chan_dung-ke_si

KHÁCH MÁ HỒNG – Truyện ngắn Hữu Phương

18-12-2023

Lượt xem 946

Đánh giá 0 lượt đánh giá

Chia sẻ

  Hữu Phương

KHÁCH MÁ HỒNG – Truyện ngắn Hữu Phương

Nhà văn Hữu Phương (1949-2023) - tác giả của Ba người trên sân ga, truyện ngắn đã được chuyển thể thành phim Đời Cát năm 1999.

 

Anh đi trong niềm tuyệt vọng của những khát vọng chưa thành và những mối tình đã chết. Chiếc Win 100 chạy lồng lên như con ngựa chiến. Thị xã về khuya vắng lặng và yên tĩnh đến nỗi ngỡ như hoang vắng. Con đường như dòng sông đen ướt loáng chạy giữa hai bờ phố đèn đường đỏ quạch. Những dãy nhà đua nhau chạy ngược về sau.

Phút chốc, xe đã lượn trên vòng cung con đường đèo, một phía rừng thông trầm mặc, chất ngất và phía kia sâu hút là mặt biển rì rào với lăn tăn hàng trăm con sóng đuổi nhau ném vào ghềnh đá lóe ánh lân tinh mầu lửa xanh. Tuồng như anh phó mặc cho con ngựa sắt dẫn anh đi.

Chiếc xe như con vật trung thành, bỏ con đường nhựa cuối vòng cung, rú ga leo lên một cái dốc sỏi cao, rồi theo con đường mờ mờ trong cỏ đi giữa doi đất nhoai ra biển lúp xúp sim mua chen trong lố nhố đá mọc như người đứng, người ngồi.

Xe dừng lúc nào hình như anh cũng không hay biết, liền nằm vật ra trên một tảng đá phẳng. Bầu trời như một chiếc lồng bàn khổng lồ tím sẫm, và vừng trăng đơn độc nền trời. Như chạm phải vật gì, anh ngồi bật dậy. Không có gì cả. Có lẽ anh chạm phải kỷ niệm. Đây là nơi anh và Hằng đã ngồi rất lâu sau lời tỏ tình bất thành của anh.

Nàng đẹp, và rụt rè đến nỗi không dám lên cùng đám người chen lấn, xô đẩy trong chuyến phà Gianh cuối chiều. Nhưng đến khi chỉ còn một mình nàng, thì những chiếc xích neo phà cũng nới lỏng, cầu phà cũng từ từ chìm xuống. Sự việc nhanh đến nỗi nàng hốt hoảng, bối rối lưỡng lự giữa bỏ chuyến phà với rướn người lên, nhảy qua. Nàng sắp khóc. Cả hai việc đối với nàng quá sức. Và cũng nhanh đến nỗi nàng không nhận ra, một bóng người từ trên phà lao xuống, vụt đến quắp lấy nàng như quắp một đứa trẻ. Khi đã ở trên phà, định thần trở lại, nàng thấy mình vẫn ôm lấy cổ anh ta; cả hai ngượng nghịu, thẹn thùng...

Nàng đột ngột đến thăm anh ít ngày sau đó, trong căn phòng bừa bộn đá hộc, đất sét, thạch cao, và anh đang đánh trần với một phác thảo trên bàn xoay. Có lẽ nàng rất ngỡ ngàng trước cái nghề nghiệp kỳ cục ít có trên đời của anh.

Còn anh thì không ngờ nàng là sinh viên sư phạm vừa tốt nghiệp, một cô giáo mới hẳn hoi.

Thân hình cao gọn, khỏe khoắn và mái tóc cắt bum bê ôm lấy khuôn mặt trái xoan đang đỏ hồng lên và lấm tấm mồ hôi, trông nàng hao hao người con gái trong một bộ phim mà anh không nhớ được. Nàng lạ lẫm và say mê ngồi lật cuốn album ảnh chụp những tác phẩm anh làm thời sinh viên, vẻ mặt ngây thơ như trẻ con.

Không hiểu sao, anh đã đưa nàng đến đây, đến mỏm núi đá này; nó như một cái sống mũi nhoai ra trước biển. Anh nhớ đó là một chiều mùa thu rất lạ lùng. Đứng trên mỏm đá này, gần như không còn gì nữa ngoài cái vòm trời cao xanh lồng lộng và mặt biển mầu ngọc bích bao la vô cùng kia. Anh và nàng, hai sinh vật bé nhỏ của Thượng đế đã quên hết mọi nỗi lo âu, nhọc nhằn của kiếp người. Gió biển thổi như xoa như vuốt lên mái tóc nàng, lên đôi mắt mầu nâu mơ mộng của nàng, lên gò má ửng hồng vì hạnh phúc và lên cái cổ cao trắng ngần của nàng. Không ai có thể cầm lòng được khi bốn bề trời biển bao la và hùng vĩ này. Anh cũng thế. Anh đã ngắt một đóa bông trang đỏ như búp lửa bên kẽ đá, hai tay dâng lên trước mặt nàng. Anh đã ngỏ lời cầu hôn nàng. Lời cầu hôn được sự trợ giúp của đá, của gió biển và của vòm trời cao xanh kia.

Nàng đã đón nhận bông hoa của anh bằng cả hai bàn tay với những ngón thon run run, đôi mắt nhìn anh đắm đuối và ngấn lệ. Nàng đã khóc vì sung sướng và hạnh phúc.

- Ôi, em chờ đón phút giây này đã lâu lắm rồi - Nàng nói và đưa tay quệt nước mắt, lời nhẹ như ngọn gió nồng nàn thổi lên từ biển, qua đôi môi chợt đỏ lên tươi thắm - Cảm ơn anh. Em rất sung sướng, rất hạnh phúc khi lời cầu hôn được nói ra trước sự chứng kiến của trời cao biển rộng, núi non hùng vĩ và thiêng liêng này... Có lẽ không có người con gái nào có được diễm phúc như em.

Nàng nói cảm động đến hụt hơi, tựa người vào trụ đá ai trồng từ vạn thuở, đôi mắt nhòa lệ. Anh ra hiệu cho nàng đừng nói thêm gì nữa. Anh sợ không chịu đựng nổi cả sự từ chối. Anh đã hôn lên đôi môi đỏ tươi, hôn lên đôi mắt khóc cười và cả vừng trán mịn bết những sợi tóc mai.

Mặt trời lăn trên các ngọn thông phía đỉnh đèo, rồi lại rơi xuống sau dãy Hoành Sơn, để lại mặt biển và bầu trời nhuốm mầu hoàng hôn xanh dịu và êm đềm. Những cụm đá cũng chuyển sang mầu hoang sơ, cổ tích. Những cụm cây, cụm hoa nhập nhòa trong sắc tím hoàng hôn. Nàng có vẻ chưa thôi cơn xúc động sau lời tỏ tình của anh, vẻ hạnh phúc xen chút căng thẳng làm cho nàng thêm sắc sảo và cứng cáp. Còn anh, như người có chút men say, không còn biết gì nữa, lâng lâng trong niềm dịu ngọt của riêng mình. Hai người đi sát vào nhau, nói đúng hơn, nàng tựa người vào anh, và anh dìu nàng đi trong cõi thần tiên ấy, đến bên tảng đá này. Tảng đá không có dấu vết đẽo gọt, nhưng phẳng và rộng như ai đã đặt bày. Nàng vẫn để anh hôn dọc hai cánh tay trần, lên cổ và cả lên ngực.

Lát sau, nàng ngồi dậy, sửa lại áo xống và nói, vẻ khổ sở như người có lỗi:

- Em cảm ơn lời cầu hôn của anh. Quả thật, em rất hạnh phúc...

Nàng ngừng lại giây lát và nhìn sát vào mặt anh. Anh hiểu là có điều rất hệ trọng.

- Em... cũng muốn được yêu anh, được lấy anh, được phụ giúp anh trong công việc. Nhưng... muộn rồi. Bọn em đã định ngày cưới mất rồi.

- Người ấy là ai? Anh...

Anh hỏi gấp gáp, rõ ràng là rất mất bình tĩnh. Và tuyệt vọng ngồi ôm đầu, thỉnh thoảng vò mái tóc cứng như rễ tre của mình.

- Quang, học ở bên Nông nghiệp ấy, anh biết không?

Trời ơi, thằng Quang, con ông chú họ của anh. Sao ông trời lại hành hạ anh đến thế? Giá hắn là một thằng cha căng chú kiếp nào đấy có hơn không; lúc đó anh quyết không thể để mất nàng, dù đã cưới. Huống chi đây mới chỉ định ngày.

Anh có trở lại nơi này vài lần, quỳ xuống tìm trên cỏ mờ dấu chân của nàng, hôn lên phiến đá nơi nàng đã đặt tay, để an ủi nỗi cô đơn của mình.

Anh không tin có thuyết luân hồi. Nhưng những gì đến với cuộc đời anh thật trớ trêu.

Sau mối tình tan vỡ, anh không còn thiết ở lại nơi thị xã phồn hoa ấy nữa. Anh trở về như một ẩn sĩ, muốn sống với cõi riêng mình và hình bóng của nàng. Anh đã chọn rừng thông mọc lại sau chiến tranh phía đỉnh đèo làm nơi trú ngụ. ở đó anh đã dựng nên một quần tượng cho mình. Gần như mỗi khoảng trống hợp lý giữa các cây thông, anh đặt một tượng. Chủ yếu tượng được đục từ đá hay đúc bằng xi-măng giả đá. Có đôi ba cái bằng gỗ lũa. Trong ngôi nhà nhỏ dựng sát vào vách núi như một cái hang động, ở chính gian ngoài, bên lối vào phòng ngủ, anh đặt bức tượng bán thân bằng đá hoa cương của nàng. Bức tượng mô tả hệt như lần đầu nàng đột ngột đến phòng anh. Mái tóc bum bê, cái cổ cao và thon, mặt nhìn nghiêng, ánh mắt mơ màng, ngây thơ và đầy khát vọng. Khuôn ngực đầy, luôn có cảm giác phập phồng, nhịp thở hụt hơi...

Anh sống cùng nàng, trò chuyện với nàng, giãi bày những ẩn ức với nàng và đôi khi tranh luận cả với nàng về những phác thảo dở dang nữa. Anh thấy thật hạnh phúc. Bình minh nhấp chén cùng nàng, đêm trăng nâng ly cùng nàng.

Rừng thông sau chiến tranh xanh tốt trở lại, khép tán nhanh chóng và lá thông rụng dày mặt đất. Giờ đây dưới chân gần như được trải một lớp thảm nâu. Nắng lọc qua tán lá rơi lỗ chỗ từng đốm tròn như trứng gà trứng vịt trên lớp lá khô. Những đôi chim cu đất đã kéo nhau về xây tổ, tiếng nó gù giữa trưa thanh vắng, nghe yên bình và xao xuyến lạ lùng.

Mỗi ngày anh đi qua vườn tượng của mình một lần với cây rựa và cái chổi rành trong tay. Anh phát những cây dại và quét lớp lá thông bám trên mình các pho tượng. Mỗi pho tượng có một cuộc đời riêng, một số phận riêng. Nó là một phần đời của anh bứt ra để tạo nên chúng. Và chúng sẽ sống thay anh để nói cùng thiên nhiên và con người về một ý tưởng nhân văn nào đó. Anh vừa quét bụi vừa trò chuyện cùng các pho tượng của mình. Mẹ Suốt ghìm mái chèo, con thuyền chở đầy bộ đội vượt sông chồm trên ngọn sóng, tấm vải dù ngụy trang bay chéo trong ngọn gió đẫm khói bom. Khuôn mặt mẹ căng thẳng mà bình thản, đôi mắt rực lửa căm thù mà đầy lo toan của người phụ nữ. "Mẹ đã sáu mốt rồi đó", anh nói. "Đánh giặc, kể chi tuổi tác, chú?", mẹ cười. "Phải, phải. Nhưng mà, lúc đó bom đạn hắn ném đầy trời như vãi cát...". "Lúc nớ chẳng nghĩ chi mô, chỉ nghĩ răng đưa bộ đội sang sông cho kịp ra trận... Với lại, bom đạn hắn tránh mình, hơi mô mình tránh bom đạn?". "Mẹ ơi, nghe nói theo gương mẹ, chị Khíu thành lập mấy đội thuyền phụ nữ ra khơi đánh cá? Cũng là chuyện lạ ở Bảo Ninh, mẹ hỉ?". "Thì đàn ông ra trận hết, nên đàn bà phải ra biển. Nhưng các chị ấy gan hơn tui nhiều. Ai đời, giấu con dưới thuyền, thu nôi trong lưới để qua mắt công an. Ra khỏi cửa biển, đem nôi treo dưới mui thuyền, sóng biển lắc lư ru bọn trẻ ngủ, còn mẹ thì đánh cá. Nhiều phen vừa kéo lưới, vừa lái thuyền tránh rốc két từ máy bay phóng xuống...". Mẹ lại cười, cái cười móm mém của người già đang bỏm bẻm nhai trầu.

Một bà mẹ khác đang khóc. Không, đang cười. Nụ cười giàn giụa nước mắt, ướt đẫm khuôn ngực chàng trai. Người thanh niên từ mặt trận trở về, mình đầy thương tích tựa lên chiếc nạng gỗ. Hai cánh tay lực lưỡng của anh ôm lấy người mẹ nhỏ bé vào lòng, ta chỉ còn nhìn rõ được mái đầu bạc với búi tóc củ tỏi. "Chú biết không? Người ta nói là cháu đã hy sinh. Nhưng tui không tin. Con trai tui răng chết được!". Không biết mẹ cười hay khóc, búi tóc củ tỏi lại rung rung trên mái đầu bạc trắng úp vào tảng ngực chàng trai...

Lại một bà mẹ nữa, áo tơi, nón lá đang vạch bầu vú căng tròn cho đứa trẻ bú. Đứa trẻ, trước khi đưa đôi môi ngậm vào núm vú, nó ngửa mặt nhìn mẹ, cười tít mắt. Đời mẹ đơn mộc như hũ cáy, vại tương. "Bé tên gì?", anh hỏi. "Rơi", người mẹ đáp. "Hay hỉ?", anh ngỡ ngàng và thấy vui vui vì cái tên ngộ nghĩnh của đứa trẻ. "Tui quên đến kỳ, gánh cơm ra trận địa cho dân quân. Nghe đau bụng, nhớ ra, chạy về không kịp, đẻ rơi nó trên cát". Người mẹ kể hồn nhiên. Nhưng anh chợt lặng phắc. Mẹ anh cũng đẻ rơi anh giữa đường khi bà chạy giặc qua trảng cát bên rặng trâm bầu. Cũng may có cát đỡ, nên anh không hề hấn gì. Chao ôi, có phải quê ta nhiều cồn cát, là để đỡ các em bé?

Phát hiện này đã ám ảnh anh, níu riết anh bao năm nay. Mải nghĩ, anh chợt nhận ra ngay sát bên mình một pho tượng lạ. Không, một cô gái.

- Hằng! Em đến bao giờ?

Anh gọi gần như reo lên. Nhưng cô gái lại quay nhìn phía sau, và có vẻ ngơ ngác:

- Chú... gọi cháu?

- Xin lỗi. Chú... nhầm.

Anh cười gượng gạo. Sao lại có người giống nàng đến thế? Như hai giọt nước. Cô gái thẫn thờ trước cái thế giới muôn vẻ của quần tượng, lát sau mạnh bạo nói:

- Cháu là Hạnh. Cho cháu cào lá thông trong rừng của chú nhé?

- Chẳng phải rừng của chú. Nhưng cháu cứ lấy tùy thích.

Hạnh quay sang cào lá thông một cách hối hả. Cái dáng mảnh mai và chịu khó kia cứ hút cái nhìn của anh. Độ nửa tiếng sau, lá thông đã chất đầy quang gánh, cô gái lí nhí cảm ơn anh và cất gánh xuôi về. Đồng bào nghèo vùng ven biển và các thôn xóm dọc đường quốc lộ dưới kia thường đi cào lá phi lao về đun bếp. Mấy năm nay các rừng phi lao bị chặt trụi, người ta phải đi xa hàng nửa ngày đường để cào lá thông. Nhưng chẳng mấy ai leo lên tận đây, vì xa và đường khó đi.

Hai hôm sau, Hạnh lại xuất hiện. Lần này cô có vẻ thân thuộc hơn. Trước khi chất lá thông vào quang, cô giúp anh quét bụi trên các pho tượng. Hai người vừa làm vừa trò chuyện thân mật. Anh biết cô là sinh viên năm thứ ba của một trường sư phạm về nghỉ hè, tranh thủ kiếm củi giúp mẹ. Nét hồn nhiên và ngây thơ của Hạnh làm anh sống lại thời còn ở trường Đại học Nghệ thuật, lâu lâu rủ bạn lên đồi Thiên An. Từ đấy, cứ hai ngày một, cô gái lại lên rừng cào lá thông. Và cứ hai ngày một, anh và Hạnh trò chuyện về những bức tượng trong vườn. Đôi mắt mầu hạt dẻ của cô gái cứ mở to mơ màng vào cõi xa xăm, thuở những con người ấy chưa hóa đá ở đây. Anh như tìm được người tri âm để bày tỏ, sẻ chia nỗi niềm sáng tạo. Còn Hạnh, cô như lạc vào một thế giới mới, thế giới vừa hiện thực vừa cổ tích, trong sáng và thuần khiết vô cùng. Trong sâu thẳm tâm hồn, cô đã dành cho anh niềm cảm phục sâu sắc và lặng lẽ...

Mỗi ngày không có Hạnh, với anh dài vô tận; một mình đứng lặng hàng giờ trên mặt đất trơ sỏi nơi cô đã cào hết lá thông, như thể ở đó còn vương lại chút hình bóng của cô.

Thế rồi, cái nhịp điệu hai ngày gặp nhau một lần, đột ngột thay đổi. Một sáng anh ra vườn tượng, uể oải chuẩn bị một ngày dài không có Hạnh, thì đã thấy đôi quang của nàng ở đó tự bao giờ. Hạnh từ sau pho tượng "Tình mẹ" òa ra khi anh đi qua, như trẻ con thường chơi ú tim.

- Em phải tranh thủ những ngày nghỉ còn lại, dự trữ cái đun mùa mưa cho mẹ.

Hạnh đã lý giải sự có mặt của mình ở đây một cách vụng về. Nhưng anh hoàn toàn không hay biết điều đó, bởi đầu óc choáng váng và lồng ngực nghẹn thở khi nghe cô gái vô tình thay đổi cách xưng hô. Họ đã có nhau từ lúc nào không hay biết...

Cái gì đến rồi phải đến. Một hôm, khi giữa hai người đã qua giai đoạn "Tình trong như đã, mặt ngoài còn e", anh đã đưa Hạnh lên chỗ ở của mình phía trên đỉnh đồi, nơi có bốn cây thông mọc hình tứ giác ở bốn góc nhà. Đây là lần đầu tiên ngôi nhà của anh đón khách, mà lại là khách má hồng. Anh có cảm giác hồi hộp và thẹn thò như đưa nàng dâu tương lai về giới thiệu cùng mẹ, mặc dù mẹ anh đã mất hồi chiến tranh. Anh nắm tay Hạnh đi lách qua mấy khối đá anh lăn về đang đục dở. Hai người yêu nhau, tung tăng như hai đứa trẻ. Khi vừa bước chân vào nhà, Hạnh chợt reo lên: "Mẹ!". Và cô chạy ào tới pho tượng chân dung của người năm xưa anh đặt ở giữa phòng. Đến lượt anh ngơ ngác:

- Em nói sao?

- Mẹ em đấy.

Hạnh trả lời và đưa bàn tay búp măng rám nắng mân mê lên mái tóc, bờ vai, cả hai má và khóe miệng của pho tượng một cách âu yếm, trìu mến và thân thiết như đang ngồi bên mẹ, quên có người thứ ba bên cạnh.

- Thế mẹ cháu tên là gì?

Anh hỏi gấp gáp và tự dưng bị đổi cách xưng hô. Nhưng hình như cô gái mải nghĩ về mẹ nên đã không chú ý.

- Mẹ em tên là Hằng, đang dạy học ở một trường quê.

Đất dưới chân anh, và trời trên đầu anh nữa, đổ sụm xuống, tối tăm mày mặt. Em là con của Hằng ư? Sao lại thế? Thượng đế lại nỡ trêu ngươi anh, chơi khăm anh thêm một vố nữa?

- Anh sao thế?

- Không sao. Chỉ thấy hơi chóng mặt một chút.

Ngày hôm sau quay trở lại, khách má hồng đã không tìm thấy anh ở đấy nữa. Ngôi nhà trên đỉnh đồi và cả khu vườn tượng lặng im, hoang vắng như chưa từng có người ở. Nắng lỗ chỗ ở trên mặt đất như rơi từng giọt trắng, và tiếng chim cu gù đâu đó vẳng lại nghe xa ngái và khắc khoải nỗi chia ly. Mẹ cô vẫn đứng đó, trẻ trung, xinh đẹp trong cái lốt của đá hoa cương, như bà chủ quán xuyến ngôi nhà.

Và như chợt nhận ra điều gì, Hạnh vụt lao ra khỏi cửa. Cô bươn bả qua rừng thông bạt ngàn một cách quả quyết, và vô vọng...

° ° °

Anh rời doi đất như một cái sống mũi nhoai ra phía biển, nơi anh đã cầu hôn với Hằng thuở ấy. Nỗi cô đơn của những khát vọng chưa thành và những mối tình đã chết làm anh hóa điên. Trăng sáng như chưa bao giờ được sáng. Mái đồi nhấp nhô đổ dần về phía biển. Anh theo lối mòn ngoằn ngoèo từ con đường cái dưới chân đèo, len lách qua vô vàn những khối đá đứng ngồi lô nhô để ra biển. Bãi cát phẳng lì và tinh khôi dưới bóng trăng như một cánh cung ôm lấy những con sóng nhỏ lăn tăn từ biển xa ùa về.

Không biết từ bao giờ lòng đất lại tặng cho mép sóng một tảng đá rộng và phẳng như một cái phản, nổi trên mặt nước. Từ trên mép cát, nhón chân bước qua là đứng gọn lên tảng đá. Nghe nói ngày xưa các tiên ông ngồi uống rượu và đánh cờ ở đây.

Đêm nay là đêm gì mà trời khuya oi nồng và mặt biển vẫn lặng như ao nước. Anh phanh ngực áo và ngất ngư uống rượu một mình. Nỗi buồn vô vọng thấm tận chân tơ kẽ tóc. Trời ơi, đã Hằng sao lại còn Hạnh? Hằng và Hạnh, các em yêu anh mà làm gì? Mà sao các người lại là mẹ con?

Bầu rượu trong tay anh vơi dần. Và nỗi sầu muộn, đau đớn trong anh cũng dần tăng lên. Anh gật gù chạm li cùng biển, cùng bóng núi đá và rừng thông mờ xa, cùng vầng trăng xế lẻ loi, đơn độc trên nền trời. Vầng trăng nhìn anh độ lượng và thông cảm. Nhưng điều đó càng làm cho anh cảm giác bất hạnh hơn. Anh thương Hạnh, yêu Hạnh; nhưng chính vì thế mà anh phải chạy trốn nàng, chạy trốn tình yêu của nàng.

Anh đâu hay rằng sự bỏ trốn của anh đã làm Hạnh thêm quyết tâm đi tìm. Đêm trước, nàng trở về gặp mẹ và đã hiểu rõ ngọn nguồn. Nàng càng thương anh hơn, quý tài năng của anh hơn và yêu anh hơn. Nàng hiểu rằng, mẹ nàng đã gặp anh, đã yêu anh khi số phận được an bài. Còn nàng, nàng không có gì vướng bận cả. Anh là mối tình đầu cao cả của nàng. Anh phải được hạnh phúc.

Nàng đã bươn bả đi, qua rừng thông chạy suốt con đèo, mặc cho đá vấp, gai cào tưa tướp đôi chân, và không hay trời tối lúc nào...

Nhà điêu khắc đã say mèm, nằm lăn trên tảng đá bàn cờ. Bên cạnh anh, bầu rượu rỗng không nằm ghếch miệng về phía biển xa. Gió bắt đầu lao xao trên mặt nước. Và thật bất ngờ, không biết do ngẫu nhiên hay do đất trời xui khiến, chợt ngọn gió biển vô tình đi qua và bầu rượu rỗng cất lên điệu nhạc. Thoạt đầu chỉ là tiếng ù ù u u như sáo diều hay như tiếng tù và. Nhưng có thể do những ngọn núi đá chắn lại, hoặc do bờ biển như một cánh cung khiến ngọn gió vào vịnh thường xuyên đổi chiều và quấn quýt quanh bầu rượu rỗng, đã làm cho âm thanh của nó biến hóa như âm thanh của một cây tiêu. Tiếng tiêu ngày một sinh động, luyến láy, vấn vít... mềm mại khác thường. Vừa như có tiếng biển lăn lăn trên từng ngọn sóng lại vừa có tiếng rừng xôn xao tận đáy biển. Cả không gian, đất trời, biển khơi như bừng tỉnh sau giấc ngủ say. Lũ chim đại bàng chui ra khỏi tổ, bay về đậu trên các mỏm đá quanh bờ. Lũ cáo chồn cũng mò ra khỏi hang chạy lăng xăng dọc bãi phi lao. Lũ voi rừng, trâu rừng, heo rừng nằm nghếch mõm trên triền đá lắng nghe tiếng tiêu. Nhiều nhất là bọn sống dưới biển, chúng kéo nhau về như đi trẩy hội. Những ả rùa biển khoan thai đếm bước trên cát. Những con cá kình, cá nhám, cá voi kéo nhau về chật vịnh. Chúng vây quanh tảng đá nhà điêu khắc đang ngủ. Say ngất ngư cái âm thanh kỳ diệu phát ra từ đâu đó, đến nỗi chúng xúm lại, gác mõm lên tảng đá, gác đầu lên nhau, nhiều con vươn mình lên khỏi mặt nước, vỗ đôi vây như chim vỗ cánh...

Người con gái đi tìm người yêu suốt đêm, nằm gục bên tảng đá, chợt nghe tiếng tiêu lạ, liền bật dậy. Nàng cũng bị âm thanh kỳ diệu kia cuốn hút. Men theo lối mòn giữa các triền đá, nàng cũng ra được bãi cát. Và vất vả len lách một lúc lâu giữa những con vật trên rừng và những con vật dưới biển cũng vì tiếng tiêu mà tìm về, nàng mới đến được tảng đá anh nằm. Nhưng thật bất ngờ, khi nàng vui sướng vì tìm được người yêu, và khẽ cất tiếng gọi, thì tiếng tiêu kỳ diệu kia chợt im bặt. Và cũng thật kinh ngạc, tất cả sự kỳ diệu của không gian thần tiên ảo mộng ấy, trong giây khắc, tuồng như không muốn khách má hồng biết được mình, nhưng không kịp rút đi, đành hóa đá. Bao năm rồi, những con vật trên rừng và dưới biển kia vẫn còn hóa đá trong tư thế của giây khắc bay nhảy đó...

Tôi về nghỉ mát trên bãi tắm Đá Nhảy, dưới chân đèo Lý Hòa, gặp ông thợ đá già râu tóc bạc trắng, da dẻ mốc thếch, kể cho nghe câu chuyện tình lạ lùng kia, liền chép ra hầu bạn đọc.

Bài liên quan
  • BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhiên cất tiếng hát "Ơi chàng ơi chim có bạn có bầy, thuyền có bến có sông sao lại để em năm canh gối chiếc chăn đơn đợi chàng... "
  • HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Hai người bạn là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, in trong tập truyện ngắn Hạnh, Đời nay xuất bản năm 1940.
  • CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Vũ Bằng hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực báo chí từ những năm 1930-1940 khi tuổi đời còn rất trẻ. Ông là chủ bút tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy, thư ký tòa soạn tờ Trung Bắc Chủ Nhật khi mới hơn hai mươi tuổi. Khi Nhật-Pháp so kè với nhau chiếm nước ta, dưới áp lực kinh người của những kẻ xâm lược, Vũ Bằng vẫn giữ tư thế của tờ Trung Bắc Chủ Nhật là phục vụ người Việt, vì quốc gia dân tộc, khiến cả chính quyền Pháp và Nhật đều phải kiêng nể.  Trước 1945, Vũ Bằng nổi tiếng trong việc giúp đỡ các nhà văn khác cả tiền bạc lẫn kinh nghiệm viết lách. Rất nhiều nhà văn nhận những lời khuyên của Vũ Bằng sau này đều trở thành những nhà văn lớn của Việt Nam. Thế nhưng, một thời gian dài kể từ khi Vũ Bằng di cư vào Nam năm 1954, các tác phẩm của ông biến mất không còn dấu vết, không được nhắc tới trong nhà trường, bị đưa vào danh mục cấm do cái tiếng "dinh tê, về thành", nhà văn "quay lưng lại với Kháng chiến"... gây ra. Ông lâm trọng bệnh và mất ở TP. Hồ Chí Minh năm 1984 trong cảnh vô cùng túng thiếu. Mãi sau này, ông mới được minh oan rằng không phải ông quay lưng với kháng chiến mà là ông đã nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật trong giới trí thức nội thành từ năm 1952 và vào Nam năm 1954 theo lệnh của tổ chức. Tháng 3 năm 2000, Cục Chính trị thuộc Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có văn bản xác nhận nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo.
  • ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ hàng đầu của Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX, sức ảnh hưởng của Xuân Quỳnh lớn tới nỗi Google từng vinh danh bà trên trang chủ của họ vào năm 2019. Là nhà thơ nên tất nhiên bà nổi tiếng về thơ và hầu như khó tìm được ai không biết bài Thuyền và Biển của bà. Nhưng Xuân  Quỳnh cũng viết văn và viết rất nhiều truyện cho thiếu nhi, truyện Ông nội và ông ngoại dưới đây là một trong số đó.
  • LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Lời Nguyền là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, viết về quãng thời gian ông bị thực dân Pháp bắt tại Hà Nội (1941) và đưa lên giam giữ tại trại giam Vụ Bản, Châu Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình. Truyện được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc cuối cùng của nhà văn Khái Hưng. 
  • CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mưỡu Cuối được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1946, đặt làm Phần cuối và đem đi xuất bản ở Quốc Văn với tên Chùa Đàn. Với Tâm sự của nước độc, Nguyễn Tuân băng băng trèo lên đỉnh đèo văn, còn với Chùa Đàn, ông bồng bềnh trôi, chưa mỏi gối nhưng đã không còn đỉnh đèo nào để leo nữa.
  • CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần II của Chùa Đàn, được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1945 có tên Tâm sự của nước độc. Truyện có phần đề từ lấy trong Chữ Nhàn, một bài hát nói của Nguyễn Công Trứ; “Ai hay hát mà ai hay nghe hát”. Trong Chùa Đàn, truyện được sắp xếp thành phần II. Nhà văn Khái Hưng và một số nhà văn khác cho rằng, (việc) Nguyễn Tuân viết thêm Dựng và Mưỡu Cuối, đã làm hỏng mất sự toàn bích một tác phẩm tuyệt mỹ.
  • CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chùa Đàn được xem là tác phẩm hội tụ những gì tinh hoa nhất của nhà văn Nguyễn Tuân do Quốc Văn xuất bản năm 1946 tại Hà Nội. Chùa Đàn bắt đầu từ truyện ngắn Tâm sự của nước độc trong loạt truyện kinh dị Yêu Ngôn ông đăng trên các báo thời bấy giờ. Đến năm 1946, để phù hợp với diễn biến thời cuộc, ông viết thêm hai phần bổ sung, đặt làm phần Một và Ba, Tâm sự của nước độc trở thành phần Hai của tác phẩm.
    Dù là tác phẩm hay nhất của Nguyễn Tuân, nhưng Chùa Đàn đã bị đánh giá thấp do các yếu tốc ma quái kì dị đầy màu sắc tâm linh của nó. Kể từ lần in năm 1946 và sau đó được Tân Việt tái bản ở Sài Gòn* năm 1947, đến tận năm 1981, Chùa Đàn vẫn không được nhà xuất bản đưa vào tuyển tập của ông. Điều này đã khiến Nguyễn Tuân buồn bã đến nỗi; "Tôi tiếc cái Chùa Đàn quá. Họ cắt cái Chùa Đàn khỏi tuyển tập này, cũng giống như cắt cái gan ra khỏi bụng tôi".
    Đến năm 1999, Chùa Đàn mới được in trở lại trong tập Yêu Ngôn do nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh thực hiện. Ngày nay Chùa Đàn không những đã được xuất bản, mà còn được chuyển thể sang nhiều loại hình nghệ thuật khác như kịch nói, cải lương, phim điện ảnh. Ở mảng điện ảnh, Chùa Đàn được dựng thành bộ phim khá nổi tiếng Mê Thảo – thời vang bóng do đạo diễn Việt Linh thực hiện.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần cuối của Ngõ lỗ thủng, tác phẩm dựa trên những ký ức, sự kiện và nhân vật có thật của nhà văn Trung Trung Đỉnh, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ngõ lỗ thủng của Trung Trung Đỉnh dựa trên ký ức của những sự kiện, nhân vật có thật của chính nhà văn, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.