chan_dung-ke_si

KIỀU NƯƠNG - Truyện ngắn Ngô Khắc Tài

05-07-2023

Lượt xem 925

Đánh giá 0 lượt đánh giá

Chia sẻ

  truyện ngắn hay Ngô Khắc Tài

KIỀU NƯƠNG - Truyện ngắn Ngô Khắc Tài

Nhà văn Ngô Khắc Tài

   Ngôi nhà với những cửa sổ vòm cung, hiện đại pha trộn chút cổ kính mốt thời thượng, sơn trắng toát từ trong ra ngoài. Chủ nhân cũng sơn phết mình nhưng tương phản với căn nhà về mầu sắc, ông ánh nhuộm lại mái tóc đen bóng. Ông ánh có thể lên truyền hình quảng cáo cho thuốc nhuộm tóc hiệu con Công được: Rằng thuốc giúp các bạn qua thời gian nhưng các bạn phải siêng, hãng không chịu trách nhiệm mái tóc nào nửa đen nửa vàng.

*   *   *

  Ông ánh đến tuổi chú bác nên nàng luôn bực dọc, gắt gỏng, nàng chưa bao giờ gọi ông ánh bằng anh, gọi bằng ông nghe dễ chịu hơn. Gia đình nàng khuyên nhủ, dù sao ông ánh là người ơn giúp ba nàng trả nợ để khỏi lâm vào tù tội. Hơn nữa ông ánh ra hợp đồng nàng chỉ cần hủ hỉ với ông vài năm cuối đời sẽ được hưởng phần gia tài không nhỏ, nếu các con ở nước ngoài không về tranh chấp nàng sẽ hưởng trọn. Ngược lại cứ mỗi năm chung sống ông cũng tính toán sòng phẳng cho nàng, rồi nhân lên. Bản hợp đồng quái quỷ mua đứt luôn tuổi trẻ của nàng, nàng vừa bực, vừa sợ. Trong khi nàng trở chứng nết, ông ánh lại nhẫn nại dịu dàng không chịu nổi. Dường như ông bằng lòng cái mình có, gọi ông bằng gì cũng được, tiếng anh cũng không no béo. Ông cũng viết thư cho các con: các con đã kêu ba lấy vợ, ba đã nghe lời. Các con đừng lo lắng, dì là người có học đàng hoàng, săn sóc ba chu đáo. Sao lại có thể như vậy được? Tình cờ đọc lén lá thư chưa kịp gởi có nội dung mèo đẻ ra trứng, nàng có cảm tưởng bị chọc tức thay vì bằng lòng. Biết làm sao bỏ được thói quen hành hạ kẻ khác đã thành nếp? Nàng ở tuốt trên sân thượng gọi vọng xuống dưới cho ông ánh mang lên ly nước cam vắt, rồi trở xuống mua tờ báo, ông ánh càng được sai khiến, càng thấy vui vẻ khiến nàng thêm khó chịu. Nàng kêu ly nước cam nhưng không uống, cục nước đá tan ra. Lớp rêu khô nằm giữa những viên gạch tàu nhờ vậy được tươi tỉnh ra. Coi như nàng tưới nước cho rêu, ông ánh vẫn thơn thớt miệng lưỡi: "Kìa cưng, sao không uống, cam loãng mất rồi, anh làm ly khác nghe, ly này để anh uống. Nàng hờ hững làm như không chú ý, nghe như gió thoảng ngoài tai, nhưng hơi thở già nua của ông nó lại nhẹ nhõm. Ông ánh kìm hãm, hay là ông đạt tới trình độ nội công thượng thừa biết điều hòa hơi thở? Từ dưới nhà lên sân thượng có tám chục nấc thang, mỗi lần nàng đi lên sân phơi quần áo phải đứng thở dốc một lúc huống gì ông ánh đi lên, đi xuống rồi đi lên đúng ba lần. Nàng nhớ đọc đâu đó trong sách, các triết gia Ðông Tây kim cổ đã thống nhất ý kiến: "Ai đánh người ta như đánh ông già nó, kẻ đó sẽ bị bội thực, táo bón vì chính thức ăn của mình đã dọn cho người nhưng người không nhận". Bỗng dưng nàng đâm ra sờ sợ, có cảm giác ông ngày một trẻ ra và nàng như già thêm vì không đẹp bằng Tây Thi mà thêm nhăn nhó suốt ngày. Vài năm cuối đời của ông ánh kéo dài tới đâu...

*   *   *

   Ông ánh tỉnh queo như kịch sĩ tài ba, cuộc đời xung quanh lại không khác sân khấu. Thay vì hỏi: "Ông ánh đã hết xí quách chưa", lại đổi thành: "Ông vẫn mạnh giỏi". Tại sao nàng lại thua kém? Hay là mỗi lần cảm thấy bực dọc nàng sẽ vào quán ăn thưởng thức đủ món Tây Tàu, ăn cho quên, trở về yêu ông hơn. Rất nhiều phương thức để nàng trị bịnh bất bình thường nhưng tai hại ở chỗ người ta đã nâng thành cuốn từ điển tra ngược. ở tỉnh lẻ, chín giờ tối đường phố đã thưa người như chỉ còn có tiếng mõ rao người sực tắt. Hồng Loan là cô bạn gái còn sót lại của buổi thiếu thời. Bạn nói: "Mầy là chuột sa hũ nếp". Nàng nghe ra: "Mầy là bông hoa lài cắm bãi cứt trâu". Tới lượt bà cô thương đứa cháu gái hy sinh vì gia đình nên ai ủi: "Con là Huyền Trân đổi lấy hai châu Ô, Lý". Nàng gạt phắt bàn tay bà cô xuống. Nàng biết phản xạ của nàng lúc sai, lúc đúng, biết đâu Hồng Loan cũng ước một miếng dai dai cỡ ông ánh nên nói thực tình. Nhưng ai giận, nàng xin chịu. Nàng đã ăn một buổi tiệc do đời dọn gồm đủ vị ngọt, cay, chua, thừa chất béo lại thiếu vị chát... Nàng gặp lại Quảng đi đâu không biết tung tích và nàng ngã người vào người tình không phải việc tình cờ, Quảng vuốt ve mái tóc nàng như vuốt đầu em nhỏ, thủ thỉ:

   - Em là Kiều Nương bán mình chuộc cha.

   Bỗng nàng như gặp lại vật cũ đã đánh mất, mặc dù cái kiểu nói bất cần sắp xếp văn tự cho bùi tai, cứ trực chỉ trái tim đen xì xì của Quảng. Kiểu nói mà những ngày còn đi học nàng với bạn bè rất ghét! Tuy nhiên nàng vẫn có cảm giác giống điện giật. Nàng đã hai lần bị điện giật. Một lần nàng mở cái tủ lạnh hư. Một lần nàng đi châm cứu với cây kim điện... Và lần này nàng nép trong vòng tay khỏe mạnh của Quảng. Nàng không còn bất động hóa thân một vật nào khác như bộ ghế trường kỷ, bộ đồ trà thời Khang Hy, những món mà ông ánh quý như trong vòng tay mà da bắt đầu trổ mồi của ông. Lúc này nàng là nàng, nàng giống con vịt xuống nước, dòng nước chảy xiết cuốn trôi quện mất lối về bến cũ...

   Bỗng nhiễn nàng thành kẻ đa hệ. Một bên ông ánh mềm mại bao nhiêu, một bên là Quảng rắn rỏi (bộ râu nhám như rễ tre) bấy nhiêu. Ðiều nàng sợ nhất là dối trá ngay chính mình là thứ khi yêu người ta vẫn hay mắc phải. Nàng tự hỏi, Quảng có gì quyến rũ với thế giới của mình. Ðấy là trại nuôi trẻ em mồ côi lang thang...

   Thiếu thốn trần trụi. Khoảnh sân không bóng cây che, giếng bơm nước kêu kẽo kẹt. Căn nhà lợp tôn buổi trưa nắng hầm hập, nóng như mê. Ðồ vật cũ kỹ, bàn ghế đủ mầu, đủ kiểu như lượm đây đó về ráp lại thành bộ. Máy truyền hình đen trắng cũng khác người, phải giơ tay đấm mạnh mới phát hình. Gần ba chục đức trẻ chen nhau sống như cỏ cây bởi trại không có nội quy. Không quy định giờ ngủ. Không được ai dọn cơm, nghe tiếng kẻng chúng tự động xách chén xuống nhà bếp lấy thức ăn ra chia cho nhau. Nàng rơi vào hoàn cảnh khác người, tới đây lại gặp cái không giống ai, lần đầu tiên nàng đâm bối rối. Nhưng sau đó nàng nhận ra, đời tuy không dồn ép nhưng những kẻ hơi khác người, người vô hình bị đẩy lùi vào một góc đâu đó. Quảng thật là hay khi đã thoát ra được và sáng lập cõi riêng cho mình. Có phải người ta tuy vẫn ăn, vẫn hít thở không khí, vẫn luôn mơ một cõi riêng tư giữa cõi đời phù du để ca nghêu ngao, để tự do múa may, nhưng mấy ai có được, mặc dù thừa phương tiện hơn Quảng nhiều? Mọi thứ trong trại mồ côi rõ ràng đều được đóng dấu made Quảng, không phải ở chỗ cỏ cây không có quy luật. Buổi sáng lũ trẻ thức dậy trễ sẽ bị mất phần cơm. Trong lúc đang ăn, hai đứa đánh nhau dành phần, đám nhỏ sẽ bị phạt. Và Quảng vui nhộn, tỏ ra có máu khôi hài cao độ, nhưng không thể cười được, đứa kia được dẫn ra sân cho gặp một thằng lớn hơn. "Nào, đánh lộn giỏi quá hé, tiếp tục đánh nữa đi em". Quảng ra lệnh, không ngờ cái gọi là các đứa trẻ tủi thân lạ lùng sao, những đứa trẻ lại như được an ủi, sống mạnh dạn!

   Ông ánh chính là người thành công  trên đường đời, từ lơ xe đò, bốn mươi tuổi ông đã có trong tay một gia tài kếch xù, cuối cùng ông đã mua được nàng. Ông thật khó hình dung những kẻ lội dòng nước ngược, Quảng học xong thay vì xin vô một xí nghiệp dược lại đi học thêm nghề bốc thuốc nam phục vụ cho một tổ bốc thuốc từ thiện, rồi Quảng lập ra trại nuôi trẻ mồ côi này. Nhân viên phục vụ trại toàn dân tình  nguyện không hưởng lương bổng, họ tự túc nuôi sống nhờ miếng ruộng và miếng đất trồng ra nằm phía sau trại. Không một ai bị ràng buộc bởi hợp đồng như nàng, ngoài hợp đồng với chính mình. Và  ông ánh cũng khó tưởng tượng tiền bạc của ông được nàng mang tới phục vụ cho sự nghiệp người khác. Nhận được tiền thay vì cảm ơn, Quảng chỉ nheo nhéo mắt nhìn nàng, rồi nhe răng cười:

   - Kiều Nương ơi! Kiếp này em  phải chịu mười lăm năm đoạn trường!

   - Còn anh, Từ Hải rời khỏi việc mình làm sẽ bị chết đứng.

    Riết rồi Quảng ăn nói quá trớn, lần nào cũng chọc nàng tức anh ách. Sống gần như ba trợn, trước sau cũng trở thành ba trợn. Gần Quảng, nàng bị lây thói nói điều gở...

   Lúc còn chế độ quân quản, một phiên Tòa nhân dân đã mở ra ở phường để xử chị đàn bà chủ quán phạm tội ngoại tình, đem tiền cho trai. Không hiểu sao câu chuyện đã mười tám năm qua nàng vẫn nhớ nó như in. Hay là nàng có chứa sẵn mầm phạm tội trong người, nên nàng không quên?

   Nhìn chị đàn bà có dáng đi uốn éo giống như rắn lượn, vừa bước ra, mọi người tham dự phiên tòa đã thấy ghét, tất cả đồng thanh rủa: "Ðồ mình xà". Khi cán bộ pháp luật hỏi ý kiến, lập tức bên dưới nhao nhao lên, một người đàn ông phát biểu: "Tội này theo tôi ngày xưa bị xử đóng bè chuối thả trôi sông". Chị khác chắc rất ghiền đọc sách chưởng, hăng hái đứng dậy: "Tội này phải hỏa thiêu Hồng Liên Tự". Anh cán bộ miền bắc lúng túng không biết hỏa thiêu Hồng Liên Tự là thế nào, lập tức bên dưới có nhiều tiếng hét: "Là tẩm dầu đốt". Không khí phòng xử ồn ào hăng hái đưa người vô chỗ chết. Bỗng nhiên chị đàn bà quay xuống nhìn phía dưới: "Thôi bà con cô bác, anh chị em ơi, hôm nay thì tôi rơi vào nỗi này, ngày mai sẽ tới lượt chị em". Tất cả vụt im lặng. Ðang hăng hái, người ta đột nhiên cụt hứng, rồi tất cả bỗng đâm ra phẫn nộ thật sự, nổ ra những tiếng vỗ bàn, giậm chân, tiếng chửi: "Con đĩ, con ngựa, có ai giống mày, ai ngu như mày vậy", phòng xử đâm ra mất trật tự, anh cán bộ lắc chuông, mãi năm phút sau mới ổn định.

   Trong thâm tâm, nàng không hề nghĩ mình đã ngoại tình, Hồng Loan nghe nàng nói chắc che miệng cười. Cô ơi, người ta ngọ nguậy từ trong tâm dẫn tới ngoài bàn tay ám khí u mê, mấy ai chịu nhận mình quấy. Nhưng mà Hồng Loan, người đời cười như thế nào đây? Nụ  cười mỉa xưa nay vẫn tự giễu mình. Nhờ ngoại tình nàng trở nên dễ chịu, ngoan ngoãn khi trở về nhà. Quên nàng chưa nói hết, ông ánh là đệ tử của ông đạo vuốt nên rất thích rờ rẫm. Nhiều lúc con chó vàng Bắc Kinh nằm dưới chân bàn kêu ăng ẳng như ganh tỵ. Ông lại có thêm tật: lúc ăn uống hay gõ chén kêu keng keng khiến nàng rất gớm ghiếc. Nhưng giờ đây nàng tỏ ra độ lượng, ngồi yên. Nàng đã cho ông phút giây hạnh phúc, khi nàng mua cho ông một thang thuốc bổ để ông uống một cách công khai không giấu giếm nàng như trước đó. Nàng thích thú khi nhìn gương mặt ông lộ rõ vẻ xúc động. Nhưng phút giây hạnh phúc ngắn ngủi ấy vẫn không bù được những lúc nàng bực dọc, gắt gỏng (chẳng qua là mưu kế làm cho ông chán nản để nàng đi ra khỏi nhà một mình tự do tìm đến Quảng). Một hôm nàng bối rối:

   - Tại sao ông chịu đựng được con nhỏ trái tính nết như tôi?

   - Tại tôi thương em!

   - Tôi làm bộ gắt gỏng với ông thôi.

   - Không cần biết, tôi thương em.

   - Tôi đi với bồ, ông giả bộ không biết nữa sao?

   - Em đừng nói chơi, tôi thương em.

   Ông ánh nhẫn nại, dịu dàng đến độ nàng không chịu nổi. Nàng muốn kêu trời một tiếng, rằng ông già hay trẻ? Dù cho trời già hay là trẻ, sự cay nghiệt của tuổi già với sự tinh nghịch của tuổi trẻ đều gây cho nàng sự khó chịu như nhau. Ông đã và sẽ chứng minh cho nàng là ông còn sống rất dai, hơn mười lăm năm con số mà Quảng đã dự trù cho cuộc đời Kiều Nương. Nhưng ai lại có thể hạn định được cuộc đời của người khác, trừ người trong cuộc. Nàng tự quyết định lấy cuộc hôn nhân giống như đôi đũa lệch so không đều. Năm năm thôi. Năm năm đã quá đủ để nàng trả món nợ hộ gia đình, món nợ ân tình của ông chồng già. Nếu nàng tiếp tục sống mòn, trái tim lúc nửa đêm về sáng của nàng sẽ vỡ ra. Cả ba người là nàng, ông ánh, Quảng lập tức trở thành lố bịch. Về chuyện tiền bạc, nàng đã đem tiền của ông ánh cho sự nghiệp Quảng, nàng khó lòng bào chữa, ông ánh không bao giờ tin, dư luận không bao giờ tin một con nhỏ như nàng. Tất cả, ngay cả Tòa án cũng chỉ căn cứ vào hiện tượng bên ngoài, không thể đi sâu bên trong mọi bí ẩn cuộc sống sẽ như dòng thác vỡ òa khi nàng đã đi đứt cả một số tiền không nhỏ của ông ánh. Và, ông hoàn toàn bất ngờ khi tìm thấy nó dưới tên tuổi của mình: Ông Dương Hoàng ánh trong quyển sổ vàng ở trại mồ côi! Nàng hỗ trợ cho Quảng chỉ-vì-có-những-việc-nàng-không-thể-làm-được, với cá nhân của Quảng là hai việc hoàn toàn khác nhau.

   Xa khỏi nhà ông ánh, với cái túi rỗng, nàng sẽ đi về đâu, nàng cũng chưa biết, nhưng trước hay sau nàng cũng tìm được đâu đó một cõi riêng của nàng.

Bài liên quan
  • BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhiên cất tiếng hát "Ơi chàng ơi chim có bạn có bầy, thuyền có bến có sông sao lại để em năm canh gối chiếc chăn đơn đợi chàng... "
  • HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Hai người bạn là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, in trong tập truyện ngắn Hạnh, Đời nay xuất bản năm 1940.
  • CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Vũ Bằng hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực báo chí từ những năm 1930-1940 khi tuổi đời còn rất trẻ. Ông là chủ bút tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy, thư ký tòa soạn tờ Trung Bắc Chủ Nhật khi mới hơn hai mươi tuổi. Khi Nhật-Pháp so kè với nhau chiếm nước ta, dưới áp lực kinh người của những kẻ xâm lược, Vũ Bằng vẫn giữ tư thế của tờ Trung Bắc Chủ Nhật là phục vụ người Việt, vì quốc gia dân tộc, khiến cả chính quyền Pháp và Nhật đều phải kiêng nể.  Trước 1945, Vũ Bằng nổi tiếng trong việc giúp đỡ các nhà văn khác cả tiền bạc lẫn kinh nghiệm viết lách. Rất nhiều nhà văn nhận những lời khuyên của Vũ Bằng sau này đều trở thành những nhà văn lớn của Việt Nam. Thế nhưng, một thời gian dài kể từ khi Vũ Bằng di cư vào Nam năm 1954, các tác phẩm của ông biến mất không còn dấu vết, không được nhắc tới trong nhà trường, bị đưa vào danh mục cấm do cái tiếng "dinh tê, về thành", nhà văn "quay lưng lại với Kháng chiến"... gây ra. Ông lâm trọng bệnh và mất ở TP. Hồ Chí Minh năm 1984 trong cảnh vô cùng túng thiếu. Mãi sau này, ông mới được minh oan rằng không phải ông quay lưng với kháng chiến mà là ông đã nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật trong giới trí thức nội thành từ năm 1952 và vào Nam năm 1954 theo lệnh của tổ chức. Tháng 3 năm 2000, Cục Chính trị thuộc Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có văn bản xác nhận nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo.
  • ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ hàng đầu của Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX, sức ảnh hưởng của Xuân Quỳnh lớn tới nỗi Google từng vinh danh bà trên trang chủ của họ vào năm 2019. Là nhà thơ nên tất nhiên bà nổi tiếng về thơ và hầu như khó tìm được ai không biết bài Thuyền và Biển của bà. Nhưng Xuân  Quỳnh cũng viết văn và viết rất nhiều truyện cho thiếu nhi, truyện Ông nội và ông ngoại dưới đây là một trong số đó.
  • LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Lời Nguyền là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, viết về quãng thời gian ông bị thực dân Pháp bắt tại Hà Nội (1941) và đưa lên giam giữ tại trại giam Vụ Bản, Châu Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình. Truyện được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc cuối cùng của nhà văn Khái Hưng. 
  • CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mưỡu Cuối được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1946, đặt làm Phần cuối và đem đi xuất bản ở Quốc Văn với tên Chùa Đàn. Với Tâm sự của nước độc, Nguyễn Tuân băng băng trèo lên đỉnh đèo văn, còn với Chùa Đàn, ông bồng bềnh trôi, chưa mỏi gối nhưng đã không còn đỉnh đèo nào để leo nữa.
  • CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần II của Chùa Đàn, được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1945 có tên Tâm sự của nước độc. Truyện có phần đề từ lấy trong Chữ Nhàn, một bài hát nói của Nguyễn Công Trứ; “Ai hay hát mà ai hay nghe hát”. Trong Chùa Đàn, truyện được sắp xếp thành phần II. Nhà văn Khái Hưng và một số nhà văn khác cho rằng, (việc) Nguyễn Tuân viết thêm Dựng và Mưỡu Cuối, đã làm hỏng mất sự toàn bích một tác phẩm tuyệt mỹ.
  • CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chùa Đàn được xem là tác phẩm hội tụ những gì tinh hoa nhất của nhà văn Nguyễn Tuân do Quốc Văn xuất bản năm 1946 tại Hà Nội. Chùa Đàn bắt đầu từ truyện ngắn Tâm sự của nước độc trong loạt truyện kinh dị Yêu Ngôn ông đăng trên các báo thời bấy giờ. Đến năm 1946, để phù hợp với diễn biến thời cuộc, ông viết thêm hai phần bổ sung, đặt làm phần Một và Ba, Tâm sự của nước độc trở thành phần Hai của tác phẩm.
    Dù là tác phẩm hay nhất của Nguyễn Tuân, nhưng Chùa Đàn đã bị đánh giá thấp do các yếu tốc ma quái kì dị đầy màu sắc tâm linh của nó. Kể từ lần in năm 1946 và sau đó được Tân Việt tái bản ở Sài Gòn* năm 1947, đến tận năm 1981, Chùa Đàn vẫn không được nhà xuất bản đưa vào tuyển tập của ông. Điều này đã khiến Nguyễn Tuân buồn bã đến nỗi; "Tôi tiếc cái Chùa Đàn quá. Họ cắt cái Chùa Đàn khỏi tuyển tập này, cũng giống như cắt cái gan ra khỏi bụng tôi".
    Đến năm 1999, Chùa Đàn mới được in trở lại trong tập Yêu Ngôn do nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh thực hiện. Ngày nay Chùa Đàn không những đã được xuất bản, mà còn được chuyển thể sang nhiều loại hình nghệ thuật khác như kịch nói, cải lương, phim điện ảnh. Ở mảng điện ảnh, Chùa Đàn được dựng thành bộ phim khá nổi tiếng Mê Thảo – thời vang bóng do đạo diễn Việt Linh thực hiện.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần cuối của Ngõ lỗ thủng, tác phẩm dựa trên những ký ức, sự kiện và nhân vật có thật của nhà văn Trung Trung Đỉnh, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ngõ lỗ thủng của Trung Trung Đỉnh dựa trên ký ức của những sự kiện, nhân vật có thật của chính nhà văn, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.