Trẻ làm quen với tiếng Việt - THÚY HẰNG
Gia đình tiến sĩ (TS) Phan Bích Thiện (Phó chủ tịch Hiệp hội Người VN tại Hungary; Chủ tịch Quỹ Vì quan hệ Hungary - VN; Chủ tịch Hội Phụ nữ VN tại Hungary) là một ví dụ. Chồng TS Thiện là người Hungary. Bà có 2 con gái là Thurózy Karolina My Lan, 25 tuổi, kiến trúc sư; và Thurózy Viktória Ly Anh, 23 tuổi, sinh viên ĐH Oxford. Hai cô con gái luôn được chú trọng gìn giữ tiếng Việt và văn hóa Việt.
TS Phan Bích Thiện (bìa phải) cùng chồng, con và mẹ đẻ của chị - NVCC
Sinh ra và lớn lên tại Hungary, hiện đang học tập và làm việc tại Vương quốc Anh, thi thoảng được về VN thăm bà ngoại, tuy nhiên cả My Lan và Ly Anh đều nói tiếng Việt rất tốt, nhờ TS Phan Bích Thiện luôn nói tiếng Việt cùng các con khi ở nhà. TS Thiện tâm niệm: "Các con có một nửa dòng máu Việt trong mình, các con phải hiểu về nguồn gốc, bản sắc, văn hóa dân tộc VN trước khi trở thành một công dân toàn cầu".
Trong bữa cơm gia đình có đầy đủ các thành viên, hay các dịp lễ, tết, năm mới, TS Phan Bích Thiện đều nói với các con về văn hóa, phong tục tập quán của VN. Tết Nguyên đán, dù được đoàn tụ ở Hungary hay VN, cả My Lan và Ly Anh đều tự tay gói bánh chưng, cùng bố mẹ nấu xôi gấc, cắm hoa đào…
Anh Ngô Tấn Cang sang TP.Melbourne, bang Victoria, Úc, sống và làm việc hơn 1 năm nay, hai con của anh học tại các trường của Úc (một lớp 8, một lớp 10). Anh cho biết: "Các con đều là học sinh trường công lập ở TP.HCM trước khi sang nước ngoài. Trong trường con tôi học ở Úc đều yêu cầu học sinh người Việt phải đi học ngoại khóa tiếng Việt. Cộng đồng người gốc Việt tại Úc đều có ý thức giữ gìn tiếng Việt cho con cái".
Trước hiện trạng HS người Việt "quên" tiếng Việt, TS giáo dục học Nguyễn Thị Thu Huyền, cố vấn xây dựng chương trình giáo dục phổ thông ở các trường ngoài công lập ở VN, khẳng định: "Chương trình giáo dục ở các trường quốc tế không có lỗi vì đa số các trường đều có tiết tiếng Việt dành cho học sinh quốc tịch VN, tuy không nhiều. Phụ huynh cần tăng cường tiếng Việt cho con tại nhà".
TS Huyền nhấn mạnh: "Nếu trẻ sống trong môi trường mà gia đình và đa số cộng đồng, xã hội xung quanh (khoảng 70%) nói tiếng Việt thì trẻ cần biết tiếng Việt. Để trẻ được phát triển lành mạnh về cảm xúc, trí tuệ, tình cảm, cần ưu tiên tiếng mẹ đẻ của trẻ".
TS Huyền cho hay khi trẻ mất tiếng mẹ đẻ, sẽ bị mất kết nối với người thân, cộng đồng, dễ có nhiều hệ lụy, như dễ gặp các vấn đề tâm lý. Trẻ không thấy mình thuộc về cộng đồng nào - gặp hội chứng "lạc lối bản sắc" khó đạt được trạng thái hạnh phúc khi không biết mình là ai. Những trẻ này cũng có nguy cơ bị thiếu hụt cảm xúc, khó chơi với bạn bè xung quanh, ngoài những bạn bè ở trường đơn ngữ của mình. Trẻ dễ bị lạc lõng khi rời khỏi môi trường tiếng Anh. Trẻ còn lạc lõng trong gia đình, không kết nối được cùng ông bà nội ngoại, họ hàng nếu không ai nói được tiếng Anh.
"Phụ huynh cần cân đối như ban ngày con đi học ở trường nói tiếng Anh thì về nhà cùng nói tiếng Việt với con. Mình là người Việt, hãy giữ tiếng Việt cho con mình", TS Huyền trao đổi.
Nếu trẻ sống trong môi trường mà gia đình và đa số cộng đồng, xã hội xung quanh (khoảng 70%) nói tiếng Việt thì trẻ cần biết tiếng Việt. Để trẻ được phát triển lành mạnh về cảm xúc, trí tuệ, tình cảm, cần ưu tiên tiếng mẹ đẻ của trẻ. TS giáo dục học Nguyễn Thị Thu Huyền
Theo chị Hà Đặng Như Quỳnh, Giám đốc học thuật DOL English, nghiên cứu sinh tại ĐH Reading, Vương quốc Anh, cần có sự cân bằng tiếp nhận 2 ngôn ngữ và có sự phân công khi giao tiếp với trẻ thì trẻ sẽ học được nhiều ngôn ngữ một lúc. Ví dụ trong môi trường quốc tế khi ở trường, trẻ nói tiếng Anh thì về nhà sẽ nói chuyện với ba mẹ, ông bà bằng tiếng Việt.
"Khả năng tiếp nhận ngôn ngữ của trẻ rất tốt. Trẻ có thể học nhiều thứ tiếng mà không bị loạn, miễn là có sự phân công ngôn ngữ đúng cách, không hòa trộn, nói xen vốn từ giữa 2 thứ tiếng. Tuy nhiên nên để trẻ tiếp cận từng ngôn ngữ một, ví dụ giới thiệu tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ, sau đó bắt đầu giới thiệu thêm tiếng Anh, sau đó tiếng Nhật. Đừng nên giới thiệu cho trẻ một lúc quá nhiều ngôn ngữ mới khiến dẫn tới bị quá tải não bộ của trẻ; vì ngoài ngôn ngữ, trẻ còn cần học rất nhiều kiến thức kỹ năng khác", chị Như Quỳnh nêu quan điểm.
Trả lời PV Thanh Niên, Th.S-BS Nguyễn Trung Nghĩa, Phó giám đốc Trung tâm chăm sóc sức khỏe tinh thần Vinmec, khẳng định: "Việc học nhiều ngôn ngữ từ sớm không gây ra rối loạn ngôn ngữ ở trẻ em. Thực tế, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc học đa ngôn ngữ từ sớm có thể mang lại nhiều lợi ích cho sự phát triển ngôn ngữ và nhận thức của trẻ".
Th.S-BS Nguyễn Trung Nghĩa cũng đưa ra một số điểm quan trọng: Trẻ học đa ngôn ngữ thường có khả năng tư duy linh hoạt hơn, kỹ năng giải quyết vấn đề tốt hơn và trí nhớ làm việc mạnh mẽ hơn. Trẻ sẽ phát triển kỹ năng giao tiếp hiệu quả hơn và có khả năng thích nghi với nhiều môi trường văn hóa khác nhau. Trẻ học nhiều ngôn ngữ thường có khả năng học tập các môn học khác tốt hơn nhờ vào khả năng tư duy và phân tích được cải thiện.
"Không có bằng chứng khoa học nào chứng minh rằng việc học nhiều ngôn ngữ cùng lúc gây ra rối loạn ngôn ngữ. Trẻ em học song ngữ có thể gặp một số khó khăn ban đầu trong việc phân biệt và sử dụng đúng ngôn ngữ, nhưng điều này thường chỉ là tạm thời. Trẻ em song ngữ và đa ngữ phát triển ngôn ngữ bình thường và có thể đạt được các mốc phát triển ngôn ngữ tương tự như trẻ em đơn ngữ", Th.S-BS Nguyễn Trung Nghĩa nhấn mạnh.
Tránh nhầm lẫn rối loạn ngôn ngữ và rối loạn nói
Ông Hoàng Hà, Giám đốc Trung tâm tư vấn và hỗ trợ hòa nhập Hanamiki, lưu ý phụ huynh tránh nhầm lẫn rối loạn ngôn ngữ và rối loạn nói. Ngôn ngữ là một hệ thống các biểu tượng được ràng buộc trong mối liên hệ với nhau theo các quy luật nhất định về ý thức, tri giác và ứng suất của hệ thần kinh xử lý trung ương. Ngôn ngữ có thể thể hiện bằng lời nói hay chữ viết hoặc hình tượng. Trong đó, những hình thức này đòi hỏi quá trình tập luyện, vận động thể hiện và cả quá trình suy nghĩ, nhận thức.
Rối loạn ngôn ngữ được định nghĩa là những rối loạn mắc phải tại bất cứ giai đoạn nào, thành phần nào trong quá trình nêu trên. Nguyên nhân cốt lõi của rối loạn ngôn ngữ là do các tổn thương trên hệ thần kinh trung ương, làm mất tính toàn vẹn về chức năng của bán cầu não. Còn rối loạn nói là những bất thường trong quá trình vận động để thể hiện và phát triển ngôn ngữ, không phải do tổn thương thần kinh trung ương. Để kết luận trẻ có rối loạn ngôn ngữ hay không thì trẻ cần được đánh giá bởi những chuyên gia tại các cơ sở y tế hoặc tại những trung tâm có chuyên môn về âm ngữ trị liệu nhi…
Theo ông Hoàng Hà, có một số dấu hiệu cho thấy trẻ có những bất thường trong việc sử dụng ngôn ngữ mà người lớn cần phải chú ý, đưa trẻ đi kiểm tra. Như trẻ có thể chỉ sử dụng được từ đơn để gọi tên, không dùng được cụm từ hoàn chỉnh. Hay trẻ có thể mô phỏng, "nhại" lại một đoạn gì trong phim hoạt hình hoặc một câu nói gợi nhớ gì trong quá khứ nhưng lại không ăn nhập tới bối cảnh hiện tại. Hoặc trẻ hay sử dụng tiếng Anh nhiều hơn tiếng Việt, dù môi trường giao tiếp xung quanh là người Việt. Hay bé lại dùng tiếng Anh và tiếng Việt đan xen, hỏi tiếng Việt thì bé dùng tiếng Anh, hỏi tiếng Anh lại dùng tiếng Việt, nói không trôi chảy, không trọn vẹn câu từ mà việc dùng từ "chắp vá", lộn xộn.
"Nếu trẻ nói tiếng Anh mọi thứ trôi chảy như một người bản ngữ thì không sao. Nhưng nếu việc sử dụng tiếng Anh không nhằm giúp phục vụ nhu cầu của trẻ, chỉ giúp giải tỏa căng thẳng của trẻ, gây khó khăn cho mọi sinh hoạt hằng ngày thì đây là vấn đề cần chú ý", ông Hoàng Hà lưu ý.
Theo Thúy Hằng - thanhnien.vn
Thư, bài vở cộng tác vui lòng gửi tới Email:
Vui lòng ghi rõ nguồn khi copy nội dung từ website này.
© Copyright: chandungkesi.com