Vợ chồng nhà văn, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ - nhà thơ Xuân Quỳnh cùng con trai Lưu Quỳnh Thơ
Tại sao Lán lại gọi những bông hoa đó là hoa xuyến chi? Đến bây giờ tôi cũng không hiểu tên gọi đó có nghĩa gì không? Thật ra, đó chỉ là những bông cúc dại. Ở vùng Lán, chúng nở trắng xoá dưới chân núi, ven sườn đồi. So với những bông cúc dại, hoa xuyến chi nhỏ hơn, cánh hoa mỏng, thân cao và mảnh dẻ. Lán bảo loài hoa ở núi thường vậy. Hoa xuyến chi nở rộ vào cuối thu, qua mùa đông, cho tới tận đầu xuân… Lần đầu tiên tới cái thôn nhỏ dưới chân núi Buộm, ven bờ sông Thao – nơi Lán ở – tôi phải ngạc nhiên vì màu trắng giản dị mà tinh khiết của loài hoa ấy…
Quê tôi ở cách quê Lán chừng bốn mươi cây số, tuy cũng nằm cạnh sông Thao những đã là vùng đồng bằng, một thị trấn nhỏ bé nhưng khá đông đúc, trên bến dưới thuyền… Năm ấy, tôi thi tốt nghiệp lớp mười xong, nhưng trượt đại học. Thật ra, tôi không hào hứng gì lắm chuyện vào đại học. Nghĩ đến việc phải cắp sách ngồi trên ghế sinh viên bốn, năm năm nữa. Tôi rất ngại ngùng. Thầy tôi mất sớm, mẹ tôi đi bước nữa. Ông bố dượng tôi – một cán bộ ở trạm bưu điện huyện rất yêu thương chăm sóc tôi, mẹ tôi rất chiều tôi nhưng đến tuổi mười chín, hai mươi, cuộc sống ấm cúng gia đình khiến tôi thấy gò bó, buồn tẻ. Tính tôi từ bé vốn ưa bay nhảy, không thích tù túng, chẳng muốn ràng buộc về tình cảm với ai, cũng chẳng muốn phải chịu trách nhiệm với những nghĩa vụ thông thường mà tôi coi là phiền phức. Người thương yêu tôi nhất mà cũng lo lắng về tôi nhất, là bà ngoại tôi. Bà ngoại tôi thường la rầy tôi: “Thế rốt cuộc mày muốn gì, hở cái thằng vô tích sự kia? Sống lông bông theo ý thích, cứ chênh chao như cái diều đứt dây, không được đâu cháu ạ! Con người phải ràng buộc với một cái gì, phải có ích cho một ai đó chứ…” Tôi nghe nhưng chẳng để ý, trong bụng lại thấy buồn cười: Sao những người lớn tuổi thích giáo lý thế? “có ích” mới lại chả “trách nhiệm” – không có những cái đó tôi vẫn có thể sống được chứ sao, tôi có gây ra tội tình gì cho ai đâu? Được rồi, tôi sẽ kiếm việc làm, nghề nghiệp gì không quan trọng, nhưng cốt là tôi được tự do, được đi đây đi đó, được sống theo ý mình…
Cuối tháng chín, thấy tôi suốt ngày hết nằm dài đọc sách, rồi lại ra sông câu cá hoặc đi la cà vớ vẩn dưới bến thuyền, bà tôi liền bảo: “Hân, cháu chuẩn bị mai đi Hạ Hoà cho bà. Cháu phải thay bà lên Hạ Hoà thăm nhà ông bà Lán. Bác Lán trai trước ở cùng trung đội du kích với bố cháu, khi bố cháu bị thương nặng trong trận Pháp đánh lên Ấm Thượng chính bác Lán đã cõng bố cháu lên thuyền chở về nhà bác ấy. Lúc bố cháu hấp hối, chỉ có vợ chồng bác Lán ở bên cạnh khâm liệm, chôn cất chu đáo. Suốt những năm kháng Pháp, mộ bố cháu vẫn nằm ngay trong vườn nhà bác Lán. Yên hàn rồi, chính quyền đưa bố cháu về nghĩa trang liệt sĩ thị trấn ta, nhưng hằng năm bà vẫn lên thăm vợ chồng bác Lán, chỉ có mấy năm nay, trời không cho bà mạnh chân khỏe tay như trước. Thôi thì năm nay cậy cháu đi thay bà… Cái nghĩa, cái tình ở đời không được quên cháu ạ… Cháu lên hai bác ấy mừng lắm đấy, sẽ không ngờ con ông Hân giờ, lớn từng này… Bác Lán cũng có đứa con gái trạc tuổi cháu, cái Lán…
Bà tôi còn kể, dặn dò một hồi dài, tôi không nghe hết. Kể ra, đi chơi khỏi nhà ít hôm, cũng thú, đỡ chồn chân chồn tay. Mà nghe nói trên đó phong cảnh cũng đẹp. Tôi nghĩ vậy và sáng hôm sau thu xếp lên đường ngay.
Tôi xuống tàu ở ga Ấm Thượng rồi đi dọc đầm Ao Châu vào nhà bác Lán! Hôm ấy trời mưa to. Những con suối nước xiết chảy ào ào từ các khe núi xuống những bãi ruộng thấp. Những ngọn đèn nhựa trám toả khói mịt mù sau các nếp nhà mái cọ…
Khó mà tả hết sự ngạc nhiên sung sướng của gia đình bác Lán khi tôi đến. Nhà bác ở chân một quả đồi cao, vườn um tùm cây cối. Một chõ ong đặt ở hiên nhà, ong bay vù vù… Bác Lán trai là chủ nhiệm hợp tác xã, bác gái ở đội trồng chè, cả hai bác đi vắng suốt ngày. Lán – cô con gái lớn sau khi thu xếp nhà cửa, cơm nước cho ba đứa em, đưa tôi đi thăm hàng xóm, những đồi chè, trồng sơn, trẩu… Lán cũng vừa học hết lớp mười như thôi, sang tháng sau cô sẽ lên thị xã học trường trung cấp sư phạm tỉnh. Đó là một cô gái – như người ta thường tả – không đẹp, chỉ xinh, phải nói là rất xinh: mái tóc dày xõa xuống đôi vai tròn, gương mặt rám nắng, đôi mắt to và nâu, vừa bạo dạn vừa rụt rè, thân hình mảnh dẻ nhưng nhanh nhẹn – vẻ hiền hậu, hồn nhiên ở Lán chen lẫn với những nét chín chắn hơi tư lự sớm có ở những cô con gái lớn của các gia đình đông con.
Tôi ờ nhà bác Lán hơn một tuần, thường theo Lán đi chặt củi, đi lên nương xem Lán và các bạn của cô hái chè, dỡ sắn, những buổi làm rất đông vui, tấp nập… Nhưng rồi các cô bạn của Lán thường hay chỉ trỏ, bình phẩm về tôi, và thấy cái cảnh mình vô công rồi nghề đi xem người ta làm việc mãi cùng chướng tôi đành ở nhà… Những buổi ấy, không hiểu sao, tôi rất mong Lán về… Lán thường chẳng nói với tôi chuyện gì đặc biệt cả, nhưng giọng nói và ánh mắt trong trẻo của cô đem lại cho tôi những cảm giác thật dễ chịu, ấm áp. Mới gặp cô ít ngày mà đối với tôi, Lán thân thuộc và tin cậy biết bao…
Đó là ngày cuối cùng tôi ở lại Hạ Hoà. Buổi chiều, trời tạnh ráo sau một cơn mưa lớn. Trên lưng dải đồi rộng – người ở đây gọi là đồi Lem – chúng tôi ngồi dưới những bụi chè cao tua tủa những búp non. Lán vừa xong buổi làm, ngồi nghỉ để gánh chè về sân hợp tác… Cạnh chỗ chúng tôi ngồi, những bông hoa xuyến chi nở trắng, những ngọn khói đốt cỏ tranh làm nương bốc lên sau các hẻm núi bay mờ dưới thung lũng. Tiếng mõ trâu lốc cốc vẳng lại từ đồi cọ bên kia. Nghĩ tới ngày mai đã xa Lán, tôi thấy buồn. Tính tôi vốn hay làm ra vẻ “phớt đời”, chẳng chú ý tới ai, những giờ đây – không hiểu vì vẻ đẹp lặng lẽ của buổi chiều, vì sắp phải từ giã một nơi mình không định mà đã tới, đã được quý mến như người nhà, hay bởi vì ngày ấy tôi mới hai mươi mốt tuổi và chưa biết sẽ làm gì trong cuộc đời – tôi bỗng cảm thấy cần phải nói với Lán một điều gì… Cổ tôi như nghẹn lại, tôi vừa thốt được một lời: “Lán” Như nhận ra vẻ khác thường của tôi. Lán bỗng ngẩng lên, đôi mắt như to ra, mờ đi vì sợ hãi… Lán vội quay mặt đi, đầu cúi xuống, cái gáy trắng trẻo với những sợi tóc lòa xòa của Lán đỏ ửng lên. Tôi nắm lấy bàn tay nhỏ nhắn của Lán, một bàn tay ấm nóng dính đầy nhựa cây, nhựa trám nhựa của những búp chè non vừa hái… Quả thật, chưa bao giờ tôi bạo dạn đến thế, tuy tôi thuộc loại nhanh mồm, nhanh miệng và không kém thói ba hoa. Tôi cũng chưa yêu ai bao giờ, ngoài một hai mối cảm tình bâng quơ với cô bạn cùng lớp hoặc cô gái trong tổ dệt thảm len ở trước cửa nhà tôi…
Chúng tôi ngồi im lặng như vậy hồi lâu, rồi Lán ngượng nghịu rút tay ra khỏi tôi. Cô hỏi khẽ: “Mai anh đi?…” Tôi gật đầu. Không hiểu Lán đang nghĩ gì, cô có vẻ đăm chiêu. Rồi Lán bảo đã đến lúc phải về, kẻo trời sắp tối, thầy u mong và chắc tôi đã đói. “Ừ, đói cồn cào cả bụng!” – Tôi trả lời như thằng thộn.
Lán gánh hai sọt chè đầy đi theo con đường mòn xuống đồi. Tôi im lặng đi bên cạnh. Đâu đây, mùi thơm dịu dàng của hoa xuyến chi, loài hoa dại mọc trên những sườn đồi và lũng núi… Con đường đất mịn xạc xào lá cọ. Lần này thì Lán bạo dạn nắm tay tôi trước. Vừa đi, chúng tôi vừa trò chuyện. Lán bảo: “Bây giờ biết nói sao với thầy u về chuyện anh với em? Em vốn không quen giấu giếm thầy u em điều gì cả…”. Tôi hơi sững sờ: ra Lán định thưa chuyện với thầy u ư? Mọi chuyện vừa mới bắt đầu thế, nào đã ra đâu vào đâu… Lán lại rủ rỉ tiếp: “Em sẽ về thăm mẹ và bà anh… Về thăm luôn, còn thì học xong, em sẽ lại về Hạ Hoà dạy học, em chẳng xa nơi này được, thầy u em chỉ có em là con lớn, lũ nhóc thì còn nhỏ lắm… Mà anh đã hiểu gì về em đâu nhỉ, sao anh lại vội… Liệu anh có thương em được mãi? Người ta bảo đàn ông chóng quên, anh có thế không? Thầy u em thường kể em nghe về cha anh, em đã cảm thấy quý anh, tin anh ngay… Em có nông nổi không anh? Nhưng rồi đây, chúng mình còn nhiều thời gian để hiểu nhau, anh nhỉ? Mai này…
Tôi nghe mà không kịp nghĩ ngợi gì. Tôi nào đã kịp dự tính đến chuyện mai sau, đến những gì lâu dài giữa tôi và Lán… Bởi tôi còn trẻ quá, hay bởi tình cảm của tôi không mạnh mẽ, hồn hậu, tha thiết được như Lán? Dẫu sao, nghe Lán nói, tôi vẫn thấy xúc động, thấy thú thú, hay hay… Tôi gật gù bảo Lán: “Chúng mình sẽ đi đâu thật xa, đi nhiều nơi… Sao Lán cứ thích quay về sống ở chốn đồi núi hẻo lánh này, tù túng buồn chán đến chết mất… Con người ta phải sống một cuộc sống tự do, như con chim không bị ràng buộc… Đó mới là điều chủ yếu… “. Tôi thao thao giảng giải cái triết lý quen thuộc của tôi. Có lẽ Lán chẳng hiểu gì hết, cô vẫn chăm chú nghe tôi nói, chỉ rụt rè hỏi những câu khiến tôi bật cười: “Nhưng ở xã người ta muốn em về làm giáo viên thì sao? Lại còn lũ em em ở nhà, còn thầy u?…”.
Đã về tới cái cổng tre đầu vườn nhà Lán. Đom đóm bay lập loè dưới những tàu lá cọ. Chúng tôi dừng lại, và… Thôi, đã kể thì kể thật hết: lúc ấy, tôi e ngại giây lát rồi đánh bạo ôm chặt lấy đôi vai Lán. Gương mặt Lán nóng bừng trên mặt tôi… Cái hôn đầu tiên trong đời. Mùi nhựa trám, mùi tươi hăng của lá chè non phảng phất trên mái tóc dày của Lán…
*
* *
Tôi về nhà mới được mươi hôm mà đã nhận được hai thư của Lán. Thư thứ hai, Lán báo tin cô đã lên thị xã, vào trường sư phạm, vội vào năm học nên cô chưa thể xuống chỗ tôi. Tôi cũng không thể nào quên buổi chiều và sườn đồi ấy, giọng nói trong trẻo hồn hậu của Lán, đôi vai ấm nóng của Lán trong tay tôi buổi tối ấy… Không biết có phải vì thấy từ hôm đi Hạ Hoà về tôi có vẻ vui vẻ, nhanh nhảu khác thường hay là dò đoán được bằng cách nào, bà tôi và mẹ tôi thì thầm nhỏ to với nhau. Rồi một hôm, mẹ tôi hỏi thẳng, tính mẹ thường nóng vội như vậy:
– “Thế nào, sao không nói gì với mẹ, với bà…? Liệu xem ra sao để mẹ còn thưa chuyện trước với vợ chồng bác Lán. Chỗ nhà ta với hai bác ấy, chẳng có gì phải giữ kẽ với nhau cả…”
Rồi mẹ tôi vừa cười vừa nói với bà:
– “Kể ra, nếu rồi thằng Hân nhà ta lấy vợ, được đám như con gái bác Lán, thì còn gì bằng?”
Bà tôi cũng cười, nhưng lại quay sang tôi, nghiệm giọng:
– “Vợ con với yêu đương gì chưa biết, chứ anh phải lo chuyện công ăn việc làm hoặc đi học hành gì đi đã, lêu bêu bốn, năm tháng rồi…”
Bà tôi sốt ruột với chuyện chọn ngành, chọn nghề của tôi. Dượng tôi đã xin được cho tôi vào mấy nơi công tác: làm công nhân dưới nhà máy phốt-phát, đi học lớp cán bộ thống kê tỉnh, hoặc vào làm ở phòng bảo tàng Ty văn hoá… Nhưng tôi chẳng ưng việc nào, tôi thấy những công việc đó đều rất gò bó, tẻ nhạt. May sao, đầu tháng mười, bác tôi – anh ruột của mẹ tôi – đi công tác ghé qua. Là cán bộ khá quan trọng của một cơ quan cấp Bộ của Hà Nội, bác tôi rất quý, rất thương mẹ tôi, bác là người rất nặng tình cảm với họ hàng, con cháu. Gặp bác, tôi rất mừng bác là người hiểu biết rộng, chắc không quan niệm “cổ hủ”, cạn hẹp như bà và mẹ tôi, tôi có thể trò chuyện được. Vả lại, dù sao bà và mẹ tôi đã kể lể, than vãn hết lời về tôi với bác tôi rồi, tôi thấy cũng nên thổ lộ thật sự tâm tư nguyện vọng với bác, may ra bác có thể giúp gì tôi được chăng?
Bác tôi lắng nghe tôi nói hồi lâu, chăm chú nhìn tôi, lắc đầu như có vẻ chê bai: “Lung tung!… Anh bạn suy nghĩ chẳng đâu vào đâu cả… Chả trách bà với mẹ lo… Này cuộc sống rất rõ ràng, thiết thực, khắc nghiệt, không phải chuyện đùa đâu! Mà cũng đừng làm mọi sự rắc rối thêm… Chẳng qua là vì cháu còn trẻ, chưa trải qua vấp váp lo nghĩ gì… Nhưng thôi, được rồi để cho bà với mẹ khỏi lo lắng, và vì bác quí cháu – bác biết cháu là thằng thanh niên tốt, lung tung một chút nhưng tốt – bác sẽ giúp cháu. Cháu muốn đi đây đi đó hả? Được! Thế này nhá: Cháu có thích làm báo không?
– Làm báo? Tôi không khỏi ngạc nhiên.
Bác tôi nói tiếp:
– Ở chỗ bác có một tờ báo của ngành, đang cần lấy thêm phóng viên, vì gần đây báo đã in “ti-pô” phát hành cả ra ngoài ngành. Các anh phụ trách ở đấy đều là bạn bè bác. Bác thấy cháu hay đọc sách, đọc truyện, và hình như hồi học ở trường cũng khá về môn văn, chắc cháu sẽ làm phóng viên được, vì công việc cũng đơn giản: chỉ là đi lấy tin, viết tin về các hoạt động của ngành. Dĩ nhiên, cháu sẽ phải học hỏi thêm về nghề làm báo, về đặc điểm chuyên môn của ngành, những việc ấy thì bác không giúp cháu được, cháu phải tự rèn luyện lấy, nhưng cháu sẽ tha hồ được bay nhảy, bởi ngành ta rất rộng, rất đông… Cháu nghĩ thế nào?
Tôi chẳng nghĩ thế nào cả, tuy hay đọc sách và học cũng không đến nỗi tồi về môn văn, tôi chưa hề có ý định trở thành nhà báo, tôi cũng chẳng mấy thích thú cái ngành của bác tôi. Nhưng có lẽ công việc mà bác tôi giới thiệu sẽ cho tôi được sống theo ý thích, nhất là tôi sẽ được ở Hà Nội, kể ra còn gì bằng? Tôi làm bộ bình thản, gật đầu, nhưng trong bụng như mở cờ…
Bà tôi tỏ ý lo ngại:
– Làm “nhật trình” có phải chuyện chơi, mày có làm được không cháu?
Nhưng sau bà cũng đành chiều ý tôi và trông cậy vào bác tôi. Thế rồi, chỉ ít hôm sau, khi bác tôi đi công tác xong, trên đường về ghé qua nhà tôi, tôi liền gói ghém đồ đạc, quần áo, theo xe của bác về Hà Nội, chẳng buồn ngoái lại nhìn cái thị trấn mà tôi coi là tẻ ngắt… Tôi cũng không kịp nhắn tin gì với Lán, định bụng lên Hà Nội, nhận việc xong xuôi rồi, tôi sẽ viết thư cho Lán…
*
* *
Thủ tục để tôi vào làm báo được tiến hành nhanh chóng, bởi bác tôi là người rất có uy tín trong ngành, tờ báo lại thuộc một bộ phận có liên quan với bộ phận mà bác tôi phụ trách và họ cũng đang thiếu người. Vốn nhanh trí, tôi hiểu và làm ngay được những công việc tòa soạn giao cho. Đúng như bác tôi đã nói trước: công việc kể cũng khá đơn giản, tôi chỉ việc đi lấy tin ở các cơ sở, hoặc viết lại tin từ những bản báo cáo thi đua người ta gửi lên, tường thuật buổi khai mạc một hội nghị tổng kết hoặc phản ánh vắn tắt khí thế làm việc ở một đơn vị v.v… Tôi được cơ quan phân cho một gian buồng xép chừng tám mét vuông trong khu tập thể. Một thanh niên ít tuổi, lại mới vào làm ở cơ quan như tôi, đó là một may mắn lớn, không phải ai cũng có được. Đầu tiên, tôi bắt tay vào xếp đặt trang hoàng chỗ cư ngụ của mình. Bác tôi cho tôi một cái tủ gỗ nhỏ. Cơ quan cho mượn chiếc giường cá nhân. Tôi mua một bộ bàn ghế đã cũ, nhưng khá xinh xắn, lọ cắm hoa, ấm chén, gạt tàn thuốc lá, cái đèn bàn bằng phim nhuộm màu xanh dịu, bức tượng cô vũ nữ ba-lê bằng sứ… Tôi treo lên tường bản in bức tranh “Mùa thu vàng” của một hoạ sĩ Nga mà tôi từng thấy anh giữ thư viện ở thị trấn tôi vẫn treo và ca ngợi rằng đó là một tuyệt tác. Bây giờ chỉ còn thiếu ảnh một cô gái… Tiếc rằng tôi chưa có tấm ảnh nào của Lán. Tôi cắt ở hoạ báo tấm ảnh Xa-Mô-Lô-Va cô diễn viên đóng phim “Đàn sếu bay qua” – dán lên tường.
Viết vắn tắt cho Lán ít dòng, báo cho Lán biết hoàn cảnh sống và bước đường mới của tôi, rồi, với một tâm trạng thật vui vẻ, thoải mái, tôi bước vào cuộc sống mới!
Công việc làm báo khiến tôi giao thiệp rộng. Tôi làm quen với khá đông bạn trẻ làm báo ở một số tờ báo lớn và nhỏ khác nhau. Tôi thường có mặt ở các hội diễn văn nghệ quần chúng của các đơn vị trong ngành hoặc thành phố. Tôi đi xem, đi chơi với một số anh làm văn nghệ nghiệp dư của ngành – họ sáng tác bài hát, chơi đàn hoặc dựng kịch. Tôi bắt đầu nghiện thuốc lá và thông thạo dần những quán cà phê trong thành phố. Cách ăn nói, giao thiệp của tôi hoạt bát hơn, lịch lãm hơn so với hồi ở thị trấn, nhưng cái tính vô tư, thích sống thoải mái không ràng buộc, không lo nghĩ thì vẫn thế, thậm chí còn tăng hơn…
Tôi vẫn nghĩ đến Lán, không phải thường xuyên nhưng vẫn nhớ, như nhớ tới một niềm vui lặng lẽ, một dòng suối trong mát lấp lánh đang chờ đợi tôi ở nơi xa. Trong một kỳ đi thực tập, Lán đã ghé về thăm bà và mẹ tôi, được cả nhà tôi rất quý mến. Lán viết thư cho tôi luôn. Những lá thư với nét chữ nắn nót, hiền hậu. Lán kể về việc học của Lán, về bạn học và các giáo viên, về những dự định sau này khi ra trường về quê dạy học – Lán vẫn chưa bỏ được cái ý định về quê dạy học. Lán còn hỏi ý kiến tôi về công tác nọ công tác kia trong lớp, kể cả việc giúp đỡ những bạn học kém hoặc có những khó khăn, khổ sở riêng tư… Tính Lán thật đến lạ…
Thấm thoát, đã mùa hè. Lán dự định về Hà Nội với tôi rồi hai đứa sẽ về Hạ Hòa. Nhưng nhận được điện ở nhà báo tin đứa em út bị ốm nặng, từ trường Lán vội về quê ngay, không kịp về Hà Nội đón tôi. Tôi viết thư hẹn Lán tôi sẽ lên Hạ Hòa trong kỳ nghỉ phép tới. Thế rồi, lần lữa mãi bởi công việc nọ kia, rồi tôi lại mắc đi Bãi Cháy với mấy người bạn (tiện có chuyến xe, mà tôi thì chưa bao giờ được thấy Vịnh Hạ Long), tôi vẫn chưa lên chỗ Lán được. Cuối tháng bảy, tôi định đi thì lại đang kỳ bão lụt, đường về Hạ Hòa bị lũ ngập mấy đoạn, xe hàng không lên được. Lán viết thư nói rằng Lán và cả nhà mong tôi đỏ con mắt, nay thì đã hết kỳ nghỉ hè, Lán phải vào trường. Kể ra thì Lán cũng có thể về Hà Nội vài ngày trước khi vào trường cũng được, nhưng chắc Lán giận tôi, bởi bẵng đi một thời gian, tôi không nhận được thư nào của Lán cả.
Cũng trong khoảng thời gian ấy tôi quen Kim Yến.
Ở đời, có những sự tình cờ mà dẫn theo những biến động có thể làm thay đổi cả đời sống của một con người. Tôi quen Kim Yến hoàn toàn là chuyện ngẫu nhiên. Tôi đến chơi với một người bạn là phóng viên ở một tòa báo, Yến làm nhân viên đánh máy ở đấy.
Tôi cam đoan rằng: tất cả những người con trai ở tuổi tôi mà gặp Yến ắt đều phải chú ý – nếu không nói là có cảm tình – với Yến ngay. Yến lá một cô gái rất đẹp, một vẻ đẹp trẻ trung, tươi mát, quyến rũ lạ lùng: mái tóc cắt ngắn, những món tóc ở hai bên má hơi uốn cong ra phía trước, ôm lấy gương mặt rực rỡ. Dáng người Yến dong dỏng, mềm mại, đôi mắt lúc nào cũng như đang ngạc nhiên. Cái cổ cao vươn lên tựa như một đài hoa khiến gương mặt luôn ngước về phía trước với vẻ thách thức khó tả, cái miệng xinh đẹp luôn mỉm cười, môi dưới hơi bĩa ra, vừa ngây thơ vừa kiêu kỳ… Yến ăn mặc theo “mốt” mới nhất, chiếc áo mỏng thêu hoa và chiếc quần âu được cắt may thật khéo, tuy hơi đỏm dáng, sặc sỡ nhưng vẫn rất duyên dáng… Tôi sững sờ như bị ngợp đi trước cô gái. Không thể nhớ rõ tôi đã quen Yến ra sao, chỉ biết rằng qua những người bạn tôi, chúng tôi thân nhau rất chóng vánh.
Yến thật hồn nhiên, vô tư. Cô dễ làm cho người khác vui và cũng thích người khác làm cho mình vui. Cô quan tâm tới mọi việc nhưng bất cứ việc gì cũng không thể xâm phạm được tới tính vô tư của cô. Cuộc đời đối với Yến như một ngày hội với bao sự thú vị kế tiếp, đến nỗi cô không biết chọn nỗi vui gì và đành phó mặc mình cho hết sự thích thú này đến sự bất ngờ khác… Cha mẹ Yến mất sớm, cô sống với gia đình một bà thím làm nghề uốn tóc, từ khi còn rất ít tuổi, Yến đã rời nhà đi văn công, sau vì không đủ khả năng, cô chuyển sang làm phát thanh viên, rồi làm nhân viên đánh máy… Mỗi năm cô lại chuyển một cơ quan, vì theo lời Yến nói, cô không thích ở lâu một chỗ. Cái tính vui vẻ, phóng túng, không bị ràng buộc, không phải chịu trách nhiệm về ai của Yến thật giống tôi… Yến biết lắng nghe và tán thành mà không cần nghĩ ngợi tất cả những điều tôi nói ra. Tôi tìm thấy ở Yến một người con gái mà tôi cho rằng rất hợp với tôi, hơn nữa, cô gái ấy lại đẹp và đáng yêu vô cùng… Những lúc nghĩ như vậy, tôi thoáng nhớ tới Lán, trong lòng có gì bứt rứt, cảm thấy như mình có lỗi với Lán. Nhưng tôi lại nghĩ: một cô gái như Lán – với bao nhiêu sự ràng buộc, tuân theo bao nhiêu nguyên tắc trong đời sống – làm sao hoà hợp, thông cảm được với tôi? Vả lại, thực ra, chúng tôi nào đã ở bên nhau được mấy chốc?
Còn Yến thì khác, suốt những ngày ấy, chúng tôi hầu như không rời nhau, luôn ríu rít bên nhau, tôi đón Yến ở cửa cơ quan Yến, Yến đến tìm tôi giữa giờ làm việc, chúng tôi đi chơi ngoài phố, đến nhà bạn bè, đi xem phim, xem ca nhạc, ngồi ở quán nước… Rồi như không thể khác được, tôi nói với Yến rằng tôi yêu Yến và – Yến cũng vui sướng nói rằng Yến yêu tôi… Không muốn là một kẻ dối trá, tôi viết thư nói hết sự thật với Lán, tuy mấy thư trước tôi đã nói xa xôi cho Lán hiểu rằng: có lẽ người như tôi không hợp với Lán và sẽ không mang lại hạnh phúc cho Lán đâu. Phải nói khi viết lá thư cuối cùng này cho Lán, tôi rất buồn và thương Lán, tôi đành lặp lại những lời sáo mòn, cũ rích mà người ta thường nói trong những trường hợp tương tự: “Tôi vẫn mãi mãi quý trọng Lán, coi Lán như người em gái, và mong Lán hãy coi tôi là người bạn thân thiết nhất của Lán”. Khi gửi lá thư đi rồi, tôi mới thấy ân hận bởi những lời công thức giả dối đó. Nhưng tôi không có thời gian băn khoăn nghĩ ngợi nhiều: mối tình sôi nổi của tôi với Yến đã chiếm hết tâm trí tôi. Tôi viết thư cho bà và mẹ, kể về Yến và nói rằng: chúng tôi không thể sống thiếu nhau được. Bà và mẹ tôi tỏ ý lo lắng, buồn phiền, cho rằng tôi nông nổi, bộp chộp. Bà tôi nhắc tới Lán và bảo tôi là thằng Sở Khanh. Ít lâu sau, hai người lại viết thư nhắn rằng: Tôi hãy đưa cái nhà cô Kim Yến gì đó về gia đình, cho bà và mẹ tôi biết người, biết tính, thì mới có thể nói bằng lòng hay không bằng lòng được. Nghĩ tới cảnh Yến về nhà tôi, với cái tính cách cũng như lối ăn mặc, nói năng của Yến, chắc bà và mẹ tôi sẽ chẳng ưng gì, đấy là chưa kể hai người có thể có những thái độ khiến Yến phật lòng hoặc tủi thân… Nghĩ vậy nên tôi quyết định: chẳng nên đưa Yến về làm gì, chẳng cần gia đình tôi có ý kiến vào chuyện tình cảm của tôi, tôi chịu trách nhiệm lấy. Yến cũng không hề nhắc tôi phải đưa Yến về nhà tôi, cô cũng chẳng hề quan tâm tới việc gia đình tôi có bằng lòng hay không…
Thời gian qua nhanh, một năm mới lại tới. Đột ngột vào một buổi tối, Yến nói với tôi:
– Em quyết định rồi: chúng mình nên cưới nhau đi anh ạ. Em chán sống một mình lắm rồi! – Cô mỉm cười – Em muốn liều một chuyến, thử phiêu lưu một chuyến…
Rồi Yến nói thêm, nửa đùa nửa thật:
– Tử vi em năm nay là phải lấy chồng đấy, anh mà do dự thì em cũng đến phải lấy một ông chồng khác mất thôi…
Tôi vừa cảm động vừa bàng hoàng, cố trấn tĩnh, hỏi Yến:
– Em không sợ những phiền lụy của đời sống gia đình?
– Em đã bảo em liều… Hơn nữa, em yêu anh, anh rất tốt bụng, rất hiền, và anh rất yêu em, có đúng không?
– Điều đó thì khỏi phải nói – tôi sung sướng gật đầu – Nhưng anh hứa sẽ không làm phiền gì em, em vẫn sống vui vẻ thoải mái như trước… Chúng ta sẽ không ràng buộc gì nhau…
– Em biết, anh là người “mô-đéc”…
– Nhưng chúng ta đã kịp chuẩn bị gì cho việc cưới nhau đâu?
– Anh khỏi phải lo! Buồng thì anh đã có rồi. Hơi chật một chút nhưng không sao! Đồ đạc cũng chẳng cần gì nhiều vì chúng ta sẽ ăn cơm hàng… Tuần tới, ta sẽ đi mua áo cưới. Em biết một chỗ bán vải đẹp…
Mọi việc đều bất ngờ chóng vánh. Đám cưới của chúng tôi rất vui. Yến rất diện và đẹp, bạn bè đến rất đông, có cả dàn nhạc và các ca sĩ nghiệp dư hát giúp vui, họ tặng chúng tôi nhiều món quà nhỏ và những lời chúc mừng nồng nhiệt. Mãi sáng hôm cưới, tôi mới điện báo tin cho bà, mẹ và dượng tôi. Bác tôi cũng không có mặt bởi suốt từ khi tôi quen Yến tới lúc cưới Yến, bác tôi đi công tác xa, ngày cưới bác tôi vẫn chưa về.
Những tháng đầu chung sống của chúng tôi có thể nói là hạnh phúc. Mỗi sớm dậy là bắt đầu một ngày vui ồn ã. Nhà chúng tôi rất đông khách. Yến nhiều bạn bè làm đủ nghề: văn công, vận động viên thể thao, nhà nhiếp ảnh, quay phim, kỹ sư, thợ sửa chữa máy thu thanh… Họ đều là những cô gái bạo dạn, những người đàn ông – trẻ tuổi và không trẻ tuổi – sôi nổi, vui tính, bạt thiệp. Chúng tôi liên tiếp tham dự, hoặc tổ chức tại nhà những buổi họp mặt, những lễ mừng sinh nhật có thắp nến và ăn bánh ngọt theo kiểu Âu…
Yến rất thích hoa, có hôm cô mua về cắm chặt cả ba bốn thứ lọ, cốc khắp nhà. Yến hay đòi tôi sắm cho cô khăn mới, guốc mới, nhưng chỉ độ mươi hôm là cô đã chán và lại muốn đổi một kiểu khác mới hơn… Cô đối xử với tôi vẫn nhí nhảnh, duyên dáng như buổi mới quen nhau. Đôi lần, cô chê tôi: “Sao ở chỗ đông người anh rụt rè, lóng ngóng thế, chẳng hay chuyện trò gì, độc ngồi im?”. Rồi cô cười trêu cái giọng Phú Thọ và cái mũi hơi dài của tôi. Cô bảo “Những người mũi dài nhòm mồm như thế là hay vừa nhác vừa tham ăn…”. Cuộc sống của chúng tôi vô số những câu cười đùa vui nhộn như vậy… Chỉ có một điều khiến tôi bắt đầu phải lo lắng, một điều thật tầm thường nhưng rất hiển nhiên và không kém quan trọng: tôi cạn nhẵn tiền.
Hồi tôi lên Hà Nội, bà và mẹ tôi có cho tôi một số tiền, sau đó dượng tôi lại gửi cho tôi một cái xe đạp và mấy lần gửi tiền thêm cho tôi. Bác tôi cũng cho một món tiền để tôi “chuẩn bị cho một đời sống tự lập”. Tất cả những số tiền đó, cùng với số tiền lương để dành, tôi tiêu hết vào việc cưới, vào các lần mua sắm cho Yến cùng mấy tháng ăn tiêu thoải mái của chúng tôi. Rồi tôi phải bán đi cái xe đạp, nhưng sau khi tiêu hết lại vẫn lâm vào cảnh túng thiếu. Yến dường như không biết tới điều đó, cô tiếp tục tổ chức những buổi mời bạn bè ăn liên hoan, những bữa ăn “sinh nhật” rất tùy hứng… Trong tôi, gã con trai của một thị trấn nhỏ vốn quen sống thanh đạm, tằn tiện, bắt đầu cảm thấy áy náy tiếc rẻ những bao thuốc, những chai rượu và bánh ngọt, hạt bí… bị tiêu tan phung phí một cách “chẳng đâu vào đâu” trong các bữa tiệc nhộn nhạo… Sau mỗi lần khách khứa tụ bạ, tôi lại đi rửa gạt tàn thuốc, đổ giấy kẹo, vỏ chuối và xoay trần lau nhà – tính tôi vốn sạch sẽ, ngăn nắp. Có những ngày tôi chẳng ngồi riêng với Yến được lúc nào: bạn bè của Yến đến rầm rập. Đến nỗi có lúc đi vắng về thấy trước cửa buồng đầy guốc, dép, giầy da… tôi không khỏi phát ngốt.
Tôi cũng bắt đầu nhận ra một tính lạ lùng nữa ở Yến: cô rất hay nói dối. Nhiều việc chẳng đáng gì cô cũng nói dối. Yến nói dối một cách ngây thơ, hồn nhiên, chẳng nghĩ ngợi và đôi khi tôi phát hiện ra, hỏi vặn lại, Yến cười xòa ngay, vẫn với cái vẻ dễ dãi, hồn nhiên…
Thói quen ấy của Yến không khiến tôi lo lắng bằng cái tính thất thường, chóng thích, chóng chán của cô ta. Có những lúc không có khách khứa, chỉ tôi với Yến ở nhà, tôi thấy Yến buồn chán ra mặt, cô đi lại tha thẩn trong phòng, hết soi gương chải tóc lại vứt lược xuống ngồi bó gối. Cô rủ tôi:
– Ta đi đâu cho đỡ chán đi anh!
– Sao em không ngồi riêng với anh được một lúc? Anh chẳng thích đi đâu cả…
Yến không nói gì, dở hộp bánh quy ra cắn một miếng rồi lại uể oải bỏ xuống. Cô thở dài:
– Sao anh không tập chơi một thứ đàn gì cho vui, đàn ghi ta chẳng hạn? À, mà anh là nhà báo, sao không viết văn nhỉ? Con bạn em có người yêu là nhà văn đấy!
Tôi càu nhàu bảo Yến rằng tôi không thích chơi đàn, tôi không thích viết văn, mà thực ra, tôi cũng chẳng thích nghề viết báo, tôi vào làm phóng viên là do bác tôi giới thiệu, ở toà soạn người ta cũng nhận xét rằng tôi không say mê nghề, thiếu sự năng nổ, cần cù…
Yến cười dễ tính. Một lát sau, co vuốt má tôi, cầm cái túi thổ cẩm khoác lên vai:
– Em có việc phải đi một chút. Em đến thăm cái Thuỷ, nó bị ốm nặng…
– Sao lúc sáng em nói Thuỷ đang đi đấu bóng bàn ở Hải Phòng?
– Em nói thế thật à?… Em nhầm…
– Không phải em nhầm!… Thực ra bây giờ em không định đến cái Thuỷ. Em đi đâu mà giấu anh?
– Trời ơi, anh tò mò thật, cái gì anh cũng vặn vẹo em, em có phải là tù nhân đâu!
Cứ thế, những chuyện vặt vãnh khó chịu ấy xảy ra thường xuyên làm cả hai đều bực tức. Lại thêm cảnh túng bấn, nợ nần. Cuộc sống chung giữa hai đứa mỗi ngày một trở nên nặng nề. Yến đi vắng luôn, hình như cô ngại ở nhà với tôi. Tính tôi đâm ra cáu kỉnh, lắm lúc hoá nhỏ nhen. Tôi bỏ bê công việc cơ quan, cãi nhau với đồng chí tổ trưởng, cãi nhau với cả ông thường trực cơ quan. Nhiều lần, tôi uống rượu, dù không quen uống, bị say đến nôn thốc nôn tháo… Cũng có những lúc, buồn bã và trống trải, tôi nhớ tới Lán, nhớ tới buổi chiều ở Hạ Hòa, đồi chè xanh, những bông hoa xuyến chi thanh khiết… Tôi đoán Lán phải trách giận, thù ghét tôi lắm và chắc hình ảnh tôi bị xoá khỏi tâm trí Lán rồi…
Hôm ấy, Yến đi đâu cả ngày. Một cô bạn của Yến lại chơi. Thực ra, Yến không có bạn gái, Yến quen đấy, nhưng chẳng thân thiết với cô bạn nào. Nghe nói Yến đi từ sáng, cô bạn nhìn tôi thương hại. Nhìn vẻ rầu rĩ của tôi và cái bánh mì suông trên bàn tôi định ăn thay bữa chiều, cô bạn nói:
– Anh phải nấu nướng ăn uống cho cẩn thận chứ… Mà đừng có mất công đợi Yến… Đàn ông các anh thật thà thật, có những chuyện… tất cả đều biết, chỉ riêng anh chồng là…
– Chuyện gì? – Tôi sửng sốt hỏi.
Nhưng cô bạn đã lắc đầu quầy quậy: “Không, em nói thế thôi…”, rồi vội vã bỏ đi mất. Chuyện gì? Ý cô ta muốn nói chuyện gì? Nằm vật trên giường, khổ sở vì nghi ngờ, tôi tự hành hạ mình bằng cách mường tượng ra những sự việc và hình ảnh khủng khiếp, tệ hại nhất về Yến. Rồi, không thể nghĩ tiếp được nữa, tôi lục tìm chai rượu chanh, rót uống ba, bốn cốc liền. Khi Yến về thì tôi đã say đừ. Yến không về một mình, đi theo Yến có một cô gái và mấy anh con trai, trong đó có một anh chàng mà tôi vốn không ưu – một anh chàng to béo mặc áo blu-dông da, đội mũ len có quả bông trên chóp, cái miệng chúm chím của anh ta không hiểu sao tôi thấy rất khả ố.
Mấy người bạn của Yến không biết tôi đang say. Tự nhiên như ở nhà, họ mời tôi uống nước và vui vẻ trò chuyện. Trong câu chuyện tôi có nói một câu gì đó khiến anh chàng to béo bẻ lại, tôi xẵng giọng bảo rằng anh không biết gì thì không nên bàn vào. Anh ta xẵng giọng đốp lại tôi. Tôi điên tiết quát lên:
– Anh câm mồm đi! Tôi không muốn những thằng ngu ngốc mà hợm hĩnh như anh ngồi ở nhà tôi! Xéo đi cho khuất mắt!
Anh ta tái mặt đứng dậy. Tôi cũng loạng choạng chồm lên. Tiện tay, tôi vớ cái mũ len của anh ta trên bàn ném ra ngoài cửa. Lúc này, cả mấy người mới nhận ra là tôi đang say. Sửng sốt, và cũng đâm hoảng, họ lúng túng rồi vội vã rút lui thẳng…
Sau khi tiễn đám bạn xuống nhà, trở lên buồng, Yến giận dữ đến run người, cô la lên:
– Anh điên à? Tôi không thể tưởng tượng nổi. Thật là thô bạo cục súc. Anh xử sự như một kẻ vô giáo dục!.
– Vâng tôi vô giáo dục, còn cô… cô là người vợ lăng loàn!
– Anh có quyền gì mà hoạnh họe bắt bẻ tôi?… Tôi có bạn bè của tôi! Tôi có yêu ai nữa cũng chẳng sao. Khi lấy nhau, tôi với anh đã giao hẹn trước: không ràng buộc gì, không có trách nhiệm gì với nhau cơ mà. Giờ tôi mới hiểu rõ anh: anh thật tầm thường tồi tệ!
Tôi quát to, Yến cũng quát lại, rồi tôi tát cho Yến hai tát và bỏ đi.
Tỉnh rượu rồi, nhớ lại tất cả sự lố bịch và dung tục của những gì xảy ra, tôi vô cùng chán nản, hổ thẹn. Đêm ấy, tôi đến ngủ nhờ nhà một anh cùng cơ quan. Mãi tới trưa hôm sau, quần áo nhàu nát, mặt mũi bơ phờ tôi về nhà. Ngỡ rằng Yến sẽ trút lên tôi hàng núi những lời xỉ vả. Những không. Yến đang ngồi đợi tôi, vẻ dửng dưng, trầm lặng, chỉ có gương mặt hơi xanh và khoé mắt rơm rớm…
Một hồi lâu im lặng nặng nề. Cả hai chúng tôi ngồi yên không nói gì, rồi Yến cất tiếng trước:
– Em không giận anh, em đã làm anh bực… Nhưng… anh Hân ạ, em đã nghĩ kỹ: chúng ta không sống được với nhau đâu! Chỉ làm phiền, làm khổ nhau, làm cho nhau chán. Tốt hơn hết, nên chia tay nhau sớm… Anh tha lỗi cho Yến. Chúng ta từng có với nhau những ngày tốt đẹp. Yến không muốn sống với anh một cách gượng ép, khổ sở…
Yến khóc. Tôi xót xa nhìn Yến. Con chim nhỏ của tôi, con chim nhỏ xinh đẹp, con chim nhỏ gian dối một cách hồn nhiên, cô chỉ muốn hưởng thụ cùng một lúc quá nhiều thứ trong cuộc đời, nhưng tôi biết, lúc này Yến thành thật, và điều cô ta nói là đúng: sự thể đã không cứu vãn, mối tình của chúng tôi đã sớm tan, trước sau gì sẽ phải có buổi hôm nay…
Đến bây giờ, khi nhớ lại mọi chuyện, tôi vẫn không trách gì Yến cả. Thôi, đành thế, khi đã không thể chịu đựng được nhau, mỗi người đi một ngả là hơn…
Thế là – sau một năm rưỡi chung sống – chúng tôi chia tay nhau, chia tay nhau vĩnh viễn.
Bác tôi cho gọi tôi lên. Khi tôi đến, bác đang ngồi với một người cao lớn, mặc áo bảo hộ lao động, râu quai nón xanh rì hai bên cằm.
– Vào đây! – Bác tôi vẫy tôi vào. Rất quý tôi nhưng hôm nay trông thấy tôi, bác có vẻ rầu rĩ, bực bội lắm.
– Anh Toàn à, thằng cháu mà tôi nói chuyện với anh đấy! Xin phép anh, ta ngừng làm việc một lát, để tôi hỏi “hắn” đã – Bác tôi nói với người râu quai nón như vậy, rồi quay sang tôi hất hàm:
– Thế nào, bỏ vợ rồi hả, hay bị vợ bỏ? Đẹp mặt chửa? Nhưng khoan bàn chuyện ấy vội, tôi muốn hỏi anh chuyện khác. Tại sao anh bỏ bê công việc cơ quan, người ta giao việc cho không làm, hoặc làm bôi bác, cẩu thả, cử đi công tác không chịu đi – thế mà trước anh bảo anh thích bay nhảy – cũng không chịu có mặt ở cơ quan nữa? Người ta phàn nàn với tôi đủ chuyện về anh… Tóm lại, tại sao cơ sự lại như thế?
Buồn bã, thất vọng, ngồi trên chiếc ghế, người tôi rũ xuống như miếng giẻ rách. Tôi thú thật:
– Cháu không có khả năng làm báo, cháu không thích nghề viết báo, cháu chẳng hứng thú gì với những đoạn tin và bài tường thuật…
– Thế đấy: khăng khăng đòi cưới vợ rồi lại đùng đùng bỏ, hăng hái vào tòa báo rồi lại kêu không thích! Tôi biết ăn nói thế nào với bà, với mẹ cậu bây giờ? Cũng một phần tại tôi, tôi không chịu khó để mắt nhiều tới cậu, tôi cứ nghĩ: trên hai mươi tuổi, người thanh niên tự chịu trách nhiệm lấy đời mình… Hừ, rốt cuộc lại, bây giờ cậu muốn gì?
– Cháu chẳng muốn gì cả… Vô nghĩa lý hết… Cháu chỉ muốn chết quách đi cho rảnh, không thiết sống nữa…
– Cậu đã biết sống, đã sống thực sự bao giờ đâu mà nói không thiết sống? Muốn chết quách hả? Cái chết của những người như cậu chẳng có chút giá trị gì. Mà những người như cậu cũng có dám chết cơ… Đừng tưởng mình hay ho sâu sắc lắm, như thế là nghĩ dở, là “hâm” đấy cháu ạ… Bây giờ bác biết xử sự ra sao về cháu đây?
– Hay anh để tôi – người đàn ông râu quai nón tên là Toàn đứng dậy – Anh chàng này giống như thằng em tôi, cũng ương ương như vậy. Hay anh để cậu ấy về chỗ tôi, đội xà lan của tôi còn thiếu một tay lái phụ kiêm thợ máy – anh đập tay lên vai tôi – về chỗ bọn tớ đi, cậu sẽ thấy thích, sống ra sống nhá…
Bác tôi nghi ngại lắc đầu:
– Tính khí như nó, có làm thợ xà lan được không?
– Được chứ! – Toàn quả quyết – Chúng tôi sẽ rèn cho chú ấy cứng cáp. Mấy mươi năm làm việc với nhau, anh cứ tin ở tôi… Này anh bạn trẻ ranh mà đã một đời vợ, nhận lời đi, cậu sẽ hết buồn chán, yếu đuối… Mà ở chỗ tớ, lôi thôi là chúng tớ cho uống no nước sông, chứ không bỡn đâu… Có nhận lời không nào…?
Cái giọng ồm ồm của anh thoạt nghe thì khó chịu, nhưng rồi thấy dễ mến. Đang tức và tự ái về những lời của bác tôi, hơn nữa, nghĩ rằng đối với mình bây giờ thế nào cũng được, tôi nhận lời anh Toàn.
Tòa soạn báo đồng ý cho tôi chuyển xuống công tác ở đội xà lan của anh Toàn thuộc một công ty vận tải của ngành.
Ba ngày sau, Toàn đi xe đạp lên đón tôi về nơi ở của đội ngoài bến sông. Tôi lại đeo balô và xách một cái túi vải bạt như hồi rời thị trấn lên Hà Nội. Thấy tôi đi đôi dép nhựa rách mẻ, đứt tung cả hai quai, anh Toàn hỏi tôi làm sao không mua đôi dép khác, lại phải đi đôi dép thảm hại thế? Tôi thú nhận: em hết nhẵn cả tiền rồi.
– Được! – Toàn nói để ghé qua đây mình mua cho cậu đôi dép mới! Về đội cậu sẽ được phát thêm một đôi ủng. Phải ăn mặc cho đàng hoàng… Đàn ông đừng để phải lâm vào cảnh nghèo túng rách rưới quá, đến vợ nó cũng khinh cho! Như tớ đấy, cậu biết không: tớ có năm con, nửa tiểu đội chứ ít à, tớ lại phải nuôi hai cô em gái đang học cấp ba và một bà mẹ vợ bị lòa, thế mà các em, các con tớ vẫn được ăn học tử tế. Nhà tớ ở quê, những ngày nghỉ tớ tranh thủ đạp về, xây dựng cho vợ cơ ngơi đàng hoàng. Tớ đóng gạch xây nhà lấy, trồng đủ thứ cây quả, nuôi bốn, năm con lợn béo hú, một đàn gà đẻ trứng như điên. Tớ rèn cho lũ nhóc nhà tớ biết lao động ra trò, không được buôn gian bán lận gì cả, chỉ lao động chân chính thôi! Chúng nó ở trường là học sinh giỏi, về nhà làm góp công điểm cho hợp tác. Bà xã sướng tít cả mắt! Thế là yên tâm phần hậu phương, tớ tha hồ rảnh tay công tác! Mà không phải công tác lơ mơ đâu! Cậu biết không: đội ta tám năm liền là đội lao động xã hội chủ nghĩa, anh em năm nào cũng được lãnh tiền thưởng và tháng lương mười ba. Nghe đâu lại đang được Bộ đề nghị thưởng huân chương nữa cơ chứ… – Toàn dừng xe lại – Bà ơi, bán cho tôi đôi dép! Không phải, thứ này là nhựa tái sinh, đi đứt ngay, lấy cho tôi đôi kia kìa… Đấy, thanh niên giờ họ thích đi đế cao… Cậu đi thử vào xem nào… Vừa lắm, thế có phải chững chạc hẳn lên không?… Vứt mẹ nó đôi dép thảm hại của cậu vào gốc cây kia! Được rồi, bây giờ ta về đội…
Trên đường, Toàn tiếp tục giới thiệu về đội xà lan của anh:
– Cả đội đối với nhau như anh em ruột thịt, làm ra trò, chơi nổ trời. Không chỉ vận chuyển đâu, đại tu xà lan, canô, chúng tớ làm lấy tuốt: Chỉ tiêu, năng suất vượt hàng quý, cơm ăn hàng thùng… Rồi cậu sẽ thấy: đi xa đội chỉ dăm, bảy hôm là nhớ điên lên được… Đội ta có dãy nhà gỗ trên bến, nhưng có ở mấy đâu, quanh năm chúng tớ lang thang trên sông. Cậu sẽ thông thạo luồng lạch của tất cả các con sông, quen thuộc mọi bến bãi. Rồi mùa nước lũ, nước cạn, khi mưa bão, lúc đêm trăng… Tớ không phải nhà báo nhà văn như cậu để tả… Cậu cũng sẽ được chén đủ thứ cháo cá, gỏi cá tuyệt trần… Chỉ phải cái: dân sà lan trên sông anh nào anh ấy cũng đen bóng như tây đen, quanh năm nắng gió mà!
Về đến nơi, anh Toàn gọi cả đội ra hoan hô anh thợ mới là tôi, rồi anh bắt tay ngay vào việc. Đêm ấy, khi hàng hóa đang được bốc lên xà lan để chuẩn bị cho một chuyến đi mới – chuyến đi đầu tiên trên sông nước của tôi, ngồi cạnh anh Toàn, tôi lặng ngắm con người sống mạnh mẽ, thiết thực này, lòng tôi ngổn ngang nghĩ lại bao nhiêu chuyện đã qua và sẽ tới. Yến đang làm gì, đang đi chơi với ai! Lán bây giờ ở đâu? Và bà tôi, mẹ tôi, dượng và các em tôi, mọi người có biết tôi đang ở trên buồng lái chiếc tàu nhỏ của đoàn xà lan này và sắp bước vào cuộc đời mới? Tôi sẽ sống ra sao? Trước kia tôi đã sống ra sao – chưa bao giờ tôi nghĩ ngợi về điều ấy… Tôi rụt rè hỏi anh Toàn:
– Anh Toàn này, theo anh người ta sống ở trên đời, điều gì quan trọng nhất, điều gì thiếu nó ta không sống nổi? Có phải là sự tự do của bản thân mình không?
Anh Toàn rít một điếu thuốc to gộc, hàng râu quai nón của anh tua tủa dưới ánh lửa thuốc. Anh nói chậm rãi:
– Anh không thạo lắm các thứ lý lẽ… Tự do hiểu theo nghĩa đối với một dân tộc, một nước thì lại là chuyện khác, có ý nghĩa khác… Còn tự do hiểu theo nghĩa là lối sống tùy thích, không phụ thuộc vào điều gì của một người, thì mình nghĩ: nó không quan trọng lắm đâu… Nếu anh gắn bó với một điều gì, với một ai hoặc một tập thể nào, thì anh sẽ thấy không thể tự do muốn làm gì thì làm được! Giả dụ như mình: mình không thể tuỳ hứng chạy theo bất cứ cô gái nào khác, mặc dù ở trên đời này còn rất nhiều ả hay ho, hay ho hơn cả vợ mình nữa kia, nhưng mình yêu mụ vợ mình, mình phải có trách nhiệm với gia đình, với các con… Mình cũng không hứng chí lên bỏ đội xà lan này đi ngao du vui thú, uống rượu hay ngắm cảnh ở một nơi khác được mặc dù có những lúc mình muốn bỏ cha nó công việc đi chơi ít ngày, nhưng vì mình yêu đơn vị, mình là đội trưởng, mình phải có trách nhiệm lo lắng cho anh em… Cậu hiểu chứ?… Mặc thêm áo vào, lạnh đấy. Đêm nay có gió mạnh. – Anh thò đầu ra cửa sổ quát to – Mấy tướng ơi, xem lại dây chằng cẩn thận đi! Hỏi thằng Tùng xem nó lên y tế lĩnh thuốc dự trữ cho đội chưa, sớm mai phải đi rồi mà giờ còn lơ khơ, lơ khiếu thế hả?
Hai năm trôi qua kể từ ngày tôi xuống làm thợ xà lan. Tôi đã đổi thay nhiều trong hai năm ấy. Thoạt đầu, tôi chưa thật yêu thích gì công việc mới này, nhưng nể anh Toàn, tôi cố gắng làm tròn mọi việc anh giao cho. Tôi cũng tự ái không muốn thua kém những bạn thủy thủ khác, chẳng lẽ họ làm được, tôi lại không làm được? Rồi tôi cũng thấy tự hào vì những thành quả của đội tôi. Dần dần, đến tháng thứ bảy, thứ tám của đời thợ xà lan, đúng như anh Toàn nói: cuộc sống sông nước đã hấp dẫn tôi. Tôi đã quen với luồng lạch, kỳ nước lên, nước xuống của các con sông, các kho hàng, bến bãi, mọi công việc sửa chữa, điều khiển con tàu dắt nhỏ, các thứ kích, móc, dây xích, dây chằng của đoàn xà lan… Mặc dù không phải mọi việc đều êm đẹp, dễ dàng, không phải không có lúc tôi chán nản, nhưng đội vận tải đường sông đã thực sự trở thành gia đình của tôi. Đội đã phát triển thêm, chia làm mấy tổ vận chuyển, cùng một lúc hoạt động trên mấy bến khác nhau.
Cuối tháng tám ta, qua thời kỳ nước lũ lên cao nhất, tôi nhận được điện của mẹ tôi báo tin bà tôi ốm nặng. Hai năm qua, công việc bận rộn, tôi chỉ về thị trấn được hai lần trong hai kỳ nghỉ phép ngắn. Tôi trình bày với anh Toàn, anh bố trí cho tôi phụ trách một tổ vận chuyển ngược sông Thao. Trong những địa điểm ghé lại bốc dỡ hàng, có thị trấn nhỏ quê tôi, tôi sẽ được tranh thủ ghé thăm nhà, thăm bà tôi…
Nhưng tôi về tới thị trấn thì đã muộn: bà ngoại tôi đã mất tảng sáng hôm trước. May tôi còn kịp nhìn mặt bà lần cuối cùng trước khi đóng quan. Trông bà tôi bé nhỏ như một cô bé con. Mái tóc bạc đã chải cẩn thận, cái túi ăn trầu đặt cạnh người… Tôi nhìn mãi hai bàn tay bà tôi đặt trước ngực, hai bàn tay với những ngón gầy nhăn nheo. Hai bàn tay từng giặt giũ, bế ẵm, tắm rửa cho bao đứa con và cháu. Cuộc đời bà tôi là một chuỗi dài những nhẫn nại, vất vả hy sinh vì người khác. Bà tôi chẳng giữ gì cho mình cả, vậy mà khi đi vào giấc ngủ vĩnh viễn, gương mặt bà tôi thanh thản làm sao? Giây phút cuối cùng, bà nhớ gì, nghĩ gì về tôi? Bởi trong các đứa cháu, tôi là đứa cháu đã làm bà phải lo lắng nhất…
Từ nơi chôn cất bà tôi về, tôi đi dọc theo dãy phố nhỏ của thị trấn, dãy phố thuở bé tôi thường đi. Gió thổi rào rào. Trời cuối thu đã bắt đầu trở lạnh. Mẹ tôi đi cạnh tôi. Mẹ nói:
– Tuần trước cái Lán vừa ở đây. Hay tin bà mày ốm, nó về thăm mấy ngày, mang theo nào cam, trứng, mật ong bảo rằng của thầy u nó gửi cho bà. Suốt mấy ngày, nó ở liền cạnh bà, nâng giấc, chăm sóc bà từ hớp nước, thìa cháo…
Rồi nó phải về Hạ Hòa để vào năm học, nó dạy ở trường của xã. Lúc sắp ra tàu, nó ngồi cạnh bà hồi lâu, nó khóc. Bà nắm tay nó, dặn nó nói với thầy u rằng bà gửi lời chào. Và cám ơn những gì hai bác Lán đã làm cho bố mày xưa kia…
Ngồi trên bậc thềm ở chái nhà, tôi nhìn ra những ngọn đèn nhấp nhánh ngoài sông. Bóng những con thuyền lô nhô dưới bến… Chuyến phà tối vừa cặp bờ bên kia. Chắc Lán cũng đã sang sông trên chuyến phà ấy để lên tàu về Hạ Hòa? Tôi mường tượng thấy Lán ngồi im lặng bên cạnh bà tôi, nước mắt chảy ròng trên má…
Lán đã tìm về đây, đã ở liền mấy ngày bên bà tôi, Lán có còn nhớ gì đến tôi không?
Tối hôm sau, tôi rời thị trấn. Tổ xà lan của chúng tôi tiếp tục đi ngược sông Thao. Tới trưa chúng tôi ghé lại một trạm đỗ ở phía trên ga Ấm Thượng để giao phân đạm cho kho của phòng nông nghiệp huyện. Từ đây tới xã Lán ở chỉ chừng bảy, tám cây. Khoảng nửa đêm, xà lan của chúng tôi mới rời bến, trong khi đợi người ta bốc dỡ hàng xuống, tôi có cả buổi chiều rảnh rỗi. Chẳng kịp đắn đo, nghĩ ngợi gì, tôi mượn anh thủ kho cái xe đạp đạp về xã Lán.
Gần tới nơi, cảnh vật càng quen thuộc, tôi càng thấy nôn nao, hồi hộp. Tới con đường rẽ dẫn về nhà Lán, tôi dừng lại. Tôi thấy trên sườn đồi tấm bảng kẻ tên ngôi trường cấp hai của xã. Có lẽ Lán dạy ở đây. Sắp tới giờ tan học. Đã thấy học trò ùa ra cửa một, hai lớp học.
Tôi vào một quán nước bên cạnh đường. Bà bán hàng nhanh nhảu kéo ghế và rót nước cho tôi. Tiếng trống tan buổi đã thong thả vang lên. Tiếng trẻ cười nói, reo hò. Từng đám trẻ nhỏ tíu tít chạy trên con đường dốc từ trường xuống chân đồi. Có hai, ba cô giáo đi xuống, nhưng không phải Lán. Ngực tôi đập thình thịch: có Lán không? Tôi không dám bước ra khỏi quán, chỉ ngồi mà ngóng ra… Kia rồi, không phải tôi trông lầm, đúng là Lán rồi! Lán đi giữa đám học trò, một tay xách chiếc túi vải, một tay ôm chồng vở dầy. Tôi không nhìn rõ mặt Lán, nhưng hình như Lán không thay đổi gì, chỉ cứng cáp, chững chạc hơn trước đôi chút… Thấy vẻ không bình thường của tôi, bà hàng cũng nhìn ra, bà nhanh nhảu giới thiệu:
– Cô giáo hiệu phó đấy, cô Lán, cũng người xã này. Chú không ở đây, chắc không biết: cô ấy được học trò lẫn người lớn cả xã ai cũng quý – bà hàng hạ giọng thì thầm: tháng sau cưới đấy, lấy một anh cũng cùng dạy học ở trường, anh ấy là bộ đội về, thương binh. Cả hai đều đẹp nết, đẹp người… Mà kìa, chú xơi nước đi kẻo nguội… Chú mới ở huyện về à?
Tôi vâng dạ cầm chén nước lên. Lán đi ngang qua ngã ba ngay trước mặt tôi, cô cười vẫy lũ trẻ rồi rẽ vào con đường về phía xóm. Tôi ngồi lặng một lát rồi chào bà hàng, bước ra đường. Lán đã đi xa, tôi đứng nhìn theo hồi lâu, cho tới lúc màu xanh của áo Lán lẫn sau màu xanh của trẻ nứa và bờ cọ…
Thôi, chúc Lán hạnh phúc… Tại sao tôi lại quyết định ghé về đây, dù biết chắc rằng tôi sẽ không có can đảm gặp Lán? Những gì đã qua đi, không thể trở lại được nữa. Từ lâu tôi đã hiểu điều đó. Tôi không còn là gã con trai ngông nghênh mà yếu đuối, khờ dại ngày trước. Tôi đã biết sống mạnh mẽ, vững chãi, tôi đã có được sự quý trọng của bè bạn, đồng chí, đã tìm thấy ý nghĩa của đời sống, niềm vui trong công việc, nhưng tôi không thể lấy lại được, – dù chỉ một khoảnh khắc – quãng thời gian đã mất đi, tôi đã không tìm lại được Lán…
Nhưng mai đây, thế nào cũng có lúc tôi sẽ đến gặp Lán, không phải bây giờ mà có thể là nhiều năm nữa, khi tô có đủ nghị lực và bình tĩnh để kể với Lán rằng: Tôi đã để mất Lán một cách ngu ngốc ra sao, tôi đã sống lầm lẫn và đã phải vượt lên như thế nào để trở thành một con người thực sự. Lúc ấy, có thể Lán sẽ tha thứ cho tôi, và nếu không tha thứ cho tôi đi nữa, Lán cũng sẽ không phải hổ thẹn vì đã từng có lúc yêu tôi và tin cậy ở tôi.
Tôi nhìn lại những đồi cọ, đồi trẩu thân thuộc: vẫn mùi nhựa trám, mùi khói đốt cỏ tranh, những bụi chè búp non xanh mướt… Và những bông hoa xuyến chi. Bây giờ đang cuối thu, hoa xuyến chi nở trắng trên sườn đồi và lũng núi. Những bông hoa khác, hay là vẫn nhưng bông hoa của mùa thu ấy? Hoa xuyến chi, tình yêu đã mất của tôi, tia nắng dịu dàng lấp lánh từng chờ đợi tôi ở nơi xa, từ biệt em…
Trên đường trở về, trời đã tối sẫm. Rừng cọ xào xạc hai bên đường. Sông Thao ào ào phía trước mặt. Các bạn tôi đang chờ tôi. Vầng trăng lưỡi liềm sáng bạc đã hiện lên trên núi Buộm.
Lưu Quang Vũ
Thu 1980.
Thư, bài vở cộng tác vui lòng gửi tới Email:
Vui lòng ghi rõ nguồn khi copy nội dung từ website này.
© Copyright: chandungkesi.com