, cùng đánh nẻ nhảy chang cháng với nhau. Hồi đó con Mực có lần nào đi cắt cỏ mà không “Lý ơi, Lý hỡi” Còn con Lợi nhà ở gần bờ sông, mỗi lần Lý gánh đôi hũ nước từ dưới sông lên tới ngõ nhà hắn là vừa ngút hơi, lần nào cũng đặt xuống nghỉ, đứng nói với hắn đôi câu. Thế mà bây giờ thấy tất cả chúng nó đều xa xa lạ lạ cả. Lý không thể nào tìm thấy sự quấn quít tự nhiên ngày xưa nữa. Tại Lý đi ở thuê làm mướn ngoài Đà Nẵng ba năm nay ít khi được về nhà? Tại Lý chưa bao giờ dự một cuộc họp như thế này? Nhìn các bạn chuyện trò, ca hát, vui chơi Lý cũng thèm muốn quá! Ước chi mình cũng được như vậy! Nhưng sao được! Chúng nó nói chuyện làm chông, bám địch, chuyện gài mìn, chuyện đấu tranh. Còn cuộc đời đi ở của mình có chi mà nói! Còn hát à? Mình làm chi biết những bài hát đánh Mỹ! Ngay những câu hát ru em mẹ bày ngày còn nhỏ, Lý quên cũng gần hết, mỗi lần bật hát thì cũng chỉ toàn là những câu hát buồn thảm : Chiều chiều ra đứng ngõ sau, ngó về quê mẹ ruột đau chín chiều…

Lý đã chọn một chỗ ngồi ưng ý nhất: Phía trước có cây cột che khuất, mé bên trái có các bạn gái, mé bên phải trông ra hàng keo. Chị Mười phụ trách thiếu nhi giới thiệu Lý trước cuộc họp, các bạn vỗ tay ran. Mặt Lý đỏ bừng.

Thằng Sơn con chú ba Thái là đội trưởng thiếu nhi. Hắn đang tổng kết thành tích đánh Mỹ của thiếu nhi trong thôn. Lý ngồi nghe sửng sốt và lạ lùng vô cùng. Thằng Sơn trước đây nhút nhát là vậy, người ta tát đìa, đi hôi bắt được con cá lớn cũng sợ, đứa nhỏ cùng tuổi nào ăn hiếp cũng im thin thít, vậy mà bây giờ hắn bạo dạn, ăn nói rành rọt, dõng dạc xem chừng ai cũng nể. Còn những điều hắn nói nữa, Lý không nhớ hết những con số hắn đọc vanh vách, nào là bao nhiêu súng, bao nhiêu lựu đạn, bao nhiêu trăm bao nhiêu ngàn viên đạn Mỹ thiếu nhi đã thu được, vót bao nhiêu ngàn cây chông, bao nhiêu ngày bám địch, có cả. Lại có cả năm thằng Mỹ bị giết. Lý nghe thằng Sơn nhắc đến tên mấy đứa bạn thân ngày trước. Trong một trận càn của quân Mỹ, con Lợi cùng tuổi với Lý làm nhiệm vụ trinh sát cho các anh du kích (làm trinh sát là làm những việc chi hỉ? Lý tự hỏi) đã lấy dấu dép của mình đánh lừa tụi Mỹ, dụ chúng vào lọt ổ phục kích của các anh chị du kích. Thằng Thiệm và thằng Tỵ không biết lập mưu tính kế thế nào mà khiêng về một khẩu M72 của tụi Mỹ giữa ban ngày ban mặt. Hai chị em con Hậu cậy cục tát cá trồng khoai dành dụm được mấy trăm, nay ủng hộ vào quỹ du kích tất cả. Ngay thằng Mót mới tám tuổi cũng đem về nạp cho du kích hai mươi viên đạn..

Thằng Sơn vẫn đang nói rành rọt.

- Bạn Bé đã lấy cắp được năm trái lựu đạn.

- Không đúng!

Nhiều cặp mắt đổ dồn về phía thằng Quân, người vừa phát biểu phản đối cắt ngang lời thằng Sơn. Chuyện Bé lấy được năm quả lựu đạn của tụi Mỹ về nộp cho du kích bốn quả, còn một quả giữ khư khư bảo là để tự gài kiếm danh hiệu dũng sĩ diệt Mỹ, ai cũng biết, có chi Quân lại phản đối? Quân vẫn ngồi xếp bằng tròn, phanh ngực, điềm tĩnh, nói chậm rãi, giống hệt ông nội của Quân :

- Nói bạn Bé “lấy cắp” là không đúng. Phải nói như các chú lực lượng nói, bạn Bé đã “thu” được ...

Đám đông im lặng một lát rồi cười giòn, vỗ tay ran. Quân được mọi người khen ngợi là nhanh mồm nhanh miệng, thông minh và gan dạ như ông nội. Lần đầu tiên xã nhận được truyền đơn tiếng Anh ở trên đưa về, truyền đơn ít, chưa biết rải thế nào cho lợi, Quân nhận cả xấp đem vào tận đồn Mỹ phân phát tận tay từng tên lính Mỹ, không biết Quân nói khôn nói khéo thế nào mà tụi Mỹ còn khen “Ô-kê, năm bà doanh”, còn “thanh kiêu”  (1) Quâ n  nữa .

Thằng Sơn vừa nói một điều gì đó mà Lý chưa kịp hiểu hết thì cuộc họp trở nên háo hức, phấn khởi kỳ lạ. Tất cả đều giơ tay tranh nói trước. Ồn ào. Thằng Sơn mặt hớn hở vỗ hai bàn tay bôm bốp gào lên giữ trật tự.

- Tôi nói trước.

- Tôi đã.

- Anh Sơn chú ý góc ngoài ni nghe.

- Này có yên lặng đi không, mất đi đâu mà gào lên vậy!

Chị Mười đứng lên hô lớn:

- Thiếu nhi yên!

-  Lặng! - Tất cả đều đồng thanh đáp rập ràng. Và trật tự trở lại thật là đột ngột.

Bây giờ chỉ còn những cánh tay giơ thẳng, những cánh tay còn khẳng khiu nhưng không một chút lóng ngóng, do dự. Tay đưa cao khỏi đầu và thẳng như vườn cau san sát trong làng. Cau bây giờ bị đại bác bắn chết nhiều, nhưng vẫn cứ đứng thẳng lồng lộng làm rừng chông, rừng cọc. Rừng tay chen nhau. Lý thấy mọi người đều lên hứa. Trước tiên là những đội viên thiếu niên Tiền phong rồi lần lượt đến cả các em nhỏ nhất.

Thằng Quân đứng lên nói.

- Học tập bạn Đoàn Văn Luyện, tôi sẽ giết ba thằng Mỹ bằng vũ khí lấy được của Mỹ.

- Ghi cho tôi, ba tháng cuối năm tôi sẽ lấy mười trái lựu đạn - Thằng Cường con chú hai Vọng để cái đầu trọc lóc lòi mấy cái sẹo như những đồng tiền bằng đồng nói chắc chắn:

- Tôi sẽ đạt tiêu chuẩn dũng sĩ.

- Tổ chúng tôi nhận sẽ giết thằng Đoan ác ôn.

Chị Mười ghi rất nhanh, sau lời của mỗi đứa chị lại đọc lại bằng cái giọng cao cao, thanh thanh để cuộc họp vỗ tay. Thằng Cục đứng dậy, hắn đã để cây súng gỗ lại chỗ ngồi, nhưng quên tháo chuỗi đạn điền điển quanh lưng, hứa:

- Em sẽ lấy một trăm viên đạn…

- Rứa thì mi đã có mấy chục viên quanh lưng rồi đó – Thằng Quân nói bất thần làm thằng Cục nhớ ra, hắn vội xòe cả hai bàn tay nhỏ ra như muốn che cả xâu đạn điền điển dài. Hắn cười xấu hổ, để lộ hàm răng sún mất bốn răng cửa. Rồi chạy đến chỗ ngồi.

Mọi người cười, nhưng Lý cứ tưởng sau lưng mình, sát chỗ ngồi có một đống lửa lớn cháy rừng rực, rồi bụng cũng có lửa. Ngọn lửa bốc lên mặt hừng hực. Hai tai nóng bừng... Con Mực ngồi bên Lý cũng đã lên hứa rồi: “Tôi sẽ làm công kiếm tiền làm thêm hai hầm chông sắt”. Hắn nói thật nghiêm trang và trở về chỗ ngồi mặt tràn trề sung sướng, cảm động.

Mãi cho tới khuya, lúc nằm ôm chặt mẹ dưới hầm tránh pháo, Lý vẫn còn cảm thấy rõ rệt cái cảm giác ngượng ngùng, rạo rực lúc ngồi họp. Phải, Lý đã lạc lõng, đơn độc giữa đám bạn bè làng xóm. Lý thấy tủi tủi, thương mình, thương mẹ. Lưng Lý như có hàng trăm, hàng ngàn con sảy cắn, cánh tay tê dại, nhưng Lý không trở mình, sợ mất giấc ngủ của mẹ.

Đại bác Mỹ lúc thì nổ từng quả một, lúc thì nổ từng loạt chối tai. Cả quãng đời tuổi thơ, Lý chưa bao giờ suy nghĩ như lần này. Trước nay suy nghĩ lớn nhất, từng ngày, từng giờ của Lý cũng chỉ là lo làm sao cho ông chủ, bà chủ đừng mắng nhiếc, đừng cúp tiền công, cuộc đời đi ở được yên ổn, lâu lâu dồn góp một ít tiền gửi về cho mẹ. Cuộc đời đi làm thuê ở mướn đã làm cho Lý sớm biết tính toán lo liệu trước tuổi. Lý mới mười bốn tuổi, nhưng đã nghe bao nhiêu chuyện, thấy bao nhiêu cảnh, chịu bao nhiêu cực nhục. Tất cả đều lắng lại thành một khối đè nặng tuổi thơ. Lý không còn biết hát. Chỉ có lòng thương mẹ là không có gì làm mất mát được. Mỗi lần nghĩ đến mẹ, Lý lại tìm ra lý do để an ủi. Suốt ngày, suốt tháng, suốt năm Lý làm quần quật tới kiệt sức ở nhà người với một mong ước lớn là làm sao cho cuộc đời khổ cực trăm bề của mẹ được sung sướng.

Lý mất cha sớm lắm. Mẹ đẻ Lý ra chưa giáp tháng thì cha bị giặc Pháp mũi lõ, cũng râu ria xồm xoàm như tụi Mỹ bây giờ giết chết trong một trận càn. Tất cả những chuyện đó Lý chỉ nghe mẹ kể lại với cái giọng buồn buồn trong các buổi trưa lặng ngắt.

Nhưng tới cái chết của anh Ba cha thằng Phố thì Lý biết, và chẳng bao giờ quên được. Năm đó, Lý tám tuổi, một buổi trưa bọn công an Diệm lôi một người đàn ông về nhà Lý, hai tay bị trói quặt ra sau làm thân anh nẩy ngược, con mắt trái bị đánh thòi ra, sưng vù lên rất khủng khiếp, áo rách nát, các mảnh vải tả tơi, bay lất phất trên mình anh. Vào sát tới cửa Lý mới nhận ra anh Ba. Chị Phố trong buồng đẻ lao ra khóc la, kêu gào. Bọn công an đứng đen cửa, chúng cầm những cây sắt nhọn dài hơn sải tay xăm nát đất. Rồi chúng dẫn anh đi. Chị Phố bồng thằng Phố vừa đẻ được ba ngày chạy theo trì kéo, tới chỗ cây thầu đâu (1) đầu làng thì bị đánh ngã ngất đi. Chị Phố nằm lịm mà nước mắt chảy ròng ròng, tay ôm ghì thằng Phố đang khóc thét. Từ đó, Lý không thấy anh Ba về nữa, anh đi biệt tăm, sau mới biết anh trốn nhà tù của Diệm đi theo cách mạng. Tiếp đó bọn công an ác ôn quay lại bắt mẹ Lý lôi đi. Nhà chỉ còn hai chị em với thằng Phố lúc ấy còn nhỏ xíu. Lý không thấy chị Phố khóc nữa. Chị sống âm thầm, làm quần quật. Ban ngày chị giao thằng Phố cho Lý, chị đi làm dành dụm ít tiền để rồi ngày chủ nhật hai chị em bồng cả thằng Phố mua chai dầu khuynh diệp, mấy trái cam dẫn nhau xuống nhà lao Hội An thăm mẹ.

 Một năm sau, mẹ ở tù về với mái tóc bạc và cặp mắt đã gần lòa. Người ta bảo tại mẹ bị tra tấn nhiều và nhớ thương các con quá. Lý bắt đầu đi ở giữ trâu cho người ta để giúp chị Phố nuôi mẹ. Sau có người dì bà con xa làm ăn ở Đà Nẵng thấy nhà mẹ nghèo túng quá mới dắt Lý ra Đà Nẵng tìm việc làm, dì ấy bảo ngoài đó làm được tiền hơn. Ra ba năm Lý đi ở cho ba chủ. Người chủ thứ nhất là một mụ đàn bà béo phục phịch lúc nào cũng nhe nanh đay nghiến dữ tợn như con chằn tinh trong các chuyện đời xưa. Người chủ thứ hai là một thằng cha đểu giả và vợ hắn độc ác thâm hiểm không chịu trả tiền công đúng ngày hẹn. Người chủ thứ ba là một cô gái trẻ ăn tiêu phung phí, sống một mình trong một căn phòng sang trọng trên một tầng lầu khách sạn. Gần đây có một thằng sĩ quan Mỹ cao to, mắt xanh lè, tóc tai vàng hoe và quắn riết như bị cháy thường về ở với cô chủ. Cô chủ nói với Lý bằng cái giọng khinh bỉ và căm ghét rằng hắn là chồng cô. Biết chuyện này, mẹ và chị Phố không ưng bụng, chị nhắn ra bảo tìm chỗ khác mà làm đừng ở với bọn Mỹ, còn không, cứ về luôn nhà làm ăn với chị. Ba năm đi ở ngoài Đà Nẵng, Lý không được cùng bạn bè vui sướng trong những ngày cả làng xóm rùng rùng nổi dậy đốt ấp phá rào vi, không được bưng cơm nước chạy theo các chú lực lượng để nhìn tận mắt xác “cộng hòa”, xác Mỹ phơi đầy đồng. Ba năm, chỉ có những ngày dài đằng đẵng Lý phải chịu những cay nghiệt chồng chất. Đêm đêm, Lý chỉ nằm khóc lặng lẽ một mình vì tủi thân, vì nhớ mẹ. Nhưng chẳng bao giờ Lý nói cho mẹ và chị Phố biết cảnh sống thực của mình, Lý sợ vì thương con gái út bị đày đọa mà mẹ không cho Lý đi làm. Dành dụm được một ít tiền, Lý gửi về cho mẹ hoặc tới nhà bà dì nhờ mua thuốc men chạy chữa cho mẹ. Phải làm ra tiền nuôi mẹ! Đó là mong ước lớn lao, tha thiết của Lý. Vì mong ước đó mà Lý cắn răng chịu đựng được tất cả những cay nghiệt của cuộc đời. Vì mong ước đó mà Lý không nghe lời mẹ, nghe lời chị Phố, không muốn về làng.

Nhưng lần này về làng thăm mẹ, Lý cứ muốn ở nhà luôn với mẹ. Khuya lắm, đại bác vẫn nổ chát tai. Rồi những tiếng đại bác xa dần, xa dần. Những cánh tay giơ thẳng và vườn cau bị đại bác bắn cụt ngọn, chết đứng, hàng dâm bụt đỏ thắm, và cây thầu đâu chỗ hai mẹ con chị Phố ngã ngất đi cứ chao đảo, quay quanh trước mắt Lý. Lý thiếp dần đi còn nghe văng vẳng tiếng đại bác và tiếng nói của mẹ, của chị Phố: “Đừng ở với tụi Mỹ, về làng làm ăn...”

Trưa hôm sau Lý ra lại Đà Nẵng.

 

Gần đến Tết, người thôn quê gánh từng gánh hành tươi, rau cải và gà vịt ra Đà Nẵng bán nườm nượp, Lý xách chiếc giỏ nhựa xanh chất đầy rau tươi đi ngược dòng người. Lý lại về thăm mẹ. Đi tới cây bông goòng trước bót gác của bọn dân vệ, Lý bị thằng Thuần, trung đội trưởng ác ôn chặn hỏi:

- Con nhỏ ni về với mụ già đui sớm hung hè ?

Hắn nhìn Lý bằng con mắt chột lúc nào cũng đỏ ngầu những tia máu, rồi xoáy vào chiếc giỏ rau của Lý hạch sách:

- Mày lại đem rau về vườn à ?

Lý giật thót mình Không ngờ thằng ác ôn lại ranh vậy. Hôm qua chuẩn bị mấy bó rau, Lý chỉ nghĩ đến chuyện che kín. Chắc là bị rồi.

- Dạ mẹ tôi đau, phải về sớm cho kịp...

Lý vừa nói vừa đi qua bót giặc, tưởng hắn sẽ giữ lại lục giỏ nhưng lại nghe hắn nói với một chị gánh rau vào thành phố:

- Con kia giấu truyền đơn vào trong gánh hả?

Lý cố bình thản bước thẳng. Hồi nãy hoảng quá, chưa kịp nghe tiếng trống ngực, giờ mới thấy trống ngực mình đập từng hồi dài gấp gáp thình thịch. Lý băng nhanh qua cánh đồng.

Sau ngày về thăm mẹ, dự cuộc họp của thiếu nhi trong thôn, Lý nhận ra sự cách biệt giữa mình với lũ bạn, sự lạc lõng của mình giữa làng xóm. Cuộc sống chiến đấu ở làng với những niềm vui sướng lớn lao như lời nhắn nhủ của người mẹ, đã khơi dậy những ham muốn thiết tha, mới mẻ và tự nhiên trong lòng một em bé nông dân nghèo khổ. Cuộc sống sớm biết lo nghĩ của em đã nhận ra rằng trên đời này niềm vui lớn nhất không phải là chuyện làm ra tiền nuôi mẹ, Lý nhất quyết không ở Đà Nẵng nữa. Nhìn bà con mình ở thôn quê mặc quần áo rách nát vì mảnh bom đạn, gánh từng gánh lúa chạy ra Đà Nẵng bán, kể chuyện lính Mỹ đốt phá xóm làng Lý thương lắm. Nhưng Lý không có tiền giúp. Lý gánh gánh lúa cháy của một chị có thai bịt khăn chế ra ngã ba Cai Lan bán giùm. Bây giờ Lý thấy việc làm đó không đủ nữa. Lý không thể nhẫn nhục để lo kiếm tiền nuôi mẹ, Lý muốn thoát khỏi căn phòng có thằng Mỹ dữ tợn say khướt đêm đêm về ngủ này, ra khỏi thành phố ồn ào đến đinh tai nhức óc lúc nào cũng đầy xe nhà binh Mỹ chạy bạt mạng và lính Mỹ ngang ngược. Nhưng chưa có dịp nào để về, Lý không muốn trở về trơ trọi như lúc ra đi. Nhiều lúc Lý muốn làm một việc gì đó thật táo bạo như con Lợi, thằng Sơn, nhưng cái sợ nơm nớp thành thói quen của một đứa đi ở luôn luôn bị hành hạ ức hiếp không biết từ đâu đến chạy dọc theo sống lưng lạnh toát cả người, làm Lý do dự, rụt lại. Lý đắn đo, đã làm mà không trót lọt, mình sẽ bị giết, tù tội, để khổ lại cho mẹ. Nhưng cuộc họp thiếu nhi thì Lý chẳng bao giờ quên được. Ừ, mấy đứa ở làng làm được, mình cũng làm được. Người Lý nóng bừng mà lại run cầm cập khi nghĩ đến những dự tính táo bạo. Bất giác Lý lại nhớ đến thằng Phố với khẩu súng bẹ chuối lủng lẳng trước ngực mừng vui khi thấy Lý về, nhớ về vườn cau cụt như bãi cọc, cây thầu đâu chỗ chị Phố bị đánh chết ngất. Con Mực, con Lợi đang rủ Lý về, rủ đi vót chông, cắt cỏ trồng rau, “lo chi, về đây bọn mình có hợp tác xã cùng làm. Cùng đánh Mỹ vui lắm”…

Cho đến đêm hôm qua, một đêm dài chưa từng có, Lý không ngủ được, chốc chốc lại phải dậy rưới nước mấy bó rau mua sẵn từ chiều để rau khỏi héo. Cái giỏ nhựa xanh Lý để sẵn ở đầu giường. Khi dưới đường phố có tiếng người đi lại, tiếng rao hàng, tiếng xe chạy rình rịch thì Lý ngồi dậy hẳn, khẽ đẩy cửa rón rén bước vào phòng thằng Mỹ và cô chủ nằm. Lý mở bi đông rượu của thằng Mỹ bỏ vào đó một gói thuốc chuột lớn, rồi đi lại đầu giường luồn tay xuống gối thằng Mỹ...

Bây giờ Lý đã ra khỏi Đà Nẵng rồi. Qua khỏi bót gác trung đội dân vệ rồi. Nhịp tim đập liên hồi của cơn hoảng sợ khi nãy chuyển thành nhịp đập hồi hộp của một niềm vui không bờ bến. Chiếc giỏ nhựa xanh xách trong tay nặng trĩu niềm sung sướng, hân hoan. Khẩu súng trong giỏ cựa quậy, trở mình. Lý thấy mình giờ cũng như con Lợi, con Mực, thằng Sơn rồi, cũng có quyền ca hát, chuyện trò rồi, cũng được tham gia đánh Mỹ rồi. Thằng Mỹ sáng nay dậy, theo thói quen, hắn nốc rượu, rồi tìm không thấy súng, hắn càng điên, càng nốc, rồi sẽ lăn ra chết như một con chuột cống... Lý cảm động sung sướng hơn cả lần đầu nhận tiền công, Lý mua chiếc khăn trùm đầu gửi về cho mẹ. Khẩu súng này mình làm quà tết mừng tuổi mẹ đây. Trở về mình sẽ cố gắng làm thật nhiều, làm thuê làm mướn, khổ mấy cực mấy mình cũng chịu được để cùng chị Phố nuôi mẹ, mình sẽ không để cho mẹ khổ. Không biết anh Ba đang ở đâu, biết được chuyện này chắc ảnh sẽ vui lòng lắm... À, mà trước hết, chút xíu nữa đây chưa về nhà vội, mình sẽ đến nhà chị Mười, trao súng cho chị Mười, mình nói: “Chị ơi em xin vô đội thiếu niên. Đây là lá đơn tình nguyện của em!...”

Vừa đi vừa hớn hở nghĩ lộn xộn theo lối cóc nhảy như vậy, Lý đến nương dâu lúc nào không biết. Lý cúi xuống xách đôi dép Nhựt để đi cho nhanh. Đã lâu lắm, Lý mới lại đi đôi chân trần trên các nương dâu. Mặt đất ẩm ướt buổi sáng lạnh tê tê. Từ lòng đất ruộng đồng của làng xóm chuyển vào Lý sự tươi tỉnh lạ lùng, thức dậy những năm tháng lam lũ trên đồng ruộng. Lý đi băng qua các bãi dâu, để cho mấy cành dâu có những chồi non xanh nõn quệt những giọt nước trong veo, mát lạnh vào má. Khi Lý đi qua bến sông chỗ thường gánh hũ đi lấy nước. Mặt trời lên nhuộm đỏ cả dòng sông...

 

Viết ở Đại Lộc

      C.C.P

 
(1) Tốt, cảm ơn.
(1) Soan

Bài liên quan
  • BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhiên cất tiếng hát "Ơi chàng ơi chim có bạn có bầy, thuyền có bến có sông sao lại để em năm canh gối chiếc chăn đơn đợi chàng... "
  • HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Hai người bạn là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, in trong tập truyện ngắn Hạnh, Đời nay xuất bản năm 1940.
  • CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Vũ Bằng hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực báo chí từ những năm 1930-1940 khi tuổi đời còn rất trẻ. Ông là chủ bút tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy, thư ký tòa soạn tờ Trung Bắc Chủ Nhật khi mới hơn hai mươi tuổi. Khi Nhật-Pháp so kè với nhau chiếm nước ta, dưới áp lực kinh người của những kẻ xâm lược, Vũ Bằng vẫn giữ tư thế của tờ Trung Bắc Chủ Nhật là phục vụ người Việt, vì quốc gia dân tộc, khiến cả chính quyền Pháp và Nhật đều phải kiêng nể.  Trước 1945, Vũ Bằng nổi tiếng trong việc giúp đỡ các nhà văn khác cả tiền bạc lẫn kinh nghiệm viết lách. Rất nhiều nhà văn nhận những lời khuyên của Vũ Bằng sau này đều trở thành những nhà văn lớn của Việt Nam. Thế nhưng, một thời gian dài kể từ khi Vũ Bằng di cư vào Nam năm 1954, các tác phẩm của ông biến mất không còn dấu vết, không được nhắc tới trong nhà trường, bị đưa vào danh mục cấm do cái tiếng "dinh tê, về thành", nhà văn "quay lưng lại với Kháng chiến"... gây ra. Ông lâm trọng bệnh và mất ở TP. Hồ Chí Minh năm 1984 trong cảnh vô cùng túng thiếu. Mãi sau này, ông mới được minh oan rằng không phải ông quay lưng với kháng chiến mà là ông đã nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật trong giới trí thức nội thành từ năm 1952 và vào Nam năm 1954 theo lệnh của tổ chức. Tháng 3 năm 2000, Cục Chính trị thuộc Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có văn bản xác nhận nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo.
  • ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ hàng đầu của Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX, sức ảnh hưởng của Xuân Quỳnh lớn tới nỗi Google từng vinh danh bà trên trang chủ của họ vào năm 2019. Là nhà thơ nên tất nhiên bà nổi tiếng về thơ và hầu như khó tìm được ai không biết bài Thuyền và Biển của bà. Nhưng Xuân  Quỳnh cũng viết văn và viết rất nhiều truyện cho thiếu nhi, truyện Ông nội và ông ngoại dưới đây là một trong số đó.
  • LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Lời Nguyền là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, viết về quãng thời gian ông bị thực dân Pháp bắt tại Hà Nội (1941) và đưa lên giam giữ tại trại giam Vụ Bản, Châu Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình. Truyện được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc cuối cùng của nhà văn Khái Hưng. 
  • CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mưỡu Cuối được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1946, đặt làm Phần cuối và đem đi xuất bản ở Quốc Văn với tên Chùa Đàn. Với Tâm sự của nước độc, Nguyễn Tuân băng băng trèo lên đỉnh đèo văn, còn với Chùa Đàn, ông bồng bềnh trôi, chưa mỏi gối nhưng đã không còn đỉnh đèo nào để leo nữa.
  • CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần II của Chùa Đàn, được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1945 có tên Tâm sự của nước độc. Truyện có phần đề từ lấy trong Chữ Nhàn, một bài hát nói của Nguyễn Công Trứ; “Ai hay hát mà ai hay nghe hát”. Trong Chùa Đàn, truyện được sắp xếp thành phần II. Nhà văn Khái Hưng và một số nhà văn khác cho rằng, (việc) Nguyễn Tuân viết thêm Dựng và Mưỡu Cuối, đã làm hỏng mất sự toàn bích một tác phẩm tuyệt mỹ.
  • CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chùa Đàn được xem là tác phẩm hội tụ những gì tinh hoa nhất của nhà văn Nguyễn Tuân do Quốc Văn xuất bản năm 1946 tại Hà Nội. Chùa Đàn bắt đầu từ truyện ngắn Tâm sự của nước độc trong loạt truyện kinh dị Yêu Ngôn ông đăng trên các báo thời bấy giờ. Đến năm 1946, để phù hợp với diễn biến thời cuộc, ông viết thêm hai phần bổ sung, đặt làm phần Một và Ba, Tâm sự của nước độc trở thành phần Hai của tác phẩm.
    Dù là tác phẩm hay nhất của Nguyễn Tuân, nhưng Chùa Đàn đã bị đánh giá thấp do các yếu tốc ma quái kì dị đầy màu sắc tâm linh của nó. Kể từ lần in năm 1946 và sau đó được Tân Việt tái bản ở Sài Gòn* năm 1947, đến tận năm 1981, Chùa Đàn vẫn không được nhà xuất bản đưa vào tuyển tập của ông. Điều này đã khiến Nguyễn Tuân buồn bã đến nỗi; "Tôi tiếc cái Chùa Đàn quá. Họ cắt cái Chùa Đàn khỏi tuyển tập này, cũng giống như cắt cái gan ra khỏi bụng tôi".
    Đến năm 1999, Chùa Đàn mới được in trở lại trong tập Yêu Ngôn do nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh thực hiện. Ngày nay Chùa Đàn không những đã được xuất bản, mà còn được chuyển thể sang nhiều loại hình nghệ thuật khác như kịch nói, cải lương, phim điện ảnh. Ở mảng điện ảnh, Chùa Đàn được dựng thành bộ phim khá nổi tiếng Mê Thảo – thời vang bóng do đạo diễn Việt Linh thực hiện.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần cuối của Ngõ lỗ thủng, tác phẩm dựa trên những ký ức, sự kiện và nhân vật có thật của nhà văn Trung Trung Đỉnh, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ngõ lỗ thủng của Trung Trung Đỉnh dựa trên ký ức của những sự kiện, nhân vật có thật của chính nhà văn, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.