Bài thơ nhà viết kịch Tào Mạt tặng họa sỹ Trần Duy ngày 10/12/1991. Tặng họa sỹ Trần Duy Vương Duy tự thưởng họa trung thi Trần lão Thanh luyện trần tâm vô hạn cảm Thiên niên phong vật tận chiên lung Dịch nghĩa: Vương Duy đời Ðường tự khen mình trong thơ có họa Cụ Trần nước Nỗi đời đã được thanh lọc với sự cảm thông đến cùng cực Bao nhiêu phong cảnh và con người của đất nước Nghìn năm đều sáng dậy dưới nét bút của anh. |
Hiếm có người nào ngoài 90 tuổi lại sáng suốt tinh nhanh như họa sỹ Trần Duy: ông vẫn du hành bằng xe ôm, dùng điện thoại di động và nói tiếng Pháp như hơi thở. Trước ông kín đáo, giao tiếp hẹp nhưng thời gian gần đây, ông ít nhiều cởi mở hơn khi nói về cuộc đời mình. Phải chăng ông nghĩ, đã đến lúc cần sẻ chia một chút?
Họa sỹ Trần Duy sinh ra ở Huế nhưng lại cảm thấy mình không hợp với Huế, và chất Huế dường như không “ăn” vào con người ông. Sinh trưởng trong một gia đình phong kiến thực sự nền nếp và quy tắc, ông nội là phò mã của vua Thiệu Trị, bà nội là con quan, cha cũng làm quan cũng khiến ông cảm thấy vướng víu. Tất nhiên nhờ gia đình, ông được học hành bài bản và rất giỏi tiếng Pháp. Quãng đời sống ở Huế cũng cho ông những kỷ niệm tuyệt đẹp, đó là những tháng ngày tham gia hướng đạo sinh cùng với các cha cố và những người bạn theo đạo, để hưởng thụ thiên nhiên Huế trong tinh thần đậm màu sắc Châu Âu. Ðiều này về sau cũng tác động đến sáng tác của họa sỹ Trần Duy.
Năm 1940, chàng thanh niên trẻ Trần Duy ra Hà Nội lần đầu, và ngay lập tức cảm thấy yêu mến Hà Nội như thể đã có sẵn mối tiền duyên. Nhưng lần ra đi này cũng chẳng mang một lý tưởng gì, chỉ là một cuộc phiêu lưu thỏa mãn ham muốn rong ruổi của tuổi trẻ. Hành trang mang theo chỉ có một thùng sách mà đến giờ ông vẫn còn giữ. Lúc ấy, Trần Duy cũng chưa biết mình sẽ học gì và làm gì. Ban đầu ông định học ngành y dược. Có buổi lang thang đến một triển lãm tranh, ông gặp vài người bạn Huế học mỹ thuật, họ bảo ông: tính cậu lăng nhăng, vô kỷ luật, kém đứng đắn, không học y dược được, đi học mỹ thuật đi. Trần Duy nghe nói có lý, liền đi học vẽ và nửa năm sau, thi đỗ vào trường Cao đẳng Mỹ thuật Ðông Dương. Từ năm 1942 đáng nhớ ấy cho đến năm 19445, Trần Duy là sinh viên của Mỹ thuật Ðông Dương, và lại có một quãng đời thật đẹp nữa.
Trần Duy học mỹ thuật và cũng không lâu để định hình được con đường nghệ thuật cho mình. Bỏ qua sơn dầu, thứ nghệ thuật quá mới lạ từ Châu Âu, bỏ qua thể loại lụa thủy mặc kiểu Tàu cũ kỹ và bế tắc, bỏ qua lụa rửa vì sự phiêu lưu của nó, Trần Duy dừng lại ở lụa đa sắc. Ông cho biết mỗi loại hình nghệ thuật có vẻ đẹp riêng. Với lụa, nó đẹp, nó biến ảo, mềm mại nhưng lại đòi hỏi cái logic tuyệt đối của tư duy để tạo ra sự vững chắc thành hình thành khối, và tất nhiên, cảm xúc thật nữa. Những đặc tính này của lụa hợp với Trần Duy: con người tài hoa, duy lý và nhạy cảm.
Cách mạng nổ ra, người hoạ sỹ trẻ đi theo kháng chiến, làm báo, vẽ tranh, áp phích cổ động tuyên truyền, đi đánh trận, đánh sân bay Gia Lâm… Sau năm 1954, ông trở về Hà Nội và làm họa sỹ cho báo Văn nghệ. Lúc ấy Trần Duy hay xách giá vẽ đi vẽ các con đường Hà Nội. Trong kí ức của ông, những con đường của Hà Nội xưa đẹp và thơ mộng vô cùng, và mỗi con đường đều có ngôn ngữ, cảm xúc riêng của nó. Ông thấy tiếc là giờ đây không cảm thấy được cái hồn của những con đường như thế nữa, có lẽ cuộc sống đô thị đã cuốn nó đi mất rồi.
Rồi vì những thăng trầm của cuộc đời, họa sỹ Trần Duy một quãng thời gian khá dài giống như một người mai danh ẩn tích ngay giữa lòng Hà Nội náo động. Những bạn bè thế hệ ông hoặc là ra đi, hoặc không có điều kiện để qua lại với nhau và cái tên Trần Duy gần như chìm vào quên lãng.
Ðến tận cuối những năm 80, họa sỹ Trần Duy mới trở lại. Lúc này ông đã ngoại bát tuần, mang trong mình nhiều u uẩn nhưng tranh vẫn lụa là, tươi trẻ và đầy rung cảm. Dù quỹ thời gian không nhiều, ông cũng đã kịp làm hai triển lãm và ra 4 cuốn sách, trong đó có nhiều bài lý luận phê bình nghệ thuật, đủ thấy sức làm việc gấp gáp và nhiệt huyết thế nào.
Với lụa, quả thật Trần Duy duy lý và tài hoa. Tranh của ông luôn có bố cục chặt chẽ, các sắc thái đậm nhạt, sáng tối tinh tế đến mẫu mực, việc lựa chọn sắc màu cứ như là nó tất yếu phải thế. Tuy vậy nếu đẩy sự duy lý đến độ cực đoan thì tranh sẽ Trần Duy chỉ còn là những bức đồ họa tốt, những bức vẽ trang trí khô khan. Nhưng chính sự tài hoa của Trần Duy với lối vẽ chau truốt, tỉa tót, cẩn trọng và tâm hồn nghệ sỹ đầy rung cảm đã giúp Trần Duy sáng tạo nên những bức lụa diễn tả sống động cái thần thái của con người và sự vật. Tranh lụa của Trần Duy giống như thơ lãng mạn thế kỷ trước: trong trẻo, tinh tế, gợi những rung cảm sâu xa, nhiều bức gây cảm giác phải nín thở kẻo làm tan đi cái không khí trong suốt mỏng manh ảo diệu của nó. Có người nói tranh lụa của Trần Duy “luôn man mác một thứ tình cảm triết học tự nhiên và thanh thoát”, quả là đã bắt được cái tinh thần của tranh lụa Trần Duy.
Bút pháp vẽ lụa đa sắc của Trần Duy đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật tạo ảo giác, vốn rất khó thực hiện trên chất liệu lụa. Ông vẽ lụa “khô” mà bảng lảng tưởng như mảng mực loang của thủy mặc, hay là giống như lụa rửa, bởi lối vẽ uyển chuyển, mượt mà, tinh vi trong diễn tả đậm nhạt, sáng tối.
Trần Duy thường hứng thú với phong cảnh thiên nhiên, làng quê, cây cỏ. Với ông, đó là nơi nương náu của tâm hồn nên khi vẽ luôn thấy chan chứa cảm xúc. Ông tự nhận mình đã bị “Hà Nội hoá”, và cái miền Bắc tuy cũ kỹ và nho giáo đấy nhưng là nơi vun đắp tâm hồn ông. Tranh lụa của Trần Duy là sự hội tụ của hơi hướng hội họa trang trí kiểu Nhật Bản, tính khoa học của hội họa bác học Châu Âu và một tâm hồn mang cội nguồn Việt. Hàng ngàn bức tranh lụa đã chu du khắp thế giới, có mặt trong nhiều bộ sưu tập của các nhà sưu tập nổi tiếng.
Họa sỹ Trần Duy nói: Thực ra cuộc sống của mỗi người là riêng nhau và không ai giống ai, không ai cuốn vào ai. Miễn là đừng sống lừa đảo và đừng vẽ giả dối. Ông kể, trong một hội nghị văn hóa có thuyết trình về Truyện Kiều năm 1947, ông được yêu cầu vẽ một chân dung Nguyễn Du. Khi ông phân trần rằng ông chẳng có chút tài liệu nào thì người ta nói: cứ vẽ một nhà nho, trí thức, đẹp. Thế là ông vẽ. Phan Khôi khi xem tranh đã răn đe ông nghiêm khắc rằng viết văn vẽ tranh không thể dối trá được; với một nhân vật lịch sử còn dối trá thế thì các thứ khác sẽ thế nào. Ông nhớ mãi lời nhắc nhở của con người đáng kính ấy.
Họa sỹ Trần Duy có một vốn kiến thức uyên thâm, cộng với tâm hồn nhạy cảm và năng khiếu nghệ thuật, khiến ông cũng say mê cả văn chương. Từ những năm 50 ông đã có vài truyện ngắn gây tiếng vang như Người khổng lồ, Tiếng sáo tiền kiếp. Sau này, ông có vài truyện ngắn khá hay mà nổi tiếng nhất là Lụy. Lụy đã được trao giải truyện ngắn hay nhất của báo Văn nghệ năm 1997 và khiến nhiều người phải thốt lên: không ngờ một ông già mà lại còn trẻ trung và lãng mạn đến thế. Trần Duy viết truyện cũng giống như vẽ tranh, dìu dịu, man mác, đẹp và sang trọng. Lụy thực ra cũng là một ý thức của ông về hội họa: yêu cái đẹp cần phải trung thực, dũng cảm và dám chịu trách nhiệm với cái đẹp ấy.
Chắc chắc, cả cuộc đời họa sỹ Trần Duy đã làm như vậy.
Theo Nguyễn Hoàng Diệu Thủy- Bản tin ĐHQG Hà Nội số 214, 2008
Thư, bài vở cộng tác vui lòng gửi tới Email:
Vui lòng ghi rõ nguồn khi copy nội dung từ website này.
© Copyright: chandungkesi.com