chan_dung-ke_si

KÒN TRÔ - Truyện ngắn Lý Văn Sâm

01-10-2023

Lượt xem 1296

Đánh giá 0 lượt đánh giá

Chia sẻ

  Lý Văn Sâm

KÒN TRÔ - Truyện ngắn Lý Văn Sâm

Nhà văn Lý Văn Sâm (1921-2000)

Chân Dung Kẻ Sĩ: Kòn Trô là truyện ngắn đầu tay của nhà văn Lý Văn Sâm viết năm 1941, in trên Tiểu thuyết thứ bảy năm 1942. Ông là người cuối cùng của làng văn viết truyện đường rừng thời Pháp thuộc, nhưng là nhà văn đầu tiên của Nam Bộ viết thể loại này và để lại dấu ấn sâu đậm.

 

Phụng dừng ngựa lại dưới chân một trái đồi nhỏ để tìm phương hướng. Nàng nhìn quanh mình, chỉ thấy rừng cây trùng điệp chìm trong bóng tối mênh mang và ngửa mặt lên cao cũng vẫn một vòm trời chót vót tối om như địa ngục.

Phụng bắt đầu thấy bối rối mặc dù xưa nay nàng vẫn có tiếng là gan góc. Nàng bắt loa tay hú dài một tiếng: rừng sâu đem tiếng vang trả lại cho nàng. Thất vọng, Phụng thở dài lẩm bẩm một mình:

- Bây giờ biết Lành và Đại ở đâu mà tìm? Hai anh ấy cũng đến lạc lối như ta thôi. Khổ quá! Đi săn mà gặp bước này thà ở nhà còn hơn!

Xa tít trong cái huyền bí của đêm rừng, mơ hồ có tiếng thác đổ. Phụng lắng tai nghe. Nàng nói một mình:

- Phải rồi. Thác Mu Mi cách đây không xa, mình cứ nghe ngóng và nhắm hướng thác đổ mà về thì đúng.

Nàng thúc ngựa đi mau qua đám đế 1 khô. Nhiều lần nàng bị những cành cây như những cánh tay lực lưỡng chìa ra, gạt nàng suýt té xuống ngựa. Mãi đến khi gà rừng cất tiếng gáy đầu tiên, Phụng thấy mình vẫn còn lạc lõng giữa thâm khuya. Nàng mân mê đốc dao găm giắt bên sườn, tự nhủ:

- Một liều, ba bảy cũng liều! Súng, thì Lành và Đại mỗi người mang một cây. Số mạng ta đành gởi vào ngọn khí giới cỏn con này vậy!

Phụng cúi ôm cổ ngựa, nằm dài trên mình nó, mặc cho nó muốn đưa đi đâu thì đưa. Tiếng thác đã tắt từ lâu không còn nghe rõ nữa...

° ° °

Phụng tỉnh lại, thấy mình đang nằm trên một chiếc giường tre lót nệm cỏ. Một người đàn ông khoanh tay im lặng bên giường nhìn nàng. Phụng nghe nơi trán mình ê ê liền đưa tay lên định xem xét. Người đàn ông, nãy giờ vẫn ngồi bên, ngăn tay nàng, lễ phép nói:

- Thưa bà, bà đừng cử động mạnh, máu ra nhiều... Bà để yên độ nửa giờ, ngải sẽ hàn bớt vết thương và ngăn không cho máu chảy ra nữa. Giờ, bà cứ nằm tĩnh dưỡng, đừng lo ngại gì hết!

- Nhưng, thưa ngài, - Phụng hỏi - tôi muốn biết hiện giờ tôi đang ở đâu?

Nàng vừa hỏi vừa đưa mắt nhìn người đàn ông từ đầu đến chân. Gã còn trẻ lắm. Mặt tròn, mắt sáng, đôi môi lúc nào cũng dành sẵn một nụ cười. Màu da ngâm ngâm đen, láng như đồng, tỏ rằng gã có rất nhiều sức mạnh. Gã mặc theo kiểu người đi săn: đầu đội nón vành lớn, chân đi ủng da đen. Trông gã oai nghi, hùng dũng lắm.

Gã biết Phụng đang tò mò nhìn, liền ngồi thẳng lên nhìn lại Phụng. Bốn luồng nhỡn tuyến vừa gặp nhau đã vội tránh nhau.

Nghe Phụng hỏi, gã mỉm cười, hỏi lại Phụng:

- Bà có nghe người ta nói đến tên Kòn Trô lần nào không?

Phụng ngạc nhiên, trả lời:

- Có! Tôi vừa tới đây đã nghe người ta nói ở vùng này có một tướng cướp lợi hại tên là Kòn Trô thường hay đón ô-tô du khách để đoạt tiền, hoặc bắt cóc người ta. Nhưng thưa ngài, tại sao ngài hỏi tôi câu ấy?

- Vậy thì bà hiện đang nằm trong đại trại của Kòn Trô.

Phụng đứng phắt lên, trợn mắt:

- Ngài là... Kòn Trô?

Người đàn ông cũng đứng lên theo, gật đầu:

- Vâng!

Phụng hãi hùng liếc nhìn quanh để tìm sự cầu cứu. Trước mắt nàng, Kòn Trô đứng chắn ngang như một pho tượng đá. Không kịp nghĩ ngợi, nàng nhảy tới một bước, rút dao găm đâm vào ngực Kòn Trô một nhát.

Kòn Trô né mình sang một bên, đưa hai tay ra đỡ. Phụng đang lỡ đà gần ngã sấp. Chàng nói với Phụng, giọng trách móc:

- Sao bà lại định giết tôi?

Cái tiếng nói nhẹ nhàng ấy làm dịu cơn hăng tiết của Phụng.

Nàng nói:

- Tôi không định hại ngài, nhưng mà... tôi cần phải nghĩ đến sự giải thoát, thưa ngài!

- À, ra chỉ có thế mà bà định đổi ơn làm oán. Tôi đem bà từ hố sâu lên, tìm ngải đắp vết thương cho bà tỉnh lại là sẽ đưa bà ra khỏi rừng này. Tôi có cầm bà ở đây đâu?

Phụng xem Kòn Trô không dữ tợn như người ta tưởng, nên lòng cũng bớt lo. Lại nghe chàng nói năng lịch thiệp, nàng không tin rằng con người ấy lại là một kẻ đã từng cướp của giết người.

Thấy Phụng ra chiều tư lự, Kòn Trô nói với nàng:

- Bà hãy yên lòng đừng nghĩ xa xôi gì hết. Tùy bà muốn đi lúc nào cũng được, hay bà ở đây, tôi cũng sẵn sàng tiếp đãi bà như một quý khách. Bây giờ xin mời bà ra trại ngoài dùng bữa sáng rồi tôi sẽ đưa bà đi viếng những vùng quanh đây. Trong trại tôi, có rất nhiều ngựa tốt.

Phụng nghe ruột đói như cào, liền mạnh bạo bước theo Kòn Trô ra trại ngoài.

Ánh nắng một buổi hè, vàng tươi như một màu sơn mới, chan hòa khắp cảnh lâm tuyền.

° ° °

Hai con ngựa song song đi bước một trên triền đồi.

Phụng hỏi Kòn Trô:

- Núi này là núi gì?

- Núi Klìu-bo (cọp trắng) hay Bạch Hổ sơn cũng thế. Bà trông nó có giống hình một con cọp ngồi rình mồi không?

Phụng gật đầu, nói với Kòn Trô:

- Ta lên đồi chơi.

Hai người xuống ngựa, trèo lên đồi. Lên tới đỉnh, Phụng mệt ngất, tựa vào một thân cây. Kòn Trô lấy nón quạt mát cho Phụng.

Ve sầu kêu ra rả trên các ngọn cây cao. Tiếng chim vui ca trong nắng hạ.

Phụng chóa mắt nhìn khắp bốn phía. Hơn sáu chục cái nhà sàn giống nhau vây tròn lấy trái núi.

Kòn Trô nói với Phụng:

- Bọn thủ hạ của tôi hơn một trăm người đều sống chung với nhau trong những căn trại ấy. Họ toàn là người Châu Mạ (Tcau-ma) 2 gan dạ và đanh thép. Tôi dùng họ rất được việc mà họ rất trung thành với tôi. Tôi bảo chết, họ chết. Tôi bảo sống, họ sống. Họ thương tôi và kính trọng như cha.

Bà nghĩ còn lòng thương nào khăng khít hơn lòng thương của những kẻ vô gia cư, không cha, không mẹ, thân thế và cuộc đời gần giống in nhau, không cần phải cắt máu ăn thề mà họ cũng ăn ở với nhau một niềm chung thủy. Ấy cũng bởi sự chung đụng lâu năm nó gây cho họ tình đoàn kết bền bỉ, không ai có thể cắt đứt được. Ở đây, không có sự phản bội, không có sự man trá, không có sự ghen tị, nó làm cho người ta phải cực lòng lo nghĩ vì nhau. Tâm hồn họ đã hòa chung cùng cỏ cây hoang dại.

Phụng ngắt lời:

- Nhưng sao tên ngài lại là Kòn Trô?

Kòn Trô cười:

- À! Cái đó lại khác. Nguyên bản dân Tcau-ma thấy tôi khỏe và gan lì, nên gọi tôi là Kòn Trô. Kòn là con, Trô là ông trời, nghĩa là con của trời sinh ra không sợ gì hết.

Phụng mỉm cười, nhìn Kòn Trô:

- Còn tên thật của ngài?

Kòn Trô nhíu mày, thở ra:

- Bà hỏi đến tên tôi tức là bà muốn tôi nhắc lại cái quá khứ đẫm máu mà vì nó ngày nay tôi phải chịu sống lẩn lút cùng cỏ cây hoang vu, xa lánh hẳn loài người. Bao nhiêu lạc thú êm đềm của tuổi trẻ, bao nhiêu hoài bão của một trái tim thiếu tráng 3 đành chôn trong góc núi, xó rừng này.

Phụng thương hại, hỏi:

- Ngài có thể nào cho tôi nghe cái dĩ vãng kia, không?

Kòn Trô xua tay:

- Thưa bà, tôi xin bà điều ấy. Cái dĩ vãng của một tên cướp có gì là đẹp đẽ?

Hai người im lặng, nhìn xuống ruộng ngô rải rác quanh đồi. Kòn Trô chỉ một nhóm người dân tộc đang lúi húi dưới những nương khoai xanh và nói với Phụng:

- Bà coi! Bọn chúng tôi trồng khoai, cây lúa, gieo bắp, gây riêng một thế giới phóng khoáng, xa hẳn gió bụi chốn thị thành. Chỉ vì một năm gạo thua, lúa kém, chúng tôi mới phải ép lòng đón người giật của và cướp kho lương của ông đồn, tại đây. Từ đó, tiếng tăm Kòn Trô nổi dậy một vùng. Nhưng chúng tôi chỉ bạo động trong một năm ấy thôi, rồi thì cải ác, tùng thiện, trở về chốn cũ, cầm lại cái cày, quơ lại cái cuốc, sống một cuộc đời lương thiện như những kẻ nông dân. Thỉnh thoảng, chúng tôi lại bị bao vây nhưng vì không thuộc đường lối nên trăm người vào đây, khó mà trở về cho đủ. Cuộc đời tôi, từ đó càng ngày càng nặng tội, càng ngày càng lem luốc, càng ngày càng xa nhân loại. Người đời cho bọn tôi là một lũ quỷ sống, uống máu người không tanh...

Có tiếng mõ tre nổi dậy từ trại này qua trại khác.

Phụng hỏi Kòn Trô:

- Họ làm gì vậy?

Kòn Trô giảng:

- Bọn Mọi 4 đánh mõ gọi nhau về cho đủ mặt để ăn cơm trưa.

Phụng lại hỏi:

- Bao giờ thì Kòn Trô đưa tôi về?

- Lát nữa tôi sẽ đưa bà ra khỏi nơi này. Hiện tôi đã cho người sửa soạn thắng yên cương hai con tuấn mã sung sức nhất và đem theo đồ ăn đường. Sáng ngày mai chúng ta sẽ tới thác Mu Mi.

Có tiếng gà gáy trưa nghe buồn rời rợi 5 . Hai người lặng lẽ xuống đồi.

Kòn Trô nói với Phụng:

- Bà có thể cho biết quý danh không?

Phụng vui vẻ:

- Thể Phụng là tên tôi!

Kòn Trô lẩm bẩm:

- Thể Phụng! Thể Phụng, cái tên đẹp quá...

Rồi gã hỏi luôn Phụng:

- Chắc có lẽ ông nhà đang trông bà lắm!

Phụng cải chính:

- Tôi chưa có chồng. Tôi có hai người bạn trai đi theo tôi, nhưng hồi hôm này, chúng tôi đã lạc nhau. Bây giờ, có lẽ họ đang nóng ruột chờ tôi lắm.

Kòn Trô khen:

- Thảo nào trông bà còn trẻ quá.

- Kòn Trô, anh nên gọi tôi bằng cô hay bằng em là hơn. Chúng ta còn trẻ, không nên xưng hô khách sáo như vậy.

Kòn Trô thấy lòng mình nhẹ nhàng như mọc cánh. Đã năm năm nay mới có cơn gió mát thổi qua vườn lòng cằn cỗi của chàng.

° ° °

Nắng đã tắt từ lâu mà trời vẫn còn oi bức. Mặt trời khuất lần sau ngọn Klìu-bo. Bóng tối bắt đầu bao trùm sự vật; đứng gần nhau không trông rõ mặt người.

Kòn Trô nắm tay Thể Phụng dẫn ra sân. Có tiếng ngựa hí lẫn trong tiếng người líu lo trò chuyện. Có tiếng sắt và thép va chạm vào nhau. Người ta đang sửa soạn cho một cuộc viễn trình 6 .

Kòn Trô quát to:

- Sụt tròi! (thắp đuốc chai lên).

Tức thì tám ngọn đuốc lóe ánh sáng đỏ rực, phả khói mù nghi ngút.

Kòn Trô rót một cốc rượu, mời Phụng:

- Cô uống một chén rượu rừng cho ấm bụng.

Phụng âu yếm nhìn gã mỉm cười:

- Anh làm như thể đưa tôi ra ngoài quan ải!

Kòn Trô buồn rầu nói với Phụng:

- Có cuộc tống biệt nào mà không làm bằng nước mắt mà có cảnh rẽ chia nào mà không có ly bôi? Cô uống chén rượu này gọi là chén rượu kỷ niệm buổi chia tay này vậy!

Phụng đỡ cốc rượu, uống một hơi cạn. Mặt nàng hồng hồng, đẹp như tranh vẽ.

Kòn Trô hỏi một tên Mọi đứng gần đó:

- Dòn ạ zầ? (Mấy giờ?).

- Prao zà! (Sáu giờ!).

Kòn Trô quay qua, bảo Phụng:

- Ta lên đường!

Hai người lên ngựa. Hai tên Mọi cầm đuốc đưa đường.

Ra khỏi trại, bốn người cho ngựa phi nước lớn.

Nửa giờ sau, họ đã tới trảng tranh.

Kòn Trô nói với Phụng:

- Truông này nhiều hổ lắm. Cô đi lên trước, để tôi giữ hậu cho.

Phụng nhìn Kòn Trô, mỉm cười tỏ vẻ cảm ơn.

Dưới ánh đuốc, chàng đẹp như những tay kỵ mã thời xưa.

Hết cây đuốc này, thay cây đuốc khác, đi quá nửa đêm thì tiếng thác Mu Mi đã nghe rõ.

Phụng nói:

- Tối hôm qua tôi cũng nghe tiếng thác đổ như đêm nay mà đi hoài không tới.

- Là vì cô không thuộc lối! Nhờ vậy mới có cuộc gặp gỡ hiếm có này; một cuộc kỳ ngộ đã đem lại cho lòng tôi biết bao cảm giác êm đềm...

Phụng thấy ngượng liền buông một câu hỏi bâng quơ:

- Kòn Trô ơi! Anh không nghĩ đến ngày quay về với cuộc đời lương thiện hay sao?

Kòn Trô buồn rầu không nói. Vẻ cảm động hiện rõ lên mặt. Lời nói của ai kia như thúc giục tấm lòng ham muốn trở lại với người đời.

Phụng lại hỏi:

- Anh định sống suốt đời ở đây, sao?

Kòn Trô thấp giọng:

- Loài người họ có tha tôi đâu mà mong trở về với họ. Vả, đối với pháp luật, tôi là một tên tử tù; con đường về, không bao giờ còn mở cửa nữa rồi!

Trời sắp sáng. Chim ngàn rộn rã lên đường.

Kòn Trô cho hai người Mọi trở về, còn mình thì theo Phụng tới thác Mu Mi.

Kòn Trô chỉ một ngọn suối chảy ngang trước mặt, nói với Phụng:

- Chúng ta cho ngựa xuống lội một quãng dài rồi lên đất. Làm thế cho lạc mất dấu ngựa của chúng ta. Lỡ có ai theo dấu cũng không đáng ngại.

Phụng khen:

- Anh cẩn thận và mưu lược lắm!

Hai con ngựa lội bì bõm dài theo dòng suối nhỏ. Gặp chỗ có nhiều đá, Phụng giật mình, mấy lần sắp ngã. Kòn Trô đưa tay đỡ nàng. Hai ngựa giao kề. Phụng nằm gọn trong cánh tay Kòn Trô. Nàng bẽn lẽn nói:

- Không có anh, em té xuống ngựa rồi còn gì!

Kòn Trô mạnh bạo:

- Anh cũng ao ước sao em ngã nhiều lần như thế để anh được nâng đỡ tấm thân ngà ngọc của em. Những ngày sống của anh chỉ có nghĩa trên đoạn đường này thôi.

Phụng làm thinh. Lòng nàng hiu hiu một cảm hoài nhè nhẹ. Nàng thấy mình chỉ thương hại Kòn Trô thôi. Tuy nhiên, nàng cũng an ủi chàng:

- Mùa hè năm sau, em sẽ tìm về đây thăm anh. Một năm có là bao!

Kòn Trô nhếch một nụ cười đau đớn:

- Chừng ấy, biết anh còn sống để chờ em không? Em nên nhớ rằng lúc nào anh cũng sống trong sự nguy hiểm. Người ta đã đánh giá mạng sống của anh rồi!

Hai người im lặng. Mỗi người theo đuổi một ý nghĩ riêng.

Tiếng thác đổ rầm rộ tưởng chừng như chuyển động cả trời đất.

Trời sáng dần. Gà rừng gáy khắp nơi, báo hết đêm dài. Hai người giật cương ngựa leo lên bờ suối.

Kòn Trô cảm giác như mình ngồi trên ngựa không vững nữa. Trời sáng mau quá. Kòn Trô không giữ được cảm động, ngùi ngùi ngâm lên như một người say rượu:

Mais je demande en vain quelques momments encore,

Je temps m'échappe et me fuit.

Je dis à cette nuit: "Sois plus lente" et l'aurore

Va dissiper la nuit... 7

Rồi chàng ngửa mặt lên trời, cười sằng sặc.

Phụng cảm động khuyên chàng:

- Anh nên can đảm lên! Người anh hùng không nên để lòng mình dễ rung động như vậy.

Kòn Trô vẫn cười sằng sặc. Ra khỏi cửa rừng, Phụng mừng rỡ:

- Thác Mu Mi kia rồi!

Dưới ánh bình minh lộng lẫy, hàng ngàn tấn nước từ ngọn sông cao đổ xuống vực sâu làm thành những tiếng động kinh hồn.

Phụng ghìm cương ngựa lại bên bờ thác. Nàng nhẹ nhàng nói với người bạn chung đường:

- Đã tới lúc chúng ta phải xa nhau, hẳn rồi!

Giọng nàng thấp mãi xuống vì cảm động.

Kòn Trô mỉm cười, từ giã:

- Thôi cô về! Đã đến lúc tôi không còn theo cô được nữa. Giờ thì cô... em lên đường bình an.

Phụng cúi đầu, không nói. Kòn Trô ngậm ngùi rằng:

- Rồi đây năm, tháng sẽ đi qua. Núi sẽ mòn. Sông sẽ cạn. Không có gì tồn tại dưới sức tàn phá âm thầm nhưng mãnh liệt của thời gian. Huống chi là một cuộc gặp gỡ ngắn ngủi của hai người tuổi trẻ. Người ta rất dễ quên nhau...

Phụng vẫn cúi mặt, im lời. Những loạt lá trổ đổ xuống ào ào phá tan sự im lặng giữa hai người.

Bỗng Phụng ngẩng mặt lên chăm chú nhìn Kòn Trô. Thiếu niên cảm giác như trái tim mình ngừng đập. Rút một chiếc khăn tay ở túi ra, rồi hái một đóa trang rừng gói vào trong, Phụng mỉm cười nhét vào tay Kòn Trô:

- Đây! Em chỉ có cái này làm kỷ niệm. Anh hãy giữ lấy nó, đừng làm mất, em bắt thường đó!...

Kòn Trô đưa hoa lên mũi. Chiếc khăn tay thoảng một mùi hương nhè nhẹ, thơm như mái tóc của giai nhân.

Lúc ấy đúng vào mùa hoa chai nở. Những cánh hoa li ti điểm trắng rừng xanh, lờ lờ như có một lớp tuyết phủ. Mặt trời đỏ chói, chồi lên sau ngọn Bạch Hổ sơn; rực rỡ như một vùng hào quang tỏa quanh đầu đức Phật...

Phụng ngước mắt nhìn trái núi. Ngọn Bạch Hổ sơn hình như cũng đang nhìn nàng. Phụng nói:

- Suốt đường về, mắt em sẽ không rời ngọn núi tri kỷ này!

Rồi nàng nắm tay Kòn Trô, nói nhỏ:

- Thôi, em đi!

Kòn Trô giữ bàn tay Phụng trong tay mình một lúc lâu. Sau cùng chàng nói:

- Em đi, kẻo muộn!

Phụng giục ngựa quay đi để giấu sự cảm động.

Bỗng Kòn Trô, gọi với theo:

- Thể Phụng!

Phụng dừng cương. Kòn Trô gượng cười, hỏi:

- Độ mấy giờ thì Phụng lên đường, về tỉnh?

- Xế chiều nay!

Kòn Trô đưa roi ngựa lên cao khỏi đầu, vẫy vẫy giọng luyến tiếc:

- Chúng ta sẽ gặp nhau một lần chót tại cây số 90, ở đầu dốc lớn. Anh sẽ đón em ở đó, ba giờ chiều nay!

Phụng gật đầu. Con ngựa trắng chồm cổ lên cao hí dài một hồi, rồi lao mình xuống triền hố...

° ° °

Bốn năm sau...

Có một cặp vợ chồng trẻ tuổi đến viếng thác Mu Mi đúng vào mùa trang nở. Bông trang rực rỡ nhuộm đỏ loáng rừng chạy dài theo hai bên bờ thác.

Cành chai điểm trắng những bông hoa non nhỏ li ti, trông xa như tuyết phủ.

Người vợ nắm tay chồng kéo ra bờ thác. Hai người đứng trên bờ đá cao nhìn xuống vực.

Những gộp đá khổng lồ, nằm gối lên nhau, bắt ngang con sông như một dãy trường kiều 8 . Từng khối nước nặng nề trôi băng băng từ bực cao xuống bực thấp, tung khói sóng mịt mù.

Thiếu phụ nói nhỏ vào tai chồng:

- Ghê quá, mình ơi!

Chồng chỉ rừng trang đỏ ối, âu yếm hỏi vợ:

- Em có thích những đóa hoa kia không? Trông chúng nó rực rỡ như màu áo của em!...

- Hoa gì vậy, mình?

- Trang rừng.

Thiếu phụ chau mày, lẩm nhẩm, lặp lại:

- Trang rừng! Trang rừng, những đóa hoa có sắc nhưng không hương...

Rồi như chợt nhớ ra điều gì, nàng giật mình chớp nhanh đôi mắt ướt. Lờ mờ trong dĩ vãng xa xăm, nàng mang máng sống lại cảnh "một đêm sương" của mùa hạ cũ. Hình ảnh người trẻ tuổi đã đưa nàng qua những tấm rừng dày về thác Mu Mi, bỗng hiện về trong trí nhớ. Niềm cảm xúc reo động trong quả tim non, sâu xa và thấm thía vô cùng. Có ai ngược về lối cũ của thời gian mà không thấy lòng mình bồi hồi rung động, khi dòng tư tưởng ngừng lại ở một quá khứ đầy kỷ niệm?

Thiếu phụ thì thầm:

- Kòn Trô!

Người chồng vội hỏi:

- Gì? Em mới nhắc tới hai tiếng Kòn Trô? Làm gì có Kòn Trô nữa mà sợ! Tên cướp rừng khét tiếng ấy đã bị người ta giết mất cách đây bốn năm, vào một buổi chiều mùa hạ...

Thiếu phụ nắm lấy vai chồng, thất sắc:

- Ai giết? Vì sao Kòn Trô lại bị giết?

Chồng trách vợ:

- Mình lạ quá! Cái chết của một kẻ cướp đã khiến mình quan tâm đến như thế kia, à?

Người vợ cười ngất:

- Ồ, lạ quá...

Nàng lau mấy giọt mồ hôi đọng trên trán: nơi ấy lờ mờ một vết thẹo nhỏ. Nàng quay mặt, giấu một tiếng thở dài nhè nhẹ... Nàng tươi cười dịu giọng với chồng:

- Em muốn biết người ta làm cách nào giết được Kòn Trô? Em nghe người ta nói nó giỏi võ và khỏe mạnh lắm kia, mà?

Chồng tát yêu vợ:

- Có vậy mà cũng nóng nảy! Thủng thỉnh anh kể chuyện cho mà nghe. Theo lời người ta thuật lại thì Kòn Trô chết vì một người con gái đến nghỉ hè tại đây.

Thiếu phụ biến sắc, cúi đầu.

Người chồng tiếp:

- Trong một cuộc đi săn lạc mất lối về, người nữ sinh ấy tình cờ lọt vào nội địa của Kòn Trô. Nó tiếp đãi nàng rất mực tử tế và sau cùng lại đưa nàng về thác Mu Mi. Vì quá nặng lòng trìu mến nàng, nó còn hẹn với nàng rằng nó sẽ theo và tiễn nàng một lần chót trên một đoạn đường về. Cũng bởi mạng nó đã cùn 9 nên mới khiến cô nữ sinh kia đem khoe chuyện ấy với hai người bạn học cùng lớp. Hai người kia lẻn đi báo tin cho ông đồn Châu Mạ hay...

Thiếu phụ rên lên một tiếng não nùng:

- Bây giờ... mình mới rõ.

- Mình nóng quá! Yên! Tôi nói cho mà nghe. Thế rồi, một nhân viên quản đồn và hai mươi người lính võ trang đầy đủ, ra mai phục ở ven rừng. Đúng mười lăm giờ, kém một khắc, Kòn Trô lững thững cỡi ngựa, ung dung đi vào giữa hai hàng súng. Một tiếng hô to. Hai mươi khẩu súng cùng nhả đạn, một lượt. Kòn Trô bị đạn khắp mình, máu me tuôn ướt áo.

Thiếu phụ rên rỉ:

- Trời ơi! Thế thì chết mất còn gì?

Người chồng lấy làm lạ, đăm đăm nhìn vợ. Thiếu phụ gượng giữ vẻ bình tĩnh vừa cười vừa hỏi chồng:

- Nó chết chưa, mình?

Chồng tiếp:

- Kòn Trô quả thật không thẹn với tên. Thật là một người anh hùng dũng mãnh. Tuy khắp người bị thương, nó cũng còn sức ngồi trở mặt ra phía đuôi ngựa, thốc chân một cái, con tuấn mã nhảy khỏi vòng vây. Con ngựa phi nước lớn. Nó ngồi trên mình con thú tinh khôn nhắm bắn ngã luôn năm người lính đồn rồi mới kiệt sức, rơi nhào xuống ngựa. Người ta xúm lại quanh nó. Nó nằm ngửa trên mặt lá ủ, mắt mở trừng trừng. Lúc người ta sắp khiêng nó đi thì nó xin nằm nán lại vài phút. Đến khi nghe tiếng kèn xe hơi của ai vọng lên ở xa xa, nó mỉm cười mấp máy đôi môi. Nó đưa chiếc khăn tay đàn bà cho ông đồn và ra hiệu biểu đắp dùm mặt nó. Đem Kòn Trô về đến đồn thì nó chết.

Thiếu phụ nghe xong, hỏi chồng:

- Ai kể cho mình nghe rành mạch như vậy?

- Anh đọc báo. Độ ấy mình không đọc thấy cái tin ấy sao?

- Không! Lâu quá, em quên mất. Vả, em sơ ý không hay đọc những tin tức đổ máu. Em sợ lắm. Em buồn lắm. Người ta cứ tìm cách giết hại nhau mãi...

Thiếu phụ ngước mặt lên. Núi Bạch Hổ đứng sững trong cõi mịt mù của khói ngàn xanh xám. Một miếng mây trắng quấn qua đầu đỉnh non xa như một bức khăn tang. Hình ảnh trái núi kia trải bao nhiêu năm cách biệt, vẫn còn nguyên vẹn như tấm lòng không thay đổi của một người tri kỷ.

Thiếu phụ chùi mắt, nói với chồng:

- Nắng hạ gay gắt quá làm em chói mắt, khó chịu. Mình coi đây! Nước mắt em cứ ràn rụa ra mãi thế này! Chúng ta vào nhà "thủy tạ" nghỉ một lát, đi mình!

Hai người quay đi.

Sau lưng họ, tiếng thác vẫn rền rĩ mãi không thôi như lời than khóc một nỗi hận dài...

Sông Bé, mùa nắng, năm 1941??

--------------------------------

1 Loại sậy mọc ở các ruộng bưng.
2 Bản Tân Việt 1946 viết: Tcau-Ma.
3 Sic. Cách dùng từ cổ, có nghĩa là "tráng sĩ thiếu niên". Bản của sách Ngàn sau, sông Dịch (NXB Trẻ, 1988), người tuyển chọn đã sửa thành thanh xuân. Trong nhiều tác phẩm Lý văn Sâm trước năm 1950, từ thiếu niên thường được dùng thay cho từ thanh niên. Phải chăng là cách dùng từ của thời bấy giờ?
4 Sic. Cách gọi đồng bào các dân tộc ít người trước đây. Bản 1988 đã sửa là: Người dân tộc. Chúng tôi giữ lại cách viết ban đầu của tác giả.
5 Bản Trẻ 1988: rười rượi.
6 Bản Trẻ 1988: chuyến đi xa.
7 Trong lần xuất bản đầu tiên, trên báo Tiểu thuyết thứ Bảy (năm 1942) và ở bản in năm 1949, đây là một đoạn trong bài thơ Le lac của Lamartine, viết bằng tiếng Pháp. Thế Phong dịch nghĩa: Thật vô ích quá đã thêm một vài khoảnh khắc / Thời gian thoắt đi, xa lánh tôi / Đêm nay tự nhủ: Hãy chầm chậm hơn nữa... và bình minh sẽ hiện ra.

 

Lần tái bản năm 1988, trong tập Ngàn sau sông Dịch, đoạn thơ trên đã được thay thế bằng câu thơ lục bát, không rõ của ai?
Đêm nay còn của đôi ta
Ngày mai ngã bảy, ngã ba đường đời
Chúng tôi giữ lại theo bản in lần đầu của tác giả, vì chi tiết này giúp bạn đọc hiểu về Kòn Trô đúng hơn.

8 Bản Trẻ 1988: cầu dài.
9 Bản Trẻ 1988: cùng.

Bài liên quan
  • BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhiên cất tiếng hát "Ơi chàng ơi chim có bạn có bầy, thuyền có bến có sông sao lại để em năm canh gối chiếc chăn đơn đợi chàng... "
  • HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Hai người bạn là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, in trong tập truyện ngắn Hạnh, Đời nay xuất bản năm 1940.
  • CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Vũ Bằng hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực báo chí từ những năm 1930-1940 khi tuổi đời còn rất trẻ. Ông là chủ bút tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy, thư ký tòa soạn tờ Trung Bắc Chủ Nhật khi mới hơn hai mươi tuổi. Khi Nhật-Pháp so kè với nhau chiếm nước ta, dưới áp lực kinh người của những kẻ xâm lược, Vũ Bằng vẫn giữ tư thế của tờ Trung Bắc Chủ Nhật là phục vụ người Việt, vì quốc gia dân tộc, khiến cả chính quyền Pháp và Nhật đều phải kiêng nể.  Trước 1945, Vũ Bằng nổi tiếng trong việc giúp đỡ các nhà văn khác cả tiền bạc lẫn kinh nghiệm viết lách. Rất nhiều nhà văn nhận những lời khuyên của Vũ Bằng sau này đều trở thành những nhà văn lớn của Việt Nam. Thế nhưng, một thời gian dài kể từ khi Vũ Bằng di cư vào Nam năm 1954, các tác phẩm của ông biến mất không còn dấu vết, không được nhắc tới trong nhà trường, bị đưa vào danh mục cấm do cái tiếng "dinh tê, về thành", nhà văn "quay lưng lại với Kháng chiến"... gây ra. Ông lâm trọng bệnh và mất ở TP. Hồ Chí Minh năm 1984 trong cảnh vô cùng túng thiếu. Mãi sau này, ông mới được minh oan rằng không phải ông quay lưng với kháng chiến mà là ông đã nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật trong giới trí thức nội thành từ năm 1952 và vào Nam năm 1954 theo lệnh của tổ chức. Tháng 3 năm 2000, Cục Chính trị thuộc Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có văn bản xác nhận nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo.
  • ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ hàng đầu của Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX, sức ảnh hưởng của Xuân Quỳnh lớn tới nỗi Google từng vinh danh bà trên trang chủ của họ vào năm 2019. Là nhà thơ nên tất nhiên bà nổi tiếng về thơ và hầu như khó tìm được ai không biết bài Thuyền và Biển của bà. Nhưng Xuân  Quỳnh cũng viết văn và viết rất nhiều truyện cho thiếu nhi, truyện Ông nội và ông ngoại dưới đây là một trong số đó.
  • LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Lời Nguyền là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, viết về quãng thời gian ông bị thực dân Pháp bắt tại Hà Nội (1941) và đưa lên giam giữ tại trại giam Vụ Bản, Châu Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình. Truyện được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc cuối cùng của nhà văn Khái Hưng. 
  • CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mưỡu Cuối được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1946, đặt làm Phần cuối và đem đi xuất bản ở Quốc Văn với tên Chùa Đàn. Với Tâm sự của nước độc, Nguyễn Tuân băng băng trèo lên đỉnh đèo văn, còn với Chùa Đàn, ông bồng bềnh trôi, chưa mỏi gối nhưng đã không còn đỉnh đèo nào để leo nữa.
  • CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần II của Chùa Đàn, được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1945 có tên Tâm sự của nước độc. Truyện có phần đề từ lấy trong Chữ Nhàn, một bài hát nói của Nguyễn Công Trứ; “Ai hay hát mà ai hay nghe hát”. Trong Chùa Đàn, truyện được sắp xếp thành phần II. Nhà văn Khái Hưng và một số nhà văn khác cho rằng, (việc) Nguyễn Tuân viết thêm Dựng và Mưỡu Cuối, đã làm hỏng mất sự toàn bích một tác phẩm tuyệt mỹ.
  • CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chùa Đàn được xem là tác phẩm hội tụ những gì tinh hoa nhất của nhà văn Nguyễn Tuân do Quốc Văn xuất bản năm 1946 tại Hà Nội. Chùa Đàn bắt đầu từ truyện ngắn Tâm sự của nước độc trong loạt truyện kinh dị Yêu Ngôn ông đăng trên các báo thời bấy giờ. Đến năm 1946, để phù hợp với diễn biến thời cuộc, ông viết thêm hai phần bổ sung, đặt làm phần Một và Ba, Tâm sự của nước độc trở thành phần Hai của tác phẩm.
    Dù là tác phẩm hay nhất của Nguyễn Tuân, nhưng Chùa Đàn đã bị đánh giá thấp do các yếu tốc ma quái kì dị đầy màu sắc tâm linh của nó. Kể từ lần in năm 1946 và sau đó được Tân Việt tái bản ở Sài Gòn* năm 1947, đến tận năm 1981, Chùa Đàn vẫn không được nhà xuất bản đưa vào tuyển tập của ông. Điều này đã khiến Nguyễn Tuân buồn bã đến nỗi; "Tôi tiếc cái Chùa Đàn quá. Họ cắt cái Chùa Đàn khỏi tuyển tập này, cũng giống như cắt cái gan ra khỏi bụng tôi".
    Đến năm 1999, Chùa Đàn mới được in trở lại trong tập Yêu Ngôn do nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh thực hiện. Ngày nay Chùa Đàn không những đã được xuất bản, mà còn được chuyển thể sang nhiều loại hình nghệ thuật khác như kịch nói, cải lương, phim điện ảnh. Ở mảng điện ảnh, Chùa Đàn được dựng thành bộ phim khá nổi tiếng Mê Thảo – thời vang bóng do đạo diễn Việt Linh thực hiện.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần cuối của Ngõ lỗ thủng, tác phẩm dựa trên những ký ức, sự kiện và nhân vật có thật của nhà văn Trung Trung Đỉnh, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ngõ lỗ thủng của Trung Trung Đỉnh dựa trên ký ức của những sự kiện, nhân vật có thật của chính nhà văn, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.