chan_dung-ke_si

KIẾN TRÚC XANH VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG - Nguyễn Đức Bình

31-01-2023 12:46:00
Lượt xem: 2770

Đánh giá

Chia sẻ


Thế giới hiện nay đang đối mặt với muôn vàn khó khăn về khủng hoảng năng lượng, ô nhiễm môi trường tự nhiên, biến đổi khí hậu. Mỗi năm hàng trăm cuộc họp giữa các tổ chức, các nước diễn ra nhằm kiềm chế sự nóng lên toàn cầu, cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

 

Kiến trúc xanh, thiết kế xanh là một khái niệm không mới trên thế giới. Đây là một cách tiếp cận nhằm giảm thiểu tác động có hại từ những tòa nhà lên sức khỏe con người và môi trường, trong đó các kiến trúc sư nỗ lực bảo vệ không khí, nước, đất bằng cách sử dụng các loại vật liệu thân thiện môi trường. Mục tiêu cao nhất của kiến trúc xanh là hoàn toàn bền vững.

 

Kiến trúc xanh không chỉ đơn thuần là nhiệm vụ của các kiến trúc sư mà trong đó còn đòi hỏi các đơn vị xây dựng, thiết kế, các nhà hoạch định chính sách, quy hoạch cộng đồng, các nhà đầu tư bất động sản phải hợp tác và phấn đấu cùng nhau tạo ra các tòa nhà, cộng đồng dân cư không hút cạn tài nguyên thiên nhiên.

Nói ngắn gọn hơn, có kiến trúc xanh để có phát triển bền vững, có phát triển bền vững để có tái tạo và có tái tạo mới đảm bảo nguồn tài nguyên dồi dào cho các thế hệ tương lai.

 

 

Kiến trúc xanh giảm 50% hiệu ứng nhà kính

 

Chúng ta đều biết, khói bụi từ các loại xe cộ, từ ống khói các nhà máy, khu công nghiệp, bùn đất, chất thải hóa học từ các khu khai thác mỏ, … dẫn tới các các tác động vô cùng nguy hiểm lên môi trường tự nhiên gây ra hiệu ứng nhà kính khiến tầng ozon mỏng dần, sư nóng lên toàn cầu, nước biển dâng cao,… nhưng ít người biết được rằng các tòa nhà là thủ phạm chiếm một nửa các nguyên nhân gây lên hiệu ứng nhà kính toàn cầu. Mazria's Architecture 2030 challenge -một tổ chức hiện nay tập hợp các kiến trúc sư tâm huyết và tài năng từ 39 quốc gia trên thế giới-  chính là tác giả của nhận định này. Mục tiêu của 2030 là xây dựng các tòa nhà mà hoàn toàn không sử dụng nguyên liệu hóa thạch vào năm 2030. Kiến trúc sư Edward Mazria người sang lập của tổ chức này xác định, mục tiêu của họ không phải là bất khả thi nếu kết hợp các công nghệ mới với các ý tưởng táo bạo của các kiến trúc sư từ khắp nơi trên thế giới. Tuy nhiên “ chúng ta không thể giải quyết vấn đề một mình, quan trọng là các chính phủ phải thể hiện vai trò trong việc tạo ra các quy tắc về tòa nhà sử dụng năng lượng hiệu quả” ông nói.

 

Các đặc điểm của kiến trúc xanh

 

“Phát triển bền vững là sự phát triển đáp ứng được các nhu cầu của hiện tại mà không ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai”  Ủy ban thế giới về phát triển môi trường.

 

Kiến trúc xanh có thể có nhiều trong số các đặc điểm sau:

 

Hệ thống thông gió được thiết kế để sưởi ấm và làm mát hiệu quả.

Sử dụng hiệu quả năng lượng cho chiếu sáng và thiết bị gia dụng.

Hệ thống tiết kiệm nước, nước thải an toàn.

Bố trí cảnh quan để hấp thu tối đa năng lượng mặt trời.

Tác động tối thiểu đến môi trường sống tự nhiên.

Sử dụng nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời hoặc năng lượng gió.

Không sử dụng vật liệu tổng hợp và vật liệu độc hại.

Sử dụng nguyên liệu địa phương có sẵn như gỗ, đá.

Trách nhiệm thu hoạch rừng.

Tái sử dụng các tòa nhà cũ với công nghệ mới.

Tái chế vật liệu cũ-kiến trúc cứu hộ, architectural salvage.

Sử dụng không gian hiệu quả.

 

Trong khi hầu hết các tòa nhà theo kiến trúc xanh  không có tất cả các đặc điểm trên mà mục tiêu cao nhất là đạt tới phát triển bền vững. Mặt  khác tùy theo điều kiện từng địa phương, mô hình kiến trúc xanh có thể khác nhau. Không thể áp dụng nguyên xi mô hình ở một quốc gia ôn đới cho một quốc gia khác vùng nhiệt đới.

 

 

Vật liệu cho kiến trúc xanh

 

Trong nỗ lực tìm các giải pháp chế tạo vật liệu cho kiến trúc xanh, nhiều dự án sinh thái đã làm được nhiều hơn cả mong đợi. Làng Loreto bay  ở New Mexico là một ví dụ điển hình. Jim Hallock, giám đốc điều hành dự án làng Loreto bay đã tìm thấy một loại vật liệu thân thiện môi trường khi ông đang cố tìm kiếm một loại vật liệu không độc hại, do người vợ của ông ngày càng nhạy cảm với các chất hóa học từ vật liệu xây dựng truyền thống trong ngôi nhà của mình. “Câu trả lời cho vấn đề nan giải này là ngay dưới chân chúng ta” ông nói. Các bức tường ở Loreto bay được xây dựng bằng vật liệu CEBs (compressed earth blocks, khối đất nén, gạch nén ) đáp ứng được tiêu chí vật liệu tại địa phương, không độc hại, chống côn trùng, chống nấm mốc, chống cháy và kháng âm rất tốt. Một điều nữa là CEBs được áp dụng ở bất cứ nơi nào nếu ở đó có đất sét. Giá thành rẻ, dễ sản xuất cũng là một lợi thế của loại vật liệu này.

Từ ngày 31-5 đến 3-6  năm 2004, khoa sinh học của trường đại học Tây nam Texas Junior, Del Rio, Texas đã cho tiến hành các thử nghiệm trên 3 loại kết cấu nhà:

  1. Bê tông.
  2. Adobe ( vật liệu tự nhiên được làm từ cát, đất sét, nước với một số vật liệu sợi hoặc chất hữu cơ như rơm, bã mía ).
  3. CEBs.

 

Kết quả cho thấy, nhiệt độ trong các kết cấu Adobe và CEBs luôn thấp hơn đáng kể so với Bê tông. Với nhiệt độ ngoài tối đa 42°C nhiệt độ bên trong là:

Bê tông Module: 44°C

Adobe Module  : 35°C

CEBs Module   : 33°C

Như vậy CEBs giúp giảm tối đa chi phí cho điện chạy máy lạnh để duy trì nhiệt độ phòng.

cebs

Nhà xây bằng vật liệu CEBs ở Loreto bay

Ý tưởng táo bạo ở Loreto bay đã biến nơi này thành một dự án đô thị du lịch phát triển bền vững nhất ở Bắc Mỹ với hơn 100000 dân. Làng Loreto bay sản xuất ra nhiều năng lượng, nước hơn cả số năng lượng, nước họ đã sử dụng.

 

Con đường nào cho kiến trúc xanh tới Việt Nam?

 

Hiểu biết về kiến trúc xanh ở Việt Nam còn khá hạn chế. Các bài viết cũng như tài liệu rất ít ỏi lại có xuất xứ từ các quốc gia ôn đới, nơi người ta chủ yếu tìm giải pháp chống lạnh, trong khi khí hậu nước ta nóng và độ ẩm cao.

 

Trong một chuyến đi khảo sát một tỉnh nông nghiệp miền Bắc có những làng quê thanh bình, thật đáng ngạc nhiên, một số nơi lại là những cộng đồng kiến trúc xanh lý tưởng. Những ngôi nhà vách bùn nhão trộn rơm rạ, mái lợp rơm, lá gồi, nằm yên ả giữa những vườn cây xanh mát. Không máy lạnh, không khói bụi, thật tuyệt vời khi có một ngày nghỉ ở đây. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là; bạn là một công dân thành thị vậy bạn có đủ dũng cảm ở đó được bao lâu. Hoặc giả bạn là chủ những ngôi nhà vách bùn nhão trộn rơm rạ tuyệt vời đó, nhưng nếu bạn bỗng dưng giàu có bạn sẽ làm gì.

Câu trả lời là Kiến trúc xanh. Chúng ta vẫn có thể có một không gian xanh lý tưởng như ở vùng nông thôn của tỉnh miền Bắc nọ, nhưng đầy đủ tiện nghi hơn nhờ vào kiến trúc xanh. Nhiều người cho rằng, “bê tông hóa, gạch ngói hóa” còn chưa xong, lấy đâu ra kiến trúc xanh.

Nhưng chúng ta phải nhìn nhận được rằng Kiến trúc xanh giúp mang lại nhiều cái lợi ngay trước mắt chứ không cần phải đợi tới tương lai. Hóa đơn tiền điện giảm do không phải sử dụng tối đa công suất máy lạnh, điện chiếu sáng, máy nước nóng,.. Không khí thoáng mát nhiều ánh sáng giúp giảm bụi bặm bệnh tật, vật liệu thân thiện môi trường không có hóa chất tốt cho sức khỏe.

Tác động của biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng mà theo cảnh báo của Liên hợp quốc, Việt Nam là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Mưa lũ hạn hán gây khủng hoảng năng lượng điện. Tại Thành phố Hồ Chí Minh điện bị cắt luân phiên, khói bụi, hóa chất có mặt khắp nơi. Triều cường lập đỉnh lũ cao nhất trong vòng 50 năm … Tất cả những tác động tiêu cực trên đang bám theo bạn từ giường ngủ cho đến khi bạn bước chân ra khỏi nhà, cùng bạn đến công sở rồi lại bám theo bạn về nhà. Không có cách nào khác là bạn và mọi người phải áp dụng Kiến trúc xanh ngay từ bây giờ.

Nói như GS. TSKH Đặng Hùng Võ “ Cuộc sống con người không bao giờ được tách khỏi thiên nhiên. Triết lý phương Đông có một câu nói rất hay là ‘thân thổ bất nhị’ tức là người và đất không thể là hai. Mối tác động qua lại giữa thiên nhiên và con người chính là việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên có lợi nhất cho nhu cầu cuộc sống ngày càng cao của con người, bảo đảm không làm suy giảm chất lượng môi trường. Mối quan hệ này cần được xem xét khi thực hành kiến trúc xanh.”

Cũng cần phải nhấn mạnh rằng chúng ta phải tạo ra một cộng đồng, một phong trào và một đất nước hiểu biết rõ về gía trị của Kiến trúc xanh, vì chúng ta sẽ không thể nào làm được một mình nếu chính phủ đứng ngoài cuộc theo lời Kiến trúc sư Edward Mazria đã nói.


Tác giả Nguyễn Đức Bình (2009)

Bài liên quan