chan_dung-ke_si

Khám phá thêm giá trị Nằm vạ (Bùi Hiển)

20-03-2023

Lượt xem 1964

Đánh giá 1 lượt đánh giá

Chia sẻ

Khám phá thêm giá trị Nằm vạ (Bùi Hiển)

Nằm vạ là tên một truyện ngắn của nhà văn Bùi Hiển - thân sinh của tôi - đăng ở báo Thời Nay tháng 9-1940, với lời giới thiệu của nhà văn Thạch Lam: “Đó là một bức tranh có giá trị về cảnh sinh hoạt trong làng xóm: Lối viết của ông giản dị và mạnh mẽ, thoáng qua một chút duyên kín đáo, và có nhiều nhận xét tinh vi”. Đây cũng là tên của tập truyện ngắn đầu tay của ông phát hành tháng 7-1941 được nhà phê bình Vũ Ngọc Phan khen trong bộ “Nhà văn Việt Nam hiện đại”. Nhiều năm sau tác phẩm này vẫn được không ít người nhắc đến…

 

Trong năm nay (2017), có ba sự việc nhỏ nhưng phần nào ghi nhận Nằm vạ không đi vào lãng quên:

Đầu năm, Công ty văn hóa và truyền thông Nhã Nam (liên kết với Nhà xuất bản Hội Nhà văn) tái bản cuốn Nằm vạ theo bản gốc xuất bản lần đầu, trong kế hoạch ra loạt sách “Việt Nam danh tác”.

Giữa năm, từ “thấu cảm” trong đề thi ngữ văn THPT quốc gia gây tranh luận. Có người cho đây là từ lạ song trong thực tế nó đã được Từ điển tiếng Việt (2007) giải nghĩa và trích một câu dùng từ nói trên trong truyện Những nỗi lòng của tập Nằm vạ.

Cuộc đấu giá sách cũ ở Đường sách TP Hồ Chí Minh diễn ra vào ngày 10-9, bản Nằm vạ in năm 1941 có thủ bút và chữ ký của tác giả là cuốn nổi bật nhất được mua với giá 35 triệu đồng (Ban tổ chức chào giá 3 triệu đồng).

Sau 76 năm từ khi ra mắt bạn đọc, tại sao một cuốn sách mỏng với mươi truyện ngắn của tác giả tuổi đôi mươi không thuộc trào lưu, trường phái hoặc văn đoàn nào mà vẫn lưu luyến với đời? Có lẽ phải tìm phần nào câu trả lời ở ý nghĩa của nó đối với văn nghiệp của ông.

Khi Nằm vạ lần đầu ra mắt bạn đọc, lời phán của “tiên chỉ làng văn” về tính chất tiểu thuyết phong tục, chỉ đúng một phần song có sức chi phối. Mặt khác, Nằm vạ với tính mới lạ, hiện đại và đa nghĩa của nó, cũng gây ra tranh luận bởi các đánh giá khác nhau của giới văn chương, học thuật về sau. Có nhà phê bình phân tích bước đường sáng tác của nhà văn, cho rằng giai đoạn này văn ông thiếu tính giai cấp, mang nhiều yếu tố tự nhiên chủ nghĩa. Ngược lại, có người xếp ông là “hiện thực phê phán” và nhà văn chân thành từ chối sự “thăng hạng” này.

Riêng tôi cho rằng, cách lý giải của nhà thơ Hoàng Trung Thông viết khi Nằm vạ sang tuổi 50 khả dĩ hơn cả: “Hãy đọc lại Nằm vạ, giọng văn rất Nghệ Tĩnh mà sao người Bắc Hà vẫn thích thú. Có phải vì thị hiếu xa lạ (gout exotique) hay còn do chất văn học nằm trong đó. Đây là truyện phong tục, chỉ là truyện phong tục thôi ư? Hay còn cái gì khác hấp dẫn người đọc? Tôi nghĩ rằng “bí quyết” nằm ở chỗ cây bút trẻ Bùi Hiển lúc bấy giờ đã bắt được vào cái dòng hiện thực miêu tả những con người bình thường, thế rồi trong dòng ấy, lại bắt được vào mạch đời sống dân chài với nhiều vẻ khá độc đáo, những vất vả gian lao hòa trộn với chất thô lậu, chất khỏe khoắn và gân guốc”…

Với tác giả, Nằm vạ là sự tìm tòi, khai phá cho một hướng đi, một phong cách, một cách tiếp cận riêng mà ông bền bỉ theo đuổi suốt đời. “Đó là một hành trình đầy khó nhọc và âm thầm nhằm đi tìm những giải pháp mỹ học mới cho thể loại. Giải pháp đầu tiên mà Bùi Hiển muốn xác lập là phải có được một cảm quan riêng biệt về thực tại. Cảm quan này tựa một nguồn sống tự bên trong chi phối cách nhìn cuộc đời và con người của ông. Đây có thể là lý do khiến ông, trong những năm chiến tranh kể cả ở những giai đoạn ác liệt nhất, về mặt cảm hứng, Bùi Hiển không mấy quan tâm tới việc cần phải diễn tả cái bối cảnh tàn khốc, nơi các ý thức hệ chạm trán nhau nảy lửa, mà là những cảnh đời thường, những chi tiết có vẻ “vụn vặt” hay một vài kỷ niệm bất chợt tái sinh trong ký ức... khiến cái hiện thực mà ông mô tả thường tựa như một thứ hiện thực bên lề, một thế giới nghiêng về sinh hoạt hơn là chiến đấu; tâm tình, tâm sự và những kỷ niệm hơn là sản xuất và giao tranh” (TS Nguyễn Phượng). PGS Nguyễn Văn Long khái quát: “Bùi Hiển tiếp cận hiện thực với cách phát hiện riêng, không chói lòa rực rỡ, không phải bằng cảm hứng sử thi hào hùng… mà ông ca ngợi phẩm chất con người trong mạch sống bền bỉ, âm thầm, luôn nhạy cảm trong cảnh ngộ éo le, nỗi đau oan trái”...

Những suy tư gửi lại

Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Bùi Hiển đã sống và thâm nhập thực tế sáng tác ở chiến trường nóng bỏng, ác liệt. Ông hiểu rất rõ chiến tranh, đời sống của mọi tầng lớp nhân dân. Đó là một cuộc sống hào hùng, một sự dấn thân chấp nhận hy sinh cả tính mệnh. Trong kháng chiến chống Pháp, Bùi Hiển bám trụ với Bình Trị Thiên khói lửa một năm rưỡi. Thời chống Mỹ, tuổi đã khá cao, ông vẫn nhiều lần lên đường “chia lửa” với Khu Bốn quê hương trong những ngày bom Mỹ đánh phá ác liệt nhất. Năm 1967, ông đi Quảng Bình và ở tại đó liên tục tám tháng. Tuy nhiên trong văn chương của Bùi Hiển, không nhiều tiếng súng nổ và khẩu lệnh xung phong. Ông cố gắng gạt khỏi mắt mình những màn khói bom, những diễn biến dồn dập, ác liệt của chiến trường để nhìn rõ hơn và thể hiện cho được những mạch ngầm, những nốt lặng âm trầm nhưng bền bỉ và mạnh mẽ của cuộc sống, của lòng người.

Điều này do nhu cầu tự thân thôi thúc, bởi ông có niềm tin vững chắc vào con đường của cách mạng; vào phẩm chất và khả năng sáng tạo nên cái đẹp của nhân dân, của dân tộc thể hiện qua những con người bình dị. Niềm tin ấy đã giữ cho ông có được cảm hứng nồng nàn, bền bỉ đối với cuộc sống và sáng tác đến tận cuối đời; không bao giờ chông chênh giữa những đảo lộn giá trị nhất thời.

Cũng như những nhà trí thức lớn vừa có trong mình văn hóa Đông - Tây, nhà văn mong muốn truyền đến người đọc niềm tin tha thiết của ông rằng, Việt Nam là một dân tộc có sức sống mạnh mẽ và uyển chuyển, luôn biết vượt qua những thách thức khắc nghiệt, biết điều chỉnh, thích nghi để vươn lên. Khi đặt niềm tin sâu sắc vào giá trị tốt đẹp của con người, ông đánh giá cao những người lao động bình dị bởi theo ông “hành động và suy nghĩ của họ thường gần với chân lý cuộc sống hơn”.

Từ sau 1975, nhất là ở thời kỳ đổi mới, truyện ngắn Bùi Hiển trong các tập Tâm tưởng (1985), Ngơ ngẩn mùa xuân (1992) đã đi rất sâu vào thế giới bên trong của con người và hiện thực ngày mới. Có nhiều suy tư, dằn vặt và cả lên án. Truyện ngắn Cái bóng - cọc đã từng xôn xao dư luận, thậm chí là “sự cố” với Bùi Hiển. Qua đó, ông đã sớm lên án cái “chủ nghĩa bất động” hay là sự vô cảm trước cuộc sống và con người. Năm 1999, trong lễ mừng thọ nhà văn Bùi Hiển tuổi 80, nhà thơ Tố Hữu đã chúc ông “tiếp tục Nằm vạ với đời”. Năm đó, nhà văn cho ra hai đầu sách: Cuốn Bạn bè một thuở gửi gắm cái tình của ông đến với những người theo nghiệp văn “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” và cuốn sách dịch Những kẻ văn minh, tiểu thuyết của Claude Farrère (Pháp), giải thưởng Goncourt 1905, miêu tả tâm trạng phức tạp và bất ổn của những người Pháp có học thời kỳ khai thác thuộc địa Việt Nam cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20…

Lúc đầu truyện Tâm tưởng của Bùi Hiển mang tên Dị bản cuộc đời. Vấn đề nêu lên là: “Một tác phẩm trong khi được nghiền ngẫm để viết ra, có thể có nhiều bản thảo khác nhau, nhiều dị bản. Cuộc đời mỗi con người, lẽ ra cũng có thể đã đi theo những ngả, những hướng khác nhau nếu được thật sự tự do lựa chọn. Nghĩa là cũng một con người ấy, có thể có ít ra hai, ba dị bản cuộc đời”. Có cuộc đời thực ta đang sống, có một cuộc đời khác qua con mắt người chung quanh, lại có cuộc đời lý tưởng mà ta mong ước. Ở mỗi con người đời sống thực và đời sống ảo tương tác với nhau, chiếu rọi vào nhau, thúc giục sự đi dấn bước, đáp ứng một khát khao tự nhiên muốn vươn tới một cái gì hoàn thiện, hoàn mỹ hơn…Và dường như trong thực tế, người nào sống và sáng tác đúng là mình, dám là mình thường chọn được dị bản hay. Đọc lại Tâm tưởng, tôi có cảm nhận ở đây giống như một lời tâm sự, lời dặn của ông đúc rút từ trải nghiệm của chính bản thân...

Theo Quang Tuấn (nhandan)

Bài liên quan